Lê Ngọc Vân


Trật tự thế giới cho ta thấy những vết rạn nứt. Nhưng ai sẽ phải hàn gắn nó khi hiện nay không còn bất kỳ quyền lực nào có khả năng dàn xếp thế giới nữa?

   

Cuộc tấn công vào Israel là một trong nhiều cuộc xung đột kể từ khi Nga xâm chiếm nước láng giềng Ukraine. Một lần nữa, đây lại là dấu hiệu cho thấy trật tự quốc tế cùng các luật chơi của nó đang vỡ vụn ngày một nhanh. Hơn bao giờ hết, kể từ khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc lớn và nhỏ đều có thể giải quyết xung đột của mình bằng bạo lực mà không bị trừng phạt.

Những người ủng hộ Hezbollah ở phía nam thủ đô Beirut của Libanon giơ cao
những tấm biểu ngữ có dòng chữ: 'Jerusalem, chúng tôi sắp đến nơi rồi'. Ảnh AP

Hậu quả giới hạn trong khu vực, do cuộc tấn công bất ngờ gây thương vong của Hamas nhằm vào cả quốc gia Israel lẫn người Do Thái, vẫn khó ước tính. Điều chắc chắn là rồi sẽ có hậu quả ở quy mô lớn và, do hiệu ứng sốc giống vụ 11/9 ở Israel, có thể nó có tính chất khác với các hành động trước đây của Israel chống lại Hamas và các đồng minh Hezbollah và Iran.

Nếu nhìn toàn cảnh ở một quy mô rộng hơn, ta sẽ thấy một nỗ lực khác nhằm sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng và để gây ảnh hưởng lên không khí chính trị trong khu vực này. Ít ai còn đặt nghi vấn về sự nhúng tay của Hezbollah và Iran vào cuộc tấn công phức tạp này, vốn đòi hỏi nhiều tháng chuẩn bị. Hamas đã có sẵn động cơ tấn công của riêng họ để quyết định thời cơ hành động, nhưng các chuyên gia cũng nhận ra là trong cuộc tấn công, Iran có ước muốn phá khuấy hoặc làm phức tạp thêm việc bình thường hóa mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel.

Bất cứ ai nhìn xa hơn nữa sẽ thấy một dấu hiệu khác về sự sụp đổ nhanh chóng của trật tự quốc tế cùng các luật chơi của nó. Xu hướng này đã được ghi nhận trong nhiều năm qua, thậm chí trong hàng thập kỷ tại một số vùng ở châu Phi, nhưng kể từ khi cuộc xâm lăng lớn rộng của Nga vào Ukraine, hiện nay dường như các phe đang mặc tình thao túng.

Bên cạnh đó, đôi khi đây là vấn đề nhân quả – tức là mối liên hệ trực tiếp giữa nguyên nhân và kết quả. Thí dụ, nhiều quốc gia trong vùng Sahel (dải đất miền nam sa mạc Sahara, chạy dài từ bờ Đại Tây Dương sang đến Hồng Hải – chú thích của người dịch) vốn đã bất ổn và nằm trong vòng kiểm soát của các chiến binh thánh chiến jihad và băng đảng cướp bóc trước khi quân của tổ chức đánh thuê Wagner hoạt động ở đó. Nhưng sự xuất hiện của họ, cùng với thông tin bóp méo một cách mang lại hiệu quả của Nga, đã giúp cho các nhóm quyền lực địa phương từ chối bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào của phương Tây. Kết quả là bạo lực và tình trạng hỗn loạn gia tăng, cũng như sự bất ổn gia tăng ở biên giới phía nam châu Âu.

Tính toán mang tính hoài nghi

Một ví dụ khác là Nagorno-Karabach. Nhà lãnh đạo Azerbaijan Aliëv đang trong nỗ lực hòa giải quốc tế nhằm giải quyết vấn đề một cách hòa bình thì ông lại ra quyết định chiếm lại vùng đất này bằng vũ lực. Tính toán đầy hoài nghi của ông hóa ra lại đúng đến nỗi cả phương Tây lẫn Nga – vốn có quân gìn giữ hòa bình ở đó – đều không thể ngăn cản, hoặc sẽ ngăn cản ông hành động. Hơn bao giờ hết kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bạn có thể giải quyết xung đột bằng bạo lực mà không bị trừng phạt. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã từng phát hiện ra điều này.

Và ngay trước mắt các chính trị gia châu Âu, căng thẳng đang gia tăng giữa Servia và Kosovo. Cuộc tấn công gây sốc của các chiến binh người Servia ở miền bắc Kosovo được nối tiếp bởi việc điều xe tăng của Servia tới vùng biên giới. Không còn nghi ngờ gì nữa là Nga đang giữ một vai trò ở cả Servia lẫn vùng Servia của dân Bosnia – và không phải là không thành công – với tư cách là kẻ xúi giục các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và đổ thêm dầu vào lửa càng nhiều càng tốt.

Trong bối cảnh đó, không có gì lấy làm lạ khi ngay lập tức nảy sinh sự suy đoán vào cuối tuần này (đầu tháng 10/2023, khi Hamas bất thần tấn công Israel – ghi chú của người dịch) rằng Nga, quốc gia có quan hệ tốt với Hamas, cũng một phần đứng sau vụ tấn công này. Bà Hanna Notte, chuyên gia về Nga và Trung Đông tại tổ chức tư vấn CSIS của Anh, thừa nhận rằng “một lượng nhỏ bất ổn ở Trung Đông và các cuộc khủng hoảng mới rất có lợi cho Nga, vì chúng làm chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực của phương Tây ra khỏi Ukraine”.

Những trục ma quỷ mới

Nhưng bà chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga hỗ trợ trực tiếp trong cuộc tấn công này hoặc trong giai đoạn chuẩn bị trước đó. Và bà chỉ ra rằng nếu sự tham gia của Nga vào một cuộc tấn công khủng bố hèn hạ như vậy bị đưa ra ánh sáng, nó cũng sẽ gây ra những hậu quả không hay đối với “lập trường thận trọng” của Israel đối với Ukraine và mối quan hệ tốt đẹp giữa ông Netanyahu và ông Putin.

Trong khi đó, thực sự có sự mở rộng của trục tội ác trên phạm vi quốc tế. Bên cạnh ‘tình hữu nghị chiến lược’ độc tài (nhưng cũng phức tạp và không cân bằng) giữa Trung Quốc và Nga, còn có trục Nga-Bắc Triều Tiên (Moscow thậm chí sẽ nhận được đại pháo) và trục Moscow-Teheran (và có cả Hezbollah, Hamas) cung cấp vũ trang cho Nga để chống lại Ukraine và có thể được sử dụng chúng cho các hành động lật đổ ở Trung Đông.

Ngay cả khi không có một âm mưu nào bao trùm lên trên tất cả, vẫn có rất nhiều đồng minh thực dụng xung quanh liên kết sự đàn áp trong nước của họ với sự xâm lược từ bên ngoài – và những người muốn đốt cháy bộ quy tắc toàn cầu. Hiệu quả thì như nhau: những kẻ có thế lực lớn và nhỏ đều được hưởng lợi từ khoảng không gian để hành động. Tác động xấu xa của hành động xâm lược trắng trợn của Nga đối với Ukraine là không thể phủ nhận.

Cơ hội cho các thế lực

Việc phá hoại trật tự quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc không phải là điều mới mẻ. Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, thoáng tưởng như sẽ có một thời kỳ hoàng kim sắp mở ra, nhưng rồi cuộc chiến tranh Bosnia (1992-1995) đã nhanh chóng phá hủy ý tưởng đó, và sau vụ 11/9, chính Mỹ đã giúp làm suy yếu ý tưởng này qua Chiến tranh Irak. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã bớt tự hào là một cường quốc giữ vai trò dàn xếp thế giới. Sau Putin, các cường quốc lớn và nhỏ khác cũng đánh hơi được cơ hội – và nắm bắt chúng. Ai sẽ hàn gắn những rạn nứt này khi vắng bóng một quyền lực toàn cầu có khả năng dàn xếp? Bản thân các nền dân chủ quan trọng nhất còn đang gặp khủng hoảng, nhưng họ không thể trốn tránh câu hỏi quan trọng này.

   

Nguyên tác: De wereldorde vertoont breuklijnen. Maar wie moet die lijmen nu er geen regelende mondiale macht meer is?
Arnout Brouwers (De Volkskrant, 08.10. 2023)
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/trattuthegioichotathay.html


Cái Đình - 2023