Lê Ngọc Vân


Tại sao Việt Nam đang trở thành nhà nước công an?

Sau nhiều năm chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, Đảng Cộng sản đang tìm kiếm
một hình thức chính danh khác – sắc bén hơn.

Tô Lâm (trái) và Phạm Minh Chính trong một phiên họp năm 2022. Ảnh: Nhật Bắc/ VGP

Từng được biết đến với sự ổn định chính trị, mặc dù thuộc loại độc đảng, độc tài, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang nổi tiếng là khó mà đoán trước được ý đồ. Đảng đã sa thải hai chủ tịch nước trong hai năm như một phần của chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn đã loại bỏ phần lớn bộ máy quan liêu kể từ năm 2016. Chủ tịch Quốc hội đã được cho phép từ chức vào tháng 4/2024. Bộ Chính trị đã mất 4 thành viên hàng đầu trong 18 tháng qua.

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc kỳ tới vào năm 2026, vào lúc các quyết định nhân sự trong tương lai sẽ được công bố thì các tay đầu sỏ về an ninh đã chiếm lĩnh quyền lực. Các ứng cử viên khả thi duy nhất để kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, đã 80 tuổi, để lên làm tổng bí thư là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cả hai đều là cựu tướng công an (1).

Tuần trước, ông Bill Hayton của tổ chức nghiên cứu Chatham House đã viết: “Bất cứ ai thắng trong cuộc đua… thì đất nước sẽ chuyển sang hướng trở thành một nhà nước công an cảnh sát theo đúng nghĩa đen”. Thật vậy, Nghị quyết 24, một chỉ thị đã bị rò rỉ hồi đầu năm nay, trong đó có hướng dẫn các đảng viên hạn chế tiếp xúc với các tổ chức nước ngoài và cứng rắn hơn đối với “diễn biến hòa bình” ở bất cứ nơi nào mà bộ máy an ninh cho rằng đã phát hiện. Đàn áp đã gia tăng kể từ 2016.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. ĐCSVN chỉ quan tâm đến một điều: đó là sự sống còn của chế độ.

Thứ nhất, chống tham nhũng là một cách để Đảng đạt được tính chính danh không gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Vào cuối những năm 1990, trong xã hội không còn ai quan tâm đến chủ nghĩa xã hội. Và vào cuối những năm 2000, ĐCSVN không còn là trọng tài phân xử cho chủ nghĩa dân tộc nữa – trên thực tế, nhiều người hiện nay coi đảng này là kẻ phản bội vì đã bán mình cho Trung Quốc đáng ghét.

Điều đó chỉ để lại một sự tăng trưởng kinh tế làm cơ sở cho tính hợp pháp. Tuy nhiên, thái độ trục lợi của các chính quyền cộng sản trước đây, vốn coi tham nhũng là một cách để củng cố nội bộ đảng và làm giàu cho bản thân, đã khiến những người dân Việt Nam bình thường tức giận, và việc hối lộ đó nay đã trở thành mối lo ngại hiện hữu của Đảng.

Đối với ông Trọng, cũng như Hồ Chí Minh trước ông, Đảng phải là lực lượng “có đạo đức”; nó phải được người dân tôn trọng vì những lý do khác ngoài lợi ích kinh tế của chính bản thân họ.

Thứ hai, việc chống tham nhũng đã cho phép ĐCSVN kiểm soát khu vực tư nhân, khu vực có nguy cơ trở thành mối đe dọa chính trị. Sự giàu có của những kẻ đầu sỏ chính trị đã khiến họ trở nên quá độc lập. Tầng lớp trung lưu ngày càng đòi hỏi nhiều quyền tự do chính trị hơn. Giờ đây, khu vực tư nhân đang run sợ và sẵn sàng chấp nhận mọi mệnh lệnh của Đảng.

Thứ ba, việc chống tham nhũng cung cấp một phương tiện cho các phe phái để thanh trừng đối thủ của họ – và các tay trùm an ninh làm công việc này tốt hơn các kinh tế gia tốt nghiệp đại học.

Cuộc tranh luận hiện đang diễn ra là liệu rằng điều này có làm suy yếu nền kinh tế hay không. Một số người cho là có. Các quan chức bây giờ trì hoãn các quyết định quan trọng vì sợ bị khiển trách do đã làm thất thoát công quỹ. Đầu tư trong lãnh vực công cộng đã giảm. Một số nhà đầu tư đang lo lắng về việc thanh lọc các bộ trưởng và đảng viên cấp cao có tài về kinh tế.

Nhưng có một số người lại cho là không có chuyện suy yếu kinh tế. Chiến dịch chống tham nhũng đã cải thiện sự thuận lợi trong kinh doanh, cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư và loại bỏ (một số) lĩnh vực quan trọng mà trong đó có sự mục nát. Tuy nhiên, ĐCSVN có thể đã làm tất cả những điều đó mà không phải trở thành đàn áp hơn và tự thanh lọc tất cả trừ các trùm trong ngành an ninh. Điều này không xảy ra vì Đảng biết tương lai có thể không tốt đẹp cho họ.

Vụ bê bối tham nhũng trị giá 12 tỷ USD trong năm nay liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, người bị kết án tử hình, đã làm dấy lên mối lo ngại về mức độ độc hại của hệ thống tài chính. Lĩnh vực bất động sản vẫn chưa trụ vững sau đợt biến động lớn vào năm ngoái. Việt Nam quá phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu; nhà nước thậm chí còn cắt giảm cả năng lượng cung ứng cho các nhà máy.

Việt Nam sẽ cùng Singapore và Thái Lan trở thành một xã hội “già” vào đầu thập kỷ 2030 khi hơn 14% dân số có độ tuổi trên 65. Tuy nhiên, không giống như Thái Lan, những thay đổi về phân bổ nhân khẩu sẽ không gây ra cú sốc lớn cho lực lượng lao động của nước này. Theo một ước tính, Thái Lan sẽ mất đi 400.000 nhân lực lao động mỗi năm từ nay đến năm 2050. Việt Nam sẽ mất 200.000 người trong cùng thời kỳ.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đã vượt qua đỉnh về vấn đề nhân khẩu, và điều đáng lo ngại là khi điểm bán hàng được cho là cao mà lương tiền lại thấp (chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc) và khi mức độ sản xuất nằm trong số những nước yếu nhất ở châu Á: 10,2 đô la mỗi giờ vào năm 2021, so với 13,5 USD ở Trung Quốc, 15 USD ở Thái Lan và 12,9 USD ở Indonesia.

Tình trạng về nhân khẩu của Việt Nam sẽ bắt đầu xấu đi sau năm 2050 với số lượng người tham gia lực lượng lao động ít hơn. Số người già sẽ vượt số trẻ em vào năm 2040.

Quả thực, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất toàn cầu. Năm 2020, độ tuổi trên 65 chiếm 8% dân số. Vào năm 2050, nhóm này sẽ chiếm một phần năm. Hoặc xét tỷ lệ hỗ trợ tuổi già, bằng cách so sánh số người trong độ tuổi 20-64 (những người phải đóng thuế và tham gia phát triển nền kinh tế) với những người trên 65 tuổi (những người không đóng thuế và gặm nhấm vào tiền của người khác). Năm 2010 tỷ lệ này là 9,2. Nhưng nó đã giảm xuống còn 7,3 vào năm 2020 và sẽ giảm mạnh xuống dưới 3 vào năm 2050.

Tuy nhiên, tiền hưu của nhà nước vẫn còn ít ỏi; và chỉ có 40% người cao tuổi được bảo hiểm. Phần lớn gánh nặng chăm sóc sức khỏe ăn vào chi tiêu trong gia đình. Chi tiêu y tế từ tiền túi bỏ ra ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước tương đương. Khoảng 40% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe do cá nhân lo chứ không phải do nhà nước, so với 1/10 ở Thái Lan.

Hơn nữa, người Việt hiện nay còn nghèo hơn nhiều so với các nước tương đương. Tổng sản lượng quốc gia (GDP) bình quân đầu người chưa đến 4.200 USD, so với 7.000 USD ở Thái Lan và gần 12.000 USD ở Malaysia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Việt Nam có nguy cơ “già trước khi giàu”.

Hà Nội sẽ phải tăng thuế ồ ạt để trả tiền hưu và lo việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, doanh thu của chính phủ tính theo phần trăm GDP vẫn ở mức thấp. Con số này chỉ là 18,5% vào năm 2020, giảm so với những năm trước. Và tỷ lệ này nhỏ hơn ở Malaysia, Thái Lan và Philippines, theo dữ liệu của IMF.

Điều đó có nghĩa là nhà nước sẽ phải tăng cường thêm mức thu. Nhưng điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều sắc thuế hơn đối với tầng lớp lao động, những người không được có tiếng nói về cách thức hoạt động của chính phủ và được phép lên tiếng với các doanh nghiệp muốn được miễn thuế. Và điều đó có nghĩa là người lao động sẽ phải dành nhiều tiền hơn cho ông bà, đồng nghĩa với việc họ sẽ có ít tiền hơn cho cá nhân.

Đồng thời, chính phủ cần tăng năng suất để tiếp tục thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đang bị đình trệ và bảo vệ chuỗi cung ứng của mình tránh khỏi các quốc gia khác đang muốn hưởng một phần trong sản xuất công kỹ nghệ.

Ngoài ra còn có những lo ngại hiện hữu nằm ngoài tầm kiểm soát của Hà Nội. Nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ. Trong ngắn hạn, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều hoạt động chuyển hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc chiếm 1/4 thương mại của Việt Nam. Một thảm họa kinh tế ở Trung Quốc sẽ gây ra sự hỗn loạn về xã hội và chính trị ở biên giới phía bắc Việt Nam.

Rồi sau đó là Hoa Kỳ, quốc gia ngày càng không chắc liệu mình có muốn bảo vệ thương mại tự do cho mọi người khác trên thế giới hay không. Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai hứa hẹn của Donald Trump – người từng gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” trong hệ thống thương mại của Mỹ – sẽ làm dấy lên lo ngại rằng Việt Nam có thể bị áp thuế và trừng phạt chống bán phá giá, nhất là vì có quá nhiều hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đang đổ vào Việt Nam để rồi tái xuất khẩu sang phương Tây.

Thay vì ngạo mạn về kinh tế, Đảng Cộng sản có lẽ đang lo sợ.

Họ biết rằng họ chỉ còn hơn hai thập kỷ trước khi vụ nhân khẩu học bắt đầu suy giảm và chỉ còn chưa đầy 20 năm nữa để giải quyết một số vấn đề lớn trong thị trường tài chính, tốc độ sản xuất và cơ sở hạ tầng. Có lẽ họ sẽ thành công. Nhưng cũng có lẽ họ sẽ không lo liệu được.

Điều gì sẽ xảy ra nếu nhà nước không thể cung cấp đủ lương hưu hoặc chăm sóc sức khỏe cho người già? Điều gì sẽ xảy ra nếu năng suất giảm sút và lực lượng lao động trở nên yếu kém trong cạnh tranh? Điều gì sẽ xảy ra nếu nhiều người bắt đầu đòi quyền được đại diện để đổi lấy việc đóng thuế?

Thất bại sẽ mang đến những mối đe dọa mới, có khả năng nghiêm trọng hơn nhiều đối với sự an ninh của chế độ. Do đó, thật hợp lý khi ĐCSVN hạ rào chắn và tự bảo vệ mình trước một trận lũ lụt tiềm ẩn; để Đảng tạo ra nguồn tính hợp pháp không chỉ là tốc độ tăng trưởng cao ngất ngưởng. Nhưng điều này sẽ khiến Đảng kém khả năng giải quyết các vấn đề đe dọa an ninh của mình.

   

Nguyên tác: Why Is Vietnam Becoming A Police State? - David Hutt (The Diplomat 17.05.2024).
Người dịch: Lê Ngọc Vân

David Hutt là một nhà báo và nhà bình luận. Ông là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Á & Trung Âu (CEIAS), và là người phụ trách chuyên mục của The Diplomat và Radio Free Asia (RFA).

___________

Chú thích của BBT:

(1) Trong phiên họp thứ 7 của quốc hội khóa 15 ngày 22/05/2024, đại tướng công an Tô Lâm đã được các đại biểu hiện diện bầu làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, với số phiếu 472/473 thuận. Đây có lẽ là bước tiến đến cuộc tranh chấp (hoặc dàn xếp) quyền lực ở cấp cao nhất, với Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng.

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/taisaovietnamdangtrothanh.html


Cái Đình - 2024