Trần Ngọc


Kế hoạch kinh tế vĩ đại của Donald Trump: Ông đang lập kế hoạch cho một chiêu chống cú-sốc-Nixon

Việc Trump áp dụng thuế quan là một phần của kế hoạch
kinh tế toàn cầu vững chắc. Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds / AFP via Getty

Đối mặt với các động thái kinh tế của Tổng thống Trump, những người chỉ trích ông thuộc trường phái trung dung đang dao động giữa sự tuyệt vọng và sự động lòng khi tin rằng cơn sốt thuế quan của ông sẽ tan biến. Họ cho rằng ông Trump sẽ phì phò hổn hển thở cho tới khi thực tế phơi bày sự trống rỗng trong thuyết kinh tế của ông. Họ đã không chú ý: Sự chăm chăm nhắm vào thuế quan của Trump là một phần của kế hoạch kinh tế toàn cầu vững chắc – mặc dù nó vốn có rủi ro.

Suy nghĩ của những người này được lập nên một cách cứng nhắc theo một quan niệm lầm lạc về phương cách mà vốn, thương mại và tiền bạc chuyển dịch trên toàn cầu. Giống như người nấu bia bị say vì bia của chính mình, những người theo khuynh hướng trung dung cuối cùng đã tin vào sự tự thuyết phục của chính họ: rằng chúng ta đang sống trong một thế giới của các thị trường cạnh tranh, nơi tiền tệ mang tính trung lập, còn giá cả được điều chỉnh theo cán cân cung cầu của mọi thứ. Trump, con người thiếu hiểu biết, trên thực tế, còn tinh tế hơn họ nhiều, ở chỗ ông hiểu rằng chính sức mạnh kinh tế thuần túy, chứ không phải năng suất cận biên được thêm vào trong sàn xuất, sẽ quyết định ai làm gì cho ai – ở cả nội địa lẫn quốc tế.

Mặc dù chúng ta có nguy cơ sa vào hố thẳm trong khi chúng ta cố gắng để mắt chăm chú vào tâm trí của ông Trump, thì chúng ta cần phải nắm bắt được suy nghĩ của ông về ba câu hỏi cốt lõi: tại sao ông tin rằng nước Mỹ bị phần còn lại của thế giới khai thác? Tầm nhìn của ông về một trật tự quốc tế mới mà nước Mỹ có thể “vĩ đại” trở lại là gì? Ông định thực hiện điều đó như thế nào? Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đưa ra lời phê bình hợp lý về kế hoạch kinh tế tổng thể của Trump.

Vậy tại sao ông Tổng thống này lại tin rằng nước Mỹ đã phải chịu một thỏa thuận tồi tệ? Sự than phiền chính của ông là: quyền tối cao của đồng đô-la tuy có thể ban một quyền lực lớn cho chính phủ và giai cấp thống trị của Mỹ, nhưng cuối cùng, những người nước khác đang sử dụng nó theo những cách chắc chắn là làm Hoa Kỳ suy tàn. Vì vậy, những gì mà hầu hết mọi người coi là đặc quyền quá mức của nước Mỹ, thì ông lại coi đó là gánh nặng quá mức.

Trump đã than thở về sự suy thoái của ngành sản xuất Hoa Kỳ trong nhiều thập niên: “nếu bạn không có thép, tức là bạn không có quốc gia”. Nhưng tại sao lại đổ lỗi cho vai trò toàn cầu của đồng đô la? Bởi vì, Trump trả lời, các ngân hàng trung ương nước ngoài không để đồng đô-la điều chỉnh xuống mức “phù hợp” – mức mà xuất khẩu của Hoa Kỳ phục hồi và nhập khẩu bị kiềm chế. Không phải vì các ngân hàng trung ương nước ngoài đang âm mưu chống lại Hoa Kỳ. Chỉ là do đồng đô-la là dự trữ quốc tế an toàn duy nhất mà họ có thể nắm trong tay. Việc các ngân hàng trung ương châu Âu và châu Á tích trữ đô-la chảy vào châu Âu và châu Á khi người Mỹ nhập khẩu hàng hóa chỉ là điều hết sức tự nhiên. Bằng cách không đổi kho đô-la của mình lấy tiền tệ của chính họ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Anh đã kìm hãm nhu cầu cho (và do đó là giá trị của) đồng tiền của họ. Điều này giúp các nhà xuất khẩu của họ tăng doanh số bán hàng sang Hoa Kỳ và kiếm được nhiều đô-la hơn nữa. Trong một vòng xoáy vô tận, những đô-la mới này tích lũy trong kho bạc của các ngân hàng trung ương nước ngoài, những người, để kiếm được lãi suất an toàn, sử dụng chúng để mua nợ của chính phủ Hoa Kỳ.

Và đó mới là vấn đề. Theo Trump, Mỹ nhập khẩu quá nhiều vì họ là một công dân toàn cầu tốt, cảm thấy có nghĩa vụ phải cung cấp cho người nước ngoài các tài sản đô-la dự trữ mà họ cần. Tóm lại, ngành sản xuất của Hoa Kỳ đã suy giảm vì Hoa Kỳ là một người Samaritan (người giàu lòng bác ái) tốt bụng: người lao động và tầng lớp trung lưu của họ phải chịu khổ sở để cho phần còn lại của thế giới có thể phát triển bằng chi phí của họ.

Nhưng vị thế bá quyền của đồng đô-la cũng củng cố chủ nghĩa biệt lệ của Hoa Kỳ, như ông Trump biết và đánh giá cao điều đó. Việc các ngân hàng trung ương nước ngoài mua trái phiếu ngân khố Hoa Kỳ cho phép chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục thâm hụt và chi trả cho một quân đội vượt quá tầm mức có thể phá sản bất kỳ quốc gia nào khác. Và bằng cách trở thành chốt chặn của các khoản thanh toán quốc tế, đồng đô-la bá quyền cho phép vị Tổng thống thực hiện một cách tương đương với chính sách ngoại giao chiến hạm thời nay: tùy ý trừng phạt bất kỳ cá nhân hoặc chính phủ nào.

Dưới con mắt của Trump, điều này không đủ để bù đắp cho nỗi khổ đau của các nhà sản xuất Hoa Kỳ, những người bị người ngoại quốc cắt xén, thông qua một dịch vụ do các ngân hàng trung ương khai thác (là kho dự trữ đô-la) mà dịch vụ này là do Hoa Kỳ cung cấp miễn phí cho họ để giữ cho đồng đô-la được nâng giá lên quá cao. Đối với Trump, nước Mỹ đang tự làm suy yếu mình vì vinh quang của quyền lực địa chính trị và cơ hội tích lũy lợi nhuận của người khác. Những món nhập khẩu béo bở này mang lợi đến cho Phố Wall và các nhà môi giới địa ốc nhưng chỉ gây thiệt hại cho những người đã bầu cho ông hai lần: đó là những dân Mỹ ở vùng trung tâm sản xuất ra những mặt hàng có “nam tính” như thép và xe hơi mà một quốc gia cần để duy trì sự tồn tại.

Và đó không phải là mối lo ngại tệ nhất của ông Trump. Cơn ác mộng của ông là quyền bá chủ này sẽ chỉ là phù du. Quay trở lại năm 1988, khi quảng cáo cho cuốn Nghệ Thuật Đàm Phán (The Art of the Deal) của mình trên chương trình của Larry King và Oprah Winfrey, ông than thở: “Chúng ta là một quốc gia mắc nợ. Có chuyện gì đó sắp xảy ra trong vài năm tới ở quốc gia này, vì bạn không thể cứ giữ mãi khoảng thiếu hụt 200 tỷ đô-la mỗi năm”. Kể từ đó, ông càng ngày càng tin rằng một điểm tới hạn khủng khiếp đang tiến đến gần: khi sản lượng của Hoa Kỳ giảm, nói một cách tương đối, thì nhu cầu toàn cầu về đồng đô-la sẽ tăng nhanh hơn thu nhập của Hoa Kỳ. Đồng đô-la sau đó phải tăng giá nhanh hơn nữa để theo kịp nhu cầu dự trữ của phần còn lại của thế giới. Điều này không thể kéo dài mãi mãi.

Vì khi thâm hụt của Hoa Kỳ vượt quá một ngưỡng nào đó, người ngoại quốc sẽ phát hoảng. Họ sẽ bán tài sản được định giá bằng đô-la của mình và tìm một loại tiền tệ khác để tích trữ. Người Mỹ sẽ bị bỏ lại giữa sự hỗn loạn quốc tế với một ngành sản xuất bị tàn phá, thị trường tài chính bị bỏ hoang và một chính phủ mất khả năng thanh toán. Kịch bản ác mộng này đã thuyết phục Trump rằng ông đang thực hiện sứ mệnh cứu nước Mỹ: rằng ông có nhiệm vụ là người mở đường cho một trật tự quốc tế mới. Và đó chính là điểm cốt lõi trong kế hoạch của ông: thực hiện trong năm 2025 một màn quyết định để chống lại cú-sốc-Nixon – một cú sốc toàn cầu đã hủy bỏ công trình của các vị tiền nhiệm (tức là các Tổng thống trước Nixon, kể từ 1944 – chú thích của BBT) bằng cách chấm dứt hệ thống Bretton Woods (1) vào năm 1971, hệ thống đã đi đầu trong kỷ nguyên tài chính hóa.

Trọng tâm của trật tự toàn cầu mới này sẽ là một đồng đô-la rẻ hơn nhưng vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới – điều này sẽ làm giảm lãi suất vay dài hạn của Hoa Kỳ nhiều hơn nữa. Trump có thể vừa có chiếc bánh của mình (đồng đô-la bá quyền và trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ sinh lợi thấp) vừa ăn nó (đồng đô-la mất giá) không? Ông ấy biết rằng thị trường sẽ không bao giờ tự mình cung cấp điều này. Chỉ có các ngân hàng trung ương nước ngoài mới có thể làm điều này thay ông ta. Nhưng để đồng ý làm điều này, trước tiên họ cần phải bị sốc để phải hành động. Và đó là lúc thuế quan của ông phát huy tác dụng.

Đây là điều mà những người chỉ trích ông không hiểu. Họ lầm tưởng rằng ông cho là các thuế quan của ông sẽ tự động làm giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Nhưng ông biết rằng chúng sẽ không diễn ra như vậy. Sự hữu dụng của chúng đến từ khả năng gây sốc nơi các ngân hàng trung ương nước ngoài để họ giảm lãi suất trong nước. Hậu quả của nó là đồng euro, đồng yên và đồng nhân dân tệ sẽ yếu đi so với đồng đô la. Điều này sẽ hủy bỏ việc tăng giá hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ và giữ nguyên mức giá mà người tiêu dùng Hoa Kỳ phải trả. Các quốc gia bị áp thuế trên thực tế sẽ phải trả tiền cho thuế quan của Trump.

Nhưng thuế quan chỉ là giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch tổng thể của ông. Với mức thuế quan cao là mức chuẩn mới, và với tiền nước ngoài tích lũy trong Ngân Khố, ông Trump có thể chờ đợi thời cơ khi bạn bè và kẻ thù ở châu Âu và châu Á kêu gọi đàm phán. Đó là lúc giai đoạn thứ hai trong kế hoạch của Trump bắt đầu: cuộc đàm phán lớn.

Không giống như những người tiền nhiệm của mình, từ Carter cho tới Biden, ông Trump không đếm xỉa đến các cuộc họp đa phương và các cuộc đàm phán đông phe nhóm. Ông là người chỉ nói chuyện với từng người một. Thế giới lý tưởng của ông là mô hình trục và căm xe, giống như bánh xe đạp, trong đó không có chiếc căm riêng lẻ nào tạo ra nhiều khác biệt đối với hoạt động của bánh xe. Theo quan điểm này về thế giới, Trump cảm thấy tự tin rằng mình có thể giải quyết từng chiếc căm một, theo trình tự. Với một mặt là thuế quan và mặt khác là sự đe dọa sẽ xóa bỏ lá chắn an ninh của Hoa Kỳ (hoặc khai triển nó để chống lại họ), ông cảm thấy mình có thể khiến phần lớn các quốc gia ngầm đồng ý hoặc chấp thuận.

Chấp thuận để làm gì? Để tăng giá trị đồng tiền của họ một cách đáng kể mà không phải thanh lý lượng đô-la họ đang nắm giữ dài hạn. Ông sẽ không chỉ mong đợi mỗi chiếc căm sẽ cắt giảm lãi suất trong nước mà còn đòi hòi những điều khác nhau nơi những người đối thoại khác nhau. Từ các quốc gia châu Á hiện đang tích trữ nhiều đô-la nhất, ông sẽ yêu cầu họ bán một phần tài sản đô-la tích trữ ngắn hạn của họ để đổi lấy đồng tiền của chính họ (do đó tăng giá trị). Từ một khu vực đồng euro tương đối nghèo đô-la và đầy rẫy những chia rẽ nội bộ làm tăng sức mạnh đàm phán của mình, Trump có thể yêu cầu ba điều: họ đồng ý đổi trái phiếu dài hạn của mình thành trái phiếu siêu dài hạn hoặc thậm chí là trái phiếu vĩnh viễn; họ cho phép ngành sản xuất của Đức di chuyển sang Mỹ; và tất nhiên, họ mua nhiều vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất hơn.

Bạn có thể hình dung ra nụ cười khẩy của Trump khi nghĩ đến giai đoạn thứ hai của kế hoạch tổng thể này không? Khi một chính phủ nước ngoài chấp thuận các yêu cầu của ông, ông sẽ ghi thêm một chiến thắng khác nữa. Và khi một số chính phủ ngoan cố giữ nguyên, thuế quan vẫn giữ nguyên, mang lại cho Ngân Khố của ông một dòng đô-la ổn định mà ông có thể phân bổ theo bất kỳ cách nào ông cho là phù hợp (vì Quốc hội chỉ kiểm soát doanh thu thuế). Khi giai đoạn thứ hai của kế hoạch này hoàn tất, thế giới sẽ bị chia thành hai phe: một phe được bảo vệ bởi an ninh của Hoa Kỳ với cái giá phải trả là đồng tiền tăng giá, mất các nhà máy sản xuất và buộc phải mua hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ bao gồm cả vũ khí. Phe còn lại có thể sẽ gần hơn về mặt chiến lược với Trung Quốc và Nga, nhưng vẫn kết nối với Hoa Kỳ thông qua việc cắt giảm thương mại, điều này vẫn mang lại cho Hoa Kỳ nguồn thu thuế quan thường xuyên.

Tầm nhìn của Trump về một trật tự kinh tế quốc tế đáng mơ ước có thể rất khác so với tôi, nhưng điều đó không cho phép chúng ta đánh giá thấp sự vững chắc và mục đích của nó – như hầu hết những người theo trường phái trung dung vẫn làm. Giống như tất cả các kế hoạch được vạch ra kỹ lưỡng, tất nhiên, điều này có thể đi chệch hướng. Sự mất giá của đồng đô-la có thể không đủ để xóa bỏ tác động của thuế quan đối với giá mà người tiêu dùng Hoa Kỳ phải trả. Hoặc việc bán đô-la có thể quá lớn để có thể giữ cho món lợi từ nợ dài hạn của Hoa Kỳ ở mức thấp theo ý muốn. Nhưng bên cạnh những rủi ro có thể kiểm soát được vừa kể, kế hoạch tổng thể sẽ được thử nghiệm trên hai mặt trận chính trị.

Mối đe dọa chính trị đầu tiên đối với kế hoạch tổng thể của ông là từ nội địa. Nếu thâm hụt thương mại bắt đầu giảm theo như kế hoạch, tiền riêng của tư nhân nước ngoài sẽ ngừng tràn vào Phố Wall. Đột nhiên ông Trump sẽ phải phản bội phe đảng tài chính và nhà môi giới bất động sản của chính ông sẽ phẫn nộ, hoặc giới lao động đã bầu ông. Trong khi đó, một mặt trận thứ hai sẽ mở ra. Xét về mặt tất cả các quốc gia như những chiếc căm của cái trục bánh xe của mình, Trump có thể sớm phát hiện ra rằng ông đã tạo ra sự bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài. Bắc Kinh có thể cho gió thổi bay sự thận trọng và biến BRICS thành một hệ thống Bretton Woods mới trong đó đồng nhân dân tệ đóng vai trò neo giữ giống như đồng đô-la đã đóng trong Bretton Woods ban đầu. Có lẽ đây sẽ là di sản đáng kinh ngạc nhất và là sự trừng phạt xứng đáng nhất đối với kế hoạch tổng thể ấn tượng của Trump.

   

Nguyên tác: Donald Trump’s economic masterplan He is plotting an anti-Nixon shock | Yanis Varoufakis | Unherd, 12.02.2025
Người dịch: Trần Ngọc

_______

Chú thích của BBT:

(1) Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, trị giá tiền tệ của mỗi quốc gia được bảo đảm bằng số vàng dự trữ của quốc gia đó (bản vị vàng). Tuy nhiên, cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 đã làm sụp đổ hệ thống này. Trong hoàn cảnh đó, 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia đã gặp nhau tại Bretton Woods, New Hampshire, năm 1944 để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế. Tại đây, các nước đã thống nhất thành lập ra một hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods – với một mục trong hệ thống này là quy định cho phép tỷ giá hối đoái được xây dựng quanh đồng đô-la Mỹ; và vì khi đó Hoa Kỳ giữ gần như toàn bộ lượng vàng của thế giới nên đó cũng là một hình thức gián tiếp gắn tỷ giá hối đoái với vàng. Hệ thống Bretton Woods đã kéo dài cho tới năm 1971. Tại thời điểm đó, lạm phát và thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng đô la. Sau nhiều tranh luận và dàn xếp giữa các cường quốc không mang lại kết quả mong muốn, Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận Bretton-Woods năm 1971. Sau đó, vào năm 1973, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chấp thuận cho phép tỷ giá hối đoái thả nổi, tức là giá trị của một đồng tiền được phép dao động trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái thực tế từ đây dựa trên mối quan hệ tương quan của cung và cầu giữa các đồng tiền có mặt trên thị trường hối đoái.

 

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/kehoachkinhtevidai.html


Cái Đình - 2025