Nguyễn thị Cỏ May


Pháp của thủ tướng mới

Ông Michel Barnier, thủ tướng mới của Pháp

Hôm trưa thứ năm 05/09/24 vừa qua, ông Tổng thống Macron đã đề cử Thủ tướng mới sau nhiều tuần tiếp xúc các phe phái. Ông Michel Barnier, người thuộc cánh Hữu, từng là Hội đồng Quản hạt, 3 lần làm Tổng trưởng, và Ủy viên Âu châu, với thành tích Chủ tịch Ủy ban Brexit, đưa Anh quốc ra khỏi Âu châu. Barnier là người am tường chánh trị Pháp và Âu châu.

Suốt gần 2 tháng Pháp không có Chánh phủ vì ông Tổng thống bị kẹt trong thế phải chọn một ôngThủ tướng “chánh trị” (politique) hay “chuyên viên” (technicien) và nhứt là ông Thủ tướng khi trình diện Chánh phủ trước Quốc hội sẽ không bị “xù”, (không bị “bác”, nói theo tiếng của dân tỵ nạn ở Mã-lai) và phải dồn hết nỗ lực nhằm phục vụ đất nước.

Một chuyên viên hay một chánh trị gia, dầu tài hoa đi nữa, mà không đủ phe cánh cũng sẽ chết cô đơn trên chiến trường khi vừa xuất trận. Sau bầu cử bất thường hôm 7/7, Quốc hội Pháp không có đa số đủ để lập chánh phủ nhưng có tới 11 cánh trong Quốc hội, tuy đại thể, chỉ chia ra Hữu, cực Hữu, Trung và Tả, cực Tả.

Bình thường trong sanh hoạt chánh trị Tây là hễ cánh này vừa nhúc nhích thì cánh kia đã tuyên bố “xù” rồi. Nay ông Michel Barnier được chọn làm Thủ tướng, cánh Hữu im lặng, cánh cực Hữu hạ nhiệt. Chỉ còn cánh cực Tả mà tên Mélenchon, vốn hết lòng tôn thờ vừa Staline vừa Trostky, tuyên bố sẽ “xù” và kêu gọi biểu tình ngày 7 tháng 9 để hô hào truất phế ông Tổng thống Macron vì ông muốn lên làm ông Tổng thống ngay, không kịp đợi kỳ bầu cử tới. Nhưng khó thực hiện vì không dễ kiếm được đa số phiếu ủng hộ. Nhưng ông ta làm vì chẳng có thể làm việc gì tử tế được. Cộng sản là vậy thôi!

Hiện nay, thần tượng của ông ấy là Nicolás Maduro, Xi và Pou. Theo thăm dò dư luận pháp gần đây, có 76% cho rằng Mélenchon là tên phá hoại, 74% nói hắn ủng hộ Hamas, chống Do thái, chỉ có 2% ủng hộ. Nhưng, ở bầu cử Tổng thống, ông ta được vào vòng thứ 3 nhờ 69% phiếu của “đen”“rệp” (á-rặp).

Bầu cử Quốc hội hôm 7 tháng 7 vừa qua, phe Tả và cực Tả (gồm Xã hội, Mélenchon, Xanh, Cs) trong một Liên minh mới dưới tên “Mặt Trận Bình Dân Mới” được đa số, và chiếm Đa số trong Quốc hội tuy không đủ túc số để lập chánh phủ như thông lệ của nền Đệ V Cộng hòa (như lưỡng đảng bên Huê kỳ).

Nay, cũng do kết quả thăm dò dư luận, có tới 2/3 cử tri pháp cho rằng họ đã bầu Quốc hội hôm rồi, thật sự lá phiếu của họ không thể hiện đúng quan điểm chánh trị của họ mà chỉ là lá phiếu mang tính cảnh cáo. Nhứt là cùng nhằm ngăn chận đảng cực Hữu “Tập hợp Dân tộc” (Rassemblement National) của Marine Le Pen có thể lên cầm quyền sau khi thắng ở Quốc hội Âu châu. Cánh của ông Tổng thống Macron đang đà suy thoái vì đảng của ông vốn thiếu cơ sở, cả về chánh thuyết, mà chỉ là thứ tập hợp cơ hội để giúp ông ứng cử Tổng thống năm 2017. Mà Macron làm ông Tổng thống cũng chỉ là một trường hợp nhảy dù, may mà dù mở ra nên rớt an toàn trên sân cỏ.

Dư luận Pháp cho rằng ông Tổng thống Macron mang nặng thứ tâm lý ái kỷ, nghĩ rằng chỉ có mình là đẹp nhứt, tài hoa nhứt, đúng nhứt, sáng suốt nhứt nên lúc nào cũng chỉ thấy có chính mình và nghe chính mình nên ông không thể “nghĩ thực tế có thể không tùy thuộc vào ông”.

Từ trước giờ, Macron chỉ muốn có ông Thủ tướng mà uy quyền của ông vẫn không phải san sẻ chút nào. Tuy cả hai người cùng có chung cái nhìn chánh trị đi nữa! Ông chỉ muốn một chánh phủ chỉ gồm phe của ông. Ông ghét thứ chánh phủ liên hiệp. Ông mang nặng tâm lý nhìn Quốc hội với cặp mắt kẻ bề trên. Nên có nhiều báo pháp gọi ông là Jupiter hay ông Vua. Vua Macron!

Chỉ chưa đưa hình ông mặc long bào và hia mão như vua tàu mà thôi.

Để cho tình hình Pháp được ổn định, nay chỉ còn mong chánh phủ Barnier sẽ không bị hạ bệ khi trình diện trước Quốc hội.

Chờ coi thái độ của cánh cực Tả của Mélenchon. Nhưng muốn hạ bệ chánh phủ Barnier, Mélenchon phải hội đủ đa số, nghĩa là phải liên minh với đảng Tập hợp Dân tộc (RN) mà chuyện này như mặt trời với mặt trăng. Riêng ngay trong nội bộ Mặt Trận Bình dân Mới, đảng Xã hội đã chống Mélenchon tới cùng.

Sau gần 2 tháng, Pháp không có chánh phủ chánh thức nhưng dân chúng vẫn chưa thấy có gì bất thường. Trái lại còn cảm thấy dễ chịu vì không phải thường nghe ông này bà nọ lớn tiếng tuyên bố. Riêng ông Vua Macron có lẽ thoải mái hơn hết.

Trước đây, Vua thường bị khó chịu với Thủ tướng do ông bổ nhiệm vì, theo ông, ông đã bổ nhiệm những người không thật sự ủng hộ ông hay thân tình với ông. Cả bà vợ của ông cũng đã một lần nói ra như vậy.

Ý nói ông không chọn người theo phe cánh?

Chỉ có xí nghiệp nhỏ và vừa đã bắt đầu khủng hoảng vì không có đầu tư mới và không dám lấy những quyết định quan trọng. Nhiều dự án lớn đã phải đóng băng.

Michel Barnier lập Nội các

Có gần phân nửa dân Pháp nhiệt tình hoan nghênh ông Michel Barnier được đề cử Thủ tướng. Nhưng có tới 3 người trên 4 cho rằng ông Macron chọn ông Michel Barnier làm Thủ tướng là không tôn trọng kết quả bầu Quốc hội. Vì theo kết quả bầu cử thì cánh Tả chiếm đa số nhưng không đủ đa số để lập chánh phủ. Cánh Hữu, thân chánh, nay đã phân tán, đứng thứ nhì. Đảng cực hữu RN đứng hạng ba. Mà ông Michel Barnier thuộc cánh Hữu (Thời RPR của Chirac, nay là RP nhưng lại xé ra vì đảng trưởng nhảy qua RN. Phần còn lại không chơi). Chánh thức, ông không đại diện cho đảng cánh Hữu. Tuy nhiên ông tuyên bố chánh phủ của ông sẽ mở rộng và trong tuần tới sẽ trình diện chánh phủ của ông.

Qua trả lời phỏng vấn Đài TV TF1 hôm 10/09/24, ông Michel Barnier đã phác họa qua vài nét chánh chương trình làm việc của ông trong những ngày tới:

Chánh trị “Sống chung”

Từ năm 1958, Pháp có 3 lần chánh phủ “sống chung” (cohabitation) vì ông Tổng thống và Dân biểu Quốc hội mà đa số không cùng cánh với ông Tổng thống, lại ở phe đối lập. Nhưng đa số phải là đa số tuyệt đối. Trường hợp đa số hiện nay không hội đủ điều kiện này.

Riêng ông Michel Barnier được chọn làm Thủ tướng lại cũng không phải thuộc phe đa số nên ông Macron không gọi là “sống chung” (cohabitation), mà lại gọi “sống chung bắt buộc” (coexistence exigeante).

Sống chung giữa 2 người với 2 cá tánh đối nghịch nhau cũng là vấn đề lớn. Ông Macron xưa nay, tuy không cai trị, nhưng cứ sợ mất quyền nên can thiệp vào việc làm của Chánh phủ, biến Thủ tướng như Chánh Văn phòng của mình. Người nào không chấp nhận sẽ bị bãi nhiệm ngay.

Trong lúc đó ông Michel Barnier là người trầm tĩnh, ôn hoà, thảo luận, cởi mở, chọn lấy quyết định sau khi đồng ý với nhau. Nên có người bạn thân của ông Macron khuyên ông nên “biết quên cái ta đi” để có thể làm ông Tổng thống cho tới năm 2027, hết nhiệm kỳ.

Pháp có vấn đề “sống chung” vì Hiến pháp 58, Tướng De Gaulle muốn dành quyền cho ông Tổng thống nên khi Quốc hội không đủ đa số để lập chánh phủ thì phải “sống chung” với phe đối lập. Trong lúc đó, ở các nước khác ở Âu châu, họ lập chánh phủ theo kết quả bầu Quốc hội. Nếu không có phe nào đủ đa số, họ sẽ tìm liên kết với phe ăn cánh với nhau để hội đủ điều kiện lập chánh phủ.

Việc liên kết không phải đơn giản nên có lắm khi phải mất thời gian dài để có chánh phủ. Hôm rồi Tây chỉ mất có gần 2 tháng chờ lập được chánh phủ vì trường hợp này do ảnh hưởng 2 chánh đảng lớn kỳ cựu Tả và Hữu của Tây có từ trước nay đã bị phân tán.

Để an ủi Tây đừng sốt ruột vì không có chánh phủ, có người đã nhắc lại chuyện không chánh phủ của các nước láng giềng còn ly kỳ hơn nhiều.

Bỉ năm 2020 phải đợi 493 ngày để có chánh phủ mới sau bầu cử Quốc hội. Năm sau, Espagne đợi 121 ngày. Trước đó, năm 2018, Đức đợi 161 ngày.

Ý từ năm 1946 có tới 70 chánh phủ “sống chung” nhưng chỉ qua một thời gian ngắn và đầy sóng gió.

Hòa-lan năm 2021 phải mất 271 ngày để có được liên kết lập chánh phủ.

Ở Âu châu, các nước lập chánh phủ dựa theo kết quả bầu cử Quốc hội nên nhiều nước mất thời gian dài không có chánh phủ. Chuyện trở thành bình thường. Riêng Bỉ, tháng 12 năm 2011, lần đầu tiên phải đợi 541 ngày mới có chánh phủ. Nhưng hoàn cảnh có chánh phủ, nghe nói cũng khá ly kỳ!

Các chánh đảng, các phe phái không chịu bắt tay nhau để có chánh phủ “sống chung” như bình thuờng. Mà cứ để tình trạng vô chánh phủ kéo dài. Đến một hôm các bà, Hội phụ nữ, không chịu nổi nữa. Các bà tổ chức xuống đường biểu tình đòi các ông chánh khách lập chánh phủ vì không thể để tình trạng này kéo dài nữa. Khẩu hiệu của các bà vừa hô lên, vừa viết trên biểu ngữ như một tối hậu thư “Trong 1 tháng nữa mà không có chánh phủ, các bà chúng tôi sẽ cấm vận các ông”.

Quả thật, qua tháng sau, Bỉ có chánh phủ mới sau 541 ngày chờ đợi!

Nhưng nếu đem chiến thuật này áp dụng ở Pháp e khó thành công vì một số khá quan trọng chánh khách Tây hiện nay đều là “đồng tính”.

Ngay như áp dụng với ông Thủ tướng cũ thì vô hiệu quả. Hay với bà Lucie ứng cử Thủ tướng vừa rồi nhưng bị từ chối cũng vậy thôi!

Trong lúc đó, nay ông Michel Barnier lên làm Thủ tướng, nhiều người thấy đây sẽ là gáo nước lạnh dội lên những người đồng tính (LGBT) khi muốn làm chánh phủ.

   

Nguyễn thị Cỏ May

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/phapcuathutuongmoi.html


Cái Đình - 2024