Cái Đình


Ra mắt tác phẩm “Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại”

.

Buổi sinh hoạt với chủ đề “Chiều Văn Học Nghệ Thuật” đã được Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris tổ chức vào ngày 08/10/2022 tại một sảnh đường trong nhà thờ Saint-Hyppolyte, một điểm hội tụ quen thuộc của những tổ chức người Việt nằm tại quận 13, Paris. Buổi sinh hoạt có mục đích chính là giới thiệu tác phẩm “Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại”, một công trình sưu tập và biên khảo do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris đề xướng. Buổi sinh hoạt cũng được một số hội đoàn ở Pháp hỗ trợ: Văn phòng Liên đới Xã hội, Hội Công chánh, Hội Ái hữu Gia Long Paris, và nhóm Favic.

Hai thuyết trình viên chính về đề tài văn hóa (Việt Nam) là giáo sư Nguyễn Đăng Trúc đến từ Strasbourg (Pháp) và bác sĩ Trần Văn Tích đến từ Bonn (Đức).

Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc (trái) và bác sĩ Trần Văn Tích (phải)

Trong bài thuyết trình với đề tài “Văn hóa và văn hóa dân tộc” giáo sư Nguyễn Đăng Trúc đã luận về ý nghĩa của văn hóa, để nhấn mạnh là văn hóa có hai phần: phần thể(là nền tảng nhân bất biến tính chung) và phần dụng(sinh hoạt cộng đồng xuyên qua lịch sử). Hai phần này kết hợp làm nên căn tính của một nền văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc.

Để dẫn chứng cho cấu trúc này, giáo sư đã đưa ra 3 thí dụ: Truyện Họ Hồng Bàng trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái (của Vũ Quỳnh, thế kỷ 15), Truyện Kiều (của Nguyễn Du, thế kỷ 19) và phần Phàm Lệ (phần giới thiệu cuốn Khổng Học Đăng của cụ Phan Bội Châu, năm 1929).

Sau đó, giáo sư đã dùng ý niệm về văn hóa này để phê phán tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh (năm 1938) để kết luận là quan điểm về văn hóa của Đào Duy Anh đã tự tách ra khỏi truyền thống văn hóa dân tộc và xa lạ với tâm thức sâu kín của người Việt. Kết luận này đã là một đề tài tranh luận thú vị sau buổi ra mắt sách.

Bác sĩ Trần Văn Tích trong bài “Vai trò trí thức trong văn hóa” thì luận về chỗ đứng và thái độ cần/nên/phải có của người trí thức Việt Nam ở hải ngoại. Ông kết luận bằng một sự xác quyết: “Người trí thức Việt Nam lưu vong thực sự không hề cô đơn. Anh ấy, Chị ấy có những người đi trước. Những người đi trước đó đã vạch cho chúng ta con đường chúng ta nên đi và trách nhiệm chúng ta phải gánh. Đó là bảo vệ sự tự do cho Văn hoá, bảo vệ nền Văn hoá mang sắc thái Tây phương, chống đối lại các chủ nghĩa độc tài đảng trị và tập họp các trí thức trong tất cả các ngành nghề chuyên môn, thuộc tất cả các lĩnh vực sinh hoạt văn học nghệ thuật vào những tổ chức hợp đoàn, những tập thể thống nhất”.

Một số nhân vật cũng đã được mời phát biểu về cảm nghĩ về buổi sinh hoạt và về đề tài văn hóa. Trong phần phát biểu của Cái Đình, ông Nguyễn Hiền, trưởng nhóm, đã nói về cái rào vô hình ngăn cản sự tiếp cận về nhận thức giữa những thế hệ đầu (có liên quan ít nhiều đến chiến tranh Việt Nam) và những thế hệ trẻ sau này (sinh ra và lớn lên ở ngoài Việt Nam), để thấy rằng đó là một thực tế ngàn đời bất di bất dịch. Tuy nhiên, những thế hệ đầu nên hãnh diện về những gì mình đã mang theo trên bước đường tị nạn, như là một khuôn mẫu để sau này giới trẻ có thể nhìn vào đó và so lại mình; đồng thời những thế hệ đầu cũng không nên sợ thế hệ sau sẽ vấp ngã, vì có vấp ngã mới có tiến lên, và sự vấp ngã của mỗi thế hệ thì không giống nhau.

Ông Nguyễn Hiền sau đó đã tặng cho Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris tuyển tập Mùa Đất Thấp, gồm những sáng tác thơ văn nhạc họa của gần 20 nhân vật sinh hoạt thường xuyên trong lãnh vực văn hóa văn học ở Hòa Lan.

Ông Nguyễn Hiền (trái) tặng sách do Cái Đình xuất bản cho nhà văn/nhà thơ Đỗ Bình,
sáng lập viên và hiện là Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris. Ảnh: Ca Dao

Để mở đầu cho phần giới thiệu tác phẩm “Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại”, nha sĩ Thẩm Thái Hà đọc lá thư ngỏ của Nhóm Chủ trương, sau đó nhà văn Đỗ Bình, chủ nhiệm Ban Biên Tập, đã giải thích cặn kẽ thêm về một số tiêu chuẩn đã được nhóm chủ trương soạn thảo, để dựa vào đó mà chọn ra những nhân vật được coi là có đóng góp nhiều vào sinh hoạt văn hóa tại hải ngoại. Ông nhấn mạnh là sự đóng góp phải là sự cống hiến cho sinh hoạt văn hóa Việt Nam nói chung, không phải là những thành tích với mục đích cá nhân. Những nhân vật được chọn lựa để vinh danh, nếu còn sống, sẽ được tham khảo và hỏi ý, họ cũng có thể từ chối góp mặt trong cuốn biên khảo.

Cuối cùng, một danh sách gồm 179 nhân vật tiêu biểu được thành hình, với hình chân dung và tiểu sử. Ngoài phần tiểu sử, cuốn sách dầy 806 trang chữ nhỏ còn có các mục: điểm qua những sinh hoạt cộng đồng của người Việt tị nạn khắp thế giới, giới thiệu một số bài biên khảo chọn lọc về các đề tài văn hóa xã hội, một số bài nhận định & phê bình tác phẩm & tác giả được coi là có chiều sâu và đặc sắc, và một số sáng tác được cho là có tính văn hóa đặc biệt.

Được biết công trình dài hơi này có được là do Ban Biên Tập gồm hơn 50 vị từ khắp thế giới, đã làm việc ròng rã hơn 5 năm. Công trình này cũng là một tiếp nối và mở rộng của cuốn “Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris 1995-2015”, được xuất bản để kỷ niệm 20 năm thành lập Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris.

Sau phần giới thiệu sách, những người đã góp phần cộng tác trong cuốn biên khảo hiện diện trong buổi sinh hoạt đã được xướng danh và nhận sách biếu.

Tặng sách cho những người cộng tác. Ảnh: Lê Thị Thanh Tâm

Sách cũng được bán trong hội trường, và tất cả số sách mang tới đã được nhanh chóng sang tay.

Nhóm tốp ca FAVIC trong bản "Tôi Yêu" của Trịnh Hưng

Sau cùng là một chương trình văn nghệ phụ diễn đặc sắc, từ nhạc dân tộc cổ truyền, nhạc tình cảm… cho tới nhạc cổ điển tây phương, trình tấu nhạc cụ dân tộc và ngâm thơ. Đặc biệt là có sự trình diễn của nhóm FAVIC ‘người Tây hát nhạc Việt’ – tốp ca không có người Việt Nam mà chuyên hát nhạc Việt Nam. Theo lời một thành viên trong ban – người Pháp gốc Cộng hòa Dominique, hát tiếng Việt là phương pháp tốt nhất để học ngôn ngữ đơn âm này.

Đỗ Quyên (trên) trình bày một bản nhạc cổ điển của Handel
và Tuyết Dung với bản "Thu Hát Cho Người" của Vũ Đức Sao Biển

Buổi sinh hoạt chấm dứt lúc 18 giờ trong một tiệc trà nhỏ. 4 tiếng đồng hồ trôi qua quá nhanh. Với trên 100 người tham dự, buổi tổ chức coi như thành công, trong một buổi chiều nắng đẹp.

.

Cái Đình

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/ramattacphamnhungkhuonmat.html


Cái Đình - 2022