Trần Ngọc


Và người thắng trong cuộc chiến là: kỹ nghệ sản xuất vũ khí

Các quốc gia tây phương gởi vũ khí trị giá hàng tỉ tới Ukraine.
Có người cho đó là giá phải trả cho hòa bình và tự do,
nhưng cũng có những người khác lại thấy đây là một cuộc chạy đua vũ trang đầy thảm họa.
“Những món tiền người ta kiếm được thật là lớn kinh hồn”

Một gian hàng trưng bày võ khí mới tại Hội chợ Quốc tế về Quốc phòng
tại Abu Dhabi, tháng 02/2023. Ảnh: AFP

Có lẽ người ta không muốn cho kẻ khác biết được, nhưng rồi đôi khi xảy ra chuyện. Đó là lời mời đi dự một buổi lễ tiếp tân. Vào ngày 22 tháng 12/2022, bà Oksana Markarova, đại sứ Ukraine tại Washington, và tùy viên quân sự Borys Kremenetskyi tổ chức ăn mừng quân đội Ukraine được 31 tuổi và hân hạnh được mời quý vị tham dự. Lễ được cử hành tại Phòng Pavillion trong biệt thự Ronald Reagan, từ 18:00 tới 20:30 giờ. Y phục: lịch sự đứng đắn, hoặc quân phục, hoặc y phục truyền thống của quốc gia.

Cho tới lúc này chưa thấy chuyện gì lạ.

Nhưng bên dưới thiệp mời có in logo của những nhà bảo trợ cho ngày lễ: Northrop Grumman, Raytheon Technologies, Pratt & Whitney và Lockheed Martin. Đó không phải là những thương gia địa phương, mà là những cơ sở sản xuất vũ khí lớn nhất của Hoa Kỳ (cũng đồng nghĩa với lớn nhất thế giới). “Nó dẫn đến sự cười nhạo của đám quan sát viên,” ông Jonathan Guyer, phóng viên của mạng tin tức Vox và là một người nhận được thư mời, viết trên bài báo. Không thể tìm được một người đưa ra phản ứng chính thức, nhưng ông có thể nêu một phát biểu của một cộng sự viên trong nhóm cố vấn: “Thực là quái gở khi họ làm vậy với thư mời.” Và từ một người khác: “Thực tế cho thấy họ không lấy đó làm lạ, thật là thú vị.”

Theo lệ thường, những mối liên hệ như vậy – giữa chính trị, quân đội và các công nghệ chế tạo vũ khí – không được rêu rao cho mọi người biết, ông Guyer kết luận. “Nhưng sự tài trợ lộ liễu một cách rõ ràng này cho thấy các công ty quốc phòng lớn đã trở nên thân thiết như thế nào với Ukraine, và cuộc chiến đã mang lại lợi ích như thế nào cho các hoạt động kinh doanh.”

Điều vừa nêu hiện thời không còn làm người ta ngạc nhiên nữa. Cuộc xâm lăng của Nga tháng 2 năm ngoái không những đã dẫn tới một đợt ủng hộ về chính trị lẫn tài chính, mà còn cả về mọi loại vũ khí, từ đạn dược cho tới xe tăng rồi tới cả ống phóng hỏa tiễn và hệ thống chặn không kích và rồi tới súng liên thanh cùng đại bác nữa. Cộng chung lại là những món tiền khổng lồ.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới ở Kiel (Đức), trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 tới tháng 1/2023 đã có 143 tỉ euro trợ giúp gởi tới Ukraine. Hoa Kỳ đứng đầu mục này, với hơn nửa phần của khoản trợ giúp trên. Các nước trong khối Liên Âu hứa giúp gần 55 tỉ. Hoa Kỳ cũng đứng đầu trong trợ giúp đặc biệt về quân sự, cho tới tháng 1 năm nay Hoa Kỳ đã giúp trên 45 tỉ euro. Sau đó tới Anh Quốc với 5,9 tỉ, Ba Lan 2,4 tỉ và Đức với 2,36 tỉ trợ giúp quân sự.

Trên thực tế, điều đó có nghĩa là cho tới nay, theo IfW, đã có 368 xe tăng được giao cho Ukraine (cộng thêm 104 xe tăng sẽ được tiếp viện), 293 súng cối cơ động houwitser (sẽ giao thêm 122) và 49 hệ thống phóng hỏa tiễn MLRS (sẽ giao thêm 27). Vì các trận chạm súng diễn ra ác liệt và cuộc giao tranh đã kéo dài hơn một năm rồi, mọi viện trợ quân sự nhanh chóng bị cạn kiệt. Một dẫn chứng nhỏ: theo một số ước tính, Nga và Ukraine bắn trung bình 24.000 đạn súng cối mỗi ngày (Nga 20.000 và Ukraine số còn lại). Tức là cứ mỗi 5 giây đồng hồ một trái đạn pháo. Hoặc hiểu như sau: trong 10 tháng đầu cuộc chiến, Ukraine có lẽ đã bắn nhiều hỏa tiễn phòng không Stinger hơn số lượng mà nhà sản xuất Raytheon có thể chế tạo trong mười ba năm.

Hầu hết đạn dược vũ khí đều được lấy từ kho dự trữ có sẵn. Gần như không còn cách nào khác, vì quy trình sản xuất tốn nhiều thời gian, nhất là sản xuất các vũ khí hạng nặng. Vì không có quốc gia nào muốn quân đội của họ yếu đi do ảnh hưởng của hỗ trợ cho Ukraine, nên các đơn đặt hàng được gởi tới tấp đến các nhà sản xuất vũ khí: mọi thứ phải được lấp đầy lỗ hổng càng nhanh càng tốt. Trong khi đó các nhà máy sản xuất làm việc hết tốc lực. Và trước đó nhịp sản xuất cũng không phải là nhỏ. Số liệu của Sipri – một viện nghiên cứu hàng đầu của Thụy Điển – khi theo dõi và phân tích giao thương về vũ khí quốc tế đã cho thấy. Trong khoảng thời gian từ 2015 tới 2021, việc buôn bán vũ khí đã tăng, từ gần 500 tỉ euro đã lên đến gần 600 tỉ euro mỗi năm. Số liệu mới nhất chưa có, nhưng chắc chắn nó sẽ cao hơn nhiều.

Phần lớn thị trường vũ khí là lãnh địa của các công ty Hoa Kỳ. Năm nhà dẫn đầu trong số 10 công ty đứng đầu thế giới là Lockheed Martin (với doanh số 60 tỉ), Raytheon (41 tỉ), Boeing (33), Northrop Grumman (29) và General Dynamics (26,3); tất cả những công ty này là của Hoa Kỳ. Đứng hàng thứ 6 là Hệ thống BAE của Anh Quốc, bốn công ty còn lại trong 10 công ty hàng đầu là của Trung Quốc (Norinco, Avic, CASC và CETC).

Như thế có vẻ như là Âu châu không sản xuất gì cả, nhưng chắc chắn không phải vậy. Cũng theo Viện Sipri, trong năm nhà sản xuất hàng đầu tại Âu châu thì BAE đứng hạng nhất (26 tỉ), tiếp theo là công ty Leonardo của Ý (13 tỉ), Airbus với sự tham gia của nhiều quốc gia Âu châu (10,8 tỉ) và hai công ty của Pháp là Thales (9,7 tỉ) và Dassult (6,2 tỉ). Hòa Lan không có cơ sở nào sản xuất toàn bộ một thứ vũ khí nào đó, nhưng sản xuất phụ kiện cho vũ khí thì có.

Himars

Những công ty Trung Quốc chưa kiếm được tiền trong cuộc chiến này, nhưng những công ty còn lại của 10 nhà sản xuất đứng đầu thế giới – cũng như những công ty khác – đã thu được lợi nhuận. Một sản phẩm thành công của Lockheed Martin là Himars, một loại giàn phóng hỏa tiễn lưu động, được các nhà chuyên môn dán cho cái nhãn là ‘người xoay hướng thế trận’. Raytheon đã chuyển giao hỏa tiễn Stingers (mặc dù dây chuyền sản xuất vũ khí này đã ngừng hoạt động) và vũ khí chống tăng phổ thông Javelin.

Đó chỉ là một vài dữ kiện. Nhưng ta có thể suy đoán từ nhiều hướng khác nhau. Với phần lớn các chính trị gia Tây phương thì đó là một vấn đề quyết định: có thể chúng tôi không muốn chuyện đó xảy ra, chẳng ai muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ giúp Ukraine. Hơn thế nữa: chúng tôi tăng cường khả năng của quân đội chúng tôi, bởi vì cuộc xâm lăng của Nga cho thấy tốt hơn là ta phải chuẩn bị kỹ, nhất là tại Đông Âu

‘Giải thưởng cho hòa bình’

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố: “Âu châu phải chấp nhận cái giải hòa bình, tự do và dân chủ này”, “Âu châu phải trở nên độc lập hơn và phải có nhiều chủ quyền hơn.”

Người đồng cấp với ông, cựu thủ tướng Ý Mario Draghi, còn nói rõ ràng hơn: “Vì mối đe dọa từ Nga, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng hơn lúc nào hết.” Và thủ tướng Đức Olaf Scholz, không cần phải che dấu. Ông tuyên bố cho những đồng hương còn nghi ngờ: “Một điều rõ ràng là chúng ta phải đầu tư thật rộng rãi hơn nữa vào sự an ninh cho quốc gia chúng ta, để chúng ta có thể bảo vệ sự tự do và nền dân chủ của chúng ta.” Ông thêm vào những lời tuyên bố này bằng cách rút hầu bao: Đức sẽ đầu tư 100 tỉ euro vào việc hiện đại hóa quân đội.

Tháng năm năm ngoái (2022) thủ tướng Rutte của Hòa Lan chúng ta cũng cam kết sự ủng hộ của ông với các dân biểu Ukraine trong một bài phát biểu qua truyền hình: “Cuộc chiến này nhắm tới tương lai chung của chúng ta. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đứng sau lưng quí vị cho tới khi nào hòa bình, tự do và dân chủ được tái lập trên đất nước của quí vị. Không có lối thoát nào khác.” Cho tới nay Hòa Lan đã giúp 1,07 tỉ về quân sự. gồm có xe tăng và súng cối houwitser.

Thế là phải giúp, giúp nhiều nhất trong khả năng của chúng ta. Frank Slijper, một chuyên gia về mua bán vũ khí cho tổ chức đấu tranh cho hòa bình PAX, xét vấn đề trên phương diện khác. “Tôi không cổ vũ cho những ngân sách thổi bùng cho vũ khí kiểu này. Từ góc độ của hòa bình tôi muốn thấy chúng nên ở mức độ thấp hơn là cao như hiện nay, cho dù tôi cũng thấy là trong hoàn cảnh hiện tại, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là chính đáng. Đây là tình trạng mà chúng ta chưa hề thấy lại kể từ khi có cuộc Chiến Tranh Lạnh. Trong những năm của thập kỷ ‘90 ngày càng có ít vũ khí được chế tạo, để cho chúng ta có nhiều tiền hơn mà lo cho những việc khác. Chúng ta có thể gọi đó là ‘tiền lời do hòa bình mang lại’. Tình trạng này kéo dài tại Hoa Kỳ cho tới cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9/2001 và tiếp theo sau đó là những cuộc chiến tại Irak và Afghanistan. Tại Âu châu, các ngân sách dành cho quốc phòng từ lâu đã giảm bớt, nhất là do cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2008. Nói cách đơn giản, ưu tiên đã được dành cho những chuyện khác.”

Trump

Nhưng trào lưu đó rõ ràng là bị bẻ cong, ông Slijper nói. Và điều đó đã xảy ra từ trước chiến tranh Ukraine, chính xác là kể từ khi cựu tổng thống Trump không chấp nhận lâu hơn nữa tình trạng các thành viên NATO không chấp hành các giao ước. Ông Trump đe dọa là quốc gia nào dành ít hơn 2% của tổng sản lượng quốc gia cho quốc phòng (và gần như chẳng có quốc gia nào làm như vậy) thì khi gặp nguy cấp sẽ không thể trông cậy vào Hoa Kỳ nữa. Hiện nay, gần như mọi quốc gia thành viên của NATO đều tăng ngân sách quốc phòng.

Ông Slijper phần nào hiểu được tại sao người ta lại tung tiền như vậy. “Đây là một loại trận chiến mà chúng tôi đã từng chuẩn bị trong cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thực sự chứng kiến ​​ở châu Âu. Chiến trận xảy ra từng thước một. Trọng tâm nằm ở lực lượng bộ binh, thiết bị và giàn phóng hỏa tiễn. Cả hai mặt đều chịu nhiều tổn thất, và tất nhiên phải được bổ sung. Tóm lại: ngành công nghiệp vũ khí phương Tây đang hoạt động hết tốc lực. Nhất là với đạn dược. Mỗi trái đạn khi ta bắn đi, là mất tiêu luôn.”

Ông mô tả các công ty vũ khí là một “ngành công nghiệp đặc biệt”. Họ có một loại khách hàng đặc biệt: đó là chính phủ, mà cũng thường là đồng sở hữu. “Và có một số lượng khách hàng hạn chế, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận cao. Và thường thì các dự án kéo dài hơn: mua máy bay chiến đấu khác hơn mua bút. Nó đòi hỏi một mối quan hệ lâu năm.” Do đó, buổi tiếp tân được tài trợ tại sứ quán Ukraine ở Washington không làm ông ngạc nhiên chút nào. Trong những năm 1950 và 1960, người ta đã bàn tán về cái gọi là tổ hợp công nghiệp-quân sự (sự kết hợp các lợi ích của các chính trị gia, quân đội và ngành công nghiệp vũ khí với nhau), ông nói, “và chuyện đó vẫn còn tiếp diễn, bất kể ta nhìn nó như thế nào”. “Nhiều người từ ngành này tham chính, và ngược lại. Điều đó hợp lý, bởi vì họ là những chuyên gia khôn khéo. Nhưng đó cũng là một chồng chéo trong quyền lợi.”

Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Xuyên Quốc gia (TNI) ở Amsterdam còn mạnh miệng hơn nhiều. Trong hai báo cáo gần đây, Thổi Lửa Lên (Fanning the Flames) và Bức Màn Khói (Smoke Screen), họ tố cáo ‘đường lối quân phiệt’ của các nước EU và các quốc gia khác. Những người này cũng gọi ngành công nghiệp vũ khí là ‘người chiến thắng duy nhất’ trong tình hình hiện tại. Họ bác bỏ những lời bào chữa của các chính trị gia (tự do, an ninh, dân chủ), cho nó vô nghĩa. Họ viết: “Phương Tây đã được trang bị vũ khí quá mức”, “Trước cuộc xâm lược, các nước NATO đã chi cho quốc phòng nhiều gấp 17 lần so với Nga và gấp 4 lần so với Trung Quốc.” Họ kết luận cay đắng rằng việc trang bị thêm vũ khí có thể coi là cần thiết để ngăn chặn Moscow, nhưng điều đó không thực sự hữu ích.

Bức Màn Khói

TNI là viện nghiên cứu về chiến tranh, kiến tạo hòa bình và chủ nghĩa quân phiệt cùng những vấn đề khác, cho là sức mạnh của ngành công nghiệp vũ khí quá lớn. Cũng tại Brussels – theo viện nghiên cứu nói trên, có một cơ quan cố vấn quan trọng (Nhóm của các Nhân vật Nghiên cứu Quốc phòng) bị chi phối bởi những người có liên quan đến các nhà sản xuất vũ khí, viện nghiên cứu và nhóm vận động hành lang. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Các quốc gia để cho họ lung lạc và đã sử dụng chiến tranh như một bức màn khói trong việc bổ sung, mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí của họ”. Giống như PAX, họ cũng tin rằng xu hướng quân sự hóa ngày càng gia tăng không phải do cuộc chiến này gây ra, nhưng được nó bơm thêm.

“Việc gởi vũ khí không khi nào là một giải pháp,” bà Niamh Ní Bhriain, một nghiên cứu gia của TNI, cho biết. “Hành động này không bao giờ giải quyết được một vấn đề nào theo một phương cách hòa bình. Và khi một cuộc chiến đã khơi mào thì rất khó mà ngưng nó lại. Đó phải là nỗ lực từ trước của mọi người, trong trường hợp này cũng vậy. Tại sao không nỗ lực hơn nữa để đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán? Tại sao EU không gửi một đặc phái viên hòa bình thay vì chạy theo những lời hoa mỹ cổ vũ chiến tranh? Tôi nghĩ là không người nào lượng định đúng hậu quả của việc đó.”

Điều tương tự cũng xẩy ra cho một mối đe dọa khác, đó là vũ khí hạt nhân, một kho vũ khí chưa đóng vai trò gì trong cuộc chạy đua vũ trang này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng cuộc xâm lược Ukraine và các lô hàng vũ khí khổng lồ được chuyển giao đã “làm tăng viễn cảnh đáng sợ về chiến tranh hạt nhân.” Lý luận của họ là: sự yếu kém về quốc phòng của Nga khiến Điện Kremlin sẽ sớm đe dọa dùng vũ khí hạt nhân.

Nói chuyện

Bà cho rằng lập luận ‘khó nói chuyện với Nga’ là vô nghĩa lý. “Không phải là đã có những cuộc đàm phán về việc chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia và phục hồi việc giao ngũ cốc hay sao? Chúng tôi tin rằng cuộc chiến này có thể ngăn chặn được, nhưng nó đã bị thúc đẩy do áp lực và sức mạnh của ngành công nghiệp vũ khí. Số tiền kiếm được lớn vô cùng, những công ty đó đang cười đến bể bụng. Với giá tiền một hỏa tiễn thôi, tôi có thể trả hết tiền tôi đã vay để mua nhà.”

TNI cũng, và không đơn độc, báo hiệu rằng vũ khí không chỉ dừng lại ở Ukraine. Ngân sách vũ khí đang tăng lên trên khắp thế giới, từ Đông Âu (Ba Lan đã chi rất nhiều tiền) đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ tham vọng rằng quân đội của ông phải được hiện đại hóa hoàn toàn vào năm 2035. Vào giữa thế kỷ này, thậm chí Trung Quốc còn phải là ‘đẳng cấp thế giới’. Trung Quốc đã sở hữu nhà máy đóng tàu quân sự lớn nhất thế giới. Tổng thống Hàn Quốc muốn đất nước của ông trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư càng sớm càng tốt. Tất cả những khẩu súng đó có thể được sử dụng cho mục đích riêng, mà TNI nói là “đã đủ tệ rồi”, nhưng hãy nhìn vào danh sách những tay mua đi bán lại. Đây là những quốc gia chắc chắn có tham vọng nào đó: Ấn Độ, Qatar, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Điều này rất, rất đáng lo ngại,” Ní Bhriain nói. “Tôi hy vọng chúng ta có thể thoát khỏi điều này, nhưng tôi không chắc. Các chính trị gia và ngành công nghiệp vũ khí đã bắt giữ tâm trí của những người đang cảm thấy bất an làm con tin. Đây là một cuộc tranh đua vũ khí mới. Tôi ước mong ai đó sẽ nhấn nút tạm dừng.”

.

Nguyên tác: En de winnaar van de oorlog is: de wapenindustrie. Mark van Assen (Algemeen Dagblad 11.03.2023)
Người dịch: Trần Ngọc

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/vanguoithangtrongcuocchien.html


Cái Đình - 2023