Nguyễn Thị Kim Phụng


Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều

Mỹ và các đồng minh coi Nga, Trung Quốc, Iran, và Triều Tiên là trục đối thủ

Sau nhiều tháng tranh cãi và do dự, Hạ viện Mỹ cuối cùng cũng chịu hành động. Cuộc bỏ phiếu ở Washington nhằm cung cấp khoản viện trợ quân sự mới trị giá 61 tỷ đô la cho Ukraine có thể là một bước ngoặt trong cuộc chiến với Nga. Chí ít, nó sẽ giúp Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu.

Về phần mình, Nga sẽ tiếp tục hy vọng rằng, nếu Donald Trump được bầu làm tổng thống vào tháng 11 tới, đây có thể là gói viện trợ quân sự lớn cuối cùng của Mỹ. Nhưng điều đó có lẽ cũng không thể gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của Ukraine. Các ngành công nghiệp quân sự của châu Âu đã bắt đầu hoạt động (dù muộn màng) và sẽ có nguồn lực tốt hơn để hỗ trợ Ukraine vào năm 2025.

Cuộc bỏ phiếu nhằm cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine đã được Hạ viện Mỹ thông qua, cùng với các cuộc bỏ phiếu khác nhằm cung cấp viện trợ đáng kể cho Israel và Đài Loan. Cùng nhau, chúng cung cấp một nhận thức rõ ràng về cách Mỹ – và các đồng minh chủ chốt của họ ở châu Âu và châu Á – nhìn nhận thế giới.

Nhìn chung, toàn bộ số tiền này nhằm mục đích đẩy lùi 4 quốc gia mà Tướng Chris Cavoli, chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, mô tả là “trục đối thủ” (axis of adversaries), gồm Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Từ “trục” gợi nhớ lại những ký ức không hay hồi năm 2002 và về “trục ma quỷ” (axis of evil) của George W. Bush, vốn đã phóng đại mối liên hệ giữa Iraq, Iran, và Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sau hai thập niên, ngày càng có nhiều bằng chứng xác thực hơn về sự hợp tác quân sự nghiêm túc giữa Moscow, Bắc Kinh, Tehran, và Bình Nhưỡng.

Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc đang cung cấp cho Nga động cơ máy bay không người lái, thiết bị cho tên lửa hành trình, và các hình thức viện trợ quân sự khác. Các chế độ ở Bình Nhưỡng và Tehran đã trở thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Moscow. Trung Quốc gần đây cũng tuyên bố “tình bạn sâu sắc” với Triều Tiên và đã cử một quan chức cấp cao tới Bình Nhưỡng để đàm phán.

Trong lúc bốn chế độ chuyên chế này xích lại gần nhau hơn, các đồng minh dân chủ của Mỹ cũng đang thắt chặt quan hệ. Tại Washington, Mỹ và Nhật Bản gần đây đã công bố một loạt thỏa thuận mới sẽ đưa quan hệ đối tác an ninh giữa hai nước lên một tầm cao mới. Hàn Quốc cũng trở thành một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ukraine.

Trên thực tế, “liên minh phương Tây” hiện là một mạng lưới toàn cầu gồm các đồng minh cho rằng mình đang tham gia vào một loạt các cuộc tranh đấu cấp khu vực. Nga là đối thủ chính ở châu Âu. Iran là thế lực gây rối loạn nhiều nhất ở Trung Đông. Triều Tiên là mối nguy hiểm thường trực ở châu Á. Hành vi và lời nói của Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn, và nước này có thể huy động các nguồn lực mà Moscow hoặc Tehran không có.

Tất nhiên, vẫn có những khác biệt quan trọng giữa các quốc gia này. Nga, Iran, và Triều Tiên bị Mỹ và các đồng minh coi là những quốc gia bị bài xích. Ngược lại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn của tất cả các nước thuộc “phương Tây toàn cầu.”

Tuy nhiên, giả định hiện hành ở Washington và Tokyo là, về lâu dài, Tập Cận Bình cũng kiên quyết như Vladimir Putin hay Ali Khamenei trong việc lật đổ trật tự thế giới hiện tại. Người Nhật, giống như người Mỹ, nghĩ rằng những gì xảy ra ở Ukraine sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Do đó, Mỹ và các đồng minh tin rằng họ đang củng cố hàng phòng thủ bằng cách hỗ trợ các quốc gia nằm trong tầm bắn của trục đối thủ – trên hết là Ukraine, Israel và Đài Loan.

Việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho các quốc gia này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích trên khắp phổ chính trị. Cánh hữu chủ trương biệt lập ở Mỹ vẫn phản đối gay gắt việc hỗ trợ Ukraine, trong khi cánh tả cấp tiến cáo buộc Mỹ ủng hộ “cuộc diệt chủng” của Israel ở Gaza.

Ngay cả một số người ủng hộ khát vọng bảo vệ cơ cấu quyền lực toàn cầu hiện tại cũng lo lắng về chiến lược này. Henry Kissinger quá cố lo ngại rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đang đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc. Những người khác tin rằng Mỹ đơn giản là thiếu các nguồn lực quân sự và kinh tế để dẫn đầu việc cùng lúc đẩy lùi các đối thủ ở châu Á, châu Âu, và Trung Đông.

Có lẽ có một phần sự thật trong quan điểm này. Một trợ lý cấp cao của chính quyền Biden thừa nhận rằng “hiện tại chúng ta đã làm hết sức rồi.” Nhưng Mỹ và các đồng minh cũng biết rõ rằng đối thủ của họ đang gặp khó khăn rất lớn. Nga đã phải chịu thương vong lên đến hàng trăm nghìn người trong cuộc chiến với Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đang chật vật khó khăn. Iran đối mặt với bất ổn nội bộ, còn Bắc Triều Tiên là một điểm nóng hạt nhân.

Washington cũng đang vật lộn với việc làm thế nào để tăng cường khả năng răn đe mà không khiến Mỹ trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến với bất kỳ thành viên nào của trục đối thủ. Trên thực tế, điều này thường có nghĩa là cung cấp cho các đồng minh tiền tuyến của Mỹ viện trợ quân sự mới, đồng thời cố gắng kiềm chế hành động của họ.

Xuyên suốt cuộc chiến Ukraine, Mỹ đã cố gắng ngăn cản Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Sau khi Iran bắn một loạt tên lửa vào Israel trong tháng này, Mỹ cũng có động thái ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa.

Ngay cả khi Mỹ cung cấp thêm hỗ trợ về chính trị và quân sự cho Đài Loan, họ vẫn nhấn mạnh rằng Đài Loan không được khiêu khích Bắc Kinh bằng cách thực hiện các bước công khai hướng tới độc lập chính trị chính thức khỏi Trung Quốc.

Mỹ đang chơi một trò chơi trí tuệ nguy hiểm với các đối thủ của mình, triển khai lực lượng quân sự một cách có chọn lọc, với hy vọng ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc chiến rộng hơn. Ukraine đang chiến đấu cho tự do và độc lập của chính mình. Nhưng nước này cũng là tiền tuyến trong một cuộc xung đột tiềm tàng lớn hơn rất nhiều.

   

Nguyên tác: Gideon Rachman, “Ukraine is the front line of a much larger conflict,” Financial Times, 21/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trích từ: Nghiên Cứu Quốc Tế, 24.04.2024

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/ukrainelatientuyencuamotcuocxungdot.html


Cái Đình - 2024