Trần Ngọc
Việt Nam đã thành ‘cậu học trò dễ mến’ trong lớp, đó là lý do vì sao Úc theo chân Mỹ, Trung Quốc trong việc ký một thỏa thuận mới
Thủ tướng Phạm Minh Chinh và Thủ tướng Anthony Albanese trong
cuộc họp thượng đỉnh tại Melbourne tuần này(Reuters/ Jaimi Joy)
Đó là một quốc gia ở trung tâm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng khốc liệt, được lôi kéo bởi các cường quốc lớn nhỏ – cũng như những thế lực khác.
Việt Nam và Úc vừa ký kết thỏa thuận “đối tác chiến lược toàn diện”, chính thức nâng quan hệ lên mức cao nhất, được nhà nước độc đảng thông qua.
Sự khác biệt giữa quan hệ đối tác “chiến lược” và quan hệ đối tác “chiến lược toàn diện” – có thể tạo ấn tượng nơi hầu hết mọi người quan tâm đến, như một điều rất, rất là hay.
Nhưng có một lý do vì sao Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc đều xếp hàng để giành được sự chứng thực chính thức này từ đảng cầm quyền.
Thủ tướng Úc, Anthony Albanese, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Canberra: “Việc nâng cấp mối quan hệ của chúng ta lên thành đối tác chiến lược toàn diện ngày nay sẽ đặt Úc và Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng song phương”.
Như vậy, có gì trong thỏa thuận mới?
Hai bên đã ký kết một bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng và khoáng sản.
Trong một tuyên bố, Bộ Công thương Việt Nam cho biết rằng thỏa thuận này sẽ bao trùm hơn nữa hoạt động xuất khẩu than và khí đốt thiên nhiên hóa lỏng của Úc.
Thỏa thuận có ghi nhận là Úc là nhà cung cấp than chính cho Việt Nam, chiếm 44% tổng lượng than nhập khẩu.
Quan hệ giữa hai quốc gia sẽ được nâng cấp, từ quan hệ đối tác chiến lược đã đạt được vào năm 2018, giờ đây lên mức đối tác chiến lược toàn diện
Điều đó đặt quan hệ của Việt Nam với Úc ngang hàng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết thỏa thuận này sẽ thúc đẩy niềm tin vào chính trị và hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, khoa học, giáo dục và văn hóa.
Tại sao Úc trở nên quan trọng hơn đối với Việt Nam?
Ngoài Việt Nam, ASEAN còn có các thành viên Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Myanmar, tổng cộng 10 quốc gia.
Nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, có nhu cầu rất lớn về tài nguyên thiên nhiên của Úc để nuôi sống nền kinh tế đang phát triển của họ.
Nhưng hơn thế nữa, Việt Nam ngày càng gần gũi hơn với Úc trong thời kỳ đại dịch khi Úc đáp ứng trong lúc quốc gia này cần, theo bà Lê Thu Hương, Chủ tịch Ban Cố vấn của Viện Chính sách Úc-Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Thu Hương phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình ABC: “Úc đã giúp Việt Nam rất nhiều trong đại dịch Covid-19 bằng cách tài trợ thuốc chủng ngừa… đây là động lực tốt cần phải được tận dụng”.
“Sự mong muốn được hợp tác sâu xa và toàn diện hơn được chia sẻ với nhau.”
“Họ từng là đối tác lâu nay, nhưng trong những năm gần đây, việc đánh giá chiến lược về các mối thách thức trong khu vực đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn”.
Chuyến thăm của ông Albanese năm ngoái đã bắc được những nhịp cầu
Vị Thủ tướng Úc đã có chuyến thăm đột phá kéo dài hai ngày tới Hà Nội vào tháng 6 năm ngoái (2023).
Ông Albanese đã được đón tiếp trang trọng tại phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nơi ông được một đội quân danh dự chào đón, với hàng chục em nhỏ vẫy cờ Úc và Việt Nam.
Trong chuyến viếng thăm, Úc và Việt Nam đã ký một loạt thỏa thuận, bao gồm gói viện trợ trị giá 105 triệu đô la để giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon trong lãnh vực kinh tế.
Ngoài ra, một thỏa thuận đã đạt được nhằm chia sẻ thông tin tình báo về nạn rửa tiền và thiết lập một cuộc họp thường kỳ của các bộ trưởng thương mại.
Ông Albanese và thủ tướng Phạm Minh Chinh đã dự buổi kỷ niệm hai đường bay mới thiết lập, nối Melbourne với Hà Nội và Brisbane đến Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng được phóng viên chụp hình khi đang thưởng thức món ăn đường phố và nhâm nhi bia lạnh Việt Nam.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese thưởng thức bia Việt Nam tại một quán cóc
trong chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng sáu 2023 (AFP/ Nhac Nguyen)
Trong cuộc gặp thủ tướng Phạm Minh Chính, ông có nêu ra vấn đề ông Châu Văn Khảm, người Úc, bị cầm tù ở Việt Nam do ủng hộ một nhóm chống chính phủ ủng hộ dân chủ.
Tháng sau đó, ông Châu Văn Khảm – người đang bị giam ở Việt Nam từ tháng 1 năm 2019 sau khi bị kết án 12 năm tù vì “hoạt động khủng bố” – đã được trả tự do và đã đáp máy bay về Sydney.
Ông Châu Văn Khảm gặp lại vợ sau thời gian tù tội ở Việt Nam. Hình: ABC News/ Erin Handley
Việt Nam là thị trường 'hấp dẫn thứ hai' trên thế giới
Nhu cầu toàn cầu giảm đi khiến nền kinh tế Việt Nam chậm lại vào năm 2023, nhưng đây vẫn là một trong những quốc gia sôi động nhất khu vực, nếu xét về đà tăng trưởng, với dân số xấp xỉ 100 triệu người.
Nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng hơn 5% trong năm vừa qua, không đạt mục tiêu chính thức của chính phủ là 6,5%.
Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của quốc gia này bao gồm thiết bị phát sóng, điện thoại di động, linh kiện máy văn phòng và giày dép, với các thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Doanh số bán lẻ của Việt Nam tăng 9,6% vào năm 2023, phản ánh tầng lớp trung lưu đang phát triển với thu nhập khả dụng cao hơn.
Tiến sĩ Lê Thu Hương cho biết mức xếp hạng cao do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã cho thấy tương lai sáng sủa của Việt Nam về xuất khẩu.
Bà nói: “Năm ngoái JETRO xếp Việt Nam là thị trường hấp dẫn thứ hai trên thế giới, khiến nhiều người mong muốn thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam.”
Du lịch, một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, cũng đã phục hồi sau đại dịch.
Lượng khách nước ngoài tăng lên đến 12,6 triệu du khách vào năm 2023 so với mức 3,6 triệu một năm trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức 18 triệu trước đại dịch năm 2019.
Được mệnh danh là xứ Thanh Long (rồng xanh, là linh vật thiêng liêng bậc nhất trong tứ tượng, đại diện cho phương đông – chú thích của người dịch), Việt Nam được cho là sẽ bùng nổ vào nửa cuối thập kỷ này.
Việt Nam theo đuổi 'ngoại giao cây tre'
Úc không phải là quốc gia duy nhất ưu tiên quan hệ với Việt Nam trong nửa năm qua.
Các nhà lãnh đạo của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đã có chuyến thăm cách nhau ba tháng vào cuối năm 2023.
Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Hà Nội, nửa thế kỷ sau cuộc xung đột kéo dài và tàn khốc thời Chiến tranh Lạnh.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, nhằm mang lại sự ổn định trong khu vực, đồng thời đảm bảo các thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản.
“Vấn đề không phải là kiềm chế Trung Quốc… mà là có một căn cứ ổn định”, ông Biden nói trong chuyến viếng thăm.
Ba tháng sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Việt Nam sau 6 năm để thảo luận về “các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương sang một giai đoạn mới”.
Hai quốc gia đã ký 37 thỏa thuận, bao gồm phát triển và thương mại đường sắt xuyên biên giới, đồng thời đồng ý tiến hành tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ, phía tây bắc của Biển Đông đang tranh chấp.
Các nhà phân tích cho biết, bằng cách giữ quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đang theo đuổi cách tiếp cận được gọi là “ngoại giao cây tre”.
Tiến sĩ Lê Thu Hương nói: “Chính phủ đang thực hiện “ngoại giao cây tre” tức là linh hoạt, thực dụng và có nhiều mục đích.
“Càng ngày, vai trò địa-chiến-lược của Hà Nội càng trở nên phù hợp hơn và nước này đang khẳng định vị thế của mình trong số các ‘quốc gia then chốt’.
“Mặc dù mối quan hệ với Trung Quốc đôi khi căng thẳng, nhưng chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam kể từ năm ngoái, vì vậy việc mềm dẻo kiểu cây tre đang mang lại lợi ích cho đất nước”.
Các bước tiếp theo là gì?
Ngoài Mỹ và Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam trong vài tháng qua.
Trong chuyến thăm Hà Nội năm ngoái, ông Albanese cho biết ông muốn Việt Nam trở thành một trong những đối tác “hàng đầu” của Úc.
Việc ký kết hợp tác có nghĩa là mục tiêu đó có thể trở thành hiện thực, 51 năm sau ngày mở Đại sứ quán Úc đầu tiên tại Hà Nội.
Tiến sĩ Lê Thu Hương cho biết: “Đối với Việt Nam, Úc không chỉ được coi là đối tác quan trọng mà còn là một bên có vai trò quan trọng trên trường toàn cầu”.
“Úc có những điều tốt nhất của cả hai thế giới… Úc là một phần của khu vực [Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương], tuy ở gần nhau, nhưng không phải là một phần của ASEAN, mặc dù là một người bạn thân, vì vậy điều đó thực sự có lợi cho Canberra.”
Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam cũng có thể giúp Úc thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Nguyên tác: Vietnam has become the popular kid in class, which is why Australia has followed the US and China in signing a new deal.
Jason Dasey & Stephen Dziedzic. ABC/wires, 07.03.2024
Người dịch: Trần Ngọc
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/vietnamdathanhcauhoctro.html