Hoàng Quốc Dũng


Xung đột ở Trung Đông và xung đột ở Việt Nam?

   

Nếu Chiến tranh Nga-Ukraine đã làm cho kinh tế thế giới giảm tốc độ tăng trưởng, thì chiến tranh Israel-Palestine làm cho nó dừng hẳn. Kinh tế của Israel thì khủng hoảng lao động trầm trọng. Lính dự bị buộc phải bỏ việc làm đi đánh nhau. Người lao động nước ngoài trong đó có một phần lớn người Palestine mất việc. Người nước ngoài khác thì buộc phải kéo nhau về nước.

Những người lính Ukraine đang chiến đấu trong những tuyến hào
trên mặt trận miền đông nam, gần làng Avdiivka - Ảnh chụp ngày 28/10/2023

Thủ đô Israel giống như một Kiev thứ 2. Các Nguyên thủ Châu Âu thi nhau kéo sang: Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Ý… Tưởng chừng như Chiến tranh Ukraine Nga không còn là mối quan tâm hàng đầu của Châu Âu.

Tuy nhiên, ngày 26/10/23, các nguyên thủ quốc gia của Châu Âu lại tập trung ở Bruxelles để khẳng định sự ủng hộ của Châu Âu với Ukraine. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng không phải không có những rạn nứt hay khác biệt trong việc ủng hộ Ukraine.

Thủ tướng mới của Slovakia, Robert Rico, ngược lại với người tiền nhiệm, tuyên bố rằng sẽ không tiếp tục giúp đỡ quân sự cho Ukraine và cũng có thể không bỏ phiếu những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga khi ông ta chưa đánh giá được những hậu quả đối với Slovakia.

Trầm trọng hơn là trường hợp của thủ tướng Hungary, Viktor Orban đã nói rằng ông ta đã tự hào được bắt tay Putin ngày 17/10 tại Trung Quốc, không ủng hộ đề xuất của Châu Âu giúp chính phủ Ukraine 50 tỷ euro cho giai đoạn 2024-2027.

Ngoài ra cũng phải kể đến Italia và Hy Lạp cũng qua vụ này muốn gây áp lực với Châu Âu, muốn Châu Âu phải chi tiền cho họ để giải quyết các vụ người nhập cư với số lượng rất lớn trong thời gian qua vào nước họ.

Nói tóm tắt là cả 4 lãnh đạo quốc gia này, qua vụ Ukraine và người nhập cư bất hợp pháp, đều có vẻ như phản đối kế hoạch tài trợ 50 tỷ này cho Ukraine với ẩn ý “đe dọa” sự đồng thuận của Châu Âu để có được cái mình cần (tiền). Trong 4 quốc gia này thì Hungary là trầm trọng vô cùng. Tuyên bố của Viktor Orban giống như chửi vào mặt các nước đang ủng hộ Ukraine.

Tôi đã từng nói ở bài trước là chiến tranh Israel-Palestine đúng là một món quà từ trên trời rơi xuống, trúng đầu Putin. Cuộc chiến Ukraine-Nga, dù sao chăng nữa cũng còn thấy có lối thoát. Các nước ủng hộ Ukraine tương đối thống nhất đoàn kết ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, cuộc chiến Israel-Palestine gây chia rẽ trầm trọng các nước.

Quân Hamas ăn mặc như thường dân ăn mừng chiến lợi phẩm ngày 7/10/2023

Một thí dụ cụ thể có thể thấy qua vụ bỏ phiếu nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu ngừng bắn vì lý do nhân đạo:

Mỹ tăng cường lực lượng chưa từng có ở Trung Đông. Tầu sân bay thứ 2 cũng đang tiến tới đây. Tổng cộng đã có hơn 15 tầu chiến Mỹ ở đây và không biết bao nhiêu tầu ngầm, với số lượng binh bính trên 15.000 người. Lầu 5 góc tuyên bố đã bắn phá các cơ sở của những lực lượng vệ binh cách mạng Iran. Mỹ cảnh báo Iran muốn gây sự và mở rộng chiến tranh trong vùng.

Trong khi đó Israel vẫn ngày đêm tăng cường bắn phá dải Gaza và đổ bộ quân ở phía bắc, gây một thảm họa khủng khiếp cho người dân ở Gaza. Israel cũng tấn công cả người Palestine ở West Bank (Cijordanie). Pháp cực lực phản đối…

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng ủng hộ mạnh mẽ Palestine. Nội bộ của các nước dân chủ phương Tây cũng rất chia rẽ về vấn đề Israel-Palestine và ngay cả trong Israel cũng có các lực lượng không ủng hộ chính sách của thủ tướng Israel.

Vấn đề Israel-Palestine vô cùng phức tạp và rắc rối nên cũng gây chia rẽ khủng khiếp. Không có hiểu biết đầy đủ thì không nên phát biểu liều. Rất nhiều bạn tìm mọi cách để chứng minh Israel là chính nghĩa, đất đó là đất của họ. Các bạn ấy tin rằng cũng như những lần trước, Israel sẽ thắng và chấp luôn cả khối Ả rập…

Đúng, Israel có thể chiến thắng, nhưng với giá nào? Nếu Israel cứ hành sử như từ trước đến giờ thì đất nước này sẽ không bao giờ được sống trong hòa bình.

Israel có quyền lấy lại đất cho là của mình cách đây mấy nghìn năm, tại sao người Palestine lại không có quyền đó?

Israel có quyền thành lập một nhà nước, sau hàng ngàn năm tán loạn, tại sao Palestine lại không có quyền thành lập một nhà nước trên mảnh đất mà họ đã từng sống ở đó cũng cả ngàn năm?

Trong mấy chục năm qua, Israel có quyền coi thường nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, liên tục mở rộng các khu định cư kể cả trong vùng sinh cư của người Palestine. Qua đó các khu định cư của người Palestine càng ngày càng bị thu hẹp lại và không thể có một đất nước thống nhất vì lãnh thổ bị phân tán làm hai nợi cách biệt nhau, West Bank và Gaza Strip, rất khó đi lại. Phải nói Nhà nước và mọi sinh hoạt hành chính, tài chính, kinh tế của Palestine lệ thuộc vào Israel. Nguồn tài chính và phương tiện vật chất của chính quyền Palestine tại hai nơi do chính quyền Israel cung cấp. Nói chung cuộc sống của người Palestine ở hai nơi này không phải là cuộc sống độc lập, tự do, họ sống như đi ở nhờ… Do bị áp bức về cuộc sống không có tương lai, giới trẻ Palestine được giáo dục trong sự hận thù người Israel và sẵn sàng chết cho Thánh chiến (Jihad).

Tổ chức Hamas bị coi là một lực lượng khủng bố? Đúng, quá rõ. Hamas đã giết người một cách man rợ? Nhưng trong hơn 70 năm qua, Israel đã giết chết bao nhiêu người Palestine? Và bây giờ đây, hàng ngày bom đạn cứ dội ồ ạt trên đầu họ mà họ lại không có phương tiện để chống đỡ. Người ta cứ lẫn lộn Hamas với người Palestine ở Gaza, vì lực lượng khủng bố Hamas sống trà trộn vào dân. Hơn nữa binh lính Hamas không mặc quân phục, họ ăn mặc như một thường dân nên mỗi khi bị quân đội Israel bắn chết, Hamas thường bêu xác và chụp ảnh những người này như là thường dân bị sát hại. Cái vòng lẩn quẩn và tráo trở là ở chỗ đó.

Dân quân Hamas ăn mặc như thường dân diễu hành trên đường phố tại Gaza

Người Palestine không có một nhà nước và một quân đội thống nhất, hai vùng đất là hai vùng tự trị khác nhau. Dải Gaza do Hamas thống trị, West Bank do Fatah lãnh đạo, tổ chức chính quyền của hai nơi này đối chọi với nhau. Mỗi khi giới trẻ Palestine bị xúi dục đánh phá thường dân hay binh lính Do Thái, chính quyền Israel liền trả đũa bằng cách đánh sập nhà cửa và cơ sở của những người liên quan. Và máu cứ gọi máu, sự hận thù chỉ có tăng chứ không hề giảm. Vậy người Palestine phải đấu tranh sinh tồn bằng cách nào? Do sinh sống trong một khu sinh tồn hạn hẹp, không có lối thoát cộng thêm một nền giáo dục hận thù, phản ứng tự nhiên của người yếu thế là đánh du kích, khủng bố, lấy thường dân làm bia đỡ đạn. Tôi không có ủng hộ khủng bố nhé. Ở đây tôi nói đến cái tất yếu của họ.

Vấn đề cơ bản của cuộc xung đột Israel-Palestine vẫn là do những kẻ cực đoan của cả hai bên đều mong muốn tiêu diệt toàn bộ bên kia, một điều không thể thực hiện được. Vậy phải có một giải pháp chính trị. Giải pháp đó là gì? Có lẽ chưa ai biết nhưng giải pháp mà Israel vẫn tiến hành từ mấy chục năm nay chắc chắn là một giải pháp rất tồi, tồi cả về mặt kết quả và về mặt đạo đức.

Người Việt Nam chúng ta có may mắn là không bị chia rẽ vì lý do tôn giáo, tranh giành đất đai hay chủng tộc. Nhưng chúng ta lại là một dân tộc bị chia rẽ nhiều nhất. Tất cả các mầm mống chia rẽ của thế giới đều làm cho chúng ta chia rẽ thêm. Tôi nói đơn cử một vài thí dụ điển hình.

  1. Chỉ nội hai khái niệm cộng sản và không cộng sản đã khiến chúng ta đánh nhau bằng đủ loại súng ống trong 50 năm, làm chết hàng triệu người. Sau khi tiếng súng im bặt, chúng ta lại đánh nhau bằng những kiểu khác trong suốt gần 50 năm (tính đến năm 2023) và không biết đến bao giờ mới thôi: thóa mạ, chụp mũ và nhét vào mồm những người chống đối những lời lẽ mà họ không hề nói ra để kết tội và bỏ tù.
  2. Khi Nga mang quân xâm lược trắng trợn Ukraine, giống như Trung Quốc xâm lược nước ta trong những năm 1979-1982, tưởng rằng vấn đề quá đơn giản làm gì có chuyện chia rẽ, vì đó chỉ là cuộc tranh chấp giữa Nga và Ukraine. Nhưng không, chúng ta cũng chia ra làm hai phe chửi nhau chí chóe. Chẳng ai can được.
  3. Chiến tranh Israel-Palestine rất ít liên quan đến Việt Nam, nhưng cũng làm chúng ta chia rẽ lớn. Các “cao thủ võ lâm” ào ào bàn ra tán vào, ì xèo phê phán lẫn nhau. Người thì ủng hộ bên này, kẻ thì ủng hộ bên kia. Bên nào cũng cho mình nắm chân lý tuyệt đối…
  4. Việt Nam là một đất nước kỳ lạ. Có những chuyện chẳng liên quan gì đến Việt Nam cũng có thể làm chúng ta chia rẽ trầm trọng. Chẳng hạn như chuyện bầu cử ở nước Mỹ đã qua. Thay vì cứ coi đó như là một cuộc bầu cử như bao nhiêu cuộc bầu cử trước đó, chúng ta lại đi thần tượng anh “Chum” để rồi chia rẽ một cách khủng khiếp, có người còn không nhìn mặt những người bạn cũ nữa…

Tôi là người hay viết về các vấn đề thời sự, viết một cách khách quan và có nghiên cứu, không bao giờ cực đoan. Nhưng không vì thế mà tôi có thêm bạn bè. Đa số các bạn bè cũ của tôi, kể cả một số người anh em họ hàng, dần dần xa lánh tôi. Đó là kết quả cụ thể của các vụ chia rẽ nêu trên đấy.

Tôi nghĩ, nếu thế giới này có thêm một vụ xung đột nữa, như giữa Đài Loan và Trung Quốc hay trên Biển Đông, thì người Việt Nam có thể sẽ không còn ai chơi được với ai nữa, vì ai cũng tin mình là người nắm chân lý.

Bọn thống trị chỉ chờ có thế. Chúng có câu thần chú để bắt nhốt bất cứ ai chống lại mình bằng những bản án tù nặng nề là: “âm mưu diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù địch”.

   

Hoàng Quốc Dũng
(30/10/2023)

Nguồn: thongluan-rdp.org

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/xungdototrungdong.html


Cái Đình - 2023