Lê Ngọc Vân


Có thể quét sạch Hamas như Netanyahu muốn?
Israel giờ đây làm nảy sinh ra thêm quân khủng bố thay vì dập tắt.

Cư dân Gaza xem một cuộc diễn binh của Hamas ở Khan Younis.
Hình: NurPhoto/Getty Images.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đã thề sẽ làm cho Hamas biến mất khỏi mặt đất.
Nhưng Hamas đã xâm nhập đến tận hang cùng ngõ hẻm trong xã hội Palestine ở Gaza.
Tất cả thanh thiếu niên dưới 20 tuổi trưởng thành cùng với tổ chức này, và họ không biết thứ gì khác hơn.
Trong suy nghĩ của họ chỉ có hai lựa chọn: thắng hoặc chết.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến này cho đến cùng. Cho tới khi Hamas bị nhổ tận gốc. Người nào nghĩ là chúng tôi ngưng lại, kẻ ấy mất đầu óc thực tế”, thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, mới đây cho biết. Đó là phản ứng của ông trước những lời chỉ trích từ nước ngoài, những người càng ngày càng lớn tiếng kêu gọi tạm ngưng chiến vì mục đích nhân đạo. Và đó là lời hứa với công chúng Israel mà ông đã gần như mỗi ngày mỗi lập lại, kể từ vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào miền nam Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023. Nhưng phải chăng ông ta hứa một điều bất khả thi?

Hamas là một tổ chức ba đầu sáu tay đã mọc rễ sâu trong đời sống ở Gaza. Đó là một ý thức hệ, một đội quân với các chiến binh trung thành, một guồng máy kiểm soát và cùng lúc là một mạng lưới an toàn. Các cơ quan an sinh xã hội, trường học và bệnh viện được điều hành bởi Hamas hoặc bởi những nhân viên do tổ chức chỉ đạo. Tại các trại hè, trẻ em từ khi còn nhỏ đã được cho tiếp cận với luồng tư tưởng của Hamas. Qua một mạng lưới dầy đặc đền hồi giáo, phong trào này truyền bá các thông điệp của họ – và mọi người đều bị canh phòng chặt chẽ. Hamas thi hành một sự cai trị độc đoán ở Gaza.

“Hamas là một phần bức tranh xã hội của dân Palestine”, ông Mkhaimar Abusada, trưởng khoa Chính Trị của đại học Thành phố Gaza, nói. Ông hiện đã chạy sang Cairo. “Trước kia nó đã như vậy rồi, trước khi phong trào được khởi động năm 1987 dưới tên Anh Em Hồi Giáo, với cái tên này họ lo cho an sinh xã hội của dân nghèo. Hamas là thuần túy Palestine và họ đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Palestine.”

Ông nói thêm: “Cái nhân của ý thức hệ quốc-gia-hồi-giáo được người Palestine đồng tình. Tranh đấu chống lại sự chiếm cứ bất hợp pháp đất nước được coi là một quyền, xét về mặt đạo đức và lòng tin tôn giáo. Dù muốn hay không, sự thực vẫn là: không phải tất cả người Palestine đều ủng hộ Hamas, nhưng có một số ủng hộ họ.”

Những cuộc tấn công dựa trên cảm xúc

Và thành phần này lớn mạnh lên do hậu quả của những cuộc tấn công bừa bãi của chính phủ Netanyahu, được khích động bằng cảm tính qua hình ảnh gây nhiều chết chóc cho thường dân, theo lời của một giáo sư chính trị học tại Đại học Chicago, Robert Pape. Cũng như các tổ chức khủng bố, Hamas dùng chiến lược khiêu khích, ông giải thích. “Vào ngày 7 tháng 10/2023, Hamas thảy ra ‘miếng mồi’, họ biết là Israel sẽ chộp lấy và sẽ tự làm mình bị chảy máu. Gần như chắc chắn là trong thời điểm hiện nay Israel sản sinh ra nhiều quân khủng bố hơn là dập tắt nó.”

Một xe quân sự Israel tại Thành phố Gaza bị Hamas tịch thu
trong cuộc chạm trán ngày 07/10. Hình: Getty Images

Ông Pape xem đó như là một món quà cho Hamas, để cho họ dùng nó như mục đích tối thượng trong việc chiêu mộ người. “Sức mạnh của họ nằm ở con người, không ở vũ khí. Bất kỳ người nào chết ở Gaza cũng có bà con bạn bè sẵn sàng trả thù cho họ.” Theo cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu về Chính sách của Palestine tại Ramallah thì sự ủng hộ dành cho Hamas ở Bờ Tây Jordan tăng vọt, còn ở Gaza chuyện này chỉ ở mức độ thấp. Ông Pape giải thích: “Đó là do dân chúng ở Gaza hiện giờ chỉ lo mỗi một chuyện là sự sống còn. Khi người ta nằm dưới đống đổ nát thì họ không nghĩ tới ngày mốt đâu. Nhưng rồi sắp tới đây sẽ có nhiều quân khủng bố trỗi dậy, đó là điều không ai nghi ngờ.”

Cùng lúc, Israel mất hậu thuẫn từ cộng đồng thế giới, điểm thắng lợi thứ hai cho Hamas. “Trước ngày 7 tháng 10, thế giới bênh Israel, bây giờ chuyện đó không còn nữa.” Đây là điều rất nguy cho một quốc gia vốn đã dễ bị tổn thương, một quốc gia chỉ có 7 triệu người Do Thái, bị bao vây bởi số người Hồi giáo đông hơn bội phần. Công cuộc bảo vệ đất nước Israel phải dựa phần lớn vào Hoa Kỳ. Sự hỗ trợ này hiện giờ dường như chưa lâm nguy: với quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và sự tiếp tục viện trợ vũ khí, Hoa Kỳ chứng tỏ mình là đồng minh trung thành.

Trẻ em Palestine giữa súng đạn trong trại tị nạn Jabalya ở Gaza.
Hình: SOPA Images/Light Rocket/Getty Images

Nhưng ở hậu trường (và đôi khi cả trước công chúng) Hoa Kỳ đang thúc giục cho một chiến thuật gây ít nạn nhân dân thường hơn. Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào đầu tháng 12 vừa qua đã cảnh cáo là “nếu mấy người đẩy dân chúng vào vòng tay quân địch thì chiến thuật gây chiến thắng sẽ trở thành tổn thất mang tính chiến lược.” Tổng thống Pháp Macron, người càng ngày càng chỉ trích mạnh hơn, kêu gọi Israel làm rõ hơn mục đích của họ. “Tiêu diệt toàn bộ Hamas à? Chiến tranh sẽ kéo dài chục năm.”

Cảm tình với Hamas

Hamas gây được thiện cảm tại Gaza cũng như ở thế giới bên ngoài do bởi số phận của người Palestine một lần nữa được đưa lên trang nhất. Rất ít người quan tâm đến họ trong những thập kỷ gần đây, nhưng bây giờ sự đồng cảm đã tăng lên ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Ngay cả thuật ngữ Nakba (nghĩa đen: thảm họa, ám chỉ sự trục xuất và cuộc trốn chạy của người Palestine, bỏ nhà cửa làng mạc của họ lại, vào năm 1948), trước kia vốn là tâm điểm để qua đó gắn cho dân Palestine căn cước tị nạn, thì bây giờ đã xâm nhập được vào kho từ vựng của những người theo dõi tin tức.

Một chiến thắng cũng không nằm trong tầm tay nếu Israel chỉ hạn chế mục tiêu là loại bỏ Binh đoàn Al Qassam, nhánh quân sự của Hamas. Theo ước tính, họ có khoảng từ 25 đến 40 nghìn quân vũ trang. Theo báo cáo của Israel, 7.000 trong số này hiện đã bị tiêu diệt. Một vấn đề lớn cho Israel là quân lính có thể dễ dàng trà trộn trong dân chúng, ẩn nấp trong khu vực dày đặc nhà ở và trong một hệ thống đường hầm sâu dưới lòng đất.

Những chiếc ca có in hình các thủ lãnh Hamas
trong một cửa tiệm nhỏ ở Gaza. Hình: ANP/AFP

“Hamas là một tổ chức có bức màn sắt bao quanh. Muốn trở thành thành viên, ứng viên phải trải qua quá trình sàng lọc gắt gao, và còn gắt gao hơn để có thể trở thành thành viên của các binh đoàn vũ trang”, ông Abusada nói. Theo ông, phong trào được tổ chức chặt chẽ ra sao đã được thể hiện rõ qua thực tế là người Israel có lẽ không biết gì về kế hoạch tấn công, tức là họ giữ được bí mật cách nghiêm ngặt.

Tổ chức này đã biết cách xây được nhiều cây số đường hầm mà không để người ngoài nhận ra tầm vóc thực sự của nó. Có những đường hầm lớn đến độ xe hơi có thể di chuyển trong đó và rộng đến mức hệ thống này có biệt danh là Gaza Metro. Nhân lực, thời gian và tiền bạc đầu tư đã khiến mọi người ngạc nhiên, kể cả những người ở ngay tại Gaza. Binh đoàn Al Qassam cũng có trình độ tổ chức quân sự không thua kém gì quân đội thực sự, với các đơn vị chiến đấu được giao nhiệm vụ theo từng khu, có các tiểu đoàn chuyên trách, cơ quan tình báo nội bộ, còn ban chỉ huy tối cao cho đến nay vẫn chưa ai có thể chạm tới.

Chiến thắng mang tính biểu tượng

Quân đội Israel đang treo giải cho người nào cung cấp được thông tin về nơi cư trú của bốn nhân vật lãnh đạo, trong đó có nhà lãnh đạo chính trị ở Gaza, Yahya Sinwar (400.000 USD) và Mohammed Deif, Tư lệnh Binh đoàn Al Qassam (100.000 USD). Các truyền đơn rải khắp Dải Gaza có ghi số điện thoại và lời hứa rằng tin tức cung cấp được giữ kín. Bằng cách loại bỏ giới lãnh đạo Hamas ở Gaza, Thủ tướng Netanyahu có thể đạt được ít nhất một chiến thắng mang tính biểu tượng.

Mới cuối tuần này (tuần cuối năm 2023), Israel cho biết họ đang tiến gần đến hang hùm, họ đã ào vào trụ sở Hamas ở thành phố Khan Younis nằm ở phía nam. Họ cũng muốn từ tuần này sẽ chuyển sang các cuộc tấn công có mục tiêu hơn và rút một số quân để có thể tham gia mặt trận thứ hai ở miền Bắc, chống lại Hezbollah ở Libanon.

Trong một cuộc phỏng vấn với Arye Sharuz Shalicar, người phát ngôn của quân đội, thì quân Israel đã nhận thức ra rằng việc thực hiện lời hứa của Thủ tướng Netanyahu khó khăn dường nào. Ông cũng chỉ ra mối liên hệ đan xen chặt chẽ giữa Hamas với Dải Gaza. “Bất cứ ai dưới 20 tuổi, và có rất nhiều người lớn, trưởng thành cùng Hamas và không biết gì khác. Họ đến các trại dành cho thanh niên khủng bố của Hamas. Ở đó họ học được cách thù ghét người Do Thái và cách bắt cóc họ. Tất cả mọi người dưới 20 tuổi đều bị nhồi sọ.”

Một trại hè của Hamas tại Gaza. Hình: SOPA Images/LightRocket/Getty Images

Theo người phát ngôn, việc xóa sổ toàn bộ tổ chức là ‘mơ tưởng’. “Nhưng chúng ta có thể phá hủy sức mạnh quân sự. Chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu để họ không bao giờ cai trị Gaza được nữa, để họ không bao giờ có thể tấn công Israel được nữa.” Ông so sánh với Đức Quốc xã: “Ở nơi đó, cũng không phải bất kỳ người ủng hộ nào cũng đều bị phát hiện, không phải là mọi vũ khí đều bị vô hiệu hóa. Nhưng quân Đồng Minh đã thành công và Đức đầu hàng. Chúng tôi muốn Hamas đầu hàng.”

Quyền đạo đức

Nhưng theo nhà chính trị học Mkhaimar Abusada, đó cũng chỉ là mơ tưởng. Đối với các chiến binh của Binh đoàn Al Qassam, cụm từ ‘đầu hàng’ không có. Ông nói, họ được nuôi dưỡng và hòa nhập với xã hội để chiến đấu đến giọt máu cuối cùng bởi vì đó là quyền đạo đức và tôn giáo của họ. Tử vì đạo được đánh giá cao. “Đầu hàng là dành phần đời còn lại trong phòng giam của Israel. Đó thuần túy là sự sỉ nhục. Trong suy nghĩ của họ chỉ có hai lựa chọn: thắng hoặc chết.”

   

Nguyên tác: Kan Hamas worden weggevaagd, zoals Netanyahu wil? - Monique van Hoogstraten.
De Volkskrant, 03/01/2024
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/cothequetsachhamas.html


Cái Đình - 2024