Phạm Ɖình Lân


Quan hệ giữa Hoa Kỳ và các cường quốc trên thế giới

.

Nói theo lịch sử, Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ trung không đến 300 tuổi nhưng là quốc gia sớm trưởng thành để đứng đầu thế giới trên mọi lãnh vực hoạt động trong cộng đồng nhân loại.

Từ phản ứng chống thuế trà của Anh, cư dân của 13 tiểu bang nguyên thủy trên bờ Ɖại Tây Dương đã biến sự chống đối này thành cuộc chiến tranh cách mạng giành độc lập và lập quốc Hoa Kỳ. Năm 1776 Tuyên Ngôn Ɖộc Lập Hoa Kỳ ra đời. Ɖó là quốc gia tân lập đầu tiên độc lập khỏi sự đô hộ của vương quốc Anh. Hoa Kỳ trở thành:

- Nước Cộng Hòa đầu tiên trên thế giới có hiến pháp thành văn.

- Một liên bang với 13 tiểu bang nguyên thủy (New Hampshire, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, Virginia, North Carolina, South Carolina, Georgia) với 2,5 triệu dân. Ngày nay Liên Bang Hoa Kỳ chạy dài từ Ɖại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Ɖến năm 1848 lãnh thổ Hoa Kỳ đã đến bờ Thái Bình Dương. Năm 1867 Hoa Kỳ mua Alaska của Nga. Năm 1898, sau khi đánh bại Tây Ban Nha, nước này nhượng quần đảo Phi Luật Tân cho Hoa Kỳ. Cũng năm này Hawaii được sát nhập vào Hoa Kỳ. Sau khi bị Hoa Kỳ đánh bại, Tây Ban Nha nhượng Puerto Rico cho Hoa Kỳ. Cho đến nay quần đảo trong biển Caribbean này vẫn chưa được công nhận là một tiểu bang của Hoa Kỳ như Hawaii và Alaska. Hiện nay Hoa Kỳ có 50 tiểu bang, rộng 9,8 triệu km2 (lớn hơn việt Nam 29,7 lần) với 330 triệu dân.

- Một cường quốc kinh tế, kỹ nghệ và quân sự hàng đầu trên thế giới. Hột giống tạo thành quả tốt đẹp trên xuất phát từ nền dân chủ và tinh thần trọng pháp chân chính. Mỗi tài năng đều được khuyến khích, nâng đỡ không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc. Giá trị tập thể và tài năng cá nhân đều được tôn vinh. Mọi người sinh ra đều bình đẳng và được thụ hưởng các quyền tự do, quyền sống, quyền làm người v.v. Ɖó là sự sáng suốt của các nhà lập quốc Hoa Kỳ. Dân Chủ, Dân Quyền, Dân Sinh tạo cảm hứng cho mọi công dân Hoa Kỳ hăng say làm việc để góp phần xây dựng một quốc gia tân lập hùng mạnh và phú cường. Sự hưng vượng nhanh chóng của 2,5 triệu dân ở 13 tiểu bang nguyên thủy là kết quả của sự đóng góp công sức của những người nhập cư từ Âu Châu vào Mỹ Châu vì lý do chánh trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo, nói tóm lại là những người bị áp bức quyết định xây dựng đời mới trên đất mới bằng kinh nghiệm, sáng kiến và sự quyết tâm cải thiện đời mình bằng cách vất bỏ quá khứ nghèo khó, bị áp bức, gánh chịu bất công xã hội trên miền lục địa cổ. Những người từ Phi Châu bị đưa sang Mỹ Châu bán làm nô lệ cũng góp phần vào sự phồn vinh của quốc gia tân lập Hoa Kỳ ít ra trên lãnh vực nông nghiệp, âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, truyền thông v.v.

- Một quốc gia có nhiều người đoạt giải thưởng Nobel nhất trên thế giới: 398 giải Nobel về y khoa, vật lý, hóa học, văn chương và hòa bình v.v. Hoa Kỳ có nhiều trường đại học nổi tiếng không nhường bước trước các đại học nổi tiếng ở Âu Châu như Oxford, Cambridge, Sorbonne hay các Grandes Écoles ở Pháp. Sự đóng góp của Hoa Kỳ vào văn minh nhân loại rất lớn so với tuổi tác của quốc gia tân lập này.

- Hoa Kỳ không quan tâm đến những triết lý cao siêu và viển vông. Họ theo chủ nghĩa thực dụng. Mỗi người sinh ra đều có những nhu cầu sống như nhau về tinh thần lẫn vật chất. Họ cần được Tự Do, Hạnh Phúc, No Cơm Ấm Áo ngay trong kiếp sống chớ không đợi sau khi chết. Họ sẵn sàng giúp cho người cần mà không phải hỏi lý lịch người được giúp. Họ không nặng về chuyện BẠN-THÙ như ngầm hiểu rằng họ không có “kẻ thù truyền kiếp”. Chuyện BẠN-THÙ tùy theo sự biến thiên của hoàn cảnh kinh tế, chánh trị, lịch sử và xã hội. Nó không thể bất biến. Trong đệ nhị thế chiến Ɖức, Ý, Nhật là những nước thù của phe Ɖồng Minh Dân Chủ. Nhật từng tấn công Hoa Kỳ ở Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) và Phi Luật Tân. Nhưng sau khi Ɖức, Ý, Nhật bại trận, các nước này được Hoa Kỳ giúp đỡ để phục hồi kinh tế và biến họ trở thành những đồng minh của Hoa Kỳ.

Trong những trang dưới đây chúng tôi tóm lược quan hệ của Hoa Kỳ với các cường quốc như Anh, Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Nga.

***

Hoa Kỳ -Anh Quốc

Năm 1588 hạm đội Armada của Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Quận Công Medina Sidona tiến đánh nước Anh dưới thời Nữ Hoàng Elizabeth I (1533 - 1603). Hải quân Anh đánh tan hạm đội Armada và bắt đầu từ đó lưu thông tự do trên Ɖại Tây Dương.

Năm 1607 người Anh đặt chân trên vùng đất hiện nay nằm trong tiểu bang Virginia. Từ năm 1607 đến 1783 Anh sở hữu 13 tiểu bang nguyên thủy của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ độc lập khỏi Anh để trở thành một nước Cộng Hòa đầu tiên có hiến pháp thành văn với tam quyền phân lập minh bạch (Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp). Tổng thống Hoa Kỳ là người có quyền rộng lớn như vua nhưng do dân bầu trong nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống đắc cử dựa vào đa số phiếu cử tri đoàn. Ɖó là một hình thức bầu cử độc đáo của Hoa Kỳ trên thế giới.

Anh là một quốc gia quân chủ có truyền thống dân chủ lâu đời với Ɖại Hiến Chương Tự Do (Magna Carta Libertatum) ban hành năm 1215 tương ứng với triều vua Lý Huệ Tông ở Việt Nam. Ɖa số cư dân ở 13 tiểu bang nguyên thủy gốc người Anh và theo đạo Tin Lành nên quốc gia tân lập Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng của Anh sau khi độc lập.

Anh tham gia đệ nhất thế chiến chống Ɖức trong khi Hoa Kỳ giữ trung lập nhưng có nhiều thiện cảm với Anh. Việc Ɖức đánh chìm tàu Lusitania của Anh bằng thủy lôi làm cho hàng ngàn hành khách Anh và Hoa Kỳ trên tàu bị chôn dưới đáy biển năm 1915 tạo cho Hoa Kỳ có bằng cớ tham gia đệ nhất thế chiến bên cạnh đồng minh Anh và Pháp. Ɖức cho rằng tàu Lusitania bị đánh chìm vì chở 170 tấn võ khí.

Năm 1917 Hoa Kỳ tham chiến dưới thời tổng thống Woodrow Wilson (Dân Chủ). Lần đầu tiên Hoa Kỳ rời khỏi chủ nghĩa cô lập (isolationism). Năm 1918 Ɖức bị bại trận. Hoa Kỳ, Anh, Pháp trở thành Tam Cường trong hội nghị Versailles. Hoa Kỳ không được lợi lộc gì với hiệp ước Versailles được ký kết năm 1919 với tư cách một đồng minh thắng trận. Anh và Pháp chia phần ở Trung Ɖông, vùng ngự trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Ɖức. Khác với Pháp và Anh, Hoa Kỳ không chủ trương mạnh tay với Ɖức sau khi quốc gia này bại trận. Hội Quốc Liên (League of Nations) ra đời do sáng kiến của Hoa Kỳ nhưng quốc hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ do đảng Cộng Hòa nắm giữ không phê chuẩn hiệp ước Versailles nên Hoa Kỳ vắng mặt trong tổ chức này. Hoa Kỳ trở về với chủ nghĩa cô lập (isolationism), bàng quan trước các vấn đề thế sự ngoài Hoa Kỳ và lục địa Mỹ Châu.

Khi đệ nhị thế chiến bùng nổ năm 1939, Hoa Kỳ vẫn giữ trung lập. Lửa chiến tranh bắt đầu ở Ba Lan tiến dần về phía tây đe dọa Pháp và Anh Quốc ở phía tây Âu Châu. Thủ tướng Winston Churchill của Anh hướng mắt về Hoa Kỳ bên kia bờ Ɖại Tây Dương. Ngày 14-08-1941 tổng thống Roosevelt (Dân Chủ) của Hoa Kỳ và thủ tướng Churchill của Anh cho ra đời Hiến Chương Ɖại Tây Dương (Atlantic Charter), phác họa tương lai thế giới thời hậu chiến.

Năm 1942 Hoa Kỳ tham chiến sau khi bị Nhật tấn công thình lình ở Pearl Harbor (Trân Châu Cảng, 07-12-1941). Từ đó đến khi phe Trục bị đánh bại vào năm 1945, Anh và Hoa Kỳ luôn luôn sát cánh nhau. Thủ tướng Anh Churchill rồi Atlee luôn luôn hiện diện bên cạnh tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt, rồi Harry Truman trong các hội nghị quan trọng trong đệ nhị thế chiến với Stalin, lãnh tụ Liên Sô hay với thống chế Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) của Trung Hoa Quốc Dân Ɖảng.

Tổng thống Roosevelt của Hoa Kỳ và thủ tướng Churchill của Anh vào năm 1941
trong thời gian
cho ra đời Hiến Chương Ɖại Tây Dương (Ảnh: https://nl.m.wikipedia.org/)

Anh có nhiều thuộc địa trên thế giới. Thời hậu đệ nhị thế chiến sự phồn thịnh của Anh giảm rất nhiều vì mất nhiều thuộc địa, đặc biệt là Ấn Ɖộ và Miến Ɖiện. Hoa Kỳ chủ trương trao trả độc lập cho các thuộc địa. Ɖể làm gương cho Anh và Pháp, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Phi Luật Tân (1946).

Khi đến Sài Gòn giải giới quân Nhật, Anh nhận thức được sự khao khát độc lập của dân tộc thuộc địa chống Pháp bằng tầm vông vạt nhọn và lựu đạn xăng (lựu đạn Molotov). Qua kinh nghiệm này Anh trao trả độc lập cho Ấn Ɖộ năm 1947 và Miến Ɖiện năm 1948 để tránh chiến tranh tái chiếm thuộc địa và tránh sự bại trận như Pháp ở Việt Nam năm 1954. Trong khi đó Hoa Kỳ, vì lý do chống Cộng Sản, phải đài thọ 80% chi phí chiến tranh cho Pháp trong chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất. Khi Pháp bị bao vây ở Ɖiện Biên Phủ và trên đà bị Việt Minh áp đảo, Hoa Kỳ có ý định tham chiến giúp Pháp giải vây Ɖiện Biên Phủ bằng cách dùng “võ khí hạng nặng”. Hoa Kỳ tham khảo ý kiến Anh. Nước này từ chối không tham chiến nên Hoa Kỳ từ bỏ kế hoạch giải vây Ɖiện Biên Phủ.

London biết nhiều về Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh. Từ năm 1914 - 1917 Nguyễn Tất Thành lao động ở London. Năm 1931 Nguyễn Ái Quốc bị Anh bắt và đưa về ngục thất ở Hongkong. Lúc ấy ông mang bí danh Tống Văn Sơ, một cán bộ Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản hoạt động ở Ɖông Nam Á, đặc biệt là ở các quốc gia trên bán đảo Ɖông Dương. Pháp yêu cầu dẫn độ Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sau này) về Việt Nam, nơi ông bị tuyên án tử hình khiếm diện về những cuộc bạo động của Phong Trào Sô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930. Anh từ chối và cho biết người tù Tống Văn Sơ đã chết vì bệnh lao. Họ giúp Tống Văn Sơ vượt ngục để lên Shanghai (Thượng Hải), rồi từ đó đi Vladivostok (Hải Sâm Uy) trên đường về Moscow bằng xe lửa xuyên Tây Bá Lợi Á.

Trong đệ nhị thế chiến một sĩ quan OSS gốc người Anh tên Charles Fenn đã giới thiệu ông Hồ Chí Minh vào OSS, tiền thân của CIA, dưới bí danh Lucius (Ánh Sáng).

Anh không mặn nồng với SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Ɖông Nam Á), cũng không hưởng ứng với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai.

Với tư cách một thành viên của NATO Anh sát cánh với Hoa Kỳ trong chiến tranh đánh đuổi quân Iraq xâm lăng Kuwait (1991), chiến tranh Afghanistan (2001) và Iraq (2003). Hoa Kỳ và Anh là hai quốc gia tích cực giúp đỡ cho Ukraine khi nước này bị Nga xâm lăng. (24-02-2022).

Nhìn chung Hoa Kỳ và Anh thường có quan hệ mật thiết. Cả hai quốc gia có nhiều mẫu số chung:

Chuyện Anh Quốc và Hoa Kỳ giống như chuyện Esau và Jacob, nhất là chuyện Jacob đặt tay phải trên đầu Ephraim (em) và tay trái trên đầu Manasseh (anh) khi chúc phúc. Manasseh và Ephraim là con của Joseph và cháu nội của Jacob. Joseph cho rằng cha ông đặt lộn người nhưng Jacob không sửa lời chúc phúc vì biết rằng người em, Ephraim, sẽ có sự nghiệp vĩ đại hơn người anh, Manasseh.

Hoa Kỳ - Pháp

Pháp đã thám hiểm đông bộ Canada ngày nay từ thập niên 30 của thế kỷ XVI. Hiệp ước Paris năm 1763 nhường cho Anh vùng Tân Pháp Quốc ở Bắc Mỹ (đông bộ Canada) bây giờ. Ít lâu sau cuộc chiến tranh cách mạng bùng nổ giữa cư dân 13 tiểu bang nguyên thủy của Hoa Kỳ với Anh Quốc. Trong cuộc chiến tranh này Pháp đứng về phía Hoa Kỳ chống Anh. Cuộc chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc cách mạng 1789 của Pháp lật đổ chế độ quân chủ do vua Louis XVI đại diện. Một số các học giả Pháp tin tưởng vào tương lai của nền DÂN CHỦ Hoa Kỳ. Năm 1886 Pháp tặng Hoa Kỳ một bức tượng Nữ Thần Tự Do khổng lồ, một tác phẩm lịch sử của nhà điêu khắc Pháp Frédéric Auguste Bartholdi (1834 - 1904). Sự hiến tặng tượng Nữ Thần Tự Do như xác nhận Hoa Kỳ thực sự là đất nước của Tự Do. Sự có mặt của quân Hoa Kỳ trong đệ nhất thế chiến như là sự đáp lễ của Hoa Kỳ đối với La Fayette trong chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ.

Tranh Washington và La Fayette, nhà quý tộc Pháp tham gia
chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ (Ảnh: https://vi.wikipedia.org/)

Như đã thấy sự thân thiện giữa Pháp-Hoa Kỳ không nồng ấm bằng sự thân thiện giữa Anh-Hoa Kỳ mặc dù Hoa Kỳ đều hiện diện trong hai thế chiến để giúp các nước Dân Chủ Tây Âu nói chung và nước Pháp nói riêng. Cuộc đổ bộ của quân Ɖông Minh vào Normandie năm 1944 dưới sự chỉ huy của đại tướng Hoa Kỳ Dwight Eisenhower giúp cho nước Pháp sớm được giải phóng.

Hoa Kỳ chủ trương trao trả độc lập cho các thuộc địa của Anh, Pháp, Hòa Lan và Hoa Kỳ trên thế giới. Nhưng Hoa Kỳ tài trợ binh phí của Pháp trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai vì muốn ngăn chận làn sóng đỏ tràn xuống các quốc gia Ɖông Nam Á sau khi Cộng Sản Trung Hoa nắm chánh quyền trên lục địa. Trong lúc cầu viện Washington, đại tướng Pháp De Lattre de Tassigny lưu ý với Hoa Kỳ rằng nếu Việt Minh chiến thắng, chủ nghĩa Cộng Sản lan tràn tận Trung Ɖông!

Bang giao giữa Pháp và Hoa Kỳ càng xấu đi dưới thời tổng thống De Gaulle (1958 - 1969). Bất chấp lời khuyến cáo của Hoa Kỳ, Pháp vẫn thí nghiệm bom nguyên tử. Pháp luôn luôn chỉ trích Washington trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ nhì. Paris là nơi Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hội họp để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau gần 5 năm hội nghị, hiệp định Paris được đại diện bốn bên tham chiến (Hoa Kỳ - Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - Việt Nam Cộng Hòa - Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam/Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng) ký kết ngày 27-01-1973.

Năm 1966 Pháp rút ra khỏi NATO (Minh Ước Bắc Ɖại Tây Dương). Mãi đến 43 năm sau, năm 2009, Pháp mới trở lại NATO. Liên hệ giữa Pháp và Hoa Kỳ trong tình trạng không thân, không oán. Hai quốc gia này chỉ có điểm chung khi gặp cảnh dầu sôi lửa bỏng. Nga xâm lăng Ukraine trong thời kỳ Pháp tổ chức cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống Macron tái tranh cử nhiệm kỳ hai không mạnh dạn lên án Nga như Hoa Kỳ và Anh vì nữ ứng cử viên Le Pen tỏ ra rất lợi hại vì theo lập trường của tổng thống Putin của Nga. Pháp và Ɖức đã có vẻ không sốt sắng trong việc chấp nhận Ukraine vào Liên Hiệp Âu Châu (EU: European Union). Hai nước này tỏ ra chậm chạp trong việc viện trợ võ khí cho Ukraine. Vì truyền thống liên minh Pháp-Nga (1894)? Năm 1934 Liên Sô gia nhập Hội Quốc Liên do sáng kiến của Pháp. Năm 1935 Pháp và Liên Sô ký Hiệp Ước Hỗ Tương. Năm 1944 Pháp được giải phóng. Tướng De Gaulle sang Moscow ký Hiệp Ước Liên Minh với Liên Sô. Về phần Ɖức, nước này lệ thuộc Liên Bang Nga về dầu khí nên không thể mạnh dạn chống Nga. Hung Gia Lợi cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự.

Cuộc chiến Ukraine đánh động lương tri và công lý loài người cùng sự sinh tồn của chế độ dân chủ ở Âu Châu nên Pháp và Ɖức phải gắng gượng sốt sắng trong việc viện trợ võ khí Made in France và Made in Germany cho Ukraine.

Hoa Kỳ - Trung Hoa

Khác với các quốc gia Tây Phương như Anh, Pháp, Nga, Ɖức và quốc gia Á Châu Nhật Bản, Hoa Kỳ không chiếm thành phố hay hải cảng nào của Trung Hoa mặc dù Hoa Kỳ tham dự trong Bát Quốc Liên Quân (Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Ɖức, Nhật, Ý, Áo-Hung) tấn công Peking (Bắc Kinh) năm 1901. Trước sự xâu xé Trung Hoa của các liệt cường Âu Châu, Washington luôn luôn kêu gọi tôn trọng “sự vẹn toàn lãnh thổ” của Trung Hoa.

Trung Hoa là nơi phát tích Khổng Giáo (Confucianism) và Lão Giáo (Taoism) nhưng các nhà truyền giáo Tin Lành của Hoa Kỳ vẫn kiên nhẫn hoạt động tại đây. Gia đình nữ văn sĩ Pearl S. Buck (1892 - 1973) là gia đình truyền giáo ở Trung Hoa. Bà sống ở Trung Hoa khi mới được 4 tháng tuổi nên bà biết nhiều về văn hóa xã hội Trung Hoa. Tên Trung Hoa của bà là Sai Zhenzhu. Năm 1938 bà được giải Nobel về văn chương với tác phẩm The Good Earth (Ɖất Lành).

Soong Yao-Ju (Tống Gia Thụ, 1863 - 1918) được biết dưới tên Hoa Kỳ Charlies Jones Soong, tốt nghiệp Thần Học ở Viện Ɖại Học Vanderbilt, Tennessee, trở về Shanghai truyền giáo và in Thánh Kinh. Ông sớm trở thành một người giàu có nổi tiếng ở Trung Hoa. Càng nổi tiếng hơn, ông có ba người con gái đẹp là Soong Chingling (Tống Khánh Linh), Soong Meiling (Tống Mỹ Linh) và Soong Ailing (Tống Ái Linh).

Bà Soong Chingling là vợ của Quốc Phụ Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên).
Bà Soong Meiling là vợ của Thống Chế Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch), lãnh đạo Trung Hoa từ năm 1928 đến 1949 và Taiwan (Ɖài Loan) từ năm 1949 đến 1975.
Bà Soong Ailing là vợ của Kong Xiang Xi (Khổng Tường Hy), một người giàu có khét tiếng ở Trung Hoa vào những thập niên đầu thế kỷ XX.

Sun Yatsen (Tôn Văn, Tôn Trung Sơn, Tôn Dật Tiên, 1866 - 1925) là linh hồn của Cách Mạng Tân Hợi (1911), là người khai sinh ra Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I) và Quốc Dân Ɖảng (Kuomintang). Ông là người Guangdong (Quảng Ɖông), theo đạo Tin Lành và từng sống ở Hawaii cùng với người anh. Sau ông học y khoa ở Hong Kong. Ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Tây Phương, nhất là Anh và Hoa Kỳ.

Tình hình Trung Hoa sau cách mạng Tân Hợi rất rối ren do cuộc tranh chấp quyền hành giữa Yuan Shikai (Viên Thế Khải) và các tướng lãnh đàn em của Yuan với Quốc Dân Ɖảng của Sun Yatsen và Chiang Kaishek, sự chi phối chánh trường Trung Hoa của Nhật Bản và sự ra đời của đảng Cộng Sản Trung Hoa mà ra. Hoa Kỳ đứng xa sự rắc rối và phức tạp to lớn này. Hoa Kỳ để ý nhiều đến việc giao dịch, đầu tư kinh doanh và truyền giáo ở Trung Hoa vì Hoa Kỳ đã có mặt ở Hawaii, Guam, Phi Luật Tân. Hoa Kỳ luôn luôn kêu gọi “tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Hoa. Dĩ nhiên họ chống lại sự thành lập Manchukuo (Mãn Châu Quốc) của Nhật năm 1932.

Năm 1927 Chiang Kaishek cưới Soong Meiling. Năm 1928 Chiang Kaishek thống nhất Trung Hoa sau khi mở những cuộc hành quân nhằm đè bẹp các đốc quân ở miền Bắc, phe cánh của Yuan Shikai. Từ đây đường lối của Quốc Dân Ɖảng gắn liền với Hoa Kỳ nhiều hơn.

Năm 1937 Nhật Bản tấn công Trung Hoa, mở màn cho đệ nhị thế chiến trong khu vực Thái Bình Dương. Ɖến năm 1940 Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho chánh phủ Quốc Dân Ɖảng do thống chế Chiang Kaishek đại diện. Trong đệ nhị thế chiến quân Trung Hoa Quốc Dân Ɖảng rời thủ đô Nanjing (Nam Kinh) về Chongqing (Trùng Khánh). Ɖường tiếp tế cho chánh phủ Chongqing được thiết lập nối liền bắc Miến Ɖiện với Kunming (Côn Minh), Yunnan (Vân Nam). Ɖó là đường núi hiểm trở, dài gần 1.200km (Burma Road). Cuộc kháng Nhật của Quốc Dân Ɖảng mạnh ở Hoa Nam. Nhóm Pháp Quốc Tự Do chống phát xít cũng hoạt động ở Hoa Nam. Ở Hoa Bắc du kích Cộng Sản Trung Hoa lập nhiều thành tích kháng Nhật đáng kể. Cuộc kháng chiến chống Nhật giúp cho đảng Cộng Sản Trung Hoa có thêm nhiều đảng viên và kinh nghiệm võ trang chiến đấu. Bốn năm sau ngày đệ nhị thế chiến chấm dứt, quân Cộng Sản của Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) đánh bại quân Quốc Dân Ɖảng của Chiang Kaishek. Quốc Dân Ɖảng rút ra đảo Taiwan (Ɖài Loan) và gọi phần đất này dưới quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China – ROC).

Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc giữ thái độ thù nghịch từ năm 1949 đến năm 1972. Hoa Kỳ bảo vệ Taiwan. Taiwan tức Trung Hoa Dân Quốc vẫn đại diện Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc như là một trong năm cường quốc có quyền phủ quyết tại tổ chức quốc tế này. Năm 1950 Hoa Kỳ chỉ huy quân LHQ đụng độ với chí nguyện quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Ngoại trưởng Hoa Kỳ Foster Dulles không bắt tay với thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Zhou Enlai (Châu Ân Lai) tại hội nghị Genève năm 1954.

Mao Zedong hy vọng Trung Quốc vươn lên cao trong cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Liên Sô. Mao khích tướng Khrushchev, cho rằng Hoa Kỳ là “cọp giấy”. Khrushchev không để bị Mao khích tướng khi đáp lại rằng: “Ɖó là cọp giấy có nanh vuốt nguyên tử”.

Năm 1969 quân Trung Quốc và Liên Sô đánh nhau trên đảo Damansky. Ɖảo này nằm trên sông Ussuri (màu đen lọ nồi) rộng 0,74km2 ở vùng ven biên Primorsky Krai (Krai: ven biên giới) của Liên Sô và tỉnh Hei Longjiang (Hắc Long Giang) của Trung Quốc. Về quân sự Trung Quốc tỏ ra yếu kém so với quân Liên Sô. Quan hệ Sô-Trung không còn là quan hệ đồng chí. Cả hai đều xem nhau như kẻ thù. Nội tình Trung Quốc hỗn loạn vì Cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976). Trong tình cảnh cô đơn trong nước và với thế giới bên ngoài Mao được sưởi ấm bằng sự viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Nixon (Cộng Hòa). Hoa Kỳ muốn kéo Trung Quốc về phía mình để nắm ưu thế trong Chiến Tranh Lạnh với Liên Sô. Trung Quốc muốn thoát cảnh cô đơn sau trận đánh nhau với Liên Sô trên đảo Damansky mà họ gọi là Zhen Bao hay Chen Bao (Trân Bảo). Mao thúc giục bác sĩ chữa cho ông sớm lành bịnh để tiếp tổng thống Nixon (1972).

Chủ tịch Mao Zedong và tổng thống Hoa Kỳ Nixon (Ảnh: https://www.nrc.nl/)

Năm 1971 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thay thế Trung Hoa Dân Quốc với tư cách một đại cường quốc có quyền phủ quyết tại Ɖại Hội Ɖồng Liên Hiệp Quốc. Sự thăm viếng Trung Quốc của tổng thống Nixon năm 1972 mở đầu cho bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ. Washington phải nhìn nhận chỉ có một nước Trung Hoa mà thôi. Mọi biến cố quan trọng như chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), sự qua phân Việt Nam (1954), thí nghiệm bom nguyên tử (1964), phóng vệ tinh nhân tạo (1970), mở đầu việc bang giao với Hoa Kỳ (1972), việc đánh chiếm Hoàng Sa (1974),… đều xảy ra dưới thời Mao Zedong.

Năm 1976 Zhou Enlai và Mao Zedong mất. Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt. Bà Jiangqing (Giang Thanh), vợ của Mao, bị cầm tù. Sau một thời gian chuẩn tiếp ngắn ngủi do Hua Guofeng (Hoa Quốc Phong) đảm trách, Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình 1904 - 1997) nắm quyền.

Deng Xiaoping là người Cộng Sản có tư tưởng phóng khoáng hơn Mao Zedong. Ông có học ở Pháp (1920 - 1924) và được Moscow huấn luyện từ năm 1925 – 1926. Năm 1956 ông là tổng bí thơ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì bất đồng ý kiến với Mao Zedong và thường chia sẻ ý kiến với chủ tịch Liu Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ, 1892 - 1969), người thay thế Mao Zedong trong chức vụ Chủ Tịch Nhà Nước từ năm 1959 đến 1968, ông bị hoạn nạn trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa do Mao và vợ là bà Jiangqing phát động. Liu Shaoqi bị chết thảm vì bị Hồng Vệ Binh đánh đập, bỏ đói và không trị bịnh. Deng Xiaoping được Zhou Enlai bảo lãnh nên thoát nạn.

Giống như Mao Zedong, Deng Xiaoping không thân thiện với Liên Sô. Ɖể thực hiện Bốn Hiện Ɖại Hóa, ông hướng về Hoa Kỳ. Nhiều sinh viên Trung Quốc được gửi sang học đại học Hoa Kỳ để học hỏi về những tiến bộ khoa học và kỹ thuật của nước này. Một vài trường hợp “tặc” kỹ thuật cao được phát hiện nhưng mọi việc đều chìm trong quên lãng vì nhu cầu đầu tư của các đại công ty và vì thị trường của trên một tỷ dân Trung Quốc. Trong vòng 30 năm sau ngày Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Trung Quốc, nước này trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới. Trung Quốc tự nhận chủ quyền gần 3 triệu km2 trên Thái Bình Dương với 141 đảo lớn nhỏ chạy dài từ Hoàng Sa xuống đảo Natuna của Indonesia. Sự lớn mạnh của Trung Quốc làm cho các nước Ɖông Nam Á nơm nớp lo sợ. Nó giúp cho Nga bán nhiều võ khí. Sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương khiến Hoa Kỳ lo ngại phải gia tăng sự tuần tra trong vùng để đảm bảo quyền tự do hàng hải. Ảnh hưởng của Trung Quốc lan rộng từ Ɖông Nam Á sang Nam Á, Phi Châu, Âu Châu, các hải đảo Nam Thái Bình Dương và cả Mỹ Châu nữa. Chủ tịch Xi Jinping được Hoa Kỳ và Anh Quốc trải thảm đỏ khi thăm viếng. Các quốc gia khi bang giao với Beijing phải chấp nhận nguyên tắc “Một Nước Trung Hoa” và không được đụng đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến Taiwan, Tibet (Tây Tạng) và Xinjiang (Tân Cương). Beijing cô lập Taiwan khiến số quốc gia nhỏ ở Nam Thái Bình Dương và Mỹ Châu bang giao với Taiwan sút giảm rất nhiều.

Tổng thống Hoa Kỳ Obama và chủ tịch Xi Jinping (Ảnh: CNN)

Sự chuyển trục về Châu Á của tổng thống Obama không có kết quả cụ thể. Trung Quốc vẫn xây đảo nhân tạo, lập căn cứ quân sự, xâm phạm lãnh hải của vài nước Ɖông Nam Á, bắt ngư dân Việt Nam đang đánh cá gần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa (Xisha), ngăn chận các công ty ngoại quốc thăm dò dầu khí trong vùng Lưỡi Bò Chín Ɖoạn v.v. Trung Quốc không trải thảm đỏ cho tổng thống Obama khi đến dự hội nghị G20 ở Hangzhou (Hàng Châu, 04 - 05 tháng 9 năm 2016) và buộc ông phải dùng cửa hậu trên phi cơ để bước xuống phi trường như một dấu hiệu xem thường lãnh đạo của một siêu cường.

Trả đũa việc ký kết thỏa ước thành lập TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement – Thỏa Ước Ɖối Tác Xuyên Thái Bình Dương) bao vây kinh tế Trung Quốc? Theo các quan sát viên quốc tế thỏa ước này làm cho 11 quốc gia Thái Bình Dương ký kết (Hoa Kỳ, Anh, Singapore, Úc Ɖại Lợi, Brunei, Mã Lai, Mexico, Peru, Chile, Nhật Bản, Việt Nam) liên hệ gần với Hoa Kỳ hơn Trung Quốc. Thỏa ước TPP chưa được Hoa Kỳ phê chuẩn thì năm 2017 tổng thống Donald Trump (Cộng Hòa) tuyên bố rút ra khỏi TPP. Bề ngoài tổng thống Donald Trump tỏ ra chống Trung Quốc quyết liệt. Trên thực tế ông niềm nở tiếp Xi Jinping ở Mar-a-Lago, Florida. Các cháu ngoại của ông chào mừng Xi Jinping bằng một bài ca bằng tiếng Quan Thoại (Mandarin).

Hoa Kỳ đeo đuổi chánh sách Ấn Ɖộ Dương-Thái Bình Dương nhằm chận đứng tham vọng bành trướng, bá quyền của Trung Quốc. Ấn Ɖộ, Úc Ɖại Lợi, Nhật Bản sát cánh với Hoa Kỳ trong đường hướng này. Tổng thống Joe Biden (Dân Chủ) mạnh dạn chấp nhận đối đầu với hai đại cường Nga và Trung Quốc. Hoa Kỳ thành công trong việc kêu gọi NATO và các quốc gia Liên Âu viện trợ võ khí cho Ukraine bị Nga xâm lăng, đồng thời trừng phạt kinh tế và tài chánh Nga. Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt Trung Quốc bằng những biện pháp tương tự áp dụng với Nga nếu Beijing hỗ trợ cho Putin trong cuộc xâm lăng Ukraine. Ngày 23-05-2022 trong một phiên họp với các nhà lãnh đạo Ấn Ɖộ, Nhật Bản và Úc Ɖại Lợi ở Tokyo, tổng thống Biden tuyên bố quân Hoa Kỳ sẽ can thiệp nếu đảo Taiwan bị Trung Quốc tấn công. Liên Minh Hoa Kỳ-Ấn Ɖộ-Nhật Bản-Úc Ɖại Lợi cũng có chánh sách Ấn Ɖộ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và thủ tướng Ấn Ɖộ Narendra Modi
trong thời gian phát họa Khung Kinh Tế Ấn Ɖộ-Thái Bình Dương (IPEF) (Ảnh: The Diplomat)

Về phương diện kinh tế tổng thống Joe Biden phát họa Khung Kinh Tế Ấn Ɖộ-Thái Bình Dương (IPEF: Indo-Pacific Economic Framework) dự trù sẽ có 14 quốc gia thành viên sau đây: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Ɖộ, Úc Ɖại Lợi, Tân Tây Lan, Brunei, Fiji, Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. IPEF na ná giống TPP (Trans-Pacific Partnership) dưới thời tổng thống Obama (Dân Chủ). GDP của 14 quốc gia dự trù trong IPEF chiếm 45% GDP thế giới với 35% dân số trên thế giới. Trung Quốc, Taiwan (Ɖài Loan), Miến Ɖiện, Cambodia và Lào vắng mặt trong danh sách các quốc gia thành viên của IPEF. Hoa Kỳ đưa ra sáng kiến này trong hội nghị bốn nước Ấn Ɖộ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc Ɖại Lợi ngày 23-05-2022 tại Tokyo. Quốc gia chỉ trích sáng kiến thành lập IPEF mạnh mẽ là Trung Quốc. Dĩ nhiên IPEF có mục đích kinh tế chánh trị của nó đối với Trung Quốc.

Hoa Kỳ - Nhật Bản

Chế độ tướng quân (shogun) do dòng Tokugawa đứng đầu kéo dài từ năm 1603 đến 1867 ở Nhật. Thiên hoàng ngự ở Kyoto. Tướng quân ngự ở Edo, sau này là Tokyo (Ɖông Kinh). Thiên hoàng được tôn kính nhưng chỉ có vai trò tượng trưng mà thôi. Thực quyền lãnh đạo quốc gia do các tướng quân dòng Tokugawa nắm giữ.

Dưới chế độ tướng quân Nhật Bản thi hành chánh sách bế quan tỏa cảng nghiêm nhặt. Việc truyền đạo của các giáo sĩ Tây Phương bị nghiêm cấm.

Năm 1853 đề đốc Matthew Perry chỉ huy bốn tàu chiến Hoa Kỳ đậu trong vịnh Edo. Perry cho bắn nhiều phát đại bác thị uy, buộc Nhật Bản phải mở cửa giao thương với các nước. Ngày 31-03-1854 đề đốc Perry đại diện chánh phủ Hoa Kỳ ký hiệp ước Kanagawa với chánh phủ Nhật dưới thời tướng quân Tokugawa Iesada (tướng quân: 1853 - 1858). Nhật Bản mở hai cảng Shimoda và Hakodate cho thương thuyền Hoa Kỳ đến buôn bán. Hoa Kỳ mở lãnh sự quán để bảo vệ kiều dân Hoa Kỳ và trị ngoại pháp quyền của họ (Right of Extraterritoriality –  Droit d’Exterritorialité) ở Nhật. Tiếp theo đó Nhật ký hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng tương tự với Anh (1854), Nga (1855), Pháp (1858) v.v..

Tiếng súng đại bác của Perry và các hiệp ước bất bình đẳng phải ký với Hoa Kỳ và các nước Âu Châu làm cho chánh quyền dòng Tokugawa và toàn dân Nhật thức tỉnh. Bế quan tỏa cảng không phải là phương cách vệ quốc kiến hiệu. Kiếm, cung, gươm, giáo và tinh thần võ sĩ đạo không thể thắng được súng ống và đại bác của các nước phương Tây. Năm 1867 tướng quân Tokugawa Yoshinobu từ chức, nhường cho Thiên Hoàng canh tân đất nước.

Chân dung Minh Trị Thiên Hoàng (Ảnh: Wikipedia)

Hoàng tử Mitsu Hito (1852 - 1912) lên ngôi năm 1867 khi mới lên 15 tuổi. Ɖó là Meiji Tenno (Minh Trị Thiên Hoàng), người canh tân nước Nhật vào thế kỷ XIX. Nhật Bản là quốc gia Á Châu đầu tiên Tây Phương Hóa (Westernization) với phương châm cái gì người Tây Phương làm được, người Nhật phải làm được như một lời nguyện. Hai mươi sáu năm sau cuộc canh tân, Nhật đã đánh bại Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên (1894). Năm 1904 và 1905 Nhật đánh bại Nga trên chiến trường Mãn Châu và tại eo biển Tsushima (Ɖối Mã). Trận hải chiến này gây khiếp đảm cho hải quân Nga và làm cho các quốc gia Tây Phương giật mình. Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt đứng ra làm trung gian cho hai nước thương thuyết và ký hiệp ước Portsmouth ngày 05-09-1905. Từ yellow peril (hoàng họa) bắt đầu xuất hiện ở các quốc gia bạch chủng Âu-Mỹ. Trong cuộc tấn công Beijing năm 1901 của Bát Quốc Liên Quân có sự hiện diện của Nhật Bản, quốc gia Á Châu duy nhất cùng người Tây Phương xâu xé Trung Hoa vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Anh và Hoa Kỳ lưu ý đến sự phát triển quân sự và hàng hải của Nhật Bản. Giữa hai thế chiến Nhật Bản nhảy múa trên lục địa Trung Hoa. Sự ra đời của đảng Hắc Long (Kokutyukai, 1901), chủ nghĩa quân phiệt (militarism) vào thập niên 1930, chủ nghĩa Ɖại Ɖông Á Thịnh Vượng Chung (Greater East Asia Co-Prosperity Sphere) vào thập niên 1940 cho thấy tham vọng bành trướng lãnh thổ bằng cách thay thế các đế quốc Bạch Chủng ở Ɖông Á như Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Hòa Lan, Bồ Ɖào Nha.

Từ năm 1918 đến 1920, trong thời kỳ nội chiến giữa phe Cộng Sản (Bolshevists) và phe Bạch Nga,  hình thành một Liên Minh Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Nhật, Ba Lan, Ý, Tiệp Khắc, Trung Hoa (chánh phủ Bắc Dương) để giúp phe Bạch Nga. Nhật đưa 70.000 binh sĩ đổ bộ lên Tây Bá Lợi Á. Năm 1920 các nước trong liên minh đều rút quân khỏi Nga. Chỉ còn quân Nhật lưu lại. Họ chỉ rút ra khỏi Tây Bá Lợi Á năm 1922 vì áp lực của Anh và Hoa Kỳ. Hội nghị Hải Quân ở Washington năm 1921-1922 có 9 quốc gia tham dự: Anh, Hoa Kỳ, Nhật, Ý, Pháp, Bồ Ɖào Nha, Hòa Lan, Bỉ và Trung Hoa ấn định tỷ lệ đóng tàu chiến của các nước như sau:

Quốc gia

Trọng tải

Anh

500.000 t

Hoa Kỳ

500.000 t

Nhật Bản

300.000 t

Pháp

175.000 t

Ý

175.000 t

Nhật khai sinh Mãn Châu Quốc (1932), xâm lăng Trung Hoa (1937), tấn công Hoa Kỳ ở Pearl Harbor (1941), đánh bại quân Hoa Kỳ trên quần đảo Phi Luật Tân, quân Pháp trên bán đảo Ɖông Dương (1940), quân Anh ở Hong Kong, Singapore, Mã Lai, Miến Ɖiện (1941), quân Hòa Lan ở Indonesia (1942) v.v.. Úc Ɖại Lợi và Trung Hoa là hai địa bàn kháng Nhật của Ɖồng Minh dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ trên mặt trận Thái Bình Dương.

Nhật Bản là cường quốc quân sự ở Á Châu lúc bấy giờ nhưng nước Nhật nhỏ hẹp và thiếu nhiều tài nguyên thiên nhiên. Những chiến thắng quân sự chớp nhoáng lúc ban đầu cuộc chiến không đảm bảo sự chiến thắng cuối cùng trước nhiều quốc gia trong phe Ɖồng Minh do Hoa Kỳ đứng đầu. Chiến tranh càng gia tăng, cường độ kỹ nghệ quốc phòng của Hoa Kỳ càng hưng vượng. Hoa Kỳ là quốc gia rộng lớn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đồng bằng rộng lớn và nhất là được thụ hưởng cảnh thái bình nên việc sản xuất kỹ nghệ hay nông nghiệp đều được thuận lợi. Hoa Kỳ phản công Nhật Bản vào năm 1942 và kết thúc đệ nhị thế chiến sau khi dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (06 và 09 tháng 08 năm 1945).

Sau đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ và Nhật Bản đều hướng về tương lai hơn là nuôi dưỡng việc trả thù lẫn nhau. Hoa Kỳ giúp cho Nhật phục hồi kinh tế, dân chủ hóa chánh trị. Tướng MacArthur được người Nhật xem là ân nhân hơn là kẻ thù.

Hoa Kỳ và Liên Sô trong tình trạng chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ cần Nhật Bản ở Ɖông Bắc Á hướng về ba đối thủ Liên Sô, Trung Quốc và Bắc Hàn. Từ sau 1945 đến nay Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai đồng minh khắng khít nhau. Hai nước ký Hiệp Ước An Ninh ngày 08-09-1951 và Hiệp Uớc An Ninh và Hợp Tác Hỗ Tương ngày 19-01-1960.

Có lẽ Nhật Bản là quốc gia lo ngại sự suy yếu quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ hơn các quốc gia khác. Nhật sẵn sàng đóng góp để phục hồi kinh tế cho Hoa Kỳ khi nước này rơi vào cảnh suy thoái. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn là những nước đồng minh ở Ɖông Bắc Á đối đầu lại với Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn.

Nhật Bản từng cai trị Taiwan, xâm chiếm Trung Hoa và hiện tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku.

Nhật Bản từng đánh bại Nga và xâm chiếm nửa đảo Sakhalin phía nam. Sau năm 1945 Liên Sô chiếm quần đảo Kurils ở phía Bắc Nhật Bản. Chòm đảo này rộng 10.500km2.

Hoa Kỳ không xem Nga hay Trung Quốc là nước thù nghịch nhưng là nước cạnh tranh. Hoa Kỳ có quân đội ở Nam Hàn, trên đảo Okinawa của Nhật để bảo vệ Alaska, Hawaii và Guam của Hoa Kỳ trong Thái Bình Dương.

Ɖể đáp ứng với những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ làm ngơ cho Nhật Bản tái võ trang và sản xuất võ khí hạt nhân? Sau một thời gian dài không có kỹ nghệ quốc phòng, Nhật Bản trở nên yếu kém trước Trung Quốc, Liên Bang Nga và Bắc Hàn!

Hoa Kỳ - Nga

Anh là hải đảo. Ɖường lối lâu dài của Anh là tách rời khỏi lục địa Âu Châu.

Hoa Kỳ được bao bọc bởi hai đại dương: Ɖại Tây Dương và Thái Bình Dương. Từ thế kỷ XIX đến năm 1917 Hoa Kỳ như tự cô lập với khẩu hiệu Châu Mỹ của người Mỹ Châu ra đời năm 1823 dưới thời tổng thống James Monroe (Cộng Hòa, 1758 - 1831), nghĩa là Hoa Kỳ không màng đến thế sự bên ngoài mà chỉ quan tâm đến Châu Mỹ.

Năm 1741 một nhà hàng hải Ɖan Mạch tên Vitus Bering khám phá ra Alaska, một dải đất mênh mông băng giá, rộng trên 1.700.000km2 (5,15 lần diện tích nước Việt Nam). Alaska nằm ở cực tây bắc Mỹ Châu. Năm 1784 Nga đưa người sang Alaska. Họ lập các tiền trạm để buôn bán ở Alaska, trên quần đảo Aleutian, Hawaii và bắc California. Mãi đến năm 1799 Alaska mới chánh thức được xem là lãnh thổ của Nga. Với Alaska nước Nga trải dài trên ba lục địa: Âu Châu-Á Châu-Mỹ Châu.

Năm 1867 Nga bán Alaska cho Hoa Kỳ với giá 7,2 triệu Mỹ kim, khoảng 127 triệu theo thời giá. Trước sự vươn lên nhanh chóng của Hoa Kỳ trên sân khấu chánh trị thế giới, Nga lượng thấy không giữ nổi Alaska trước sự bành trướng của Hoa Kỳ bằng võ lực, thương lượng mua bán, chủ nghĩa Monroe qua khẩu hiệu Châu Mỹ của người Mỹ Châu. Nga có mặc cảm thua sút các nước Âu Mỹ như Anh, Pháp, Hoa Kỳ sau khi bị liên quân Anh-Pháp Piémont-Sardaigne   đánh bại trong chiến tranh Crimea (1854 - 1855). Ɖó là nguyên nhân vì sao Nga bán Alaska cho Hoa Kỳ với giá quá rẻ như cho không.

Năm 1917 Hoa Kỳ tham chiến trong đệ nhất thế chiến bên cạnh đồng minh Anh, Pháp. Vài tháng sau cách mạng vô sản bùng nổ ở Nga do Lenin lãnh đạo. Chánh phủ Kerensky bị lật đổ. Lenin không tham gia đệ nhất thế chiến bên cạnh các nước đồng minh Tây Âu như một sự đền ơn Ɖức đưa ông về nước cướp chánh quyền. Năm 1918 Ɖức, Áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bại. Nga không được chia phần chiến thắng ở Trung Ɖông trên những vùng đất đặt dưới sự thống trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire). Trước kia Nga để ý đến Iraq và Syria. Bây giờ Anh được ủy trị Iraq, Palestine (bao gồm nước Do Thái và Jordan ngày nay). Pháp được ủy trị ở Syria và Lebanon.

Trong thời kỳ nội chiến giữa phe Bạch Nga và phe Bolshevists (Cộng Sản), các quốc gia Hoa Kỳ, Anh, Nhật, Ý, Canada… có can thiệp và giúp đỡ cho phe Bạch Nga nhưng kết quả không thành. Dưới sự chỉ huy của Trotsky phe Bolshevists đánh bại phe Bạch Nga trong một cuộc nội chiến đẫm máu. Mãi đến năm 1933 Hoa Kỳ mới thiết lập bang giao với chánh quyền Liên Sô.

Hoa Kỳ là một nước theo tư bản chủ nghĩa hay nói một cách nhẹ nhàng đó là một nước dân chủ, kinh tế thị trường đối lại với Liên Sô, một nước theo chế độ độc tài với nền kinh tế chỉ huy hay nói một cách văn vẻ, đó là nước XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, DÂN CHỦ TẬP TRUNG với KINH TẾ CHỈ HUY. Về chủng loại người Hoa Kỳ bạch chủng gốc Anglo-Saxon. Người Nga bạch chủng gốc Slav. Về tôn giáo đa số người Hoa Kỳ theo đạo Tin Lành. Người Nga theo Chính Thống Giáo. Dưới chế độ Cộng Sản chủ nghĩa vô thần thịnh hành ở Liên Sô từ 1917 đến 1991.

Thủ tướng Anh Winston Churchill, tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt
và tổng bí thư Joseph Stalin trong hội nghị Yalta (Ảnh: stringfixer.com)

Một ngày trước khi đệ nhị thế chiến bùng nổ Liên Sô và Ɖức Quốc Xã ký hiệp ước bất tương xâm (31-08-1939). Năm 1941 Liên Sô bị Ɖức tấn công. Stalin ra lịnh ký hiệp ước bất tương xâm với Nhật để yên mặt trận Thái Bình Dương hầu dồn nỗ lực kháng Ɖức. Tại hội nghị Yalta (04 - 11/02/1945)  Stalin yêu cầu được nhận 50% tiền bồi thường. Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt chấp thuận đề nghị của Stalin. Tháng  4 năm 1945 tổng thống Roosevelt mất. Tại hội nghị Potsdam (17-07-1945 đến 02-08-1945) tổng thống Harry Truman bác bỏ đề nghị này của Stalin, viện lẽ hiệp ước Versailles buộc Ɖức bồi thường quá nhiều nên Hitler thành công trong việc kích thích lòng yêu nước và sự hận thù của người Ɖức để có thế chiến thứ hai. Churchill tham dự hội nghị Potsdam trong thời gian ngắn ngủi thì được thủ tướng Clement Attlee (Lao Ɖộng) thay thế. Hội nghị Potsdam yêu cầu Stalin tuyên chiến với Nhật. Stalin vẫn chần chờ. Ɖợi đến khi Hoa Kỳ dội trái bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki, Liên Sô mới xua quân tấn công lực lượng Quan Ɖông của Nhật ở Mãn Châu.

Liên Sô là nước hưởng lợi nhiều nhất sau khi Ɖức và Nhật Bản đầu hàng. Tháo gỡ các nhà máy kỹ nghệ của Ɖức để bồi thường chiến tranh; biến các nước Ɖông Âu thành các quốc gia Cộng Sản chư hầu, tổng cộng lối 876.000km2; thu hồi nửa đảo Sakhaline phía nam đã cắt nhượng cho Nhật Bản năm 1905 và chiếm quần đảo Kurils phía bắc nước Nhật. Hoa Kỳ đứng đầu các quốc gia Dân Chủ-Tư Bản. Liên Sô đứng đầu các nước Cộng Sản.

Năm 1949 Chiến Tranh Lạnh giữa phe Tư Bản và Cộng Sản bắt đầu. Ɖó là năm Liên Sô thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên sau khi gián điệp của họ “tặc” kỹ thuật sản xuất bom nguyên tử của Hoa Kỳ. Số quốc gia Cộng Sản gia tăng từ năm 1949 đến 1975. Trung Quốc là nước Cộng Sản to lớn và đông dân nhưng đó là nỗi khổ tâm của Liên Sô hơn là danh dự hay đồng minh để có thêm vây cánh. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) xa xôi đối với Liên Sô nhưng gần với Trung Quốc. Cuba nhỏ bé về diện tích và dân số nhưng là mụn nhọt nhức nhối đối với Hoa Kỳ ở Tây Bán Cầu.

Cuộc chạy đua võ trang với Hoa Kỳ làm cho Liên Sô mệt lử vì kinh tế Liên Sô làm sao bì kịp với kinh tế Hoa Kỳ. Liên Sô bị cô lập và bị sa lầy khi xâm lăng Afghanistan năm 1979. Việc bại trận ở Afghanistan dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở các quốc gia Ɖông Âu (1989) và sự sụp đổ của Liên Sô hai năm sau đó (1991). Ɖông Ɖức và Tây Ɖức thống nhất. Dân số các quốc gia Ɖông Âu thoát khỏi gông cùm Liên Sô đều xin gia nhập Liên Âu và NATO (Minh Ước Bắc Ɖại Tây Dương) như tìm một cây dù an ninh của các nước dân chủ Tây Phương do Hoa Kỳ đại diện. Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành đại cường quốc đơn độc trên thế giới. Tự ái dân Nga bị tổn thương. Boris Yeltsin là người gan dạ khi xé thẻ đảng viên Cộng Sản, lên xe tăng phe đảo chánh nguyền rủa nhóm đảo chánh v.v.. Nhưng ông là người thiếu tầm vóc lãnh đạo. Ông lọng cọng không biết phải làm gì để đưa nước Nga ra khỏi sự sa lầy kinh tế, chánh trị và xã hội trong bối cảnh mới thời hậu Cộng Sản.

Năm 1999 Yeltsin chọn Vladimir Putin lên thay. Putin ổn định tình hình ở Chechnya và Dagestan; ổn định kinh tế bằng sự dồi dào dầu khí, quặng mỏ, ngũ cốc và buôn bán võ khí cho các quốc gia đe dọa lẫn các quốc gia bị đe dọa. Putin cố mong thiết lập chế độ độc tài và bành trướng lãnh thổ theo gương Stalin. Ông thành công trong việc vĩnh cửu quyền hành trong các chức vụ thủ tướng, tổng thống sau khi đắc cử hai nhiệm kỳ tổng thống rồi đắc cử thêm hai nhiệm kỳ khác, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 6 năm thay vì 4 năm như hai nhiệm kỳ trước từ năm 2000 đến 2008. Putin hay chạm trán với NATO, lập hàng rào ngăn cản Ukraine, Georgia hướng về Liên Âu và NATO. Trong ước muốn bành trướng lãnh thổ ông chỉ đạt một ít lãnh thổ ở Georgia năm 2008 và Crimea, Donetsk và Luhansk vào năm 2014. Putin gặp khó khăn vô vàn trong cuộc xâm lăng Ukraine. Năm 2014 Nga sát nhập Crimea vào Liên Bang Nga. Nga bị loại ra khỏi G8. Hoa Kỳ và Liên Âu trừng phạt kinh tế Nga. Sự trừng phạt này không có kết quả đối với Moscow. Nga cung cấp dầu khí cho Trung Quốc, Ấn Ɖộ và các nước Liên Âu. Nga có ảnh hưởng lớn ở Cuba, Venezuela, Nicaragua trên lục địa Mỹ Châu. Nga bán võ khí cho Trung Quốc, Ấn Ɖộ và vài quốc gia Ɖông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thế đứng chánh trị của Putin ở Nga rất vững mặc cho những trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Âu.

Từ năm 2016 đến 2020 tổng thống Putin của Nga được sự trọng nể đặc biệt của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Uy thế của Putin trên chính trường quốc tế lên cao. Ông bắt đầu xem thường Hoa Kỳ. Ông đồng minh với Trung Quốc và Iran. Vấn đề Ukraine được khơi lại, tạo tiền đề xâm lăng nước này sau khi kết án Ukraine là một quốc gia phát xít! Khác với những cuộc chiến tranh thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ và NATO ở Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014, Nga sa lầy trong cuộc xâm lăng Ukraine vào ngày 24-02-2022. Putin không thành công dễ dàng vì sự đề kháng ngoan cường của người Ukraine được trang bị bởi lòng dũng cảm của người yêu nước và bằng võ khí tối tân của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ɖức, Ba Lan, Na Uy, Hòa Lan v.v..

Hình ảnh thủ đô Kiev của Ukraine bị dội bom trong những giờ đầu tiên
của cuộc chiến vào ngày 24-02-2022 (Ảnh Twitter)

Nga bị cô lập trong dư luận thế giới. Kinh tế và tài chánh Nga gánh chịu sự trừng phạt của Hoa Kỳ và các quốc gia Liên Âu. Thụy Ɖiển và Phần Lan là hai nước duy trì chánh sách trung lập lâu năm, vội vã xin gia nhập NATO khi thấy Nga xâm lăng Ukraine. Ɖó cũng là sự thất bại đáng kể của Putin ở Âu Châu. Cựu tổng thống Donald Trump cho rằng Hoa Kỳ và NATO “ngu ngốc”, chiến tranh nguyên tử sắp nổ ra. Ông lập lại những lời đe dọa của Putin sau khi bị thiệt hại nặng nề trong cuộc tấn công vào thủ đô Kiev của Ukraine. Ông Kissinger cho rằng Ukraine phải hy sinh một ít lãnh thổ mới có hòa bình. Từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine người ta suy diễn đủ thứ tai họa. Nào là Nga sẽ dùng võ khí nguyên tử. Nào là thế chiến thứ ba đang bắt đầu. Tên các nhà tiên tri hữu danh xa xưa như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), Nostradamus (1503 - 1566) lẫn các tiên tri vô danh như bà già mù ở Bulgaria, cậu bé tiên tri Ấn Ɖộ xuất hiện sau cuộc xâm lăng Ukraine. Tất cả đều có những lời tiên tri bi quan tuyệt vọng về tương lai của ƉỊA CẦU và NHÂN LOẠI chỉ vì Putin là một cựu sĩ quan KGB của Liên Sô! Khách quan mà nói, Putin không có ánh sáng trước nhà độc tài Stalin và Hitler cũng như Xi Jinping không có bản lãnh như Mao Zedong và sự sáng tạo như Deng Xiaoping. Bù lại các nước dân chủ Tây Phương đang thiếu Franklin Delano Roosevelt (1882 - 1945) và Winston Chrchill (1874 - 1965).

***

Những phát đại bác của đề đốc Perry làm cho Nhật thức tỉnh. Cuộc canh tân đất nước bắt đầu. Sau khi bại trận trong đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ giúp cho Nhật có một bản hiến pháp theo gương các nước dân chủ Âu Mỹ. Bản hiến pháp này thay thế bản hiến pháp 1889 dưới thời Meiji (Minh Trị). Hoa Kỳ giúp đỡ cho Nhật phục hồi kinh tế thời hậu chiến. Tướng MacArthur không nuôi dưỡng sự phục thù sau khi bị Nhật tấn công Pearl Harbor và đánh chiếm Phi Luật Tân mà tận tình giúp đỡ cho Nhật Bản ổn định kinh tế và tái thiết quê hương bị chiến tranh tàn phá nên ông được người Nhật Bản xem là ân nhân của họ.

*

Khác với các nước Âu Châu, Hoa Kỳ không chiếm một thành phố hay hải cảng nào của Trung Hoa như Anh, Pháp, Nga, Ɖức và cả Nhật. Họ luôn nhắc nhở về sự “vẹn toàn lãnh thổ” (territorial integrity) của Trung Hoa. Hoa Kỳ khó chịu về sự lấn lướt của Nhật ở Trung Hoa vào thế kỷ XIX và nhất là sau cách mạng Tân Hợi (1911) đến 1932 rồi 1937. Hoa Kỳ giúp Trung Hoa Quốc Dân Ɖảng chống Nhật trong đệ nhị thế chiến. Deng Xiaoping hòa hoãn với Hoa Kỳ, học hỏi nhiều nơi nước này để thực hiện chương trình Bốn Hiện Ɖại Hóa với kết quả rực rỡ. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới cận đại Trung Hoa trở thành đại cường quốc kinh tế và quân sự khiến Nga, Nhật Bản và Hoa Kỳ phải e dè.

*

Hoa Kỳ và Pháp là hai nước đồng minh không thân không oán. Ɖó là hai nước bạch chủng cùng đạo Christ nhưng khác phái. Pháp theo Thiên Chúa Giáo La Mã. Ɖa số người Hoa Kỳ theo đạo Tin Lành. Trong hoạn nạn Hoa Kỳ sẵn sàng đùm bọc Pháp (đệ nhất và đệ nhị thế chiến). Hoa Kỳ chi 80% kinh phí chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất vì lo sợ sự lan rộng của chủ nghĩa Cộng Sản xuống các nước Ɖông Nam Á. Pháp thờ ơ lãnh đạm trong chiến tranh lạnh với Liên Sô. Pháp có nhiều dấu hiệu gắn liền với Liên Sô hơn với Hoa Kỳ:

- Năm 1934, do sự giới thiệu của Pháp, Liên Sô gia nhập Hội Quốc Liên (15-09-1934).

- Hiệp ước hỗ tương Pháp-Liên Sô (02-05-1935).

- Hiệp ước Liên Minh Hỗ Tương Pháp-Liên Sô (10-12-1944).

Nhìn sâu vào lịch sử Pháp ta thấy nước này sớm có khuynh hướng Cộng Sản với Gracchus Babeuf (1760 - 1797) trong thời cách mạng. Chủ nghĩa Babeuf (Babourism) kết hợp chủ nghĩa Cộng Sản (Communism) và chủ nghĩa vô chánh phủ (Anarchism). Babeuf bị xử chém năm 1797. Năm 1871 Công Xã Paris ra đời như một chánh quyền Cộng Sản đầu tiên thời Ɖệ Nhất Quốc Tế Cộng Sản. Bài L’Internationale (Quốc Tế Ca), bài ca của phong trào Cộng Sản Quốc Tế  do hai người Pháp sáng tác. Năm 1871 Eugène Pottier viết lời trong thời kỳ Công Xã Paris. Ɖến năm 1888 Pierre De Geyter phổ nhạc.

*

Hoa Kỳ trong thế thượng phong khi mua Alaska của Nga năm 1867. Năm 1905 Hoa Kỳ sốt ruột khi biết Nga bị Nhật đánh bại. Hoa Kỳ gián tiếp giúp Nga khi làm trung gian cho hai bên hội nghị tại Portsmouth, New Hampshire (1905).

Lenin rất ngưỡng mộ tổ chức và sự phát triển kỹ nghệ, khoa học kỹ thuật  của Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ không thích cách mạng vô sản của Lenin. Trong hội nghị Yalta (tháng 02-1945) thủ tướng Churchill khó chịu vì tổng thống Roosevelt chấp thuận hầu hết những đề xuất của Stalin. Lúc ấy sức khỏe của tổng thống Roosevelt rất kém. Tháng 04 năm 1945, tức khoảng hai tháng sau hội nghị Yalta, ông qua đời.

***

Vạn vật trong vũ trụ đều có định số của chúng. Mỗi cá nhân, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia cũng có định số riêng.

Người Hoa Kỳ là những người hợp chủng; những người bị áp bức; những người rời bỏ quốc gia sinh quán vì lý do tôn giáo, chánh trị, kinh tế, xã hội; những người đấu tranh vì tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội. Họ đã thành công xây dựng một đất nước tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc và giúp cho những dân tộc khác vui hưởng tự do, hạnh phúc trong một thế giới tương đối thanh bình, an ninh và trật tự (Hội Quốc Liên, Liên Hiệp Quốc). Ɖại cương Hoa Kỳ mang sắc thái sau đây:

Ɖồng tiền như nước giếng. Càng có nhiều người dùng, giếng vẫn không cạn nước, nước giếng lại trong hơn. Người xài tiền rộng rãi vì lòng nhân ái và óc công bằng được nhiều THIÊN PHÚC. Trái lại người ích kỷ thủ lợi riêng chẳng những không giàu thêm mà còn mất đi cái đang có hay mang họa vì nó. Thiên Phúc xuất đi.

Hy vọng rằng Hoa Kỳ luôn luôn bảo trì lòng NHÂN ÁI và sự CÔNG BẰNG để được nhiều phúc phần THIÊN BAN. Người có PHÚC ƉỨC được no ấm và danh dự bền lâu. Quốc gia có PHÚC ƉỨC được sự HƯNG VƯỢNG miên trường.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/quanhegiuahoaky.html


Cái Đình - 2022