Minh Hạnh
Nội các Hòa Lan 2024, con đường chông gai dẫn đến cuộc sống chung kỳ lạ
Tân thủ tướng Dick Schoof (trái) nhận chìa khóa cửa văn phòng thủ tướng (Het Torrentje)
từ người tiền nhiệm, cựu thủ tướng Mark Rutte.
Quốc vương Hòa Lan Willem-Alexander ngày 02/07/2024 đã chứng giám lời thề hứa của 15 bộ trưởng và 13 thứ trưởng tân nội các của thủ tướng Dick Schoof. Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra trong phòng khánh tiết hoàng cung Huis ten Bosch ở Den Haag. Hai trong số những vị này đã tuyên thệ bằng tiếng Fries, phương ngữ vùng Tây Bắc Hòa Lan, cũng được công nhận là ngôn ngữ chính thức.
Thế là cuối cùng, 223 ngày kể từ khi kết quả bầu cử quốc hội được công bố, nội các Hòa Lan đã thành hình sau nhiều tranh cãi và sóng gió.
Những điểm đặc biệt của giai đoạn hậu bầu cử và thành lập nội các lần này
Theo thủ tục, sau kỳ bầu cử quốc hội, một nhân vật có uy tín sẽ được cử ra để thăm dò sơ bộ quan điểm của các đảng có trọng lượng, kết quả này sẽ được trao cho một nhân vật uy tín khác để nghiên cứu khả năng thành lập nội các, bằng cách nêu một số đề nghị thành lập những liên đảng có thể đạt hơn nửa số ghế trong quốc hội (76 ghế hoặc hơn). Nếu một trong những đề nghị này được tán thành, các đảng trong liên minh sẽ soạn thảo chung một thỏa thuận sơ bộ, gồm những nét chính trong quốc sách. Sau cùng, một nhân vật khác sẽ tiếp xúc với lãnh tụ các đảng này một cách cụ thể để bàn thêm về chi tiết việc thành lập nội các, cùng dàn xếp nhân sự cho những chức vụ trong chính phủ. Theo thông lệ, chủ tịch đảng có nhiều ghế nhất sẽ trở thành thủ tướng.
Nhưng quá trình thành lập nội các Hòa Lan lần này không theo thông lệ, do nhiều trắc trở.
Những đảng có nhiều triển vọng thành lập liên minh cầm quyền (trong số 15 đảng có ghế trong quốc hội):
Cuộc bầu cử quốc hội năm 2023 cho thấy sự phân cực càng rõ nét hơn trong xã hội Hòa Lan. Dường như dân chúng không thể ôn hòa được nữa. Vào giờ chót, nhiều cử tri vốn có lập trường trung dung đã chạy sang hoặc hữu hoặc tả, vì họ nghĩ sẽ tạo lực lượng có tiếng nói mạnh hơn. Thêm vào đó, trào lưu ở Hòa Lan cũng như ở nhiều nước trên thế giới hiện nay là nghiêng sang hữu. Kết quả bầu cử quốc hội Hòa Lan 2023 cũng cho thấy sự chuyển hướng như thế, qua sự thất bại của các đảng trung dung và sự trổi dậy của các đảng dân túy tả lẫn hữu. Sự thay đổi này đã đưa đến kết luận là có rất nhiều khả năng nội các mới sẽ là nội các hữu khuynh, và như thế khó có thể tránh sự tham dự của đảng dân túy cực hữu PVV trong chính phủ mới. Kết luận này làm đảng [Tả Xanh – Đảng Lao Động], với khuynh hướng tả cấp tiến, biết thân phận mình, thà làm đối lập còn hơn chơi với phe hữu khuynh có Geert Wilders trong đó. Ông Geert, chủ tịch đảng PVV, là một người công khai bày tỏ lập trường bài Hồi giáo, chống di dân và là một người to miệng trong khối đối lập trong quốc hội, thường lên tiếng bất tín nhiệm dân biểu này nọ, đã khiến cho các đảng khác e ngại sẽ bị mang tiếng lây. Geert Wilders cũng không được cảm tình của nhiều nước. Lãnh đạo các đảng ở Hòa Lan từ chối hợp tác trong chính phủ với Geert Wilders là thủ tướng, hoặc chỉ ‘đồng ý hợp tác với điều kiện’.
Cũng vì những dị biệt quá lớn giữa những đảng có nhiều triển vọng thành lập liên minh đa đảng cầm quyền, nhiều đề nghị đã được nêu ra nhưng vấn đề đặt ra là các đảng thấy không tin tưởng ở lập trường của PVV. Họ cũng không tin tưởng mấy vào đảng NSC mới sinh ra chưa đầy năm, với thủ lãnh Pieter Omzigt, một nhân vật chính trị có thể gây được cảm tình của dân chúng nhưng sẽ làm mất cảm tình của cộng sự viên do nhiều lần đã ‘khui hũ mắm’. Bà Caroline van der Plas, thủ lãnh đảng BBB có thể mạnh miệng hứa lung tung nhưng người ta thấy bà đưa ra toàn những kế hoạch không thể thực hiện được vì không có câu trả lời xuôi tai cho câu hỏi ‘tiền đâu?’. Cũng như ông Pieter Omzigt, bà Caroline hoàn toàn không có kinh nghiệm trong việc điều hành chính phủ. Thủ lãnh đảng VVD, bà Dilan Yeşilgöz, gốc Kurdistan-Thổ Nhĩ Kỳ, thấy là không nên dại dột nhảy ra làm nữ Thủ tướng đầu tiên của Hòa Lan (và gốc ngoại quốc, lại có 2 quốc tịch) để lãnh búa rìu dư luận và là cái gai trong mắt ông Geert Wilders, nên đã dứt khoát từ chối.
Còn ông Geert Wilders? Từ một nhân vật đã nhiều năm đứng ở phe đối lập trong quốc hội, chỉ trích lung tung, nay sẽ ăn nói làm sao nếu ông là thủ tướng? Ông nổi tiếng vì lời gián tiếp hô hào ‘bớt đám Ma Rốc’ trong một buổi diễn thuyết tranh cử năm 2014 khiến ông bị đưa ra tòa lớn tòa nhỏ. Khi biết đảng ông thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội, ông đã lặng lẽ rút ngay ba bản đề nghị dự thảo luật đã đệ trình lên quốc hội chờ cứu xét, trong đó có bản dự thảo luật cấm phát biểu những gì thuộc về Hồi giáo, cấm mặc nikab và burka nơi công cộng, cấm in và phổ biến kinh coran v.v.. Giờ đây khi được hỏi sẽ hành xử ra sao khi nắm chính quyền, ông trả lời: “khi trước vì ở vị thế đối lập, tôi phải làm mọi cách cản trở chính quyền, nhưng giờ đây trong vị thế điều hành chính phủ, tôi phải tôn trọng hiến pháp.”! Ông cố gắng mài dũa lại những lời chỉ trích khi trước về người nhập cư và Hồi giáo, nhưng nó vẫn chỉ là những mũi giáo bị mòn sơ, chẳng ai tin.
Tuy thế, sau khi cân nhắc tới lui và tìm đủ cách ráp nối, liên minh đa đảng có nhiều triển vọng thành công nhất cho một nội các vẫn là PVV + VVD + NSC + BBB.
Tân nội các dần thành hình
Một giao ước tạm thời cho đường lối của tân nội các trong nhiệm kỳ tới đã được 4 đảng này soạn thảo với những điểm chính:
Tuy đã có giao ước khá rõ ràng như vậy nhưng sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đảng không giảm bớt bao nhiêu. Nguy hơn nữa là vẫn không có ai chịu xung phong làm thủ tướng, vì biết sẽ lĩnh ngay cái búa tạ, không những từ khối đối lập, mà còn có thể từ ngay bên trong liên minh nữa.
Cuối cùng, một giải pháp đã được đề ra: lập một nội các ‘mở rộng ra ngoài quốc hội’. Có nghĩa là: thay vì cử nhân vật trong đảng ra đảm nhiệm chức vụ thủ tướng và các bộ, thì có thể đề cử những người không nằm trong đảng nào hoặc những chuyên viên vào những chức vụ này.
Sau thời gian dọ ý, người được trao nhiệm vụ dò tìm đã kiếm được ông Dick Schoof, một nhân vật 67 tuổi, không thuộc đảng nào (ông vốn là đảng viên đảng Lao Động nhưng đã ra khỏi đảng năm 2021) và chưa từng tham gia bất kỳ nội các nào. Ông Dick hiện là Tổng Thư Ký của Bộ Tư Pháp và An Ninh. Một người tương đối thầm lặng nhưng già dặn kinh nghiệm, quen biết nhiều. Ông chịu đảm nhận chức vụ thủ tướng. May thay, có lẽ sợ mất quyền ăn nói, các đảng trong liên minh cầm quyền sau đó đã khá nhanh chóng thỏa thuận đưa các nhân sự vào tất cả những chức vụ then chốt trong nội các. Có điều, lãnh tụ các đảng cầm quyền sẽ không có mặt trong nội các (nhưng vẫn giữ ghế trong quốc hội). Thay vào đó, có 4 phó thủ tướng do 4 đảng này cử ra. Như vậy, trước mỗi kỳ họp Hội đồng Bộ trưởng, các phó thủ tướng này sẽ họp riêng với đảng của mình để biết đường lối và chiến lược của đảng trong từng giai đoạn. Đây là một hình thức nội các chưa từng có ở Hòa Lan, kể từ sau thế chiến thứ 2.
Tân nội các đã thành hình và trình lên quốc vương Willem Alexander. Ngày bàn giao sẽ là ngày 02/07/2024.
Màn trình diễn hội đồng bộ trưởng trên bậc tam cấp cùng vua Willem Alexander
(người có giắt khăn trên túi áo) sau nghi thức tuyên thệ của các thành viên tân nội các ngày 02/07/2024,
một thủ tục không thể thiếu. Hình: ANP
Việc sắp xếp nhân sự trong Hội đồng Bộ trưởng cho thấy một số điểm đặc biệt:
- Đảng PVV với thủ lãnh Geert Wilders, người chủ trương bài Hồi giáo, thì nay được giao cho cai quản Bộ Tị Nạn và Nhập Cư. Vì đảng này chủ trương co cụm lại để lo cho dân Hòa Lan, nên cũng nhận luôn Bộ Ngoại Thương và Viện trợ Phát triển để xem các vị đó đạt mục tiêu được đến đâu.
- Đảng BBB lập ra để tranh đấu cho nông dân và thường dân thì nay nhận hai bộ: Bộ Gia Cư và Bộ Nông Ngư Nghiệp, An Toàn Thực Phẩm và Thiên Nhiên để giải quyết khủng hoảng nguy kịch về nhà ở và nạn phân bò quá nhiều, vượt xa mức ô nhiễm cho phép.
- Đảng NSC với thủ lãnh Pieter Omzigt một thời làm náo loạn quốc hội khi khui vụ bê bối trong thủ tục cứu xét trợ cấp con, đưa đến sự ly khai đảng CDA để lập đảng mới NSC thì nay được giao cho điều hành Bộ Xã Hội và Công Ăn Việc Làm để có thể phát huy khả năng chấn chỉnh thủ tục trợ cấp con cái và những trợ cấp thuế má khác.
- Đảng VVD với thủ lãnh trước đây là cựu thủ tướng Mark Rutte, người ủng hộ Ukraine hết mình thì nay có thể tiếp tục thi thố tài năng trong Bộ Quốc Phòng, và cũng được giữ luôn Bộ Tài Chánh.
- v.v…
***
Nhìn vào thành phần Tân Nội Các với nhiều khuôn mặt mới, dân Hòa Lan thấy phấn khởi. Mức độ tin tưởng vào nội các mới, theo thăm dò sơ bộ, đã lên 42%, tăng 50% so với thăm dò trước cuộc bầu cử. Người ta hy vọng một làn gió mới thổi vào sân khấu chính trị Hòa Lan, sau những kỳ nội các Rutte I, II, III, IV chỉ là cuộc xáo nhân sự qua lại giữa các bộ. Tuy nhiên mọi người mong được thấy, trong sự hồi hộp, những dàn xếp cụ thể để giảm mâu thuẫn trong nhãn quan của những đảng cầm quyền khi đụng thực tế.
Cho dù vậy, tuyệt đại đa số không tin là nội các lần này sẽ trụ được tới hết nhiệm kỳ 4 năm. Ba trong 4 đảng cầm quyền vốn là phe đối lập thì nay sẽ phải chống đỡ sự moi móc về những tuyên bố vung vít của họ khi trước, nhất là trong những vấn nạn xã hội nóng bỏng của Hòa Lan: làn sóng nhập cư, thiếu nhà ở trầm trọng, mục tiêu giảm khí thải do EU áp đặt, và an ninh chung. Thật đáng tiếc, cuộc họp quốc hội đầu tiên, thay vì bàn đến một kế sách tổng quát trong tương lai, lại vẫn tiếp tục loanh quanh trong việc dùng ngôn từ hoa mỹ để bươi móc những từ ngữ mang tính chống người ‘không phải dân Hòa Lan’ hoặc ‘có tinh thần quốc xã - nazi’ trong phát biểu từ nhiều tháng trước của một số dân biểu! Một dấu hiệu không mấy đẹp.
Cũng cần nhắc thêm: cả 4 kỳ nội các của thủ tướng Mark Rutte đều tan vỡ trước kỳ hạn, và đều gặp khó khăn trong giai đoạn thành lập nội các mới, với giai đoạn thành lập nội các Rutte IV dài nhất lịch sử quốc hội Hòa Lan (299 ngày).
Minh Hạnh
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/noicachoalan2004conduong.html