Hoàng Giang
Trump thay đổi quan điểm về kinh tế
Tổng thống Trump đang thay đổi quan điểm về kinh tế, khi cho rằng dân Mỹ nên ít mua sắm hơn và có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn, đồng thời gánh chịu hậu quả của bối cảnh kinh tế bất ổn khi chính sách thuế quan toàn diện của ông có hiệu lực.
Trong nhiều tuần trước đây, ông Trump và nhóm kinh tế của ông đã nói rằng thuế quan sẽ chỉ gây ra khổ đau ngắn hạn và sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán cuối cùng rồi sẽ ổn định.
Nhưng thông điệp của Nhà Trắng đã thay đổi, từ lời hứa của Trump trong chiến dịch tranh cử sẽ hạ giá và khiến nước Mỹ "giàu có" trở lại, nay trở thành lời ông Trump gợi ý rằng Hoa Kỳ cần có sự thay đổi về phong cách chi tiêu của người tiêu thụ, trong khi đó chấp nhận rằng kế hoạch thuế quan của ông sẽ làm tăng giá.
Ông Trump đã bị bà Kristen Welker của NBC chất vấn vào hôm Chủ Nhật (04.05.2025) rằng liệu ông có thừa nhận rằng kế hoạch thuế quan của ông sẽ dẫn đến giá cả tăng cao hay không.
Thoạt đầu, vị tổng thống cho rằng thuế quan sẽ "làm cho chúng ta giàu có" – tương tự như những quan điểm mà ông đã bày tỏ khi quảng cáo cho chính sách kinh tế của mình. Nhưng rồi ở lần hỏi tiếp theo, ông lại gợi ý rằng: chẳng hạn như trẻ em Mỹ, chúng không cần nhiều đồ chơi và người Mỹ không cần phải chi nhiều tiền như thế cho "những thứ rác rưởi mà chúng ta không cần".
“Tôi chỉ muốn nói rằng chúng nó không cần phải có 30 con búp bê. Chúng có thể có ba con là đủ. Chúng không cần phải có 250 cây viết chì. Chúng có năm cây cũng được”, ông Trump nói, thừa nhận là giá của những mặt hàng như vậy cũng có thể sẽ tăng.
Điều đó hoàn toàn trái ngược với ứng cử viên Trump, người đã dành phần lớn năm 2024 để chỉ trích lạm phát dưới thời cựu Tổng thống Biden và hứa sẽ giảm chi phí nếu đắc cử. Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News tuần trước, ông Trump cho biết chính sách kinh tế của ông là điều mà cử tri đã đồng ý trước đó.
Trong những tuần gần đây, Trump đã thừa nhận có "một chút xáo trộn" trong nền kinh tế xuất hiện khi kế hoạch thuế quan của ông được triển khai. Khi còn vận động tranh cử, Trump thường xuyên nói về thuế quan đối với Trung Quốc, Liên Âu, Canada và Mexico, nhưng chính sách của ông cuối cùng đã áp thuế quan trên hầu hết các quốc gia trên thế giới, khiến thị trường chứng khoán và trái phiếu của Hoa Kỳ và nước ngoài rơi vào hỗn loạn.
Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch của Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ trung hữu, gọi thông điệp của Trump là "chuyển hướng" sang một chính sách không được ưa chuộng.
“Tôi thấy điều này nghe không vô. Đó là: ‘Bạn quá thực dụng. Bạn không cần nhiều búp bê như bạn nghĩ đâu.’ Và với thông điệp đó, ông ấy là một sứ giả rất là kỳ, tôi không nghĩ là nó sẽ thuyết phục người ta được,” ông Holtz-Eakin nói.
Marc Short, người từng là phụ tá hàng đầu của cựu Phó Tổng thống Mike Pence trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, đã cảnh báo rằng Trump có nguy cơ khiến mọi người xa lánh nếu ông ta cứ tiếp tục nói về búp bê, gọi đó là một “thông điệp gây tổn hại”, nó “thoáng gợi cho ta thấy quan điểm của giới quyền quý.”
Daniel Hornung, phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính quyền Biden, lập luận rằng mức thuế quan cao đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại quan trọng khác sẽ có tác động lớn nhất đến những người Mỹ phụ thuộc vào hàng hóa thuộc loại ít mắc tiền, chứ không phải những người có thể mua 30 món đồ chơi.
"Khi nói rằng những người có thu nhập thấp và trung bình chỉ nên mua ít hơn hoặc mua những thứ đắt tiền hơn, tức là bỏ lỡ một điểm quan trọng", ông Hornung nói. "Chúng ta có những vùng lãnh thổ rộng lớn mà người dân không kiếm đủ tiền để mua những thứ cao giá, và việc một thứ gì đó có giá cao hơn 5 phần trăm hay 10 phần trăm hay 20 phần trăm hay 100 phần trăm hoặc là vẫn đứng giá là rất quan trọng đối với họ".
Ông Trump đã áp dụng lệnh tạm dừng trong 90 ngày đối với các mức thuế quan ‘có đi có lại’ – tức là những mức thuế vượt quá mức 10 phần trăm áp dụng cho tất cả các quốc gia – trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Phố Wall và những người ủng hộ đảng Cộng Hòa khác. Mức thuế quan 10 phần trăm vẫn áp dụng cho tất cả các quốc gia, cũng như mức thuế quan khổng lồ 145 phần trăm đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thị trường vẫn đang phải đối mặt với sự hỗn loạn khi tương lai của thuế quan và các mối quan hệ thương mại vẫn chưa rõ ràng, mặc dù Nhà Trắng khẳng định một số thỏa thuận sắp được thực hiện.
Việc sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán trong khi Trump cũng yêu cầu người Mỹ làm quen với việc mua ít hơn là những ý tưởng trái ngược nhau, bà Kathryn Anne Edwards, một nhà kinh tế học lao động và cố vấn chính sách, lập luận như sau:
"Những chuyện này hoàn toàn xung đột với nhau, bởi vì nếu đó chỉ là một chiêu trò đàm phán, tức là bạn không cố gắng đưa việc sản xuất những sản phẩm dùng trong nội địa về lại trong nước. Bạn chỉ đang cố gắng để có được mức giá tốt hơn cho người tiêu dùng của mình ở đây", bà nói. "Nếu thực sự là bàn tính về sản xuất những sản phẩm cho nội địa, thì đàm phán sẽ không được đưa ra vì tôi không quan tâm đến những gì bạn cung cấp cho tôi, mà đây là về công ăn việc làm trong nước".
Một số dự đoán từ Phố Wall cũng góp phần gây ra lo lắng về kinh tế, cho thấy một cuộc suy thoái tiềm tàng đang nằm ở phía trước.
Khi bà Welker hỏi ông Trump rằng liệu ông có ổn với viễn cảnh suy thoái hay không, ít nhất là trong ngắn hạn, ông trả lời: "Bà xem đây, đúng. Mọi thứ đều ổn cả. Chúng ta đang ở đâu – tôi đã nói rằng đây là thời kỳ chuyển tiếp".
Trong khi đó, các đồng minh của Trump tại Quốc Hội đang ủng hộ tổng thống. Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa - Wisconsin) đã bác bỏ khả năng suy thoái vào Chủ Nhật, đồng thời nói thêm rằng "chúng ta phải hành động táo bạo" khi nói đến chương trình nghị sự về thuế quan.
Bà Edwards cho biết khả năng Hoa Kỳ hướng tới suy thoái thực sự có thể ngăn cản các công ty mở nhà máy sản xuất tại Hoa Kỳ, đi ngược lại một trong những ý định của chính Trump.
"Điều gì ngay lúc này sẽ ngăn cản một nhà kinh doanh để ông ta không nói rằng: 'Này bạn, nếu thuế quan được ban hành, có lẽ tôi sẽ bắt đầu sản xuất cái gì đó trong nước chăng'? Đúng vậy, những nhà kinh doanh không thể làm như thế, vì nếu có suy thoái thì khi đó không phải là thời điểm dễ dàng để bắt đầu một doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, nhất là khi đơn đặt hàng giảm, các cửa hàng đóng cửa và mức tiêu thụ giảm", bà nói.
Các chính sách này cũng đang mất đi một số sự ủng hộ từ công chúng. Một cuộc thăm dò của CNN được công bố vào tuần trước cho thấy có gần 6 trong số 10 người đã trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết các chính sách của Trump đang khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn và một cuộc thăm dò gần đây của viện Gallup cho thấy 89 phần trăm người lớn ở Hoa Kỳ được hỏi cho rằng thuế quan sẽ làm giá cả tăng cao.
Một chỉ dấu cho thấy thông điệp của Trump về nền kinh tế có hiệu quả hay không sẽ là cách các nhà lập pháp Cộng Hòa xử lý vấn đề này trong các cuộc tái tranh cử vào năm 2026 của họ, ông Holtz-Eakin cho biết.
"Tôi không biết liệu ông ấy có bao giờ mất đi cơ sở suy luận của mình hay không, nhưng câu hỏi cơ bản là, khi nào ông ấy mất đi những người Cộng hòa trong Quốc hội cần sự vận động cho cuộc tái tranh cử?" ông Holtz-Eakin cho biết. "Nếu ông tổng thống không được dân ưa tới một mức nào đó... tức là ông ta bắt đầu cố gắng xa rời mình, và khi nào ta bắt đầu thấy điều đó, thì ta phải biết: ông Trump đã thua rồi".
Nguyên tác: “Trump changes his tune on the economy” | Alex Gangitano | The Hill, 06.05.2025.
Người dịch: Hoàng Giang
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/trumpthaydoiquandiem.html