Nguyễn thị Cỏ May
Lại chuyện nhơn quyền
.
Mỗi năm cứ tới ngày 10 tháng 12, người Việt nam Hải ngoại, tức ý muốn nói người Việt nam định cư trên khắp thế giới nhưng không phải là “nhơn dân” của nhà cầm quyền việt cộng hiện nay ở Việt nam, đều không quên kỷ niệm ngày Quốc tế Nhơn quyền. Bản Tuyên ngôn Nhơn quyền long trọng kêu gọi nhà cầm quyền các quốc gia trong Tổ chức LHQ hãy tôn trọng các quyền tự nhiên và không bao giờ mất giá trị của con người vốn có, không do nhà cầm quyền nào ban phát cho, như quyền Tự do, quyền sở hữu tài sản, quyền an ninh nhân thân và quyền chống lại áp bức của nhà cầm quyền
Nhưng những quyền này của người Việt nam ở trong xứ lại bị nhà cầm quyền cộng sản ở Việt nam kế tiếp nhau từ thời Hồ Chí Minh cho tới ngày nay là tên Nguyễn Phú Trọng vẫn thô bạo cướp đoạt có hệ thống nên người Việt nam, hơn ai hết, nhiệt tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhơn quyền rất trọng thể ở khắp nơi.
Vào đầu năm 1945, trước khi đệ nhị thế chiến kết thúc, 50 quốc gia đã tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế tại San Francisco, Hoa Kỳ, để ký kết Hiến Chương thành lập LHQ nhằm mục đích duy trì hòa bình, tránh đại thế chiền lần thứ ba mà bom nguyên tử có thể tiêu diệt quả địa cầu nầy.
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhơn Quyền được Đại Hội Đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1948 tại Paris, thủ đô nước Pháp (trong Palais de Chaillot, bên cạnh có Công trường Nhơn quyền, nơi người Việt Nam ở Pháp sẽ tổ chức biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhơn Quyền năm nay 2022 cũng như hằng năm từ sau 75), với 48 phiếu thuận, 6 phiếu trắng và không có phiếu chống.
Sự ra đời của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đánh dấu một bước tiến vô cùng lớn lao và quan trọng của cộng đồng nhân loại văn minh tuy bản văn không có giá trị cưỡng hành. Trong những nước không bỏ phiếu có Nam Phi vì kỳ thị chủng tộc (Apartheid), Arabie saoudite chống nam/Nữ bình đẳng, Nga, tức Liên-xô, không đồng ý về định nghĩ nhơn quyền. Tàu bỏ phiếu ủng hộ nhưng đó là Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới-thạch. Qua năm sau, Mao mới về tới Bắc-kinh.
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhơn quyền có giá trị phổ quát và không có quốc gia nào chống nhưng trên thực tế từ đó tới nay vẫn bị nhiều phê phán và nhìều vi phạm đẫm máu do các nhà cầm quyền độc tài ác ôn như Tàu, Nga, Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam và một số nước Phi châu,…
Bản Tuyên ngôn Nhơn quyền bị tranh cãi chỉ vì chánh kiến về tính phổ quát của nó hay còn vì quên đi người khai sanh ra nó?
Nhơn quyền của người cộng sản
Ngay từ lúc thành lập nhà cầm quyền Cộng hòa Nhơn dân Trung hoa, Mao Trạch-đông hoàn toàn phủ định nhơn quyền theo giá trị phổ quát. Họ cho rằng “không thể có bất cứ khái niệm nhơn quyền siêu giai cấp nào cả, bởi lẽ mọi lợi ích hiện thực đều có tính giai cấp, cho nên bất cứ quyền lợi nào phản ánh lợi ích ấy đều có tính giai cấp. Nếu không đúng như vậy thì “thứ gọi là nhơn quyền” đó chỉ là sản phẩm của giai cấp tư sản dùng làm công cụ lừa bịp nhơn dân, tô son trát phấn cho bộ máy cai trị của họ mà thôi”.
Không những các nhà lãnh đạo không bao giờ nói đến vấn đề nhơn quyền mà tất cả các văn bản pháp luật, kể cả Hiến pháp Trung Quốc, đều không có một lời nào về nhơn quyền. Từ ngữ nhơn quyền không xuất hiện trong mọi ấn phẩm, trừ một số sách lịch sử. Trên thực tế, các quyền tự do cơ bản của nhơn dân lao động đều bị hạn chế, nhứt là tự do ngôn luận, tự do lập hội, đảng. Những người không thuộc giai cấp công nông càng bị hạn chế hơn. Thành phần trí thức cũ, tư sản, người thuộc phái hữu thì bị tước bỏ mọi quyền tự do, thậm chí bị ngược đãi. Trong Cách mạng Văn hóa, họ bị chụp mũ “phái phản động” trong đó có rất nhiều công dân lương thiện, nhà cách mạng thật sự. Tất cả đều bị Hồng Vệ Binh đánh đập, tra tấn, xử tù, xử tử vô cùng dã man không theo bất cứ luật pháp nào.
Mãi đến đầu thế kỷ XXI, khái niệm nhơn quyền bắt đầu đi vào hệ thống từ ngữ của Đảng và Nhà nước Trung Quốc mà không bị tránh né như trước. Cuối năm 2002, Trung ương Đảng Cộng sản đề nghị viết điều khoản “Bảo vệ nhơn quyền của công dân” vào Hiến pháp. Trong kỳ họp tháng 2/2003, Quốc hội Trung Quốc thông qua đề nghị này.
Cuối cùng, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, vấn đề bảo đảm nhơn quyền được đưa vào Hiến pháp. Điều 33 Hiến pháp quy định: “Người nào có quốc tịch nước Cộng Hòa Nhơn Dân Trung Hoa đều là công dân nước Cộng Hòa Nhơn Dân Trung Hoa, bình đẳng trước pháp luật. Được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm nhơn quyền…” Điều 37 quy định: “… Bất cứ công dân nào cũng không bị giam giữ khi chưa có phê chuẩn hoặc quyết định của Viện Kiểm sát Nhơn dân hoặc quyết định của Tòa án Nhơn dân và do cơ quan công an thi hành…”.
Điều đó cho thấy quan niệm nhơn quyền ở Trung Quốc đã chuyển biến theo hướng những giá trị phổ quát, ít ra trên giấy trắng mực đen.
Trên thực tế, nhà cầm quyền bắc kinh từ sau Mao, người đã giết hại 80 triệu dân tàu, vẫn kế tiếp giết hàng chục ngàn sinh viên biểu tình ở Thiên An môn, những người theo Pháp Luân công, một thứ tôn giáo hiền hòa, tiêu diệt chủng tộc ouigour mà họ cho là vấn đề nội bộ. Riêng Hồ Chí Minh cũng đóng góp phần mình là 10 triệu sinh mạng của Việt nam với 60 triệu dân.
Các nhà cầm quyền cộng sản đều vi phạm nhơn quyền vì họ đều là con đẻ của Karl Marx.
Theo Marx, trước tiên, chúng ta hãy thấy điều mà người ta “gọi là Nhơn quyền, quyền của con người, không gì khác hơn là những quyền của thành viên của xã hội kinh tế, nghĩa là của con người ích kỷ, tách rời khỏi con người thật và cộng đồng”.
Về quyền Tự do, Marx phê phán: “Còn nói về quyền Tự do của con người, thì đó là thứ tự do của con người bị cô lập, chỉ biết có mình mà thôi. Vậy thì quyền tự do của con người không được thiết lập trên sự đoàn kết giữa người với ngưới, mà trái lại, trên sự chia rẽ người với người”.
Còn quyền tư hữu, Marx cho đó là thứ “quyền thụ hưởng tài sản theo nhu cầu riêng của mình mà không nghĩ tới kẻ khác, hoàn toàn không tùy thuộc xã hội, đó chỉ là thứ quyền cá nhơn...”.
Như vậy thì không có “điều gì cho là nhơn quyền mà vượt khỏi con người ích kỷ, vượt khỏi con người của xã hội tiêu thụ, nghĩa là con người khép kín vì tư lợi và những đòi hỏi riêng tư bất thường, là cá nhơn tách rời khỏi cộng đồng” (Marx, La question juive. 1843)
Thế mà Tàu vẫn đắc cử vào Hội đồng Nhơn quyền nhiệm kỳ 2021-2023. Từ năm 2006 thành lập Hội đồng Nhơn quyền, Tàu đã liên tiếp đắc cử 5 lần trong những năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2020 vì một quốc gia chỉ có quyền làm thành viên 2 nhiệm kỳ liên tiếp rồi phải nhường cho quốc gia khác sau đó mới trở lại. Tàu đã đắc cử 5 lần, có thể nói Hội đồng Nhơn quyền đã bị Tàu bỏ túi.
Năm nay, CHXHCN Việt Nam, bị Huê kỳ đưa vào danh sách đàn áp tự do tôn giáo nhưng vẫn được bầu vào Hội đồng Nhơn quyền. Một bất ngờ quá lớn nên Việt Nam đang rùm beng tuyên truyền trong nước.
Vậy phải chăng cái Hội Đồng Nhơn quyền và cả LHQ, hoàn toàn bất lực trong vụ Poutin ngang ngược tấn công Ukraine, nay thật sự đã trở thành công cụ của các nước cộng sản độc tài? Có nên tổ chức lại hay dẹp bỏ đi hay không?
Người thật sự khai sanh Nhơn quyền đầu tiên
Từ hai thế kỷ nay, người ta vẫn nghĩ người khai sanh bản Tuyên ngôn Nhơn quyền tháng 8 năm 1789 (của Cách mạng Pháp) là Mirabeau nằm trong Văn miếu Paris (Panthéon) trước khi bị dời đi chỗ khác.
Tổ quốc ghi ơn nhưng Tổ quốc vẫn bỏ quên người có công với Tổ quốc.
Nay sử gia François Duluc đã khai quật đóng tro tàn, phát hiện Hầu tước Bonnay mới là người soạn thảo bản Tuyên ngôn Nhơn quyền có ký tên tác giả Marquis de Bonnay. Và Quốc hôi đã thông qua bản Tuyên ngôn. Đó là bản “Tuyên ngôn Nhơn quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp.
Và bản văn này là mục đích và đường lối của Cách mạng lại cũng bị tranh cãi và cho rằng cuộc cách mạng 1789 là chưa thật sự hoàn tất!
Có người nói “Nhơn quyền” và cả “Dân quyền” mà lại không thấy có bóng dáng người phụ nữ. Ngay cái tít của bản văn “nhơn quyền”, mà “nhơn” ở đây lại chỉ có “người đàn ông” – “l’homme”. Bản tiếng anh rõ hơn – “human rights”.
Thế là có một phụ nữ xuất hiện để đòi cho giới phụ nữ lúc bấy giờ “quyền làm người Phụ nữ và quyền làm Nữ công dân”. Bà Olympe de Gouges, tên thật là Marie Gouze, sanh trưởng trong một gia đình trưởng giả ở Montauban, miền Tây-Nam, rời quê quán, lên Paris dấn thân tranh đấu cho Nữ quyền. Khao khát tự do và bình đẳng, bà ấn hành nhiều tác phẩm về quyền con người, kêu gọi chấm dứt nô lệ,… Năm 1791, bà đưa ra bản “Tuyên ngôn Nữ quyền và Nữ công dân”, liền sau khi bản Tuyên ngôn Nhơn quyền và Dân quyền vừa được Quốc hội chấp thuận (26/08/1789).
Trong bản tuyên ngôn của bà, bà nhiệt tình kêu gọi giải phóng người phụ nữ. Bà quyết liệt chống lại chế độ nô lệ và bản án tử hình. Bà lúc bấy giờ là một trong những người đầu tiên nêu lên những ý tưởng cụ thể về Dân chủ.
Bà lại ủng hộ vua Louis XVI, thương tiếc thân phận bà Hoàng Marie-Antoinette mà cách mạng chủ trương hạ bệ, và cả cánh Girondins, nên qua tháng 7 năm 1793, bà bị bắt và bị xử tử hình. Ngày 3 tháng 11 năm 1793, bà bị đưa lên máy chém tại Paris
Bà Olympe de Gouges chẳng những tranh đấu cho nữ quyền mà bà thật sự là con người hoàn toàn dấn thân cho cách mạng.
Bà bước lên máy chém với tư thái đầy hiên ngang của người Phụ nữ cách mạng. Trong bản “Tuyên ngôn Nữ quyền và Nữ công dân”, bà viết “Một phụ nữ có quyền bước lên máy chém, thì phụ nữ phải có quyền bước lên diễn đàn”.
Lời nói tiền định nhưng thật mỉa mai cho số phận người phụ nữ!
Người phụ nữ đầu tiên tranh đấu cho Nữ quyền!
—————————–
Phụ chú:
*** Bà Olympe de Gouges dấn thân cho cách mạng và bị cách mạng xử tử. Cách mạng thường ăn con của mình!
Một người hết mình tranh đấu cho Nhơn quyền, nước Pháp là nước nhơn quyền, cách mạng pháp cũng là cách mạng nhơn quyền, mà mãi cho tới năm 1980 mới được nhìn nhận và khôi phục địa vị, một cách khiêm tốn, như đặt tên cho trường Mẫu giáo ở Lyon, tên một khu vực cho Đại học Paris Diderot, nhìn nhận bà trong hàng ngũ nhà văn, nhà tư tưởng của thời đại Ánh sáng (thế kỷ 18). Tới năm 2000, tác phẩm của bà được lần lượt xuất bản, …
Chỉ vì bà là người Phụ nữ?
.
Nguyễn thị Cỏ May
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/laichuyennhonquyen.html