Hoàng Giang


Cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận chức Tổng Thư Ký NATO

 

Tổng thư ký đương nhiệm của NATO Jens Stoltenberg (phải)
và Mark Rutte trong một cuộc họp của NATO ở Bruxelles

Sau nửa năm vận động của các ứng viên đệ đơn xin vào chức vụ Tổng Thư Ký NATO, ngày 26/06/2024 đại diện 32 quốc gia thành viên của tổ chức này (Tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương – hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương theo cách dịch của Việt Nam hiện nay) đã đồng ý chọn ông Mark Rutte, cựu Thủ tướng Hà Lan, là người đứng đầu tiếp theo của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Các phương tiện truyền thông quốc tế loan tin ông Mark Rutte là Thủ tướng Hà Lan, nhưng thực sự nội các của ông đã đồng loạt từ nhiệm vào tháng 07/2023, một năm rưỡi sau ngày chính thức ra mắt, do các mâu thuẫn nội bộ, mà vụ khủng hoảng gây nên bởi làn sóng người xin tị nạn tràn vào Hà Lan vượt quá xa khả năng tiếp nhận của chính phủ đã là giọt nước làm tràn ly. Tiếp theo là một loạt nhân vật cao cấp trong chính phủ đã từ chức, mức tín nhiệm chính phủ của người dân ngày một xuống, thủ tướng từ nhiệm Mark Rutte thấy rõ diễn đàn chính trị Hà Lan không còn chỗ cho ông, trong khi ông thấy uy tín của ông trong hàng ngũ lãnh đạo EU và NATO ngày càng tỏ ra sáng giá hơn.

Lợi thế của Mark Rutte

Mark Rutte với hơn 13 năm trong chức vụ Thủ tướng Hà Lan, người trải qua 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ, 5 đời Thủ tướng Anh quốc, 3 đời Tổng thống Pháp, 8 đời Thủ tướng Ý v.v., đã kết được mối thâm tình cá nhân với các vị nguyên thủ của các cường quốc hàng đầu NATO. Tổng thống Hoa Kỳ John Biden là một người hoàn toàn ủng hộ ông Rutte ngay cả trước khi ông chính thức tuyên bố sẽ nạp đơn xin đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký NATO. Ông Rutte cũng chiếm được cảm tình tốt của vị tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.

Tổng thống HK John Biden đã dành một đặc ân hiếm có cho Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte:
mời ngồi vào bàn giấy của ông tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng (ngày 18.02.2023)
và làm như đang gọi điện. Ảnh: Bart Matt/ANP

Đại đa số các quốc gia thành viên sáng lập NATO (gồm 12 nước) cũng đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ ứng viên Mark Rutte. Nhìn từ bình diện quốc tế, các quốc gia Âu châu thuộc loại ‘mạnh’ trong Liên minh NATO đều đang phải đối phó với nhiều vấn đề nội bộ. Ngoài ra, để có thể điều hợp mọi khuynh hướng của 32 quốc gia thành viên, cần có vị một nhạc trưởng chính trị tài ba. Về điểm này, ông Rutte rõ ràng nổi trội hơn hết, y như chiều cao của ông (1,93m = 6’4”).

Vị Thủ tướng Hà Lan, qua hơn 5000 ngày đứng đầu nội các (4 kỳ liên tiếp) đã chứng tỏ là một người khéo léo trong các cuộc dàn xếp mâu thuẫn giữa nhiều khuynh hướng trong quốc hội. Ông có tài làm những vấn đề nghiêm trọng trở thành ít quan trọng hơn trong mắt người ngoại cuộc, ngay cả những vấn đề thuộc kế sách quốc gia. Nhờ đó ông đã thoát được nhiều cuộc truy vấn về những vụ bê bối trong chính phủ. Để trả lời cuộc chất vấn trong quốc hội vì sao ông không lưu tin nhắn để làm bằng chứng theo như luật quy định, ông đổ thừa chiếc điện thoại cổ lỗ của ông không có khả năng lưu nhiều tin. Các tay châm biếm gán cho ông hỗn danh ‘Thủ tướng Tefal’ (Tefal: thương hiệu chảo không dính), là vị nguyên thủ thứ hai trên thế giới nhận cái tên này (người thứ nhất là tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ, bị gán cho danh hiệu Teflonpresident!). Đó hẳn cũng là một trong những lý do các quốc gia thành viên đánh giá ông là người đủ tài năng nhất để có thể dàn xếp những mâu thuẫn của 32 nước thành viên NATO.

Những chống đối, dù chỉ yếu ớt

Tuy được lợi thế như vậy, nhưng không phải không có những tảng đá chắn đường. Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary nhiều lần đã là con kỳ đà cản mũi trong các cuộc biểu quyết của EU cũng như của NATO. Vị thủ tướng cực hữu này, vốn là bạn thân với tổng thống Nga Putin, thường bày tỏ một quan điểm khác đa số quốc gia thành viên về mối bang giao giữa Âu châu và Nga. Theo ông này, mục tiêu của Tây phương – đánh bại Nga ở Ukraine – là vô vọng, nếu không muốn nói là ‘không thực tế’. Nhận xét này đã làm chạm lòng tự ái của chính phủ nhiều quốc gia, đó là chưa nói tới nguy cơ khơi dậy mầm chống đối trong dân chúng khi họ thấy chiến tranh gây khốn khó cho ngân sách gia đình của mọi người. Ông cũng đưa yêu sách là NATO phải cho Hungary miễn tham gia chiến dịch quân sự nếu NATO điều quân chống lại Nga trên lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, ông đã có một xung đột nhỏ với ông Rutte về một dự luật của Hungary sẽ gây hậu quả không tốt cho giới lgbtq. Ông Rutte cuối cùng đã ‘vuốt ve’ tự ái của ông ‘bạn đồng cấp’ Viktor bằng thủ thuật quen dùng nhưng luôn tỏ ra hiệu nghiệm để thoát nạn, là ‘hứa sẽ gửi cho ông bạn một lá thư trong đó ông sẽ viết là ông nhận thấy là ông đã dùng từ ngữ không đúng’. Tài ngoại giao và dàn xếp xung đột cách êm đẹp của ông ‘thủ tướng Tefal’ Mark Rutte một lần nữa được biểu lộ. ‘Sẽ’, nhưng khi nào? Và sau này đố ai dám nhắc lại vì sao chưa có lá thư, vì như thế là quá nhỏ mọn. Thế là xong một hiệp, đương nhiên mọi người cũng hiểu là thủ tướng Hungary có mối giao tình với Nga, và nếu tiếp tục làm tình trạng căng thẳng chỉ gây thêm bất lợi cho Hung mà thôi.

Nhưng ít nhất ông Viktor Orbán đã nói lên một phần nào sự ấm ức của một số quốc gia thành viên cựu cộng sản ở Đông Âu, họ thấy vùng Đông Âu bị xếp vào hạng thấp kém, các Tổng Thư Ký NATO đều là nhân vật từ các quốc gia Tây/Bắc Âu. Họ mong muốn có một Tổng Thư Ký NATO có xuất xứ từ Đông Âu để tạo luồng gió mới (ghi chú: Phó Tổng Thư Ký NATO hiện giờ là Mircea Geoană, người Rumania, và là người đầu tiên của một quốc gia hậu cộng sản giữ một chức vụ quan trọng trong NATO). Thủ tướng Estland – Kaja Kallas, và Ngoại trưởng Krisjanis Karins của Cộng hòa Latvia đã ngỏ ý sẽ nộp đơn. Cộng hòa Slovakia cũng lộ ý bất bình, và vào giờ chót, thủ tướng Klaus Werner Iohannis của Rumania đã chính thức nộp đơn ứng thí chức vụ Tổng Thư Ký NATO. Tuy biết ông này gần như chẳng có hy vọng gì được đa số đồng ý, nhưng vì vấn đề thủ tục, mọi người lại phải vào vòng đàm phán để tất cả các quốc gia có cơ hội cân nhắc giữa hai ứng viên. Dĩ nhiên đây chỉ là một trò để lấy tiếng và là một an ủi cho những quốc gia còn ấm ức. Klaus Iohannis ngày 20/06/2024 đã bỏ cuộc đấu, khi thấy chiến dịch vận động hậu thuẫn của ông không được hưởng ứng. Đường vinh quang cho cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã rộng mở. Việc bổ nhiệm ông Rutte giờ đây chỉ còn là thủ tục.

Rutte cho biết ông trông đợi tiếp nhận công việc ‘với năng lượng mãnh liệt’. “Liên minh đang và sẽ vẫn là hòn đá tảng cho an ninh tập thể của chúng ta. Làm lãnh đạo tổ chức này là trách nhiệm mà tôi không hề xem nhẹ,” ông viết trên mạng xã hội X.

Theo dự trù, ông Rutte sẽ tiếp nhận chức vị vào ngày 1/10/2024 từ Tổng Thư Ký đương nhiệm, ông Jens Stoltenberg, trước kia là Thủ tướng Na Uy, người sẽ từ nhiệm sau một thập kỷ nắm quyền.

Những vấn đề lớn NATO sẽ phải đối phó trong tương lai gần

1. Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga rất có thể sẽ chấm dứt trong nhiệm kỳ đầu (4 năm) của ông Rutte. Chuyện gì sẽ xảy ra? Mối liên hệ NATO-Nga sẽ được tái lập ra sao để không có bên nào bị mất mặt, và để tiến tới thịnh vượng chung.

2. Sự ủng hộ ngang ngửa của dân Mỹ dành cho lưỡng đảng Hoa Kỳ, và qua cuộc tranh luận công khai giữa hai ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump và John Biden ngày 27/06/2024 cho thấy ông Trump rất có thể sẽ thắng trong cuộc bầu cử cuối năm nay. Người ta chưa quên ông Trump đã đe dọa các quốc gia NATO là Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi tổ chức, nếu các quốc gia thành viên không tích cực trong việc đóng góp vào quốc phòng. Hoa Kỳ rút lui sẽ làm NATO hỏng chân hỏng cẳng, NATO sẽ phải thay đổi tận gốc rễ mối quan hệ với Nga và Trung Quốc trong một thế yếu. Muốn làm ‘trái độn’ cho Hoa Kỳ khi ông Trump làm tổng thống không phải dễ.

3. NATO sẽ rất có khả năng gặp khó khăn trong cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, khi nó kéo dài hoặc khi chiến tranh leo thang tới mức phải có hành động. Âu châu từ lâu đã gần như không còn kỹ nghệ phục vụ chiến tranh nữa. Việc gây dựng lại nền kỹ nghệ này không thể một sớm một chiều thực hiện, và nó sẽ thành một lỗ hổng đáng kể cho chi thu quốc gia. Ngân sách dành cho quốc phòng hiện nay của các quốc gia thành viên được ấn định là 2%. Vẫn còn nhiều quốc gia chưa đạt được tiêu chuẩn này, trong khi với tình hình an ninh thế giới hiện tại, 2% vẫn là rất ít.

4. Không khí chính trị toàn cầu hiện nay đang ngả sang phía hữu, và tiềm ẩn một sự phân cực sâu sắc giữa khuynh hướng cực hữu và cực tả. Do thiếu khối trung dung, tình trạng này có thể gọi là bấp bênh. NATO sẽ phải giải quyết ra sao để bất ổn chính trị trong các quốc gia không gây sự rạn nứt của liên minh?

Kết luận

Qua những phân tích trên, chúng ta có thể thấy công việc điều hợp và giải quyết các mâu thuẫn trong các quốc gia thành viên NATO trong thời gian tới đây rất nặng nề và phức tạp. Với 32 thành viên chính thức và 2 thành viên dự bị, NATO bắt đầu trở thành một tổ chức phức tạp. Tổng Thư Ký NATO trên thực tế không phải là ‘ông chủ’ của tổ chức mà chỉ là người điều hợp. Ngày 02.07.2024 ông Rutte đã chính thức bàn giao chức vụ Thủ tướng Hà Lan (dù ông đã từ nhiệm) cho tân Thủ tướng Dick Schoof, và chờ ngày ra mắt chính thức trong chức vụ Tổng Thư Ký NATO.

Với người dân Hà Lan, vị cựu thủ tướng Hà Lan 57 tuổi Mark Rutte để lại nhiều ấn tượng. Từ một thiếu niên chỉ biết nói ‘không’, bước vào chính trị năm 21 tuổi, trở thành thủ lĩnh đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD) năm 39 tuổi và là một vị thủ tướng dễ hòa đồng với quần chúng. Ông đi làm bằng xe đạp, thường có quả táo cầm trên tay. Hình ảnh gây ấn tượng nhất với thế giới có lẽ là tấm hình ông giành lau cà phê đã lỡ tay làm đổ tại quầy tiếp tân trong tòa nhà quốc hội. Lời nhắn nhủ của ông trong bài phát biểu từ giã quốc hội là một kim chỉ nam đáng ghi nhớ: “Hãy để ý tới nhau một chút!”.

    

Hoàng Giang

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/cuuthutuonghalanmarkrutte.html


Cái Đình - 2024