Lê Ngọc Vân


Hạt giống của niềm tin thiêng liêng – rằng Mỹ và Israel luôn gắn kết với nhau – nằm ở đâu?

Hội nghị thường niên của nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel
(American Israel Public Affairs Commitee) năm 2019, với vị diễn giả được mời
là đảng viên Đảng Dân chủ Nancy Pelosi. Hình: Mark Wilson / Getty

Ở Mỹ, mối quan hệ thân thiết giữa quốc gia này và Israel chừa rất ít chỗ cho tâm tình của người Palestine.
Bằng cách nào mà mối dây đó trở nên bền chặt như vậy?
Và thế hệ mới nhìn Trung Đông với quan điểm nào?

Mặt trời đã lên cao khi một nhóm người biểu tình bám chặt vào một con tàu quân sự ở bến cảng của thành phố Oakland, Hoa Kỳ. Vào thứ Sáu vừa qua, khoảng hai trăm người biểu tình trên vai choàng lá cờ Palestine đứng trên bờ. Trên boong tàu: một kho vũ khí, với Israel là đích đến.

“Tôi tức giận vì chính phủ của chúng tôi vẫn gửi vũ khí đến Israel,” bà Meena Abushamala tham dự biểu tình tuyên bố trước ống kính máy quay của phóng viên. Trong những tuần gần đây, bà đã mất gia đình đang sống trong vùng đất Palestine. “Một trái hỏa tiễn đã giết ba thế hệ. Một người chú/bác cùng con trai của họ và con của ông này. Ngừng viện trợ quân sự cho Israel đi!”

Vài giờ sau, những người biểu tình bị bắt giữ trên tàu. Vũ khí thì vẫn trên đường đến Israel – còn thông điệp của họ đang được truyền đi khắp thế giới.

Cuộc phản kháng là một trong nhiều cuộc biểu tình. Hơn một tháng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, giọng điệu ở Hoa Kỳ đã thay đổi. Càng ngày càng có nhiều người Mỹ yêu sách Nhà Trắng kêu gọi Benjamin Netanyahu ngừng tay. Hàng chục ngàn người ở Washington, Nashville và New York đã kêu gọi ngừng bắn vào cuối tuần trước. Hơn 200.000 cử tri đã dâng đủ loại kiến nghị yêu cầu các thành viên Quốc hội hành động về vấn đề này.

Nhà Trắng vẫn không muốn biết về điều đó. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong chuyến thăm Jordanie tuần trước: “Điều quan trọng là phải một lần nữa nhấn mạnh quyền tự vệ của Israel”. Vô số người Mỹ ngày nay đang lớn tiếng thắc mắc: lòng trung thành vô tận với Israel này đến từ đâu?

'Thái độ hèn nhát của người Mỹ'

Nhà nước Israel chỉ mới tồn tại được 11 phút vào lúc Tổng thống Mỹ Harry Truman chính thức công nhận quốc gia này vào năm 1948. Đã có nhiều cuộc thảo luận diễn ra trước quyết định này tại Tòa Bạch Ốc. Các cố vấn của Truman lo ngại rằng một nhà nước Do Thái sẽ khiến khu vực vốn đã hỗn loạn càng trở nên bất ổn hơn. Nhưng trong khi đó cũng có sự chi phối của cái cảm giác phạm tội diệt chủng sáu triệu người Do Thái do Đức Quốc xã gây nên.

Người Mỹ đã tránh can thiệp trong một khoảng thời gian dài trong cuộc thế chiến. Những người tị nạn Do Thái bị xua đuổi. Trong cùng thời gian đó đã có hàng nghìn người Đức Quốc xã được bí mật đưa sang Mỹ vì các cơ quan tình báo như CIA có thể sử dụng kiến ​​thức của họ trong cuộc chiến chống lại Liên Xô.

Tổng thống Harry Truman và tổng thống đầu tiên của Israel, Chaïm Weizmann,
năm 1948. Hình: Kho tài liệu Bettmann

Trong những năm 1950, nhiều trẻ em Mỹ khi ngồi quanh bàn ăn đã được nghe kể về sự khủng khiếp của nạn diệt chủng Holocaust và thái độ hèn nhát của người Mỹ. Một trong số những người này là Joe Biden. “Thế giới đã thất bại,” thân phụ ông nói với ông, như vị tổng thống Mỹ trong tương lai này đã ghi lại trong hồi ký của mình. “Chúng ta đáng lẽ nên xấu hổ.”

Trong những năm sau khi Israel mới lập quốc, người Mỹ không đặc biệt quan tâm đến nơi này. Vì mối lợi trong ngành dầu mỏ của mình, Mỹ chủ yếu tìm kiếm quan hệ hợp tác với thế giới Ả Rập. Điều đó đã thay đổi trong Chiến tranh Lạnh. Các nước như Ai Cập đang nghiêng về phía Liên Xô. Israel và Mỹ thừa nhận rằng họ cần có nhau để bảo vệ lợi ích chung trong khu vực. Một liên minh đã được hình thành. Năm 1962, John F. Kennedy trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bán hệ thống tên lửa cho Israel – đó là bước khởi đầu cho một liên minh quân sự chặt chẽ.

Cộng đồng Do Thái ở Mỹ – cộng đồng lớn nhất bên ngoài Israel, giúp đỡ việc thành lập nhà nước Do Thái bên kia bờ đại dương không chỉ bằng tiền. Hàng ngàn người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái di cư đến Israel để giúp xây dựng lại đất nước non trẻ. Quan điểm của Cơ đốc giáo về Israel như một 'đất nước trong Kinh Thánh' cũng ngày càng được truyền bá.

Bà Melani McAlister, giáo sư về bang giao quốc tế tại Đại học George Washington, cho biết: “Vào cuối những năm 1960, ngày càng có nhiều nhà thờ bắt đầu cung ứng các chuyến đi thăm Đất Thánh. Cuộc du hành đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều khi Israel chiếm được toàn bộ Jerusalem sau Cuộc Chiến Sáu Ngày trong năm 1967. Du khách không cần phải đi vòng qua Jordanie để vào vùng này nữa.'

Hàng ngàn người Mỹ đã đến thăm quốc gia tân lập này. Các tín đồ được rửa tội ở sông Jordan, con sông nơi Chúa Giêsu, theo Kinh thánh, đã làm như vậy. Bà McAlister nói: “Trong những chuyến đi đó, người Mỹ được nghe kể rằng quốc gia Israel hiện đại là cơ quan giám sát của Cơ đốc giáo. Và chuyện này chỉ có thể duy trì nhờ sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Du khách thấy yên bụng ấm lòng khi trở về.”

Ngược lại với châu Âu, hầu như không có bất kỳ sự thế tục hóa nào ở Hoa Kỳ. Mối liên kết với Israel đang gia tăng trong khối những người Mỹ có đạo. Ngoài ra còn có rất nhiều sự đoàn kết với nhà nước Do Thái trong phong trào dân quyền tả phái. Nhiều người Mỹ da trắng tham gia phong trào cũng là người Do Thái.

Cuộc vận động hành lang của Israel

Khi nhà hoạt động Malcolm X (xin được giấu tên) đến thăm một trại tị nạn ở Gaza, có điều gì đó đã thay đổi. Malcolm, một trong những nhà lãnh đạo của tổ chức Quốc gia Hồi giáo, đau buồn khi nhìn thấy số phận của những người Palestine, những người mà gốc rễ của mình đã bị bứng đi trên chính đất nước của họ. Trong một bài báo, ông đánh đồng chủ nghĩa phục quốc Do Thái, việc theo đuổi một nhà nước Do Thái, với chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, lời chỉ trích này vẫn không hơn gì một lời xì xào trong hậu trường.

Điều thiên hạ ưa nói đến ở Washington là khả năng quân sự xuất sắc của đồng minh của họ. Thậm chí còn có nữ giới trong quân đội nữa! Trong khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam một cách đáng xấu hổ sau 8 năm, họ chứng kiến ​​quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông này giành chiến thắng trong cuộc chiến trên nhiều mặt trận trong 6 ngày, giành quyền kiểm soát Sa mạc Sinai, Đông Jerusalem, Bờ Tây sông Jordan, cao nguyên Golan và Dải Gaza.

Vào thời điểm đó, hoạt động vận động hành lang của Israel ở Mỹ đang hoạt động hết mức. Câu lạc bộ có ảnh hưởng nhất, Ủy ban Công vụ Israel-Hoa Kỳ (American Israel Public Affairs Committee – AIPAC), đã quyên góp tiền bạc cho các ứng cử viên chính trị nào thể hiện lòng trung thành với Israel. Họ cũng biết cách huy động cộng đồng Do Thái ở Mỹ.

Khi Ai Cập và Syria trả đũa vào năm 1973 bằng cuộc tấn công bất ngờ trong ngày lễ Yom Kippur của người Do Thái, Tổng thống Richard Nixon đã chuyển số xe tăng, vũ khí và pháo binh trị giá 2,2 tỷ USD tới Tel Aviv. Benjamin Radd, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học California ở Los Angeles, cho biết: “Một thời điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa Israel và Mỹ”. “Bằng cách hỗ trợ Israel, người Mỹ có thể đối trọng với mối đe dọa từ Liên Xô và cũng có thể thực thi quyền lực ở Trung Đông.”

Trong những năm sau đó, xuất hiện đủ loại nhóm hoạt động Do Thái và truyền giáo muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa người Mỹ và người Israel. Có những chuyến bao đi chơi dành cho cảnh sát và lính cứu hỏa, cũng như dành cho các chính trị gia, sinh viên và nhà báo. Từ năm 1999 đến năm 2017, nửa triệu thanh niên Do Thái đã từ Mỹ đến Israel trong chuyến du lịch kéo dài 10 ngày do các nhà tài trợ Do Thái chi tiền. Trong khi đó, người Mỹ vẫn không biết gì về việc bứng hàng trăm nghìn người Palestine ra khỏi quê của họ. Trên các phương tiện truyền thông cũng vậy, người ta hầu như không chú ý đến điều đó.

Dư chấn của sự kiện 11/9

William Youmans, khi làm nghiên cứu cho Đại học George Washington về sự nhận thức quanh cuộc xung đột, cho biết: “Khi người ta bắt đầu nói về Palestine, nhiều người vẫn nghĩ họ đang nói đến Pakistan. Ông nói: “Người Mỹ có rất ít kiến ​​thức về thế giới Ả Rập. Hơn nữa, những gì họ tìm hiểu về nó trong nền văn hóa đại chúng lại đầy rẫy những khuôn mẫu đã được dựng sẵn. Phần lớn những người Ả Rập mà người Mỹ thấy trên phim ảnh và truyền hình kể từ những năm 1970 đều đóng vai những kẻ khủng bố.”

Hình ảnh này một lần nữa được xác nhận trong vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ngay sau đó, Thủ tướng Israel, Ariel Sharon, bay tới Mỹ. Thông điệp của ông gửi tới Tổng thống George Bush: bây giờ các ông đã biết sự thể nó như thế nào rồi đấy. Người Israel kể cho người Mỹ về những gì họ đã học được trên mảnh đất của họ về hoạt động giám sát, tình báo và chống khủng bố. Họ cũng thúc giục người Mỹ xâm lược Iraq. Nếu điều này xảy ra, Mỹ sẽ càng phải phụ thuộc nhiều hơn vào đồng minh hiếm hoi của mình ở Trung Đông.

Tại cảng Oakland, những người biểu tình cố gắng ngăn chặn một con tàu
chở đầy quân nhu rời bến để đến Israel, ngày 3 tháng 11/2023. Hình: Getty

Vai trò của Hoa Kỳ với tư cách là “người bảo vệ nền dân chủ” như họ đã tự tuyên bố – nếu cần thì sử dụng cả vũ lực, đã gắn liền với vận mệnh của Israel. Sự thành công của nền dân chủ này là một phép thử về vị thế địa chính trị của nước Mỹ. Hàng năm, người Mỹ chi khoảng 3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel.

Cho dù mối quan hệ giữa Israel và Mỹ ngày càng sâu đậm nhưng những lời chỉ trích từ trong nội bộ nước này ngày càng gia tăng kể từ đầu thế kỷ này. Các nhóm với khuynh hướng tiến bộ, bao gồm cả những nhóm Do Thái, đang ngày càng kêu gọi được nhiều sự chú ý hơn. Họ sử dụng những thuật ngữ như “chế độ phân biệt chủng tộc” và gọi Gaza là “nhà tù lộ thiên”. Vài tổ chức còn ủng hộ việc tẩy chay các sản phẩm của Israel. Năm 2008, một nhóm vận động hành lang với lập trường trung tả có tên là J Street nổi lên, không giống như các câu lạc bộ Tin Lành và Do Thái hiện có ở Washington, nhóm này đã lên tiếng phản đối việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Ảnh hưởng của truyền thông xã hội

Bà Melani McAlister nói: “Sự trỗi dậy của mạng xã hội đã là một bước ngoặt. Tôi đã thấy điều đó xảy ra: đột nhiên trong lớp tôi có đủ loại học sinh bắt đầu lên tiếng về những vi phạm nhân quyền đối với người Palestine”. Ngoài ra, những khuôn mẫu quen thuộc về thế giới Hồi giáo dần bị nhạt nhòa khi giới trẻ Hoa Kỳ thấy những bạn cùng trang lứa với họ tranh đấu cho tự do và chết trong Mùa Xuân Ả Rập.

Tổng thống Barack Obama lặp lại lời chỉ trích đó với giọng điệu gay gắt hơn đối với Thủ tướng Israel Netanyahu. Nhưng điều đó không làm được gì nhiều. Dân Israel tiếp tục xây dựng các khu chiếm dụng bất hợp pháp và tiếp tục cuộc vận động hành lang tại Hoa Kỳ. Nhà chính trị học Ian Lustick, người chuyên về Trung Đông, tại Đại học Pennsylvania, cho biết: “Vẫn luôn có rất ít chính trị gia dám nói những gì họ nghĩ về chính sách của Israel và các nhà lãnh đạo Israel. Việc vận động hành lang khiến cuộc đời làm chính trị gia của bạn trở nên khốn khổ. Họ bơm rất nhiều tiền vào chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đối lập để làm cho bạn thua cuộc.”

Tổng thống Donald Trump cầu nguyện tại Bức tường Than khóc năm 2017. Ảnh ANP / AFP

Khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016, vấn đề Palestine còn bị đẩy lui thêm vào hậu trường. Với tư cách là tổng thống, ông khoác vai Thủ tướng Netanyahu. Ông cho dời đại sứ quán đến Jerusalem và tăng cường mối quan hệ của Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Ả Rập Saudi – mà không đếm xỉa gì đến người Palestine. Chính phủ của ông Netanyahu cảm thấy ngày càng được tự do đi theo ý hướng của họ.

Ông Lustick nói: “Hoạt động vận động hành lang của Israel ở Hoa Kỳ đã thay đổi kể từ những năm ‘80. Chính sách của Israel giờ đây không còn được bảo vệ nữa. Họ hiểu rằng chính sách này rất khó nuốt trôi, chẳng hạn như nhìn từ góc độ nhân quyền. Thay vào đó, những lời chỉ trích giờ đây được đáp trả bằng lời cáo buộc là bài Do Thái.” Được thúc đẩy bởi các nhóm vận động hành lang, kể từ năm 2015 đã có khoảng 27 tiểu bang của Mỹ thông qua một bộ luật, trong đó còn có cả việc cấm các công ty, tổ chức hoặc cá nhân bày tỏ mong muốn tẩy chay Israel. Các học giả đưa ra lời chỉ trích và thậm chí cả sinh viên đều bị đưa vào danh sách đen.

Ngày 7 tháng 10

Kể từ khi cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, tổng thống Joe Biden cũng tiếp tục lên tiếng ủng hộ Israel – đất nước mà ông yêu mến từ khi còn là một cậu bé nghe những câu chuyện của cha mình. Ông thường nói: “Bạn không cần phải là người Do Thái mới trở thành người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”. Biden, người sẽ bước sang tuổi 81 trong tháng này, đã gặp đủ mọi thủ tướng Israel kể từ khi bà Golda Meir lên nắm quyền vào năm 1969. Ông đã đến thăm nước này ba lần với tư cách là phó tổng thống và hai lần là tổng thống.

Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống, tại hội nghị AIPAC năm 2013. Hình: Getty

“Tôi đến Israel với một thông điệp,” Biden nói ba tuần trước trong chuyến thăm Netanyahu. “Bạn không cô đơn đâu.”

Tuần này, ông đã yêu cầu thủ tướng Israel tạm dừng trận mưa bom ở Gaza một thời gian ngắn, nơi hơn mười nghìn người đã thiệt mạng. Hai chữ ngừng-bắn không được dùng trong lời kêu gọi này. Các chuyên gia nói là ông nhận lãnh trách nhiệm về việc đó. Họ lập luận rằng nếu Biden không can thiệp, bạo lực sẽ tiếp tục. Nhà chính trị học Lustick cho biết: “Không một cuộc chiến tranh nào của Israel kể từ năm 1956 đã kết thúc, cho đến khi Mỹ lên tiếng thúc giục. Bằng cách không thiết lập biên giới, Mỹ đã góp phần làm suy yếu đồng minh của mình trong nhiều năm”.

   

Nguyên tác: Waar ligt de kiem van het heilige geloof dat Amerika en Israël voor altijd verbonden zijn? -- Maral Noshad Sharifi.
De Volkskrant, 10/11/2023
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/hatgiongcuaniemtinthienglieng.html


Cái Đình - 2023