Trần Ngọc


Tổ chức nhân quyền cáo buộc Việt Nam lừa dối Mỹ về nạn buôn người

    

    <=== Hình minh họa

    

Một nhóm vận động, vào hôm thứ Năm 20.06.2024, cho biết rằng Việt Nam đã ra chỉ thị cho các quan chức của họ phải giữ kín thông tin Washington đưa ra, với mục đích là tô vẽ những nỗ lực của nước này trong việc giải quyết nạn buôn người theo một hướng tốt đẹp hơn, khi Việt Nam đang tìm cách nâng vị trí của mình lên cao hơn trong một báo cáo quan trọng của Hoa Kỳ.

Nhóm tranh đấu nhân quyền có tên là Dự Án 88 (Project88) đưa ra cáo buộc dựa trên các tài liệu chính thức của Việt Nam mà họ cho biết là đã nhận được. Reuters đã xem xét bản dịch của các tài liệu do nhóm cung cấp nhưng không thể xác nhận tính xác thực của chúng bằng một phương cách độc lập.

Dự án 88, nhắm vào vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, đã cáo buộc quốc gia Đông Nam Á này đưa ra thông tin sai lệch và cố gắng che đậy các vụ buôn người liên quan đến quan chức khi liên lạc với các viên chức Hoa Kỳ phụ trách soạn báo cáo về Buôn bán người (TIP) của Bộ Ngoại giao.

Nhóm đã công bố một báo cáo về những phát hiện của mình vào ngày thứ năm này (17/06/2024), kêu gọi Washington phải có hành động trong Báo cáo về Nạn buôn người sắp được công bố (Trafficking in Person – TIP).

Bộ Ngoại giao Việt Nam và đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã không hồi đáp email của Reuters yêu cầu bình luận về những tuyên bố này. Chính phủ Việt Nam trước đây có cho biết họ đặt nặng vấn đề buôn người và trừng phạt những kẻ buôn người.

Báo cáo TIP hàng năm là thước đo quan trọng của chính phủ Hoa Kỳ nhằm buộc các quốc gia trên thế giới phải chịu trách nhiệm về những thất bại trong ngăn chặn nạn buôn người, lao động cưỡng bức và các hình thức bóc lột khác, đồng thời nêu chi tiết các lĩnh vực mà mỗi quốc gia cần hành động.

Việc không hành động đối với các vấn đề được nêu trong báo cáo có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt như bị Hoa Kỳ cắt viện trợ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào nhóm đội sổ trong bản báo cáo năm 2022, nhưng đã nâng hạng này vào năm ngoái, ghi nhận chính phủ đã khởi xướng nhiều cuộc điều tra và truy tố nạn buôn người, hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật quốc tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cho người lao động ở nước ngoài.

Việt Nam vẫn nằm trong “danh sách theo dõi”, là nhóm các quốc gia buộc phải thể hiện sự cải thiện về các khuyến nghị cụ thể của Hoa Kỳ để tránh rơi trở lại nhóm cuối bảng xếp hạng.

Trả lời báo cáo TIP năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã thực hiện chương trình phòng chống và kiểm soát nạn buôn người kéo dài 5 năm bắt đầu từ năm 2021, cải thiện số liệu thống kê và đẩy mạnh điều tra, theo bình luận được trích dẫn từ báo Nhân Dân, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản VN.

Các viên chức Hoa Kỳ đang chuẩn bị ấn bản báo cáo TIP năm nay phải quyết định xem liệu Việt Nam có tiếp tục nỗ lực đáng kể để tuân thủ các tiêu chuẩn của báo cáo hay không.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết báo cáo TIP năm nay sẽ được công bố vào thứ Hai 22/06/2024 (1). Người phát ngôn cho biết bảng xếp hạng phản ánh đánh giá của Bộ về nỗ lực của các quốc gia trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu, bao gồm việc xem xét thông tin được cung cấp bởi các nhóm xã hội dân sự cũng như chính phủ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu quan ngại về các nỗ lực chống buôn người của Việt Nam được trích dẫn trong Báo cáo TIP, đồng thời ghi nhận những bước đi tích cực đã được xác minh mà chính phủ đã thực hiện trong giai đoạn này,” người phát ngôn cho biết trong lời bình gửi qua email sau khi bản báo cáo của Dự án 88 được công bố.

'Tránh phức tạp'

Vào tháng 4, đồng giám đốc Dự án 88 Ben Swanton đã viết thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và nói rằng Việt Nam đã “chính trị hóa và phá hoại” quy trình báo cáo TIP.

Ông Swanton viết trong bức thư: “Các tài liệu nội bộ của Việt Nam cho thấy rằng Việt Nam đang che đậy sự tham gia của các quan chức chính phủ vào nạn buôn người và cố tình đánh lừa Bộ Ngoại giao về những nỗ lực giải quyết vấn đề của họ”.

Quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam đã phát triển ổn định kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, hai thập kỷ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Tổng thống Joe Biden năm ngoái đã đến thăm Việt Nam để ký nâng cấp chính thức trong quan hệ và Bộ Thương mại hiện đang xem xét liệu có nên công nhận Việt Nam Cộng sản là nền kinh tế thị trường để cải thiện quan hệ kinh tế thêm một bậc nữa hay không.

Bộ Ngoại giao hôm thứ Năm cho biết nhà ngoại giao hàng đầu của họ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đến thăm Việt Nam trong tuần này để tăng cường quan hệ Mỹ-Việt sau khi Hà Nội tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm biến Moscow thành kẻ bị ruồng bỏ trên toàn cầu.

Dự án 88 cho biết họ đã nhận được một chỉ thị phổ biến nội bộ của Bộ Công an Việt Nam – được viết vào tháng 2 – đưa ra các khuyến nghị cho các quan chức trong việc xây dựng câu trả lời của quốc gia Đông Nam Á này trước các câu hỏi của Hoa Kỳ trong báo cáo TIP.

Theo bản chỉ thị này – do Thiếu tướng Đặng Hồng Đức ký và Dự án 88 dịch – Việt Nam nên “kiên trì trong quan điểm ‘vừa hợp tác, vừa đánh’… (và) ngăn chặn Mỹ lợi dụng và sử dụng vấn đề này làm công cụ chính trị công cụ để định hình hệ thống pháp luật của đất nước, đồng thời can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta.”

Chỉ thị nói rằng một cuộc đánh giá đã phát hiện ra rằng các câu trả lời của Việt Nam đối với các câu hỏi của Hoa Kỳ về nạn buôn người là “quá đi vào chi tiết và cụ thể” đồng thời đề xuất các câu trả lời mới.

Một câu trả lời có liên quan đến vụ việc một nữ công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động bị bán sang Ả Rập Saudi khi còn trong tuổi vị thành niên, với sự tham gia của các quan chức Việt Nam, và sau đó chết sau khi bị chủ bạo hành (2). Trường hợp này đã được Bộ Ngoại giao nhắc đến khi hạ bậc xếp hạng của Việt Nam trong báo cáo TIP 2022.

    

Nguồn: Rights group accuses Vietnam misleading US on human trafficking – Simon Lewis (reuters.com, 20.06.2024).
Trần Ngọc dịch

_______

Chú thích của người dịch:

(1) Dưới đây là bản dịch phần tóm tắt về tình trạng buôn người ở Việt Nam trong báo cáo TIP 2024:

Việt Nam (Hạng 2)

Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để thực hiện điều đó. Chính phủ đã thể hiện nỗ lực tổng thể ngày càng tăng so với kỳ báo cáo trước; do đó Việt Nam được nâng lên Nhóm Hạng Nhì. Những nỗ lực này bao gồm việc đệ trình dự thảo luật chống buôn người được – đã duyệt xét cải tổ lại vào năm 2011, lên cơ quan lập pháp để xem xét; tăng cường điều tra, truy tố và kết án các tội phạm bị nghi ngờ là buôn người; xác định và hỗ trợ nhiều nạn nhân buôn người hơn; và cho hồi hương cũng như hỗ trợ 4.100 nạn nhân dễ bị dụ dỗ bởi các hoạt động lừa đảo trực tuyến ở các nước láng giềng. Tuy nhiên, chính phủ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu trong một số lĩnh vực then chốt. Chính phủ đã không báo cáo một cách chủ động hoặc nhất quán về việc sàng lọc, xác định hoặc cung cấp các dịch vụ đặc biệt dành cho nạn nhân bị buôn bán lao động hoặc tình dục trong số những người trở về từ các hoạt động lừa đảo trực tuyến, bao gồm cả những người được chính phủ trực tiếp cho hồi hương. Liên tiếp trong hai năm, chính phủ không xác định được danh tính nạn nhân nào đã bị bán ra nước ngoài. Các nhà chức trách đã kiểm tra hàng nghìn cơ sở có nguy cơ cao nhất về buôn bán tình dục nhưng không báo cáo chính thức xác định danh tính nạn nhân nào, mặc dù chính phủ cho biết đã bắt giữ một số lượng đáng kể những kẻ bị tình nghi bị buôn bán tình dục tại những địa điểm đó. Chính phủ không báo cáo bất kỳ cuộc điều tra, truy tố hoặc kết án nào đối với các nhân viên chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người; các cơ quan chức năng cũng khép lại cuộc điều tra của một nhân vật ngoại giao bị cáo buộc trực tiếp tạo điều kiện buôn bán lao động một số công dân Việt Nam tại Ả Rập Saudi vào năm 2021 với lý do thiếu bằng chứng, đồng thời chuyển công tác của nhà ngoại giao này về Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) sau khi chỉ bị đình chỉ công tác và xử phạt hành chính vào năm 2022.

*** Ghi chú: Toàn bản văn chi tiết có thể xem tại đây:

(2) Nạn nhân là cô H Xuân Siu, sinh năm 1996, quê ở Đăk Lăk, được công ty Cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế VINACO đưa sang Saudi Arabia làm giúp việc gia đình từ cuối năm 2018. Vào đầu tháng 7/2021 cô bị xỉu, được đưa vào bệnh viện cứu cấp và đã qua đời vào ngày 18/07. Khi điều tra, người ta phát hiện thực sự cô sinh năm 2003, tức mới 15 tuổi đã đi lao động ở nước ngoài, trong khi luật Việt Nam quy định lao động nước ngoài phải từ 18 tuổi trở lên. Cô dùng hộ chiếu giả, nhưng không ai biết vì sao cô có được hộ chiếu này.

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/tochucnhanquyencaobuocvietnam.html


Cái Đình - 2024