Lê Ngọc Vân
Hoa Kỳ và Việt Nam: Từ xung đột tiến tới hợp tác
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Nguồn: Tony Blair Institute For Global Change
Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện”, sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Joe Biden trong tuần này, báo trước một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ này sẽ đặt Hoa Kỳ vào cấp bậc ngoại giao độc quyền, đồng cấp bậc với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, biểu thị mức độ hợp tác cao nhất mà Việt Nam đưa ra cho một quốc gia không phải là lân bang kề cận.
Sự hợp tác mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Về mặt kinh tế, sự việc này tái khẳng định tầm quan trọng trong mối hợp tác, thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và theo hướng canh tân, như một trụ cột làm nền tảng cho mối quan hệ song phương. Nó mang lại những cơ hội đáng kể cho Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong lãnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phù hợp với mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế và nâng cao chất lượng đầu tư trong nước. Điều đáng chú ý là thỏa thuận Boeing đã được ký kết trong chuyến viếng thăm của ông Biden, theo đó Vietnam Airlines đồng ý mua 50 máy bay Boeing, minh chứng cho tiềm năng tăng cường hợp tác kinh tế. Nhìn chung, sự hợp tác mang lại nhiều hứa hẹn cho cả hai nước.
Chuyến viếng thăm của ông Biden – được mọi người đánh giá cao, và thỏa thuận hợp tác đã ghi một mốc lịch sử. Việc nâng cao mối quan hệ của hai bên biểu thị một sự thay đổi đáng chú ý, đặc biệt nếu ta xét đến cuộc xung đột cay đắng đã xác định rõ mối quan hệ giữa hai nước cách đây chưa đầy 5 thập kỷ. Phần lớn sự chú ý trên toàn cầu bây giờ tập trung vào mối dây liên hệ giữa chuyến viếng thăm với sự căng thẳng về mặt địa chính trị và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải thừa nhận rằng thỏa thuận trong tuần này thể hiện đỉnh cao của hành trình xích lại gần nhau kéo dài hàng mấy chục năm giữa hai nước.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đóng vai trò nòng cốt trong tiến trình hòa giải. Những nỗ lực của ông trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, cùng với những nhân vật chủ chốt như (cố) Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Mai, đã góp phần tạo nên một mối quan hệ hợp tác và mang tính xây dựng hơn. Hiệp định Thương mại Song phương Hoa Kỳ-Việt Nam ký kết năm 2001 giúp giảm bớt các rào cản thương mại và thúc đẩy đầu tư, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ kinh tế.
Năm 2013, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên mức quan hệ đối tác toàn diện, nhấn mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế và an ninh. Các chuyến viếng thăm tiếp theo ở cấp tổng thống, chẳng hạn như chuyến viếng thăm của ông Barack Obama vào năm 2016 và của ông Donald Trump vào những năm 2017 và 2019, đã củng cố các mối quan hệ này. Việc mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh, bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung và các sáng kiến an ninh-hàng hải, đã nêu bật được mối quan tâm chung của hai bên đối với sự ổn định trong khu vực.
Các thỏa thuận đầu tư được ký kết trong tuần này phù hợp với những nỗ lực liên tục trong nhiều năm của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện khuôn khổ chính sách đầu tư. Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị được thông qua năm 2019 là một ví dụ trong số những hành động trên mặt hành pháp, lập pháp cũng như những chính sách khác được đưa ra nhằm củng cố môi trường đầu tư và thu hút nguồn đầu tư FDI có chất lượng cao hơn, từ đó sẽ có tác động lớn hơn đến kỹ năng và chuỗi cung ứng trong nước. Chính phủ cũng đã nỗ lực truyền đạt lời kêu gọi chủ động hơn nhiều về đầu tư công nghệ cao và giá trị cao, biết tự xác định vị trí của mình để có thể hưởng lợi từ các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của họ thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc.
Về mặt địa chính trị, hành động đu dây thận trọng của Việt Nam trong mối quan hệ với các cường quốc lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đã thúc đẩy sự nâng cấp này. Chiến lược ngoại giao rộng hơn của Hà Nội – đặc trưng do sự tham gia tích cực trong khu vực và đối thoại liên tục với Bắc Kinh – đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường ổn định khu vực.
Vị trí chiến lược và ngoại giao của Việt Nam, cộng với khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của quốc gia này như là trung tâm đầu tư mới ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình sự ổn định trong khu vực. Và khi Việt Nam khẳng định mình là một nước tham gia chính, quốc gia này cũng sẽ tạo ra một tiền lệ qua cách tạo ra một mô hình mẫu cho các quốc gia nhỏ hơn hoặc đang phát triển khác tìm cách duy trì độc lập trong một thế giới đầy rẫy mưu đồ chính trị. Khi các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng bị đe dọa và bị chính trị hóa, vai trò của Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất và xuất khẩu thực phẩm lớn sẽ được tăng cường nhờ khả năng điều hướng các thực tế địa chính trị khó khăn.
Các sự kiện trong tuần này đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, góp phần vào nỗ lực thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng leo thang. Châu Âu và Ấn Độ cũng nên xem những diễn biến trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như một tín hiệu về những động lực đang phát triển trong khu vực. Khả năng của Việt Nam trong việc giao tiếp với các cường quốc lớn mà không hoàn toàn liên kết với bất kỳ cường quốc nào trong số đó khiến Việt Nam trở thành trụ cột cho sự hợp tác và ổn định.
Nguyên tác: The United States and Vietnam: From Conflict to Cooperation, Richard Mc Clellan
Tony Blair Institute for Global Change, 20.09.2023
Người dịch: Lê Ngọc Vân
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/hoakyvavietnamtuxungdot.html