Minh Anh
Hấp lực của BRICS là hướng tới một trật tự thế giới mới
Tổng thống Nga Vladimir Putin chờ đón bà Dilma Rousseff, chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Mới –
ngân hàng của nhóm BRICS – bên lề thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga,
ngày 22/10/2024. AFP - ALEXANDER NEMENOV
Thượng đỉnh BRICS mở ra hôm nay, 22/10/2024, tại thành phố Kazan, Nga. Sự kiện cho phép tổng thống Nga chứng tỏ ông không bị cô lập. Mặt khác, với sự tham dự của lãnh đạo 36 nước, trong đó có 22 nguyên thủ quốc gia, diễn đàn quốc tế này còn cho thấy sức hấp dẫn của “câu lạc bộ” những nước mới trỗi dậy muốn thay đổi trật tự thế giới do phương Tây thống trị từ năm 1945, một thế giới bị chỉ trích là “lỗi thời”.
Bất chấp cuộc chiến xâm lược Ukraina do chính Nga phát động, thượng đỉnh BRICS vẫn thu hút sự tham gia đông đảo từ nhiều nước trên thế giới. Được thành lập từ năm 2009, với năm nước thành viên ban đầu là Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa), BRICS kể từ tháng Giêng năm 2024 đã trở thành BRICS+ khi kết nạp thêm năm thành viên mới là Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ethiopia và Iran, sau quyết định được đưa ra tại thượng đỉnh lần thứ 15, diễn ra ở Johannesburg, Nam Phi tháng 8/2023.
Nhóm BRICS+ chiếm hơn một nửa dân số thế giới (so với 10% dân số của nhóm G7) và 35% GDP toàn cầu (cao hơn của G7). Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tự tin cho rằng nhóm này trong tương lai sẽ là đầu tầu tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Đối với nhiều nhà quan sát, sự kiện này đối với nguyên thủ Nga, là một cách để chứng tỏ rằng ông không bị cô lập, khi có nhiều lãnh đạo chính phủ, nguyên thủ quốc gia, đứng cạnh ông, chứ không riêng gì chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Nhưng BRICS đang trở thành một trong những diễn đàn để nhiều nước “Nam bán cầu – Global South”, những nước đang trỗi dậy, phản đối phương Tây hóa thế giới. Cảm giác này càng được “củng cố với những cuộc xung đột tại Ukraina và ở Cận Đông, khi người ta chợt nhận ra rằng những nước mới trỗi dậy đó không đi theo lập trường của phương Tây và cũng không lên án hành động xâm lược của Nga”, theo như nhận định của bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp tại Nga, Trung Quốc và Anh Quốc trong một hội thảo Ngày hội Địa Chính Trị Nantes 2024.
Những nước “Nam bán cầu” cho rằng “trật tự thế giới hiện nay hoàn toàn không còn phù hợp với thực tế của nhiều nước, nhiều nền kinh tế. Phương Tây vẫn còn trong hệ thống được thành lập từ năm 1945, 1948” và do vậy, họ không muốn chấp nhận “vài nước châu Âu nhỏ bé và Mỹ quyết định số phận thế giới”, cựu phóng viên đài RFI Olivier Da Lage phân tích trong cùng buổi hội thảo ở Nantes.
Liệu rằng nhóm này có sẽ là một khối đối trọng với phương Tây? Đây là điều vẫn còn được tranh cãi. Nhiều nhà phân tích đánh giá BRICS là một nhóm tập hợp các nước với những quy mô kinh tế và lợi ích địa chiến lược rất khác biệt.
Người ta có thể nhận thấy sự đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu như Nga và Trung Quốc thực hiện một chiến lược chung đối đầu với phương Tây, thì Ấn Độ và Brazil lại đi theo con đường “đa liên kết”, hợp tác với cả phương Tây. Hay như Thổ Nhĩ Kỳ vừa xin gia nhập, lại là một nước thành viên của NATO.
Có một điều chắc chắn, chống thế bá quyền của Mỹ và đồng đô la Mỹ cũng như là trật tự thế giới do phương Tây hình thành và thống trị từ sau năm 1945 là mẫu số chung cho những nước tham gia và muốn tham gia BRICS. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là những nước mới trỗi dậy này hoàn toàn muốn thay thế trật tự cũ đó bằng một mô hình trật tự của Trung Quốc hay muốn Nga như là quốc gia bảo hộ, người gác cổng đạo đức cho thế giới.
Tuy nhiên, sự bất lực trong việc cải tổ các định chế thế giới như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân hàng Thế giới hay Hội Đồng Bảo An để có thể phản ảnh rõ hơn tầm quan trọng của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, rồi cảm giác mạnh mẽ về cách hành xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của phương Tây mà cuộc chiến Ukraina và xung đột ở dải Gaza là những ví dụ điển hình, đang thúc đẩy nhiều nước “Nam bán cầu” tham gia BRICS và Trung Quốc là nước ủng hộ mạnh mẽ sự mở rộng này.
Vì những lý do đó, phương Tây có lẽ không nên phớt lờ thông điệp Kazan, nếu không muốn để thấy một trật tự thế giới khác khi thức tỉnh dậy, theo như kết luận đài Pháp France Inter!
Minh Anh (RFI, 22.10.2024)
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/hapluccuabrics.html