Hoàng Giang


Nỗi lòng dân tị nạn Eritrea

 

Một người biểu tình Eritrea đang xông tới để hành hung phóng viên Sebastiaan Barel.
Hình Sebastiaan Barel/Regio15

Cư dân trong khu trung tâm thành phố Den Haag vừa trải qua một buổi tối kinh hoàng chưa từng có trong suốt nhiều thập niên: một cuộc đụng độ dùng bạo lực dữ dội giữa hai nhóm người ‘tị nạn’ Eritrea dẫn đến một cuộc đốt phá trung tâm sinh hoạt, ném đá và đốt xe, và đụng độ với toán cảnh sát cơ động được điều đến để giải tán. Theo lời những người chung quanh, có khoảng 400 người tụ tập bên ngoài.

Cảnh sát đã bắt giữ 13 người, tất cả là nam, tình nghi đã có hành động đập phá, đốt nhà và xe, cùng các hành động chống lại cảnh sát bằng vũ lực. Phía cảnh sát báo cáo có 15 nhân viên công lực bị thương.

Chuyện gì đã xảy ra?

Vào tối ngày 17/02/2024, một buổi ‘họp mặt đầu năm’, được Liên hội Cộng đồng Eritrea ở Hòa Lan tổ chức cùng với nhóm hoạt động văn hóa ‘Walda’, địa điểm là trung tâm sinh hoạt Opera ở trung tâm thành phố Den Haag. Đó là trên giấy tờ, thực ra có lẽ đó là sự che mắt cho buổi tưởng nhớ chiến dịch Tổng tấn công Fenkil (08-17/02/1990), một mốc quan trọng trong cuộc tranh đấu giành độc lập cho Eritrea.

Cũng như nhiều buổi lễ hội trong những năm gần đây do các hội đoàn thân chính quyền tổ chức (và được nhà nước Eritrea bảo trợ), đây là lý do kích động các nhóm dân Eritrea chống chính quyền đến biểu tình phản đối. Ngoài số đông trong số người này có thái độ ôn hòa, người ta còn thấy có sự tham dự của các thành viên Lữ đoàn Nhamedu. Được thành lập 3 năm trước đây, Lữ đoàn Nhamedu quy tụ những người trẻ có khuynh hướng phải hành động mạnh để chống lại chính quyền Eritrea trên thế giới, mà theo họ, các sứ quán là những nơi phát ra tiếng nói không trung thực. Họ bất bình vì những phản đối ôn hòa đã không gây được tiếng vang, để đi tới kết luận là phải có những biện pháp phản đối mạnh hơn, kể cả dùng bạo lực để chống lại sự khủng bố của nhà nước Eritrea áp dụng trên những người đối kháng và ngay cả đối với gia đình của dân tị nạn Eritrea. Từ khi thành lập, lữ đoàn Nhamedu đã tham gia hoặc tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền Eritrea mỗi khi được tin có hội họp do phe thân chính phủ tổ chức. Những cuộc biểu tình này đã thành những màn kích động gây hấn, dùng bạo lực (nhưng chưa tới mức dùng súng). Gần đây nhất là những vụ xô xát dùng bạo lực ở Canada, Đức và Thụy Điển trong những tháng vừa qua; còn ở Hoa Kỳ nó đã xảy ra cùng một ngày với vụ phá buổi hội ở Den Haag.

Nhưng không phải chỉ có Lữ đoàn Nhamedu gây nên chuyện. Xung đột giữa hai phe thân và chống chính quyền Eritrea đã nhiều lần xảy ra ở Hòa Lan. Phe thân chính phủ từ 2003 hàng năm vẫn tổ chức ăn mừng ngày độc lập 19/05 (1993) của Eritrea, tại trung tâm giải trí sinh hoạt Event Plaza ở Rijswijk (cũng là nơi Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn tại Hòa Lan thường tổ chức Hội Tết Nguyên Đán), những buổi lễ này quy tụ được năm bảy trăm người tham dự, và thường bị nhóm chống chính quyền tới khiêu khích phá rối, đến mức đã xảy ra màn đâm chém giữa hai phe trong năm 2023 và năm 2022 ngày hội đã bị buộc phải bãi bỏ để tránh xung đột.

Trong phòng là buổi họp mặt ngày 17/02/2024, những người tham dự mặc áo màu xanh lá cây,
một trong ba màu chính của lá cờ Eritrea (Hình: Myra Koomen).
Bên ngoài là cảnh tượng đập phá và hỗn chiến với cảnh sát (Hình: Regio 15)

Tóm lại, như vậy chính phủ và cảnh sát Hòa Lan đã ý thức được nguy cơ cao mỗi khi nhóm thân chính phủ Eritrea tổ chức hội họp. Chính quyền địa phương đã đề phòng, nhưng không ngờ là sự việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Dường như cảnh sát cũng không chú ý tới lời kêu gọi trên các mạng xã hội từ nhiều tuần trước, đã lôi kéo nhiều người Eritrea từ các quốc gia khác tới tiếp sức. Địa điểm cuộc hội họp lần này lại được giữ kín tới giờ chót, nó lại không phải là trung tâm Event Plaza ở Rijswijk. Uất ức vì trở tay không kịp, cộng thêm cảm tưởng bị chính quyền địa phương gạt khiến họ không thể kịp xin phép tổ chức biểu tình ôn hòa đã làm ngọn lửa hận thù bốc lên quá nhanh trong một cuộc biểu dương kiểu tự phát. Khi một số người chủ chiến kích động dùng bạo lực phản đối – sau khi hô khẩu hiệu đả đảo, đội cảnh sát cơ động đã được điều đến để giải tán. Không ngờ họ gặp phản ứng ngược thật mãnh liệt. Nhóm chống đối cho là cảnh sát đã nghe lời sứ quán xúi giục, nên họ quay mũi dùi tấn công vào lực lượng cảnh sát đang được điều tới tiếp ứng. Bom xăng, gạch đá và gậy gộc được mang ra khi cảnh sát sử dụng dùi cui đàn áp. Xe cảnh sát bị đốt cháy. Cả khu biến thành biển lửa. Trong trung tâm Opera, ngoài buổi hội này, còn có hai đám cưới với con số lên tới gần 500 khách, họ cũng bị vạ lây, vì khi đó không còn ai phân biệt được xe nào của đám Eritrea ‘thân cộng’, xe nào của khách dự tiệc cưới. Một đám cưới đã phải hủy vì dâu rể không thể vào khu đó được nữa, một đám cưới khác cũng tan tành khi gia đình hai họ cùng khách mời bị kẹt trong phòng, phải nhờ cảnh sát mở đường cho họ di tản.

Hai nhóm dân tị nạn Eritrea ở Hòa Lan, nhưng có quan điểm trái ngược nhau

Bản đồ Eritrea và tổng thống Isaias Afwerki

Eritrea là một quốc gia tương đối nhỏ, nằm ở đông bắc châu Phi, dọc bờ Biển Đỏ (Hồng Hải). Trong lịch sử cận đại, quốc gia này là thuộc địa của Ý. Eritrea từ lâu vốn có mối liên lạc chủng tộc, văn hóa với Ethiopie, nước láng giềng phía nam. Vì vậy, sau thế chiến 2, Eritrea được giải phóng nhưng vẫn nằm trong khối Ethiopie. Mầm tranh đấu độc lập âm ỉ của hai Mặt trận đòi Eritrea được độc lập dẫn đến cuộc xung đột biên giới đẫm máu giữa hai nước vào đầu thập niên 1960. Dân Eritrea chạy loạn khắp nơi, nhiều nhất là ở Sudan, quốc gia láng giềng phía bắc. Khoảng 1500 người Eritrea tị nạn chiến tranh ở Hòa Lan, đa phần trong số người này có trình độ học vấn cao. Những người này ủng hộ ông Isaias Afwerki, thủ lãnh Mặt trận Giải phóng Nhân dân Eritrea trong suốt cuộc tranh đấu mang ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-xít kéo dài 30 năm. Mặt trận này sau đó thu được thắng lợi, đưa đến sự độc lập của Eritrea vào năm 1993. Isaias Afwerki trở thành tổng thống Eritrea đầu tiên và đồng thời là Chủ tịch Quốc hội. Ông giữ hai chức vụ này cho tới nay – hơn 30 năm – mà chưa thấy có dấu hiệu nào của một sự trao quyền cho người kế vị. Các cuộc tổng tuyển cử vẫn bị trì hoãn với lý do một phần lãnh thổ vẫn còn chịu sự đe dọa hoặc chiếm đóng của Ethiopie.

Nền độc lập của Eritrea được xây dựng bằng chiến tranh với anh hàng xóm khổng lồ phía nam là Ethiopie. Hòa bình hiện nay chỉ là tạm bợ, do sự dàn xếp của quốc tế. Đó là một trong nhiều lý do khiến tổng thống Afwerki áp dụng một chính sách chuyên quyền và độc tài. Mọi mầm móng chống đối trong nước đều bị truy tầm và tận diệt, ngay cả những thành viên cao cấp nhất của chính quyền và từng là đồng chí chiến đấu cũng bị xử tử vì kêu gọi dân chủ. Các quyền căn bản của con người như tự do ngôn luận, hành đạo, lập hội… đều không có hoặc bị hạn chế tối đa. Eritrea là quốc gia Phi châu duy nhất chỉ có cơ quan truyền thông của chính phủ. Hiến pháp cho phép đa đảng nhưng thực tế chỉ có một đảng duy nhất, là Mặt trận Nhân dân vì Dân chủ và Công lý của ông tổng thống. Eritrea nhiều năm liên tiếp – luân phiên với Bắc Triều Tiên, đứng hạng chót về Chỉ số Tự do Báo chí, theo báo cáo của tổ chức Phóng viên Không biên giới. Thanh niên bị gọi nhập ngũ, không có ngày ra. Với dân số hơn 5 triệu, Ethiopie là một nước có đạo quân lớn nhất nhì Phi châu! Eritrea là một trong số những nước nghèo nhất trên thế giới, với lợi tức bình quân mỗi người chưa tới 200 đô la một năm.

Trong bầu không khí ngột ngạt của sự khủng bố, tình trạng nghèo đói kéo dài, nỗi ám ảnh chiến tranh với Ethiopie, thanh niên phải nhập ngũ vô thời hạn…, đã khiến hàng trăm ngàn dân Eritrea vượt sa mạc Sahara, vượt biển Địa Trung Hải hoặc Đại Tây Dương, đến Âu châu tị nạn, hoặc dùng Âu châu làm bước đường đi tiếp đến Canada, Hoa Kỳ và Úc. Đặc điểm của đợt tị nạn này là số thanh niên trong hạn tuổi quân dịch và trẻ vị thành niên rất cao. Những người này có trình độ văn hóa thấp. Ở Hòa Lan hiện nay (2024) có tổng cộng hơn 25 ngàn người tị nạn Eritrea. Năm 2023 có 2300 người Eritrea đến Hòa Lan xin tị nạn. Hòa Lan đánh giá Eritrea là quốc gia không có an ninh, nên khá dễ dàng trong việc chấp nhận cho dân Eritrea được tị nạn tại đây. Theo thống kê của Văn Phòng Thống kê Trung ương Hòa Lan năm 2014, dân Eritrea ở Hòa Lan là sắc dân tị nạn có tỉ lệ tìm được việc làm ăn lương cao nhất trong số những người được hưởng quy chế tị nạn. Vì vấn nạn buôn người, có những người Eritrea đến Hòa Lan tị nạn nhưng bị từ chối, tuy nhiên họ không bị trục xuất, vì Eritrea không nhận những người này lại.

Nếu chỉ có như vậy thì không đến mức phải xảy ra xung đột mang tính khủng bố. Nhưng làn sóng tị nạn lần này, do những người chống chính phủ Afwerki và những người muốn thoát cảnh chiến tranh đói nghèo, đã nuôi dưỡng một mạng lưới buôn người khổng lồ. Có những bằng chứng cho thấy chính phủ có nhúng tay vào, vì đó là một nguồn tài nguyên lớn. Các nhóm buôn người lập những trại ‘tạm cư’ ở Lybie và Sudan, họ dụ dân Eritrea tới đó, và bắt đầu giở thủ đoạn tra khảo tiền bạc, cướp bóc, hãm hiếp, làm áp lực với gia đình… Đầu năm 2023 tay buôn người khét tiếng người Eritrea, Kidane Zekarias Habtemariam, đã bị bắt ở Sudan theo lệnh truy nã quốc tế của Hòa Lan, nhưng nạn buôn người vẫn tiếp tục.

Dã man hơn, Eritrea có một sắc thuế gọi là ‘thuế hải ngoại’ (diaspora tax), ban hành năm 1994. Người dân Eritrea ở nước ngoài phải trích 2% lợi tức để đóng thuế này. Theo công pháp quốc tế, điều này không sai trái. Nhưng với dân Eritrea, nếu không đóng, mạng lưới dò tìm của chính phủ sẽ lần ra và làm áp lực với người đó, hoặc làm áp lực với gia đình còn ở Eritrea. Người Eritrea ở hải ngoại không chịu đóng thuế này sẽ không được cấp giấy tờ khi cần và sứ quán cũng không giúp họ trong việc chuyển tiền về giúp gia đình. Còn nếu gia đình không thuyết phục được người ở hải ngoại đóng thuế, họ sẽ phải chịu biện pháp khủng bố mạnh, kể cả bắt giam hoặc tịch thu tài sản. Đại biện Eritrea ở Hòa Lan Tekeste Ghebremedhin Zemuy năm 2018 đã suýt bị trục xuất do vụ thuế hải ngoại này. Đó cũng là lý do khiến nhiều người tị nạn Eritrea thấy là cần phải có biện pháp cứng rắn chống lại sứ quán và những ‘tên tay sai’. Những người theo phe chính phủ (người tị nạn trong thời chiến với Ethiopie) thì thuận theo vì sẽ được những sự giúp đỡ của sứ quán.

Những mờ ám trong cộng đồng Eritrea tại Hòa Lan đã khiến cho cộng đồng này sinh hoạt co rút. Họ tránh tiếp xúc với người lạ, nhất là những người tị nạn trong những thập niên gần đây. Sự tố cáo, chỉ điểm cho sứ quán được coi là mối đe dọa thường trực. Trong khi đó, những người Eritrea thân chính phủ khôn khéo chọn một người Hòa Lan (bà Myra Koomen) làm đại diện cho Liên hội Các cộng đồng Eritrea ở Hòa Lan để có tiếng nói bảo vệ lập trường của họ mạnh hơn khi phải tiếp xúc với chính giới Hòa Lan, làm thủ tục xin giấy phép tổ chức các buổi sinh hoạt hội họp, hoặc khi phải lên tiếng với truyền thông. Họ cũng đã tìm cách cho chị và anh của Meseret Bahibi, cựu chủ tịch của tổ chức Giới trẻ Mặt trận Nhân dân vì Dân chủ và Công lý – một cánh tay nối dài của Mặt trận Nhân dân vì Dân chủ và Công lý là đảng của tổng thống Afwerki, vào làm thông dịch cho Sở Di Trú và Nhập Tịch của Hòa Lan! Chuyện chẳng đặng đừng, cũng chỉ vì đợt tị nạn sau này từ Eritrea phần lớn là những người có trình độ thấp, không đủ vốn ngoại ngữ và kiến thức về xã hội để làm công việc này. Như vậy chẳng khác nào phỏng vấn người Việt tị nạn cộng sản với thông dịch từ sứ quán Việt Nam. Tóm lại, lý lịch của dân tị nạn Eritrea giờ bị chính những người họ phải trốn chạy nắm gọn trong tay.

Phản ứng của các bên sau vụ việc

Thị trưởng Den Haag, Jan van Zanen phát biểu lập tức là ông đã biết là những cuộc hội họp của cộng đồng Eritrea có thể gây nên những xung đột giữa hai phe. “Cảnh sát và thị xã đã được cho biết tin tức từ trước, và họ đã liên lạc với trung tâm Opera và ban tổ chức, cùng tăng cường những biện pháp an ninh cần thiết. Lực lượng cảnh sát cũng đã được tăng viện và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng.” Ông cũng cho biết trong tương lai sẽ nghiên cứu và có thể sẽ phải nhờ đến những chuyên gia về an ninh giúp, ngoài ra khó có thể ngăn cấm các buổi sinh hoạt, vì họ đã có giấy phép.

Trung tâm sinh hoạt cho biết là họ không ngờ đã phải đối mặt với một nhóm đông người dữ tợn tới gây rối, toàn là đàn ông, mặc dù khi ban tổ chức đặt phòng, họ có hỏi về mục đích thì ban tổ chức cho biết không phải là buổi họp mặt chính trị, và ban tổ chức cũng cho biết là không thấy có nguy cơ đưa đến đụng độ.

Sứ quán Eritrea nói là những người dùng bạo lực đập phá không phải là người Eritrea!

Khi được phỏng vấn, các phe có liên quan đều lên án việc sử dụng bạo lực để chống buổi sinh hoạt, và nhất là hành hung cảnh sát, đập phá trụ sở, đốt xe… là những yếu tố hoàn toàn không có liên quan đến nội vụ. Ban tổ chức cho biết họ sinh hoạt hợp pháp và hoàn toàn không có dấu hiệu gì cho thấy mầm móng bạo loạn từ những người tham dự. Lữ đoàn Nhemadu không nhận trách nhiệm là thành viên của họ gây hấn. Những người dân trong vùng nhận xét “khi không lại mang chuyện tranh chấp từ trong nước họ ra tới đây”, “nạn nhân chính trong vụ này chính là xã hội Hòa Lan. Nhờ có cảnh sát, lần này tạm yên, nhưng trong tương lai sẽ ra sao?”. Một người trong đám cưới bị vạ lây, phát biểu: “Đây không phải là chỗ phát biểu quan điểm chính trị của ai hết. Cho dù đó có là nhà độc tài hạng nhất thế giới, nhưng điều quan trọng nhất là ở Hòa Lan bạn không được dùng bạo lực để áp đặt mọi người phải nghe theo.”

Theo bà Mirjam van Reisen, giáo sư đại học ngành Giao tiếp Quốc tế của đại học Tilburg, đã nhiều năm theo dõi sinh hoạt của cộng đồng Eritrea, cho biết đây cũng có thể là âm mưu của chính quyền Eritrea, họ chủ ý gây bạo loạn nhằm tạo tiếng xấu cho những người tị nạn, và làm cho những người chống đối ở hải ngoại phải im tiếng. Bà trưng bằng cớ là hình ảnh những người tham dự buổi sinh hoạt mặc áo đồng phục có tên và cờ quốc gia. Bà cho biết trong những buổi hội họp như thế thường có lời nhắn nhủ những người tham dự phải có hành động ra sao với gia đình và phải ăn nói thế nào với người bản xứ. Tuy nhiên, lý luận này có điểm khó thuyết phục là nếu nguy cơ xung đột kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng nhóm thân chính quyền không thể tìm được một nơi chịu cho họ mướn phòng tổ chức sinh hoạt. Không rõ vì sao lần này họ mướn Opera thay vì Event Plaza. Phải chăng Event Plaza qua kinh nghiệm hai năm vừa qua đã từ chối?

Phải giải quyết vấn đề cách nào trong tương lai?

Xung đột giữa hai cộng đồng Eritrea với nhãn quan chính trị đối chọi nhau là vấn nạn không thể xóa bỏ bằng sự hòa giải khi nào bàn tay sắt của chính phủ độc tài Afwerki còn nắm quyền sinh sát trên đất nước nghèo đói. Ở hải ngoại, các sứ quán Eritrea ra sức đánh bóng chế độ và họ luôn tìm cách, qua những buổi lễ hội, một mặt xoa dịu dư luận bằng cách mời những diễn giả nói về những đề tài có lợi cho họ và hướng dẫn cho những tham dự viên trẻ phát biểu những lời tốt đẹp cho đất nước Eritrea. Mặt khác, qua những lễ hội này, họ củng cố mạng lưới do thám dầy đặc để tìm những cá nhân có khuynh hướng chống đối để dọa nạt và khủng bố.

Điều đáng lo ngại, theo anh Sennay Ghebreab, người gốc Eritrea và hiện làm công tác nghiên cứu ở đại học Amsterdam, là thế hệ thứ hai sinh đẻ ở Hòa Lan sẽ không còn biết thế nào là đời sống dưới một chính thể độc tài, vì gia đình của họ ở Eritrea bắt buộc phải nói tốt cho chế độ để tránh bị trả thù. Còn chính giới ở Hòa Lan lo ngại vì họ biết những phái đoàn thân chính phủ Eritrea khi đi diễn thuyết thường mang theo toán hành động, vì thế mầm xung đột với bạo động lúc nào cũng sẵn sàng nổ ra, chỉ chờ một người châm ngòi.

Nhưng trên phương diện bang giao quốc tế, đành phải miễn cưỡng chấp nhận tình trạng này. Với hy vọng ngày nào đó dân Eritrea sẽ sáng mắt chăng?

   

Hoàng Giang

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/noilongdantinaneritrea.html


Cái Đình - 2024