Minh Hạnh


Anh sẽ gửi Rwanda ‘giữ giùm’ người đang xin tị nạn

Một phụ nữ được Lực lượng Tàu Cứu Sinh của Hoàng gia Anh Quốc giúp
sau khi chiếc xuồng của họ bị chặn bắt trong vùng biển Calais, ngày 16/08/2023. Hình: AFP

Sau hơn hai năm bàn cãi và thương thảo, cuối cùng dự luật “Safety of Rwanda” đã thành hình, và ngày 25/04/2024 đã được vua Charles III chuẩn thuận, sau khi quốc hội Anh đã bỏ phiếu thuận ba ngày trước đó.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak hy vọng giải pháp này sẽ làm những người có dự tính đến Anh Quốc tị nạn bằng đường biển và những tổ chức buôn người liên quan phải sợ hãi và chùn bước, làn sóng vượt biển vào Anh Quốc xin tị nạn sẽ giảm xuống.

Rwanda là quốc gia như thế nào?

Cộng hòa Rwanda là một quốc gia nhỏ nằm sâu trong vùng trung đông Phi châu. Dân chúng của quốc gia này (13 triệu) đa phần sống nhờ nghề nông, tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng tràn lan. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, khoảng một nửa số dân chỉ có chưa tới 2 đô la mỗi ngày/người cho sinh hoạt. Trong quá khứ, Rwanda đã trải qua nhiều cuộc xung đột chủng tộc đẫm máu, được biết đến nhiều nhất là vụ nội chiến diệt chủng năm 1994 giữa hai giống dân Hutu và Tutsi, với 1 triệu người chết chỉ trong vòng 100 ngày. Đây là một trong những cản trở dự luật, cho tới khi với sự vận động của thủ tướng Anh, cộng thêm áp lực ngày một gia tăng của làn sóng tị nạn tràn vào Anh, đã đưa tới quyết định công nhận ‘Rwanda là quốc gia có an ninh’.

Bởi vậy nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền vẫn đang tiếp tục tranh đấu qua luật pháp để dự luật này không thể thi hành, viện lẽ đây là một ‘chính sách vô nhân đạo’, mặc dù với hy vọng mong manh.

Anh Quốc đã thỏa thuận trả cho Rwanda số tiền khoảng 370 triệu bảng Anh (khoảng 450 triệu euro) tổng cộng để thiết lập hệ thống tiếp nhận và cứu xét hồ sơ. Ngoài số tiền này, chính phủ Anh sẽ giúp thêm khoảng 151 ngàn bảng Anh (khoảng 170 ngàn euro) tiền chi phí ăn ở cho mỗi người được Rwanda tiếp nhận. Một khu tạm cư (vốn là khách sạn đã được chữa lại thành nơi trú ngụ cho dân tị nạn hiện tại ở Rwanda) sẽ được sửa sang lại để chuẩn bị tiếp nhận người tị nạn từ Anh. Một sân bay đã được dành riêng cho công tác tống xuất, một số chuyến bay đã được đặt trước, 500 nhân viên lo việc trục xuất đang được huấn luyện cấp tốc. Thủ tướng Sunak cho biết khoảng tháng 6 năm nay sẽ tiến hành việc gửi nhóm người xin tị nạn đầu tiên tới Rwanda.

Bên ngoài và bên trong Hostel Hope ở thủ đô Kigali, một nơi sẽ trở thành chỗ tạm trú
cho người tị nạn bị trục xuất khỏi Anh Quốc. Hình: AFP

Người nhập cư lậu ở Anh Quốc

Anh Quốc hiện nay có khoảng 1,2 triệu người nhập cư lậu. Ngoài những người đến bằng đường bộ hoặc đường biển còn có rất nhiều người đến Anh Quốc một cách hợp pháp như đi du lịch, đi công tác…, nhưng khi hết hạn visa họ vẫn ở lì, sống ngoài hệ thống kiểm soát. Theo Luật Nhập cư Bất hợp pháp, người đến Anh Quốc không mang theo giấy tờ cá nhân thì không thể xin tạm cư hoặc xin sự giúp đỡ dành cho người lánh nạn. Họ cũng không thể xin được visum làm việc! Hiện tại có khoảng 115.000 người đang ở trong hoàn cảnh này. Mỗi năm có khoảng 40.000 người nhập cư lậu. Việt Nam nằm trong số 10 nước hàng đầu có nhiều thuyền nhân vượt eo biển Manche để vào Anh một cách bất hợp pháp. Bất chấp những cảnh báo của chính phủ Anh trên các phương tiện truyền thông về rủi ro mà thuyền nhân phải đối mặt, con số người Việt nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh đã tăng 17% trong năm 2023, theo thống kê.

Rwanda là ‘quốc gia có an ninh’?

Điều này tùy theo cách nhìn của mỗi người. Sau vụ chiến tranh diệt chủng vào thập niên ’90 của thế kỷ trước, quốc tế đã để mắt tới Rwanda và giúp đỡ quốc gia này rất nhiều trong việc phát triển. Mặt khác, chính phủ Rwanda cũng thấy đó là cơ hội cho quốc gia này nở mày nở mặt. Từ đó hệ thống cơ sở hạ tầng đã được cải tổ rất nhiều, mức sống người dân cũng được cải thiện nhiều mặt. Chính phủ Rwanda dường như đã thực hiện được những gì họ đã hứa. Điều này gây được sự tin tưởng nơi nhiều quốc gia. Ngoài ra Rwanda cũng đóng góp vào nhiều chương trình phúc lợi quốc tế. Quốc gia này đã có những giao ước với Cao Ủy LHQ để dung chứa và săn sóc tận tình những người chạy loạn đang sống trong những trại giam ở Lybia trong khi họ chờ được các nước EU chấp thuận cho tị nạn, cũng tương tự như kế hoạch của chính phủ Anh hiện nay. Rwanda cũng là một trong 5 nước tiên phong gửi quân giúp LHQ vãn hồi hòa bình ở những vùng đang có chiến tranh, dĩ nhiên đây cũng là một cách thức dùng nghĩa cử để che giấu những hành động gây hấn của Rwanda nơi các nước láng giềng.

Vương quốc Anh vào tháng tư 2022 đã ký kết thỏa thuận sơ bộ với Rwanda về việc tiếp quản người tị nạn do Anh gởi tới. Thỏa thuận này đã bị kiện lên đến Tòa Tối Cao, với lý do Rwanda không phải là quốc gia có an ninh và Tòa đã phán quyết thuận với kết luận: thỏa thuận này vì vậy đi ngược lại các Công ước quốc tế về nhân quyền và về quyền tị nạn. Tuy nhiên, để phá bỏ án lệnh này, quốc hội Anh đã ra một quyết nghị mới: công nhận Rwanda là ‘quốc gia có an ninh’. Để tránh chuyện Tòa án Nhân quyền Âu châu có thể ban hành ‘biện pháp tạm thời’ nhằm ngăn chặn các chuyến bay chở người tị nạn bị trục xuất (với lý do: đang trong thời gian chờ tòa xét xử), bộ luật mới sẽ trao quyền hủy bỏ các ‘biện pháp tạm thời’ cho một bộ trưởng, có thể đó là bộ trưởng về Nhập cư Bất hợp pháp, Michael Tomlinson.

Số phận những người bị gửi tới Rwanda

Đây sẽ là những người hoàn toàn không đủ điều kiện cho việc thanh lọc đầu tiên khi họ xin tị nạn ở Anh Quốc, tóm lại là những người đúng ra là bị trục xuất, nhưng do những rắc rối về thủ tục, Anh Quốc không thể trục xuất họ. Những người này sẽ được đưa tới ‘trại tiếp cư’ tại Rwanda, nơi đây họ có thể chọn: hoặc xin tị nạn ở Rwanda, hoặc làm đơn xin tị nạn ở một quốc gia khác, ngoại trừ xin tị nạn ở Anh Quốc (vì đã bị từ chối).

Rwanda và Anh Quốc hứa sẽ giúp đỡ những người này theo đúng tiêu chuẩn quốc tế dành cho người tị nạn.

Những người bị đưa sang Rwanda sẽ đối mặt với một tương lai đen tối. Đại đa số những người vượt eo biển Manche hoặc được giấu trong thùng xe hàng là những người đã phải bỏ một số tiền lớn cho đường dây buôn người. Nhiều người phải vay mượn hoặc được gia đình giúp. Họ muốn tới Anh vì nghĩ rằng nơi đó sẽ dễ dàng kiếm được tiền trả nợ. Bây giờ cùng đường, tương lai mù mịt. Gia đình thì bị các đường dây buôn người đòi tiền mượn. Xin tị nạn ở Rwanda? Có lẽ trở về nước họ còn sướng hơn. Trở lại Anh Quốc không được nữa. Xin tị nạn ở nước khác? Làm sao trả lời cho xuôi được câu hỏi ‘vì sao chọn quốc gia đó để tị nạn’? Vì họ rơi vào cảnh thân cô thế cô, rất dễ bị lợi dụng, làm sao tránh được những thủ đoạn lừa lọc?

***

Với dự luật ‘Safety of Rwanda’, chính phủ Anh phấn khởi vì nghĩ rằng sẽ giải quyết phần lớn vấn nạn người nhập cư lậu vào Anh Quốc. Giới thạo tin tại Anh lại không tin như vậy. Họ cho là thói quan liêu bàn giấy sẽ làm mọi chuyện chậm trễ, trong khi đó dân tị nạn sẽ tìm được cách lách luật. Mặt khác, xã hội Anh cũng rất cần những người nhập cư lậu, nhóm người này sẽ giúp nền kinh tế vận hành với một chi phí thấp vì dân ở lậu bị đối xử như công dân hạng 2, vắt kiệt sức rồi thì bị đẩy ra ngoài đường, cho chính phủ gánh chi phí.

Một điều chắc chắn: nếu chương trình đẩy dân xin tị nạn sang một quốc gia khác thành công, các quốc gia Âu châu có thể dựa vào đó để theo gót.

    

Minh Hạnh

_____

Cập nhật của BBT: Ngày 06.07.2024, tân thủ tướng Anh Keir Starmer, khi vừa nhậm chức đã lập tức tuyên bố ngưng kế hoạch gửi người tị nạn sang Rwanda. "Tôi không làm tiếp một trò chẳng mang lại ảnh hưởng đe dọa nào cả," hãng thông tấn Reuters loan báo.

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/anhseguirwandagiugium.html


Cái Đình - 2024