Hoàng Giang


Qua vụ đơn kiện Chất Độc Da Cam bị bác (08/2024), nhìn lại vấn đề

   

Ngày 22/08/2024, tòa Phúc Thẩm Paris đã ra phán quyết bác đơn kiện của bà Trần Tố Nga đòi công ty Bayer-Monsanto và 13 tập đoàn hóa chất đa quốc gia khác phải chịu trách nhiệm vì đã sản xuất Chất Da Cam (cũng thường được gọi là Chất Độc Da Cam) và cung cấp chất này cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam.

Trong phán quyết, tòa Phúc Thẩm Paris giữ nguyên phán quyết của Tòa Sơ Thẩm của thị xã Evry (ở Nam Paris) năm 2021, rằng tòa không có thẩm quyền xét xử các công ty hóa chất nói trên, với lý do các công ty này được hưởng quyền “miễn trừ tư pháp” đối với một quốc gia, vì họ đã hành động theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ.

Như vậy, chiến thuật do Việt Nam vẽ ra, là cho một công dân Pháp đứng đơn kiện, cho tới giờ, cũng không mang lại kết quả mong muốn.

Vì nhiều người không theo dõi vụ kiện kéo dài đã gần hai thập kỷ, với nhiều lắt léo, qua bài viết tổng hợp này tác giả hy vọng trình bày vấn đề một cách khách quan, trung thực hơn, vì tuyệt đại đa số những bài báo tiếng Việt là do bên phía Việt Nam quảng bá, đồng nghĩa với sự thông tin có chỉ đạo.

Muốn hiểu tường tận vấn đề, trước hết chúng ta phải biết:

Chất Da Cam là gì? Vì sao độc?

Chất Da Cam, dịch thoát từ tiếng Anh Agent Orange, là tên phổ thông của một loại thuốc làm rụng lá cây. Đây là một hỗn hợp 50/50 của 2 chất: 2,4-dichlorophenoxyacetic acid (viết tắt: 2,4-D) và muối n-butylacetate của 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid (viết tắt: 2,4,5-T). Tên Chất Da Cam là do vạch sơn màu cam quanh các phuy chứa, hoặc màu của các thùng phuy.

Tuy được sử dụng trong nông nghiệp đại trà từ cuối thập niên 1940 và được rải dọc đường rầy hoặc đường dây điện để diệt cỏ dại, nhưng từ năm 1961 chất 2,4,5-T (và từ 1965 là hỗn hợp 2,4-T & 2,4,5-T, tức Chất Da Cam) đã bắt đầu được dùng trong chiến tranh Việt Nam để khai quang các khu rừng được cho là nơi trú ẩn của bộ đội cộng sản. Sự sử dụng chất làm rụng lá tại Việt Nam do quân đội Mỹ chấm dứt năm 1971. Một lượng nhỏ các chất khai quang, trong đó có Chất Da Cam, còn tồn kho ở miền nam Việt Nam được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sử dụng cho đến khi chiến tranh kết thúc.

2,4-D và 2,4,5-T được nhiều công ty sản xuất, trong đó hai tập đoàn công ty ở Hoa Kỳ là Dow Chemical và Monsanto (năm 2016 Bayer đã mua lại Monsanto và tên hiện nay là Bayer-Monsanto) góp phần lớn nhất. Hai chất này, nguyên thủy được coi như an toàn cho con người trong lượng được dùng, nhưng sau này người ta đã tìm thấy trong chất 2,4,5-T một lượng rất nhỏ tạp chất dioxine. Dioxine là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm chất khác nhau, trong đó có một số chất được chứng tỏ có độc tính cao trên động vật (cả thú lẫn người) và có tác hại lâu dài – tới hàng chục năm, vì bị phân hủy rất chậm. Một trong những chất này là 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (viết tắt: TCDD), thường được dùng trong các thí nghiệm về độc tính của dioxine nói chung.

Trong các vụ kiện Chất Độc Da Cam của Việt Nam đòi bồi thường có các yếu tố sau đây chi phối:

Những yếu tố khách quan:

– Khi chất diệt cỏ được đưa vào sử dụng trong nông nghiệp, người ta chưa rõ tác hại của nó. Tới cuối thập niên ’60, với các kết quả của những thí nghiệm sơ khởi, giới khoa học mới ‘cảnh báo’. Linh cảm sẽ mắc vào kiện tụng, các công ty đã ngưng việc sản xuất Chất Da Cam, nguồn cung ứng cho thị trường coi như đã chấm dứt vào năm 1970. Vì khi đó độc tính được quy cho chất 2,4,5-T (một thành phần trong Chất Da Cam) nên chất này cũng không còn được dùng để khai quang ở Việt Nam nữa mà thay vào đó là chất 2,4-D, nhưng hai năm sau Hoa Kỳ cũng chấm dứt sử dụng chất 2,4-D ở Việt Nam. Về mặt luật pháp, đòi bồi thường một tai họa khi người ta chưa công nhận đó là tai họa, thì khó thành công. Tỉ như hiện giờ ai cũng biết chất asbest gây ra các bệnh ung thư phổi asbestosis do hít thứ bụi asbest (amiăng) mịn nhưng nạn nhân không thể kiện để đòi những công ty làm tôn fibro-ximăng hoặc các vật dụng có chứa asbest phải bồi thường cho họ.

– Độc tính của một hóa chất trong thực tế khó chứng minh. Lý do là vì các thử nghiệm độc tính đều được thực hiện trên thú vật, với kết quả này người ta tiên liệu được độc tính ‘có thể’ có trên người. Nhưng cơ thể con chuột, con khỉ… không hoàn toàn giống cơ thể con người. Do không được phép thử độc tính trên người, những báo cáo về độc tính trên người là do thu thập kết quả trong thực tế, từ nhóm người có tiếp xúc, đối chứng với nhóm người không tiếp xúc. Chúng có thể cho kết quả rất khác nhau, có khi nghịch nhau, như vấn đề sinh con bị dị tật, có nghiên cứu xác định là có, trong nghiên cứu khác lại thấy không có sự khác nhau rõ ràng. Ngoài ra, trong trường hợp Chất Da Cam trong chiến tranh Việt Nam, còn nhiều yếu tố khác, mà hai yếu tố quan trọng nhất là thực phẩm (có thể bị nhiễm độc do thuốc trừ sâu hoặc do nấm mốc vì trữ quá lâu, hay do dùng những chất phụ gia có tính độc hại như hàn the, phẩm đỏ…) và vấn đề y tế (vệ sinh tồi tệ, dùng nước có nhiễm độc Arsen, thuốc men dùng cẩu thả…). Trong vụ kiện Chất Da Cam, các công ty bị kiện luôn luôn tìm cách trưng dẫn những nghiên cứu có lợi cho họ, và thường đặt câu hỏi: vì sao chỉ có Việt Nam kiện, trong khi các nước khác cũng dùng Chất Da Cam mà không có ai kiện? Một tài liệu thường được các công ty dẫn chứng là các nghiên cứu về thảm họa nổ nhà máy sản xuất một chất có hàm lượng dioxine rất cao ở Seveso, một tỉnh miền bắc nước Ý, với kết quả không tương đương với kết quả trong hồ sơ kiện Chất Độc Da Cam của Việt Nam. Một tài liệu khác được các tập đoàn sản xuất dẫn chứng là cuộc nghiên cứu về hậu quả của thuốc khai quang dùng trong cuộc chiến chống du kích Cộng sản tại Mã Lai trong ‘Tình trạng khẩn cấp Mã Lai’ – Malayan Emergency, trong khoảng thời gian 1948-1960, với số lượng phun xịt cao hơn rất nhiều so với Việt Nam, nhưng không để lại hậu quả trầm trọng (ghi chú: những nghiên cứu và báo cáo của cuộc tảo thanh cộng sản rộng lớn này còn nhiều nghi vấn về tính trung thực và khách quan).

– Chính phủ một quốc gia không thể bị kiện (được hưởng quyền miễn tố), ngoài một số tội ác chiến tranh nhưng phải do Tòa án Quốc tế phân xử. Chất Độc Da Cam là thuốc làm rụng lá, theo định nghĩa không là một vũ khí hóa học. Ngoài ra mục đích Hoa Kỳ sử dụng Chất Da Cam không phải để giết người, mà là để bảo vệ quân nhân Hoa Kỳ chống lại các cuộc phục kích, đó là theo lời giải trình của chính phủ Hoa Kỳ.

Những yếu tố chủ quan:

– Việt Nam quá coi thường việc lập một hồ sơ với những bằng chứng chính xác, vì thế không có tính thuyết phục. Một phần cũng do vụ việc xảy ra đã quá lâu, trong thời kỳ chiến tranh thiếu thốn phương tiện thâu thập chứng cứ. Lời khai của các nhân chứng cũng vì thế nhiều khi không nhất quán khi đi vào chi tiết.

– Việt Nam vẫn nghĩ theo lối xưa cũ là tòa án xử theo công lý hoặc theo chuẩn mực đạo đức, nhưng tòa án hiện nay ở các xứ pháp trị xử theo luật. Hội đồng xét xử căn cứ trên lời khai trước tòa của hai bên và những chất vấn giữa hai bên trong các phiên điều trần và ra phán quyết theo những chi tiết được ghi nhận, đối chiếu với các luật được cả hai bên viện dẫn. Tòa án cũng không chấp nhận ngụy tạo một chứng cớ mới, giống chứng cớ thật đã bị mất, như kiểu vụ án giết người ở Bưu Điện Cầu Voi năm 2008, vì các hung khí (dao, thớt, ghế) đã bị thủ tiêu nên người ta đã mua những vật giống như vậy giả làm vật chứng trình tòa và được chấp thuận. Trong những bức ảnh chụp các nạn nhân, các chuyên viên nhận ra có những người mắc hội chứng Down.

– Việt Nam thiếu kinh nghiệm về các phiên điều trần trước tòa, trong đó luật sư bên đối phương thường dùng mẹo, hỏi những điều ít ai ngờ tới để cố tìm sự mâu thuẫn trong lời khai của bên kia. Những nhân chứng về phía Việt Nam, tuy đã được ‘tập dượt’ trước, nhưng vẫn mắc phải những lỗi sơ đẳng, như nói Chất Da Cam có màu đỏ (thực ra là màu trắng), khai là máy bay làm rớt thùng có Chất Da Cam xuống đất (thực sự là dung dịch phun luôn luôn được pha ở dưới đất) hoặc kể chuyện phun thuốc khi đương sự đang ở một nơi chưa bao giờ nằm trong danh sách các địa phương sẽ/đã bị phun thuốc khai quang, hoặc ở thời điểm không trùng khớp với thời gian sử dụng chất khai quang. cũng cần nói thêm là “Chất Da Cam” là thuật ngữ sau này mới được phổ biến ở Việt Nam, trong thời chiến tranh người dân chỉ biết qua tên “Thuốc khai quang”.

Một thông báo của chính phủ VNCH về thuốc khai quang

– Vụ kiện đầu tiên đòi bồi thường nạn nhân Chất Độc Da Cam do tiếp xúc trong công việc là do Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam Quốc Tế (Agent Orange Victims International) đại diện các nạn nhân (cựu chiến binh HK cùng vợ chồng và cha mẹ, con cái của họ) kiện tập thể 3 tập đoàn Dow, Monsanto và Diamond Shamrock tại tòa New York tháng 1/1979. Họ không kiện chính phủ Hoa Kỳ vì theo luật thì chính phủ Hoa Kỳ không có bổn phận phải bồi thường đối với các thương tích phát sinh trong các hoạt động liên quan đến nghĩa vụ quân sự. Trong phiên xử ngày 07/05/1984, thẩm phán đã khuyên hai bên nên đạt đến một thỏa thuận ngoài tòa, và thỏa thuận này đã thành hình vào tháng 1/1985 với một quỹ cứu trợ trị giá 180 triệu USD để giúp đỡ các nạn nhân. Vì đây là thỏa thuận ngoài tòa giữa hai bên và mang danh nghĩa ‘giúp đỡ’ (không phải là ‘bồi thường’) nên trong vụ kiện Chất Da Cam của Việt Nam, các tập đoàn đã cố gắng bằng mọi cách có thể (kể cả vận động ngoài hành lang) để không bị mắc vào hai từ ‘bồi thường’ sẽ thành một tiền lệ, dẫn đến tai hại rất lớn cho kỹ nghệ sản xuất hóa chất của Hoa Kỳ. Ta có thể hiểu là áp lực này rất nặng, qua diễn tiến dằng dai chiếm quá nhiều thời giờ. Sau vụ này, chính phủ Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan và Đại Hàn (Hàn Quốc) cũng đã kết hợp với Hoa Kỳ dành ra một ngân khoản để giúp đỡ gia đình các cựu quân nhân đã tham chiến ở Việt Nam cùng các nhân viên làm việc có tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với thuốc khai quang nhiễm Dioxine.

Tóm tắt:

Có 2 vụ người Việt kiện về hậu quả của việc sử dụng Chất Da Cam trong chiến tranh. Cả hai vụ đều nhắm vào các tập đoàn sản xuất. Tuy chính phủ Hoa Kỳ bị cả hai bên lôi kéo vào vụ kiện như phe thứ ba, nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã dứt khoát đứng ngoài.

1. Đơn kiện đầu tiên ngày 10/09/2004 do Hiệp hội Nạn nhân Chất độc da cam Việt Nam và một số cá nhân đứng đơn chống lại một số công ty sản xuất hóa chất và đòi các công ty này bồi thường thiệt hại. Lý do là các công ty này đã hỗ trợ và tiếp tay cho các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và tội ác chiến tranh qua việc sản xuất và cung cấp cho quân đội thuốc diệt cỏ đã được sử dụng ở Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1975 và đã gây ra tử vong và thương tích, trong đó có dị tật bẩm sinh.

Đơn kiện được nộp tại Tòa án Quận hạt Đông New York. Tòa đã bác bỏ các khiếu nại này vào năm 2005, sau đó các nguyên đơn đã kháng án lên Tòa Tối cao New York. Ngày 27 tháng 2 năm 2009, Tòa án Tối cao đã quyết định không thụ lý vụ án.

Ghi chú: Tuy không chính thức nhận trách nhiệm nhưng Hoa Kỳ đã có những ngân khoản hỗ trợ Việt Nam làm sạch tác nhân chất độc hại trong môi trường. Điển hình là từ 2007, Quốc hội Mỹ chuẩn chi trên 380 triệu USD cho công tác tẩy chất dioxin, theo báo cáo ngày 16/02/2021 của CRS (Congressional Research Service In Focus report: U.S.-Vietnam Relations). Sau đó, vào tháng 8 năm 2012, chính phủ Hoa Kỳ đã công bố cam kết thực hiện một dự án chung với Việt Nam nhằm dọn sạch các hóa chất còn sót lại từ việc sử dụng Chất Da Cam và các loại thuốc diệt cỏ khác trong Chiến tranh Việt Nam).

2. Vụ kiện thứ 2 do bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, đứng đơn kiện tập đoàn Bayer-Monsanto và 13 công ty hóa chất khác vì họ đã sản xuất Chất Da Cam trong có chứa dioxine đã được phun xịt tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Chất này đã làm thiệt mạng và gây bệnh trên một số nạn nhân, trong đó có chính bà cùng các thành viên trong gia đình bà. Đơn kiện được nạp tại Tòa án thành phố Evry (là nơi bà đang cư trú, ở ngoại ô Paris) năm 2009 nhưng tới năm 2013 tòa mới nhận đơn vì khi đó quốc hội Pháp mới khôi phục lại quyền xét xử các vụ án quốc tế của tòa án Pháp, nên bà đã hội đủ 3 điều kiện để khởi kiện: a. là công dân Pháp (bà nhập tịch Pháp năm 2004); b. đang sinh sống tại Pháp, nơi có luật cho phép xét xử các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại pháp nhân của quốc gia khác đã phạm tội ở nước ngoài gây thiệt hại cho công dân Pháp; và c. bản thân bà là nạn nhân. Bà Trần Tố Nga là một nhà hoạt động về vấn đề môi trường, trong thời kỳ chiến tranh bà là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vào cuối thập niên 1990 bà đã định cư ở Pháp.

Ngày 10/5/2021, sau 19 phiên tranh tụng trước đó, Tòa án Evry của Pháp đã ra phán quyết chấp thuận bào chữa của các công ty bị kiện (vì một số công ty đã ngưng hoạt động hoặc đã sáp nhập, nên chỉ còn 14 công ty tham dự phiên tòa) cho rằng: họ “hành động theo theo lệnh và vì Nhà nước Hoa Kỳ” và như vậy được hưởng quyền “miễn trừ”, vì không một Nhà nước có chủ quyền nào phải chấp nhận quyền tài phán, xét xử của một Nhà nước có chủ quyền khác đối với hành vi của mình (tức là viện dẫn nguyên tắc miễn trừ tài phán quốc gia theo luật quốc tế).

Các luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga đã phản đối phán quyết này của Tòa Evry. Một trong những lý do họ đưa ra là những công ty này “đã dự thầu”, có nghĩa là không hành động do bị ép buộc. Tháng 6/2021, bà Trần Tố Nga đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Paris (Pháp), với kết quả ngày 22/08/2024 là Tòa y án như phán quyết của Tòa Evry năm 2021.

Bà Trần Tố Nga sau phiên xử của tòa Phúc Thẩm Paris. Hình: Tu Trung/Tuổi Trẻ

Bà Trần Tố Nga cho biết sẽ kháng cáo lên tòa trên.

Kết luận

Theo thống kê của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, Mỹ đã rải hơn 70 triệu lít chất diệt cỏ (trong đó có hơn 40 triệu lít Chất Da Cam) trong thời gian từ năm 1962 tới 1971. AFP ước tính có khoảng 4 triệu người tại Việt Nam, Lào và Campuchia đã bị phơi nhiễm chất độc da cam. Chính phủ Hà Nội ước tính có khoảng 4,8 triệu nạn nhân chất da cam ở Việt Nam, còn Hội Chữ Thập Đỏ của Việt Nam đưa ra con số có tới một triệu người bị tàn tật hoặc có vấn đề về sức khỏe do tiếp xúc với Chất Da Cam. Chính phủ Hoa Kỳ đã mô tả những con số này là không đáng tin cậy, so với kết quả thu lượm được về một số bệnh ung thư ở những cựu chiến binh Hoa Kỳ bị phơi nhiễm Chất Da Cam.

Vụ kiện Chất Độc Da Cam của Việt Nam là một vụ kiện phức tạp. Phức tạp vì tuy số nạn nhân có đó, nhưng không sao có thể tách rời yếu tố độc hại của Chất Da Cam ra khỏi tác động do điều kiện sinh hoạt (suy dinh dưỡng, thực phẩm ô nhiễm do thuốc trừ sâu, nấm mốc…, tình trạng vệ sinh và y tế). Thí dụ: những trẻ em bị dị tật hở cột sống rất có thể do bà mẹ thiếu ăn và trong những tháng đầu của thai kỳ không được cho uống thêm sinh tố B9 (acid folic). Tương tự, không có câu trả lời suôn sẻ cho những chất vấn: vì sao Phi châu không dùng thuốc khai quang mà vẫn có những trẻ em bị dị tật bẩm sinh? Vì sao thuốc khai quang không được rải ở miền Bắc mà ở đó lại có nạn nhân Chất độc Da cam, phải chăng vì họ xâm nhập quốc gia khác (Việt Nam Cộng Hòa) cách bất hợp pháp? Vì sao số nạn nhân Chất Độc Da Cam trong Quân đội VNCH không đáng kể so với số nạn nhân thuộc bộ đội Bắc Việt, phải chăng có sự phân biệt đối xử? Chính bà Trần Tố Nga cũng nói “bà tin là các chứng bệnh bà mắc phải là do Chất Độc Da Cam”.

Ngoài ra có tất cả 6 loại thuốc khai quang đã được phun xịt ở Việt Nam, không phải loại nào cũng chứa dioxine. Dioxine chỉ có trong chất 2,4,5-T. Điều này đã làm cho việc xác định và khoanh vùng thiệt hại rất khó.

Sáu sắc cầu vồng của những thuốc khai quang trong thời
chiến tranh Việt Nam, và thời gian sử dụng của mỗi loại

Những yếu tố này đã khiến cho cả bên kiện lẫn bên bị kiện lợi dụng trong suy diễn theo chiều hướng của riêng mình để đạt được mục đích: Việt Nam muốn chính thức được luật pháp công nhận là Hoa Kỳ, qua các tập đoàn sản xuất hóa chất, gây tội ác giết người và hủy hoại môi trường ở Việt Nam, và có ‘trách nhiệm bồi thường’ thỏa đáng. Các tập đoàn sản xuất hóa chất muốn bảo vệ sự làm ăn của họ, tìm cách làm êm dịu vụ việc để tránh bị tòa phán quyết ‘phải bồi thường’. Từ ‘bồi thường’ đến nay vẫn là chuyện giằng co. Chính phủ Hoa Kỳ muốn xoa dịu dư luận bằng một số hành động mang tính ‘giúp đỡ’, ‘nhân đạo’. Còn các nạn nhân ở Việt Nam vẫn nằm im trong hy vọng bà Trần Tố Nga “tìm được cơ may” cho họ trước khi họ qua đời. Đã nửa thế kỷ trôi qua.

Chỉ có một điểm son: các vụ kiện Chất Da Cam đã thức tỉnh nhân loại về hiểm họa, không những trên con người mà còn trên môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái. Cây cỏ bị diệt sẽ làm đất bị hoang hóa, lụt lội gia tăng. Những loài vật hạ đẳng như côn trùng, sâu bọ… chết do thiếu ăn sẽ kéo theo sự diệt vong của các loài sinh vật ăn cây cỏ, rồi tới các loài thú ăn thịt. Nhiều tổ chức tranh đấu cho mội trường hoặc cho nhân quyền đã ủng hộ phía Việt Nam qua các hành động kiến nghị, tuần hành biểu dương, giúp đỡ miễn phí công tác biện hộ trước tòa v.v..

Rồi từ dioxine trong Chất Da Cam người ta bắt đầu nghĩ tới PCB và những chất khác mà tác hại cho tới nay còn chưa rõ.

   

Hoàng Giang

________

Xin nhấn mạnh nơi đây là tác giả bài này không nhắm vào mục đích chối bỏ những di hại của chiến tranh về mặt sức khỏe của người dân Việt Nam, do sử dụng các chất hóa học, trong đó có Chất Da Cam. Chúng ta phải ủng hộ sự cấm đoán sử dụng hóa chất trong chiến tranh, và kêu gọi thế giới giúp đỡ các nạn nhân ở những vùng bị các thế lực quốc tế lợi dụng cho cuộc tranh chấp quyền lực của họ, mà Việt Nam là một thí dụ điển hình. Tuy nhiên điều này hoàn toàn khác với sự trình bày một cách khách quan vấn đề “Chất Độc Da Cam”, cho mọi người thấy sự thực của vụ án, và phần nào giải đáp cho những thắc mắc vì sao Việt Nam bị xử thua, để cùng thấy một tương lai không sáng sủa của vụ án. Đó là mục đích chính của bài viết.

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/quavudonkienchatdoc.html


Cái Đình - 2024