Lê Ngọc Vân
Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không mấy dễ chịu nhưng Brussel và Bắc Kinh vẫn tiếp tục cần nhau
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện (Peng Liyuan)
được Thủ tướng Pháp Gabriel Attal
đón tại sân bay Orly vào Chủ nhật
trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp, khởi đầu chuyến công du châu Âu của ông Tập. Hình: AP
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nâng ly kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao với Tổng thống Pháp Macron vào ngày thứ Hai (06.05.2024). Tuy nhiên, châu Âu có tâm trạng kém vui so với chuyến thăm trước đây của ông Tập 5 năm trước. Âu châu đã trở nên thực tế hơn, một phần do ảnh hưởng của sự hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Nga và thêm nhiều vụ việc gián điệp.
Ông Tập đã đến Paris vào Chủ nhật, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu của ông. Ngày thứ Hai, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, sẽ cùng đến tham dự để mang đến cho chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Pháp một phong cách châu Âu.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp một EU đang trong tâm trạng hiếu chiến. 5 năm trước, thương mại mang lợi nhuận là nền tảng không thể lay chuyển trong mối quan hệ giữa EU và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đại dịch và mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc với Nga – mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu, đã thay thế niềm tin rằng quan hệ thương mại cũng sẽ gây ra những thay đổi khác ở Trung Quốc – cái mà người ta gọi là ý tưởng Thay-Đổi-qua-ngã-Thương-Mại (Wandel-durch-Handel), cho một chủ nghĩa hiện thực mới của châu Âu.
Bắc Kinh, quốc gia về mặt chính thức vẫn đứng trung lập trong cuộc chiến chống Ukraine, tuy không cung cấp vũ khí cho Moscow, nhưng các công ty Trung Quốc được cho là đang vận hành cỗ máy chiến tranh của Nga với các con chip, máy móc, nguyên liệu chế tạo thuốc nổ, hình ảnh do vệ tinh thu thập và các hàng hóa khác có công dụng kép cho cả hai ứng dụng dân sự lẫn quân sự.
Hỗ trợ Nga
Không phải lần đầu tiên mà hết nhà lãnh đạo này đến nhà lãnh đạo khác trong chính phủ Tây phương tới Bắc Kinh trong những tuần gần đây để lên tiếng về việc Tập Cận Bình ủng hộ Nga. Ông Tập không thể không mỉm cười, dù rằng chắc chắn ông có thể cười thích thú, chẳng hạn như cười vui với các quan chức cao cấp Nga tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 5.
Theo quan điểm của Tập, hiện tại ông nhận thấy có rất ít niềm vui thấy được ở EU. Ít nhất là cho đến khi ông đến Hungary và Serbia – ứng viên xin làm thành viên EU vào cuối tuần này. Ở những quốc gia này, Trung Quốc vẫn có tư cách là người bạn tốt nhất, là nhà đầu tư và đối tác đáng tin cậy trong các vấn đề an ninh, và tình bạn với Putin không phải là vấn đề mà là một đặc ân.
Một người biểu tình đeo mặt nạ của Tổng thống Pháp Macron
ở Paris chủ nhật tuần trước. Hình AFP
Trước khi ông Tập có thể thả mình xuống bồn nước ấm Đông Âu, Macron đã đưa ông đến dãy Pyrenées của Pháp. Macron, với tư cách là chủ nhà của Thế vận hội Olympic, sẽ yêu cầu ông Tập sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Putin, chẳng hạn như để vận động ngừng bắn trong Thế vận hội.
Với khung cảnh những đỉnh núi nơi tổng thống Pháp đã từng trải qua kỳ nghỉ thời trai trẻ cùng người bà nội/ngoại yêu thương của ông, ông Macron có thể nói tất cả những gì ông muốn về hòa bình thế giới, còn ông Tập sẽ nghĩ đến hàng triệu ô tô điện Trung Quốc sẽ không bán được ở các cảng châu Âu nếu mối đe dọa về gia tăng thuế nhập khẩu trở thành hiện thực. Cuộc điều tra bán phá giá ô tô điện Trung Quốc, sẽ hoàn tất vào mùa hè này, một phần đã được khởi lên từ Pháp, nước muốn bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của mình.
Không công bằng trong viện trợ của nhà nước
Tuần này, Ủy viên Thương mại Châu Âu Valdis Dombrovskis đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn cho Tập Cận Bình: nếu Trung Quốc che chở thị trường của mình để chống lại các nhà sản xuất thiết bị y tế châu Âu, EU cũng sẽ làm y như vậy. Dombrovskis nói với trang tin tức Politico của Mỹ: “Hoặc cả hai thị trường đều mở cửa hoặc cả hai đều đóng cửa”.
Việc EU không chỉ sủa mà còn cắn đã thể hiện rõ vào tuần trước sau một cuộc đột kích chưa từng có của châu Âu vào hai chi nhánh tại châu Âu của nhà sản xuất máy quét Nuctech của Trung Quốc, công ty mà theo Brussel đã nhận được sự hỗ trợ của nhà nước một cách bất công từ Bắc Kinh.
Những lo ngại mới về rủi ro an ninh ngày càng tăng trong thương mại với Trung Quốc đi đôi với những phàn nàn từ xưa về sự không có đi có lại trong quan hệ kinh tế. Điều này hiện đang mang lại lợi thế cạnh tranh sắc bén cho các công cụ của Brussel nhằm đạt được một sân chơi công bằng. Cho dù nó có liên quan đến máy quét của Nuctech hay ô tô điện có giá rẻ mạt của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD, châu Âu đột nhiên có nhận thức cao độ về lượng dữ liệu khổng lồ có thể được chuyển đến các dịch vụ an ninh Trung Quốc thông qua công nghệ cao của Trung Quốc. Và đó chỉ là một trong những mối nguy hiểm, như đã xuất hiện gần đây từ một loạt tiết lộ về các mạng lưới gián điệp có liên quan đến Trung Quốc.
Brussel vẫn chưa hồi phục sau cú sốc về vụ bắt giữ Jian G., nhân vật đã thông qua ông chủ người Đức Maximilian Krah của đảng cực hữu AfD để do thám châu Âu về mặt chính trị, khi chính phủ Bỉ tuần này triệu tập đại sứ Trung Quốc vì tội xâm nhập vào thiết bị của năm chính trị gia người Bỉ. Một cuộc điều tra hình sự hiện đang được tiến hành ở Bỉ về vụ gián điệp xung quanh Frank Creyelman, nghị sĩ của đảng cực hữu Vlaams Belang, người đã cố gắng đặt các chính trị gia khác dưới ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hai người Anh gần đây đã bị bắt tại Vương quốc Anh vì có thể đã có mối liên hệ trong việc gây ảnh hưởng trong chính trị từ Trung Quốc. Cảnh sát Đức đã bắt giữ ba người Đức bị cáo buộc đã được cơ quan an ninh Trung Quốc trả tiền để đánh cắp kiến thức nhạy cảm và thiết bị từ các trường đại học và công ty.
Thao túng chính trị
Theo các cơ quan an ninh phương Tây, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về hoạt động gián điệp và lũng đoạn chính trị của Trung Quốc, sau khi những đe dọa của Trung Quốc đối với các nhà bất đồng chính kiến, học giả, luật sư nhân quyền và nhà báo trước đó đã bị đưa ra ánh sáng.
Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này là “thao túng chính trị nhằm làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc”. Câu hỏi đặt ra là liệu EU có thực sự quyết tâm trong lĩnh vực này hay không. Mặc cho tất cả những điểm đột phá còn tiềm ẩn – như Nga, sự trao đổi thương mại không công bằng, hay gián điệp – Brussel và Bắc Kinh vẫn tiếp tục cần nhau, dù chỉ ở cấp độ kinh tế. Nếu dân châu Âu có thể tìm thấy sự cân bằng mới giữa những bất bình của họ và những khía cạnh tốt đẹp trong mối quan hệ với Trung Quốc, thì ít nhất ông Tập có thể giả vờ rằng ông sẵn sàng xem xét những mối quan ngại này của châu Âu một cách nghiêm túc.
Nguyên tác: Bezoek Chinese leider Xi Jinping aan Europa wordt niet gezellig, maar Brussel en Beijing blijven elkaar nodig hebben. Marije Vlaskamp (De Volkskrant, 06.05.2024)
Người dịch: Lê Ngọc Vân
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/chuyenthamchauau.html