Nguyễn Gia Kiểng
COP26 và những ân nhân của thế giới
.
Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc về Khí Hậu lần thứ 26, với tên quen thuộc là COP26, bắt đầu họp từ ngày 31/10/2021 tại Glasgow, Anh, vừa kết thúc. Thời gian họp kéo dài hai tuần lễ chỉ phần nào nói lên tầm quan trọng của nó. COP26 là một trong những cột mốc lịch sử lớn của thế giới, đánh dấu thời điểm mà cả nhân loại nhìn rõ vấn đề lớn nhất đồng thời cũng là mối nguy lớn nhất của mình.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Khí hậu lần thứ 26, COP26,
tại Glasgow, Anh, từ 31/10 đến 12/11/2021.
Sơ lược về một cuộc đấu tranh kiên trì
Ý thức về khí hậu và môi trường chỉ mới xuất hiện gần đây thôi. Bắt đầu từ thập niên 1960 mới thỉnh thoảng có những tiếng nói rất lẻ tẻ và lạc lõng hầu như không được ai nghe của một số rất ít người quan tâm tới môi trường. Họ không có tiếng nói trên các báo và đài. Thông điệp của họ chỉ là những tờ rơi báo động về nguy cơ hủy hoại môi trường do các thanh niên ăn mặc xuề xòa đứng phát tại Boulevard Saint Michel, trung tâm của Quartier Latin, Paris. Hay tại vài thủ đô các nước Tây Âu khác. Họ bị nhìn như là những người không bình thường. Chỉ sang thập niên 1970 họ mới ngày càng đông hơn, hiện diện tại nhiều nước hơn, rồi dần dần mạnh lên. Đó là vì họ có lý và cái Đúng cuối cùng bao giờ cũng vẫn có sức mạnh của nó. Tuy vậy cho đến cuối thế kỷ 20 khí hậu và môi trường vẫn chưa được xem là một vấn đề chính trị quan trọng; các Đảng Xanh chỉ thu hút được một số cử tri nhỏ và trừ vài trường họp hiếm hoi vẫn chưa có tiếng nói trong các quốc hội Châu Âu. Trên các lục địa khác sự hiện diện của họ còn yếu hơn.
Càng đông họ càng tranh đấu hăng say hơn và tình hình đã thay đổi nhanh chóng sau đó. Các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc (LHQ) để thực hiện các cố gắng bảo vệ môi trường cũng liên tục được thành lập trong đó có thể kể những tổ chức quan trọng nhất:
Thắng lợi vang dội đầu tiên của các cố gắng cứu nguy trái đất này là đã thuyết phục được LHQ mở ra các Hội Đàm về Môi trường và Phát Triển (World Conference on Environment and Development), được gọi một cách long trọng là Thượng Đỉnh Trái Đất (Sommet de la Terre, Earth Summit). Các hội đàm này được tổ chức mười năm một lần, lần đầu tại Stockholm năm 1972, rồi tại Nairobi năm 1982, Rio de Janeiro 1992, Johanesburg 2002. Lần thứ năm, Rio de Janeiro 2012, cũng là lần cuối vì kết quả đạt được đã khiến những hội nghị mười năm một lần không còn đáp ứng yêu cầu nữa.
Hội nghị Thượng Đỉnh Trái Đất lần thứ 3, tại Rio de Janeiro năm 1992, đã là một bước ngoặt quyết định: LHQ đã đạt tới một “Khung Quy Ước Liên Hiệp Quốc về Thay Đổi Khí Hậu” (United Nations Framework Convention on Climate Change UNFCCC) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/03/1994. Quy ước này lần đầu tiên xác nhận các khí thải có hiệu ứng nhà kính (greenhouse gas, gaz à effet de serre), chủ yếu là Carbon Dioxid CO2 và Mê tan CH4, như là nguyên nhân chính khiến khí quyển nóng lên và quốc gia phải giới hạn việc sử dụng các nhiên liệu mỏ (dầu, khí đốt và than đá) để giảm thiểu các khí thải này. Hội nghị này đã khai sinh ra các COP (Conference of Parties), hay Hội Nghị Các Bên, mỗi năm sau này. Các “bên” là những nước đã ký nhận Quy Ước UNFCCC tại Rio de Janeiro và các quy ước tại các COP sau này. Các hội nghị COP hàng năm đã thay thế cho các Thượng Đỉnh Trái Đất mười năm một lần. Các nước ký nhận UNFCCC, hay “các bên”, tại Rio de Janeiro gồm 154 nước. Năm 2004 con số này là 189, hiện nay là 197. Gần như cả thế giới đã nhìn nhận nguy cơ khí hậu và cam kết cố gắng tham gia các giải pháp cứu vãn chung.
Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất lần thứ 3, tại Rio de Janeiro năm 1992, đã là một bước ngoặt quyết định
Thắng lợi của Thượng Đỉnh Rio de Janeiro đã thúc đẩy các tiến bộ dồn dập sau đó.
Các hội nghị thượng đỉnh giữa các nước ký kết, được gọi là COP, bắt đầu từ năm 1995 và được triệu tập hàng năm. Nước Đức nhận đứng ra tổ chức các hội nghị thượng đỉnh này trừ khi có quốc gia nào khác tình nguyện. Cho đến nay đã có 26 thượng đỉnh COP. Các COP có kết quả quan trọng nhất là:
- COP3, năm 1997 tại Kyoto, Nhật, đã biểu quyết thỏa ước được gọi là Nghi Thức Kyoto trong đó các bên (tức các quốc gia ký kết) cam kết từ đây đến năm 2008 hay trễ nhất là đến năm 2012 sẽ phải giảm khối lượng khí thải nhà kính của mình ít nhất 5% so với năm 1990, mỗi nước sẽ thành lập một cơ chế theo dõi việc thực hiện mục tiêu này.
- COP15, năm 2009 tại Copenhague, xác nhận trách nhiệm của các nước phát triển, thành lập một Quỹ Xanh Khí Hậu (Green Climate Fund) trong đó các nước giầu sẽ đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo đổi lại với việc họ giới hạn sử dụng nhiên liệu mỏ. Quỹ này dự trù sẽ được thi hành đầy đủ vào năm 2020. Tuy nhiên nó đã không được biểu quyết và vì vậy chỉ mới có giá trị như một yêu cầu và một đóng góp tự nguyện của những nước giầu có thiện chí.
- COP21, năm 2015 tại Paris, đã gây tiếng vang lớn. Thượng đỉnh đồ sộ này – quy tụ 195 quốc gia, 40.000 người và 3000 ký giả trong hai tuần – đã long trọng nhìn nhận các kết luận báo động của các định chế khoa học, đã đồng thanh xác nhận trách nhiệm của các nước phát triển và sự cấp bách của cố gắng giảm thiểu khí thải nhà kính, khẳng định định cố gắng ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ là bổn phận khẩn cấp của mọi quốc gia. Một cách cụ thể, COP21 khẳng định thế giới phải giới hạn mức gia tăng nhiệt độ trung bình của trái đất ở dưới 2°C, hay 1,5°C nếu có thể được, so với thời kỳ Tiền Kỹ Nghệ và muốn như thế phải phải chấm dứt mọi tác dụng của than đá trễ lắm là vào năm 2060. Quy ước khí hậu UNFCCC từ nay trở thành nghĩa vụ quốc tế ràng buộc mọi quốc gia. Quỹ Xanh Khí Hậu cũng được chính thức hóa. Cùng một lúc với COP21, một hội nghị khác của 700 đại diện các thành phố lớn trên thế giới, thủ phạm của 70% khí thải, cũng đã họp tại Paris và đồng thanh cam kết cố gắng từ bỏ hẳn nhiên liệu mỏ trong thời gian ngắn nhất để chuyển sang 100% năng lượng sạch.
COP21 kết thúc ngày 12/12/2015 trong không khí tưng bừng và lạc quan.
COP21 đã kết thúc trong không khí tưng bừng và lạc quan. Nguy cơ của trái đất đã được nhìn rõ cùng một lúc với niềm tin là có giải pháp thoát hiểm và quyết tâm hành động. Tuy vậy sau đó một năm, nước Mỹ đã bầu một tổng thống mới và ngay khi vừa đắc cử Donald Trump đã chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm kinh hoàng khi phủ nhận nguy cơ khí hậu và rút nước Mỹ ra khỏi thỏa ước COP21. Không những thế ông còn tuyên bố sẽ phục hồi kỹ nghệ than đá. Thế giới đến bây giờ vẫn bàng hoàng vì không thể ngờ Mỹ có thể bầu một tổng thống như thế. Joe Biden đã trở lại hiệp ước COP21 ngay sau khi đắc cử nhưng hình ảnh của nước Mỹ đã xấu đi hẳn và sẽ không bao giờ trở lại như trước.
COP26 vừa diễn ra tại Glasgow có mục tiêu trước hết là để tái khẳng định các kết quả của COP21 đồng thời kiểm điểm lại tình hình thế giới để vạch ra những gì cần làm và có thể làm. COP26 cũng đã được chuẩn bị bởi Thượng Đỉnh G20 ngay trước đó tại Roma quy tụ 19 nước lớn nhất về kinh tế và Liên Hiệp Châu Âu. Hai nguyên thủ quốc gia của khối G20 là Tập Cận Bình của Trung Quốc và Vladimir Putin của Nga đã vắng mặt tại COP26, cũng như tại G20 trước đó, nhưng cả hai nước đều có phái đoàn tham dự. Mặc dù dịch Covid-19, khoảng 20.000 đại biểu của các chính quyền, các định chế khoa học kỹ thuật, các công ty liên hệ tới khí hậu và môi trường, các tổ chức phi chính phủ (NGO) v.v. đã có mặt. Ngoài ra khoảng 100.000 người cũng đã được các NGO điều động tới biểu tình trong suốt thời gian hội nghị để tạo áp lực.
COP26 không chỉ xác định các mục tiêu và cam kết tại COP21 mà còn đi xa hơn. Mức giới hạn gia tăng nhiệt độ phải hướng tới không còn là 2°C mà là 1,5°C ; lượng khí thải có tác dụng nhà kính phải giảm ít nhất 40%, tương đương với 4,8 tỷ tấn CO2 chứ không phải 0,7 tỷ tấn như COP21 quy định. Ngoài ra COP26 cũng đã xác nhận phải phải bảo vệ môi trường trên 75% mặt đất và 66% vùng biển. Liên Hiệp Châu Âu đặt mục tiêu chấm dứt xe chạy bằng xăng dầu vào năm 2035 và sáu công ty xe ô tô lớn hưởng ứng cam kết này, các công ty ô tô khác tuy không cam kết nhưng cũng tán thành và tuyên bố sẽ cố gắng theo hướng này. COP26 cũng đã chính thức xác nhận một kết luận khoa học là khí thải Mê tan (CH4), phần lớn do các nhà máy Trung Quốc thải ra, tuy khối lượng ít hơn Carbon Dioxit CO2 nhưng tác dụng nhà kính lớn hơn nhiều và do đó phải giảm khẩn cấp. Một tiến bộ lớn khác của COP26 so với COP21 là quan tâm về nông nghiệp và rừng đã mạnh hơn hẳn và đưa tới những thỏa thuận quan trong. 132 nước cam kết sẽ bảo vệ 91% diện tích rừng trên thế giới. Một quỹ bảo vệ rừng 12 tỷ USD, trong đó 1,5 tỷ dành riêng cho lưu vực sông Congo, đã được chấp nhận. Riêng Mỹ cam kết phục hồi 200 triệu hecta rừng. Các nước cam kết ngừng tài trợ xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ngay từ cuối năm nay v.v. Về đóng góp cho Quỹ Xanh Khí Hậu Mỹ cam kết sẽ tăng gấp 4 lần số tiền đóng góp, Pháp sẵn sàng đóng góp nhiều hơn dù đã là nước đóng góp nhiều nhất cho tới nay. Các nước giầu khác đều sẵn sàng cố gắng hơn. Con số 100 tỷ USD mỗi năm chắc chắn sẽ đạt được và vượt quá. COP26 cũng đã làm sáng tỏ những bắt buộc nền tảng: bênh vực phụ nữ, trẻ em và các cộng đồng thổ dân tại các nước đang phát triển, đền bù thiệt hại cho các nước nạn nhân của sự hâm nóng khí quyển (nên nhắc lại rằng các khí nhà kính chủ yếu do các nước đã phát triển thải ra).
Phải hiểu đúng ý nghĩa của những tuyên bố bày tỏ thất vọng và hoài nghi đối với COP26. Tổng thư ký LHQ Antonio Gutteres bày tỏ sự thất vọng, một số NGO và nhiều người còn nói đến “thất bại thê thảm”. Chính chủ tịch COP26 Olok Sharma xin lỗi vì không đạt mục tiêu. Thực ra dù có những lý do chính đáng để không hài lòng – như Ấn Độ cho biết không thể bỏ hẳn than đá trước năm 2070, Trung Quốc trước năm 2060 – nhưng trong chiều sâu đây là những tuyên bố hỗ trợ: thúc đẩy làm mạnh hơn, đòi hỏi thật nhiều để được tối đa. Người ta có thể nhận xét là đã không có những cuộc biểu tình phản đối dữ dội dù gần 100.000 người đã được các NGO điều động tới. Nói chung COP26 đã là một bước nhẩy vọt mới trong ý thức của loài người về tương lai của chính mình.
Điều cần được đặc biệt chú ý là các thượng đỉnh COP thường kéo dài rất lâu và quy tụ hàng ngàn đại biểu. Chúng rất khác với các hội nghị thông thường trong đó các bên lần lượt đặt ra và giải quyết từng vấn đề một. Mỗi COP, tương tự như các Thượng Đỉnh Trái Đất trước đó, là hàng trăm phái đoàn của các quốc gia, các công ty lớn, các tổ chức khoa học kỹ thuật và các tổ chức phi chính phủ. Đó là hàng trăm cuộc thảo luận và điều đình diễn ra cùng một lúc trên những chủ đề khác nhau với kết quả là hàng trăm thỏa hiệp lớn nhỏ giữa những bên đồng ý. Thí dụ lần này đã có 28 nước ký nhận thỏa hiệp ngừng sử dụng những hóa chất độc hại, sáu nước ký tuyên bố sẽ ngừng sản xuất xe ô tô xăng dầu, 132 nước ký chung thỏa hiệp bảo vệ rừng, Mỹ và Trung Quốc họp tay đôi và ra tuyên bố chung v.v. Ngoài ra còn có những thỏa hiệp giữa các công ty và các ngân hàng, những trao đổi giữa các cơ quan nghiên cứu. Đó là vì khí hậu và môi trường liên quan đến tất cả mọi hoạt động. Thế giới từ vài thập niên gần đây đã khám phá ra và còn tiếp tục khám phá thêm rằng khí hậu và môi trường là vấn đề chính trị quan trọng nhất và phức tạp nhất. Cuộc đấu tranh kiên trì bắt đầu từ hơn một nửa thế kỷ trước của những con người bình dị nhưng đầy thiện chí và quyết tâm đã thắng, đã thức tỉnh và cứu nguy thế giới khỏi thảm họa bị tiêu diệt. Họ phải được coi là những ân nhân của loài người.
Người ta có thể nhận xét là đã không có những cuộc biểu tình phản đối dữ dội
dù gần 100.000 người đã được các NGO điều động tới.
Những trở ngại của một cuộc đấu tranh đúng nhưng khó khăn
Cuộc đấu tranh bảo vệ sự sống và loài người đã cần hơn 60 năm để được nhìn nhận là đúng và khẩn cấp.
Khó khăn đầu tiên là tâm lý và văn hóa. Cho tới rất gần đây con người, ngay cả khi cố tình lên cơn điên để bắt mọi người tôn thờ mình như là thần thánh, trong thâm tâm vẫn tin rằng mình quá nhỏ bé trước thiên nhiên, không khác một hạt cát trong sa mạc hay một giọt nước trong biển cả. Thiên nhiên là tự nhiên, tất nhiên, hiển nhiên, đương nhiên. Mình chỉ có thể thích nghi chứ không thể thay đổi. Cùng lắm chỉ có thể cầu xin Thượng Đế ban cho mưa thuận gió hòa. Cứu cánh của con người chỉ là chống cự và thích nghi với thiên nhiên, và thống trị đồng loại nếu có thể được. Vì vậy khi có những người kêu gọi hành động để cứu nguy khí hậu và môi trường thì phản ứng tự nhiên là nghĩ rằng đó là những người vớ vẩn, không bình thường và không đáng để ý.
Khó khăn kế tiếp là những người đầu tiên kêu gọi bảo vệ môi trường nói chung không có trọng lượng đáng kể nào trong xã hội. Họ không phải là những người xuất chúng theo tiêu chuẩn lúc đó. Những phần tử tinh nhuệ nhất trong thập niên 1960 tranh đua nhau trong các bộ môn khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính. Những người học về khí hậu và môi trường chỉ để làm việc cho những đài khí tượng với lương khiêm tốn, thậm chí phải làm những công việc lương thấp không liên quan gì đến kiến thức của mình. Họ gần như là những thành phần biên tế và tiếng nói của họ không gây được sự chú ý, dù trong tuyệt đại đa số họ là những người hiền lành dễ mến. Nhờ làm việc về khí hậu họ đã dần dần nhìn ra một sự thực quan trọng mà những người tự cho là thông minh và thành công hơn họ không nhìn thấy.
Trở ngại thứ ba là các vấn đề của khí hậu và môi trường quá khó hiểu. Cảnh báo rằng nhiệt độ trái đất có nguy cơ tăng thêm 1°C hay 1,5°C nữa trong vòng 100 năm nữa có nghĩa lý gì đối với một người hàng năm chứng kiến mùa hè nóng có khi hơn mùa đông tới 50°C? Và nhiệt độ trung bình của trái đất là gì? Làm sao biết nhiệt độ trung bình của trái đất vào thời kỳ Tiền Kỹ Nghệ là bao nhiêu? v.v. Người ta không thấy cần phải mất thì giờ để quan tâm tìm hiểu.
Nhưng trở ngại lớn nhất là họ chống lại nhiên liệu mỏ, nghĩa là chống lại động cơ của tiến bộ trong một thế giới đang mải miết tranh đua phát triển kinh tế. Nên nhớ rằng chính nhờ biết sử dụng và tận dụng nhiên liệu mỏ mà phương Tây đã vượt hẳn phương Đông, rồi kéo thêm một phần lớn thế giới lên phồn vinh. Nhờ than đá mà đã có điện và xe lửa. Nhờ xăng dầu mà đã có công kỹ nghệ, xe ô tô, xe tải, tầu biển, máy bay. Một động cơ xe tải mạnh hơn sức kéo của 5.000 người khỏe mạnh. Chống lại nhiên liệu mỏ khác gì chống lại phúc lợi của thế giới? Hơn nữa nếu bỏ nhiên liệu mỏ và dừng lại ở đây thì các nước chưa phát triển phải vĩnh viễn chịu đựng số phận thua kém hay sao?
Mặc dù những trở ngại lớn đó những người bảo vệ môi trường đã dần dần động viên được các chuyên gia có thực tài để vừa hiểu rõ các thử thách vừa tìm ra những giải đáp. Khi thế giới đã nhìn thấy khả năng thay thế năng lượng mỏ bằng cách sản xuất đủ năng lượng sạch thì đồng thuận là hiển nhiên dù cố gắng trước mặt lớn đến đâu. Các năng lượng sạch về lâu dài là thủy điện, điện gió và điện nắng nhưng trong một giai đoạn chuyển tiếp có thể là nhiệt điện sản xuất bằng khí lỏng LNG hay, đề tài đang gây tranh cãi gay go, điện nguyên tử tại các nước có trình độ kỹ thuật cao. Điều cần được lưu ý là các tiếng nói ngờ vực hay phản bác những lo âu về khí hậu và môi trường đã im bặt, dù là Erdogan, Bolsonaro, Morisson hay ngay cả Trump. Vấn đề chỉ còn là từ giã năng lượng mỏ và chuyển tiếp về năng lượng sạch như thế nào thôi.
Khi thế giới đã nhìn thấy khả năng thay thế năng lượng mỏ bằng cách sản xuất đủ năng lượng sạch
thì đồng thuận là hiển nhiên dù cố gắng trước mặt lớn đến đâu.
Những cảnh báo
Các thượng đỉnh COP, gần nhất là COP26, đã cảnh báo những gì?
Các kết luận không hề bị phản bác đã báo động: Từ thời Tiền Kỹ Nghệ (giữa thế kỷ 19) đến nay nhiệt độ trung bình của trái đất đã tăng hơn 1°C, một sự gia tăng đáng sợ và ngày càng nhanh chóng hơn, nhất là từ 20 năm qua. Nếu đà này cứ tiếp tục thì vào năm 2100 nhiệt độ khí quyển sẽ cao hơn từ 2,4°C đến 2,7°C so với thời Tiền Kỹ Nghệ với những hệ quả nghiêm trọng. Mực nước biển đã dâng cao thêm 20 cm trong 30 năm qua và sẽ dâng cao thêm hơn 1 mét nữa từ đây tới năm 2100. Nhiều đảo sẽ biến mất, nhiều vùng bờ biển sẽ bị tràn ngập, 570 thành phố lớn sẽ phải di tản, các vùng đất còn lại sẽ khô cằn, nạn cháy rừng sẽ trở thành thường xuyên, khoảng một triệu sinh vật, động vật cũng như thực vật, sẽ bị tiêu diệt. Nguồn hải sản có thể giảm 40%. Đó chỉ là một vài điểm trong phúc trình vài ngàn trang của LHQ. Các nước ven biển sẽ là những nước bị thiệt hại nặng nhất. Trong một vài thế kỷ sau sự sống có thể biến mất dù trái đất vẫn tiếp tục quay chung quanh mặt trời.
Để có một ý niệm về những cảnh báo trên hãy nhìn lại lịch sử trái đất. Trong giai đoạn ấm lên gần đây nhất, khoảng 20.000 năm trước, nhiệt độ đã tăng lên 5°C trong 5.000 năm (nghĩa là chỉ trung bình 1°C trong mỗi ngàn năm thôi). Sự ấm lên rất chậm chạp này đã đủ để thay đổi hẳn thế giới. Nước biển đã dâng lên 120m, khiến mặt biển chiếm quá 2/3 diện tích trái đất. Nhiều vùng đất đã thành biển (trong đó có Biển Đông của chúng ta). Nhiều bộ lạc sống tản mác đã phải quy tụ lại và nhiều quốc gia đã dần dần hình thành. Sự nhắc lại này cho thấy mức gia tăng nhiệt độ 2,7°C là một con số khủng khiếp, cũng như mức dâng cao 1 mét của nước biển.
Dù vậy một nghiên cứu của tổ chức CDP (Carbon Disclosure Project), sau khi khảo sát 7500 quỹ đầu tư có trọng lượng gộp gần bằng 1/3 tổng số vốn đầu tư trên thế giới, cho thấy hầu hết các quỹ đầu tư (99,5%) chưa tuân thủ đúng các khuyến cáo về khí hậu của LHQ. Tương lai vẫn còn đầy chông gai !
Nếu nước biển dâng lên 1 mét thì Sài Gòn sẽ phải di tản, 20% Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập
và một diện tích lớn hơn nhiều sẽ bị nhiễm mặn và không còn canh tác được.
Trong một thế giới mới
Vào lúc này có thể nói chắc chắn là đã có đồng thuận hoàn toàn và tuyệt đối trên nguy cơ khí hậu dù việc thực hiện những biện pháp ứng phó cần thiết còn đòi hỏi thời gian và nhiều cố gắng lớn. Tuy vậy chúng ta có lý do để tin rằng tất cả sẽ gia tốc vì ý thức và quyết tâm cứu nguy trái đất sẽ mạnh lên rất nhanh. Ý thức về một mối nguy chung của trái đất sẽ biến khi hậu và môi trường thành vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa lớn nhất giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia. Nó sẽ khiến các quốc gia và những con người trong mỗi quốc gia nhìn nhau như là những bằng hữu phải đoàn kết trong một đe dọa sống còn chung và phải sống với nhau một cách hòa hợp, ân tình và tương kính. Nó cũng sẽ lố bịch hóa các cuồng vọng quyền lực để thống trị và chà đạp lẫn nhau, sẽ khiến các chế độ độc tài chuyên chính trở thành trơ trẽn và lố bịch.
Việt Nam là một trong những nước có thể bị thiệt hại nhiều nhất. Nếu nước biển dâng lên 1m thì Sài Gòn sẽ phải di tản, 20% Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ bị ngập và một diện tích lớn hơn nhiều sẽ bị nhiễm mặn và không còn canh tác được. Nhiều tỉnh duyên hải miên Bắc như Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Nghệ An v.v. cũng sẽ bị nước biển xâm lấn, các bãi biển đẹp không còn hoặc không còn như trước. Việt Nam sẽ không còn là Việt Nam. Tuy vậy quan tâm tới khí hậu và môi trường của người Việt Nam cho tới nay rất chậm và vẫn còn thấp. Chúng ta bị chia trí vì những chật vật khác. Từ 1990 đến gần đây trong gần ba thập niên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã là tổ chức chính trị duy nhất đưa quan tâm bảo vệ môi trường vào các dự án chính trị của mình. Chúng ta cần thức tỉnh thật nhanh, thật mạnh. Chúng ta có lý do để tin rằng ý thức về khí hậu và môi trường của người Việt Nam từ nay sẽ mạnh lên rất nhanh.
Và chúng ta cũng có lý do để lạc quan. Bối cảnh thế giới mới sẽ thay đổi nhanh chóng cách nhìn và suy nghĩ của mọi người Việt Nam. Dưới mắt mọi người, kể cả đại đa số các đảng viên cộng sản, chế độ độc tài đảng trị này sẽ trở thành ngây ngô, nhảm nhí.
.
Nguyễn Gia Kiểng
(15 /11/2021)
Trích từ: thongluan.blog, 16.11.2021
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/cop26vanhungannhan.htm