Lê Ngọc Vân


Cưỡng bức lao động trên dân Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) đã dần dần trở nên hiểm họa nghiêm trọng cho các xí nghiệp như thế nào?

Từ các tấm năng lượng mặt trời cho tới áo thun và sốt cà chua. Các sản phẩm Trung Quốc có mang dấu tích cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ tràn lan trên toàn thế giới. Nhưng kể từ thứ ba (21/06/2022) Hoa Kỳ đã áp lệnh cấm nhập thứ hàng này, và châu Âu cũng cảnh giác hơn. Điều này mang ý nghĩa gì với người Duy Ngô Nhĩ, với Trung Quốc và với người tiêu thụ?

Thật đúng là nhà sản xuất xe hơi Volkswagen của Đức đã phải ngậm đắng nuốt cay, khi bộ Kinh Tế vào cuối tháng năm đã bác bỏ bốn bảo đảm về đầu tư nhắm vào các công ty có giao thương với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc. Theo tạp chí Der Spiegel, Volkswagen là một trong những công ty sắp tới đây sẽ phải tự lực xoay sở cho những rủi ro về tài chánh trong những vụ đầu tư tại Trung Quốc.

“Bảo vệ quyền làm người được chúng tôi coi trọng hơn,” theo lời Bộ trưởng Robert Habeck. Chuyện chưa từng thấy, vì trước đây Berlin vẫn nghe lời những nhà đầu tư như Herbert Diess, một nhân vật đầu não của Volkswagen. Ông này bảo vệ sự liên doanh của công ty ông với một xí nghiệp nhà nước tại Tân Cương với lập luận ‘dẫn đầu cho sự công nghiệp hóa’ tại Tân Cương, nơi các nhóm dân thiểu số ‘hòa nhập với nền kinh tế hiện đại.’

Nếu trước đây những người hiểu biết về cấu trúc của sự cưỡng bách lao động tại Tân Cương đã thấy những tuyên bố như vậy trong thời kỳ xây dựng nhà máy vào năm 2013 là có vấn đề rồi, thì bây giờ, việc Hoa Kỳ, Liên minh Âu châu và cả những quốc gia thành viên riêng lẻ đang ra luật nhằm bài trừ cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ đã làm cho nhà máy ở vào một thế khó xử. Tạp chí Der Spiegel đã tiết lộ là Volkswagen không hề biết đích xác có bao nhiêu người Duy Ngô Nhĩ đang làm việc, đó là chưa nói đến việc liệu họ có bị bắt đi lao động theo sự sắp xếp của các chương trình của chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ hay không. Những nhân viên cảnh sát võ trang cũng giúp đỡ trong việc ‘huấn luyện quân sự và lòng yêu nước’ cho nhân viên ở địa phương. Ông Diess đã phủi tay chối tội: vào năm 2019 ông đã tuyên bố với đài BBC của Anh Quốc là ‘không hay biết gì’ về sự tồn tại của các trại giam giữ ở Tân Cương.

Có nhiều khả năng là sốt cà chua của bạn là thành quả của lao động cưỡng bức

Nike

Không phải chỉ có duy nhất công ty xe hơi Volkswagen trong những năm qua bị chỉ trích vì lao động cưỡng bách dân Duy Ngô Nhĩ. Nike, Apple, Adidas, Google, BMW và hàng chục công ty đa quốc gia khác cũng đã gặp phải chuyện này. Tuy nhiên, đồng lõa trong hành động cưỡng bức làm việc tại Tân Cương (Xinjiang) đã trở nên hiểm họa cho các công ty, mà từ lâu người ta đã phớt lờ nó.

Với luật cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa từ Tân Cương của Mỹ, cái thời đó giờ đây đã qua rồi. Quốc hội Âu châu cũng muốn ra một lệnh cấm như vậy, nhưng họ còn dòm chừng xem những phản ứng từ Trung Quốc, vốn nhạy cảm với Ủy ban các Cộng đồng Âu châu, mà họ sẽ phải quyết định vào tháng 9 tới đây. Đức Quốc đã tiến trước một bước bằng cách ra một luật riêng, có hiệu lực vào năm tới, buộc các công ty phải ngăn ngừa các chuỗi cung ứng có dính dáng tới cưỡng bức lao động bên trong.

“Luật Hoa Kỳ cho rằng tất cả mọi sản phẩm từ Tân Cương là thành quả của cưỡng bức lao động, trừ phi xí nghiệp nào chứng tỏ được là họ không phải như thế. Theo luật của Đức, điều này tùy thuộc giới chức có thẩm quyền, không phải là tùy thuộc quan điểm của các nhà nhập cảng,” ông Björn Alpenmann, nhà Trung hoa học của đại học Würzburg cho biết.

Trên thực tế cả hai bộ luật có ảnh hưởng tương đương đến toàn cầu hóa, theo tiên đoán của các chuyên gia. Trong khi Tây phương tìm kiếm những nhà cung cấp những tấm năng lượng mặt trời, cà chua puree và hàng vải, thì các xí nghiệp Trung Quốc lại xâm nhập nhanh chóng vào các thị trường mới nhắm tới những hàng hóa mà Hoa Kỳ và Liên minh Âu châu không còn muốn nữa. Những khu vực cung ứng sẽ là 146 quốc gia nằm trên Con đường Vành Đai BRI mà Trung Quốc đang lập nên trong kế hoạch kinh tế vĩ mô của họ, và những quốc gia đang phát triển.

Nóc nhà ở Hòa Lan đầy tấm năng lượng mặt trời, với một nối kết với Tân Cương

Hai thế giới

Trong tương lai tới đây, kinh tế thế giới sẽ phân làm hai thế giới: một thế giới trong đó sản phẩm nhiễm cưỡng bức lao động Tân Cương sẽ được thay bằng những sản phẩm đắt tiền hơn, và trong vài trường hợp, bằng sản phẩm khác hiếm hơn; và một thế giới trong đó hàng hóa rẻ mạt của Trung Quốc sẽ trở thành thống trị. “Đây là một bước mới trong sự tách rời Trung Quốc với Tây phương trên phương diện kinh tế. Các xí nghiệp có nhiều quan tâm hơn trong việc làm sao cho chuỗi cung ứng của họ bớt lệ thuộc vào Trung Quốc,” ông Alpenmann nói.

Không dễ để làm như vậy. Không nơi nào trên thế giới có sẵn một quốc gia kỹ nghệ thay thế được, với kích cỡ và hiệu suất ngang ngửa Trung Quốc. Nghề may mặc có thể dễ dàng dời qua các quốc gia khác, nhưng phải tốn nhiều thời gian để có thể sản xuất các tấm năng lượng mặt trời với con số mà các nhà máy Trung Quốc làm được.

Bởi thế, không thể loại trử việc tăng giá và ngay cả sự thiếu hụt, cho dù có những quốc gia trước đây không thể hoạt động – vì các tấm năng lượng mặt trời của họ đắt tiền hơn hàng Trung Quốc, thì nay có thể bù vào chỗ thiếu đó, theo bà Laura Murphy. Chuyên gia về nô lệ hiện đại của Đại học Sheffield Hallam (Hoa Kỳ) chỉ ra rằng Ấn Độ đang phát triển mạnh kỹ nghệ chế tạo tấm năng lượng mặt trời. “Ở những nơi như thế, công nhân có được nhiều tiếng nói hơn là ở Trung Quốc, đó là một sự cải tổ. Các cơ sở chế tạo tấm năng lượng tại Cambodia và Việt Nam cũng gia tăng năng xuất của họ, nhưng ở đó vẫn còn có những nhà thầu cung cấp nguyên vật liệu từ Tân Cương.

Vải sợi bị nhiễm có trên giá máng quần áo ở khắp nơi trên thế giới

Mưu mẹo

Hiện tượng đó trở nên một vấn đề trong ngành may mặc. Những số liệu của hải quan Tân Cương cho thấy gia tăng bùng nổ trong xuất khẩu sang Việt Nam, một chỉ dấu cho thấy là những nhà thầu dệt may Trung Quốc đã bẻ hướng sang các nhà máy ở Việt Nam để ‘tẩy sạch’ dấu vết số vải sợi có nguồn gốc từ Tân Cương bằng cách cho mang nhãn hiệu ‘Made in Vietnam’. Bà Murphy dự đoán sẽ có sự gia tăng các chiêu trò kiểu này cũng như sự gian lận.

Bông vải từ Tân Cương đã bị cấm ở Hoa Kỳ từ năm 2021, nhưng bà Murphy bây giờ nhắm vào những lời hứa hẹn của các thương hiệu may mặc quốc tế là họ sẽ không làm việc với những nhà cung cấp bị nghi ngờ là có liên hệ đến vụ cưỡng bức lao động. “Qua những dữ liệu của các giới chức có thẩm quyền tại các bến cảng châu Á thì rõ ràng là có những chuyến tàu hàng chở quần áo may bằng vải từ Tân Cương đến cho các thương hiệu đó. Các xí nghiệp giả vờ như là họ đang cật lực giải quyết vấn đề.

Theo số liệu từ hải quan Hoa Kỳ, đã có 912 chuyến hàng đang bị giữ lại tại các bến cảng, mà các nhà nhập khẩu không thể chứng minh là số hàng này không dính líu đến cưỡng bách lao động người Duy Ngô Nhĩ. Bà Murphy nói là điều đó cho thấy sự thắng lợi của giới tiêu thụ. “Với luật mới này, họ không tự động bị coi là đồng lõa với cưỡng bức lao động. Các xí nghiệp chỉ đơn giản là không muốn biết hàng hóa của họ được sản xuất như thế nào mà thôi.”

Cấu trúc của cưỡng bách lao động

Nhà nước Trung Quốc kể từ cuộc cách mạng cộng sản năm 1949 đã đưa nhiều nhóm người khác nhau vào ‘cải tạo do lao động’. Những nhà trí thức hữu khuynh, thành phần phản cách mạng, giới trộm cắp vặt hay mại dâm, các người đăng chỉ trích trên tweet v.v.:  những ai bị buộc làm việc dưới sự giám sát của nhà nước sẽ phải chịu một chính sách bán quân sự và tuyên truyền, và sẽ trở thành công dân gương mẫu.

Ít nhất, đó là những gì Đảng Cộng Sản tin tưởng, là đã nâng quyền phát triển kinh tế thành một trong những quyền làm người quan trọng nhất. Tài liệu của nhà cầm quyền mô tả người Duy Ngô Nhĩ như một giống dân lười biếng cần phải ‘học’ cách thích làm việc – từ lý do này mà Trung Quốc luôn luôn nói là không hề có chuyện cưỡng bức lao động. Một lợi ích phụ của việc này là những dân tộc thiểu số, qua công việc ‘đã được trung quốc hóa’ qua nếp sinh hoạt của người Hán tộc ở nơi làm việc.

Năm 2019, những tài liệu của nhà nước Trung Quốc bị rò rỉ ra ngoài đã xác nhận sự tồn tại của VSETC, tức là Trung Tâm Huấn Nghệ và Tập Huấn. Những nhân chứng người Duy Ngô Nhĩ nói về những trại giam giữ này giống như những câu chuyện về chính sách lao cải (giáo dục qua lao động) khét tiếng mà người dân Trung Quốc, từ 1957, có thể bị giam giữ không qua xét xử từ 1 đến 3 năm. Chế độ giam giữ ngoài pháp luật này đã được bãi bỏ từ năm 2013, nhưng giờ đây đã trở lại ở Tân Cương với tên gọi VSETC.

Người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác bị giam giữ vô thời hạn cho việc nhồi sọ chính trị, học tiếng Trung, và ‘học nghề’ trong những nhà máy có khi nằm ngay sát cạnh những trại giam giữ. Những công ty tham gia chương trình được nhận trợ cấp 255 euro cho mỗi người bị giam, và thêm 700 euro nếu họ chịu nhận một người vào làm. Những người Duy Ngô Nhĩ nào đi làm ăn lương thì không lãnh quá 174 euro, đó là tiền lương tối thiểu ở Tân Cương.

Vào tháng ba 2019, nhà nước Trung Quốc tuyên bố là tất cả những người bị giam giữ đã ‘mãn khóa’ và được phân bố làm việc. Ép buộc và thúc giục được ngầm hiểu trong này: người nào từ chối là những người ‘chưa sửa đổi’, sẽ đối mặt với sự cải tạo. Còn những người Duy Ngô Nhĩ bị án giam cũng phải ‘đạt chỉ tiêu sản xuất’ giống như người Trung Quốc bị án, tức là phải làm việc.

Một hình thức khác của việc ép làm việc là nhắm vào những ‘thành phần lao động thặng dư’, như những người thất nghiệp, dân lao động theo thời vụ, các tiểu nông và người về hưu trước tuổi. Những người này, do không có gì để làm, sẽ dễ bị lôi cuốn vào các phong trào tôn giáo quá khích, bởi vậy họ phải được ‘đào tạo tập trung’ trong các ‘cơ sở cách ly với bên ngoài’. Hình thức này có thời hạn cố định và ngắn hơn bị giữ vô thời hạn tại VSETC. Mục đích thì giống nhau: đào tạo những con dân là công nhân ngoan ngoãn làm việc. Theo những báo cáo của chính phủ, 2,6 triệu người dân tộc thiểu số tại Tân Cương sẽ thoát khỏi tình trạng ‘dân lao động thặng dư’ vào năm 2020.

Từ bao nhiêu năm nay, chính quyền địa phương ở Tân Cương đã thu gom những ‘lao động thặng dư’ để thu hoạch cà chua và bông vải, nhưng hiện nay họ cũng làm chuyện này cho những công việc trong nhà máy. Do sự công nghệ hóa có chỉ đạo của nhà nước ở Tân Cương, ngày càng có nhiều làng thiết lập nhà máy. Người Duy Ngô Nhĩ nào được cho là tin cậy thì sẽ được chuyển đến những nhà máy trong vùng trung châu Trung Quốc, nơi mà theo báo chí Trung Quốc họ sống ngăn cách với các đồng nghiệp và luôn bị giám sát. Chính thức thì chuyện này là do tự nguyện của họ, nhưng những người đã từng tham gia cảm thấy rõ ràng bị cưỡng bức thực sự qua những lời hứa hẹn của chính quyền là sự hợp tác của họ sẽ đưa đến việc được đối xử tốt hơn hoặc những thân nhân của họ đang sống trong trại cấm được trả tự do sớm hơn.

Ép buộc làm việc thường là một phần của sự xóa nghèo đói, nhưng những mục tiêu quan trọng hơn là đồng hóa và làm tản dân ra. Sự phân tán người Duy Ngô Nhĩ đến các vùng công nghiệp trên toàn cõi Trung Quốc sẽ chia cắt những gia đình và cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, và sự di dời sẽ làm thay đổi thành phần cư dân trong những vùng có đông người Duy Ngô Nhĩ.

.

Nguyên tác: Hoe Oeigoerse dwangarbeid langzaam een serieus bedrijfsrisico wordt. (de Volkskrant, 21.06.2022)
Tác giả: Marije Vlaskamp en Jonathan Witteman. Hình ảnh: Elisa Maenhout
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/cuongbuclaodongtrendanduyngonhi.html


Cái Đình - 2022