Song Chi (thực hiện)
Cuối năm phỏng vấn nhà văn, nhà báo Từ Thức: Nhìn lại thế giới và Việt Nam trong năm 2023, và hướng đến 2024
<===Nhà văn, nhà báo Từ Thức
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với nhà báo Từ Thức ở Paris, Pháp – một nhà báo kỳ cựu, từng là đặc phái viên của Việt Tấn Xã (VNCH) trong suốt cuộc hội đàm về Việt Nam tại Paris. Sau 1975, cộng tác với nhiều báo, websites tại hải ngoại. Đồng thời ông cũng là một nhà văn.
*Thưa nhà văn, nhà báo Từ Thức, nếu chỉ được phép chọn ra 3 sự kiện quan trọng nhất trong tình hình chính trị thế giới năm 2003, ông sẽ chọn những sự kiện gì?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
Những sự kiện quan trọng làm thay đổi thế giới trong năm 2023 không đếm xuể:
– Xung đột Do Thái-Palestine, với sự tàn bạo chưa từng thấy.
– Sau hai năm chiến tranh Ukraine, ưu thế đang ngả về phía Nga trong khi Tây Phương mệt mỏi, không nhiệt thành giúp đỡ võ khí cho Ukraine như trong giai đoạn đầu.
– Phi Châu dần dần rời xa Tây Phương, để rơi vào tay Nga, Tàu và các nhóm Hồi Giáo cực đoan, sau những cuộc đảo chánh ở Niger, Gabon, nội chiến đẫm máu ở Soudan, và bất ổn chính trị trên khắp lục địa Phi Châu.
– Thay đổi khí hậu gây thiên tai, bão lụt, hoả hoạn khắp nơi, chuẩn bị cho những cuộc di dân khí hậu còn lớn hơn gấp bội, so với những cuộc di dân vì lý do chính trị, kinh tế hay chiến tranh. Đại hoạ thay đổi khí hậu là một thực tế trước mắt, không phải chỉ là chuyện riêng của các chuyên viên, của những người ăn no, ngồi lo trời sập.
– Azerbaijan chiếm vùng Karabakh, đa số dân Arménie, tự trị từ 1991, khiến 10.000 người chết, 120.000 người Arméniens phải “di tản chiến thuật”, rời bỏ quê hương lánh nạn. Azerbaijan là quốc gia chư hầu của Nga, theo gương Poutine (tên người, địa danh ở đây viết theo kiểu Pháp) công khai xua quân chiếm một vùng tự trị, sẽ khuyến khích các nhà độc tài quân phiệt khác, dùng võ lực để xâm chiếm những quốc gia yếu hơn.
– Argentine đưa Javier Milei, một kinh tế gia theo khuynh hướng kinh tế tự do cực đoan, trumpiste hơn cả Donald Trump, vào dinh Tổng Thống. Mặc dù Bolsonaro đã thất bại ở Brésil, dân Argentine, một quốc gia trước đây là cường quốc thứ 3 về kinh tế ở Nam Mỹ, đang phá sản, kiệt quệ, vẫn hy vọng phép lạ từ một chính trị gia mị dân, biết gãi đúng chỗ ngứa, biết khai thác sự tuyệt vọng, bất mãn của dân.
Tuy nhiên, nếu phải lựa 3 sự kiện đáng kể nhất, tôi nghĩ tới:
– Cuộc xung đột Palestine-Do Thái,
– Chiến tranh Ukraine.
– Cuộc đình công ở Hollywood chống lại hiểm hoạ lạm dụng trí tuệ nhân tạo (IA–Intelligence Artificielle, AI–Artificial Intelligence).
*Ông có thể nói lý do tại sao lại lựa chọn 3 sự kiện này và ý nghĩa, tác động của mỗi sự kiện đó đối với cục diện địa chính trị toàn cầu?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
1. Về cuộc xung đột Do Thái-Palestine:
Đúng ra là xung đột giữa nhóm khủng bố Hamas và Do Thái, bởi vì dân Palestine hoàn toàn thụ động. Thế giới, kể cả các quốc gia Ả Rập láng giềng, không đếm xỉa gì tới 5 triệu rưỡi dân Palestine. Dân Palestine là điển hình cho số phận của người dân nghèo, yếu, lạc hậu, thấp cổ bé miệng.
Cả thế giới nghe nói tới Hamas, bao nhiêu người biết quốc gia Palestine có tổng thống Mahmoud Abbas, thủ tướng Mohammad Shtayyeh?
Các chính quyền Tây Phương quên dân Palestine, vì ủng hộ Do Thái, một chế độ dân chủ duy nhất ở Trung Đông, có chung văn hoá, và cũng vì mặc cảm đã gây ra Holocaust tàn sát người Do Thái.
Các nước Ả Rập muốn quên dân Palestine, để làm lành với Do Thái, làm ăn với Tây Phương. Hamas cũng nhân danh Palestine, chiến đấu cho dân tộc, sự thực chỉ là một nhóm khủng bố, thối nát, sẵn sàng hy sinh mạng sống của người Palestine để nắm quyền lực, tài nguyên và các ngân khoản của thế giới giúp đỡ Palestine.
Khi cuộc xung đột bùng nổ, các nước Ả Rập thi nhau bày tỏ tình cảm môi hở răng lạnh với người anh em Palestine, quên rằng đời sống của dân Palestine ở Do Thái, mặc dù bị đàn áp, vẫn còn khả quan hơn dân Palestine sống ở Ai Cập, Jordanie, Arabie Saoudite, cơ cực trên mọi phương diện.
Ngày 7 tháng 10/2023, Hamas tấn công Do Thái, giết 1200 người, bắt cóc 240 người, kể cả đàn bà, trẻ em một cách man rợ chưa từng thấy. Do Thái trả đũa bằng những cuộc hành quân tàn bạo nhất trong lịch sử. Tất cả giới hạn đều bị vượt qua, trước mắt thiên hạ, khốc liệt hơn cả những cuốn phim giầu tưởng tượng nhất.
Chiến tranh Do Thái-Palestine nhập cảng vào các quốc gia trên thế giới. Các nước Hồi Giáo ủng hộ Hamas, bất chấp thực chất và mục tiêu của tổ chức khủng bố này, bất chấp những hành động man rợ của Hamas, bởi vì đường phố, nghĩa là dân địa phương, ủng hộ người đồng tôn giáo.
Các xã hội Tây Phương cực kỳ chia rẽ, một phe ủng hộ Do Thái, một phe đứng về phía Hamas, điển hình là các đại học Hoa Kỳ.
Cuộc xung đột Palestine-Hamas có thể ảnh hưởng cả cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ sắp tới, nghĩa là ảnh hưởng tới cục diện chính trị thế giới. Biden có thể gặp khó khăn, khi nhóm thiên tả trong đảng Dân Chủ trách ông ta quá thiên Do Thái.
2. Chiến tranh Ukraine:
Hai năm sau khi Poutine mang quân xâm lăng Ukraine, chiến cuộc đang đi vào một giai đoạn đáng lo ngại cho Ukraine. Cuộc tổng phản công của Ukraine không thành công, một phần vì thiếu đạn dược.
Quốc Hội Mỹ gây khó khăn, đặt nhiều điều kiện khó chấp nhận cho Biden, nếu muốn ngân khoản 60 tỷ dollars viện trợ cho Ukraine được thông qua.
Viện trợ Âu Châu cũng gặp trở ngại, vì Hongrie (Hungary), thân Nga, chống lại việc viện trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine. Tất cả những quyết định quan trọng của Liên Hiệp Âu Châu phải được tất cả 27 quốc gia hội viên tán thành. Viktor Orbán đặt điều kiện chỉ bỏ phiếu thuận nếu Liên Hiệp Âu Châu (UE, Union Européenne) giải toả các ngân khoản giúp Hongrie đang bị UE phong toả, để trừng trị Hongrie về chính sách vi phạm tự do báo chí, bình đẳng nam nữ, trái với tôn chỉ của UE.
Cố nhiên UE vẫn giúp Ukraine 33 tỷ Euro dưới hình thức cho vay (không đòi nợ), nhưng những thủ tục rườm rà, chậm trễ đã khiến Ukraine gặp khó khăn. Quân đội Ukraine, đã chiến đấu anh dũng trong suốt 2 năm, đang mất tinh thần vì thiếu đạn dược.
Những tháng trước đây, người ta nghĩ Poutine sẽ đại bại, vì tướng lãnh bất tài, chia rẽ, quân đội thiếu kinh nghiệm, không lý tưởng, võ khí, chiến thuật, chiến lược cổ hủ. Nhưng trong khi dân chúng các quốc gia Tây Phương mệt mỏi, bớt nhiệt tình với những chiến cuộc xa xôi, tốn kém, Poutine đã động viên thêm 300.000 lính, đã thuyết phục được nhiều quốc gia ủng hộ Nga vì đó là chiến cuộc chống thế giới Tây Phương “sa đoạ, và ức hiếp đối với các dân tộc nhược tiểu”. Các biện pháp phong toả kinh tế của Tây Phương không hữu hiệu như mong muốn, vì thứ nhất: sự chịu đựng vô hạn của người dân các xứ độc tài và chuyện giao thương, bán dầu lửa, dầu khí với các nước chống Tây Phương đã giúp Nga khỏi tê liệt kinh tế, tiếp tục sản xuất và mua đạn dược.
Ukraine đang gặp khó khăn, nhưng không có nghĩa đã thua cuộc. Tổn thất về nhân mạng của Nga vẫn nặng (Ukraine đưa con số 900 mỗi ngày) trong khi nhà tù, lò cung cấp lính Nga vắng dần. Năm máy bay Nga bị hạ trong vài ngày, 1 tàu chiến Nga bị bắn chìm, nghĩa là Nga không còn kiểm soát Biển Đen, nơi di chuyển hàng hải, xuất cảng lúa gạo của Ukraine nữa. Ukraine hy vọng sẽ nhận được chiến đấu cơ F16 từ Hoà Lan để lật thế cờ. Dù sao, cuộc chiến sẽ cực kỳ cam go.
Chiến tranh Ukraine là một thử thách lớn.
Thử thách cho Hoa Kỳ, để thế giới thấy Mỹ còn là đệ nhất cường quốc đáng tin cậy, hay sẽ đầu hàng như ở Việt Nam hay Afghanistan.
Thử thách cho Âu Châu, để thấy Âu Châu có đủ khả năng tự vệ hay không, hay sẽ bó tay khi Hoa Kỳ hết đóng vai đứng mũi chịu sào, nhất là nếu Trump thắng cử năm tới.
Thử thách cho tất cả các dân tộc tha thiết với tự do dân chủ, vì nếu Ukraine thua cuộc, Poutine sẽ không ngồi yên, và các quốc gia độc tài, đứng đầu là nước Tàu, sẽ không ngần ngại thực hiện những âm mưu xâm lăng, nhất là khi muốn che dấu những khó khăn nội bộ.
Tương lai của Ukraine là tương lai của tất cả những người muốn sống tự do.
3. Cuộc đình công chống lạm dụng A.I. ở Hollywood:
Từ tháng 5, trong suốt 6 tháng, cuộc đình công của giới điện ảnh, kịch nghệ, từ diễn viên, đạo diễn, tác giả đến các chuyên viên đã làm tê liệt Hollywood, gây thiệt hại 6 tỷ dollars vừa chấm dứt, sau khi những yêu sách của người đình công được thỏa mãn.
Mục tiêu của cuộc đình công lâu dài, quyết liệt là đòi kiểm soát việc lạm dụng trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) trong nghề điện ảnh.
Các hãng phim, để khỏi tốn kém, với AI đã thâu giọng nói, hình ảnh, cử chỉ của các diễn viên để làm phim, chuyển âm không cần trả lương diễn viên.
Tại sao coi đây là một sự kiện quan trọng, không phải chỉ ở Mỹ, không chỉ trong giới điện ảnh? Bởi vì AI sẽ là một cuộc cách mạng thay đổi xã hội trong những năm tới. Nếu AI đã hữu ích, giúp y khoa và khoa học tiến những bước dài, sẽ là một đe doạ khủng khiếp cho nhân loại.
Khởi đầu là chuyện thất nghiệp, vì máy làm thay người. Sau đó là văn hoá, sẽ không còn nghệ sĩ, không còn sáng tạo, không còn suy nghĩ. Ngày nay, trên Internet đã có trăm ngàn cuốn sách AI. Chỉ cần cho một đề tài, một ý chính, AI sẽ viết một cuốn tiểu thuyết, với đủ tình tiết hỷ nộ ái ố, một cuốn khảo luận với đầy đủ dẫn chứng kim cổ, trong vài phút.
Nếu không có luật lệ kiểm soát, khó tưởng tượng những ông phù thuỷ AI sẽ dẫn con người đi về đâu.
Chắc chắn là trong những năm tới, AI sẽ là đề tài chính, trên mọi địa hạt.
* Với Việt Nam, nếu cũng chỉ chọn ra 3 sự kiện quan trọng nhất trong tình hình chính trị – xã hội Việt Nam năm nay, ông sẽ chọn những sự kiện gì? Và tại sao?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
Tình hình VN trong năm qua cũng ngổn ngang những tin tức về tham nhũng, thiên tai, vật giá leo thang, thất nghiệp gia tăng, tôn giáo bị cấm đoán, đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số bị đàn áp một cách dã man.
Hãy tạm nêu 3 sự kiện tiêu biểu: thượng toạ Thích Tuệ Sỹ viên tịch, Việt Nam cam kết sẽ tôn trọng nhân quyền từ…cuối thế kỷ này, và chuyện Việt Nam và Tàu cam kết sẽ “cùng chung vận mệnh” với nhau tới mãn kiếp.
1. Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ:
Ở Việt Nam, có những đám tang khổng lồ, đám đông bị lôi ra đưa tiễn các ông lớn tới các nghĩa trang hàng chục ngàn mét vuông, như vua chúa ngày xưa. Cũng có những đám tang đơn giản, đưa tiễn một vị chân tu đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Thầy Tuệ Sỹ là đoá hoa sen, gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn.
Trong một quốc gia nhiều bằng cấp, nhưng kiến thức khả nghi, thầy Tuệ Sỹ là một trí thức thứ thiệt, hiếm hoi.
Trong một xứ nhiều người vẫn suy nghĩ theo lệnh đảng, thầy Tuệ Sỹ là một nhà thơ, nhà văn thứ thiệt, hiếm hoi.
Trong một xứ đa số nhà sư là công an, hay con buôn mặc áo cà sa, thầy Tuệ Sỹ là một nhà chân tu, uyên bác, hiếm hoi.
Trong một xứ hầu hết trí thức an phận để được an thân, thầy Tuệ Sỹ coi thường sinh mạng, sẵn sàng lên tiếng cho nhân quyền, cho Phật Pháp.
Như đã viết trong một bài tạp ghi, thầy Tuệ Sĩ, với vóc dáng mảnh mai, yếu ớt khiến người ta nghĩ tới thánh Gandhi, gầy gò trong mảnh vải trắng, đã làm rung chuyển đế quốc Anh. Thầy Tuệ Sỹ chưa làm rung chuyển chế độ, chưa cứu được Phật giáo của thời mạt pháp, nhưng đã cứu danh dự cho Phật Giáo Việt Nam, cho những người tu hành, cho Phật tử.
2. Tình hình nhân quyền của Việt Nam:
Năm 2023 Việt Nam vẫn trong số các nước đứng đầu trong chuyện vi phạm nhân quyền, từ tự do báo chí tới tự do tôn giáo.
Trong hai năm (2022, 23), 123 người bị truy tố, 98 lãnh án tù chính trị, tôn giáo. Hàng trăm ký giả, nhà văn, tu sỹ, những người tranh đấu cho môi trường vẫn nằm tù, chưa biết ngày nào ra, chưa biết ngày nào xử, chưa biết bị tội gì. Bên cạnh hàng trăm người bị kết án tử hình.
Thỉnh thoảng nhà nước thả một hai người để đổi chác với nước ngoài, trước khi chộp hàng chục người khác.
Trong một tài liệu chính thức, Việt Nam cam kết với Uỷ Hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ thực thi các tiêu chuẩn về nhân quyền trước thế kỷ tới. Một cách chính xác: trước ngày 31/12/2099! Các tù nhân có thể an tâm, và kiên nhẫn chờ thêm 76 năm nữa.
Ít nhất chính quyền Việt Nam cũng có óc khôi hài, biết giỡn chơi cả với Liên Hiệp Quốc, về một đề tài không có gì vui.
Dầu sao, cũng tếu hơn chính quyền Nga, đã tái lập Goulag bằng cách đầy chính trị gia đối lập Alexei Nalvany (bị kết án 19 năm về tội bất đồng chính kiến với Poutine) tới một vùng hẻo lánh. Các luật sư của Navalvy cũng bị đe doạ bỏ tù, về tội có …thái độ quá khích, khi bào chữa cho bị can.
3. Vận mệnh chung Việt Nam – Trung Quốc:
Việt Nam tiếp tục chính sách ngoại giao cây tre, gió bên nào ngả theo bên đó; gió 2 chiều, quay đi uốn lại 2 chiều.
Sau khi tiếp Biden, cây tre Nguyễn Phú Trọng không thể không tiếp Tập Cận Bình.
Với Mỹ, Việt Nam tăng cấp bậc ngoại giao “đối tác toàn diện” lên “đối tác toàn diện chiến lược”, với Tầu, Nguyễn Phú Trọng không ngần ngại ký gia nhập “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Cộng đồng chia sẻ tương lai là cái gì, nếu không phải là nước nhỏ thần phục, coi như trực thuộc một nước lớn.
Trước đây, Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao, cựu chủ tịch Tàu) đã dùng thành ngữ “cộng đồng chia sẻ vận mệnh” để nói về Đài Loan, hòn đảo Bắc Kinh vẫn coi là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam, một cách tế nhị kiểu Tàu, được coi là ngang hàng với Đài Loan. Trên thực tế, chưa chắc Việt Nam có can đảm và tâm huyết bảo vệ lãnh thổ như Đài Loan khi bị Tàu xâm lăng.
Những ký kết giữa Việt Nam với Tàu xác định nhận xét của Giáo sư Alexander Vuving, chuyên gia về Á Châu: ngoại giao cây tre chỉ có hại cho Việt Nam, lợi cho Tàu. Ông viết: “cây tre Việt Nam có thể hoàn toàn bi con gấu trúc gặm nhấm dần dần”.
*Ông có thể đưa ra một vài dự đoán cho tình hình thế giới năm 2024?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
Có người nói nửa đùa nửa thực: người ta có thể tiên đoán mọi chuyện, trừ những chuyện xẩy ra trong tương lai. Ít ai tiên đoán Poutine sẽ ngang ngượcc xua quân xâm lăng Ukraine. Ít ai, kể cả tình báo Do Thái, nghĩ đến việc Hamas tấn công, chém giết một cách man rợ trên lãnh thổ Do Thái đầu tháng Mười.
Sự thực không hẳn thế giới chia rõ rệt thành hai khối Dân chủ và Độc tài. Trước cuộc chiến Ukraine, nhiều nước dân chủ ủng hộ Nga, như Brésil, hay lưỡng lự như Do Thái, Ấn Độ vì liên hệ ngoại giao, hay giao thương kinh tế, võ khí với Nga. Sau khi Xô Viết Nga sụp đổ, thế giới lưỡng cực, giữa khối Cộng Sản và khối tự do chấm dứt, người ta nghĩ tới mô hình Samuel Huntington (The Clash of Civilizations, 1996): cuộc đụng độ của các văn hoá: văn hoá Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Khổng giáo.
Với sự vươn lên của Tàu, thế giới lưỡng cực có thể thành hình trở lại, giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa. Dù sao, đối tượng chính của Mỹ vẫn là Trung Cộng. Mỹ muốn giải quyết nhanh mọi xung đột, từ Ukraine tới Do Thái để dồn khả năng tài chánh, kỹ thuật, quân sự vào việc đương đầu với Tàu.
Cũng may cho những người sợ Tàu, như người Việt chúng ta, con đường tiến tới địa vị cường quốc số 1 trước 2049 của Bắc Kinh gặp nhiều trở ngại.
Trung Cộng đang khủng hoảng về mọi mặt, kinh tế ngừng trệ (xuất cảng, tiêu thụ quốc nội đều tụt hậu), dân số giảm sút, người già tăng nhanh, lớp trẻ thất nghiệp, con đường tơ lụa thất bại, vì các nước liên hệ ý thức được hiểm hoạ Tàu.
Với xung đột Do Thái-Palestine, chuyện xung đột của các nền văn minh sống lại, ở đây là xung đột giữa hai khối: thế giới Hồi Giáo ủng hộ Palestine và Tây Phương ủng hộ Do Thái.
Nga và Tàu đang tìm cách thành lập một khối chống Tây Phương, với những nước tự coi là nạn nhân của tư bản Tây Phương hay bất mãn với một Tây Phương “sa đoạ”.
Dầu sao, rất khó đoán thế giới sẽ đi về ngả nào.
Điều chắc chắn là thế giới sẽ cực kỳ bất ổn. Cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine cho thấy người ta đã đạp đổ các công ước quốc tế, mở đường cho những cuộc xâm lăng khác.
Trong thế giới hỗn loạn đó, Liên Hiệp Quốc bất lực, hữu danh vô thực.
Liên Hiệp Quốc bất lực, bị tê liệt vì quyền phủ quyết của Mỹ, Nga, Tàu. Cũng may mà Liên Hiệp Quốc bất lực, vì tổ chức này hầu như nằm trong tay Tàu. Đa số các nước nhược tiểu đều bị Trung Hoa mua chuộc, bỏ phiếu theo ý Bắc Kinh.
Thế giới cần một tổ chức quốc tế hữu hiệu, thay thế Liên Hiệp Quốc đã lỗi thời, để ngăn chặn chiến tranh, giải quyết quá nhiều vấn đề mà các quốc gia, chỉ nghĩ tới quyền lợi của nước mình, do đó chỉ làm cho tình trạng nguy cấp hơn.
Những hiểm hoạ đe doạ nhân loại ngổn ngang.
Chỉ nêu vài thí dụ: bệnh dịch toàn cầu, kiểu Covid 19; tàn phá môi trường, thay đổi khí hậu, đưa tới thiên tai, hạn hán, bão lụt, đói khát (nước uống, lương thực khan hiếm), di dân; sản xuất võ khí gia tăng khủng khiếp dẫn tới sự tàn phá chưa từng thấy nếu Thế Chiến thứ 3 bùng nổ; khủng bố dưới mọi hình thức, nhất là khủng bố, phá hoại qua Internet làm tê liệt đời sống; sự phát triển quá nhanh, vô tổ chức, vô trách nhiệm của thông minh nhân tạo (AI).
Thế giới không thể thiếu một tổ chức quốc tế hữu hiệu.
Vấn đề là ai, quốc gia nào có khả năng, và thiện chí, để thực hiện, hay ít nhất vận động cho nhu cầu khẩn trương đó?
*Trong bối cảnh thế giới nhiều xung đột, bất ổn, chiến tranh xảy ra ở khu vực này khu vực khác trong khi Liên Hiệp Quốc thì bất lực như ông vừa nói, những thách thức đặt ra cho Việt Nam là gì và theo ông những bước đi trong năm qua của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam-cả về đối ngoại lẫn đối nội, có đáp ứng được những thách thức đó?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
Vấn đề của Việt Nam quá nhiều, từ bế tắc kinh tế, chính trị, giáo dục, tới sa đoạ văn hoá, xã hội khó nói hết trong vài câu. Phải vài cuốn sách.
Người Việt hy sinh quá nhiều, bị tước bỏ hết mọi quyền căn bản nhất của con người (tự do tư tưởng, tự do tôn giáo) để có một đời sống thấp hơn nhiều nước láng giềng, ngập lụt trong bất công xã hội, tham nhũng.
Khó góp ý để cải thiện, như nhiều người có thiện chí đã làm. Khi nào chế độ Cộng sản còn tồn tại, sẽ không có thay đổi gì hết, hay chỉ có thay đổi bề mặt, giả tạo. Bởi vì bản chất và cương lĩnh của Cộng sản coi quyền lợi của đảng trên quyền lợi quốc gia.
Lấy một thí dụ: ai cũng than giáo dục Việt Nam bệ rạc, không phát triển tài năng, cũng không đào tạo nhân cách của lớp trẻ. Đó không hẳn là một thất bại đối với chế độ, bởi vì mục đích của giáo dục Cộng sản không phải là “thụ nhân” (trồng người), mục đích tối hậu là đào tạo một thế hệ trung thành với đảng.
Về kinh tế chẳng hạn: đáng lẽ Việt Nam có một cơ hội bằng vàng để phát triển nhanh chóng, khi các nước kỹ nghệ muốn rời nước Tàu, nhưng họ đã thất vọng.
Hoa Kỳ khám phá ra nhiều cơ sở Việt Nam thực ra chỉ là cơ sở Tàu trá hình, để tránh những biện pháp giới hạn nhập cảng hàng hoá Tàu của chính quyền Mỹ.
Một thí dụ khác cho thấy bế tắc kinh tế đến từ chế độ: Intel phải bỏ dự án khổng lồ sản xuất tại Việt Nam, vì họ thấy Việt Nam thiếu điện liên miên, nhất là thủ tục hành chánh rườm rà, hệ thống hành chánh quan liêu, vô trách nhiệm, tham nhũng khủng khiếp. Cuối cùng, họ lựa Âu Châu, mặc dù ở Âu Châu lương bổng cao hơn, các doanh nghiệp phải tôn trọng luật lệ lao động, bảo vệ tối đa quyền lợi của thợ thuyền. Nhân công rẻ không còn là điều kiện để phát triển. Người máy còn rẻ hơn, làm việc nhiều hơn là nô lệ.
Về mặt ngoại giao, cuộc gặp gỡ và ký kết với Tập Cận Bình gần đây cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đã vui vẻ chấp nhận tất cả những đòi hỏi của Bắc Kinh, kể cả việc hăng hái khẳng định rằng Việt Nam coi các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng là vấn đề nội bộ của Trung quốc, phản đối sự can thiệp của nước ngoài, coi Đài Loan thuộc lãnh thổ của Trung quốc.
Cây tre Nguyễn Phú Trọng rời xa các nước láng giềng – Nhật Bản, tới Indonésie, Phi Luật Tân – đang tìm mọi cách bảo vệ chủ quyền quốc gia, bằng cách bày tỏ sự trung thành kỳ lạ đối với Bắc Kinh.
*Như vậy, phải nghĩ gì về tương lai Việt Nam?
Nhà văn, nhà báo Từ Thức:
Phải nghĩ gì về tương lai Việt Nam ư?
Một cách bi quan, phải nhìn nhận là khi nào chế độ Cộng sản còn tồn tại, sẽ chẳng có thay đổi gì cả.
Một cách lạc quan, có thể nói chế độ đó chỉ là một dấu ngoặc của lịch sử. Và những biến chuyển dồn dập trước mắt cho thấy cục diện thế giới thay đổi rất nhanh, rất bất ngờ.
Trong bất cứ trường hợp nào, Việt Nam cũng không thể hà tiện một cuộc cách mạng văn hoá, nghĩa là thay đổi tư duy của cả một thế hệ. Nghe có vẻ viển vông, xa vời, sự thực đó là chuyện căn bản. Cuộc thay đổi chỉ đến từ dân, và người dân chỉ tìm cách thay đổi nếu ý thức mình đang là nô lệ, và mong muốn một cuộc sống xứng đáng hơn.
Thay đổi văn hoá cực kỳ khó, nhưng là chuyện phải làm, phải đóng góp, tuỳ khả năng của mỗi người. Nếu không, những thay đổi chỉ là những cuộc đảo chánh. Bài học trước mắt: nước Nga. Sau khi Nga Xô Viết sụp đổ trở thành một nước Nga của mafia đỏ.
*Nói tóm lại, bức tranh toàn cảnh tình hình thế giới cho tới Việt Nam trong năm 2023 vẫn nhiều gam màu xám, tối hơn những sắc màu sáng sủa, tươi vui, và nhìn sang năm 2024 thì vẫn chưa thể lạc quan, có phải không ạ. Cảm ơn nhà văn, nhà báo Từ Thức về cuộc trò chuyện cuối năm này.
Song Chi (thực hiện)
29/12/2023
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/cuoinamphongvannhavan.html