Nguyễn Trung
Châu Âu đang liếm vết thương và chấp nhận thực tại: lục địa này là một tỉnh lỵ dễ bị tổn thương giữa các cường quốc
Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Thủ tướng Hoà Lan Dick Schoof
tại một hội nghị thượng đỉnh Liên Âu được bổ sung. Hình: David van Dam / de Volkskrant
Thế giới đang hướng tới một trật tự quốc tế mới và châu Âu đang chuẩn bị cho vị thế mới của mình:
một tỉnh giàu có nhưng dễ bị tổn thương trong một thế giới do Mỹ, Nga và Trung Quốc quyết định.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã nói vào năm 2018, người châu Âu là loài ăn cỏ trong một thế giới đầy rẫy loài ăn thịt. Tuần này, châu Âu đã từ bỏ chế độ ăn chay. Liên minh châu Âu muốn đầu tư 800 tỷ euro vào việc tái vũ trang lục địa này, một bước đi mới cách đây không lâu được coi là không tưởng.
Những khoảnh khắc lịch sử nối tiếp nhau thật nhanh chóng. Đức phá bỏ thói quen tiết kiệm đúng nghĩa của mình và muốn mượn nợ để tăng cường khả năng phòng thủ. Pháp cung cấp cho châu Âu chiếc ô hạt nhân của mình bởi vì sự bảo vệ của Mỹ đã trở nên không có gì là đảm bảo.
Người gây ra tất cả những điều này là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong suốt tám mươi năm, dân châu Âu cảm nhận được mối liên kết với người Mỹ trong một cộng đồng có các giá trị dân chủ. Chỉ trong vòng một tháng, Trump đã làm rung chuyển khối đồng minh tây phương.
Mỹ, Nga và Trung Quốc
Trật tự quốc tế thời hậu chiến dường như đang biến mất, nhưng trật tự nào sẽ đến để thay thế nó? Nhà bình luận nước ngoài Gideon Rachman viết trên tờ Financial Times: Sau chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa bảo thủ mới, giờ đây đến lượt chủ nghĩa tân đế quốc. Trump coi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là những người ngang hàng duy nhất với mình trên thế giới, những nhà lãnh đạo coi việc mở rộng lãnh thổ là con đường dẫn đến sự vĩ đại cho đất nước và cho chính họ, với tư cách là những vị hoàng đế không ai được xâm phạm, của một đế chế vĩ đại.
Putin muốn tái sáp nhập Ukraine vào đế chế Nga vĩ đại, Tập muốn thống nhất Trung Quốc với Đài Loan. Trump đã để mắt đến Greenland, kênh đào Panama và vùng Gaza, và rồi thậm chí còn nói về việc sáp nhập Canada.
Tổng thống Mỹ dường như coi Putin là người bạn đồng cảm. Dù Trung Quốc được xem là đối thủ lớn nhất của Mỹ nhưng Trump cũng có những lời lẽ nồng ấm dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình. “Rõ ràng Trump đang ve vãn Tập. Ông gọi Tập là một nhà lãnh đạo vĩ đại và nói về sự hiểu biết lẫn nhau mới gần đây", tờ Wall Street Journal đã viết trong tuần đầu tháng 3 này.
Vào ngày thứ tư (05-03-2025), ông Trump không trả lời câu hỏi liệu ông có muốn bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc hay không. Theo The Wall Street Journal, các nhà lãnh đạo Đài Loan nên hết sức quan ngại khi họ chứng kiến cách ông Trump đối xử với Ukraine.
Tránh xa sân sau của nhau
Trong trật tự tân đế quốc, mỗi cường quốc có phạm vi ảnh hưởng riêng, trong đó họ có thể thống trị, khuất phục hoặc thậm chí tấn công các quốc gia yếu thế hơn. Những người yếu thế – người Ukraine, người Gaza hay người Greenland – có rất ít hoặc không hề có tiếng nói gì cả về số phận của chính họ. Ông Rachman nhớ lại Đại hội Berlin năm 1884 và 1885, nơi các siêu cường châu Âu chia cắt châu Phi với nhau mà không có bất kỳ tiếng nói nào từ chính người châu Phi.
Sự suy nghĩ về phạm vi ảnh hưởng có logic an toàn riêng. Các cường quốc tránh xa sân sau của nhau để tránh xung đột. Điều đó cũng giải thích sự khó chịu của Trump với châu Âu và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhà phân tích Hans Kribbe của Viện Địa chính trị Bruxelles (Bỉ) đã viết trong tuần này.
Đối với những người suy nghĩ về phạm vi ảnh hưởng, sự phản đối của Putin đối với một Ukraine hướng về phương Tây cũng mang một tính chính đáng nhất định nào đó. Gieo mầm bất ổn ở sân sau của người khác sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình. Trump nói với Zelensky tại Phòng Bầu Dục: “Ông đang đùa giỡn với nguy cơ xảy ra Thế chiến thứ ba.”
Giữ quan hệ nồng ấm
Zelensky được chào đón nồng nhiệt tại Bruxelles hôm thứ Năm, nhưng bên cạnh đó châu Âu cũng đang cố gắng ngăn chặn rạn nứt với Mỹ. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu hiện được xem là cực kỳ quan trọng đối với an ninh châu Âu.
Thông qua Trump, châu Âu hy vọng sẽ gây được nhiều ảnh hưởng nhất trong khả năng của họ nơi các cuộc đàm phán về Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng nếu không có sự chống lưng của Mỹ, việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu tới Ukraine là bất khả thi. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết hôm thứ năm (06-03-2025): “Duy trì NATO và liên minh với Mỹ vẫn phải một là ưu tiên tuyệt đối.”
Nhưng phương Tây với tư cách là một cộng đồng với các giá trị không còn tồn tại nữa; về vấn đề này các giá trị của Mỹ theo lối Trump khác quá xa các nền dân chủ tự do ở châu Âu. Theo ông Kribbe, châu Âu phải chuẩn bị cho một thế giới 'hậu Tây phương', trong đó quyền lực quyết định điều gì sẽ xảy ra.
Ông cho rằng sẽ có rất ít chỗ cho những lý tưởng đạo đức và chính trị của châu Âu. Châu Âu có thể phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia bất hảo hoặc khởi động các tòa án quốc tế, 'nhưng thế giới vẫn tiếp tục vận hành theo cách của nó’.
Tỉnh dễ bị tổn thương
Vị trí của châu Âu trong trật tự mới này là gì? Sau năm 1945, lục địa này là một phần của phương Tây đã thống trị thế giới trong thời gian dài dù vẫn phụ thuộc vào Mỹ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nó là tâm điểm của chính trị thế giới, là đấu trường chính cho cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Liên Xô, nhà khoa học chính trị người Pháp Pierre Haroche đã viết như trên trong cuốn sách “Dans la forge du monde” (Trong lò rèn thế giới) của ông được xuất bản vào năm rồi.
Với sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh, sự xa cách giữa Châu Âu và Mỹ đã bắt đầu. Hơn nữa, châu Âu ngày càng chuyển sang vùng ngoại vi của một thế giới, trong đó trọng tâm dần nhích sang châu Á. Châu Âu đã trở thành một tỉnh, theo ông Haroche. Ông khẳng định rằng điều đó khuyến khích sự khiêm tốn. Châu Âu phải học cách tự vệ trước những cuộc tấn công khốc liệt từ thế giới bên ngoài, để bảo vệ những gì người châu Âu trân trọng.
Dù thế nào đi nữa, các sự kiện diễn ra trong tuần qua chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đang bắt đầu nhận thức rõ thực tại mới này, đó là châu Âu là một tỉnh giàu có nhưng dễ bị tổn thương trong một thế giới ngày càng khắc nghiệt.
Nguyên tác: Europa likt zijn wonden en aanvaardt de realiteit: het is een kwetsbare provincie tussen grootmachten | Peter Giesen | De Volkskrant 07-03-2025.
Người dịch: Nguyễn Trung
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/chauaudangliem.html