Trần Ngọc
Tại sao Netanyahu phải ‘đi’?
Sau chiến tranh, Israel sẽ cần một giải pháp hai-nhà-nước mà ông không thể thực hiện được
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv, tháng 10/2023 – Ảnh: Maya Alleruzzo / Reuters
Sau ngày 7 tháng 10/2023, Israel đã trở thành một quốc gia khác. Kể từ ngày đó, khi những kẻ khủng bố Hamas xâm nhập vào Israel, sát hại hơn 1.400 người một cách dã man và bắt hơn 220 người làm con tin, rõ ràng là Hamas không thể được phép tiếp tục nắm quyền ở Gaza. Đánh bại Hamas là vì lợi ích của thế giới tự do cũng như của Israel: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra đề nghị thành lập một liên minh quốc tế để chống lại Hamas.
Cuộc chiến của Israel không phải là cuộc chiến có lựa chọn chống lại người Palestine mà là một chiến dịch tất yếu nhằm giải phóng chính chúng tôi cũng như người dân sống trên Dải Gaza khỏi ách thống trị tàn ác của Hamas. Chiến dịch quân sự của Israel phải thành công. Nhưng việc tổ chức và duy trì nó sẽ đòi hỏi phải thiết lập các mục tiêu chính trị cho những gì tiếp theo. Và một chiến thắng nhóm Hamas không thôi sẽ không đủ để chữa lành những vết thương khủng khiếp mà Israel đã phải gánh chịu trong hành động khủng bố này. Đất nước mà Israel sẽ trở thành sau 10 năm nữa phụ thuộc vào những lựa chọn chính trị mà nước này thực hiện từ bây giờ, không chỉ vào các quyết định quân sự, mà là: an ninh và thịnh vượng của nước này sẽ phụ thuộc vào việc liệu quốc gia này có tạo ra một chân trời chính trị mới cho khu vực của mình và đạt được những tiến bộ nghiêm túc hướng tới một giải pháp cuối cùng là giải pháp hai-nhà-nước cho người Israel và người Palestine.
Cùng với nỗ lực đánh bại Hamas về mặt quân sự, Israel cũng phải nỗ lực xác định chiến lược dài hạn của mình. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, không phải là người thích hợp để chỉ đạo bất kỳ phần nào của quá trình này – cả cuộc chiến nhằm đánh bại Hamas lẫn những nỗ lực nhằm bảo đảm một nền hòa bình lâu dài hơn. Israel phải đặt ưu tiên vào một viễn kiến chính trị lớn hơn, không chỉ vì mục đích giảm căng thẳng với các nước lân cận và tránh nhấn chìm khu vực của mình trong bạo lực, mà còn vì lợi ích của chính họ: đảm bảo tương lai của mình với tư cách là quốc gia dân chủ của người Do Thái và bảo tồn quyền lực của mình, là giá trị cốt lõi của tự do và công lý – những giá trị mà nước này chia sẻ với Hoa Kỳ.
Rắc muối (1)
Sau khi Thủ tướng Israel Ariel Sharon rời khỏi Gaza vào năm 2005, người kế nhiệm ông, Ehud Olmert – tại vị từ năm 2006 đến năm 2009 – đã cố gắng hợp tác với Nhà Nước Palestine để đạt được một thỏa thuận hòa bình bao gồm cả vùng Gaza. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sau khi tiếp quản Olmert thì Benjamin Netanyahu, một nhà lãnh đạo liều lĩnh và hay châm biếm, đã tìm cách củng cố vị thế của Hamas ở Gaza. Ông tán thành quan điểm bệnh hoạn là sự cai trị của Hamas ở Gaza về cơ bản là tốt cho Israel: đó là nhờ vào sự mất đoàn kết của người Palestine mà Israel thu được nhiều lợi ích hơn, cộng với việc Gaza tách khỏi Bờ Tây, nơi Nhà Nước Palestine ôn hòa hơn nắm giữ quyền lực; có nghĩa là Israel được lợi hơn là khi để cho những người Palestine có được sự đoàn kết với nhau.
Nhiều nhà phê bình Israel đã chỉ ra sự khác biệt giữa bài phát biểu quan trọng mà ông Netanyahu đưa ra tại Đại học Bar-Ilan ở Tel Aviv vào tháng 6 năm 2009, trong đó ông tán thành giải pháp hai-nhà-nước, và các hành động tiếp theo của ông, vốn củng cố mối nhận thức rằng Israel không coi người Palestine là đối tác hợp pháp trong cuộc đàm phán và thúc đẩy tiến trình của nhóm cai trị người Israel trong việc dần dần thôn tính vùng Bờ Tây. Netanyahu cho phép Qatar tài trợ cho Hamas và thả hơn một nghìn tù nhân Hamas để đổi lấy một binh sĩ Israel bị bắt – là Gilad Shalit; trong 12 năm qua, Netanyahu đã ngăn chặn nỗ lực của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới nhằm phục hồi Gaza vì những nỗ lực này đòi hỏi phải có sự tham gia của Nhà Nước Palestine.
Ông Netanyahu tin rằng việc cắt đứt quan hệ chính trị giữa Bờ Tây và Gaza sẽ cản trở bất kỳ tiến trình hòa bình nào có thể dẫn đến kết quả hai-nhà-nước. Mong muốn lật đổ quá trình này của ông được thúc đẩy bởi một tham vọng thậm chí còn cao hơn: ngăn chặn sự xuất hiện của một nhà nước Palestine có chủ quyền và sự phân chia vùng Đất Thánh.
Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng: sự phân chia đó, bất chấp những rủi ro an ninh mà nó có thể gây ra, là điều cần thiết để bảo vệ bản sắc của Israel là một quốc gia dân chủ cho người Do Thái. Giải pháp một-nhà-nước không thể bảo vệ được nhà nước Do Thái. Ở một nước Israel dân chủ bao gồm cả Bờ Tây và Gaza, người Do Thái sẽ chiếm ít hơn 50% dân số một chút. Nhưng bằng cách duy trì hiện trạng, Israel đang trôi dạt ra khỏi các giá trị dân chủ của họ. Những người Israel định cư ở Bờ Tây được hưởng những quyền lợi cao hơn rất nhiều so với những gỉ người Palestine được hưởng, và có hai hệ thống pháp luật riêng biệt đang chi phối cuộc sống của người Do Thái và người Palestine ở đó trong khi Gaza đã bị biến thành khu tập trung ghetto, không có sân bay, còn các hải cảng gần như bị Israel phong tỏa hoàn toàn.
Nói rõ hơn, không có thực trạng nào trong số này biện minh hay biện hộ một cách gián tiếp cho những hành động tàn bạo mà Hamas đã gây ra vào ngày 7 tháng 10. Nhưng những sự kiện kinh hoàng ngày hôm đó đã chứng minh thực tế bất thường này không bền vững và dễ biến động như thế nào rồi. Nó chỉ giúp tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự hưng thịnh của những hình thức khủng bố vô nhân đạo nhất.
Cuộc chơi khờ dại
Ngay trước khi ông Netanyahu lên nắm quyền vào năm 2009, một cuộc thăm dò của Viện Dahaf cho thấy 78% người Israel sẵn sàng giải quyết tình trạng bấp bênh này thông qua giải pháp hai-nhà-nước. Nhưng thay vì phải đối mặt với nhiệm vụ giải quyết kế hoạch hòa bình hai-nhà-nước đó, ông Netanyahu đã buộc người Israel đóng một vai trò trong một vở kịch kabuki (2) chiến lược đã biến họ thành một trò hề. Người Israel đã phải chịu đựng trong nhiều năm các loạt tên lửa liên tục do Hamas phóng ra nhằm vào các thành phố và làng mạc của họ. Rất ít quốc gia nào khác có thể chịu đựng được một tình huống như vậy. Ông Netanyahu lại yêu cầu người Israel đặt niềm tin quá mức vào công nghệ, chẳng hạn như hệ thống Vòm Sắt chặn hỏa tiễn được sáng tạo và phát triển cùng với Mỹ, để giảm thiểu thiệt hại do tên lửa bắn sang.
Trong khi đó, ông Netanyahu cho phép các đặc phái viên Qatar vào Gaza theo định kỳ, mang theo những vali chứa đầy ắp hàng triệu đô-la tiền mặt. Đổi lại, ông tưởng tượng ra rằng mình đang giữ Gaza ở mức “cháy âm ỉ”, với sự phẫn nộ ngấm ngầm nhưng chưa bao giờ bùng phát thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện; ông cho phép Hamas được sống sót và quay mặt đi khi họ vẫn tiếp tục tự trang bị vũ khí. Ông cũng cố gắng đạt được một thỏa thuận hòa bình với Ả Rập Saudi mà về cơ bản đã phớt lờ người Palestine.
Kế hoạch này nhằm mục đích duy trì liên minh theo chủ nghĩa thôn tính cực hữu đã đưa ông trở lại nắm quyền vào cuối năm 2022. Và nó cho phép ông đe dọa hệ thống tư pháp và tránh bị kết án trong phiên tòa hình sự kéo dài nhiều năm về tội tham nhũng đang diễn ra. Liên minh cánh hữu của ông Netanyahu đã tập trung chỉ thuần vào việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái đang chiếm đóng ở Bờ Tây mà hủy bỏ khả năng đạt giải pháp hai-nhà-nước. Trong nhiều năm qua, những người Do Thái chiếm đóng ngày càng quấy rối, đe dọa và khủng bố người Palestine ở Bờ Tây; Chính phủ của Netanyahu trên thực tế đã phớt lờ những hành động này, cho phép chúng trở thành một chuẩn mực.
Với sự hài lòng là bất kỳ mối đe dọa nào đối với hiện trạng từ người Palestine đã được quản lý, ông Netanyahu cũng cố tình làm suy yếu quân đội Israel thông qua việc tập trung gần đây vào việc cải tổ tư pháp. Ông phớt lờ những cảnh báo mạnh mẽ từ những người kỳ cựu trong cơ quan an ninh Israel như Tướng Moshe Yaalon và Tướng Amos Malka – cũng như nhiều nhóm khác – là sự thay đổi chế độ được ngụy trang dưới dạng cải cách theo kiểu này có thể gây tổn hại đến nền an ninh quốc gia của Israel bằng cách loại bỏ sự phân chia quyền lực, làm suy yếu cơ quan thực thi pháp luật của nước này, làm suy yếu nền kinh tế và tấn công các giá trị cơ bản giúp cho xã hội Israel có được sự kết hợp nội bộ.
Sân khấu cho vở kịch này giờ đã nằm trong đống đổ nát.
Ý tưởng mới
Tính đến tháng 9 năm 2023, theo một cuộc thăm dò của tổ chức Geneva Initiative, 42% người Israel ủng hộ giải pháp hai-nhà-nước. Điều này thể hiện sự xói mòn niềm tin của công chúng vào ý tưởng của ông Netanyahu kể từ khi ông này nắm quyền. Tuy nhiên, xét đến việc ông Netanyahu đã cố gắng tích cực như thế nào để dập tắt mọi khả năng về giải pháp hai-nhà-nước, điều mang đầy ý nghĩa là phần lớn người Israel vẫn nói rằng họ thích giải pháp này hơn bất kỳ giải pháp nào khác có thể được đưa ra.
Còn quá sớm để biết vụ thảm sát ngày 7 tháng 10 của Hamas sẽ thay đổi nhận thức của công chúng Israel về giải pháp hai-nhà-nước như thế nào. Những ai cố gắng hiểu Israel ngày nay phải nhìn vào khuôn mặt của những người Israel đã chứng kiến những người thân yêu của họ bị sát hại, tra tấn, chặt đầu, thiêu sống cho tới chết hoặc bị thương tật ngay trước mắt họ. Sẽ phải mất nhiều năm trước khi dân Israel chấp nhận được mức độ tổn thương sâu sắc và sự mất cảm giác an toàn của họ.
Trước khi giải quyết được bất kỳ giải pháp hai-nhà-nước nào, Hamas phải bị tước quyền ở Gaza. Đây sẽ không phải là một công việc đơn giản, đặc biệt là khi nhóm khủng bố có hành vi hèn nhát là ẩn núp sau lá chắn người của người Palestine bằng cách giấu các cơ sở chỉ huy của họ – và thậm chí cả kho vũ khí và bệ phóng tên lửa, vào những nơi đặc biệt có đông thường dân. Việc lật đổ Hamas có thể đòi hỏi phải có giao tranh gian nan hơn nữa ở các khu vực thành thị.
Quân đội Israel có thể thành công. Nhưng bất kỳ cuộc xâm lăng vào nước nào cũng phải được tính toán kỹ lưỡng, với một kế hoạch rõ ràng cho những gì sẽ xảy ra vào “ngày hôm sau”. Nó không thể bị phạm sai lầm vì áp lực của dư luận hay mong muốn được trả thù.
Các nhà lãnh đạo Israel phải mang đến cho người Palestine một tầm nhìn về hòa bình, mang lại cho họ phẩm giá của một quốc gia.
Vài ngày sau cuộc tấn công của Hamas, một số nhà lãnh đạo ôn hòa của Israel – bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Tướng Gadi Eisenkot, cựu tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel – đã gia nhập chính phủ của Netanyahu, thành lập nội các chiến tranh. Sự hiện diện của những tiếng nói hợp lý hơn trong chính phủ Israel là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ giao tranh dữ dội ở Gaza có thể gây ra xung đột mới ở các khu vực khác như Bờ Tây và dọc biên giới Israel-Lebanon. Một cuộc tấn công vào Gaza một cách cách bất cẩn gây chết chóc cho nhiều thường dân hoặc tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể khiến thêm hàng nghìn người Hồi giáo, đồng cảm với cuộc đấu tranh của người Palestine và sự đau khổ họ đang phải gánh chịu, sẽ đổ ra đường, gây bất ổn cho các nước láng giềng Ả Rập của Israel.
Trên hết, một chiến dịch ở Gaza phải gửi thông điệp đúng đắn đến người Palestine. Một khi Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine bị mất quyền lực, Israel sẽ có trách nhiệm khởi động lại toàn bộ cách tiếp cận của mình đối với thường dân Palestine, bao gồm cả những người ở Gaza.
Hamas là một ý thức hệ: ý tưởng rằng người Do Thái phải bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi Trung Đông bằng bạo lực. Ý tưởng này sẽ hấp dẫn nhiều người Palestine chừng nào vẫn chưa có lựa chọn hòa bình thực sự nào đó để họ có thể gắn hy vọng vào. Đó là một ý tưởng sẽ không bao giờ bị đánh bại bằng súng. Phải có một ý tưởng tốt hơn xuất hiện, một ý tưởng hấp dẫn hơn – một ý tưởng không cho rằng người Do Thái và người Ả Rập bị mắc kẹt trong một trò chơi có tổng số bằng 0 ở Trung Đông mà đưa ra một giải pháp đôi bên cùng có lợi.
Israel phải đưa ra ý tưởng đó. Các nhà lãnh đạo Israel phải cống hiến cho người Palestine – kể cả những người sống ở Gaza, một chân trời hòa bình thực sự mang lại cho họ phẩm giá quốc gia. Những người bảo vệ Netanyahu cho rằng ông không bao giờ có các lựa chọn chính sách khác vì ông không có đối tác đàm phán tốt là người Palestine. Nói thẳng ra, điều này sai. Mặc dù Hamas luôn có lập trường chống lại bất kỳ sự thỏa hiệp nào, nhưng Nhà Nước Palestine từ lâu đã ủng hộ giải pháp hai-nhà-nước. Lãnh đạo của Nhà Nước này, Mahmoud Abbas, có thể đã – và vẫn có thể, bất chấp những điểm yếu của ông ta – là một đối tác trong cam kết chia cắt đất đai một cách hòa bình.
Từ chiến tranh đến hòa bình
Việc tiêu diệt lực lượng vũ trang của Hamas sẽ tạo ra khoảng trống chính trị ở Gaza. Israel sẽ không quan tâm đến việc nối lại quyền kiểm soát người dân Palestine ở đó. Thay vào đó, họ phải giúp người ta vẽ ra một quá trình trong đó một lực lượng quốc tế được điều phối bởi Israel, Nhà Nước Palestine và Hoa Kỳ – với sự hợp tác của các nước Ả Rập láng giềng như Ai Cập, Jordan và Ả Rập Saudi – chịu trách nhiệm về giai đoạn chuyển tiếp, lập lại trật tự công cộng và sửa chữa cơ sở hạ tầng. Quá trình chuyển đổi này có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán về kế hoạch hai-nhà-nước theo mô hình Sáng kiến Hòa bình Ả Rập năm 2002, với những sửa đổi cho phù hợp.
Sáng kiến đó đưa ra một đề nghị là Israel có thể đảm bảo hòa bình với toàn bộ thế giới Ả Rập bằng cách rút quân khỏi Bờ Tây và các khu vực do người Ả Rập thống trị ở Jerusalem. Một sửa đổi khả thi sẽ bao gồm một sự trao đổi lãnh thổ có giới hạn để giảm số lượng người định cư Israel xuống còn khoảng 100.000 người, các thỏa thuận an ninh phù hợp và một thỏa thuận về cách giải quyết vấn đề người Palestine đã rời khỏi lãnh thổ Israel vào năm 1948. Đây là một sự sửa đổi khả thi duy nhất có thể xảy ra, nó có thể cho phép người Israel và người Palestine sống trong hòa bình và đảm bảo sự thịnh vượng của họ, đồng thời nó sẽ làm cho Israel an toàn hơn, hợp pháp hơn và phù hợp hơn với các giá trị tự do và công lý vốn là nền tảng của chính họ.
Netanyahu không thể chỉ đạo bất kỳ phần nào của quá trình này – không phải tiến trình hòa bình, cũng không phải chiến tranh. Ông ta đã hoàn toàn đánh mất niềm tin của không những kẻ thù mà giờ đây còn của rất nhiều bạn của ông. Và gần đây, ông đã đánh mất lòng tin của ngay cả những thành viên cao cấp nhất trong cơ quan an ninh Israel. Vào ngày 29 tháng 10, ông đã tạo ra sự hỗn loạn bằng một dòng tin nhắn trên tweet trong đêm khuya, đổ lỗi cho các cơ quan tình báo Israel vì đã bỏ lỡ các dấu hiệu về cuộc tấn công của Hamas. Sau đó, ông đã xóa dòng tweet và xin lỗi, nhưng kiểu hành động tự bảo vệ mình một cách bốc đồng như thế đã làm nản lòng các quan chức đang cật lực làm việc; và mối đe dọa chính phủ đoàn kết mong manh của ông có thể sẽ tái diễn. Quan trọng nhất, ông không thể lãnh đạo Israel trong một thời điểm đặc biệt đòi hỏi nước này phải nắm bắt cơ hội để thay đổi hướng xung đột với người Palestine. Ông phải từ chức lập tức nếu Israel muốn có bất kỳ cơ hội nào phục hồi sau sự tàn phá mà ông đã gây ra đối với an ninh, kinh tế và xã hội của nước này.
Giải pháp hai-nhà-nước là kết quả duy nhất có thể giúp người Israel và Palestine sống trong hòa bình.
Người dân Israel được an ủi tận tình bằng những lời nói và hành động ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, như cử hai hạm đội hàng không mẫu hạm đến khu vực và gửi đạn dược cho Lực lượng Phòng vệ Israel. Họ đặc biệt đánh giá cao chuyến thăm nhanh chóng của Biden tới đất nước của họ, một vùng chiến sự, trong đó ông gặp gia đình của những người Israel bị bắt làm con tin đang bị cầm giữ ở Gaza. Việc người Israel phải tìm kiếm sự an ủi và hỗ trợ tinh thần to lớn từ Biden trong vài tuần qua chỉ nhấn mạnh rằng ông Netanyahu hoàn toàn không đủ năng lực để đáp ứng những nhiệm vụ mà đất nước ông phải đối mặt.
Chừng nào Netanyahu còn giữ chức thủ tướng, Biden phải chắc chắn cho ông này biết là Hoa Kỳ chưa cấp cho ông một quyền tự do làm bất cứ điều gì ông muốn ở Gaza đâu. Biden nên nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ coi tiến trình hòa bình giữa hai quốc gia là điều bắt buộc, một tầm nhìn mà ông đã ám chỉ. Người Palestine cảm thấy bị bỏ rơi vì mối quan hệ gần đây giữa Israel và Saudi Arabia, và cảm giác này cần phải được điều chỉnh. Bất kỳ thỏa thuận tương tự nào trong tương lai mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Israel theo đuổi đều phải giải quyết thẳng thắn các vấn đề mà người Palestine gặp phải, kết hợp các quy trình mang tính ràng buộc, liên tục và chuẩn mực để Israel rút khỏi Bờ Tây và phục hồi Gaza.
Cung cấp cho người Palestine một chân trời – một mốc thời gian cụ thể để thành lập một nhà nước của riêng họ, trong đó họ có thể thực hiện nguyện vọng dân tộc của mình, thực hiện quyền tự quyết và sống không bị chiếm đóng – sẽ gửi một thông điệp tích cực không chỉ tới người Palestine mà còn tới cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng Ả Rập của Israel. Nhưng khi Israel hiện đang theo đuổi một chiến dịch quân sự khó khăn và phức tạp, người Israel chúng ta cũng phải bắt đầu tự nhủ với mình một thông điệp khác: kẻ thù là Hamas, không phải người dân Palestine. Điều đó sẽ đòi hỏi một chính phủ mới và hợp lý ở Israel.
Nguyên tác: Why Netanyahu Must Go – Ami Ayalon, Gilead Sher & Orni Petruschka.
Foreign Affairs, 31.10.2023
Người dịch: Trần Ngọc
***
Ami Ayalon là cựu Tư lệnh hải quân Israel và cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Israel.
Gilead Sher là cựu Tham mưu trưởng của Thủ tướng Israel Ehud Barak, từng là nhà đàm phán hòa bình thâm niên của Israel và là thành viên tại Baker Institute for Public Policy.
Orni Petruschka là cựu doanh nhân công nghệ ở Israel.
__________
Chú thích của người dịch:
(1) Rắc muối xuống đất, hay gieo muối, là nghi thức rắc muối lên các thành phố bị chinh phục để tượng trưng cho lời nguyền không để cho những vùng đất này được tái định cư. Nó có nguồn gốc như một tập tục mang tính biểu tượng ở vùng Cận Đông cổ đại.
(2) Kabuki (ca vũ kỹ) là một loại tuồng diễn trên sân khấu của Nhật, phần nhiều mang tính hài hoặc tục tĩu, với các vũ công thường có trang phục kỳ dị.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/taisaonetanyahuphaidi.html