Công Thuận


7 'thực tế mới' với Nga sau 'chiến dịch quân sự' ở Ukraine

Một thực tế mới của châu Âu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố,
nhưng một số kịch bản bình thường mới với Nga có thể đã được xác định.

.

Tiến sĩ Andrey Kortunov, Chủ tịch Hội đồng Vấn đề quốc tế Nga, bình luận trên trang moderndiplomacy.eu mới đây rằng xung đột ở Ukraine đã và đang gây ra những hậu quả nguy hiểm, không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với quan hệ giữa Nga và phương Tây nói chung. Theo ông, cuộc xung đột này sẽ tạo ra 7 "bình thường mới" với Nga.

Xung đột với Ukraine đang tạo ra những "bình thường mới" với Nga. Ảnh: Reuters

Thứ nhất, Nga tạm thay thế Trung Quốc trở thành đối trọng chính của phương Tây. Chắc chắn, việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc không nằm ngoài chương trình nghị sự của Washington và các đối tác châu Âu, nhưng điều này hiện được gác sang một bên. Hơn nữa, Bắc Kinh đã áp dụng quan điểm cực kỳ thận trọng, thậm chí thẳng thắn, trong vấn đề Ukraine, nhấn mạnh rằng họ tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm Ukraine.

Thứ hai, Nga hầu như không còn đồng minh ở phương Tây. Sau các sự kiện năm 2014, ở châu Âu vẫn có một số lượng đáng kể những người kêu gọi tính đến lợi ích của Nga. Hiện nay, ngay cả những nhân vật như lãnh đạo Liên minh Quốc gia cực hữu Pháp Marine Le Penn hay Tổng thống Séc Milos Zeman đều đã thay đổi lập trường. Đối với Mỹ, sự đồng thuận chống Nga ở Washington đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong một phần ba thế kỷ qua.

Thứ ba, Nga có thể sẽ phải tạm dừng đối thoại chính trị cấp cao với phương Tây trong một thời gian. Một cuộc tẩy chay chính trị và ngoại giao của phương Tây với Nga dường như sẽ xảy ra. Trong một số trường hợp, việc này sẽ được thể hiện bằng việc đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao, triệu hồi đại sứ và thậm chí cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy Moskva và phương Tây rơi vào cuộc chạy đua vũ trang. Ảnh: RMD

Thứ tư, Nga sẽ trải qua một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và lâu dài. Với các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine, phương Tây sẽ tận dụng tối đa lợi thế kinh tế và công nghệ để làm giảm sức mạnh quân sự tiềm tàng của Nga, cả hạt nhân và thông thường. Mặc dù vẫn còn quá sớm để phương Tây tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn các thỏa thuận kiểm soát vũ khí nói chung, cuộc cạnh tranh với Moskva về các thông số chất lượng, kỹ chiến thuật của vũ khí sẽ chỉ ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh hiện tại, khó có khả năng quay trở lại đàm phán về việc hạn chế mở rộng NATO hoặc các lựa chọn khác để đảm bảo an ninh của Nga mang tính ràng buộc pháp lý.

Thứ năm, Nga từ lâu đã trở thành mục tiêu ưu tiên và thường trực của các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Áp lực trừng phạt dự kiến tiếp tục tăng. Châu Âu sẽ mất nhiều thời gian để thoát khỏi sự phụ thuộc hiện có vào nguồn cung năng lượng của Nga, nhưng họ sẽ không từ bỏ xu hướng này.

Thứ sáu, Nga sẽ bị đẩy ra khỏi các dây chuyền công nghệ toàn cầu hiện có và mới nổi. Vì vậy, phương Tây sẽ tìm cách hạn chế sự tham gia của các nhà khoa học Nga trong các dự án nghiên cứu quốc tế thông qua việc tạo ra những trở ngại cho hoạt động của các liên doanh trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như xuất khẩu công nghệ cao từ Nga (và nhập khẩu sang Nga). Kết quả là, hợp tác công nghệ của Moskva với phương Tây sẽ giảm xuống.

Thứ bảy, sẽ có một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Nga và phương Tây trong việc tìm kiếm đồng minh và đối tác với phần còn lại trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia ở phía Nam bán cầu. Phương Tây sẽ biến cuộc xung đột Nga-Ukraine thành vấn đề toàn cầu. Nhằm đạt được mục tiêu này, phương Tây sẽ tích cực tuyên truyền ở Nam và Đông Nam Á, ở Trung Đông, ở châu Phi và ở châu Mỹ Latinh. Và mục tiêu chiến lược của phương Tây sẽ là cô lập Nga trên trường quốc tế càng nhiều càng tốt.

Liệu Nga có chịu được áp lực như vậy trong một thời gian dài? Liệu Nga có thành công trong việc đáp trả phương Tây? Liệu Nga có củng cố vị thế hiện tại của mình trong thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế lớn cũng như trong quan hệ song phương với các đối tác chủ chốt? Liệu Moskva có thể tìm kiếm và huy động các nguồn lực ngoài phương Tây để hiện đại hóa kinh tế và xã hội của mình? Đây là những câu hỏi đặt ra đối với Nga từ “thực tế mới” năm 2022.

Tiến sĩ Kortunov kết luận rằng, trong một phần tư thế kỷ qua, các hệ thống chính trị và kinh tế xã hội của Nga, đã chứng tỏ khả năng thích ứng và phục hồi cao. Tuy nhiên, những thách thức từ một cuộc khủng hoảng lớn như hiện nay là điều mà Nga chưa đối mặt.

.

Công Thuận

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/7thuctemoivoinga.html


Cái Đình - 2022