Phan Tấn Hải


Nhà văn Nguyễn Đình Toàn (1936-2023) đã ra đi

   

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã từ trần vào lúc 7 giờ 15 phút tối ngày 28/11/2023, hưởng thọ 87 tuổi, theo tin từ thân nhân nhà văn. Nguyễn Đình Toàn là một nghệ sĩ đa tài, nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật tại Miền Nam VN trước 1975, và tại hải ngoại trong những năm cuối đời, sau khi được định cư tại Hoa Kỳ sau nhiều năm bị “tù cải tạo”.

Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 tháng 9/1936 tại Gia Lâm, Bắc Ninh. Năm 1954 ông di cư vào Nam. Ông sáng tác nhiều thể loại, cộng tác với nhiều tạp chí và nhật báo ở miền Nam, nhưng được nhiều người hâm mộ qua chương trình “Nhạc chủ đề” trên Đài Phát thanh Quốc gia vào mỗi tối Thứ Năm hàng tuần. Tiểu thuyết “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.

Sau năm 1975, Nguyễn Đình Toàn bị chính quyền Cộng sản bắt giam để “học tập cải tạo” suốt 10 năm. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Mỹ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide, và nổi tiếng với các ca khúc lãng mạn, thơ mộng, đầy lòng yêu thương với cõi người. Hầu hết các ca khúc trước đó đã được ông sáng tác từ Việt Nam và bí mật gửi ra hải ngoại. Một số đêm “Nhạc Nguyễn Đình Toàn” đã được tổ chức tại Little Saigon trong nhiều năm qua.

Tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn gồm 12 truyện dài, 2 tập truyện, 2 bút ký, 1 tập thơ, 1 tập kịch, và một số ca khúc đã được phát hành trong nước và hải ngoại. Các ca khúc của Nguyễn Đình Toàn hầu hết có thể tìm nghe trên mạng YouTube.

Nhà văn Trịnh Thanh Thủy trong bài viết “Nguyễn Đình Toàn, người gõ cửa ký ức” trên Việt Báo ngày 6/1/2022 đã ghi nhận về tác giả Nguyễn Đình Toàn như sau: “Là một người Việt ly hương, hình như ai cũng có đôi lúc nhớ quê, hình dung lại nơi mình từng sinh ra, quay quắt thương cái chốn mình đã đi về trong tháng ngày quá khứ. Chỉ cần một hình ảnh, một cơn mưa, một vạt nắng, một nhành hoa thơm ngát hương vị quê nhà là lòng người lại bồi hồi tưởng tiếc. Nhất là khi đọc một bài thơ, nghe một khúc nhạc, hát lên một ca từ sóng sánh những âm vang kỷ niệm xưa, ai mà không tự dưng nhè nhẹ mở toang cánh cửa ký ức của lòng mình. Tôi đã làm điều đó khi đọc các bài thơ trong tuyển tập “Thơ và ca từ” của tác giả Nguyễn Đình Toàn…

“Trong tuyển tập trên trăm bài thơ của ông, nỗi nhớ lúc nào cũng được tô đậm như chim nhớ bạn, nhớ bầy, như người nhớ hơi, nhớ hương. Trong một bài thơ hay nhạc của ông, người ta tìm ra được ít nhất là vài câu nổi trội trong lối dùng từ khác lạ, sáng hẳn lên với sáng tạo mà ông gọi là “nói một cách khác.” Ông tránh ước lệ, sáo ngữ, tránh dùng các từ Hán Việt, tránh lặp lại những gì người ta đã dùng quá nhiều như chiếc diêm quẹt đã bị quẹt nhiều quá rồi, không quẹt được nữa… Ông bắt đầu làm thơ từ hồi còn bé. Những ca từ trong nhạc khúc của ông nguyên thủy là những bài thơ. Chữ nghĩa được ông dùng giản đơn, tinh tế, cô đọng nhưng sâu sắc, sống động và gợi hình, gợi bóng. Trong văn chương, thi ca, âm nhạc, các giác quan đều được ông tận dụng, ngay cả đến khứu giác. Mùi vị xuất hiện và được trộn lẫn, nào là hương hoa, cây cỏ, mùi thực phẩm quyện vào nhau như một bức tranh sống, ba chiều. Sống và lớn lên giữa thời tao loạn, tuổi trẻ, thân phận và niềm tin là những hoài nghi đắng chát. Thái độ bối rối, mất định hướng của triết thuyết hiện sinh đã ẩn hiện đâu đó trong thơ, nhạc của ông một thời.”

Nguyễn Đình Toàn (phải) năm 2007 trong buổi ra mắt sách Võ Phiến –
Từ trái qua phải: Cao Xuân Huy (đã ra đi), Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Thanh Thủy,
Nguyễn Xuân Hoàng (đã ra đi), Nguyễn Đình Toàn (vừa ra đi)
.

Trong khi đó, có riêng một cuốn sách từ một nhà văn hậu bối viết riêng về Nguyễn Đình Toàn: Nhà văn Lưu Na vào tháng 7/2021 đã xuất bản tác phẩm đầy cảm xúc nhan đề “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người”. Trong tác phẩm, nhà văn Lưu Na viết với những dòng chữ như từ trái tim về Nguyễn Đình Toàn:

“Có nỗi chán chường nào đó sau những dòng chữ hờ hững, mà nỗi chán chường ấy lại là niềm yêu tha thiết dành cho cuộc sống… Mình đã không hiểu và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu hết. Là Nguyễn Đình Toàn đổi thực thành mơ, hay ông chỉ là một Từ Thức lạc trần?” (NĐT C&N, trang 5)

“Lời nhạc của ông thường là những lưỡi dao đâm suốt tim mình. Khi mình lớn lên, chưa bao giờ được nghe tên NĐT. Ra xứ người mới đọc hỗn độn bộn bề và biết một NĐT như người của trăm năm trước. Những gì ông nói và viết đều chỉ là một giấc mơ với mình vì tất cả đã không còn để mà biết. Giờ đây mình tưởng mới nghe nhạc NĐT, mà hóa ra đã nghe từ lúc nhỏ: Em Đến Thăm Anh Đêm 30, Tình Khúc Thứ Nhất.” (Trang 8)

“Nó hay ở cái chỗ giản dị, mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc, kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn.” (Trang 8)

“Ông làm mình nghĩ đến Võ Phiến. Nhưng Võ Phiến quan sát mọi sự quanh mình, còn Nguyễn Đình Toàn thì thật ra chỉ ngó một thứ tỉ mỉ một điều: lòng của ông. Như vậy, dường như đọc Võ Phiến thì mình theo người viết ngó ra chung quanh và đọc Nguyễn Đình Toàn thì mình ngó vào lòng người viết!” (Trang 15)

Về hình ảnh phụ nữ trong văn Nguyễn Đình Toàn, Lưu Na nhận định: “Ông có cho họ nữ tính đâu mà còn với mất. Mà các cô đó, từ học sinh trung học, đến độ 20, nghề nghiệp học thức vững vàng, hay góa chồng dang dở (Giờ ra chơi, Đồng cỏ, Ngày tháng), ông đều gắn lên tay họ điếu thuốc, không phải cái lược hay thỏi son. Mình nhớ, những năm 70 thì đó cũng hơi loạn. Hoặc họ rất lạ lùng khô lạnh.” (Trang 17)

“Với mình, ông là người lãng mạn. Mình nhìn ông, nhiều lúc ngạc nhiên thấy những mầm lá xanh non trổ ra trên thân cây già cỗi. Đó là những lúc ông ngồi ôm đàn, một trong những phút hiếm hoi, mắt nhìn ra khung cửa tay riết rung trên phím, ở cái vóc hững hờ vang ra tiếng đàn và giọng hát mỏng manh tha thiết. Như ông yêu đàn đến nỗi phải ngăn mình không chạm đến đàn, sợ rồi không buông được. Hay khi ông bảo buổi chiều là tiếng nhạc reo của xe kem dưới lòng đường, là những chiếc áo đỏ vàng lăn tròn trên sân cỏ trường tiểu học bên đường.” (Trang 27)

“Nguyễn Đình Toàn nói, người ta sống chỉ để chờ chết. Với ông, cái chết chính là sự lớn lao thứ hai của cuộc sống, nó rõ ngay trong dòng nhạc, trong lời thơ, và ẩn hiện trong những truyện ông viết. Người cùng thời của ông viết ra những suy tư và tâm tình mang dấu ấn cái thời họ sống, những vấn đề lớn lao nhưng của cả một thế hệ. Còn cái ông viết là cái muôn thuở: tình yêu và sự sống, được viết bằng cái cách của người 300 năm trước nói chuyện 400 năm sau, mình ngẫm rất lâu mới cảm được điều ông muốn nói.”

“Ông chỉ ra ý nghĩa của ca từ mà người hát đã không hiểu để hát cho đúng… Tiếng guốc trong Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương quan trọng vì âm thanh đó là một phần của Hà Nội mà chúng ta đã xa, đã mất và muốn hướng về. Một Hà Nội mờ sương, thanh bình im ắng đến nghe được tiếng guốc khua vang, và lòng người lúc đó êm ả lắm nên nghe được cái reo vui trong tiếng guốc ấy.” (Trang 48)

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn (phải). Lưu Na (trái) khi phát hành tác phẩm
“Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người” năm 2021.

Trong khi đó, nhà văn Phan Tấn Hải ghi nhận: “Bản thân tôi, trong cương vị của một người cầm bút nhiều thập niên, tôi vẫn tự nghĩ rằng tôi không thể viết nổi về nhà văn Nguyễn Đình Toàn cho đầy đủ. Nơi Nguyễn Đình Toàn gần như cái gì cũng tuyệt bích. Truyện họ Nguyễn tưởng như viết một cách thờ ơ, hờ hững, nhưng khi gấp sách lại vẫn thấy phảng phất trong trí nhớ của những áo mơ phai nhiều thập niên sau. Thơ Nguyễn Đình Toàn tưởng như rất mực cổ kính của những đêm ba mươi tìm đến thăm nhau, nhưng rồi không thể nào quên được những hương đêm cận Tết và của những mùi hương cải vàng khi tóc mình đã bạc trắng. Thế rồi nhạc Nguyễn Đình Toàn đi một cõi rất riêng, nơi kẻ hậu sinh như tôi chỉ có thể mượn lời người xưa để ví rằng họ Nguyễn y hệt như một cành hoa mai rất hiếm và rồi mình chỉ có thể tự dặn là “một đời chỉ cúi đầu chào hoa mai” – Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.”

Nhà văn Phan Tấn Hải cũng có một bài thơ:

Thơ tặng anh Nguyễn Đình Toàn

Anh thấy, anh viết, anh hát
hình ảnh một thời anh ghi
nỗi buồn anh trải lên giấy
âm vang đau suốt xuân thì

chân đi dặm trường nam bắc
cõi này không mấy gì vui
nỗi buồn đầy thơ và truyện
mắt nhìn thăm thẳm chưa nguôi

quê nhà buồn như mật đắng
nửa khuya lạnh hiên cúc vàng
tên anh buồn như định mệnh
đất nước đầy những bất toàn

mười năm ra đứng bên lề
ngỡ như bước lạc xuống trần
thần tiên một thời gẫy cánh
thiên đường khóc mấy tình nhân

một thời tắm gội với chữ
truyện anh kể hết cho đời
nghe buồn như không thành truyện
như lời độc thoại không lời

một thời anh ngồi giữa chợ
giấy mực ép lại thành thơ
máu tim ngấm vào trang kịch
buồn như màu áo mơ phai

đêm hè cháy khô đồng cỏ
anh ngồi thương mấy tro than
có phải anh đã ngưng viết
từ khi Sài Gòn điêu tàn

có phải phím đàn anh gõ
là vầng trăng giấu tuổi thơ
là quê hương mình thu nhỏ
nơi sương mù em ngồi co

anh thấy những ngày xanh gẫy
anh mơ thả đèn trên sông
giúp hồn người trong đêm vắng
bay về tìm hướng rạng đông

anh để bên trời tiếng hát
cõi này đầy những không vui
mắt nhìn trăm năm như mộng
quê nhà mênh mang ngậm ngùi.

Phan Tấn Hải. California. 2020.

Nhà văn Phan Nhật Nam trong đêm Thứ Ba đã email thông báo: “Niên Trưởng NĐ Toàn đã ra đi lúc 7:15 PM ngày 28/11. Nhóm bằng hữu từ 1960’s ở SG, hiện nay ở hải ngoại dự định tổ chức Ban Tang Lễ để xứng đáng cho lần ra đi cuối cùng của Người Anh Quý Trọng. Có gì tiếp theo chúng tôi sẽ thông báo đến quý bạn. Phan Nhật Nam.”

Thành kính chia buồn cùng tang quyến nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, và cùng góp lời cầu nguyện cho tác giả họ Nguyễn sớm về cõi vĩnh hằng an lạc.

   

Phan Tấn Hải

______

Nghe “Dạ Khúc” một ca khúc tiêu biểu của Nguyễn Đình Toàn, Khánh Ly trình bày (trong CD Hiên Cúc Vàng, album với 10 ca khúc của Nguyễn Đình Toàn)

Lời bài hát “Dạ khúc”

Đêm trở về trên cánh hồng héo hon rơi
Tàn hương chưa hết như chút duyên phai
Thầm run như tiếng lòng tôi
Còn nuôi mãi giấc mơ dài
Ngậm ngùi từng cơn gió hoài nhắc đây

Ôi son trên môi còn in dấu người
Và tóc như giáo chia tình đôi
Đêm hay gương soi nỗi buồn xa ấy
Yêu người đã bỏ đời vui

Thuyền tình còn trôi lạc ngoài trời mây
Đàn lòng còn thương nhớ nhau từng giây
Chim ơi chim bay
Trăng ơi trăng soi
Chim đau chim có bầy
Trăng soi trăng có ngày nghỉ ngơi
Riêng tôi nhớ người

Rồi thuở nào đây tình sẽ nguôi ngoai
Hồn như cây đứng đã chết ngang vai
Lạnh không hỡi đá tuổi tôi
Buồn không son xóa môi cười
Đổi gì được đây lấy lại thơ ngây

Tay em che ngang cành non đã gầy
Còn trói ai trong cơn buồn ngây
Thu reo trong cây hay lời sương khói
Xui sầu xưa nhập đàn tôi

Nguyễn Đình Toàn

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/nhavannguyendinhtoandaradi.html


Cái Đình - 2023