Phạm Ɖình Lân


Hướng nhắm quân sự của Trung Quốc

.

Năm 1949 Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) khai sinh ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, quốc gia Cộng Sản rộng trên 10 triệu km2 với dân số đông nhất thế giới.

Mao là người kiêu căng, ngạo nghễ và có nhiều mộng to lớn. Ngay trong thập niên 1920, 1930 ông đã có thái độ bất phục tùng nhà độc tài Stalin và xem thường những đảng viên Cộng Sản Ɖệ Tam Quốc Tế (Comintern) gốc Trung Hoa do Liên Sô đào luyện. Khi nắm chánh quyền, Mao một mặt muốn nhờ sự giúp đỡ của Liên Sô, mặt khác muốn cạnh tranh quyền lãnh đạo trong khối Cộng Sản. Mao tự khai sinh ra chủ nghĩa Cộng Sản Maoism, tạm xem là chủ nghĩa Cộng Sản nông nghiệp. Chủ nghĩa Cộng Sản Marxism-Leninism là chủ nghĩa Cộng Sản kỹ nghệ. Ɖảng Cộng Sản Liên Sô là đảng Cộng Sản của giai cấp công nhân.

Mao Zedong và những người kế nhiệm ông luôn luôn để tâm đến việc phát huy sức mạnh quân sự để thực hiện việc bành trướng lãnh thổ và tái lập ảnh hưởng chánh trị đã mất ở Việt Nam và bán đảo Triều Tiên vào cuối thế kỷ XIX. Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng, Tân Cương, tham gia chiến tranh Triều Tiên, lãnh thổ bộ thuộc của Trung Quốc thời phong kiến (1950) và tích cực giúp đỡ Việt Minh trong chiến tranh Việt-Pháp (1950) nhằm tái lập ảnh hưởng sau khi đã mất trong tay Pháp từ năm 1884 và trong chiến tranh Việt Nam II nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở phía nam vĩ tuyến 17.

Trung Quốc tỏ ra rất hiếu chiến. Họ đánh nhau với:

- Ấn Ɖộ và chiếm 62.000km2 của nước này (1962).

- Liên Sô trên đảo Damansky trên sông Heilongjiang (Hắc Long Giang) năm 1969. Ɖó là chiến tranh giữa hai nước lớn Cộng Sản.

- Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1979) sau khi Cộng Sản Việt Nam xâm lăng Cambodia đánh đuổi Khmer Ɖỏ theo chủ nghĩa Mao ra khỏi Phnom Penh. Từ năm 1975 đến 1986 Lê Duẩn, tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam, nghiêng theo Liên Sô chống Trung Quốc.

Mao vừa nhận sự trợ giúp của Liên Sô vừa muốn Liên Sô giúp Trung Quốc kỹ thuật sản xuất bom nguyên tử. Khrushchev từ chối giúp kỹ thuật nguyên tử cho Mao nhưng giúp cho Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) của Bắc Hàn. Sự hục hặc giữa Mao và Khrushchev bắt đầu từ đó.

Xã hội Trung Quốc dưới thời Mao là một xã hội nghèo nàn. Số người thiếu ăn hay chết vì đói rất cao sau các cuộc cải cách ruộng đất, triệt hạ phú nông địa chủ (1950 - 1953), sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt (Great Leap Forward, 1958 - 1962) và Cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976). Nhưng Mao cố gắng cho thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964 và phóng vệ tinh nhân tạo PRC I hay Dong Fang Hong (Ɖông Phương Hồng) vào năm 1970. Một Trung Quốc nghèo nàn đã có bom nguyên tử và vệ tinh nhân tạo.

Người lãnh đạo Trung Quốc sau Mao Zedong là Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình). Ông bị hạ tầng công tác phải làm thợ thay nhớt xe trong một thành phố nhỏ. Các đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản Trung Quốc đều bị sỉ nhục, bỏ đói và bị Hồng Vệ Binh đánh đâp cho đến chết. Chỉ có Deng Xiaoping được Mao tha mạng sống:

Vì Mao trọng dụng người tài có viễn kiến cho tương lai Trung Quốc như ông từng nói với Khrushchev: “Thằng cha lùn này (Deng Xiaoping) sau này có sự nghiệp lớn hơn chúng mình”?

Vì ông muốn lợi dụng Deng Xiaoping để bảo vệ ngôi vị mà ông muốn truyền lại cho vợ ông, bà Jiangqing (Giang Thanh)?

Vì sự can thiệp của Zhou Enlai (Châu Ân Lai) bởi Zhou Enlai và Deng Xiaoping đều có học ở Pháp?

Mặc dù Trung Quốc có bom nguyên tử, phát triển ngành địa cầu vật lý học, Trung Quốc vẫn chưa phải là một đại cường quốc vì kinh tế Trung Quốc còn nghèo nàn và lạc hậu. Deng Xiaoping đưa ra kế hoạch Bốn Hiện Ɖại Hóa.

  1. Canh Nông.
  2. Kỹ Nghệ.
  3. Quốc Phòng.
  4. Khoa Học Kỹ Thuật.

Muốn thực hiện Bốn Hiện Ɖại Hóa cần phải làm hòa với Hoa Kỳ, gởi sinh viên sang đó học hỏi và “tặc” kỹ thuật cao của nước này. Trong 30 năm, Trung Quốc trở thành một đại cường quốc ngang ngửa với Hoa Kỳ về phương diện kinh tế lẫn quân sự. Ɖiều đáng lưu ý là Deng Xiaoping không hề quan tâm đến Liên Sô.

Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và Hu Jintao (Hồ Cẩm Ɖào) thành công trong việc thực thi Bốn Hiện Ɖại Hóa do Deng Xiaoping vạch ra. Trung Quốc sớm trở thành cường quốc kinh tế hạng nhì sau Hoa Kỳ và cường quốc quân sự hạng ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Liên Bang Nga. Beijing (Bắc Kinh) ý thức rằng muốn nới rộng ảnh hưởng chánh trị và lãnh thổ ra xa cần phải có hạm đội mạnh như Bồ Ɖào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan và Anh Quốc trước kia. Các nước này, nhất là Anh Quốc, có nhiều thuộc địa khắp nơi trên thế giới.

Khi có bom nguyên tử, hàng không mẫu hạm, nhiều tàu chiến, tàu ngầm và phi cơ tối tân, Trung Quốc không ngần ngại xác nhận chủ quyền của họ trên đường Lưỡi Bò rộng gần 3 triệukm2 ở Tây Thái Bình Dương với 141 đảo. Ɖường Lưỡi Bò này do chánh quyền Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) vẽ ra sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt.

Ɖường Lưỡi Bò do Trung Quốc xác nhận chủ quyền và các phần của Biển Ɖông
với sự tranh chấp chủ quyền của Malaysia, Việt Nam, Brunei,
Phi Luật Tân, Ɖài Loan và cả Indonesia. (Ảnh: Wikimedia)

Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Ɖó là bước đầu của sự thực hiện chủ quyền của Trung Quốc trên đường Lưỡi Bò Chín Ɖoạn khi Mao Zedong còn sống. Năm 1988, một lần nữa Trung Quốc tấn công quân trú phòng của Cộng Sản Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Vào những năm đầu thế kỷ XXI Trung Quốc không che dấu tham vọng thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới với tư cách một đại cường quốc. Họ bắt buộc các nước bang giao với họ phải:

- Chấp nhận một nước Trung Quốc, nghĩa là không thể xem Taiwan (Ɖài Loan – Trung Hoa Dân Quốc) là một quốc gia mà là một tỉnh phản loạn của Trung Quốc!

- Không được xen vào các vấn đề nhạy cảm của Beijing (Bắc Kinh) như: Taiwan (Ɖài Loan), Tibet (Tây Tạng), Xinjiang (Tân Cương).

Từ thời Hu Jintao (Hồ Cẩm Ɖào, 2003 - 2013) Trung Quốc không che dấu ý đồ bành trướng lãnh thổ lẫn ảnh hưởng chánh trị trong vùng và trên các lục địa khác trên thế giới, kể cả Âu Châu, Mỹ Châu và Ɖại Dương Châu.

Ở Ɖông Bắc Á Beijing tranh chấp chủ quyền trên các đảo Senkaku Islands mà Trung Quốc gọi là Diaoyutai Islands (Chòm đảo Ɖiếu Ngư Ɖại), một nhóm đảo đá nhỏ không người ở do Nhật Bản quản trị.

Beijing gây ảnh hưởng trên đảo Taiwan bằng cách đe dọa quân sự để gây áp lực trong các cuộc bầu cử tổng thống trên đảo này. Sự đe dọa đánh chiếm Taiwan bằng võ lực đã có từ thời Mao Zedong, nhưng cho đến nay Beijing vẫn chưa thành công trong việc thống nhất Taiwan bằng võ lực. Càng ngày khuynh hướng Taiwan độc lập càng rõ nét khiến Beijing mất kiên nhẫn, muốn dùng võ lực để thống nhất lục địa với Taiwan, một hòn đảo rộng 36.000km2.

Năm 2013 Xi Jinping (Tập Cận Bình) lãnh đạo Ɖảng và là Chủ Tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ông thừa hưởng sự tiến bộ kinh tế và quân sự vượt bực của Trung Quốc. Ɖây là cơ hội để Xi Jinping thực thi mộng bá chủ thế giới bằng những chương trình to lớn:

  1. Một vòng đai một con đường làm sống dậy Ɖường Tơ Lụa (Silk Road) nối liền Trung Quốc với Âu Châu và Ɖường Hương Liệu (Spice Road) nối liền Trung Quốc với các nước Nam Á Thái Bình Dương và Ấn Ɖộ Dương đến bờ Ɖịa Trung Hải.
  2. Xây đảo nhân tạo trong vùng Lưỡi Bò Chín Ɖoạn (Ox’ Tongue-Nine-Dash Line) và biến chúng thành những căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương.
  3. Gia tăng việc sản xuất kỹ nghệ quốc phòng; đóng nhiều phi cơ, xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm, sản xuất bom nguyên tử, hỏa tiễn liên lục địa v.v.

Ɖể đánh ai?

- Ɖể hù dọa các nước Ɖông Nam Á nằm trong Lưỡi Bò Chín Ɖoạn từ Taiwan đến đảo Natuna của Indonesia.

- Ɖể bất chiến tự nhiên thành. Vì không quốc gia nào ở Ɖông Nam Á khả dĩ đương đầu lại với Trung Quốc.

- Ɖể đưa các nước Ɖông Nam Á vào quỹ đạo của Trung Quốc. Ɖông Nam Á là nơi có nhiều kiều dân Trung Hoa trung kiên với văn hóa Trung Hoa và nắm quyền lợi kinh tế ở các quốc gia cư ngụ. Sự đoàn kết của các quốc gia Ɖông Nam Á rất rời rạc vì bất đồng văn hóa và có quá khứ lịch sử thù nghịch lẫn nhau. Miến Ɖiện, Thái Lan, Cambodia, Lào chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Ɖộ với Phật Giáo Tiểu Thừa. Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa. Ɖạo Phật Ɖại Thừa ở Việt Nam do các sư tăng Trung Hoa truyền giảng. Người Chàm ở Việt Nam theo Ấn Giáo và Hồi Giáo. Mã Lai và Indonesia theo Hồi Giáo. Phi Luật Tân theo đạo Thiên Chúa khi đặt dưới sự bảo hộ của Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI. Miến Ɖiện không thân thiện với Thái Lan và Lào. Thái Lan không thân thiện với Miến Ɖiện, Lào, Cambodia, Việt Nam và Mã Lai. Việt Nam không thân thiện với Cambodia, Lào, Thái Lan. Mã Lai và Indonesia tranh chấp nhau về chủ quyền trên miền bắc đảo Borneo sau khi Anh trao trả độc lập cho Mã Lai năm 1957 v.v..

- Ɖể kích thích tự ái dân tộc Trung Hoa hầu vĩnh cửu quyền hành của Xi Jinping sau 10 năm cầm quyền.

Trung Quốc cho tàu chiến, tàu đánh cá, phi cơ chiến đấu xâm phạm vùng trời và vùng biển gần đảo Senkaku như khiêu khích và xem thường Nhật, xâm phạm vùng trời Taiwan. Với sức mạnh kinh tế và quân sự hiện có, Trung Quốc đang tìm một đối tượng để thử nghiệm sức mạnh quân sự của mình ở Tây Thái Bình Dương hầu khẳng định chủ quyền của họ trên Lưỡi Bò Chín Ɖoạn.

***

Nhật Bản tỏ ra nhún nhường nhưng Trung Quốc cũng không dám khiêu khích nhiều hơn dù biết rằng sau khi bại trận trong đệ nhị thế chiến, Nhật Bản bị cấm sản xuất võ khí và không có quân đội. Nhưng Trung Quốc vẫn không quên được sức mạnh quân sự của Nhật sau 30 năm canh tân khi họ đánh bại quân Trung Hoa ở Triều Tiên (1894) đến phải nhục nhã ký hiệp ước Shimonoseki năm 1895, nhượng đảo Taiwan và quần đảo Penghu (Bành Hồ) cho Nhật. Nhật Bản nhảy múa tung tăng ở Trung Hoa dưới thời Yuan Shikai (Viên Thế Khải, tổng thống từ 1912 - 1915, hoàng đế: 1915 - 1916) và các chánh phủ Bắc Dương do các tướng lãnh đàn em của Yuan Shikai cầm đầu sau khi đệ nhất thế chiến chấm dứt. Nhật dòm ngó Mãn Châu và tách rời vùng đất này ra khỏi lục địa Trung Hoa để thành lập xứ Mãn châu (Mãn Châu Quốc: Manchukuo – 1932). Năm 1937 Nhật xâm lăng Trung Hoa và chiếm đóng một phần lãnh thổ của Trung Hoa dọc theo duyên hải phía đông nước này.

Vào thập niêm 1940 Nhật đánh bại Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân, đánh bại Pháp để tiến vào Ɖông Dương, đánh bại Anh ở Mã Lai và Miến Ɖiện và đánh bại Hòa Lan ở Indonesia để hướng mắt về Úc Ɖại Lợi. Sức mạnh quân sự của Nhật vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX khiến cho Xi Jinping ngần ngại chưa dám mạo hiểm thử sức với Nhật sau trên 3/4 thế kỷ bị bại trận, không có quân đội và kỹ nghệ quốc phòng.

***

Phi Luật Tân là quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Tổng thống Aquino III kiện Trung Quốc và đươc Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế xử Phi Luật Tân thắng kiện. Phi Luật Tân thắng kiện nhưng vị tổng thống kế nhiệm Aquino III là Duterte không dám công nhận Phi Luật Tân thắng kiện mà còn tự nhận ông có huyết thống Hán tộc bên ngoại của mình. Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống Duterte thay đổi lập trường. Manila trông cậy vào hiệp ước Phòng Thủ Hỗ Tương Mỹ-Phi Luật Tân ký vào năm 1951. Nếu Beijing đánh Phi Luật Tân, họ ngại Hoa Kỳ sẽ can thiệp vì giữa hai quốc gia có hiệp ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951. Phi Luật Tân từng là thuộc địa của Hoa Kỳ sau khi Hoa Kỳ đánh bại Tây Ban Nha vào năm 1898. Sau năm 1954 Phi Luật Tân là một thành viên năng nổ trong Liên Minh Phòng Thủ Ɖông Nam Á (SEATO: Southeast Asia Treaty Organisation).

***

Taiwan (Ɖài Loan), một hải đảo rộng 36.000km2, được Trung Hoa cắt nhường cho Nhật Bản theo tinh thần hiệp ước Shimonoseki (1895). Ɖảo này được trao trả cho chánh phủ Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) sau khi Nhật đầu hàng vô điều kiện trong đệ nhị thế chiến. Năm 1949 quân đội Quốc Dân Ɖảng của Chiang Kaishek bị quân Cộng Sản của Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) đánh bại phải rút ra đảo Taiwan và biến đảo này thành Trung Hoa Dân Quốc (ROC: Republic of China).

Qua các thời kỳ lãnh đạo từ Mao Zedong, Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình), Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), Hu Jintao (Hồ Cẩm Ɖào) và Xi Jinping (Tập Cận Bình), không lúc nào Beijing không nghĩ đến thống nhất Taiwan bằng các biện pháp ngoại giao lẫn quân sự. Xi Jinping cảm thấy các điều kiện đã chin mùi, nếu cần dùng võ lực để thống nhất Taiwan, quốc gia càng ngày càng có khuynh hướng trở thành một quốc gia độc lập giữa lúc Trung Quốc có một đạo quân hùng hậu với đầy đủ võ khí tối tân mua của Nga hoặc tự sản xuất. Trung Quốc có hàng không mẫu hạm, nhiều tàu ngầm, phi cơ chiến đấu tối tân v.v.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tồng thống Taiwan Thái Anh Văn (Ảnh AP & Reuters)

Việc Nga sát nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga và can thiệp quân sự vào Donbass viện lẽ người Ukraine gốc Nga hay nói tiếng Nga bị Ukraine kỳ thị và ngược đãi đã khích lệ Trung Quốc thống nhất Taiwan bằng võ lực. Beijing cô lập Taiwan bằng cách dùng sức mạnh kinh tế của họ khuyến khích các quốc gia nhỏ ở Nam Mỹ và hải đảo Thái Bình Dương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Taiwan. Taiwan không còn là thành viên của Liên Hiệp Quốc từ năm 1971 nhưng Taiwan là một đảo có nền kinh tế hàng thứ 13 trên thế giới. Taiwan giao thương với Hoa Kỳ, Nhật Bản. Taiwan mua võ khí Hoa Kỳ và tự sản xuất phi cơ chiến đấu, tàu ngầm. Taiwan vận động tại Quốc Hội Hoa Kỳ rất kiến hiệu.

Gần đây Hoa Kỳ cương quyết bảo vệ Taiwan và có dấu hiệu muốn nhìn thấy quốc gia Taiwan độc lập. Dù là đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, Hoa Kỳ không muốn Taiwan rơi vào tay Beijing. Người Taiwan ý thức được điều đó sau khi thấy Beijing đối xử mạnh tay với người Hong Kong. Thống nhất với lục địa đồng nghĩa với sự từ bỏ Tự Do và Hạnh Phúc mà họ đang có và thụ hưởng.

Ɖã đôi lần cựu thủ tướng Nhật Bản Abe cảnh báo Trung Quốc rằng tấn công Taiwan tức là tấn công Nhật Bản. Nghĩa là Nhật sẽ trực tiếp nhảy vào vòng chiến nếu Taiwan bị tấn công.

Trước khi xâm lăng Ukraine, tổng thống Nga Putin đến Beijing (02-2022). Xi Jinping là người biết trước lịch trình xâm lăng Ukraine của Nga. Ông phấn khởi vì sau Ukraine ông sẽ tấn công Taiwan. Kết quả cuộc xâm lăng Ukraine của Nga không như ý muốn. Nga bị các nước dân chủ Tây Phương vây hãm bằng cách giúp đỡ võ khí cho Ukraine và cô lập Nga trên thế giới (đóng băng tài sản của Nga ở các ngân hàng quốc tế; loại bỏ Nga ra khỏi hệ thống liên ngân hàng Swift; tịch thu tài sản của Putin, gia đình Putin, các viên chức cao cấp Nga thân tín với Putin và các nhà tỷ phú Nga ủng hộ Putin trong việc xâm lăng Ukraine; cấm các công ty đầu tư ở Nga; cấm phi cơ và thương thuyền Nga dùng phi cảng và bến cảng của các nước Tây Âu v.v.). LHQ lên án sự xâm lăng của một đại cường vào một quốc gia thành viên LHQ. Nga bị loại ra khỏi Hội Ɖồng Nhân Quyền LHQ. Hậu quả sự xâm lăng bất ngờ này làm Xi Jinping mất hứng thú trong kế hoạch đánh chiếm Taiwan.

Taiwan (Trung Hoa Dân Quốc) là đại diện của Trung Hoa tại LHQ từ 1949 đến 1971. Sau 1971 Taiwan không còn là một thành viên của LHQ nhưng đảo này liên tục có chánh quyền, có quốc kỳ thanh thiên bạch nhật, có Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I), có hiến pháp với Ngũ Quyền phân lập (Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, Giám Sát, Khảo Thí), có một nền kinh tế và kỹ nghệ quan trọng ở Á Châu. Người giàu có không cần làm quan cũng được mọi người nể trọng. Taiwan, Singapore, Thụy Sĩ… là những nước có diện tích giới hạn nhưng có nền kinh tế-tài chánh phú túc nên được sự nể trọng của cộng đồng thế giới. Sự phồn vinh kinh tế đảm bảo sự độc lập chánh trị và là lá chắn an ninh cho Taiwan.

Nga xâm lăng Ukraine được thuận lợi về phương diện địa lý. Nga có 2.300km biên giới chung với Ukraine.

Trung Quốc muốn đổ bộ lên đảo Taiwan phải qua eo biển rộng 180km. Tàu đổ bộ có thể bị phi cơ Taiwan oanh tạc đánh chìm hay tệ hại hơn là biển bị đốt cháy, tàu ngầm bị dội bom.

Nếu Trung Quốc tấn công Taiwan, chắc chắn họ gặp phải phản ứng chánh trị và quân sự từ Nhật Bản và Hoa Kỳ. Các nước ASEAN không đoàn kết chặt chẽ như các nước Liên Âu (European Union) nhưng sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ giúp cho Taiwan có thêm nhiều đồng minh Á-Âu-Úc. Tỷ lệ thành công dưới 50% nếu Trung Quốc tấn công Taiwan. Trong trường hợp ấy Taiwan tự do tuyên bố độc lập dưới một quốc hiệu không có chữ China (Trung Hoa).

***

Triều Tiên là một vương quốc độc lập ở Ɖông Bắc Á triều cống Trung Hoa như Việt Nam. Trung Hoa mất ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên sau khi bị Nhật Bản đánh bại vào năm 1894. Năm 1910 Nhật thiết lập nền bảo hộ trên bán đảo Triều Tiên. Năm 1921 đảng Cộng Sản Trung Hoa được thành lập ở Shanghai (Thượng Hải). Năm 1925 đảng Cộng Sản Triều Tiên ra đời giữa lúc đảng Hắc Long (Kokuryukai – Black Dragon Society – Amur River Society) của Nhật dòm ngó Mãn Châu từ bán đảo Triều Tiên.

Một người Triều Tiên tên Kim Song-ju xuất thân từ một gia đình nghèo ở Bắc Triều Tiên. Mặc dù ông ngoại là một mục sư Tin Lành (Presbyterian), Kim Song-ju gia nhập đảng Cộng Sản Trung Hoa (1931) và hoạt động chống Nhật dọc theo biên giới Mãn Châu-Triều Tiên. Năm 1935 Kim Song-ju cải danh thành Kim Il Sung (Kim Nhật Thành, họ Kim trở thành Thái Dương). Trong đệ nhị thế chiến Kim Il Sung là sĩ quan trong Hồng Quân Liên Sô với cấp bậc thiếu tá. Ɖệ nhị thế chiến chấm dứt, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi. Stalin giúp cho thiếu tá Kim Il Sung (1912 - 1994) cầm quyền ở Bắc Triều Tiên từ 1948 đến nay trải qua ba triều đại họ Kim ở Bắc Hàn.

Bắc Triều Tiên vừa chịu ảnh hưởng của Liên Sô vừa chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Stalin như ngầm phản công Trung Quốc cưu mang Bắc Hàn về mặt kinh tế. Phần đất này chịu ảnh hưởng chánh trị của Liên Sô. Quyền lực mà họ Kim nắm giữ xuất phát từ nhà độc tài Stalin ở Moscow. Năm 1950 Stalin im lặng nhìn quân đội LHQ dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ sát phạt chí nguyện quân Trung Quốc do Peng Dehuai (Bành Ɖức Hoài) chỉ huy trong chiến tranh Triều Tiên.

Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý Kim Il Sung phải nương nhờ Beijing nhưng tâm trí họ Kim luôn hướng về Moscow với ước muốn tránh xa ảnh hưởng Trung Quốc. Từ năm 1956 Khrushchev đã giúp các nhà khoa học nguyên tử Bắc Hàn thực hiện chương trình nguyên tử của lãnh tụ Kim Il Sung. Mãi đến năm 2006 Bắc Hàn mới thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên . Hiện nay, ngoài việc sản xuất bom nguyên tử, Bắc Hàn còn có khả năng sản xuất hỏa tiễn liên lục địa và các loại võ khí sát thương khác. Bắc Hàn vẫn lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế nhưng vẫn ước muốn độc lập với Beijing. Bắc Hàn chỉ có 17km biên giới lãnh thổ và 21km biên giới biển với Nga nhưng ảnh hưởng của Nga rất lớn ở Bắc Hàn. Trung Quốc có bom nguyên tử là hiểm họa to lớn đối với Liên Sô. Nhưng Bắc Hàn có bom nguyên tử thì Trung Quốc, Hoa Kỳ ở Okinawa, Nam Hàn, Nhật Bản lo ngại. Ɖó là những quốc gia láng giềng thù nghịch của Liên Sô ở Ɖông Bắc Á. Thật sai lầm khi cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Bắc Hàn. Chính sự sai lầm này đã dẫn đến những thất bại liên tục trong việc ngăn chận Bắc Hàn thí nghiệm bom nguyên tử. Liên Sô và sau này là Nga có hại gì khi Bắc Hàn có bom nguyên tử? – Không có. Do đâu họ Kim có chánh quyền trên phân nửa bán đảo Triều Tiên? Bom nguyên tử của Bắc Hàn đảm bảo sự độc lập của Bắc Hàn đối với Trung Quốc, đe dọa Nhật Bản, Nam Hàn (Ɖại Hàn Dân Quốc) và quân sĩ Hoa Kỳ trên đảo Okinawa (Nhật). Ɖó là điều Liên Sô (bây giờ là Nga) mong muốn.

Kim Jong Un và Vladimir Putin trong hội nghị thượng đỉnh về chương trình nguyên tử
và cấm vận kinh tế năm 2019 (Ảnh: parool.nl)

Kim Jong Un tiếp nối sự nghiệp của cha và ông nội. Ɖảng kỳ của các đảng Cộng Sản trên thế giới chỉ có hình Búa Liềm tượng trưng cho CÔNG-NÔNG. Ɖảng kỳ của đảng Cộng Sản Bắc Hàn có hình BÚA-LIỀM-CÂY BÚT biểu tượng cho CÔNG-NÔNG-TRÍ.

Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình) không thích vị lãnh tụ Bắc Hàn thứ nhì Kim Jong Il (chủ tịch: 1994 - 2011), phụ thân của Kim Jong Un (1984 -), lãnh tụ cầm quyền năm 27 tuổi (2011). Kim Jong Un không che dấu được sự bất thân thiện giữa Pyongyang (Bình Nhưỡng) và Bejing (Bắc Kinh) qua các sự kiện dưới đây:

- Không sang Beijing sau khi lên nắm chánh quyền năm 2011.

- Không mời đảng Cộng Sản Trung Quốc tham dự đại hội đảng Cộng Sản Bắc Hàn.

- Giết chết ông Jang Song Thaek, chồng người cô của Kim Jong Un, người được xem là thân Beijing (2013).

- Giết chết người anh cùng cha khác mẹ, Kim Jong Nam, bằng hơi độc ở Mã Lai năm 2017. Kim Jong Nam được Beijing chứa chấp và tài trợ. Ɖó là người khả dĩ nắm quyền lãnh đạo ở Bắc Hàn.

Bắc Hàn là một nước rộng 120.540km2 với 26 triệu dân. Hiện nay có 5 quốc gia Cộng Sản trên thế giới: Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, Lào. Bắc Hàn được xem là quốc gia nghèo nhất trong số các quốc gia Cộng Sản trên vì dân chúng còn sống trong cảnh bữa đói bữa no. Bắc Hàn phải dùng bom nguyên tử để kích thích tự ái dân tộc về sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của Bắc Hàn dưới “triều đại” nhà Kim và tạo sự nể nang của các quốc gia láng giềng ngoại trừ Nga.

Nam Hàn (Ɖại Hàn Dân Quốc) rộng 100.360km2 với 52 triệu dân. Ɖó là quốc gia có nền kinh tế hạng 14 trên thế giới. Sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, có lối 30.000 quân sĩ Hoa Kỳ đồn trú ở phía nam vĩ tuyến 38. Chắc chắn phần đất này không nằm trong tầm nhắm của Beijing.

***

Việt Nam và Triều Tiên có vài tương đồng lịch sử:

1- Cả hai nước đều có quá khứ triều cống Trung Hoa.

2- Vào thế kỷ XIX ảnh hưởng chánh trị Trung Hoa được thay thế bằng ảnh hưởng chánh trị Pháp ở Việt Nam và ảnh hưởng chánh trị Nhật ở Triều Tiên.

3- Sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi. Bắc Hàn chịu ảnh hưởng của Liên Sô, Nam Hàn chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Theo quyết định của hội nghị Potsdam quân Trung Hoa Quốc Dân Ɖảng của Chiang Kaishek giải giới Nhật Bản ở phía bắc vĩ tuyến 16. Quân đội Anh giải giới Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16. Quyết định này như gợi ý chia đôi nước Việt Nam và gạt bỏ ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam. Trong đệ nhị thế chiến Pháp bị Ɖức chiếm đóng. Không có chánh phủ kháng chiến trên lãnh thổ Pháp. Tướng Charles de Gaulle chịu nhiều cay đắng trong thời gian sống lưu vong ở Anh. Ông không được mời tham dự bất cứ hội nghị thượng đỉnh nào với tổng thống Roosevelt (Hoa Kỳ), Churchill (Anh) và Stalin (Liên Sô). Thống chế Chiang Kaishek được mời tham dự hội nghị Cairo năm 1943 với tổng thống Roosevelt và thủ tướng Churchill. Một phần lãnh thổ Trung Hoa bị Nhật chiếm đóng nhưng Chiang Kaishek vẫn còn lãnh đạo chánh phủ Chongqing (Trùng Khánh) kháng chiến chống Nhật với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.

Trong đệ nhị thế chiến ông Hồ Chí Minh hợp tác với OSS, tiền thân của CIA sau này, dưới bí danh Lucius. Ngày 02-09-1945 ông khai sinh ra Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng không một quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận chánh phủ của ông, kể cả Liên Sô dưới lãnh đạo của Stalin. Tại sao Stalin không nhìn nhận chánh phủ Hồ Chí Minh, một cán bộ Comintern do Liên Sô đào tạo?

Vì ông Hồ từng là cán bộ OSS của Hoa Kỳ trong đệ nhị thế chiến?

Vì ông Hồ đọc Bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập mở đầu bằng câu Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng trích từ bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập của Hoa Kỳ năm 1776?

Vì hiệp ước Liên Minh Hỗ Tương Pháp-Liên Sô ký ngày 10-12-1944?

Stalin không giúp cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc. Ông cũng không nhìn nhận và giúp đỡ chánh phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo sau ngày Toàn Quốc Kháng Chiến 19-12-1946. Khẩu hiệu Trường Kỳ Kháng Chiến hay Tự Lực Cánh Sinh nói lên sự cô đơn của chánh phủ Hồ Chí Minh trong thời gian 1946 - 1950. Moscow chỉ nhìn nhận chánh phủ kháng chiến sau khi Beijing nhìn nhận và giúp đỡ Việt Minh kháng Pháp.

Trung Quốc tích cực viện trợ cho Việt Minh võ khí, thuốc men, lương thực, cố vấn chánh trị và quân sự v.v. Trung Quốc có ảnh hưởng tuyệt đối trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Các cuộc cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ theo gương Trung Quốc được thi hành trong vùng kiểm soát của Việt Minh.

Năm 1951 đảng Lao Ɖộng ra đời. Thực chất đó là đảng Cộng Sản Ɖông Dương hồi sinh. Trường Chinh Ɖặng Xuân Khu là Tổng Bí Thơ đảng. Chế độ chính ủy được triệt để thi hành. Vai trò của Trường Chinh (Maoist) lấn át vai trò của Hồ Chí Minh (Stalinist). Tướng Nguyễn Sơn và Nguyễn Chí Thanh (Maoist) cạnh tranh ảnh hưởng ráo riết với tướng Võ Nguyên Giáp được hậu thuẫn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1954 Việt Nam bị qua phân sau khi Việt Minh đánh thắng Pháp trong trận Ɖiện Biên Phủ. Uy thế của Tổng Bí Thơ Trường Chinh đậm nét từ năm 1951 đến 1956, năm ông mất chức Tổng Bí Thơ đảng Lao Ɖộng Việt Nam vì sự khủng khiếp, đẫm máu và đẫm lệ của chánh sách cải cách ruộng đất theo gương Trung Quốc.

Ông Hồ Chí Minh là Chủ Tịch đảng kiêm Tổng Bí Thơ đảng Lao Ɖộng và Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ông được thụ huấn ở Liên Sô vào năm 1924 và 1934 nên lúc nào ông cũng xem Liên Sô là thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa trên thế giới mặc dù Khrushchev hạ bệ Stalin và chủ trương sống chung hòa bình với các nước Tây Phương.

Năm 1960 Lê Duẩn thay thế Trường Chinh. Lê Duẩn đóng vai trò trung gian giữa khuynh hướng thân Beijing và thân Moscow ở miền Bắc khi Hà Nội khởi đầu cuộc chiến ở miền Nam nhằm thống nhất Việt Nam. Ông là người có nhiều kinh nghiệm về chánh trị, kinh tế, xã hội và nhân văn ở miền Nam.

Khrushchev không tán đồng cuộc chiến tranh ở miền Nam vì một đóm lửa nhỏ sẽ gây ra đám cháy lớn.

Nikita Khrushchev, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh
và Tống Khánh Linh (Ảnh: Wikimedia Commons)

Mao Zedong thích thú với chiến tranh nhân dân mà ông tự cho mình là cha đẻ của nó. Khuynh hướng Maoist lấn át khuynh hướng thân Sô Viết ở miền Bắc. Ɖại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) là linh hồn của lực lượng giải phóng trên chiến trường miền Nam (1960 - 1967).

Cuộc chiến tranh leo thang. Năm 1964 miền Bắc bị phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc. Năm 1965 quân đội Hoa Kỳ tham chiến trên chiến trường miền Nam. Cuộc chiến trở nên đẫm máu. Hà Nội cần võ khí tối tân của Liên Sô để phòng không ở miền Bắc và mở những cuộc tấn công trên chiến trường miền Nam. Ảnh hưởng của Beijing suy giảm sau năm 1968. Với võ khí tối tân do Liên Sô viện trợ, quân Cộng Sản miền Bắc và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng có nhiều ưu thế trên chiến trường khi bắn cháy xe tăng hay bắn rơi trực thăng của quân đội miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) trong các trận đánh Quảng Trị, Kontum, Lộc Ninh vào năm 1972.

Ngày 27-01-1973 hiệp định Paris được ký kết. Hòa bình được vãn hồi. Quân sĩ Hoa Kỳ rời khỏi Nam Việt Nam. Hai năm sau chánh phủ Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ (1975). Việt Nam thống nhất dưới quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Từ năm 1975 đến 1986 CHXHCNVN nghiêng hẳn theo Liên Sô chống lại Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Zedong (chết năm 1976), rồi Deng Xiaoping. Sau cuộc viếng thăm Beijing của tổng thống Nixon, Trung Quốc thân thiện với Hoa Kỳ và chống Liên Sô dữ dội. Năm 1975 ba nước trong bán đảo Ɖông Dương trở thành ba nước Cộng Sản:

Việt Nam là nước Cộng Sản thân Liên Sô.

Lào là nước Cộng Sản thân Việt Nam tức thân Liên Sô.

Cambodia là nước Cộng Sản theo chủ nghĩa Maoism, tức thù nghịch với Cộng Sản Việt Nam.

Lo sợ bị Trung Quốc tấn công, Hà Nội ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Sô ngày 04-11-1978. Tàu chiến Liên Sô vào Cam Ranh thay thế tàu chiến Hoa Kỳ.

Cuối năm 1978 quân Cộng Sản Việt Nam xâm chiếm Phnom Penh. Khmer Ɖỏ thua chạy về phía biên giới Cambodia-Thái Lan.

Ngày 17-02-1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam ngoài biên giới. Ɖó là bài học số 1 mà Deng Xiaoping dành cho Cộng Sản Việt Nam sau khi Cộng Sản Việt Nam xâm lăng Cambodia, lật đổ chánh quyền Maoist do Khmer Ɖỏ đại diện. Liên Sô im lặng đứng nhìn dàn pháo Trung Quốc tàn phá các thành phố ngoài biên giới Việt-Trung. Năm 1984 chiến tranh biên giới tái diễn. Liên Sô vẫn giữ thái độ im lặng thay cho sự giúp đỡ quân sự cho Cộng Sản Việt Nam.

Năm 1988 tàu chiến Liên Sô nằm bất động trong vịnh Cam Ranh khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm một phần đảo Trường Sa trong tay Cộng Sản Việt Nam.

Năm 1978 Liên Sô xâm lăng Afghanistan thì Cộng Sản Việt Nam xâm lăng Cambodia. Năm 1988 Liên Sô rút quân khỏi Afghanistan thì năm 1989 Cộng Sản Việt Nam rút quân khỏi Cambodia.

Năm 1989 dân các nước Ɖông Âu vùng lên đòi thoát khỏi gông cùm Liên Sô thành công. Ɖông Ɖức và Tây Ɖức thống nhất. Liên Sô trên đà sụp đổ.

Ɖể nắm giữ chánh quyền, một phái đoàn Cộng Sản Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Tổng Bí Thơ Nguyễn Văn Linh, Thủ Tướng Ɖỗ Mười, cựu Thủ Tướng Phạm Văn Ɖồng đến Chengdu (Thành Ɖô) gặp chủ tịch Trung Quốc Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và Thủ Tướng Li Peng (Lý Bằng) để nối lại bang giao bình thường giữa hai nước sau trên 10 năm thù nghịch. Không rõ nội dung thỏa ước Chengdu như thế nào ngoại trừ những tin đồn bất lợi cho Hà Nội. Sau năm 1990 Hà Nội phải thi hành nghiêm chỉnh Bốn Tốt (1) và 16 Chữ Vàng (2) do Beijing đưa ra. Từ đó về sau những yếu nhân trong chánh quyền CHXHCNVN đều là những người được Beijing ủng hộ. Trung Quốc thuê đất trồng rừng, Trung Quốc thuê bờ biển. Những vùng thuê ấy người Việt Nam, kể cả công an Cộng Sản, không được vào. Trung Quốc khai thác tài nguyên ở Việt Nam. Công dân Trung Quốc vào Việt Nam dễ dàng. Nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam họ dùng Nhân Dân Tệ chớ không dùng tiền Việt Nam. Họ thành lập Viện Khổng Tử. Chữ Hán dự trù được dạy ở bậc tiểu học. Có người còn đề nghị dạy một loại chữ Việt mới thay cho chữ Việt hiện hành bị xem là thành quả của chế độ do thực dân Pháp để lại! Các công ty thăm dò dầu khí ngoại quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa phải rút lui. Thuyền bè đánh cá Việt Nam vùng Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc nhưng chánh quyền Việt Nam chỉ nói là “tàu lạ” thay vì nói đích danh là tàu Trung Quốc.

Trong thời kỳ đất nước qua phân Cộng Sản Việt Nam đi dây giữa Beijing và Moscow. Vào đầu thế kỷ XXI Cộng Sản Việt Nam đi dây giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên Sô.

Ôm Beijing để có chánh quyền.

Ôm Hoa Kỳ để có nhiều tiền và đường thoái êm ả, hạnh phúc trên vùng đất dân chủ và tự do mà họ xem là “kẻ thù” không đội trời chung lúc có chánh quyền trong tay.

Ôm Liên Sô như là sự báo hiếu đối với Bác Hồ. Việc đặt tên Công Viên Lenin (Công Viên Chi Lăng cũ) và việc đặt tượng Lenin trong công viên này cũng như việc nguyền rủa dân Ukraine giựt sập tượng Lenin ở Kiev năm 2014, hai lần bỏ phiếu trắng về việc Nga xâm lăng Ukraine và một lần bỏ phiếu chống việc đẩy Nga ra khỏi Hội Ɖồng Nhân Quyền LHQ năm 2022 cho thấy Cộng Sản Việt Nam trước sau như một, kiên định lập trường chánh trị do Bác Hồ vạch ra gần 100 năm trước.

Năm 2014 Nga sát nhập Crimea vào Liên Bang Nga và giúp cho người Nga ở Donetsk và Luhansk đòi tự trị, viện lẽ họ bị chánh quyền Ukraine đàn áp. Sự can thiệp võ lực của Nga tạo cảm hứng cho Trung Quốc nghĩ đến một vùng nào đó giáp giới với Trung Quốc, nơi có nhiều người thiểu số nói tiếng Quảng Ɖông (Cantonese) hay Quan Thoại (Mandarin).

Năm 2015 tổng thống Hoa Kỳ Obama của Hoa Kỳ tiếp Tổng Bí Thơ đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại White House. Ɖây là lần đầu tiên Hoa Kỳ phá lệ ngoại giao khi tiếp Tổng Bí Thơ đảng Cộng Sản Việt Nam vì ở Hoa Kỳ không có danh vị tương ứng nào cho chức vụ ấy cả. Từ đó về sau thỉnh thoảng tàu Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam ở Ɖà Nẵng hay vịnh Cam Ranh. Tổng thống Obama viếng thăm Việt Nam vào tháng 5 năm 2016 và được dân chúng Sài Gòn nghinh đón chật đường. Ngoài ra các Chủ Tịch và Thủ Tướng CHXNCNVN thăm viếng Ấn Ɖộ, Nhật Bản, hai quốc gia thù nghịch của Trung Quốc, khiến nước này càng ghét CHXHCNVN nhiều hơn.

Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+)
về an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Ɖông vào ngày 18/5/2022 tại Phnom Penh.
(Ảnh: www.mod.gov.vn)

Ngày 24-02-2022 Nga vô cớ xâm lăng Ukraine. Tự nhiên người ta liên tưởng đến một hành động tương tự xuất phát từ Xi Jinping của Trung Quốc nhắm vào Taiwan. Cơ quan Tình Báo Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam hơn là Taiwan.

Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, họ sẽ được lợi gì?

1- Trung Quốc và Việt Nam có biên giới chung nên việc tấn công bằng đường bộ được dễ dàng. Chiếm Việt Nam, họ có ưu thế địa lý chiến lược Thái Bình Dương-Ấn Ɖộ Dương vì Việt Nam giáp với Ɖông Hải (tây Thái Bình Dương) ở phía đông và phía tây nam giáp với Vịnh Thái Lan thuộc Ấn Ɖộ Dương.

2- Khi tấn công Việt Nam, chắc chắn Trung Quốc sẽ đem nội dung mật ước Chengdu (Thành Ɖó) năm 1990 ra làm bằng cớ chiến tranh.

3- Với lập trường Bốn Không, Việt Nam rất cô đơn khi bị Trung Quốc tấn công. Việt Nam sẽ không được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ như đã ủng hộ Ukraine. Họ sẽ bỏ phiếu trắng không lên án Trung Quốc như Việt Nam đã làm hai lần trong việc bỏ phiếu trắng không lên án Nga xâm lăng Ukraine và một lần bỏ phiếu chống lại việc loại bỏ Nga ra khỏi Hội Ɖồng Nhân Quyền LHQ năm 2022.

4- Sau năm 1978 Việt Nam hậu thuẫn cho Hun Sen ở Cambodia và có ảnh hưởng tuyệt đối ở Lào. Bây giờ Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự. Beijing biến Lào và Cambodia thành hai nước thân Trung Quốc và sẵn sàng thù nghịch với Việt Nam. Người giàu có rất dễ có nhiều bạn và tay em.

5- Các đảng viên Cộng Sản Việt Nam hiện có ba khuynh hướng: a. Khuynh hướng thân Trung Quốc. b. Khuynh hướng thân Nga. c. Khuynh hướng thân Hoa Kỳ. Khuynh hướng thân Trung Quốc chiếm đa số áp đảo.

6- Cố nhiên, nếu chiến tranh xảy ra, Trung Quốc nắm ưu thế quân sự: quân sĩ đông đảo, võ khí dồi dào hoặc tự chế tạo hoặc mua của Nga. Số lượng phi cơ, tàu chiến, xe tăng, trọng pháo quá nhiều so với số lượng tàu chiến, phi cơ và võ khí mà Việt Nam mua của Nga, Ấn Ɖộ, Do Thái. Từ thập niên 1990 đến nay chánh quyền Cộng Sản Việt Nam thực sự biết rõ có bao nhiều người Trung Quốc (gián điệp, quân sĩ trá hình dưới dạng công nhân hoạt động ở Việt Nam) và đạo quân thứ 5 (5ème colonne – 5th column) trên lãnh thổ của mình không? Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 được xem như không có kẻ thắng người thua vì lúc ấy quân Cộng Sản Việt Nam vừa đánh bại quân đội VNCH (1975). Tinh thần người cầm súng còn cao, lại được sử dụng một số võ khí Hoa Kỳ để lại ở miền Nam. Không thua hiểu theo nghĩa chủ quan là quân xâm lăng chưa chiếm thủ đô Hà Nội. Thực tế CHXHCNVN mất một số đất đai ngoài biên giới Việt Trung.

Sau năm 1990 Cộng Sản Việt Nam say sưa với chiến thắng Ɖiện Biên Phủ (07-05-1954) và Chiến Dịch Hồ Chí Minh (30-04-1975) nhưng không dám đề cập đến chiến tranh biên giới (1979, 1984) và biển đảo với Trung Quốc (1988). Những bài hát Bạch Ɖằng Giang, Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước bị chôn vùi. Công viên Chi Lăng đổi tên thành Công Viên Lenin (2003). Với chiến thắng năm 1954 và 1975 và với dân số 100 triệu người, Việt Nam vẫn không phải là một cường quốc và chưa hoàn toàn độc lập vì vắng bóng một nền kinh tế phồn vinh như Ɖại Hàn, Singapore, Hong Kong hay Taiwan (Trung Hoa Dân Quốc). Việt Nam cũng không có một dấu hiệu phát triển nào trên lãnh vực khoa học kỹ thuật như Bắc Hàn sau gần nửa thế kỷ hoà bình.

Hy vọng những điều ghi trên đều sai để Việt Nam được hòa bình và thịnh vượng trong giấc mộng cường quốc “đánh bại mọi kẻ thù dù to lớn đến đâu và xuất phát từ đâu”.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

____________

Chú thích:

(1) Bốn Tốt: 1- Láng giềng tốt. 2- Bạn bè tốt. 3- Ɖồng chí tốt. 4- Ɖối tác tốt.

(2): Mười Sáu Chữ Vàng: Láng Giềng Hữu Nghị (4 chữ) - Hợp Tác Toàn Diện (4 chữ) - Ổn Ɖịnh Lâu Dài (4 chữ) - Hướng Tới Tương Lai (4 chữ).

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/huongnhamquansu.html


Cái Đình - 2022