Lê Ngọc Vân


Vì sao mặt trời đang lặn trên chủ nghĩa cung ứng phúc lợi theo phong cách châu Âu

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu Christine Lagarde đã cảnh báo rằng
châu Âu phải đối mặt với tương lai doanh thu thuế thấp hơn và tỷ lệ nợ cao hơn –
Szilard Koszticsack/Shutterstock

Trong nhiều thập kỷ, giới tinh hoa tả phái của Anh đã nhìn vào mô hình xã hội tốn tiền bạc của châu Âu với một mức kính nể.

Pháp, Đức và các nước Bắc Âu (Scandinavia) từ lâu đã được coi – có lẽ đã nhìn qua lăng kính màu hồng, là những ví dụ về việc Vương quốc Anh có thể được như vậy, nếu chính phủ không quá hà tiện.

Dưới thời Sir Keir Starmer, Đảng Lao động quyết tâm mang lại cho đất nước một vị thế lớn mạnh hơn nhiều. Các dự báo chính thức được công bố cùng với Ngân sách vào tháng trước cho thấy chi tiêu của chính phủ sẽ nằm ở mức khoảng 45% GDP.

Trước đây, chi tiêu quốc gia chưa bao giờ được duy trì ở mức này, nó chỉ đạt mức cao như vậy trong thời gian ngắn trong những thời điểm tồi tệ nhất của quốc gia – bao gồm đại dịch, khủng hoảng tài chính và cú sốc dầu mỏ trong những năm 1970.

Vì vậy, cuối cùng Vương quốc Anh cũng có cơ hội trở thành một nền dân chủ xã hội có chi tiêu cao, trong giấc mơ của Đảng Lao động.

Nhưng thật không may, đây là thời điểm bà Christine Lagarde đã chọn để đưa ra một cảnh báo cực kỳ sống động: Các mô hình xã hội của châu Âu hoàn toàn không bền vững.

Các nền kinh tế yếu kém và không đủ sức cạnh tranh có nguy cơ cạn kiệt tiền bạc để tài trợ cho các nhà nước phúc lợi đang phát triển mạnh của họ trừ khi họ có thể đảo ngược tình trạng suy thoái tương đối trong nhiều thập kỷ và noi theo thành công vượt bậc của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cảnh báo.

“Tăng trưởng năng suất của chúng ta ở châu Âu đang chậm dần, điều đó có nghĩa là khả năng tạo ra thu nhập của chúng ta đang giảm dần. Nếu không được kiểm soát, chúng ta sẽ phải đối mặt với tương lai doanh thu thuế thấp hơn và tỷ lệ nợ cao hơn”, bà nói, trong bài phát biểu tại Paris.

“Chúng ta phải đối mặt với tỷ lệ phụ thuộc vào sự lão hóa của dân chúng, điều này sẽ làm tăng chi tiêu cho hưu bổng. Và đó là với ước tính rằng các chính phủ sẽ cần chi hơn 1 nghìn tỷ euro (hơn 836 tỷ bảng Anh) mỗi năm để đáp ứng nhu cầu đầu tư của chúng ta cho biến đổi khí hậu, cải tiến và quốc phòng.

“Nếu chúng ta không thể tăng năng suất, chúng ta có nguy cơ có ít nguồn tài chính hơn để có thể dùng nó cho chi tiêu xã hội”.

Những áp lực đó rồi sẽ chỉ tăng lên. Một ví dụ là tiền để trả cho hưu trí đang ngày càng trở nên cao hơn. Hơn một phần năm dân số của Tây Ban Nha, Đức và Pháp hiện đã trên 65 tuổi. Ở Ý, gần một phần tư đã đạt đến độ tuổi đó. Hai thập niên trước, không nước nào có hơn 20% trong nhóm tuổi này.

Các dự báo từ Liên Hiệp Quốc cho thấy mức tăng thậm chí còn rõ rệt hơn nữa. Ví dụ như tại Ý, vào năm 2040 sẽ có hơn một phần ba dân số nằm trong hạng tuổi từ 65 trở lên.

Tại Anh, không chỉ riêng tỷ lệ người về hưu đang tăng lên – mặc dù tuổi nghỉ hưu cả nước đã tăng lên, mà mức độ hào phóng của các chế độ phúc lợi mà họ nhận được cũng đang tăng lên.

Chế độ ‘tính với ba mốc’(1) có nghĩa là tiền hưu theo luật định sẽ tăng theo mức lạm phát cao nhất, hoặc tiền lương hoặc 2,5% mỗi năm, điều này có nghĩa là các chế độ phúc lợi được trả khi về già, theo thời gian, chắc chắn sẽ tăng nhanh hơn thu nhập của những người đang phải đóng thuế cho các chi phí đó. Thêm vào đó là chi phí chăm sóc sức khỏe dành cho những người về hưu này.

Như bà Lagarde đã nói: "Chúng ta đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với chi tiêu ngày càng tăng phát sinh từ môi trường an ninh đang thay đổi, dân số già hóa và quá trình chuyển đổi khí hậu".

Việc cắt giảm bất kỳ khoản phúc lợi nào trong số đó là vô cùng khó khăn, như các chính phủ Anh liên tiếp đã phát hiện ra. Không có gì ngạc nhiên khi những cử tri đã đóng thuế cho các thế hệ người hưởng lương hưu trước đây cảm thấy khó chịu khi họ nhận được thông báo là sẽ chỉ được lãnh ít tiền hưu hơn.

Tương tự như vậy ở Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình rộng lớn phản đối kế hoạch tăng độ tuổi hưởng lương hưu của ông. Đảng Mặt trận Quốc gia của bà Marine Le Pen đã đạt được những bước tiến lớn trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, một phần là nhờ vào lời hứa đảo ngược mức tăng này.

Chi phí cũng đang tăng trong các nhóm tuổi khác, với các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em ở Anh hào phóng hơn, cũng như số người xin được trợ cấp trong độ tuổi lao động ngày càng tăng.

Châu Âu đang ‘tụt hậu’

Bà Lagarde cho biết nếu người châu Âu muốn tiếp tục được hưởng sự hào phóng như vậy, họ cần tìm cách thanh toán các hóa đơn.

"Châu Âu đang chịu áp lực. Tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng do cuộc cách mạng kỹ thuật số gây ra đã khiến chúng ta tụt hậu", chủ tịch ECB và cựu giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.

“Chúng ta cần nhanh chóng thích nghi với môi trường địa chính trị đang thay đổi và giành lại lợi thế đã mất về khả năng cạnh tranh và đổi mới. Nếu không làm được như vậy, chúng ta có thể gây nguy hiểm cho khả năng tạo ra của cải cần thiết để duy trì mô hình kinh tế và xã hội của mình, mà phần lớn người dân châu Âu vẫn coi trọng”.

Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi mạnh mẽ sau Covid, thì sự phục hồi của châu Âu lại không đem lại nhiều ấn tượng. Tong số này có Đức, trên thực tế không tăng trưởng chút nào so với mức năm 2019. Nhưng vấn đề không chỉ là hậu quả của lệnh phong tỏa.

Trong 20 năm qua, năng suất lao động ở Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi so với khu vực đồng euro. Sản lượng cho mỗi giờ làm việc đã tăng hơn một phần tư ở Hoa Kỳ so với mức chưa đến 13% ở khu vực đồng euro.

Ở Anh, tình hình thậm chí còn tệ hơn, với năng suất tăng chưa tới một phần mười.

Các công ty lớn nhất thế giới đã minh chứng cho vấn đề này. Theo vốn hóa thị trường, năm công ty lớn nhất – mỗi công ty có giá trị hơn 2 nghìn tỷ đô la – đều là công ty của Hoa Kỳ, dẫn đầu là Apple. Tất cả đều là các công ty công nghệ – nhà sản xuất chip Nvidia, Microsoft, Alphabet (là sở hữu chủ của Google) và Amazon.

Ở vị trí thứ sáu, với giá trị chỉ là 1,8 nghìn tỷ đô la, là công ty đầu tiên không phải là của Mỹ, Saudi Aramco, công ty dầu khí quốc doanh.

Hầu hết 20 công ty hàng đầu đều là của Mỹ. Công ty châu Âu đầu tiên đứng ở vị trí thứ 25 – Novo Nordisk của Đan Mạch, nổi tiếng với việc sản xuất thuốc Ozempic và Wegovy, và có giá trị lên tới phân nửa của nghìn tỷ đô la.

Công ty công nghệ lớn nhất châu Âu là SAP, một gã khổng lồ trong công nghệ kinh doanh của Đức tương đối ít được biết đến và là công ty niêm yết lớn thứ 37 trên toàn cầu.

Các ngành công nghiệp mà châu Âu theo truyền thống là công ty dẫn đầu thế giới đang ngày càng bị đe dọa.

Ngành kỹ nghệ xe hơi của Đức đang phải vật lộn để cạnh tranh với những chiếc xe điện giá rẻ từ Trung Quốc và các tập đoàn thời trang và hàng xa xỉ đang có nguy cơ bị áp thuế nếu tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện đúng chính sách trong chiến dịch tranh cử của mình là áp thuế biên giới 10% hoặc thậm chí 20% đối với hàng hóa nhập khẩu.

LVMH, công ty lớn thứ 34 và là ngôi sao của ngành công nghiệp Pháp, được xếp hạng cao trong danh sách các doanh nghiệp chịu thuế quan của Hoa Kỳ của Morgan Stanley, do tập đoàn xa xỉ này bán rất nhiều sản phẩm qua Đại Tây Dương.

Tập đoàn này cũng chịu ảnh hưởng từ bất kỳ sự chậm lại nào trong hoạt động thương mại với Trung Quốc, cho thấy châu Âu đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi căng thẳng địa chính trị.

Bà Lagarde cho biết Lục địa này có nguy cơ rơi vào "bẫy công nghệ trung gian".

"Chúng tôi chuyên về các công nghệ chủ yếu được phát triển trong thế kỷ trước. Chỉ có bốn trong số 50 công ty công nghệ hàng đầu thế giới là công ty châu Âu", bà cho biết.

"Không giống như trước đây, châu Âu không còn đi đầu trong tiến trình phát triển nữa. Tăng trưởng năng suất của chúng tôi – yếu tố chính thúc đẩy sự thịnh vượng lâu dài của chúng tôi – đang đi chệch hướng so với Hoa Kỳ".

Trên hết là chiến tranh thương mại và chi phí cho các cuộc chiến tranh quân sự với Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất, mà lục địa này chưa chuẩn bị đầy đủ.

Như bà Lagarde đã lưu ý, chỉ có sự giàu có mới tạo ra thuế để trả cho các quốc gia phúc lợi của châu Âu ngay từ đầu.

Mặt trời đang lặn trên chủ nghĩa phúc lợi theo kiểu châu Âu. Ông Keir phải lưu ý một điều: tăng trưởng phải được đặt lên hàng đầu.

   

Nguyên tác: Why the sun is setting on European-style welfarism | Tim Wallace (The Telegraph, 20.11.2024)
Người dịch: Lê Ngọc Vân

____

Chú thích của người dịch:

(1) Từ năm 2012, cách tính tiền hưu theo nguyên tắc ‘ba mốc’ (triple lock) thường được áp dụng. Đó là tiền hưu sẽ được tính dựa trên ba con số:

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/visaomattroidanglan.html


Cái Đình - 2024