Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Ɖảng cực hữu PVV của Geert Wilders thắng cử ở Hòa Lan

Chính trị gia cực hữu lãnh đạo đảng PVV Geert Wilders (đứng giữa, 60 tuổi)
nâng ly chúc mừng tại quốc hội Hòa Lan ở Den Haag (The Hague)
sau cuộc bầu cử vào ngày 22-11 (Ảnh: Reuters)

“Cơn sốc”, “đất sạt lở”, “động đất” là những từ ngữ được các tổ chức cũng như giới truyền thông trong và ngoài Hòa Lan dùng để phản ảnh về kết quả cuộc bầu cử thủ tướng và quốc hội Hòa Lan vào ngày 22-11-2023 vừa qua. Ra ngoài tất cả các dự đoán, đảng PVV (đảng Tự Do) cực hữu của ông Geert Wilders đã trở thành đảng chiếm nhiều ghế nhất (37 trong tổng số 150 ghế quốc hội), vượt xa con số 25 ghế của liên minh “Tả Xanh-Đảng Lao Động” (GroenLinks-PvdA: hai đảng cánh tả cùng phối hợp trong một liên danh), 24 ghế của đảng VVD (đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ) cánh hữu của Thủ tướng từ chức Mark Rutte và 20 ghế của đảng NSC (đảng Tân Khế Ước Xã Hội). Ngay cả thủ lãnh Geert Wilders cũng không ngờ cử tri đã dồn phiếu cho đảng PVV của ông vượt quá xa mức ông tiên liệu.

Kết quả cuộc bầu cử đã gây chấn động cho Hòa Lan và cả Âu Châu. Báo Hòa Lan NRC viết: “Thời đại Thủ tướng Mark Rutte đã chấm dứt bằng cuộc nổi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu.”

Sinh hoạt chính trị và sơ lược các đảng phái ở Hòa Lan

Để hiểu rõ hơn về chính trường Hòa Lan, chúng ta nên biết qua về sinh hoạt chính trị đảng phái ở Hòa Lan cùng nguyên nhân đưa đến cuộc bầu cử quốc hội và thủ tướng Hòa Lan nói trên.

Hòa Lan là một quốc gia tôn trọng tuyệt đối sinh hoạt dân chủ và là một trong các quốc gia đã đóng góp vào việc thành lập Liên Âu. Trong những ngày đầu của kỳ bầu cử vừa qua, con số các đảng phái chính trị ghi danh tham gia ứng cử đến chóng mặt: 26 đảng phái. Tuy nhiên chỉ có 20 đảng thật sự tham dự cuộc bầu cử (nằm trong danh sách ứng cử viên tại tất cả địa phương trên toàn quốc), trong đó 5 đảng chính trị có trọng lượng và đóng vai trò quyết định. Mỗi đảng phái đều có lập trường riêng, đôi khi có những chính sách tương đồng nhưng cách giải quyết lại khác nhau. Không một đảng nào có thể tìm được sự hậu thuẫn của hơn nửa số cử tri để thành đảng nắm quyền. Vì thế, để có thể đạt được số ghế quá bán trong quốc hội (76/150), một nội các thành hình sau cuộc bầu cử phải là một liên minh các đảng phái có nhiều điểm chung trong đường lối điều hành quốc gia. Sau kỳ bầu cử quốc hội, một nhân vật có uy tín sẽ được đề cử để tiếp xúc với các đảng nhằm tìm ra một liên minh có thể ngồi chung thành lập nội các. Sau khi đạt được đồng thuận tạm thời, một nhân vật khác sẽ được đề cử để dàn xếp những cuộc thảo luận đi vào trọng tâm giữa các đảng trong liên minh này. Khi các bên đã đồng thuận về các nét chính, một thỏa thuận đại cương về chính sách được ký kết, nội các thành hình với thủ tướng là lãnh tụ đảng lớn nhất trong liên minh.

Như vậy, gần như chắc chắn Geert Wilders sẽ trở thành thủ tướng Hòa Lan. Nhưng con đường còn xa.

Trước cuộc bầu cử, chính phủ của thủ tướng Mark Rutte là chính phủ trung hữu gồm đảng cánh hữu VVD, đảng trung ương CDA (Ɖảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo), đảng trung ương D66 (Ɖảng Dân Chủ D66) và một đảng nhỏ CU (đảng Liên Hiệp Thiên Chúa Giáo) có khuynh hướng xã hội cánh tả. Mark Rutte là thủ tướng cầm quyền lâu nhất (13 năm) trong lịch sử sinh hoạt chính trị dân chủ của Hòa Lan, đã thắng cử bốn lần với bốn nhiệm kỳ kế tiếp kể từ tháng 10 năm 2010.

Chính phủ Rutte đã đưa vương quốc Hòa Lan vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, thành công ổn định kinh tế, đối phó với dịch Covid, giải quyết vấn đề năng lượng do chiến tranh ở Ukraine,… Nhưng, do mọi nỗ lực đã dồn vào các vấn đề cấp bách nêu trên, nên trong nhiệm kỳ cuối các vấn đề tồn đọng chất chứa nhiều năm vẫn chưa giải quyết được, như những sai lầm trầm trọng trong vấn đề trợ cấp tiền nuôi con, vật giá leo thang, dân thiếu nhà ở trong khi các người tỵ nạn được ưu tiên cấp nhà, số người nghèo (theo tiêu chuẩn Hòa Lan) gia tăng (mặc dù vẫn thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia Âu Châu khác như Ɖức hay Pháp), vấn đề bảo vệ môi sinh theo đúng quy định của Liên Âu. Và nhất là vấn đề di dân. Số di dân gia tăng quá nhiều bao gồm những người tỵ nạn do chiến tranh, nghèo đói từ Trung Ɖông, Phi Châu đến; người tỵ nạn chiến tranh từ Ukraine, thành phần người lao động đến từ nhiều quốc gia khác nhau là nguyên nhân làm chính phủ Rutte sụp đổ do các bất đồng ý kiến để giải quyết hiệu quả vấn đề. Sau khi từ chức, ông Mark Rutte cũng tuyên bố sẽ không tham chính. Lãnh tụ mới của đảng VVD thay thế ông Mark Rutte là bà Dilan Yesilgöz, nguyên bộ trưởng bộ Tư pháp.

Sự xuất hiện của những đảng mới

Trong thời gian đưa ra biện pháp hạn chế lượng khí thải nitrogen gây nguy hại cho đời sống thực vật và môi sinh theo các quy định của Liên Âu, bao gồm việc cắt giảm số lượng gia súc được chăn nuôi trong các nông trại trên toàn quốc, giảm số lượng các nông trại gần các khu vực thiên nhiên được bảo vệ nằm trong mạng lưới Natura 2000 của Liên Âu đã đưa đến sự bùng nổ các cuộc biểu tình của nông dân trong suốt mùa hè 2022. Ɖảng BBB (Phong trào Nông dân-Thường dân) ra đời trong hoàn cảnh này, do bà Caroline van der Plas lãnh đạo, với mục đích tranh đấu cho nông dân. Ɖảng chính trị tân lập này đã thắng lớn với 16 ghế trong cuộc bầu cử vào Eerste Kamer (Thượng Nghị Viện – có tổng cộng 75 nghị viên) vào ngày 30-05-2023, trở thành đảng có nhiều ghế nhất trong Thượng Viện.

Cũng trong năm 2023 một đảng chính trị mới ra đời ở Hòa Lan với tên NSC (Tân Khế Ước Xã Hội) do nghị sĩ Pieter Omzigt, một thành viên ly khai của đảng CDA, thành lập. Ông Omzigt được nhiều người xem là một trong những nghị sĩ xuất sắc nhất trong Quốc hội Hòa Lan và nhận được sự tin tưởng của quần chúng. Ông đã dựa vào kinh nghiệm tích lũy trong suốt quá trình hoạt động để viết sách và đưa ra các nguyên tắc cải tổ, đổi mới sinh hoạt chính trị ở Hòa Lan, đặc biệt nhấn mạnh trên sự hình thành một xã hội, trong đó người dân tham dự tích cực hơn về các vấn đề xã hội cũng như kinh tế, quan trọng nhất là việc quản lý đất nước và bảo đảm an sinh.

Trong thời gian đầu của cuộc vận động bầu cử, các cuộc thăm dò cho thấy đảng BBB chiếm nhiều ghế nhất trong các thống kê dự đoán (trên 40 ghế trong quốc hội), do dư âm của chiến thắng ngoạn mục trong kỳ bầu cử Thượng Viện nửa năm trước. Nhưng trào lưu đòi hỏi quyền lợi của dân chúng sau đó đã dần chuyển hướng, khiến BBB mất dần hậu thuẫn. Số ghế của đảng này hạ dần và số ghế của đảng NSC tăng dần. Trong gần suốt thời gian vận động bầu cử, đảng VVD vẫn dẫn đầu trong các thống kê tuy số ghế đã giảm so với số ghế hiện tại trong Quốc  hội, chứng tỏ khuynh hướng bảo thủ trong hàng ngũ cử tri vẫn còn rất mạnh. Bà Dilan Yeşilgöz là người tỵ nạn Kurd, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hòa Lan vào năm 7 tuổi, nhưng lại có chính sách cứng rắn về vấn đề di dân. Bà đề ra quan điểm thay đổi sinh hoạt chính trị và tuyên bố không loại trừ việc thảo luận thành lập chánh phủ với đảng cực hữu PVV, một quan điểm rất khác với thủ tướng Mark Rutte, người đã loại trừ sự hợp tác với đảng PVV ngay từ đầu. Tuy nhiên, ngoài vấn đề gốc gác nước ngoài, bà Dilan Yeşilgöz còn bị hai điểm yếu khiến bà gặp khó khăn: tâm lý nhiều người chưa chấp nhận một cá nhân như bà – với hai quốc tịch – sẽ thành nữ thủ tướng đầu tiên của Hòa Lan, và cái bóng của Mark Rutte quá lớn khiến nhiều cử tri thầm so sánh bà với ông Mark. Trong những cuộc phỏng vấn ở giai đoạn tiền vận động, bà thường được giới thiệu là Bộ trưởng Tư pháp và An ninh thay vì Lãnh đạo đảng VVD hoặc người đứng đầu danh sách ứng cử viên VVD. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho cử tri VVD vào giờ chót dồn phiếu cho đảng Tự Do (PVV) của ông Geert Wilders, sau khi ông này cho biết sẽ không đề cập tới chuyện bài Hồi giáo một khi nằm trong liên danh cầm quyền, vì phải tôn trọng hiến pháp.

Ɖảng PVV do ông Geert Wilders, một nghị sĩ bị trục xuất khỏi đảng VVD, thành lập vào năm 2005. Là một đảng cực hữu với các quan điểm quốc gia cực đoan, muốn rời khỏi Liên Âu, đóng cửa biên giới với người nhập cư, chống Hồi Giáo cùng nghiêm cấm kinh Koran, không tin tưởng vào vấn đề biến đổi khí hậu,… Trước kỳ bầu cử các đảng phái khác không muốn tham gia chánh phủ với đảng PVV. Nhưng trong thời gian vận động tranh cử, ông Geert Wilders đã không đề cập đến quan điểm chống Hồi Giáo và tuyên bố ưu tiên tập trung vào việc giải quyết vấn đề di dân cùng vấn đề an sinh, bảo đảm cuộc sống với các quan điểm ôn hòa. Là một chánh trị gia nhiều kinh nghiệm, có khả năng hùng biện, ông Geert Wilders cũng đã từng là người hướng dẫn, cố vấn cho ông Mark Rutte trong thời gian đầu trong đảng VVD.

Tuy nhiên số ghế của đảng PVV trong thời gian trước khi ‘chạy nước rút’ trong các thống kê vẫn còn thấp hơn đảng VVD, liên minh “Tả Xanh-Đảng Lao động” (dưới sự lãnh đạo của ông Frans Timmermans, nguyên bộ trưởng bộ Ngoại giao và cựu ủy viên của Liên Âu) và đảng NSC. Chỉ đến những ngày cuối trước kỳ bầu cử, số ghế của đảng PVV tăng vượt lên bằng với số ghế của đảng VVD, vượt qua số ghế của liên minh “Tả Xanh-Đảng Lao động” và đảng NSC. Trong các cuộc tranh luận bầu cử cuối cùng trên đài truyền hình Hòa Lan, ông Geert Wilders được nhiều người xem là có quan điểm rõ ràng và tranh luận có tính thuyết phục nhất so với lãnh đạo của các đảng phái khác. Trong ngày cuối trước kỳ bầu cử, bà Dilan Yeşilgöz tuyên bố không tham gia chính phủ trong nội các của thủ tướng Wilders. Hoàn cảnh này đã đưa đến tình trạng “bỏ phiếu chiến thuật” trong ngày bầu cử: cử tri dồn phiếu vào một trong hai đảng, hoặc cánh hữu là PVV, hoặc cho liên minh “Tả Xanh-Đảng Lao động” cánh tả nhằm tránh không cho chánh phủ cánh tả hay cánh hữu có cơ hội thành hình.

Thủ lãnh đảng Tự Do Geert Wilders và 3 lãnh tụ sáng giá khác trong cuộc bầu cử Hạ Nghị Viện 2023:
Bà Dilan Yeşilgöz, ông Peter Omzigt (hàng trên) và ông Frans Timmermans. Ảnh: Edo van der Groot/nu.nl

Kết quả bầu cử vào đêm 22-11-2023 như đã nói trên với thắng lợi lớn của đảng cực hữu PVV, một đảng chưa bao giờ thực sự tham gia nội các (ghi chú: trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2010 đảng PVV đạt thắng lợi bất ngờ với 24 ghế, thành đảng lớn thứ ba, tuy nhiên sau đó đảng này chấp nhận nằm trong liên danh cầm quyền nhưng sẽ không trực tiếp tham dự bàn thảo đại sự). Một trong những lý do cho thấy đảng PVV thành công trong cuộc bầu cử là sự bất mãn, không tin tưởng vào chánh quyền của đa số người Hòa Lan trong thời gian qua, sự khéo léo của ông Geert Wilders trong thời gian tranh cử với quan điểm ôn hòa, cùng những lời hứa hẹn giải quyết dứt khoát vấn đề di dân, nhập cư. Ɖảng PVV cũng đã khéo léo đưa vào chương trình bầu cử các vấn đề về an cư, đảm bảo cuộc sống, những vấn đề chính yếu của các đảng phái cánh tả. Bà Yeşilgöz cũng đã bị chỉ trích về việc đã “mở cửa” cho đảng PVV, khiến nhiều cử tri thấy rằng lá phiếu của mình có thể giúp cho đảng này tham gia cầm quyền. Trong bài diễn văn thắng cử, ông Geert Wilders hứa hẹn sẽ là “Thủ tướng của tất cả mọi người Hòa Lan, không phân biệt tôn giáo, gốc gác” và mong muốn thành lập chánh phủ liên hiệp trung hữu với các đảng VVD, NSC và BBB.

Kết quả bầu cử tuy thế đã đưa đến những vấn nạn trong việc thành lập chính phủ liên hiệp. Bà Dilan Yeşilgöz tuyên bố lập tức là đảng VVD của bà sẽ không tham gia nội các nhưng sẽ hỗ trợ chính phủ cánh hữu trong quốc hội vì các quyền lợi của phe hữu. Geert Wilders cũng như các lãnh đạo của đảng NSC và BBB đã chỉ trích điều này. Nhưng chính ông Omzigt của đảng NSC cũng tuyên bố “rất khó để cùng tham gia chính phủ với đảng PVV vì ông Geert Wilders đã có những quan điểm đi ngược với hiến pháp Hòa Lan”. Lãnh đạo liên minh “Tả Xanh-Đảng Lao Ɖộng” Frans Timmermans cũng tuyên bố không tham gia chánh phủ và sẽ bảo vệ nền dân chủ pháp trị của Hòa Lan. Mặc dù đã có những quan điểm ôn hòa hơn trong thời gian tranh cử, nhưng câu hỏi được đặt ra: có thể hoàn toàn tin tưởng vào lãnh đạo của đảng PVV trong tương lai? Một vấn đề khó khăn khác: Hòa Lan sẽ cùng làm việc, hợp tác với các quốc gia Liên Âu và NATO như thế nào theo quan điểm chính trị của đảng PVV?

Những con đường khác

Ɖảng PVV cũng có thể thành lập chánh phủ thiểu số với đảng NSC (nếu việc thảo luận thành lập chánh phủ thành công) và đảng BBB, tuy sẽ lệ thuộc vào đảng VVD ở quốc hội. Nhưng đây là ba đảng phái chánh trị chưa hề có kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý đất nước ngày nào. Trong quá khứ đã có những bằng chứng là khi một đảng tân lập thắng cử ‘long trời lở đất’ thì vấn đề tiếp theo là thiếu hụt nhân sự trầm trọng, đưa tới thu nạp người có quá khứ với nhiều tì vết để dẫn đến khủng hoảng ngay trong nội bộ. Một chánh phủ thiểu số theo mô thức trên, bởi vậy, có rất ít khả năng trở thành hiện thực. Trong khi đó, theo thăm dò, có khoảng 84% đảng viên đảng VVD mong muốn đảng VVD tham gia chánh phủ. Theo các phân tích, có thể thái độ của bà Yeşilgöz là một chiến thuật để áp lực lên hai đảng thành công nhất trong cuộc bầu cử là đảng PVV và NSC, để cuối cùng sẽ đạt được những đòi hỏi quan trọng và đảng VVD sẽ tham dự chánh phủ với lý do “vì quyền lợi đất nước Hòa Lan cũng như đáp ứng nguyện vọng của cử tri”. Câu hỏi cũng đặt ra cho các đảng cánh tả, tại sao những quan điểm về an sinh xã hội của họ lại không được cử tri tin tưởng. Vấn đề các đảng phái dân túy cực hữu thành công ở Âu Châu cũng là đề tài được nghiên cứu. Theo luận án của nhà xã hội học người Ý Francesco Marolla ở đại học Tilburg (Hòa Lan), tại các nước phồn vinh Âu Châu đang có hiện tượng những thành phần dân chúng không chỉ gồm những người có lợi tức thấp, cả những thành phần khá giả, bất mãn với nhà cầm quyền, cảm thấy mình không được tôn trọng đúng mức và đang đứng bên lề xã hội. Như một hình thức xả hơi nén, những cử tri này dễ dàng dồn phiếu cho một đảng cực hữu hơn là một đảng cánh tả. Ɖiều này đã xảy ra ở các quốc gia Ɖan Mạch, Na Uy, Thụy Ɖiển và Hòa Lan mới đây, đều là các quốc gia giàu có ở Âu Châu.

Nhân dân Hòa Lan sẽ còn chờ một thời gian để có thể biết chánh phủ trong tương lai sẽ được thành lập như thế nào. Việc một chánh phủ liên minh cánh tả thành hình xem như bất khả. Các đảng phái cánh tả và trung ương thua cuộc bầu cử sẽ phải đầu tư vào việc cải tổ, hoàn chỉnh sinh hoạt đảng phái của chính mình.

Con đường thành hình một nội các còn rất nhiều chông gai. Kỳ bầu cử quốc hội lần trước vào ngày 17/03/2021 nhưng cho tới ngày 10/01/2022 nội các mới chính thức ra mắt. Cũng có thể có một kịch bản khác: cử tri Hòa Lan sẽ lại đi bầu cử vào năm 2024. Tạm thời ông Mark Rutte vẫn đảm nhiệm vai trò thủ tướng trong chánh phủ từ nhiệm của mình (nội các đã đồng loạt từ nhiệm vào ngày 07/07/2023).

   

Nguyễn Thị Quỳnh Anh

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/dangcuchuupvvcuageertwilders.html


Cái Đình - 2023