Phạm Ɖình Lân


Nga – Putin – Ukraine

.

Nước Nga là một nước Âu-Á rộng lớn nhất thế giới trải dài từ tây sang đông trên 11 múi giờ. Diện tích nuớc Nga trên 17 triệu km2 (51,5 lần lớn hơn Việt Nam). Riêng Tây Bá Lợi Á chiếm 13 triệu km2.

Người Nga tập trung ở phần Nga-Âu tức phía tây của dãy núi Urals. Từ dãy Urals đến bắc Thái Bình Dương gọi là Nga-Á hay Tây Bá Lợi Á (Siberia). Tây Bá Lợi Á rất thưa dân. Ɖó là nơi sinh sống của các giống người gốc Mông Cổ, Turkic hay Bắc Á hàn đới như người Buryats, Altaians, Chucki, Evenks, Khanty, Marisi, Nerets v.v.

***

Triều đại đầu tiên trên phần Nga-Âu bây giờ gọi là triều đại Rurik. Triều đại này do Rurik I lập ra. Rurik I ngự trị từ năm 862 đến năm 897. Rurik I thuộc tộc Varangians hay tộc Rus (gốc ở Bắc Âu?), sau này được xem là người Slav phương đông. Rurik I ngự trị trên xứ Kievan Rus. Ɖó là Rus Land, sau nới rộng và đổi thành Russia tức nước Nga.

Triều đại Rurik tồn tại 748 năm, tức từ năm 862 đến 1600.

Sau triều đại Rurik là triều đại Romanov (1613 - 1917). Dưới triều đại này vai trò của Moscow lấn áp Kiev. Vào thế kỷ XVII nước Nga bắt đầu bành trướng lãnh thổ sang Á Châu từ phía đông dãy Urals đến Bắc Thái Bình Dương. Trong quá trình bành trướng lãnh thổ và Chủ Nghĩa Bành Trướng Tộc Slavs (Pan-Slavism – 1848), các Nga hoàng dòng Romanov đụng chạm với Trung Hoa thời nhà Thanh (Qing), đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire), đế quốc Áo-Hung (Austro-Hungarian Empire) và gây sự chú ý của Anh và Pháp trong vùng Ɖịa Trung Hải khi chủ nghĩa bành trướng Slav tràn xuống bán đảo Balkans lúc ấy do đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thống trị. Anh, Pháp, vương quốc Sardinia Piedmont liên minh tấn công Nga trong chiến tranh Crimea (1854 - 1855). Sevastopol bị vây hãm 11 tháng mới thất thủ. Liên Minh Anh-Pháp-Sardinia Piedmont thắng trận.

Nước Nga rộng lớn nhưng chỉ có Hắc Hải ăn thông với Ɖịa Trung Hải. Biển phía bắc, Bắc Băng Dương, luôn luôn đóng băng nên tàu bè không lưu thông được. Biển Baltic cũng là biển miền ôn đới lạnh. Tàu bè từ Baltic ra Ɖại Tây Dương thì gặp hải quân Anh, Ɖức, Na Uy, Thụy Ɖiển. Muốn thông ra Ɖịa Trung Hải, từ Hắc Hải tàu bè Nga phải qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles, tức Gallipoll, do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Ra Ɖịa Trung Hải, họ gặp hải quân Anh. Họ không dùng kinh đào Suez do Anh kiểm soát để nối liền Ɖịa Trung Hải-Ấn Ɖộ Dương.

Vào hậu bán thế kỷ XIX Nga dòm ngó Mãn Châu và bán đảo Triều Tiên giữa lúc Trung Hoa suy yếu trầm trọng. Ngoài sự bành trướng lãnh thổ, họ đặc biệt quan tâm đến Hoàng Hải và Nhật Hải trong vùng Ɖông Bắc Á. So với các nước Tây Âu, kỹ nghệ của Nga còn ấu trĩ. Nhưng so với các nước Á Châu thì họ vẫn trội hơn nhiều. Nga xem thường Trung Hoa, một quốc gia to lớn và đông dân nhất thế giới bị các nước Tây Phương xâu xé. Họ không quan tâm nhiều đến Nhật Bản, một quốc gia Á Châu trên đường canh tân theo các nước Tây Phương. Sự chủ quan này dẫn họ đến sự bại trận chua chát trước Nhật Bản ở Mãn Châu (1904), rồi trong trận hải chiến ở Tsushima (1905).

Dưới triều đại Nga hoàng Nicholas II (1868 - 1918, Nga hoàng: 1894 - 1917) nước Nga rơi vào cảnh rối loạn xã hội, kinh tế và chánh trị. Dân chúng bất mãn triều đình không mang no ấm và tự hào dân tộc cho họ. Họ bất mãn bà hoàng hậu Alexandra Feodorovna, tức công chúa Alix xứ Hesse (Ɖức). Bất mãn Grigori Rasputin, một nông dân phù thủy lộng hành được triều đình chiều chuộng. Bất mãn vì Nga thất trận trước Nhật Bản năm 1904 và 1905; trước Ɖức trong đệ nhất thế chiến năm 1914 (bại trận Tanneberg thuộc Ɖông Phổ - Prussia – nay là Stebark, Ba Lan) và thiệt hại nhiều quân sĩ, tài, vật lực vào những năm 1915, 1916 trước quân Ɖức. Dân chúng Nga nổi dậy ở Petrograd (St Petersburg sau này là Leningrad) ngày 08-03-1917. Ngày 15-03-1917 Nga hoàng Nicholas II thoái vị. Chế độ quân chủ Sa hoàng (Tsarism) do dòng Romanov đại diện sụp đổ sau 304 năm ngự trị ở Nga. Sự sụp đổ của chế độ do Sa hoàng xảy ra sau khi Nga hoàng Nicholas II thoái vị gần 8 tháng trước khi Lenin thành công trong cuộc cách mạng tháng 10 (theo lịch Julian), tức ngày 07-11-1917 theo lịch Gregorian hiện hành. Năm 1918 Lenin ra lịnh xử bắn toàn thể gia đình Nga hoàng Nicholas II.

***

Tháng 4 năm 1917 Hoa Kỳ tham chiến trong đệ nhất thế chiến bên cạnh các quốc gia dân chủ Tây Âu chống Ɖức. Cán cân quân sự chao đảo trên mặt trận phía Tây. Ɖể dồn lực lượng củng cố mặt trận phía Tây, Ɖức cần giảm thiểu gánh nặng ở mặt trận phía đông Ɖức. Nga không mạnh nhưng là nước đông dân nhất ở Âu Châu nên không thể khinh xuất được. Muốn được yên ổn ở mặt trận phía đông, Ɖức giúp Lenin về nước lật đổ chính phủ lâm thời do Karensky lãnh đạo sau khi Nga hoàng Nicholas II thoái vị (15-03-1917).

Lenin là bí danh cách mạng của Vladimir Ilyich Ulyanov (1870 - 1924). Ông sinh trong gia đình trung lưu trí thức. Cha là người Nga. Mẹ mang dòng máu Do Thái và Thụy Ɖiển. Lenin hấp thụ tinh thần cách mạng từ người anh là Alexander Ulyanov, bị xử tử vì tham gia trong cuộc ám sát Nga hoàng Alexander II năm 1881. Lenin trả thù cho anh khi ra lịnh thảm sát toàn gia đình của Nga hoàng Nicholas II năm 1918.

Lenin đã biến nước Nga thành quốc gia Cộng Sản đầu tiên trên thế giới. Nhận thấy nước Nga chậm tiến so với các nước Tây Âu và Hoa Kỳ, ông không ngớt đề cao đến việc điện hóa, kỹ nghệ hóa và hệ thống tổ chức của Hoa Kỳ.

Là một quốc gia đặt dưới chế độ chuyên chế Sa hoàng, nước Nga chậm tiến về mọi mặt so với các nước dân chủ Tây Âu và Hoa Kỳ sau này. Bồ Ɖào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, rồi Anh, Pháp, Bỉ, Ɖức phát triển hàng hải và kỹ nghệ. Họ chiếm nhiều thuộc địa trên thế giới. Ɖể bắt kịp các đế quốc Phương Tây, Lenin nghĩ đến việc chinh phục thuộc địa mà không cần tàu bè, đại bác và xương máu người Nga bằng cách:

– Tự xem nước Nga Cộng Sản là ân nhân giúp các thuộc địa giải phóng, ít ra bằng lời.

– Thành lập COMINTERN năm 1919. Ɖó là Ɖệ Tam Cộng Sản Quốc Tế đào luyện các đảng viên Comintern để họ về nước hoạt động. Các đảng viên Ɖệ Tam Cộng Sản Quốc Tế đều có tên Nga, được Nga tài trợ, điều khiển, hoạt động cho quyền lợi của Nga và chịu kỷ luật nghiêm khắc của Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Trong thời kỳ Ɖại Thanh Trừng trong thập niên 1920 - 1930 nhiều đảng viên Comintern bị Stalin hành quyết. Trong khoảnh khắc thời gian khắp thế giới đều có đảng Cộng Sản và cờ đỏ Búa Liềm. Năm 1920 đảng Cộng Sản Pháp ra đời. Năm 1921 ở Trung Hoa, đảng Cộng Sản được thành lập ở Shanghai (Thượng Hải). Năm 1925 đảng Cộng Sản Ấn Ɖộ ra đời. Người cán bộ Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh sau này), được huấn luyện ở Moscow năm 1924. Năm 1925 ông được chỉ định phục vụ cho Mikhail Markovich Gruzenberg dưới bí danh Borodin (1884 - 1951). Ông này là cố vấn của Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) trong thời kỳ Quốc-Cộng Liên Minh lần thứ nhất ở Quảng Châu (1925). Dưới bí danh Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc cùng Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lâm Ɖức Thụ (Nguyễn Công Viễn) thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ɖồng Chí Hội, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời ở Hong Kong vào năm 1930 sau này.

Năm 1918 Lenin bị ám sát. Ông thoát chết nhưng bị thương nặng và dưỡng bịnh ở ngoại thành Moscow cho đến khi chết (1924). Người thực sự điều hành nước Nga là Joseph Stalin (1879 - 1953), một người Georgia, làm tổng bí thơ đảng Cộng Sản Nga từ năm 1922 đến 1953. Stalin (Người Sắt Thép) là nhà độc tài Cộng Sản đã có những đóng góp lớn cho Nga sau 30 năm cầm quyền với:

- Kế hoạch ngũ niên phát động vào năm 1928 nhằm đẩy mạnh việc kỹ nghệ hóa nước Nga. Sau kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất Liên Sô trở thành cường quốc kỹ nghệ hạng nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ.

- Sự thành lập Liên Sô (USSR – Soviet Union – Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết). Liên Sô có 15 nền Cộng Hòa: Nga, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine, Uzbekistan.  Diện tích:  22,4 triệu km2.  Dân số năm 1989: 287 triệu người. Dân chúng ở các Cộng Hòa Sô Viết được Nga hóa (Russification), có tên Nga, học và nói tiếng Nga. Sau 1991 các Cộng Hòa Sô Viết trên mới độc lập với Nga.

Vị trí Ukraine trong bản đồ Liên Sô (Ảnh internet)

- Góp phần cùng Hoa Kỳ và Anh vào việc đánh bại phe Trục Ɖức-Ý-Nhật. Sau đệ nhị thế chiến Liên Sô bành trướng ảnh hưởng sang các nước Ɖông Âu như Ɖông Ɖức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary (Hung Gia Lợi), Romania (Lỗ Ma Ni), Bulgaria (Bảo Gia Lợi) và Albania. Tổng cộng lối 876.000 km2. Sau năm 1989 các nước này mới độc lập khỏi gông cùm của Liên Sô. Liên Sô là đồng minh bất đắc dĩ trong đệ nhị thế chiến. Một ngày trước khi Ɖức tấn công Ba Lan mở đầu đệ nhị thế chiến, Liên Sô và Ɖức Quốc Xã ký hiệp ước bất tương xâm (31-08-1939) để cùng chia xẻ Ba Lan và Phần Lan cùng dòm ngó ba tiểu quốc trên biển Baltic (Latvia, Lithuania và Estonia). Khi Ɖức tấn công Liên Sô năm 1941 thì Stalin ra lịnh ký hiệp ước bất tương xâm với Nhật (1941) để được yên ở mặt trận Thái Bình Dương. Khi Hoa Kỳ dội trái bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki ngày 09-08-1945 thì Liên Sô xua quân đánh Nhật ở Mãn Châu để góp phần chiến thắng. Khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, Liên Sô lấy lại phân nửa đảo Sakhalin phía nam đã nhượng cho Nhât sau khi bại trận năm 1905 theo tinh thần hiệp ước Portsmouth và chiếm quần đảo Kurils của Nhật.

Những kết quả trên do Stalin mang về cho Nga sau khi ông nhảy múa trên hàng triệu xác chết của người Nga. Chết trong nạn đói 1921 - 1923; chết trong cuộc đàn áp phú nông (kulags); chết trong nạn đói Holodomor (nhân tạo) ở Ukraine năm 1932 - 1933; chết trong các trại tập trung lao động (Gulags) vì lao động khó nhọc, thiếu ăn, thiếu thuốc men, thiếu phương tiện ngự hàn trong vùng hàn đới Tây Bá Lợi Á và cuối cùng chết trong đệ nhị thế chiến.

Số quốc gia Cộng Sản gia tăng trên thế giới thời hậu đệ nhị thế chiến: Trung Hoa (1949), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt – 1954), Cuba (1959), Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (Việt Nam thống nhất – 1975), Cambodia, Lào (1975), Angola, Ethiopia, Mozambique (1975).

Số quốc gia Cộng Sản gia tăng làm cho Liên Sô mang nhiều gánh nặng giữa lúc kinh tế Liên Sô trong trạng thái èo uột. Năm 1949 khi hay tin Mao Zedong chiếm lục địa Trung Hoa, Stalin có vẻ không vui vì sẽ cưu mang một nước Cộng Sản nghèo nàn và đông dân nhất thế giới giữa lúc Liên Sô bị Ɖức tàn phá nặng nề trong đệ nhị thế chiến. Thành quả của kế hoạch ngũ niên bị tàn phá sạch. Không cưu mang thì không xứng đáng là quốc gia đàn anh. Thật là khó khi phải cưu mang Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông), một lãnh tụ có nhiều dấu hiệu bất phục tùng Stalin. Sau khi Stalin mất, khối Cộng Sản rạn nứt với hai trục ảnh hưởng: Moscow và Beijing (Bắc Kinh).

Moscow theo chủ nghĩa Marx-Lenin.

Mao Zedong tự khai sinh chủ nghĩa Mao (Maoism).

Năm 1969 Liên Sô và Trung Quốc đánh nhau trên đảo Damansky mà Trung Quốc gọi là Chen Bao (Chân Bảo). Năm 1978 Cộng Sản Việt Nam tấn công Cộng Sản Cambodia theo chủ nghĩa Maoism. Năm 1979 Trung Quốc tấn công Cộng Sản Việt Nam ngoài biên giới. Năm 1988 họ chiếm một phần quần đảo Trường Sa.

Sau khi Stalin mất, Liên Sô có thêm năm tổng bí thơ đảng. Trong năm vị này có hai vị là người Ukraine: Nikita Khrushchev, tổng bí thơ từ 1953 đến 1964 và Leonid Brezhnev, tổng bí thơ từ năm 1964 đến 1982.

Nikita Khrushchev (1884 - 1971) hạ bệ Stalin, dời mộ của nhà độc tài này ra khỏi Quảng Trường Ɖỏ. Năm 1956 ông trao trả bán đảo Crimea cho Ukraine. Bán đảo này đã được sát nhập vào Nga năm 1783 dưới thời nữ hoàng Catherine II. Lúc ấy Crimea do đế quốc Ottoman kiểm soát.

Leonid Brezhnev (1906 - 1982) làm tổng bí thơ đảng từ năm 1964 đến 1982. Năm 1969 Liên Sô và Trung Quốc đánh nhau trên đảo Damansky trên sông Hei Long Jiang (Hắc Long Giang). Năm 1979 Liên Sô xua quân xâm lăng Afghanistan. Họ gặp phản ứng bất lợi về phía Hoa Kỳ và các nước dân chủ đồng minh Tây Phương. Cuộc xâm lăng Afghanistan tổn hại uy danh, tài, vật lực của Liên Sô. Kinh tế Liên Sô cạn kiệt. Liên Sô bị du kích Afghanistan đánh bại phải rút quân về nước dưới thời tổng bí thơ Mikhail Gorbachev (tổng bí thơ: 1985 -– 1991). Các nước chư hầu của Liên Sô ở Ɖông Âu nổi lên đòi thoát khỏi gông cùm Liên Sô (1989). Năm 1991 Liên Sô hoàn toàn sụp đổ. Chế độ Cộng Sản thống trị ở Nga 74 năm liền.

***

Xã hội Nga sau 1991 rất hỗn loạn. Tệ nạn du đảng hoành hành. Thanh niên nghiện rượu gia tăng. Kinh tế Nga rỗng nát. Sự chuyển mình từ kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường không dễ dàng, trơn tru đối với tân chánh quyền.

Boris Yeltsin (1931 - 2007) được bầu làm tổng thống trong nhiệm kỳ 5 năm (1991 - 1996). Ông là người gan dạ hơn là người của tình thế. Các dân tộc vùng Caucasus đòi độc lập. Chiến tranh bùng nổ ở Chechnya và Dagestan. Liên Bang Nga chỉ còn 17 triệu km2 so với 22,4 triệu km2 thời Liên Sô. Sự độc lập của các nước Ɖông Âu khiến Nga mất ảnh hưởng trên không gian rộng 867.000km2.

Boris Yeltsin có vẻ yếu thế trước Hoa Kỳ. Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai vào năm 1996 ông học rất nhiều kỹ thuật vận động bầu cử của Hoa Kỳ để được tái đắc cử. Dân chúng Nga có vẻ mất tin tưởng nơi ông mặc dù họ bầu cho ông thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Tệ nạn xã hội gia tăng chớ không giảm. Khủng hoảng dân chủ ngày càng sâu rộng. Sức khỏe của ông Yeltsin kém đi nhiều vì rượu. Ông bị nhiều tai tiếng. Năm 1999 ông chọn Vladimir Putin làm người kế vị để ông này ân xá cho ông.

Boris Yeltsin và Putin – 31- 12 -1999 (Ảnh: https://www.rferl.org/)

Vladimir Putin (1952 - ) là một trung tá KGB hoạt động tình báo quốc ngoại ở Ɖông Ɖức. Ông xuất thân trong một gia đình lao động nghèo. Mẹ là công nhân. Cha là lính trưng binh phục vụ Hải Quân Liên Sô vào thập niên 1930. Ông nội ông là Spiridon Putin, nấu bếp cho Lenin và cho Stalin sau khi Lenin mất.

Putin là sĩ quan KGB trung cấp nói tiếng Ɖức trôi chảy. Ông học luật từ năm 1970 đến 1975. Sở thích của ông là đọc sách về Marx và Lenin. Ɖiều đó cho thấy ông là tổng thống ngoài XANH trong ƉỎ sau khi chế độ Cộng Sản không còn nữa. Ông ngưỡng mộ nhà độc tài Stalin. Ngày 09-05 là ngày lễ lớn đối với ông. Ɖó là ngày kỷ niệm chiến thắng của Hồng Quân Liên Sô trước Ɖức Quốc Xã. Vào ngày này hàng năm ông ra lịnh tổ chức những cuộc diễn binh rầm rộ với những chiến xa nặng, những giàn hỏa tiễn, phi cơ chiến đấu và đủ các binh chủng ăn mặc lộng lẫy đi diễn hành theo bước chân ngỗng giữa rừng cờ đỏ búa liềm và tiếng quân nhạc thời đệ nhị thế chiến.

Nước Nga là một nước khép kín và tự cô lập với thế giới bên ngoài. Trải qua các chế độ chánh trị ở Nga từ triều đại Romanov, Cộng Sản đến thời hậu Cộng Sản, người dân Nga rất xa lạ với Tự Do và Dân Chủ. Nước Nga được bảo vệ bởi những tảng băng dày đặc và tinh thần yêu nước bảo thủ của dân chúng. Họ quí trọng “người hùng”. Putin đã đáp ứng sự nể trọng đó khi chú trọng đến sức mạnh cơ bắp, đánh võ Judo, cưỡi ngựa, cưỡi mô-tô, lái tàu đi câu cá, cởi trần giữa mùa đông giá lạnh v.v.. Ɖể có quần chúng ủng hộ, ông ve vãn Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Giáo Hội xem Putin là người con cưng của Giáo Hội. Trước 1991 ông là người Cộng Sản. Sau 1991 ông xa lánh đảng Cộng Sản vì thừa biết dân chúng Nga không thích đảng này mặc dù trên thực tế, những điều ông làm đều tiềm tàng phương thức hành động của mật vụ KGB Cộng Sản.

So với Yeltsin, Putin năng động hơn, bí hiểm hơn và làm việc hiệu quả hơn. Ông chấn chỉnh nền kinh tế Nga, gia tăng việc xuất cảng dầu khí, than đá, mang chiến thắng về cho Nga trong chiến tranh Chechnya lần thứ hai. Ông làm thủ tướng và xử lý chức vụ tổng thống trong một thời gian ngắn vào năm 1999. Năm 2000 ông đắc cử tổng thống Liên Bang Nga một cách dễ dàng. Năm 2004 ông tái đắc cử nhiệm kỳ 2 (2004 - 2008). Theo hiến pháp Liên Bang ông không được quyền ra tranh cử sau hai nhiệm kỳ tổng thống. Sau 8 năm làm tổng thống, ông củng cố uy thế cá nhân vững chắc. Putin đưa thủ tướng Dmitry Medvedev ra tranh cử tổng thống. Ông trở lại giữ chức thủ tướng Liên Bang Nga (2008 - 2012). Ɖó là thời kỳ thủ tướng trị vì vì chính Putin tạo chức tổng thống cho Medvedev khi ông này ở vào tuổi 43.

Ɖể chuẩn bị ra tranh cử tổng thống vào năm 2012, Quốc Hội biểu quyết kéo dài nhiệm kỳ tổng thống lên 6 năm, thay vì 4 năm. Năm 2018 ông đắc cử thêm nhiệm kỳ 2018 - 2024. Ông kỳ vọng giữ chức tổng thống đến năm 2036. Lúc ấy ông sẽ được 84 tuổi.

Putin tìm cách phô trương thanh thế trên chánh trường quốc tế: ngăn ngừa sự Ɖông Tiến của NATO, tìm mọi cách ngăn chận Ukraine, Georgia gia nhập NATO. Putin quan tâm đến Kazakhstan và các cựu Cộng Hòa Sô Viết ở Trung Á trước sự dòm ngó và bành trướng của Trung Quốc. Nga bán phi cơ và võ khí cho các nước Ɖông Nam Á để tự vệ trước sự đe dọa càng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, phát huy và cố gắng duy trì ảnh hưởng của Nga ở Trung Ɖông (Syria, Iraq), Bắc Phi (Libya), Mỹ Châu (Cuba, Venezuela). Nga cung cấp dầu khí, than đá cho các nước ở Âu Châu và hai quốc gia đông dân nhất thế giới: Trung Quốc và Ấn Ɖộ. Hai nước đông dân nhất thế giới là hai nước thù nghịch nhau nhưng cả hai đều mua phi cơ và võ khí do Nga sản xuất. Tự ái dân tộc Nga được toại nguyện.

Theo gương Stalin, Putin trở thành nhà độc tài mặc áo gấm ở Nga. Ông muốn làm tổng thống đời đời như Stalin. Ông hơn Stalin về tài sản. Elon Musk, người tỷ phú hàng đầu thế giới với 267 tỷ Mỹ kim, cho rằng ông Putin có nhiều tiền hơn ông! Ông có phi cơ, du thuyền, nhiều xe hơi và nhà nghỉ mát lộng lẫy như cung điện vua chúa trị giá 1 tỷ Mỹ kim v.v.. Lãnh đạo giàu tiền bạc và tài sản, ăn mặc chải chuốt nhờ quyền hành khó trở thành anh hùng đất nước.

Ông Georges Washington, quốc phụ của Hoa Kỳ, là người giàu có trước khi chỉ huy quân cách mạng và được bầu làm tổng thống. Ông không bám quyền hành để vĩnh cửu ngôi vị. Thành tích của ông trong chiến tranh cách mạng và lập quốc Hoa Kỳ cũng như tư cách đáng kính của ông khi từ chối không ra tranh cử lần thứ ba mặc dù có sự thỉnh cầu của dân chúng và hiến pháp thời bấy giờ không giới hạn nhiệm kỳ tranh cử của tổng thống, khiến cho ông xứng đáng với danh tước Quốc Phụ Hoa Kỳ.

Putin cố tạo thành tích để được lưu danh “anh hùng” bằng cách kết thân với các nhà độc tài trên thế giới, can thiệp quân sự vào Nam Ossetia và Abkhazia (2008) của Georgia, tận tình giúp đỡ cho nhà độc tài Assad ở Syria, chi phối Belarus, Moldovia, chi phối chánh trường Ukraine v.v..

***

Sau năm 1991 Ukraine tuyên bố độc lập và trở thành một quốc gia thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Phần đất rộng 600.000 km2 này xuất hiện trong lịch sử thế giới vào thế kỷ IX, đặt nền móng cho cuộc Ɖông Tiến và hình thành nước Nga (Russia). Giữa Ukraine và Nga có vài điểm tương đồng:

Dù vậy, hai dân tộc Nga và Ukraine là hai dân tộc láng giềng không mấy thân thiện nhau. Sau khi Liên Sô sụp đổ, các nước Ɖông Âu được độc lập vội vã xin gia nhập Liên Âu (EU) và NATO. Nga kềm chế không cho Ukraine, Georgia gia nhập NATO. Khuynh hướng thân Liên Âu và NATO ở Ukraine dâng cao. Dân chúng Kiev nổi lên lật đổ tổng thống thân Nga là Victor Yanukovych (1950 - ). Ông này chạy trốn sang Nga (22-02-2014) trong khi ở Donbass dân chúng nói tiếng Nga muốn tách rời Donetsk và Luhansk ra thành hai xứ Cộng Hòa khỏi Ukraine như Nam Ossetia và Abkhazia ở Georgia. Putin xua quân vào bán đảo Crimea và biến vùng đất rộng 26.000km2 này thành một nước Cộng Hòa sát nhập vào Liên Bang Nga mặc dù thế giới vẫn xem Crimea là một phần lãnh thổ phía nam của Ukraine.

Gặp gỡ lần đầu giữa Tổng thống Ukraine Zelenski và Putin ở Paris vào tháng 12 năm 2019 (Ảnh ANP)

Sát nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga năm 2014, Nga bị Hoa Kỳ và các nước Liên Âu trừng phạt kinh tế. Nga bị loại ra khỏi G8. Nhưng các biện pháp chế tài này không làm cho Nga suy suyển. Nga liên kết với Iran gây ảnh hưởng ở Syria và Iraq để tạo thế đứng vững mạnh trên bờ Ɖịa Trung Hải.

Việc Nga sát nhập Crimea cùng giúp đỡ cho Donetsk và Luhansk trong vùng Donbass thành lập Cộng Hòa Tự Trị làm cho các quốc gia vùng Baltic lo sợ vì ở các nước này có một tỷ lệ người Nga khá đông.

Trong nước Putin loại bỏ đối lập dễ dàng. Các tỷ phú chống ông đều bị “bịnh khó chữa”, bị tù hay trốn ra nước ngoài để được yên thân. Putin tự biên tự diễn trên sân khấu chánh trị Nga. Khi thì làm thủ tướng. Khi thì làm tổng thống rồi trờ về làm thủ tướng, sau đó làm tổng thống nhiệm kỳ 6 năm thay vì 4 năm. Và bây giờ muốn làm tổng thống đời đời đến khi không còn đi đứng được nữa.

Ɖối ngoại: các nước trên thế giới e dè ông Putin vì ông sở hữu gần 7.000 trái bom nguyên tử, võ khí giết người hàng loạt, vô số phi cơ, xe tăng, tàu chiến và những túi dầu không lồ nhất thế giới cùng tính hiếu chiến của ông. Các nước dân chủ sợ bom nguyên tử lẫn sự chà đạp luật pháp, công lý và nhân đạo của các nhà lãnh đạo độc tài có lý lịch Cộng Sản như ông Putin.

Trong ba siêu cường hiện nay, Nga thua sút Hoa Kỳ và Trung Quốc về mặt kinh tế nhưng Putin là người làm cho Xi Jinping (Tập Cận Bình) và các vị tổng thống Hoa Kỳ e ngại nhất. Năm 2022 ông được 70 tuổi. Tuổi đời hoạt động không còn bao lâu nữa. Ông muốn theo gương Stalin nhưng cho đến nay ông chỉ thực hiện một cách èo uột 0,45% lãnh thổ mà Stalin đã mang lại cho Nga suốt 30 năm cầm quyền.

Từ năm 2016 đến 2020 Putin càng tự hào hơn khi được sự nể trọng của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người gọi ông là một thiên tài  khi xua quân tấn công Ukraine. Dưới thời tổng thống Trump liên lạc giữa Hoa Kỳ, NATO và G7 không nồng ấm. Ông Trump muốn G7 mời Nga trở lại G8 như trước năm 2014. Trong thâm tâm ông Putin và các người thân tín bên ông không ngừng nghĩ đến Alaska mà Nga hoàng Alexander II đã bán cho Hoa Kỳ năm 1867 với giá 7, 2 triệu Mỹ kim, tức 2 xu/acre (acre: 4.048 m2), tức khoảng 127 triệu Mỹ kim theo thời giá.

Putin nghĩ đến việc tấn công Ukraine vì được khích lệ bởi:

Dưới mắt ông Putin và người bàng quan việc Nga đánh bại Ukraine dễ dàng là chuyện hiển nhiên. Nga có 140 triệu dân, Ukraine có 40 triệu dân. Nga là cường quốc quân sự ngang hàng với Hoa Kỳ. Nga là cường quốc nguyên tử, là quốc gia sản xuất và bán võ khí quan trọng trên thế giới. Ukraine xem như mới độc lập sau năm 1991. Mọi tổ chức còn non trẻ. Nga có nhiều thuận lợi khi đánh Ukraine:

1- Ukraine là xứ rộng lớn nhất ở Ɖông Âu không phải là thành viên của Liên Âu hay NATO.

2- Nga có biên giới dài với Ukraine. Có nhiều người Nga hay người nói tiếng Nga ở phía đông nước này (Donbass) từng ngả theo Nga để thành lập Cộng Hòa Tự Trị như Nga đã làm ở Nam Ossetia và Abkhazia ở Georgia. Nga có lợi thế ở phía nam Ukraine với bán đảo Crimea, phía đông với Donbass (Donetsk và Luhansk) và phía bắc với đồng minh Belarus. Ɖó là chưa kể một số người Ukraine theo Nga.

Nga dồi dào vũ khí tối tân. Họ có nhiều phi cơ, hỏa tiễn, chiến xa nặng, tàu chiến phong tỏa và vô hiệu hóa tàu bè Ukraine trong biển Azov và Hắc Hải. Nga tin tưởng vào sự tất thắng dễ dàng của họ nên quân sĩ Nga tham chiến đều mang theo lễ phục để diễn binh chiến thắng trên lãnh thổ Ukraine. Vì vậy họ không quan tâm nhiều đến hậu cần (hay không đủ khả năng tổ chức hoàn chỉnh?).

Tất cả những điều trên đều sai thực tế  sau khi Nga khởi chiến ngày 24-02-2022. Sự xâm lăng Ukraine của Nga gặp phải sự đề kháng mãnh liệt của quân Ukraine. Lòng yêu nước nhiệt thành và quả cảm của tổng thống Volodymyr Zelensky ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu chống xâm lăng Nga của người Ukraine. Tổng thống Zelensky nổi bật trong chiến tranh Nga-Ukraine. Ông từ chối sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và các nước phương Tây để rời khỏi thủ đô Kiev khi cho biết ông cần sự giúp đỡ võ khí chớ không cần một cuộc quá giang để rời khỏi Kiev, dẫu biết rằng ông và gia đình ông là mục tiêu hủy diệt của Nga. Từ trong bóng tối sân khấu chánh trị quốc tế Zelensky sớm trở thành một vị lãnh đạo lỗi lạc được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Ông thành công trong việc chinh phục cảm tình của nhiều nước trên thế giới lên án và cô lập nước Nga.

Hình ảnh thành phố Mariupol của Ukraine bị tàn phá với
khu nhà máy thép Azovstal nơi binh sĩ Ukraine tử thủ (Ảnh: Reuters)

Putin đối đầu với phản ứng chống đối của thế giới còn lại vì với tư cách một cường quốc có quyền phủ quyết tại LHQ, Nga lại là nước xâm lăng một quốc gia thành viên LHQ. Các nước Liên Âu và NATO thấy an ninh và độc lập của họ bị đe dọa. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hòa Lan, Ba Lan, Nhật Bản, Úc Ɖại Lợi và các quốc gia Liên Âu khác lên án Nga cùng viện trợ vũ khí cho Ukraine chống xe tăng, phi cơ và trực thăng của Nga. LHQ lên án sự xâm lăng của Nga ờ Ukraine với 114 phiếu thuận. Các quốc gia bỏ phiếu trắng gồm có Trung Quốc, Ấn Ɖộ, Việt Nam, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO) v.v..

Trung Quốc hiện là đồng minh  của Nga. Trước khi đánh Ukraine, ông Putin sang Beijing gặp Xi Jinping.

Ấn Ɖộ là quốc gia có liên hệ ngoại giao khắng khít với Liên Sô từ thời chiến tranh lạnh. Chồng của con gái Stalin, Svetlana Alliluyeva (1926 -– 2011) là người Ấn Ɖộ, ông Kunwar Brajesh Singh, một đảng viên Cộng Sản Ấn Ɖộ. Họ gặp nhau ở Moscow năm 1963, yêu nhau và chung sống với nhau nhưng không có đám cưới. Năm 1966 Singh bị bịnh và mất ở Moscow. Bà Svetlana Alliluyeva đem tro cốt của ông về cho gia đình ở Ấn Ɖộ để rải trên sông Gange. Bà xem Singh như chồng của bà. Ấn Ɖộ hiện mua nhiều võ khí và dầu khí của Nga.

Tượng lớn nhất ở Việt Nam là tượng của Lenin, người mà Bác Hồ gọi là cha, thầy và cố vấn vĩ đại.

Trong thời chiến tranh lạnh Việt Nam và Cuba là hai nước Cộng Sản nhận nhiều viện trợ của Liên Sô.

Nhiều nước sợ uy của Nga nên không dám có ý kiến rõ ràng.

Ngay trong những ngày đầu chiến tranh Ukraine dùng chiến thuật du kích, trang bị bằng loại hỏa tiễn chống xe tăng, phi cơ của Hoa Kỳ và Anh để ngăn chận bước tiến của đội quân xâm lăng. Quân Nga giậm chân tại chỗ. Nhiều xe tăng bị bắn cháy nằm ngổn ngang trên đường. Quân sĩ Nga chạy tán loạn và trốn trong rừng. Không đầy một tháng Nga mất đi hàng chục tướng và tá. Nga không chiếm Ukraine chớp nhoáng như dự tính. Trái lại họ bị thiệt hại nhiều xe tăng, trực thăng, phi cơ và quân sĩ thương vong. Tinh thần binh sĩ Nga sa sút. Người ta ngạc nhiên khi thấy cách hành quân, chỉ huy và tiếp vận bệ rạc của Nga. Ɖã vậy họ còn bị dư luận thế giới lên án. Nóng mặt vì sự thất bại nặng nề trong những ngày đầu xâm lăng Ukraine, Putin không ngần ngại dùng võ khí nguyên tử đe dọa Hoa Kỳ, NATO và các nước Âu Châu giúp Ukraine. Putin phải nghĩ đến việc dùng lính đánh thuê ngoại quốc Chechnya, Syria và Phi Châu trong việc xâm lăng Ukraine.

Xe tăng và phi cơ Nga bị bắn cháy, đó là thành quả của những người anh hùng Ukraine vệ quốc.

Bom đạn và hỏa tiễn Nga tàn phá lâu đài, nhà cửa, gây chết chóc cho dân lành Ukraine là tội ác chiến tranh và diệt chủng của Putin trước dư luận quốc tế.

Bản đồ các vùng do Nga chiếm đóng và các mũi tấn công Ukraine trong tháng 4-2022 (Ảnh: BBC)

Tổng thống Joe Biden không đến nỗi buồn ngủ như ông Trump nói. Ông gọi ‘thiên tài” Putin là tội phạm chiến tranh, tên côn đồ. Ông kêu gọi G20 loại bỏ Nga. Ông sẽ không tham dự G20 tổ chức ở Indonesia nếu có sự hiện diện của ông Putin. Hoa Kỳ, các nước Liên Âu, Nhật Bản và Úc Ɖại Lợi trừng phạt Nga bằng cách loại Nga ra khỏi hệ thống liên ngân hàng Swift đặt trụ sở ở Bỉ (Swift: Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication); đóng băng, tịch thu tài sản của ông Putin và gia đình cùng các tỷ phú Nga ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine v.v.. Nhiều công ty ngoại quốc rút khỏi nước Nga. Phi cơ và thương thuyền Nga không được sử dụng phi trường và bến cảng của các nước dân chủ Tây Phương. Hoa Kỳ cảnh cáo Trung Quốc nếu tiếp sức cho Nga thì sẽ có những hậu quả như Nga đang gánh chịu.

Nga bị cô lập trên thế giới. 140 quốc gia lên án sự xâm lăng của Nga vào Ukraine, 93 quốc gia bỏ phiếu chấm dứt tư cách thành viên của Nga trong Hội Ɖồng Nhân Quyền LHQ. Hàng trăm nhân viên sứ quán Nga ở Liên Âu và Nhật Bản bị trục xuất vì hoạt động gián điệp. Riêng Lithuania trục xuất cả đại sứ Nga, tức không còn bang giao với Nga nữa. Dư luận thế giới như đang chờ ngày đưa tổng thống Putin ra Tòa Án Quốc Tế The Hague (tiếng Pháp: La Haye) như một tội phạm chiến tranh và tội diệt chủng sau vụ thảm sát thường dân ở Bucha, nhà ga xe lửa Kramatorsk v.v.. Putin có vẻ như chỉ còn tự do đi lại trong nước Nga mà thôi.

Sau một tháng đao binh, Putin không đạt kết quả như ước muốn. Không có cảnh diễn binh chiến thắng. Không có người Ukraine nghinh đón quân Nga xâm lăng mà có gần 4 triệu lão ông, lão bà, phụ nữ và trẻ con chạy giặc sang các nước láng giềng. Nga không chiếm được Kiev, không lật đổ được chánh phủ dân bầu do tổng thống Zelensky lãnh đạo. 

Nga không thắng nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn. Khả năng kéo dài cuộc chiến được bao lâu tùy theo kết quả của sự trừng phạt kinh tế tài chánh và thái độ của dân chúng Nga đối với Putin.

Ukraine đã phá vỡ mộng xâm lăng của Nga nhưng khói lửa vẫn còn bên những thành phố đổ nát vì hỏa tiễn và bom đạn của Nga. Ukraine kháng cự quân xâm lăng thành công nhờ sự lãnh đạo khéo léo, dũng cảm của tổng thống Zelensky, sự chiến đấu ngoan cường của người Ukraine yêu nước và yêu tự do cùng sự tán trợ tinh thần và giúp đỡ vật chất của các dân tộc yêu chuộng tự do, dân chủ, hòa bình và công lý. Không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến kéo dài?

Hoa Kỳ và các nước Liên Âu có trường kỳ viện trợ cho Ukraine không?

Tinh thần kháng chiến của dân Ukraine còn trường tồn theo thời gian như những ngày đầu chống xâm lăng không?

Putin chờ đợi Ukraine đầu hàng ở Mariupol để thỏa mãn tự ái cá nhân. Thành phố Mariupol trở thành đống gạch vụn. Hàng ngàn thường dân chết. Nhưng Ukraine không đầu hàng. Zelensky sẵn sàng chấp nhận trung lập hóa Ukraine với sự đảm bảo quốc tế. Ông cương quyết không nhìn nhận Crimea thuộc Nga và Luhansk, Donetsk là vùng tự trị theo ước muốn của Putin.

Putin rơi vào thế cọp lẻ gặp cáo bầy có sư tử và beo giúp sức. Ukraine chấm dứt uy danh của Nga khi đặt Putin vào thế tiến thoái cũng đều khó như nhau. Bản thân Ukraine cũng không thoát khỏi hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đang bao vây họ.

Vấn đề cuối cùng thời hậu Putin là nước Nga có chịu trách nhiệm về việc tái thiết Ukraine không? Ɖó là một con số thiệt hại không nhỏ đối với một nền kinh tế rỗng nát của Nga trong những ngày sắp tới.

Chim đại bàng có mắt sáng, bay cao và không ăn xác chết động vật. Ông Putin không phải là chim đại bàng (Il n’est pas un aigle) khi theo đường lối của hai chế độ đã chết ở Nga: chế độ Sa hoàng và chế độ Cộng Sản.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/ngaputinukraine.html


Cái Đình - 2022