Phạm Ɖình Lân


Cầu nguyện

  

Con người thời nguyên thủy sợ đủ thứ. Sợ mặt trời. Sợ mặt trăng. Sợ các hiện tượng thời tiết (lụt lội, bão tố, hạn hán, sâu bọ). Sợ thú dữ v.v. Óc mê tín, dị đoan tự nhiên nảy nở.

Ở vùng có nhiều Rắn, Sấu, Cọp, Beo và thú dữ thì người ta thờ Rắn, Sấu, Cọp, Beo và các loại dã thú có thể gây phương hại đến đời sống của họ. Người ta không ngần ngại gọi Voi, Cọp, Cá to lớn bằng ÔNG một cách sợ sệt và kính cẩn.

Triết lý dẫn con người đến tôn giáo từ đa thần đến độc thần. Khi gặp chuyện gì khó khăn ảnh hưởng đến an ninh, đời sống, sức khỏe, sự nghiệp tương lai, người ta dùng sự cúng tế và lời khấn nguyện để cầu xin. 99,9% các lời cầu nguyện xuất phát từ lợi ích cá nhân và gia đình. Một tỷ lệ cực kỳ nhỏ dành cho tha nhân, đất nước và dân tộc. Mỗi làng xã ở Việt Nam hàng năm đều có lệ cúng Kỳ Yên (Cầu An), cầu cho mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp. Việc cầu quốc thái dân an do Vua chủ trì. Vua được xem và tự xem là Thiên tử thay Trời để trị nước, an dân, mang ấm no hạnh phúc cho họ. Thiên mệnh sẽ lung lay nếu Vua không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Gạt chuyện to lớn qua một bên để nói chuyện nhỏ liên quan đến sự cầu nguyện cho lợi ích của cá nhân mình.

Theo sự hiểu biết thô thiển, chúng tôi ví lời cầu nguyện như một đơn xin về một chuyện gì đó. Lời cầu nguyện có được đáp ứng hay không cũng giống như đơn xin có được đáp ứng hay không. Một đơn xin không được được cứu xét khi:

1. Nội dung của nó không rõ ràng, ý tứ lộn xộn khiến người đọc không hiểu người làm đơn muốn nói cái gì để cứu xét.

2. Sự cầu xin không hợp tình và hợp lý.

3. Ɖơn gởi không đúng chỗ có thẩm quyền cứu xét.

Lời cầu nguyện không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Vì sao?

a. Tâm người cầu nguyện không thanh sạch? Sự cầu xin thiếu khách quan và sự công bằng mà chỉ đầy dẫy lợi lộc ích kỷ?

b. Nội dung lời cầu nguyện không rõ ràng giống như một đơn xin viết lộn xộn, ý tứ ngổn ngang khó hiểu người cầu nguyện muốn cái gì?

c. Người cầu nguyện hướng về ai khi cầu nguyện?

d. Người cầu nguyện có thực sự bất tư nghì khi cầu nguyện không? Chúng ta tạm ví trường hợp này với hình ảnh một người làm đơn lên quan huyện để xin một việc gì đó. Khi đưa đơn cho quan huyện người ấy hỏi: “Ông có thẩm quyền giúp tôi không?” Câu hỏi này cho thấy người xin trong đơn không đủ tin tưởng về thẩm quyền của người cứu xét đơn mình. 99,9% câu trả lời của quan huyện là “Không.”

e. Thiếu sự thiết tha và thành khẩn mà chỉ cầu xin lấy lệ cho vui.

Cho nên người có đức tin (faith – foi), có óc khách quan, công bằng và nhân ái cầu nguyện có năng suất cao hơn người không có những đức tính vừa kể.

Cầu nguyện hướng về ai?

Tùy theo tôn giáo của người cầu nguyện. Thông thường Đức Mẹ Santa Maria (Thiên Chúa Giáo), Đức Chúa Jesus (tín hữu Thiên Chúa Giáo, Tin Lành); Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Phật nếu là tín hữu Phật Giáo; Đức Allah nếu là tín hữu Hồi Giáo. Người thờ Quan Công khấn nguyện với Phật Già Lam. Ở Việt Nam, người mất vật gì trong nhà thường khấn vái Ông Địa. Thổ Thần, Thổ Địa, Thần Táo được xem là các vị đặc trách chuyện “nội vụ” nhà cửa. Người Do Thái cầu nguyện tập thể tại Bức Tường Than Khóc ở Jerusalem, tâm hướng về Đức Jehovah.

Pháp là quốc gia Thiên Chúa Giáo. Đó là một quốc gia phát triển quan trọng trên thế giới trên các lãnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học, kỹ thuật từ thế kỷ XVII về sau. Ít ra Pháp có 50 nhân vật được thế giới biết đến như Louis XIV, Napoléon I, Charles De Gaulle, Clémenceau, Henri Poincarré, Louis de Broglie, Colbert, Richelieu, Pascal, Descartes, Pasteur, Claude Bernard, Victor Hugo, Lamartine, Marie Curie, Chopin, La Fayette, Ferdinand de Lesseps, Chateaubriand, Corneille, Racine, Alfred de Musset, Alfred de Vigny, Albert Camus, George Sand, Beaudelaire, Jean-Paul Sartre v.v. Chắc chắn người Pháp không thiếu tinh thần khoa học kể cả óc vô thần.

Chuyện người bịnh bất trị đã khỏi khi đến cầu nguyện Đức Mẹ Lourdes (Notre Dame de Lourdes – Our Lady of Lourdes) mà người Việt Nam gọi là Đức Mẹ Lộ Đức không phải là chuyện mê tín dị đoan, mộng mị mà là chuyện có thật được nhiều người công nhận. Đức tin và sức mạnh của sự cầu nguyện trở thành một võ khí cực mạnh và cực thanh sạch để cứu người.

Tôi sống gần bà tôi một thời gian ngắn ngủi. Điều tôi để ý nhất về bà là chiều nào bà cũng cúng nước ngoài bàn Thiên và van vái dài dòng rất văn hoa mặc dù bà tôi là người sinh vào hậu bán thế kỷ XIX, thời kỳ phụ nữ không được đi học. Như bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác cùng thời, bà không biết chữ nhưng lời cầu nguyện của bà rất văn hoa, dài dòng, khó nhớ đến nỗi bây giờ tôi không nhớ được câu nào ngoại trừ những chữ như: Hoàng Thiên Hậu Thổ, Đất Đai Nhân Trạch v.v. Thông thường người không học thì nét mặt thiếu vẻ sáng. Bà tôi có vẻ ngược lại. Mắt bà rất sáng như trí của bà. Trí nhớ và cách tính nhẩm của bà rất tốt. Điều đặc biệt là bà sống rất ung dung và được dân trong làng trọng nể yêu vì. Một người em trai của bà giỏi về võ nghệ, tánh tình hung hăng hay hiếp đáp các chị trong nhà. Nhưng ông không bao giờ dám đụng chạm đến người chị cả của ông tức bà tôi. Bà sống an lành và sung mãn qua hai cuộc chiến khốc liệt trên quê hương trong làng sinh quán của mình. Bà ra đi êm ả ở tuổi 90. Đám tang của bà rất trọng thể. Có phải chăng đó là sự hồi âm của những lời khấn nguyện hằng ngày của bà? Đó là điều tôi học nơi bà tôi trong thời gian ngắn ngủi sống bên cạnh bà.

Sau năm 1975 người anh cả của tôi nói cho tôi biết về chuyện một người bạn của anh làm việc cho một nhà buôn Pháp ở Sài Gòn trước năm 1975. Sau năm 1975 người bạn này có con vượt biên và định cư ở Ý. Vài năm sau con của anh ấy bảo lãnh anh sang Ý. Anh cảm thấy lạc lõng ở Ý vì không có công việc. Cuộc sống không mấy khả quan. Ngôn ngữ lạc lõng. Ở Sài Gòn anh nói thông tiếng Pháp và biết chút ít tiếng Anh. Anh có nhà cửa khang trang, rộng rãi ngay tại Sài Gòn. Đến Ý, anh như người mới bắt đầu đi học nếu muốn giao dịch với người địa phương. Càng ở xa đô thị càng buồn thêm. Một người có khả năng, muốn làm việc lại thúc thủ trong vùng hẻo lánh của một nước tân tiến thì không sao không buồn nản được. Ngay cả nhiều người Ý cũng vượt biên giới sang Pháp tìm công việc làm.

Một hôm người bạn của anh tôi thăm viếng thành phố Lourdes trên chân đồi trong dãy Pyrénées cực tây nam nước Pháp. Khi còn ở Sài Gòn anh vẫn nghe nói nhiều về Đức Mẹ Thành Lourdes (Notre Dame de Lourdes). Anh đến đó khấn nguyện hàng giờ về hoàn cảnh khá tuyệt vọng của anh: người hoạt động lại rơi vào cảnh thụ động. Người nói thông thạo tiếng Pháp lại sống ở một nước Ý với ngôn ngữ xa lạ với anh. Anh đã mất rất nhiều:

Anh ngồi và khấn nguyện hàng tiếng đồng hồ khiến cho một người Pháp để ý đến. Người Pháp tiến gần người bạn của anh tôi và hỏi: “Xin lỗi, tôi thấy ông ngồi ở đây hàng giờ. Xin lỗi, tôi hỏi tò mò không biết ông có tâm sự gì chăng và ông khấn nguyện điều chi?” Người bạn của anh tôi không ngần ngại trình bày hết nỗi lòng của anh và cho người Pháp biết anh ước muốn có một công việc làm nhưng vẫn không có. Anh cho người Pháp ấy biết anh có gần 30 năm làm việc cho nhà buôn Pháp DF (Denis Frères) ở Sài Gòn.

Nghe xong câu chuyện, người Pháp vui mừng cho biết ông có một nhà buôn như DF và ông đang cần một người có chuyên môn và kinh nghiệm như người bạn của anh tôi có. Ông đưa cho bạn anh tôi một carte visite và nói: “Ông về Ý thu xếp việc nhà. Xong đến địa chỉ này để gặp tôi và bắt đầu nối lại công việc bị gián đoạn từ năm 1975 đến nay.”

Thế là việc cầu nguyện được đáp ứng ngay tại chỗ. Anh cả tôi đã mất cách đây 20 năm. Không biết bây giờ người bạn của anh còn sống ở Pháp hay không.

Tôi vô cùng xúc động khi đọc một bản tin cho biết cựu đại sứ Pháp Jean-Marie Mérillon ở Sài Gòn cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ, đã cùng vợ đến Lourdes cầu xin cho nước Việt Nam. Nếu tin này có thật, là người vô danh ở một góc Trời, tôi chân thành cảm kích nghĩa cử cao thượng của một nhà ngoại giao ngoại quốc một thời phục vụ trên đất nước Việt Nam thân thương, nơi từng đầu cây ngọn cỏ đều lưu lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong tâm não người Việt Nam.

Trên hành tinh nầy việc xấu nhất, tốt nhất và hiếm hoi nhất vẫn diễn ra đều đều. Nguyên lý sinh tồn vẫn dựa vào các phương châm hầu như bất di dịch: Ai tìm kiếm thì gặp.
Ai xin thì được.
Ai gõ cửa thì cửa sẽ mở.

Không người cha, người mẹ nào dù tàn nhẫn đến đâu cũng không cho con mình rắn khi chúng xin bánh. Đó là những chuyện hiển nhiên xảy ra trước mắt.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/caunguyen.htm


Cái Đình - 2021