Phạm Ɖình Lân
Những đế quốc muộn màng và lỗi thời
.
Nga, Trung Quốc và Iran tạo thành một liên minh đế quốc muộn màng và lỗi thời.
Liên minh Nga-Trung Quốc-Iran là liên minh gắng gượng của ba nước có dòng lịch sử bất thân thiện
không giống với liên minh Ɖức-Ý-Nhật trong đệ nhị thế chiến…
.
Vào thời Trung Cổ và Phục Hưng (Renaissance) thành phố Venice của Ý Ɖại Lợi trở thành trung tâm thương mại và tài chánh quan trọng ở Âu Châu nhờ có vị trí địa lý trên biển Adriatic ăn thông với Ɖịa Trung Hải gắn liền hai lục địa Á Âu. Thời bấy giờ ở Âu Châu tơ lụa Trung Hoa và hương liệu của Ấn Ɖộ là những món hàng đắt giá. Venice thu mua các mặt hàng trên qua trung gian các thương nhân Á Rập và bán lại cho các nước Âu Châu để thu nhiều lợi nhuận.
Cha và chú của Marco Polo (1254 - 1324) là những thương nhân giàu có nhờ buôn bán hàng hóa từ Trung Hoa đến. Năm 1271 Marco Polo khởi hành từ miền duyên hải đông Ɖịa Trung Hải để du hành sang xứ Cathay, tên gọi của China (Trung Hoa) thời bấy giờ. Sau bốn năm ông đến Beijing vào năm 1275. Marco Polo ở lại Trung Hoa thời nhà Nguyên (Yuan) gần 20 năm. Ông được hoàng đế Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) bổ nhiệm làm sứ giả Nguyên triều ở Ấn Ɖộ, Miến Ɖiện v.v..
Lộ trình mà Marco Polo dùng để đến Trung Hoa trở thành Con Ɖường Tơ Lụa (Silk Road) sau này.
Năm 1295 Marco Polo dùng đường biển Thái Bình Dương và Ấn Ɖộ Dương và một phần đường bộ ở Trung Ɖông từ Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) để về nước. Trên đường về Marco Polo đi qua hải phận Tây Thái Bình Dương (Trung Hoa, Việt Nam) xuống Mã Lai, vòng qua Ấn Ɖộ Dương vào Vịnh Ba Tư v.v.. Lộ trình về nước của Marco Polo đi ngang qua các nước Ɖông Nam Á và Nam Á. Cuộc du hành của Marco Polo báo hiệu trước sự ra đời của Con Ɖường Tơ Lụa (đường bộ) và Con Ɖường Hương Liệu (Spice Road) (đường biển) trước khi có kinh đào Suez nối liền Ɖịa Trung Hải-Hồng Hải-Ấn Ɖộ Dương.
Vào thế kỷ XV và XVI, nhờ sự phát triển hàng hải, Bồ Ɖào Nha sớm trở thành cường quốc hàng hải và thương mại ở Tây Âu. Bồ Ɖào Nha mở đầu cho những khám phá đất mới ngoài khơi Ɖại Tây Dương như quần đảo Azores, Madeira, Cape Verde. Năm 1415 Bồ Ɖào Nha chiếm thành phố Ceuta, một thành phố thương mại trù phú của người Hồi Giáo Bắc Phi. Ceuta đối diện với Gibraltar, eo biển nối liền Ɖại Tây Dương và Ɖịa Trung Hải. Năm 1498 Vasco de Gama là người Âu Châu gốc Bồ Ɖào Nha đầu tiên đến Ấn Ɖộ. Năm 1500 người Bồ đến Canada và khám phá ra Brazil, quốc gia Nam Mỹ to lớn nhất nói tiếng Bồ Ɖào Nha. Người Bồ Ɖào Nha đến bán đảo Mã Lai, quẩn đảo Indonesia và Úc Ɖại Lợi từ đầu thế kỷ XVI.
Tây Ban Nha là một quốc gia láng giềng đồng đạo Thiên Chúa với Bồ Ɖào Nha. Dưới triều nữ hoàng Isabella (1451- 1504, nữ hoàng: 1474 - 1504) có hai đặc điểm đáng nhớ:
Tây Ban Nha chiếm các hải đảo trong biển Caribbean, Trung và Nam Mỹ Châu ngoại trừ Brazil, quần đảo Phi Luật Tân và các hải đảo trong Thái Bình Dương như Guam, Carolinas, Marianas, Palao v.v. Dưới thời vua Philip II (1527 - 1598, vua: 1556 - 1598) đế quốc Tây Ban Nha lan rộng từ Mỹ Châu sang các quần đảo trong Thái Bình Dương.
Sức mạnh hàng hải của Bồ Ɖào Nha và Tây Ban Nha bị Pháp, Hòa Lan rồi Anh khuynh đảo vào thế kỷ XVII và XVIII. Bồ Ɖào Nha, Tây Ban Nha và Pháp là ba quốc gia Tây Âu theo đạo Thiên Chúa. Hòa Lan, Anh là hai quốc gia hàng hải Tây Âu theo đạo Tin Lành.
Anh trở thành một cường quốc hàng hải sau khi đánh bại hạm đội Armada của Tây Ban Nha năm 1588.
Thế kỷ XVIII là thế kỷ cách mạng: chiến tranh cách mạng ở Hoa Kỳ, cách mạng 1789 ở Pháp, cách mạng chế độ đại nghị và cách mạng kỹ nghệ ở Anh. Ɖến thế kỷ XIX các quốc gia Âu Châu và Bắc Mỹ kỹ nghệ hóa. Nhu cầu khai thác nguyên liệu cho kỹ nghệ và tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa sản xuất từ các nhà máy kỹ nghệ là nguồn gốc của sự ra đời của chủ nghĩa đế quốc (Imperialism) vào thập niên 80 của thế kỷ XIX.
Năm 1871 Ɖức thống nhất dưới sự lãnh đạo của vua Wilhem I của Prussia (Phổ) và tể tướng Von Otto Bismarck (1815 - 1898, tể tướng nước Ɖức thống nhất: 1871 - 1890). Bismarck là một tể tướng xuất sắc đã kỹ nghệ hóa nước Ɖức bắt kịp với kỹ nghệ của Anh Quốc. Ɖức chiếm bán đảo Shandong (Sơn Ɖông) của Trung Hoa và các hải đảo trong vùng nam Thái Bình Dương.
Ở Ɖông Á Nhật Bản canh tân năm 1868 và trở thành một nước kỹ nghệ. Nhật sát nhập vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) vào Nhật Bản để lập ra hạt Okinawa. Nhật đánh bại Trung Hoa và giành ảnh hưởng với nước này trên bán đảo Triều Tiên (1894), tham gia bát quốc liên quân tấn công vào Beijing (Bắc Kinh) vào năm 1901, đánh bại Nga ở Mãn Châu (1904) và trên eo biển Tsushima (1905).
Các nước Âu Châu tìm kiếm thuộc địa trên lục địa Phi Châu, Á Châu, Ɖại Dương Châu, Châu Mỹ La Tinh. Sau đệ nhất thế chiến, Ɖức, Áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ bị xem là quốc gia bại trận. Anh và Pháp được ủy trị ở các thuộc địa của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) ở Trung Ɖông. Với tư cách một quốc gia đồng minh thắng trận mặc dù không đưa quân tham chiến ở Âu Châu, Nhật Bản tiếp quản bán đảo Shandong (Sơn Ɖông) và các quần đảo nhỏ ở nam Thái Bình Dương của Ɖức.
Từ thế kỷ XVII đến khi đệ nhất thế chiến chấm dứt Anh là đế quốc rộng lớn khắp thế giới với 35,5 triệu km2 (lối 25% diện tích đất nổi trên địa cầu). “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”. Ɖế Quốc Anh bao gồm các thuộc địa, lãnh thổ tự trị, lãnh thổ đặt dưới sự bảo hộ của Anh như Canada, Ấn Ɖộ, Miến Ɖiện, Úc Ɖại Lợi, Tân Tây Lan, Ai Cập, Nam Phi, Hong Kong, quần đảo Falklands v.v.
Từ thế kỷ XVII đến đệ nhị thế chiến đế quốc Pháp rộng gần 13 triệu km2. Ở Mỹ Châu Pháp có các hải đảo trong biển Caribbean, Guyane (Nam Mỹ), đông bộ Canada (nhường cho Anh), Louisiana (bán cho Hoa Kỳ thời hoàng đế Napoléon I bận chiến tranh ở Âu Châu), Lebanon, Iraq (ủy trị sau đệ nhất thế chiến), Tunisia, Morocco, Algeria (Bắc Phi), Congo (Trung Phi), Ấn Ɖộ (4 tỉnh duyên hải), Ɖông Dương (Việt Nam, Lào, Cambodia), Nouvelle Calédonie (Ɖại Dương Châu) v.v.
Hòa Lan là một quốc gia Tây Âu rộng lối 41.000km2 (12,4% diện tích nước Việt Nam). Vào thế kỷ XVII Hòa Lan là một quốc gia hàng hải và thương mại nổi tiếng trên thế giới với:
- Công Ty Ɖông Ấn Hòa Lan (VOC: Vereenigde Oost-Indische Compagnie) đặc trách thương mại và thiết lập thương điếm ở Ấn Ɖộ, Ceylon (Sri Lanka), Indonesia.
- Công Ty Tây Ấn Hòa Lan (GWC: Geoctroyeerde West-Indische Compagnie) đặc trách thương mại và thiết lập thương điếm ở Bắc Mỹ, các hải đảo Caribbean, Nam Mỹ và Phi Châu (chiếm Nam Phi, buôn nô lệ sang Mỹ Châu).
Chiếc tàu buồm được đóng phỏng theo mô hình của tàu de Halve Maen
thuộc Công Ty Ɖông Ấn Hòa Lan năm 1608 (Ảnh: vocsite.nl).
Trong cuộc nội chiến giữa chúa Trịnh và Nguyễn vào thế kỷ XVII Hòa Lan đứng về phía chúa Trịnh ở Ɖàng Ngoài. Bồ Ɖào Nha đứng về phía chúa Nguyễn ở Ɖàng Trong. Sự can thiệp của người Âu Châu trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1627 đến 1672 chưa được sâu đậm lắm.
Hòa Lan giành giựt Indonesia trong tay người Bồ Ɖào Nha. Họ mất New Amsterdam (New York bây giờ) và Nam Phi vào tay người Anh.
Vào thế kỷ XVII dân số Hòa Lan lối 2 triệu người. Hòa Lan chiếm Nam Phi rộng 1,2 triệu km2 và Indonesia rộng 1,9 triệu km2. Hòa Lan đô hộ Indonesia ngót 350 năm (1599 - 1949). Ɖến năm 1949 Indonesia mới được độc lập.
Năm 1697 Peter Ɖại Ɖế (Pièrre le Grand) của Nga giả dạng thường dân đến Hòa Lan học nghề đóng tàu, làm thợ mộc cho Công Ty Ɖông Ấn Hòa Lan (VOC) để về nước canh tân và hiện đại hóa nước Nga, phát triển hải quân theo gương hai quốc gia hàng hải Tây Âu: Hòa Lan và Anh Quốc. Peter Ɖại Ɖế chú trọng đến việc làm chủ biển Baltic, Azov, Caspian và Hắc Hải (Black Sea).
Hoa Kỳ là quốc gia tân lập vào những năm 70 của thế kỷ XVIII. Từ 13 tiểu bang nguyên thủy dọc theo Ɖại Tây Dương, Hoa Kỳ bành trướng lãnh thổ từ Ɖại Tây Dương sang Thái Bình Dương bằng sức mạnh quân sự hay bằng thương lượng mua bán lãnh thổ. Ɖiều mà sau này người ta gọi là chánh sách cây gậy hay củ cà-rốt. Hoa Kỳ thương lượng và mua Louisiana của Pháp vào năm 1803 khi Pháp bận chiến tranh ở Âu Châu và mua Alaska của Nga vào năm 1867.
Chủ nghĩa Monroe năm 1823 nhắm vào sự hiện diện của các nước Âu Châu (Tây Ban Nha, Bồ Ɖào Nha, Hòa Lan, Anh, Pháp) ở Mỹ Châu, nhất là Tây Ban Nha. Ảnh hưởng chánh trị Tây Ban Nha biến dần sau khi nhiều quốc gia Mỹ Châu giành độc lập thành công. Năm 1898 chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha bùng nổ. Tây Ban Nha bị đánh bại. Kết quả: Cuba được độc lập, Hoa Kỳ thay thế Tây Ban Nha ở Phi Luật Tân và đảo Puerto Rico trong biển Caribbean. Cũng năm 1898 Hoa Kỳ có mặt trên quần đảo Hawaii v.v.
Cho đến năm 1917 Hoa Kỳ vẫn giữ chánh sách tự cô lập và chỉ quan tâm đến Mỹ Châu mà thôi. Sự tham gia của Hoa Kỳ vào đệ nhất thế chiến dưới thời tổng thống Woodrow Wilson (1856 - 1924, đắc cử tổng thống: 1912 - 1916 và 1916 - 1920) năm 1917 dẫn đến chiến thắng vào năm 1918. Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành một trong ba cường quốc trên thế giới bên cạnh Anh và Pháp.
Cựu Viện Trưởng Ɖại Học Princeton, tổng thống Woodrow Wilson thuộc đảng Dân Chủ, là một trí thức uyên bác, say mê dân chủ, tư tưởng tiến bộ, tự do mậu dịch, quyền tự quyết (self-determination), sự thỏa hiệp công khai. Tại hội nghị quốc tế Versailles năm 1919 ông không ngừng nhấn mạnh đến quyền dân tộc tự quyết và sự thành lập một tổ chức quốc tế nhằm bảo vệ hòa bình thế giới: Hội Quốc Liên (League of Nations). Ɖó là lúc Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh sau này, mang Yêu Sách Tám Ɖiểm do nhóm Ngũ Long Paris soạn đến hội nghị Versailles. Nhóm này gồm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành. Nhóm Ngũ Long Paris đặc biệt để ý đến Chương Trình 14 Ɖiểm và chủ thuyết quyền Dân Tộc Tự Quyết của tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson. Yêu Sách Tám Ɖiểm không được đại diện Tam Cường tại hội nghị Versailles để ý đến nhưng nó có tiếng vang to lớn ở Việt Nam và ai cũng đinh ninh rằng Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau này) là tác giả của bản yêu sách vì ông là người mang bản yêu sách đến Versailles năm 1919.
Hiệp ước Versailles được ký kết (1919) nhưng không được Quốc Hội Hoa Kỳ chuẩn phê. Hoa Kỳ trở về với chủ nghĩa cô lập (isolationism). Hội Quốc Liên ra đời do sáng kiến của Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ không có mặt trong tổ chức quốc tế này.
Ɖệ nhất thế chiến dẫn đến sự tổn hại uy danh và tài lực của Ɖức, sự sụp đổ của đế quốc Áo-Hung và đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Anh và Pháp được ủy trị các quốc gia Trung Ɖông thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (đế quốc Ottoman) như Palestine, Syria, Iraq, Lebanon… Anh, Pháp, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Bồ Ɖào Nha, Bỉ vẫn còn nắm giữ thuộc địa trên lục địa Phi Châu, Á Châu. Nhật Bản là đế quốc da vàng Á Châu cai trị Taiwan, bảo hộ bán đảo Triều Tiên, chiếm bán đảo Shandong (Sơn Ɖông) v.v.
***
Thập niên 1920 và 1930 đánh dấu bởi bịnh dịch, sự ra đời của chủ nghĩa phát xít ở Ý, Nhật Bản và Ɖức Quốc, chủ nghĩa Cộng Sản ở Nga, khủng hoảng kinh tế ở Hoa Kỳ và trên thế giới.
Từ năm 1600 đến thập niên 30 của thế kỷ XX các đế quốc mâu thuẫn và đụng chạm nhau gay gắt. Các thuộc địa thay ngôi đổi chủ. Mâu thuẫn giữa Hòa Lan và Bồ Ɖào Nha ở Indonesia, mâu thuẫn giữa Anh và Hòa Lan (New Amsterdam, Nam Phi), mâu thuẫn giữa Pháp và Anh về đông bộ Canada, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và các nước Âu Châu (Tây Ban Nha, Nga, Pháp…) sau khi khẩu hiệu Châu Mỹ của người Mỹ Châu ra đời.
Ɖể ngăn ngừa sự xung đột võ trang có thể xảy ra giữa các đế quốc, Anh và Pháp đồng ý biến Xiêm La (Siam – Thái Lan bây giờ) thành quốc gia trái độn (Buffer State) giữa thuộc địa Anh ở Ấn Ɖộ-Miến Ɖiện với thuộc địa Pháp trên bán đảo Ɖông Dương (Cambodia, Lào, Việt Nam) vào thế kỷ XIX.
Sau đệ nhất thế chiến Ɖức mất hết thuộc địa. Ɖế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) hoàn toàn tàn lụi. Nga dòm ngó thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Ɖông nhưng mộng bất thành vì Nga không còn là quốc gia đồng minh chống Ɖức nên không được quyền lợi gì sau khi Ɖức bị đánh bại.
Chủ nghĩa đế quốc bùng dậy sau đệ nhất thế chiến với sự ra đời của chủ nghĩa phát xít ở Ý, Ɖức và Nhật.
Ý gợi lại quá khứ oai hùng của đế quốc La Mã. Năm 1935 Ý xâm lăng Ethiopia (Abyssinia).
Ɖức phục thù sau khi bại trận trong đệ nhất thế chiến. Ɖức phải bồi thường chiến phí, bị đồng minh chiếm đóng dọc theo thung lũng sông Rhine v.v.
Với sự ra đời của đảng Hắc Long (Kokutyukai, 1901 – Amur River Society ˂Amur River/Heilongjiang: Hắc Long Giang˃) Nhật Bản muốn nới rộng biên cương sang tận bờ Hắc Long Giang.
Với chủ thuyết Ɖại Ɖông Á Khối Thịnh Vượng Chung (Dai Toa Kyoeiken – GEACPS: Greater East Asia Co-Prosperity Sphere – 1936) tựa như chủ thuyết Monroe ở Ɖông Á, Nhật đã bảo hộ Triều Tiên từ năm 1910, thành lập Mãn Châu Quốc vào năm 1932, tấn công Trung Hoa năm 1937 và có chương trình nới rộng đế quốc xuống các quốc gia Ɖông Nam Á. Các nước Ɖông Nam Á, dù là lục địa hay hải đảo đều là thuộc địa của các cường quốc Âu-Mỹ:
Nhật Bản là đế quốc Ɖông Á có tham vọng thay thế các đế quốc Âu-Mỹ để bành trướng lãnh thổ từ Ɖông Á xuống Ɖông Nam Á. Muốn như vậy họ phải đánh bại Trung Hoa, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Hòa Lan, Bồ Ɖào Nha. Họ thành công trong những chiến thắng quân sự trước Trung Hoa năm 1937, Anh (1941 ở Hong Kong và Mã Lai, 1942 ở Miến Ɖiện), Pháp (1940, 1941 và 1942), Hoa Kỳ (1941: Pearl Harbor, 1942: Phi Luật Tân), Hòa Lan (1942).
Trục Ɖức-Ý-Nhật hình thành năm 1936.
Trong ba nước này, Ý tỏ ra yếu kém hơn cả. Ý vất vả khi xâm lăng Ethiopia và trên chiến trường Balkans.
Ɖức đánh chiếm Ba Lan, mở màn cho đệ nhị thế chiến (1939) một ngày sau khi ký hiệp ước bất tương xâm với Liên Sô (31-08-1939). Năm 1940 Ɖức chiếm các nước Tây Âu kể cả Pháp. Năm 1941 Ɖức tấn công Liên Sô.
Về chiến tích của Nhật trong thời gian 1937 - 1942 chúng ta đã thấy ở phần trên.
Các nước Ɖức, Ý và Nhật đều là các quốc gia có diện tích nhỏ hẹp, mật độ dân số cao nhưng thiếu nhiều tài nguyên cung ứng cho kỹ nghệ. Thắng lợi đoản kỳ của họ không đảm bảo cho thắng lợi chung cuộc.
Sự tham chiến của Hoa Kỳ sau biến cố Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) ngày 07-12-1941 làm cho cán cân quân sự nghiêng về phe đồng minh các nước dân chủ. Ɖiều dễ hiểu là Hoa Kỳ là một nước rộng lớn không bị chiến tranh tàn phá, có nhiều tài nguyên thiên nhiên và là một nước có nền kinh tế, kỹ nghệ hùng mạnh với tiềm năng quân sự mạnh nhất thế giới.
Tướng Eisenhower của Hoa Kỳ chỉ huy quân Ɖồng Minh ở Âu Châu chống Ɖức và Ý. Tổng hành dinh đặt ở Anh.
Tướng Mc Arthur chỉ huy quân Ɖồng Minh ở Á Châu chống Nhật. Tổng hành dinh đặt ở Úc Ɖại Lợi
Kết quả cuộc đại chiến rất hiển nhiên không có gì khó đoán cả.
Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu và tướng Yoshijiro ký văn bản đầu hàng
quân Ɖồng Minh vô điều kiện vào ngày 02-09-1945
trên chiến hạm USS Missouri của Hải quân Mỹ (Ảnh: Ed Hoffman/UPI)
Hậu quả của nó đi ngược lại ước vọng bành trướng và phô trương chủ nghĩa anh hùng của phe Trục.
Nước Ɖức bị chia đôi. Vùng Silesia của Ɖức ở phía đông rộng 40.000km2 được trao cho Ba Lan bù đắp một phần đất của Ba Lan sát nhập vào Liên Sô.
Ý không giữ được Ethiopia.
Nhật không giữ được Triều Tiên, Taiwan, Mãn Châu Quốc mà còn mất quần đảo Kurils vào tay Liên Sô.
***
Dòng Romanov ngự trị ở Nga từ thế kỷ XVII. Nga hoàng Peter Ɖại Ɖế là người có óc canh tân xứ sở theo gương các nước Tây Âu, nhất là về phương diện hàng hải theo gương Hòa Lan và Anh Quốc. Sự phát triển hải quân của Nga không mấy thuận tiện:
1- Nước Nga chỉ có nội hải như biển Caspian và biển Aral. Biển Baltic, Azov và Hắc Hải tương đối rộng. Hắc Hải ăn thông với Ɖịa Trung Hải bằng hai eo biển thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Biển Baltic bị đóng băng vào mùa đông.
2- Hướng ra phía Tây Bắc thì gặp Na Uy, Thụy Ɖiển, nhất là Hòa Lan và Anh.
3- Hướng ra Ɖịa Trung Hải thì gặp đế quốc Ottoman, hải quân Anh. Anh chiếm đóng Gibraltar ngăn chận hải lộ nối liền Ɖịa Trung Hải và Ɖại Tây Dương. Họ chiếm đảo Cyprus để kiểm soát đông bộ Ɖịa Trung Hải, tàu bè Nga từ Hắc Hải vào Ɖịa Trung Hải. Anh bảo hộ Ai Cập và kiểm soát kinh đào Suez. Năm 1902 Anh và Nhật ký hiệp ước liên minh ngăn chận sự bành trướng của Nga ở Viễn Ɖông. Tàu chiến Nga không được chạy ngang qua kinh Suez để sang Viễn Ɖông đánh nhau với Nhật Bản. Hạm đội Nga phải dùng hải trình gấp đôi để đến Vladivostok (Hải Sâm Uy) từ biển Baltic nên bị hải quân Nhật dưới sự chỉ huy của đô đốc Togo đánh bại dễ dàng trên eo biển Tsushima (Ɖối Mã) năm 1905.
Anh là hải đảo cực tây Âu Châu.
Nga là quốc gia rộng lớn cực đông Âu Châu.
Anh là quốc gia rào đón sự bành trướng của Nga trên lục địa Âu Châu. Vì không thể thắng các quốc gia Tây Âu, các Nga hoàng dòng Romanov bành trướng lãnh thổ về phía đông dãy núi Urals. Cuộc đông tiến của Nga gặp nhiều thuận lợi vì không có đối thủ đồng cân. Trung Hoa dưới thời nhà Thanh (Qing) là một nước rộng lớn và đông dân nhất thế giới nhưng quá yếu kém trước sức mạnh của võ khí Tây Phương. Nga ký nhiều hiệp ước về biên giới và lãnh thổ với Trung Hoa như: Hiệp ước Nerchinsk ký năm 1689, hiệp ước Aigun (1858) và Beijing (1860 ký giữa Trung Hoa-Anh-Pháp và Nga). Nga chiếm 600.000km2 lãnh thổ của Thanh triều sau khi ký hiệp ước Aigun (1858), chiếm một phần phía bắc Mãn Châu (1860), thuê Lushun (Lữ Thuận) tức cảng Port Arthur trên bán đảo Liaodong (Liêu Ɖông) năm 1897. Cảng Port Arthur thuận tiện cho việc lưu thông bốn mùa, khác với Vladivostok bị đóng băng vào mùa đông.
Nga thiết lập đường hỏa xa Xuyên Tây Bá Lợi Á để nối liền Nga Âu và Nga Á. Vào thế kỷ XIX Nga bành trướng ảnh hưởng ở Ɖông Âu và bán đảo Balkan, nơi có nhiều người Slav và tín đồ theo Chính Thống Giáo. Trong cuộc đông tiến Nga dòm ngó Mãn Châu và bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản phỗng tay trên bằng cách đánh bại Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên năm 1894 để tạo nền móng thiết lập nền bảo hộ của họ trên bán đảo sau này. Chắc chắn thời bấy giờ Nga có mặc cảm tự tôn đối với Nhật Bản. Sự chủ quan nông cạn này làm cho họ bị thất bại ê chề trước Nhật ở Port Arthur năm 1904 và Tsushima năm 1905.
Nga bành trướng lãnh thổ bằng cuộc đông tiến và nam tiến. Tiến về hướng nào Nga cũng có đối thủ. Tiến về phía nam thì gặp đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, hải quân Anh trong Ɖịa Trung Hải. Tiến về phía đông không ngờ bị Nhật Bản đánh bại thê thảm. Không như Bồ Ɖào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hòa Lan… , Nga không có thuộc địa ở Phi Châu, Mỹ Châu, Ɖại Dương Châu, Nam Á và Ɖông Nam Á như Anh, Pháp. Sở dĩ Nga thua sút các quốc gia Âu-Mỹ vì Nga chìm đắm trong chế độ độc tài chuyên chính do dòng Romanov đại diện. Ɖại đa số dân chúng là nông nô nghèo khó làm lưng lừa gánh chịu mọi gánh nặng của quốc gia. Hậu quả là Nga vẫn là một quốc gia nông nghiệp. Xã hội đầy dẫy bất công và áp bức giữa lúc các nước Tây Âu kỹ nghệ hóa, dân chúng được tự do và hạnh phúc. Nước Nga rộng lớn, dân số lớn nhất ở Âu Châu. Thế nhưng nước Nga không phải là một nước giàu mạnh, bất bại và bất khả xâm. Vào thế kỷ XIX Nga bị quân Pháp của Napoléon I xâm lăng và tiến vào tận Moscow (1812). Năm 1855 Nga bị Anh-Pháp đánh bại trong cuộc vây hãm Sebastopol. Năm 1904 Nga bị Nhật đánh bại trong cuộc vây hãm Lushun (Port Arthur – Lữ Thuận). Năm 1905 hạm đội Baltic của Nga bị Nhật đánh tan trong 38 phút trên eo biển Tsushima. Và những thất bại quân sự khác sẽ đề cập sau.
Năm 1917 Hoa Kỳ tham chiến trong đệ nhất thế chiến. Ɖức đưa LENIN về nước làm cuộc cách mạng vô sản (Cách Mạng Tháng 10 theo lịch Julian nhằm ngày 07-11-1917 theo lịch Gregorian hiện hành), lật đổ chánh phủ lâm thời do Kerensky lãnh đạo sau khi Nga hoàng Nicolas II thoái vị (tháng 3 năm 1917). Chánh phủ Kerensky chống Ɖức. Lenin trở thành thân Ɖức trong đệ nhất thế chiến vì Ɖức đưa ông về nước lật đổ Kerensky, một người đồng hương với ông.
Lenin là bí danh của Vladimir Ilyich Ulyanov (1870 - 1924) dựa vào tên của con sông Lena dài 4.400km ở Tây Bá Lợi Á. Ông xuất thân từ một gia đình trí thức, mẹ mang dòng máu Do Thái, cha là thanh tra học chánh, anh tham gia vào việc ám sát Nga hoàng Alexander III năm 1887 nên bị xử treo cổ hai tháng sau ngày ám sát hụt. Việc Lenin ra lệnh tàn sát gia đình của Nicholas II năm 1918 có hai mục đích không chối cãi được:
a- Trả thù cho người anh bị treo cổ dưới thời Nga hoàng Alexander III.
b- Ngăn ngừa sự vùng dậy của phe bảo hoàng. Trong mục đích thứ hai này Lenin hành sự giống nhà độc tài Pháp Robespièrre đối với vua Louis XVI năm 1793.
Lenin suy nghĩ làm thế nào biến nước Nga trở thành một đế quốc như Anh, Pháp, Hoa Kỳ. Hay hơn thế nữa mà không cần phải dùng súng đạn, tài vật lực quốc gia và xương máu quân sĩ để chinh phục thuộc địa.
Muốn được như vậy, theo ông, phải qua các bước căn bản sau đây:
1- Nga nghiên cứu sâu rộng về tổ chức mà Hoa Kỳ đã thực hiện để vươn lên sau ngày lập quốc.
2- Ɖiện hóa và kỹ nghệ hóa là con đường tất yếu mà Nga phải theo.
3- Lenin thành lập Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (COMINTERN – Third International) năm 1919 nhằm biến nước Nga trở thành Trung Tâm của Thế Giới Cộng Sản, biến Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản thành một “tôn giáo” chống chủ nghĩa tư bản (Capitalism) của các đế quốc Âu-Mỹ. Bằng cách nào? Bằng cách đào luyện các cán bộ Cộng Sản Ɖệ Tam từ các thuộc địa Á-Phi-Châu Mỹ La Tinh về thuật lãnh đạo quần chúng, thuật sách động quần chúng nổi dậy, thuật thông tin tuyên truyền, thuật tình báo, gián điệp, thuật khủng bố v.v. Những cán bộ COMINTERN đều có tên Nga, được xem như người Nga, hoạt động vì an ninh lợi ích của nước Nga. Sau khi huấn luyện, họ được đưa về nước lãnh đạo phong trào giải phóng đất nước họ khỏi sự đô hộ của các đế quốc phương tây. Ɖó là phương cách chinh phục thuộc địa mà không cần võ khí, tàu bè, bom đạn, nhân lực và tài vật lực. Tất cả được thực thi bằng xương máu, nhân lực, tài lực của dân thuộc địa dưới sự lãnh đạo của một công dân bản xứ có quốc tịch Nga và do Nga đào luyện, trả lương để hoạt động vì lợi ích an ninh và sự hưng vượng của nước Nga. Với Cách Mạng Tháng 10 (theo lịch cũ) Nga là thành trì của Xã Hội Chủ Nghĩa thế giới dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marxism và Leninism.
Lenin và Stalin (Ảnh: sv..m.wikipedia.org)
Lenin vạch đường lối cho nước Nga Cộng Sản. Nhưng người thực thi đường lối do Lenin vạch ra là Stalin. Năm 1918 Lenin bị ám sát nên phải dưỡng bịnh ở vùng ngoại ô Moscow. Việc giám quốc nằm trong tay Stalin.
Stalin (1878 - 1953) là bí danh của Joseph Vissarionovich Djugashvilli, người Georgia. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo nên việc học hành của ông rất giới hạn. Ông là người hung bạo, thích hành động phiêu lưu mạo hiểm.
Lenin có hai đồng chí có giá trị ngang nhau dưới mắt ông. Ɖó là Trotsky và Stalin.
Trotsky là người Nga gốc Do Thái có học vị cao và là người chỉ huy Hồng Quân Nga đánh bại phe Bạch Nga trong cuộc nội chiến vào đầu thập niên 1920. Trotsky được xem là người quá khích trong việc quảng bá chủ nghĩa Cộng Sản lan rộng khắp thế giới.
Stalin là người có những hành động mạo hiểm và mạnh bạo bất chấp đạo đức, lương tri và luật pháp ngăn cấm. Stalin có nghĩa là “người sắt thép”, là người quá khích nhưng có tính toán.
Không biết trong di chúc Lenin chọn ai là người kế vị ông. Trotsky? Stalin? Chỉ biết rằng lúc đọc di chúc thì cúp điện và tên người được chọn là Stalin! Sau đó Trotsky bị mất chức trong đảng, bị đày sang Tây Bá Lợi Á và cuối cùng bị Stalin cho người ám sát chết ở Mexico năm 1940.
Stalin là tổng bí thơ đảng Bolshevik (Cộng Sản) từ năm 1922 cho đến khi chết năm 1953. Là nhà độc tài hung bạo, ông nhảy múa trên hàng chục triệu xác chết của người Nga, Ukraine và đảng viên Ɖệ Tam Quốc Tế người ngoại quốc. Chết trong các trại tập trung lao động (Gulags), chết vì tội phú nông (Kulags) bị đày sang Tây Bá Lợi Á hay Trung Á, chết vì nạn đói 1932-1933 và 1946-1947, chết vì bị hành quyết trong cuộc đại thanh trừng (nhiều đồng chí của Lenin bị hành quyết, những cán bộ Comintern ngoại quốc bị xử tử vì tình nghi theo khuynh hướng Trotsky hay có vẻ không tôn sùng Stalin). Năm 1933 từ ngục thất Hong Kong về Moscow từ Vladivostok, Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau này bị Maurice Thorez, lãnh đạo đảng Cộng Sản Pháp, báo cáo cho Stalin rằng Nguyễn Ái Quốc, bí danh Lin, thuộc khuynh hướng Trotsky. Nguyễn Ái Quốc suýt bị đại họa nếu không có sự che chở của Georgi Dimitrov (1882 - 1949), lãnh đạo đảng Cộng Sản Bulgaria và Comintern ở Trung Âu.
Với tư cách người điều khiển Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, Stalin bắt đảng Cộng Sản các nước trên thế giới phải tôn thờ ông, yêu cái gì ông yêu, ghét cái gì ông ghét. Ông ghét Trotsky và triệt hạ những người theo chủ thuyết Trotskyism không một chút thương tâm. Ɖó là điều đã xảy ra từ năm 1927 đến 1937 ở Liên Sô. Nó rõ nét ở Việt Nam vào năm 1945 với những cái chết ghê rợn của Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu và những người Việt Nam thuộc khuynh hướng Trotskyism khác.
Hai nhân vật lãnh đạo Cộng Sản không phục tùng Stalin là Josif Broz Tito (1892 - 1980) của Liên Hiệp Nam Tư (Yugoslavia) và Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông, 1893 - 1976) của Trung Quốc.
Tito là người có nhiều quan hệ gần với Liên Sô. Ông bị cầm tù ở Nga trong đệ nhất thế chiến thời chánh phủ lâm thời do Karensky lãnh đạo. Khi cách mạng vô sản bùng nổ, ông được tự do và được kết nạp vào đảng Cộng Sản Bolshevik Nga. Ông có vợ Nga, được huấn luyện để trở thành cán bộ Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Xuất thân từ một gia đình nghèo, trình độ học vấn của Tito rất giới hạn. Nhưng ông là người thông minh, gan dạ, có nhiều nghị lực và khả năng lãnh đạo. Ông thành công trong việc đối đầu với Ɖức Quốc Xã. Ông không sợ Stalin luôn luôn cho người ám sát ông. Stalin giải tán Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) vào tháng 5 năm 1943. Thay vào đó là Cominform (Quốc Tế Thông Tin Cộng Sản). Năm 1948 Liên Hiệp Nam Tư bị loại ra khỏi Cominform. Chủ nghĩa TITOISM hình thành chống lại STALINISM. Vẫn biết rằng chế độ Cộng Sản nào cũng có mức độ khủng khiếp ghê rợn riêng của chúng, thống chế Tito có uy tín cá nhân riêng trên quê hương ông. Cho đến khi chết Stalin vẫn không làm cho ông khuất phục, cũng không thành công trong việc ám hại ông. Ông từ chối làm hòa với Liên Sô khi Khrushchev lãnh đạo Liên Sô. Khrushchev là người Ukraine bị Stalin trù giập trong đệ nhị thế chiến. Khi nắm quyền, ông “hạ bệ” Stalin (de-Stalinization).
Mao Zedong (1893 - 1976) là con của một phú nông trong tỉnh nông nghiệp nghèo nàn Hunan (Hồ Nam). Ông tiếp xúc với chủ nghĩa Marxism qua một giáo sư dạy ông. Vị này giới thiệu cho ông lên làm phụ tá quản thủ thư viện Ɖại Học Beijing (Bắc Kinh) dưới quyền Li Dazhao (Lý Ɖại Triều, 1889 - 1927)). Li Dazhao là giáo sư lịch sử và quản thủ thư viện Ɖại Học Beijing. Cùng với giáo sư Chen Duxiu (Trần Ɖộc Tú, 1870 - 1942) Li Dazhao là người sáng lập đảng Cộng Sản Trung Hoa tại Shanghai (Thượng Hải) năm 1921. Mao Zedong tiếp xúc sâu rộng với chủ nghĩa Marxism qua giáo sư Li Dazhao.
Năm 1927 Quốc Dân Ɖảng (Kuomintang) dưới sự lãnh đạo của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) đàn áp đảng viên Cộng Sản ở Shanghai, Guangzhou (Quảng Châu) và một vài thành phố khác. Li Dazhao bị bắt và bị đốc quân Zhang Zuolin (Trương Tác Lâm) giết chết (1927). Chen Duxiu bị Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản ở Moscow khiển trách và khai trừ khỏi Comintern. Có một thời ông ngả theo khuynh hướng Trotskyism và bị Quốc Dân Ɖảng cầm tù. Ông mất năm 1942 trong sự buồn tủi vì thất bại và bị đảng do chính ông thành lập loại bỏ, khai trừ.
Sự thất bại của đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1927 trước quân Quốc Dân Ɖảng của Chiang Kaishek làm nổi bật vai trò của Mao Zedong. So về học vị, Mao kém hơn Chen Duxiu và Li Dazhao rất nhiều. Thế giới quan của Mao không thể so sánh với Chen Duxiu và Li Dazhao được. Nhưng Mao là người đầu tư suy nghĩ nhiều về Trung Hoa, một quốc gia nông nghiệp đông dân nhất thế giới. Vì sự tự hào dân tộc ông không mù quáng đặt dưới sự chỉ đạo của Liên Sô qua tổ chức Comintern. Khẩu hiệu Ɖảng Cộng Sản là đảng của giai cấp công nhân không thích hợp với hoàn cảnh kinh tế-xã hội của Trung Hoa. Dưới mắt Stalin, Mao là người bướng bỉnh và bất phục nhà độc tài ở điện Kremlin ngay khi chưa thành công trong việc lật đổ chánh quyền Quốc Dân Ɖảng của Chiang Kaishek.
Mao Zedong và Stalin vào năm 1949 (Ảnh: historia.org)
Tito và Mao Zedong là những nhà lãnh đạo Cộng Sản địa phương bất phục tùng nhà độc tài Stalin trong thời kỳ ông tự xem mình là đỉnh cao trí tuệ của loài người!
Suốt 31 năm trên tột đỉnh quyền hành Stalin để lại nhiều thành quả to lớn hơn bất cứ vị Nga hoàng nào của dòng Romanov.
a- Thành lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết (USSR) làm cho diện tích nước Nga tăng lên thêm gần 6 triệu km2.
b- Ɖưa nước Nga nông nghiệp lên hàng quốc gia kỹ nghệ hạng nhì sau Hoa Kỳ qua các kế hoạch ngũ niên (Five-Year Plans) được thực thi lần đầu tiên vào năm 1928.
c- Nới rộng ảnh hưởng của Liên Sô sang các quốc gia Ɖông Âu trên một diện tích gần 900.000 km2.
d- Thu hồi phân nửa đảo Sakhalin cắt nhường cho Nhật sau khi bại trận năm 1905.
e- Xua quân xâm chiếm quần đảo Kurils rộng 10.500km2 ở cực bắc nước Nhật sau khi Hoa Kỳ dội trái bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki (09-08-1945).
Stalin là nhà độc tài có nhiều xảo kế linh động nhằm tránh mọi chiến bại trong thời kỳ lãnh đạo của ông. Một ngày trước khi Ɖức tấn công Ba Lan mở màn cho đệ nhị thế chiến, ông ra lịnh ký hiệp ước bất tương xâm với Ɖức (31-08-1939). Khi Ɖức tấn công Liên Sô, ông ra lịnh ký hiệp ước trung lập với Nhật (1941). Khi Nhật bị dội trái bom nguyên tử thứ hai (09-08-1945) xuống Nagasaki, ông xua quân Liên Sô tấn công quân Nhật ở Mãn Châu và chiếm quần đảo Kurils.
Stalin đã vạch cho Liên Sô, hay nói rõ hơn cho nước Nga, thái độ lãnh đạm, làm ngơ trước các nước Cộng Sản nhỏ bé nhưng vẫn được tri ân muôn đời vì đã tạo cho họ nề nếp sợ sệt và phục tùng một cách máy móc.
Năm 1945 Việt Minh cướp chánh quyền từ chánh phủ Trần Trọng Kim do Nhật yểm trợ. Hồ Chí Minh thành lập chánh phủ độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Stalin không công nhận chánh phủ do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo mặc dù ông là đảng viên do Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản đào luyện tại Moscow. Stalin không giúp nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trở thành một thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Khi Hồ Chí Minh rời Hà Nội vào chiến khu lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, Stalin không có một lời ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của Hồ Chí Minh. Ông chỉ nhìn nhận chánh phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh sau khi Mao Zedong nhìn nhận, viện trợ thuốc men, lương khô, võ khí và cố vấn chánh trị và quân sự cho Việt Minh (1950).
Dù có thái độ ghẻ lạnh của kẻ cả đối với Hồ Chí Minh, hình ảnh của Lenin và Stalin vẫn được tìm thấy trong văn phòng của ông Hồ Chí Minh trong chiến khu vào thời kỳ kháng chiến. Năm 1953 Stalin mất. Nhà thơ Tố Hữu, tức Nguyễn Kim Thành đã khóc hết nước mắt khi hay tin Stalin mất trong bài thơ lâm ly ai oán của mình với câu:
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.
*
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười
Hội nghị Genève 1954 (Ảnh: Frank Scherschel/Getty Images)
Tại hội nghị quốc tế Genève đại diện hai quốc gia Cộng Sản là Zhou Enlai (Châu Ân Lai, Trung Quốc) và Molotov (Liên Sô) chứng tỏ quyền năng định đoạt số phận Việt Nam, mặc cho Việt Minh hô hào chiến thắng Ɖiện Biên Phủ. Vai trò của Nguyễn Quốc Ɖịnh và Trần Văn Ɖỗ của chánh phủ Quốc Gia lu mờ vì thiếu thành tích quân sự. Ông Phạm Văn Ɖồng cũng là cái bóng mờ tại hội nghị mặc dù được trang bị bằng chiến thắng Ɖiện Biên Phủ vang lừng. Zhou Enlai có vai trò năng nổ nhất trong hội nghị. Molotov chỉ nói ngắn gọn vài tiếng “Vĩ tuyến 17” thì Việt Nam bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới giữa hai miền Bắc-Nam. Nhìn vào lịch sử nhân loại, trường hợp Việt Nam năm 1954 là trường hợp lạ lùng nhất, hiếm thấy nhất vì bên chiến thắng (Việt Minh) phải chấp nhận sự qua phân của đất nước mình.
Thời “hoàng kim” của Liên Sô là 31 năm dưới chế độ độc tài của Stalin. Liên Sô cạnh tranh ráo riết với Hoa Kỳ. Liên Sô được sự tri ân của những quốc gia Cộng Sản mặc dù những quốc gia này đã đổ xương máu của dân tộc mình để trở thành Cộng Sản nhưng không nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào từ Moscow!
Liên Hiệp Nam Tư được giải phóng nhờ sự lãnh đạo của Tito chớ không nhờ sự giúp đỡ của Liên Sô.
Liên Sô đã giúp gì cho ông Hồ Chí Minh cướp chánh quyền năm 1945? Và việc đánh bại Pháp năm 1954?
Mao Zedong không nhận sự giúp đỡ nào từ phía Liên Sô khi thành lập Cộng Hòa Sô Viết Giang Tây (Jiangxi Soviet Republic) năm 1931. Stalin không vui khi hay tin Mao Zedong chiếm lục địa Trung Hoa năm 1949. Ông bắt Mao Zedong chờ đợi cả tháng mà không tiếp khi Mao đến Moscow lần đầu tiên sau khi chiếm lục địa Trung Hoa.
Fidel Castro cầm đầu cuộc nổi dậy ở Cuba chống lại nhà độc tài Batista do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Sau khi thành công, ông biến Cuba thành một nước Cộng Sản để được sự yểm trợ của Liên Sô hầu nắm giữ chánh quyền bền chặt. Khác với ông Hồ Chí Minh Fidel Castro là tiến sĩ luật. Ông không phải là đảng viên Cộng Sản bí mật, cũng không do Liên Sô huấn luyện và giúp đỡ khi nổi dậy cũng như sau khi thành công trong việc lật đổ Batista. Ɖiều đáng lưu ý là Việt Nam và Cuba là hai nước sủng ái Liên Sô nhất trong khối Cộng Sản giữa lúc các nước Cộng Sản Ɖông Âu như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc từng vùng lên chống lại xiềng xích của Liên Sô trên quê hương họ.
Sau đệ nhị thế chiến Liên Sô cạnh tranh ráo riết với Hoa Kỳ. Năm 1949 Liên Sô bắt đầu có bom nguyên tử. Ɖó là thành quả của công tác gián điệp của nhà vật lý Klaus Fuch (1911 - 1988), một nhà vật lý học người Ɖức có quốc tịch Anh và góp phần vào việc sản xuất bom nguyên tử ở Hoa Kỳ trong đệ nhị thế chiến. Liên Sô là một trong năm cường quốc có quyền phủ quyết tại tổ chức Liên Hiệp Quốc. Chiến tranh lạnh diễn ra giữa Hoa Kỳ (Tư Bản) và Liên Sô (Cộng Sản) vào năm 1949: năm thành lập NATO. Mao Zedong chiếm lục địa Trung Hoa, Liên Sô sản xuất trái bom nguyên tử đầu tiên.
Năm 1957 Liên Sô dẫn đầu ngành không gian sau khi phóng vệ tinh Sputnik thành công. Khrushchev cho rằng phi cơ đã lỗi thời và tự hào Liên Sô sản xuất hỏa tiễn với độ chính xác có thể giết chết một con ruồi! Ông xem thường Hoa Kỳ và thế giới còn lại bằng cách cởi giày và đập trên bàn tại diễn đàn LHQ (1960). Càng xem thường và thách thức Hoa Kỳ hơn khi Liên Sô thiết lập các giàn hỏa tiễn trên đảo Cuba hướng về Hoa Kỳ. Tổng thống Kennedy được ngưỡng mộ sau khi cương quyết buộc Liên Sô tháo gỡ hỏa tiễn đặt trên đảo Cuba.
Cuộc chạy đua võ trang với Hoa Kỳ làm cho Liên Sô càng ngày càng đuối sức. Ɖiều dễ hiểu là Hoa Kỳ có nền kinh tế phồn thịnh nhất thế giới nên việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật và sản xuất kỹ nghệ quốc phòng không khó khăn với họ.
Khối Cộng Sản rạn nứt giữa Liên Sô với các nước Ɖông Âu và giữa Liên Sô với Trung Quốc. Romania và Albania là hai nước Cộng Sản Ɖông Âu hướng về Beijing (Bắc Kinh) hơn là Moscow. Khối Cộng Sản có hai trục lãnh đạo: Moscow và Beijing. Năm 1969 Liên Sô và Trung Quốc xung đột võ trang trên đảo Damansky mà Trung Quốc gọi là Chen Pao (Trân Bảo).
Năm 1975 Việt Nam thống nhất. Số quốc gia Cộng Sản trên thế giới gia tăng. Ɖa số theo Liên Sô. Ɖứng đầu trong số này là Việt Nam với quốc hiệu mới: Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Khmer Ɖỏ của Cambodia theo Cộng Sản Maoist. Liên Sô có vẻ đang đứng trên đỉnh vinh quang. Leonid Ilyich Brezhnev (1906 - 1982, Tổng Bí Thơ Ɖảng: 1964 - 1982) là nhà lãnh đạo độc tài cứng rắn hơn Khrushchev. Dù vậy ông vẫn giữ đường lối sống chung với Phương Tây của Khrushchev.
Chế độ quân chủ Afghanistan bị lật đổ năm 1973. Năm 1978 ảnh hưởng Cộng Sản đè nặng trên Afghanistan, mở đầu cho cuộc xâm lăng của Liên Sô vào quốc gia Trung Á này. Afghanistan là một quốc gia rộng gấp hai lần nước Việt Nam. Ɖây là một quốc gia khô hạn, nhiều núi non nhưng quốc gia này chiếm một vị trí địa lý chánh trị quan trọng giữa hai quốc gia rộng lớn và đông dân cư nhất thế giới là Trung Hoa và Ấn Ɖộ và vùng Trung Ɖông dồi dào dầu hỏa. Ở Ɖông Nam Á Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam xâm chiếm Cambodia. Ɖó là cuộc chiến giữa hai nước Cộng Sản: một nước thân Liên Sô (Việt Nam) và một nước thân Trung Quốc (Khmer Ɖỏ – Maoist). Tháng 2 năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam ở sáu tỉnh ngoài biên giới. Cộng Sản Maoist đánh nhau với Cộng Sản thân Nga.
Các nước Tây Phương lên án cuộc xâm lăng của Liên Sô ở Afghanistan. Một đại cường quốc trong Ngũ Cường đã vi phạm hiến chương LHQ. Liên Sô không che dấu được tham vọng đế quốc giữa lúc các đế quốc Tây Phương trả độc lập cho các thuộc địa thời hậu đệ nhị thế chiến. Liên Sô bị các nước dân chủ Tây Phương và cả Trung Quốc lên án. Thế Vận Hội Moscow năm 1980 bị tẩy chay. Liên Sô, một cường quốc quân sự nổi tiếng trên thế giới bị sa lầy trên chiến trường Afghanistan. Afghanistan là nơi chôn tên tuổi của Alexander Ɖại Ɖế, Gengish Khan, Anh, Liên Sô (1988) và sau này Hoa Kỳ (2021). Ɖiều đó không chứng minh Afghanistan là một cường quốc quân sự. Nhưng nó gợi lên sự tất thắng của chánh nghĩa, được sự ủng hộ của đa số quần chúng và chiến tranh du kích trường kỳ của quốc gia bị ngoại nhân xâm chiếm. Sau 9 năm chiến tranh ở Afghanistan, Liên Sô trở thành nước chiến bại phải rút quân ra khỏi Afghanistan.
Hậu quả của sự chiến bại ở Afghansitan là sự vùng lên của các dân tộc Ɖông Âu đòi thoát khỏi xiềng xích của Liên Sô. Họ đã thành công năm 1989. Ɖông Ɖức và Tây Ɖức được thống nhất.
Stalin thành lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội chủ Nghĩa Sô Viết (USSR: United Socialist Soviet Republic) phỏng theo Liên Bang Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ các tiểu bang ổn định, bền vững và hạnh phúc trong liên bang suốt trên 200 năm lập quốc. Mãi đến năm 1959 Alaska và Hawaii mới được gia nhập vào liên bang. Cho đến bây giờ Puerto Rico vẫn chưa được nhập vào liên bang. Các Cộng Hòa Sô Viết trong Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết tuyên bố độc lập sau khi Liên Sô rút quân ra khỏi Afghanistan sau 9 năm xâm lăng. Ɖó là sự khác biệt giữa hai Liên Bang với hai định chế chánh trị đối nghịch nhau.
Năm 1989 các nước Ɖông Âu vất bỏ chế độ Cộng Sản và chế độ chư hầu Liên Sô. Ɖa số các Cộng Hòa nói trên vội vã tìm cách gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu (EU: European Union thành lập năm 1993) hay NATO (Minh Ước Bắc Ɖại Tây Dương – North Atlantic Treaty Organisation) như đi tìm cây dù kinh tế và an ninh quân sự từ các nước dân chủ Tây Phương.
Dòng Romanov ngự trị ở Nga 304 năm (1613 - 1917).
Chế độ Cộng Sản tồn tại trên lãnh thổ Nga 74 năm (1917 - 1991).
Sự sụp đổ của Liên Sô làm cho Nga mất đi gần 6 triệu km2 lãnh thổ và 100 triệu dân. Nga mất ảnh hưởng trên 850.000 km2 ở Ɖông Âu. Kinh tế Nga bệ rạc. Nga phô bày sự yếu thế của họ trên sân khấu chánh trị quốc tế.
Sự thất bại của chế độ Cộng Sản không chối cải được. Người Nga phải hy sinh trên 50 triệu dân để có những trại tập trung lao động, những cuộc hành quyết chánh trị, những cuộc chém giết phú nông, “phản động” và cuộc chiến tranh vệ quốc v.v.. Việc chinh phục thuộc địa bằng võ lực của Liên Sô thất bại ê chề ở Afghanistan, một quốc gia nghèo nàn về kinh tế lẫn quân sự. Nếu Liên Sô là một Thiên Ɖường thì các Cộng Hòa Sô Viết phải nài nỉ ở lại Liên Sô chớ có đâu mà vội vã rời khỏi Liên Sô và xin gia nhập vào EU hay NATO?
Dòng Romanov khét tiếng khắc nghiệt, kéo dài sự ngự trị ở Nga 304 năm trong khi chế độ Cộng Sản chỉ thọ được 74 năm. Ɖiều đó cho thấy chế độ Cộng Sản còn khắc nghiệt hơn hơn cả chế độ phong kiến thời quân chủ do dòng Romanov đại diện.
Vladimir Putin, một sĩ quan KGB (mật vụ, tình báo, gián điệp) được Yeltsin chọn để thay thế và ân xá cho ông. Putin là người Cộng Sản thuần thành. Ông nội của ông nấu bếp cho Lenin rồi Stalin. Putin có bằng đại học, hoạt động ở Ɖông Ɖức nên nói rành Ɖức ngữ. Putin là người trẻ, năng nổ hoạt động và có nhiều mưu lược để nắm và củng cố quyền hành. So với Yeltsin, Putin linh hoạt hơn nhiều. Dù vậy ông không có sáng kiến biến nước Nga thành một quốc gia có nền kinh tế phồn thịnh mà chỉ lẩn quẩn trong việc bán lúa mì, hột hướng dương, dầu khí, than đá và võ khí.
Từ năm 1999 đến nay (2022) Putin nhảy múa trên chánh trường Nga như chỗ không người với tư cách thủ tướng (2 lần), tổng thống (2 nhiệm kỳ tổng cộng 8 năm và 2 nhiệm kỳ, nếu trọn vẹn, sẽ lên đến 12 năm). Ông xem thường đối lập bằng cách đưa họ vào tù hay vào cửa tử. Ông điều khiển quốc hội dễ dàng khi muốn kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm đến 6 năm. Quốc hội ban luật ân xá cho ông khi không còn lãnh đạo nước Nga v.v.. Ɖời sống vật chất và tinh thần của dân Nga không có tiến bộ rõ rệt nào. Lợi tức đồng niên của người Nga lối 12.500 Mỹ kim trong khi dư luận thế giới cho rằng ông Putin là người giàu nhất thế giới. Ông ăn mặc chải chuốt và sang trọng hơn các nhà lãnh đạo các quốc gia dân chủ Tây Phương rất nhiều.
Putin kích thích sự tự hào dân tộc qua những thành quả quân sự mà Stalin đã đạt được trong đệ nhị thế chiến. Ông ngưỡng mộ Stalin và cố uốn nắn dư luận biến Stalin thành đại anh hùng hơn là nhà độc tài tàn bạo đáng ghê tởm.
Như những nhà lãnh đạo Nga thời quân chủ chuyên chính hay độc tài Cộng Sản Putin không biết làm sao cho nền kinh tế Nga khởi sắc mà chỉ thích phô trương bom đạn và hô hào sự bành trướng lãnh thổ để chứng minh sức mạnh quân sự của Nga dưới sự lãnh đạo của ông. Ông thường khoe với thế giới về những phát minh võ khí siêu thanh, tàu ngầm nguyên tử như là lời hù dọa. Trên thực tế Liên Bang Nga chỉ là cường quốc thứ hai về tiềm năng quân sự nhưng về phương diện kinh tế Nga bị Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ɖức Quốc và Anh Quốc bỏ xa. Putin cố gắng một cách mệt nhọc trong việc đi tìm lại quá khứ hoàng kim của Stalin. Một mặt ông ngăn chận một vài cựu Cộng Hòa Sô Viết gia nhập EU hay NATO. Mặt khác ông tìm cách gây hấn với những cựu Cộng Hòa Sô Viết như Georgia, Ukraine. Ông thi hành đường lối phát xít nhưng trao hai chữ “phát xít” cho Georgia và Ukraine rằng họ đàn áp người Nga hay người nói tiếng Nga trong các quốc gia đó để có cớ can thiệp quân sự và tách rời một phần lãnh thổ của Georgia và Ukraine (1908, 2014). Nga thắng trong chiến tranh Chechnya lần thứ hai. Nga chiếm Abkhazia và Nam Osetia của Georgia và thành lập hai nền Cộng Hòa. Hai Cộng Hòa này cho đến nay không được Liên Hiệp Quốc công nhận. Năm 2014 Nga xúi giục dân chúng gốc Nga trong vùng Donbass của Ukraine đòi tự trị ở hai thành phố Donetz và Luhansk. Vùng Donbass là vùng kỹ nghệ vì có nhiều than đá. Cùng lúc ấy quốc hội Nga sát nhập Crimea vào Liên Bang Nga. Hoa Kỳ và các nước EU không có phản ứng mạnh trước hành động gây hấn của Nga. Lịnh cấm vận và trục xuất Nga ra khỏi G8 không mang lại kết quả cụ thể nào. Putin càng hứng khởi vói tay sang Trung Ɖông giúp nhà độc tài Syria là Bashar al Assad và nhà độc tài Venezuela Nicolas Maduro củng cố địa vị.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 ứng cử viên Cộng Hòa là tỷ phú Donald Trump công khai kêu gọi Nga giúp truy tìm hàng chục ngàn e-mail của bà Hillary Clinton đã bị hủy.
Ông Putin được sự trọng nể của ông Donald Trump sau khi vị này đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Vị tổng thống Cộng Hòa này cách chức giám đốc FBI (09-05-2017) một ngày trước khi tiếp đại sứ Nga ở Hoa Kỳ và ngoại trưởng Nga Lavrov tại White House ngày 10-05-2017. Trong cuộc họp này không có một nhà báo nào của Hoa Kỳ hiện diện cả nên không có hình ảnh và tin tức gì về cuộc họp này.
Năm 2018 trong cuộc họp báo ở Helsinki, Phần Lan, tổng thống Trump cho biết ông tin lời nói của tổng thống Putin của Nga hơn cơ quan tình báo Hoa Kỳ!
Từ những sự kiện vừa nói qua, Putin càng kiêu căng và tự tin vào tài năng cùng sức mạnh của Nga. Tổng thống Trump làm suy yếu G7 và NATO. Quan hệ giữa Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Ɖức, Ɖan Mạch, Phần Lan, Montenegro dưới mức độ bình thuờng. Ɖó là sự khích lệ đáng kể đối với Putin trong toan tính bành trướng lãnh thổ của ông trên các cựu Cộng Hòa Sô Viết ở Ɖông Âu và Bắc Âu. Kế hoạch bành trướng của Putin cho thấy ông xem thường NATO hay nói rõ hơn là xem thường Hoa Kỳ. Putin nóng mặt vì sự trừng phạt của Hoa Kỳ và EU năm 2014 dưới thời tổng thống Obama (Dân Chủ). Hiện Hoa Kỳ có vị tổng thống 80 tuổi năm 2022 có vẻ thiếu năng động và quyết đoán nên tổng thống Putin tìm cách tạo liên minh Nga-Trung Quốc-Iran để chống Hoa Kỳ và đồng minh cụ thể là EU và NATO, giống như Trục Ɖức-Ý-Nhật năm 1936 trước khi đệ nhị thế chiến bùng nổ. Cả ba nước này đều muốn vẽ lại con đường đế quốc trong quá khứ xa xưa.
Nga muốn làm bá chủ Âu Châu. Muốn đạt mục đích, họ cần đánh bại NATO và Hoa Kỳ. Việc sát nhập Crimea vào Liên Bang Nga năm 2014 và việc xâm lăng Ukraine sau khi công nhận hai nền Cộng Hòa Donetz và Luhansk là bước đầu của đường lối bành trướng lãnh thổ theo gương Stalin hơn là các Nga hoàng của dòng Romanov. Dòng Romanov né tránh sự đụng chạm các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Hòa Lan vì các nước này là những nước kỹ nghệ có trình độ khoa học kỹ thuật cao hơn Nga. Về quân sự họ có hạm đội tối tân và hùng mạnh. Về phương diện thương mại họ có những đội thương thuyền to lớn lưu thông trên các đại dương. Ɖó là lý do tại sao các Nga hoàng chọn sự đông tiến. Họ chiếm vùng Tây Bá Lợi Á mênh mông rộng 13 triệu km2. Họ gặp thuận lợi vì Trung Hoa suy yếu dưới sự thống trị của nhà Thanh (Qing), một vương triều Mãn Châu. Trong việc tìm biển và nới rộng lãnh thổ bất ngờ họ gặp một đối thủ nhỏ hơn, có trình độ kỹ thuật thấp hơn họ vào thế kỷ XIX. Nhưng sau khi canh tân theo các nước phương Tây, nước này đã đánh bại Nga tơi bời vào năm 1904 và 1905. Ɖó là Nhật Bản dưới thời Meiji Tenno (Minh Trị Thiên Hoàng).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Xi Jinping gặp nhau trước Thế Vận Hội Mùa Ɖông
ở Beijing trong khi Nga chuẩn bị xua quân xâm lăng Ukraine vào tháng 02- 2022
(Ảnh: Alexei Drazhinin/TASS)
Stalin ở thế thượng phong đối với Mao Zedong. Putin không được như vậy đối với Xi Jinping vì ngày nay Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự. Liên Bang Nga chỉ là một cường quốc quân sự không có tương lai tươi sáng vì thiếu một nền kinh tế phồn vinh. Cuộc xâm lăng Ukraine năm 2022 của Putin cho thấy Nga bị sa lầy ngay trong những ngày đầu xâm lược. Trước khi xâm lăng Ukraine Putin phải sang Trung Quốc gặp Xi Jinping. Sự kiện này nhắc lại chuyện Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình) thông báo cho tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter biết trước khi tấn công Việt Nam năm 1979. Như vậy Xi Jinping là người đầu tiên được biết và tán đồng sự xâm lăng của Nga ở Ukraine (24-02-2022). Ɖó là một điểm yếu của Putin.
Quân xâm lăng Nga không đạt được những chiến thắng quân sự chớp nhoáng nào. Họ gặp phải một nhà lãnh đạo Ukraine kiên cường, từ chối việc trốn chạy để được yên thân, sẵn sàng chấp nhận cùng chết với quê hương và đồng bào mình. Ngay từ những ngày đầu xâm lăng Putin đã biết mình thất bại nên nhiều lần lên tiếng đe dọa dùng bom nguyên tử! Ɖó là cách nói mạnh bạo của người lãnh đạo chủ quan mình sẽ thắng trận dễ dàng nhưng bị thiệt hại nặng nề trên chiến trường nên phải gỡ gạc bằng những lời đe dọa. Ông Putin quên rằng nhân loại đang sống trong thế kỷ XXI khác xa với thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trong quá khứ gần này nhiều dân tộc trên thế giới chưa có và chưa biết sử dụng súng ống. Năm 1873 Francis Garnier chỉ đem 180 quân mà đánh chiếm Bắc Kỳ. Thành Ninh Bình với 3.000 quân phải đầu hàng trước 7 người lính Pháp có súng lửa. Những mẩu chuyện như trên không được tìm thấy trong cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine. Người Ukraine không xa lạ với việc sử dụng võ khí tối tân, xe tăng, phi cơ, đại bác v.v.. Họ có người lãnh đạo can đảm và yêu nước khiến họ không thể nhút nhát vì hèn nhát hay vì thiếu dũng cảm và lòng yêu nước. Họ được sự hỗ trợ tinh thần và vật chất từ nhiều nước trên thế giới lên án sự xâm lăng của một đại cường quốc vào một quốc gia thành viên của LHQ. Anh, Hoa Kỳ, Do Thái và đa số các quốc gia NATO hay EU đều giúp võ khí, xe tăng, phi cơ không người lái cho Ukraine. Dĩ nhiên họ cung cấp cho Ukraine nhiều tin tức tình báo quan trọng. Trong một thời gian ngắn Nga đã mất hàng chục tướng tá.
Trong thời đại ngày nay thế giới ta sống là thế giới có luật pháp. Chuyện “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng” giảm cường độ của nó rất nhiều. Nga bị trừng phạt kinh tế. Chiến tranh càng kéo dài càng gây kiệt quệ cho nước xâm lăng (Nga) và nước bị xâm lăng (Ukraine). Nga phô bày sự yếu kém về hành quân, tiếp tế lương thực, võ khí v.v. lẫn sự yếu kém của võ khí của Nga trước các loại võ khí khác nhau mà các nước Tây Phương viện trợ cho Ukraine. Putin phải nhờ đến lính đánh thuê Chechnya, Wagner, Syria và thương thuyết viện trợ lúa mì cho Bắc Hàn đổi lấy việc đưa quân Bắc Hàn sang chiến trường Ukraine. Ɖể đền ơn Putin giúp đỡ trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko sẵn sàng đưa quân sang Ukraine hỗ trợ cho cuộc xâm lăng của Putin. Với cuộc xâm lăng năm 2022 của Nga, thế đứng của Putin lu mờ trước chủ tịch Xi Jiping của Trung Quốc, tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Ali Khamenei, lãnh tụ Tối Cao của Iran.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp giáo chủ Iran Ali Khomenei vào tháng 07-2022 ở Teheran
khi đến vận động Iran hỗ trợ võ khí cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine (Ảnh: Reuters)
Thế không thắng không bại mà bị thiệt hại vật chất lẫn tinh thần sẽ không có lợi gì cho nền kinh tế của Liên Bang Nga trước sự trừng phạt và cô lập của các nước Tây Phương và nhiều nước khác. Trước kia kinh tế của Nga đưa vào việc xuất cảng lúa mì, hột hướng dương, dầu khí, than đá, vàng, võ khí (súng ống, phi cơ chiến đấu, xe tăng v.v.). Ɖể có ngoại tệ nuôi dưỡng chiến tranh ở Ukraine, Nga phải bán dầu với giá rẻ cho Trung Quốc và Ấn Ɖộ. Quốc gia mua dầu của Nga e ngại sự cảnh cáo của Hoa Kỳ vì đó là một hình thức giúp đỡ phương tiện xâm lăng cho Nga. Các nước láng giềng của Nga bị cắt nguồn dầu. Thụy Sĩ hưởng ứng sự trừng phạt Nga bằng cách không mua vàng của Nga. Vài quốc gia không mua võ khí của Nga nữa vì lệnh cấm vận và vì hiệu năng kém cỏi của chúng được tìm thấy trong cuộc chiến Ukraine. Hai nước Phần Lan và Thụy Ɖiển lo sợ Nga xâm lăng nên vội vã xin gia nhập vào NATO. NATO bành trướng ảnh hưởng lên Bắc Âu với hàng ngàn cây số biên giới chung với Nga. Liên Sô đã đại bại ở Afghanistan. Nga khó đạt chiến thắng như mong mỏi ở Ukraine. Kéo dài cuộc xâm lăng càng bị cộng đồng thế giới cô lập, kinh tế càng suy sụp phải mất hàng chục năm mới ổn định lại. Mở rộng chiến tranh sang các quốc gia vùng Baltic hay Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Ɖiển càng tạo thêm nhiều rối rắm giữa lúc Nga rơi vào cảnh cô đơn và tàn lụn.
***
Trung Quốc muốn bành trướng xuống Ấn Ɖộ Dương-Thái Bình Dương, kiểm soát tài nguyên trên hàng triệu cây số vuông biển đảo và sự lưu thông hàng hải nối liền Âu Châu-Á Châu, Ɖông Nam Á-Nam Thái Bình Dương, Ɖông Nam Á-Ɖông Bắc Á, Mỹ Châu-Tây Thái Bình Dương. Xi Jinping (Tập Cận Bình) có tham vọng tái thiết lập đường Tơ Lụa và đường Hương Liệu thời Trung Cổ, lập lại chiến tích quân sự và bành trướng lãnh thổ thời Hán, thời Ɖường xa xưa. Ông có đủ mọi điều kiện cần thiết để thực thi kế hoạch bành trướng khắp thế giới:
Ɖể thực hiện mộng đế quốc muộn màng và lỗi thời, Trung Quốc gặp các đối thủ như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Ấn Ɖộ, Úc Ɖại Lợi, Tân Tây Lan, Pháp (có quyền lợi ở New Caledonia). Trong 10 quốc gia ASEAN không có quốc gia nào ra mặt chống Trung Quốc, kể cả Indonesia, quốc gia rộng lớn và đông dân nhất ở Ɖông Nam Á.
Việt Nam chẳng những thân Trung Quốc vì cùng theo chủ nghĩa Cộng Sản mà còn phải tôn trọng Bốn Tốt và 16 chữ vàng do Beijing đưa ra sau năm 1990.
Các tướng lãnh Miến Ɖiện từ năm 1958 đến nay luôn luôn sát cánh với Beijing.
Ảnh hưởng kinh tế-chánh trị của Trung Quốc càng ngày càng rõ nét ở Cambodia và Lào. Ɖó là cách Trung Quốc bao vây Việt Nam, một quốc gia Cộng Sản có 100 triệu dân, thiện chiến và thường ở trong trạng thái lúc thân, lúc oán với Trung Quốc.
Singapore là một đảo quốc rộng 733km2, so với 574km2 diện tích của đảo Phú Quốc, do ông Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu, 1923 - 2015), một người Hoa học ở Anh thành lập năm 1965. Singapore được thế giới kính trọng vì là một đảo quốc nhỏ, ít dân nhưng giàu có. Lợi tức đồng niên tính theo đầu người của Singapore cao hơn lợi tức đồng niên của cư dân Hoa Kỳ. Về phương diện chánh trị đảo quốc này thiên về Hoa Kỳ nhưng vẫn giữ liên hệ tốt đẹp với Trung Quốc.
Quần đảo Phi Luật Tân có hàng trăm triệu dân nhưng là một nước nghèo, nền dân chủ ấu trĩ khả dĩ là miếng mồi dễ nuốt của Trung Quốc nếu không có tàn dù an ninh của Hoa Kỳ.
Mã Lai và Brunei có phải là trở ngại lớn cho Trung Quốc trên bước đường bành trướng hàng hải của họ ở tây và nam Thái Bình Dương không? Câu trả lời có lẽ không khó lắm.
Khách quan mà nói Trung Quốc được nhiều thuận lợi về phương diện vị trí địa lý, nhân văn, kinh tế và quân sự từ Ɖông Bắc Á xuống Ɖông Nam Á. Ở Ɖông Bắc Á Trung Quốc gặp phải liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản-Nam Hàn. Nam Hàn vẫn còn nhớ những ngày không vui thời Nhật thuộc. Ở điểm này Nam Hàn có sự tương đồng tư tưởng với Trung Quốc. Nam Hàn cũng gắn bó với Trung Quốc về phương diện kinh tế. Hoa Kỳ và Nhật Bản là cây gai trong mắt Beijing. Sau khi bại trận Nhật không được phép phát triển kỹ nghệ quốc phòng.
Ɖường lối của Hoa Kỳ về vấn đề Taiwan (Ɖài Loan) rất mập mờ khó hiểu. Bề ngoài Hoa Kỳ luôn luôn cho rằng họ tôn trọng nguyên tắc “một nước Trung Hoa”. Hoa Kỳ không chủ trương Taiwan độc lập nhưng không muốn Trung Quốc thống nhất Taiwan bằng võ lực. Họ muốn giữ nguyên trạng nên vẫn duy trì liên lạc thương mãi với Taiwan kể cả việc bán võ khí cho đảo này. Dù là một đảo rộng 36.000km2 với 23 triệu dân, Taiwan có chánh phủ do dân bầu, có hiến pháp với ngũ quyền phân lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp, giám sát và khảo thí), có quốc kỳ (cờ Thanh Thiên Bạch Nhật) và quốc hiệu (Trung Hoa Dân Quốc – Republic of China). Kinh tế Taiwan có tầm quan trọng đặc biệt trên thế giới. Việc thống nhất Taiwan bằng quân sự không dễ dàng thực hiện trên thực tế. Nếu Taiwan rơi vào tay Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ mất sự tự do lưu thông hàng hải qua eo biển Taiwan.
Không phải biết sản xuất xe tăng, tàu bè, phi cơ, hỏa tiễn và bom nguyên tử là có thể làm chủ tình hình theo ý muốn của mình. Ɖiều đơn giản dễ hiểu là không phải biết nấu phở là thành công trong việc mở tiệm phở. Chuyện cọp dữ không đương cự nổi cáo bầy là nguyên lý bất di bất dịch với thời gian. Mọi dạng xâm lăng vào thời đại ngày nay đều bị cộng đồng thế giới lên án. Hy vọng thành công rất nhỏ ngoại trừ sự hủy diệt lẫn nhau bằng võ khí nguyên tử.
***
Iran (Ba Tư) từng là một đế quốc (Ɖế Quốc Achaemenid Empire hay Persian Empire) dưới thời Cyrus Ɖại Ɖế (600 - 530 tr. Tây Lịch), Darius Ɖại Ɖế (550 - 486 tr. Tây Lịch). Ɖế quốc Ba Tư bao gồm các quốc gia Trung Ɖông, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, môt phần bán đảo Á Rập. Chiến tranh giữa Ɖế quốc Ba Tư và Hy Lạp kéo dài từ năm 499 - 449 tr. Tây Lịch. Ɖế quốc Ba Tư bị Hy Lạp đánh bại trong trận hải chiến Marathon khét tiếng vào năm 490 tr. Tây Lịch.
Người Do Thái, cư dân Lưỡng Hà Châu, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đều nể sợ đế quốc Ba Tư vào thời cổ sơ. Mồ mả của tiên tri Daniel của Do Thái thời Cựu Ước nằm ở Susa trên lãnh thổ Ba Tư (Iran).
Năm 1979 chế độ quân chủ ở Iran bị lật đổ. Nền Cộng Hòa Hồi Giáo Iran ra đời.
Iran là một nước Hồi Giáo thuộc phái Shiite. Nếu ở quốc gia Cộng Sản người nắm quyền tuyệt đối trong nước hơn cả tổng thống hay thủ tướng là tổng bí thơ đảng Cộng Sản thì ở Cộng Hòa Hồi Giáo Iran người lãnh tụ tối cao sẽ là một giáo chủ (Ayatollah). Cộng Hòa Hồi Giáo Iran chống các nước phương Tây, nhất là Anh và Hoa Kỳ, và chống luôn các nước Hồi Giáo thuộc phái Sunni.
Trung Ɖông Hồi Giáo là vùng vô cùng phức tạp. Khí hậu nóng bức. Dầu hỏa dồi dào hơn nước ngọt và cây lương thực.
Hồi Giáo Sunni và Shiite đố kỵ nhau. Ở Trung Ɖông có ba nước Hồi Giáo ngấm ngầm tranh quyền lãnh đạo trong vùng. Ɖó là Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ là đế quốc Hồi Giáo cổ xưa (Sunni). Ɖế quốc Ottoman có quan hệ lịch sử với Nga. Sau đệ nhị thế chiến Thổ Nhĩ Kỳ gắn bó với Hoa Kỳ và không chống đối sự hiện diện của nước Do Thái ở Trung Ɖông như các nước Hồi Giáo khác. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Á Châu duy nhất là thành viên của NATO. Dưới thời tổng thống Erdogan Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO thân thiện với Nga, Iran và chánh quyền Hoa Kỳ của tổng thống Donald Trump (Cộng Hòa).
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan
và tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Teheran vào tháng 7-2022 (Ảnh: REUTERS)
Saudi Arabia (Sunni) là nơi phát xuất Hồi Giáo. Từ năm 1938 về sau Saudi Arabia là vương quốc phồn thịnh nhờ có nhiều giếng dầu. Quốc gia này là tổ đình của Hồi Giáo. Họ hành xử như thủ lãnh khối Hồi Giáo phái Sunni. Saudi Arabia có dòng lịch sử dài thân Hoa Kỳ. Khi Nga can thiệp vào việc bảo vệ tổng thống Syria Assad thành công năm 2015, Saudi Arabia bắt đầu thân thiện với Nga. Lần đầu tiên vua Salman xứ Saudi Arabia viếng Moscow. Nga và Saudi Arabia liên lạc khắng khít. Cả hai nước đều sản xuất nhiều dầu hỏa nhất thế giới. Saudi có vẻ thích đường lối cai trị cứng rắn của Putin hơn các nguyên tắc dân chủ, dân quyền và nhân quyền của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương theo đạo Christ (đạo Thiên Chúa hay Tin Lành). Ngoại trừ tổng thống Donald Trump, dư luận ở phương Tây xôn xao về vụ một ký giả tờ Washington Post người Saudi Arabia có thẻ xanh của Hoa Kỳ là Jamal Khashoggi, chết không tìm thấy vết tích ở toà lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018. Saudi Arabia không thiết lập tòa đại sứ ở Do Thái nhưng sau nhiều lần các quốc gia Á Rập bị Do Thái đánh bại, Saudi Arabia tương đối hòa dịu với Tel Aviv. Saudi Arabia và Do Thái có chung mẫu số chánh trị: chống Iran.
Cộng Hòa Hồi Giáo Iran chống đối Saudi Arabia và Do Thái mãnh liệt. Iran tìm đường ra Ɖịa Trung Hải với ý nghĩ là quốc gia lãnh đạo khối Hồi Giáo chống sự hiện hữu của Do Thái ở Trung Ɖông, địa bàn của người Hồi Giáo. Chủ nghĩa anh hùng Iran đụng độ với chủ nghĩa anh hùng Saddam Hussein. Chiến tranh Iran-Iraq bùng nổ bất phân thắng bại (1980 - 1988). Saddam Hussein xâm lăng Kuwait và bị liên quân các nước dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ đánh đuổi. Sau một tháng giao tranh chỉ có 79 quân sĩ liên minh tử trận (1991).
Chủ nghĩa anh hùng Iraq bị dập tắt. Năm 2003 liên quân Anh-Hoa Kỳ tấn công Iraq. Saddam Hussein bị bắt và bị xử treo cổ vào năm 2006.
Dưới thời cai trị của Saddam Hussein các lãnh đạo Hồi Giáo phái Shiite ở miền Nam bị đàn áp. Họ chạy sang Iran để lánh nạn. Saddam Hussein bị lật đổ, Hoa Kỳ chọn các lãnh đạo Hồi Giáo Shiite ở miền Nam Iraq lập chánh phủ.
Bang giao giữa Iran-Hoa Kỳ bị gián đoạn kể từ năm 1979. Cộng Hòa Hồi Giáo Iran và Iraq bất hòa nhau. Saddam Hussein không còn nữa. Chánh phủ Iraq do Hoa Kỳ yểm trợ là những người Hồi Giáo Shiite ở miền Nam có cảm tình với Iran. Năm 2011 Hoa Kỳ rút khỏi Iraq. Syria có nội chiến nhằm lật đổ nhà độc tài Assad. Tổng thống Assad theo Hồi Giáo Shiite trong một quốc gia đa số dân theo Hồi Giáo thuộc phái Sunni. Về phương diện chánh trị quốc tế ông theo đường lối của thân phụ ông là cố tổng thống Hafez al-Assad (1930 - 2000, tổng thống: 1971 - 2000), một sĩ quan không quân do Liên Sô đào tạo. Tổng thống Hafez al-Assad dựa vào Liên Sô để củng cố quyền hành và có chỗ dựa chống Do Thái. Syria nhường cảng Tartus cho Liên Sô. Tartus trở thành một quân cảng của Liên Sô và của Nga sau này.
Năm 2011 tồng thống Syria Bashar al-Assad gặp nguy khốn. Putin đưa quân vào Syria giúp Assad. Ɖó cũng là cơ hội để Iran giúp đỡ Assad bằng cố vấn và nhóm Hezbollah từ Lebanon vào. Từ thập niên 1980 Iran đã giúp cho Hezbollah hoạt động ở Libanon chống Hoa Kỳ và Do Thái. Hezbollah hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của người Palestine ở Gaza và West Bank. Iran như ngầm nói rằng các nước Hồi Giáo Sunni có tầm vóc như Ai Cập, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ không giúp cho kháng chiến quân Palestine nhưng Iran giúp họ qua trung gian Hezbollah mà họ tài trợ. Trong các quốc gia Hồi Giáo chống Do Thái từ ngày tuyên bố độc lập năm 1948 đến 1967, chỉ có Syria còn nuôi dưỡng hận thù với Do Thái sau khi mất đồi Golan năm 1967. Ɖó là chánh nghĩa mà Iran dùng để tiến ra các quốc gia Hồi Giáo ven Ɖịa Trung Hải. Iran yểm trợ cho Phong Trào Houthis ở Yemen. Khí thế của Houthis rất mạnh khiến Saudi Arabia và Hoa Kỳ phải bận tâm lo nghĩ.
Iran hăm he sản xuất bom nguyên tử khiến Do Thái phải nghĩ đến việc oanh tạc các lò nguyên tử của Iran. Do Thái ngày nay không nể sợ Iran như người Do Thái vào thế kỷ thứ V hay thứ VI trước Tây Lịch. Do Thái trên cơ Iran trong mọi lãnh vực hoạt động. Iran có thể gây rối cho Saudi Arabia nhưng, cho đến nay, chưa gây rối cho Do Thái được. Dù sao Cộng Hòa Hồi Giáo Iran cũng tạo cho mình một thế đứng ở Iraq, Syria, Lebanon với nhóm Hezbollah và ở Yemen với phong trào Houthis (Houthi: tên một bộ lạc và cũng là tên của thủ lãnh nhóm Houthis đã chết).
***
Nga, Trung Quốc và Iran tạo thành một liên minh đế quốc muộn màng và lỗi thời. Liên minh Nga-Trung Quốc-Iran là liên minh gắng gượng của ba nước có dòng lịch sử bất thân thiện không giống với liên minh Ɖức-Ý-Nhật trong đệ nhị thế chiến.
Vào đầu thế kỷ XX Nga từng chiếm một phần lãnh thổ của Iran ở miền Bắc nước này. Nga cùng các liệt cường Âu Châu chia cắt nước Trung Hoa từ Chiến Tranh Nha Phiến (1840) đến Bát Quốc Liên Quân (1901). Các quốc gia Á-Phi trong hội nghị Bandung năm 1955 mời Trung Quốc mà không mời Liên Sô vì họ xem Liên Sô là một quốc gia Âu Châu da trắng chớ không phải quốc gia bị các quốc gia Tây Phương cai trị và áp bức. Năm 1969 Liên Sô và Trung Quốc đánh nhau trên đảo Damansky (Trân Bảo) trên sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang) vẫn biết rằng cả hai nước đều là hai quốc gia Cộng Sản.
Về phương diện văn hóa và tôn giáo người Trung Hoa gọi Hồi Giáo Iran là Bái Nguyệt Giáo. Tín đồ Hồi Giáo không ăn thịt heo. Trái lại người ăn nhiều thịt heo nhất trên thế giới là người Trung Hoa. Trung Quốc kết thân với:
Nhân loại có câu:
L’homme propose, Dieu dispose.
Man proposes, God disposes.
Mưu sự tại nhân.
Thành sự tại Thiên
Mưu tính tốt thuận ý Trời thì thành công.
Mưu tính tham lam, ích kỷ, tàn độc tất không hợp ý Trời thì phải thất bại.
Trục Nga-Trung Quốc-Iran, ba đế quốc muộn màng và lỗi thời, sẽ không đạt được thành quả gì ngoài việc rơi vào vũng lầy lịch sử của đệ nhất thế chiến nếu đại chiến bùng nổ. Sự kết thúc của cuộc đại chiến thứ nhất năm 1918 dẫn đến sự sụp đổ của:
Ba chế độc độc tài khác nhau ở Nga, Trung Quốc và Iran sẽ ra sao nếu đại chiến do họ gây ra kết thúc?
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/nhungdequocmuonmang.html