Lê Ngọc Vân


Trung Quốc muốn Đài Loan nhập vào, nhưng bằng cách nào? Ba kịch bản.

.

Sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan gia tăng nhanh chóng. Một cuộc tấn công vào  đảo quốc là một kịch bản thực tế. Nhưng Trung Quốc còn có những khả năng nào nữa để có thể làm giấc mộng ‘đoàn kết’ với Đài Loan trở thành hiện thực.

Quân đội Trung Quốc thực hiện một cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan trong thời gian vừa qua.
Một cuộc tấn công của Trung Quốc lên hòn đảo là một kịch bản thực tế.
Đài Loan vì vậy siết chặt sự phòng thủ đảo quốc của họ. Hình Getty Images

Vào ngày 21 tháng mười 1975 chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc và ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger gặp nhau tại Bắc Kinh. Mao khi đó đang không được khỏe và hầu như không thể nói được. Ông nói với Kissinger là ông sẽ nhanh chóng được lên Trời và đã nhận được lời mời của Thượng Đế. Cuộc đàm luận kỳ quái xoay quanh vấn đề Đài Loan và về tương lai của mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Mao nói với Kissinger là theo ông ta, Hoa Kỳ có thể lấy Đài Loan. “Nó ở trong tay các ông thì tốt hơn, và nếu bây giờ giả sử các ông giao nó cho tôi thì chắc tôi sẽ không muốn đâu, vì nó chẳng hấp dẫn”, Mao giải thích như vậy. “Ở đó có một đám phản cách mạng đông nghẹt. Một trăm năm nữa thì chúng tôi sẽ muốn có nó, và chúng tôi sẽ chiến đấu cho chuyện này.”

“Không phải một trăm năm nữa đâu,” Kissinger trả lời. “ Năm, mười, hai mươi hoặc một trăm năm, điều đó khó có thể nói ra được”, Mao phản ứng. Chỉ tay lên trần, ông nói thêm: “Và nếu tôi có lên trời gặp Thượng Đế, tôi sẽ nói với Ngài là tốt hơn nên để Đài Loan dưới sự bảo bọc của Hoa Kỳ, trong lúc này.”

Thứ tư vừa qua (10.08.2022), hơn 46 năm sau đó, Trung Quốc công bố cuốn Bạch Thư mới. Trong đó đường lối chính thức của chính phủ về vấn đề quan trọng được loan báo, dưới một tiêu đề đáng lo ngại: Vấn đề Đài Loan và Thống Nhất Trung Quốc trong Giai Đoạn Mới. Nội dung của nó cho thấy một điều không còn nghi ngờ gì nữa, về mục đích của Trung Quốc: ‘Chúng ta là MỘT Trung Quốc, và Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Đây là một sự kiện không cần bàn cãi và nó có nguồn gốc từ lịch sử và từ luật pháp. Đài Loan chưa bao giờ là một quốc gia, vị thế của nó như một phần của Trung Quốc là không thay đổi.’

Con đường Trung Quốc vạch ra hung hãn hơn những gì trong cuốn bạch thư năm 2000, trong đó có ghi là ‘mọi chuyện đều có thể thương lượng’, khi nào Đài Loan không tranh đấu cho một sự độc lập và công nhận chỉ có MỘT Trung Quốc. Còn trong cuốn bạch thư mới, Trung Quốc chỉ ra hai khả năng: hoặc thống nhất trong hòa bình hoặc bằng vũ lực.

Nhưng Trung Quốc có những lựa chọn nào để ép Đài Loan nằm dưới sự cai quản của họ, và những lựa chọn này thực tế ra sao?

1. Xâm lược

Bắc Kinh đã chuẩn bị từ lâu cho một cuộc xâm lược Đài Loan. Quân đội Trung Quốc trong những thập niên vừa qua đã được hiện đại hóa đáng kể. Quân đội được tổ chức cho một cuộc đánh chiếm Đài Loan với quy mô lớn. Bắc Kinh đầu tư một khoản khổng lồ vào hải quân và vào lãnh vực kỹ thuật hỏa tiễn. Bên cạnh đó, quân lực Trung Quốc, với hơn 2 triệu quân nhân tại ngũ là đội quân lớn nhất thế giới. Đài Loan là một quốc gia chỉ với 23 triệu dân và có 220.000 binh lính.

Đài Loan, tuy nhiên, không đứng lẻ loi, vì quốc gia này được sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ. Theo luật Hoa Kỳ, chính phủ có bổn phận giúp quân đội Đài Loan chống lại những đe dọa (được hiểu là: Trung Quốc), mặc dù không có xác định rõ ràng ở mức độ nào. Chính thức thì Hoa Kỳ có một chính sách ‘đi nước đôi có chiến lược’, nhưng tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ tham chiến nếu Đài Loan bị Trung Quốc xâm lăng.

Trung Quốc tính đến một kịch bản là người Mỹ sẽ can thiệp nếu có xung đột, và họ chắc chắn sẽ cố gắng cầm chân người Mỹ bên ngoài Đài Loan cho tới khi quân Trung Quốc đổ bộ. Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào hỏa tiễn chống tàu chiến và đang thực tập vô hiệu hóa hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.

Nhưng nếu Hoa Kỳ cũng đứng ngoài cuộc tranh chấp trong tương lai, thì một cuộc xâm lăng vào Đài Loan là một bước hao tốn tiền tài và xương máu. Cơ hội chiếm đóng được định đoạt bởi nhiều yếu tố khác, không chỉ thuần là khả năng chiến đấu và nhân lực.

Đài Loan được lợi thế là nằm trên một hòn đảo, đó là chướng ngại lớn cho mọi lực lượng xâm lăng, do sự cản trở của nước. Muốn đạt được thắng lợi trong cuộc tấn công vào một hòn đảo lớn như Đài Loan, cần phải có sự điều binh quy mô vượt biển cả bằng những chiếc tàu hoặc xe lội nước, nhưng những phương tiện vận chuyển trên sông nước thông thường là rất chậm và dễ lộ, như vậy nó sẽ dễ bị hao tổn trong các cuộc tấn công. Quân đội Đài Loan sở hữu một số lớn hỏa tiễn chống hạm, trong đó có các hỏa tiễn Harpoon, mà trong thời gian qua đã được chứng minh là hiệu nghiệm khi được giao cho quân đội Ukraine để chống lại chiến hạm Nga.

Cuộc vượt biển chắc chắn là không dễ dàng: khoảng cách giữa Hoa Lục và Đài Loan là 130 cây số hoặc hơn nữa. Do gió mùa, khoảng biển này thường bị động và do đó không phải lúc nào cũng có thể sử dụng, khiến cho kế hoạch hành quân có thể hoàn toàn bị đảo lộn.

Cũng theo các nhà phân tích, chỉ có mười bốn chỗ trên đảo là nơi lực lượng Trung Quốc có thể đổ bộ. Đài Loan đã xây dựng nhiều công sự ở những điểm này và đã sẵn sàng có kế hoạch trong trường hợp quân Trung Quốc xuất hiện tại đó. Bên cạnh đó, Đài Loan có nhiều núi và rừng rậm; là những chướng ngại quan trọng ngăn cản bước tiến của xe cộ và quân địch.

Những chướng ngại vật đặt trên hòn Shihyu của Đài Loan, sát bờ biển Trung Quốc, với nhiệm vụ phải ngăn không cho Trung Quốc đổ bộ. Hình AFP

Bên cạnh đó, quân đội Đài Loan đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tiếp theo sau một cuộc đổ bộ thành công của quân xâm lược Trung Quốc, và họ đã cải biến các vũ khí theo chiều hướng đó. Kỹ nghệ sản xuất vũ khí của Đài Loan sản xuất những hỏa tiễn vác vai và những chiến cụ khác có thể đưa vào chiến tranh chống quân Trung Quốc một cách hữu hiệu.

Một cuộc xâm lăng Đài Loan, xét về mặt kinh tế, cũng tốn kém vô cùng cho Trung Quốc. Bắc Kinh và Đài Bắc có nhiều trao đổi thương mại hỗ tương và nền kinh tế của hai nước đan xen vào nhau, nhất là trong lãnh vực sản xuất chip cho computer. Nếu Trung Quốc mở cuộc xâm lăng Đài Loan thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại lớn. Không những chỉ có buôn bán và sản xuất chip sụp đổ, mà do nhiều ngành kỹ  nghệ khác cũng bị thấm đòn.

Người ta không rõ quân đội Trung Quốc có thể làm được chuyện gì, bởi vì nhiều khả năng quân sự của họ được che giấu kỹ khuất tầm mắt của các địch thủ. Bên cạnh đó, ngoại trừ các cuộc xung đột biên giới lẻ tẻ, Trung Quốc không tham gia một cuộc chiến lớn nào kể từ 1979, do đó rất khó khăn để có được khái niệm về những thành tích họ có thể đạt được trên chiến trường và những điểm yếu của quân đội Trung Quốc.

Cho dù Đài Loan ở trong tình trạng có thể chống cự mạnh mẽ, nhưng rất có khả năng là họ không thể thắng cuộc chiến chống Trung Quốc nếu nước này quyết định xâm lăng bất kể thiệt hại về quân sự và kinh tế. Dù Đài Loan sở hữu một đội quân hiện đại và có được ưu thế trong vai trò phòng thủ, nhưng họ không có đủ lực để đánh bại một quân đội khổng lồ. Đài Loan chi ít hơn 2 phần trăm tổng sản lượng quốc gia cho quốc phòng.

Thế nhưng, có lẽ một cuộc tấn công luôn luôn là một nguy cơ lớn cho Trung Quốc. Về mặt kinh tế, Bắc Kinh sẽ phải chịu một hậu quả khủng khiếp, qua đó những mục tiêu dài hạn không thể nào đạt được, và như thế Trung Quốc sẽ trở nên yếu thế trên trường quốc tế. Về mặt quân sự, đơn giản là có nhiều nguy hiểm trong một cuộc xâm lăng. Trung Quốc không có một quá khứ can thiệp liều lĩnh như Nga hoặc Mỹ, và quốc gia này luôn cẩn trọng trong chính trị quốc tế. Nhưng điều này không bắt buộc lúc nào cũng sẽ phải như vậy.

2. Phong tỏa

Trung Quốc tập dượt cả phương thức phong tỏa Đài Loan. Với biện pháp cô lập đảo quốc về mặt địa lý, Trung Quốc có thể cố cắt sự thông thương với Hoa Kỳ. Những nghi ngờ của Trung Quốc về việc liệu người Mỹ sẽ giúp Đài Loan trong một cuộc xâm lược hay không có thể đưa đến việc khiến nước này từ chối sẽ làm theo cách này. Nhưng khả năng người Mỹ cũng chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc để phá vỡ sự phong tỏa Đài Loan thì nhỏ hơn – nhỏ tới mức Trung Quốc dám làm chuyện đó.

Những cuộc thao dượt quân sự trong tuần vừa qua cũng có thể được coi như là một cuộc phong tỏa có giới hạn. Hải và không lưu đã bị thất thường do những cuộc tập trận này. Trung Quốc tuyên bố là khu vực tập dượt là khu vực cấm, cho dù nó nằm trong hải phận Đài Loan. Khi những cuộc tập dượt kết thúc vào thứ tư, Trung Quốc đã cho hay là các lực lượng chiến đấu sẽ tiếp tục những chiến dịch tập dượt trong eo biển Đài Loan, để sự phong tỏa đang từ mức có giới hạn sẽ thành phong tỏa thường trực. Rất có thể Trung Quốc sẽ từng bước leo thang sự phong tỏa này.

Tuy nhiên, một cuộc phong tỏa cũng có những rủi ro của nó, dựa trên sự phụ thuộc của Trung Quốc vào kỹ nghệ chế tạo chip của Đài Loan. Nếu bị phong tỏa hoàn toàn, Đài Loan sẽ có đủ khí đốt cho 8 ngày và sự cung cấp điện năng sẽ gặp khó khăn nặng nề. Nhưng trái với một cuộc xâm lăng, không có gì rõ ràng là Trung Quốc, qua biện pháp phong tỏa, sẽ đem Đài Loan tới gần sự thống nhất hơn.

3. Thống nhất một cách hòa bình

Những cuộc khảo cứu cho thấy là sự ủng hộ của cư dân Đài Loan cho giải pháp hợp nhất với Trung Quốc chỉ có giảm sút đi. Trong một cuộc thăm dò ý kiến mới đây, được lập lại mỗi lục cá nguyệt, đã chỉ rõ ra là phần lớn dân Đài Loan muốn giữ nguyên trạng, hoặc một quyết định độc lập, hoặc tiến dần theo hướng độc lập. Chỉ có 1,3 phần trăm là ủng hộ sự thống nhất với Trung Quốc, một con số chưa từng có trong lịch sử. Đồng thời, nó cũng chỉ ra là sự ủng hộ cho một quyết định tuyên bố độc lập càng nhanh càng tốt cũng chưa bao giờ thấp như vậy (5,1 phần trăm).

Khuynh hướng này cũng thấy rõ từ nhiều năm nay trong các mối liên hệ chính trị. Sự ủng hộ dành cho Quốc Dân Đảng, là đảng có chiều hướng xích lại với Trung Quốc, đang giảm đi, trong khi sự ủng hộ dành cho đảng Dân Tiến (Dân Chủ Tiến Bộ – DPP), là đảng đề cao sự tự chủ của Đài Loan, trở nên lớn mạnh hơn. Bên cạnh đó, hố ngăn cách giữa các thế hệ lại sâu hơn, do giới trẻ có cái nhìn tiêu cực hơn về Trung Quốc so với các bậc cha mẹ chúng, mặc dù chúng có nhiều mối liên hệ hơn với Trung Hoa lục địa, thí dụ như qua việc học hành hoặc công ăn việc làm.

Đài Loan không có nhóm thiểu số ủng hộ Trung Quốc để cho Bắc Kinh gây ảnh hưởng, như trong trường hợp Nga chẳng hạn, họ có thể làm chuyện này với vài nhóm thiểu số ở Ukraine hoặc Georgia. Bắc Kinh cố gắng, nhất là từ năm 2016 – khi đảng Dân Tiến lên nắm quyền, thì họ, bằng phương cách ‘chính trị bình dân’ đã khuyến khích dân đảo quốc tạo mối giao hảo với Trung Quốc. Chẳng hạn như Bắc Kinh đã tổ chức những buổi hội họp với dân Đài Loan, trong đó họ khuyến khích những doanh nhân nào có cái nhìn tích cực đối với việc tiến tới giao hảo với Trung Quốc tìm mua những công ty truyền thông Đài Loan và đưa những quảng cáo phò Trung Quốc lên. Nhưng tất cả những cố gắng này chỉ gây được rất ít ảnh hưởng.

Nếu Trung Quốc, qua các cuộc thao dượt và những vụ đe dọa, đạt được MỘT chuyện gì đó, thì đó là chuyện ‘cái đám phản cách mạng khổng lồ’ ở Đài Loan, cái đám mà Mao đã nói tới với vẻ coi thường, nay lại lớn mạnh hơn bất cứ khi nào, cũng giống như sự gắn kết trong nội tình dân Đài Loan. Và nhờ có những đe dọa mà họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bao giờ hết cho mọi tình huống.

.

Nguyên tác: China wil een hereniging met Taiwan, maar hoe? Drie scenario's. Ghassan Dahan. Trouw, 13.08.2022
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/trungquocmuondailoannhap.html


Cái Đình - 2022