Trần Ngọc


Những người theo chủ nghĩa dân túy đang ngày càng gia tăng ở châu Âu

Các đảng phái đang theo dõi chặt chẽ sự hoài nghi đang lan rộng
về các vấn đề virus corona, biến đổi khí hậu và Liên minh Châu Âu

Chiến thắng của đảng PVV trong cuộc bầu cử ở Hà Lan mới đây (11/2023) không phải là tự nó phát sinh. Các đảng dân túy và cực đoan thuộc cánh hữu và cánh tả đang nổi lên khắp châu Âu. Đây là những đảng như thế nào và họ muốn gì? Và rồi điều gì sẽ xảy ra khi họ tham chính, hoặc ngay cả khi họ nắm quyền?

Hiện nay có 234 đảng ở châu Âu đang tham gia cuộc chống đối một trật tự vốn đã được thiết lập. Trong số này, 165 đảng được coi là theo chủ nghĩa dân túy, 112 đảng cực hữu và 61 đảng cực tả. Điều này đã được nêu rõ qua nghiên cứu của The PopuList, một tập thể các học giả và nhà báo ở Châu Âu (trong đó Hà Lan có dự phần).

Hiện nay cứ ba người châu Âu thì có một người bỏ phiếu cực tả hoặc cực hữu. Đó là nhiều chưa từng thấy. Vào đầu thế kỷ này, tỷ lệ này là 1/5, vào đầu những năm 1990 nó chỉ là 1/8. Ngoài ra, trong số 5 quốc gia lớn nhất châu Âu có 4 quốc gia (là Ý, Ba Lan, Đức và Pháp) trong đó các đảng hữu cấp tiến đã nằm trong chính phủ, hoặc đạt hơn 20% trong các cuộc bầu cử hay thăm dò ý kiến.

Trong số 27 quốc gia thành viên của Liên Âu, có 15 quốc gia mà phe hữu cấp tiến nhận được hơn 20% số phiếu bầu. Trong những quốc gia này có cả thảy 80% cư dân châu Âu. Tỷ lệ cử tri của cánh hữu cấp tiến cũng tăng nhanh nhất.

Nhưng cũng phải nói tới các định nghĩa, vì chúng quan trọng. Có sự khác biệt rõ ràng giữa những người theo chủ nghĩa dân túy và cánh hữu cấp tiến. Những người cấp tiến dựa trên ý tưởng rằng đất nước của họ đang bị đe dọa bởi 'các kẻ khác'. Đây có thể là những người có đức tin khác, đến từ một quốc gia khác hoặc thuộc một chủng tộc khác. Đây là 'chủ nghĩa bản địa'. Mặt khác, những người theo chủ nghĩa dân túy tin rằng những người dân bình thường trong xã hội bị đe dọa bởi tầng lớp thượng lưu tham nhũng.

Nằm trong những khuôn khổ

Do đó, chủ nghĩa dân túy không giống với khuynh hướng hữu phái cấp tiến, nhưng thường có một số điểm tương đồng. Còn thuật ngữ 'cực hữu' phần lớn được sử dụng cho các đảng phát xít. Thí dụ như họ muốn xóa bỏ nền dân chủ, trong khi đó các đảng hữu cấp tiến hoạt động trong khuôn khổ dân chủ.

Tên của các đảng chính trị thường gợi ra dấu hiệu đầu tiên cho ta thấy họ là ai. Thí dụ: họ nêu vấn đề 'tự do', như trong trường hợp Đảng Tự Do PVV. Hoặc dùng từ ngữ 'người dân' và 'công dân', chẳng hạn như Những Dân Thường và Những Cá Nhân Độc Lập (như ở Slovakia) hoặc Hành Động Của Những Thường Dân Bất Mãn (như ỏ Estonia). Những người khác kêu gọi một 'sự quyết đoán': như Tấn Công ở Bulgaria, Đủ Rồi (ở Bồ Đào Nha) và Nước Pháp Nổi Dậy. Rồi lại còn các đảng khác muốn thể hiện chính xác họ đại diện cho ai: Những Người Phần Lan Đích Thực (nay đã trở thành Đảng Phần Lan) hay Latvia Trước Hết.

Những ủng hộ cho các đảng này tiếp tục lớn mạnh. Nó không còn chỉ là vấn đề người nhập cư, người tị nạn hay những tầng lớp chóp bu tham nhũng. Nhiều đảng bày tỏ quan điểm hoài nghi đang lan rộng về virus Corona, về biến đổi khí hậu và về Liên Âu. Điều này hiện là một chất liệu cốt lõi của những người theo chủ nghĩa dân túy và cánh hữu cấp tiến. Các nhà chính trị học cho rằng nhiều cử tri hiện đã tìm được một đảng lắng nghe tiếng nói của họ.

Trên thực tế, có vẻ như nhiều đảng sẽ tiết chế lời lẽ hùng biện và hoa mỹ của mình khi trở thành một thành viên của chính phủ. Vì sau đó, họ phải thực hiện các thỏa hiệp và do đó có nguy cơ họ sẽ bị cử tri hài tội và trừng phạt. Đó là điều thường xẩy ra cho tất cả các đảng chính trị. Nhưng khi lui trở lại thành phe đối lập, họ lại trở nên hùng biện và hoa mỹ.

Hung

Thủ tướng Hung, Viktor Mihály Orban. Hình: On This Day

Người theo chủ nghĩa dân túy thuộc cánh hữu cấp tiến duy nhất đã giữ vững ghế trong nhiều năm (tới nay đã 13 năm) là Thủ tướng Hung, Viktor Orbán. Các quốc gia khác của châu Âu cũng nhận ra điều này. Đảng Fidesz của ông tiến hành các chiến dịch cứng rắn chống lại người nhập cư, chống Liên Âu và chống nhà đầu tư Do Thái George Soros (người bị cáo buộc về mọi loại âm mưu chống Hungary). Orbán thường xuyên đụng độ với Brussels về cáo buộc là ông tham nhũng, làm xói mòn nền pháp quyền, bịt miệng giới truyền thông và cho phe đối lập ra rìa. Bất chấp nguy cơ bị trừng phạt nặng, ông vẫn từ chối điều chỉnh chính sách và giọng điệu của mình.

Người Hung vẫn tiếp tục ủng hộ ông vì ông đã mang lại cho họ nhiều thịnh vượng hơn. Như một cử tri đã bỏ phiếu cho đảng Fidesz từng nói với bản báo là: “Tôi có công ăn việc làm, có nhà có cửa và các con tôi có thể lên đại học. Trước đây không được như vậy, vì vậy chúng tôi rất biết ơn Orbán vì điều đó”. Năm 2022, ông đã nhận được hơn 54% số phiếu bầu.

Đức

Nếu mai này Đức tổ chức bầu cử, Đảng Con Đường Khác Cho Đức (AfD) sẽ trở thành đảng lớn thứ nhì với 22% số phiếu bầu. Chỉ có đảng đối lập hiện tại CDU/CSU đạt điểm cao hơn. Trong những năm gần đây, đảng cánh hữu cấp tiến AfD chủ yếu khua chiêng gióng trống về vấn đề di cư, nhưng gần đây cũng đã lấy phiếu qua vấn đề máy bơm nhiệt. Nhiều người Đức tin rằng chính sách khí hậu khiến họ tốn quá nhiều tiền: máy bơm nhiệt đắt tiền đã trở thành một biểu tượng cho điều này.

Các chính trị gia và giới truyền thông Đức thực sự không biết phải làm gì với AfD. Một phần của đảng là cực hữu. Björn Hocke, lãnh đạo chi bộ đảng ở tiểu bang Thüringen, được cho là gần đây đã sử dụng cụm từ 'Alles für Deutschland' (Tất cả cho nước Đức) trong một bài phát biểu. Đây cũng là khẩu hiệu của lực lượng SA, tức là toán hành động của NSDAP (Đảng Công Nhân Quốc Gia Xã Hội Chủ Nghĩa Đức, thường được gọi tắt là đảng Đức Quốc Xã – chú thích của người dịch), vào những năm 1930. Cuộc thảo luận về việc các đảng khác có nên tẩy chay AfD hay không sẽ còn tiếp tục kéo dài ở Đức.

Pháp

Marine Le Pen. Hình: wikipedia

Các cử tri Pháp đã biến Đảng Tập Hợp Quốc Gia (trước đây là Mặt Trận Quốc Gia) trở thành đảng đối lập lớn nhất trong nước. Những lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Marine Le Pen chống lại chủ nghĩa đa văn hóa và ủng hộ việc giảm tiến trình xã hội đang bị Hồi-giáo-hóa cùng với việc dừng nhập cư hợp pháp thậm chí còn đưa bà đến gần chức tổng thống thêm một bước vào năm ngoái. Bà thua Tổng thống Emmanuel Macron 17%, nhưng vào năm 2017 khoảng cách đó vẫn còn là 33%. Đã có những người cho rằng 4 năm nữa bà sẽ có một cơ hội lớn.

Le Pen được coi là một người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu cấp tiến, nhưng điểm đáng chú ý là những ý tưởng kinh tế của bà lại khá thiên tả. Bà ủng hộ việc cung ứng các dịch vụ xã hội tốt hơn cho những người thực sự cần đến chúng. Bà cũng muốn ban hành các khoản vay không lãi suất dành cho những người trẻ đang tìm nhà. Nó cho thấy việc gắn nhãn cho các đảng dân túy đôi khi rất phức tạp.

Ý

Giorgia Meloni. Hình: wikipedia

Chiến thắng bầu cử của Giorgia Meloni năm ngoái đặc biệt ở hai khía cạnh. Người đứng mũi chịu sào của Fratelli d'Italia, một đảng theo chủ nghĩa dân túy và cánh hữu cấp tiến, đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Ý và tiếp tục lãnh đạo chính phủ hữu phái nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Trong các bài phát biểu, bà đã có khá nhiều giận dữ: "Tôi đồng ý với quan niệm một gia đình tự nhiên (ý nói cha mẹ là người nam và người nữ – chú thích của người dịch), và nói không với các cuộc vận động hành lang cho phong trào tranh đấu giới tính lhbti, tôi nói có với bản sắc giới tính, nói không với bạo lực Hồi giáo, nói có với một biên giới an toàn, nói không với làn sóng nhập cư hàng loạt, nói không với các quan chức thư lại ở Brussels.”

Việc điều hành quốc gia hóa ra không hề dễ dàng chút nào, mặc dù bà Meloni đang liên minh với các đồng minh cùng chung lý tưởng, như hai đảng Lega và Forza Italia. Ngoài lệnh cấm các cặp đồng giới có thể trở thành ‘cha/mẹ’ hợp pháp, mọi thứ vẫn như cũ. Đó là một 'chính phủ tương đối bình thường’, tạp chí The Economist nhận định thẳng thừng, không thêm mắm dặm muối. Bà Meloni chưa bất hòa với châu Âu, chính sách di cư không thay đổi và Ý vẫn thuộc NATO.

Chúng ta cũng thấy điều tương tự ở Thụy Điển và Phần Lan. Ở đó có hai đảng cấp tiến cánh hữu nằm trong chính phủ, là Đảng Dân Chủ Thụy Điển và Đảng Phần Lan. Cả hai đều được biết đến là khá quyết liệt, nhưng bằng cách đạt được những thỏa hiệp, họ đã trở nên thực tế trong mọi tình huống.

Ba Lan

Jarosław Kaczyński, chủ tịch đảng PiS. Hình: wyborcza.pl

Một tháng rưỡi trước, một triệu người đã xuống đường ở Warsawa để phản đối đảng cầm quyền PiS. Những người theo chủ nghĩa dân túy thuộc cánh hữu cấp tiến này sau đó đã nắm quyền với đa số tuyệt đối trong 8 năm, và trong thời gian đó họ đã khuấy động đất nước một cách đáng kể. Điều này, khi nhìn chung, dựa trên mô hình tương tự như mô hình của Orbán ở Hung. Những thẩm phán khó tính bị cách chức và những quan tòa trung thành được bổ nhiệm, truyền thông nhà nước trở thành cỗ máy tuyên truyền, chủ nghĩa thân hữu bè phái lên ngôi và các tin tức về tham nhũng cũng không phải là ngoại lệ.

Nhưng ở đây cũng vậy, một bộ phận lớn dân chúng vẫn tiếp tục ủng hộ PiS. Nhiều người (đặc biệt là bên ngoài các thành phố lớn) cảm thấy bị ảnh hưởng bởi thông điệp dân tộc chủ nghĩa, chống châu Âu và những luận điệu về mối đe dọa dòng người di cư. Nó dẫn đến sự chia rẽ lớn trong dân chúng Ba Lan. Trong khi phân nửa dân chúng rốt cuộc cảm thấy họ được chú ý và tiếng nói của họ được nghe (và được trả tiền, vì PiS đã rải tiền trợ cấp), thì nửa còn lại thấy lý tưởng về một xã hội dân chủ, cởi mở vuột khỏi tầm mắt.

Sự thở phào nhẹ nhõm ở nửa sau này là rất lớn sau thất bại của PiS trong cuộc bầu cử tháng 10 vừa qua. Nhưng khoảng cách nhỏ nhoi mà phe đối lập đã giành được chiến thắng sau khi cùng chung sức gần như không đủ lớn để họ có thể thảnh thơi ngồi trên ghế quyền lực. Bây giờ thì nửa kia lại cảm thấy bị dồn vào một xó. Và trong bốn năm nữa lại sẽ có một cuộc bầu cử khác.

   

Nguyên tác: Populisten worden groter in Europa. Mark van Assen
Algemeen Dagblad, 01.12.2023
Người dịch: Trần Ngọc

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/nhungnguoitheochunghiadantuy.html


Cái Đình - 2023