Nguyễn Tường Tâm
Một cánh hạc vừa bay xa: Nhà văn Duy Lam
Nhà văn Duy Lam
Sáng 4 tháng 2-2021 nhà văn Duy Lam qua đời ở tuổi 89 tại bệnh viện thành phố Virginia, Hoa Kỳ.
Duy Lam là cháu gọi mấy anh em nhà văn Nhất Linh là cậu ruột, đồng thời anh là một trong ba nhà văn được Nhất Linh chọn lựa có thể trở thành thành viên của Tự Lực Văn Đoàn trong tương lai. Một trích đoạn trong chúc thư (văn nghệ) năm 1953, Nhất Linh viết:
“Giao Thừa năm quý tỵ 1953,
Trong hương trầm của đêm 30 Tết và mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích, lại nghĩ tới những nhân tài mới khả dĩ đem lại một người sinh lực rồi rào hơn làm nhà Tự Lực thay đổi luôn và trẻ mãi, tôi có mấy lời cảm xúc này – và cũng là chúc thư luôn thể – với một bài thơ để gửi các anh em cũ (bất cứ ở khu nào) và mấy nhân viên tương lai của Tự Lực Văn Đoàn. Trong bẩy tám nhà văn mới chọn lọc được trong hai năm nay, tôi thấy có ba nhà văn chắc chắn xứng đáng là nhân viên Tự Lực Văn Đoàn và tôi tin anh Đỗ Đức Thu cũng như mấy anh mất tích sau này trở về, cũng như tôi sẽ bỏ phiếu bầu một khi ba nhà văn đó đã có đủ số sáng tác để sự quyết định có căn cứ. Ba người đó là Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng và Duy Lam…
Nhất Linh
2 giờ sáng, mồng 1 Tết năm Quý Tỵ
14-2-1953
(Ký tên)
Nhất Linh tự chép tay 5 bản.
2 bản do Đỗ Đức Thu và Nhất Linh giữ, 3 bản gửi 3 nhân viên tương lai.
Bản số 1
Nhất Linh” Hết trích.
Những tác phẩm của Duy Lam gồm có:
Nhưng có lẽ tập truyện tạo nên tên tuổi Duy Lam là Gia Đình Tôi. Đây là một tập văn vui đăng trong giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay.
Nhất Linh với Hội Bút Việt và Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay
Theo nhà văn Nhật Tiến, một nhà văn trẻ gần gũi với Nhất Linh và cũng là cộng tác viên của Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay của ông Nhất Linh thì Duy Lam là cây bút chủ lực của giai phẩm này. Khi nhận định về 2 số cuối 10 và 11 của Giai Phẩm VHNN được ông Nhất Linh giao cho Duy Lam và Tường Hùng phụ trách, Nhật Tiến viết “Và theo thông lệ, ngòi bút Duy Lam vẫn giữ vai trò chủ lực. Ông có tới 5 bài, 2 bài bình luận: một về Văn, một về Hội Họa, 3 bài còn lại là văn vui.
Sau thời gian cộng tác với nhà văn Nhất Linh trên Giai phẩm VHNN mà số đầu ra mắt vào ngày 17-6-1958, Duy Lam được Quân đội điều lên làm huấn luyện viên ở trường Chỉ Huy và Tham Mưu tại Đà Lạt. Tại đó, Trung úy Nguyễn Kim Tuấn, tức Duy Lam, gặp Trung tá Hoàng Xuân Lãm. Tháng 2-1963, Trung tá Hoàng Xuân Lãm được thăng cấp Đại tá và được cử làm Tư lệnh Sư đoàn 23 ở Cao nguyên thì ông Lãm kéo Trung úy Tuấn đi theo làm Chánh văn phòng. Năm 1966 Tướng Lãm đi làm Tư lệnh Sư đoàn 2/BB ở Quảng Ngãi rồi 1966 lên làm Tư lệnh Quân đoàn I mà Bộ Tư lệnh đóng ở Đà Nẵng, Trung úy Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn dần dần được thăng chức Trung tá vẫn được Tướng Lãm kéo theo làm Chánh Văn Phòng cho tới Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 Tướng Lãm bị mất chức vì Bắc Quân tấn công chiếm Cổ Thành Quảng Trị và tạo áp lực nặng nề lên Huế.
Quân Đoàn I & Quân Khu 1 gồm 6 tỉnh thị miền Trung là Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị là vùng đất hạ tầng cơ sở của Cộng sản khá nhiều và đồng thời cũng là địa bàn chính của 2 đảng Quốc gia chống Cộng là Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng. Có thể nói tại nông thôn Vùng 1, người dân nếu không là Việt Quốc hay Đại Việt thì là Việt Cộng và hai bên Quốc Cộng thanh toán nhau quyết liệt.
Gia đình Nguyễn Tường được anh em các cấp trong Việt Nam Quốc Dân Đảng ở mọi địa phương coi như “người nhà”, do đó anh em chúng tôi sinh hoạt với VNQDĐ mà không bao giờ bị hỏi đã tuyên thệ gia nhập đảng chưa, gia nhập hồi nào, ai giới thiệu? Vì vậy trong thời gian ở Đà Nẵng, ngoài nhiệm vụ trong quân đội, Duy Lam dành hết thời gian và tâm trí sinh hoạt, cộng tác và giúp đỡ các Đảng bộ VNQDĐ tại tất cả 6 tỉnh thị để củng cố mặt trận chống Cộng.
Duy Lam cũng chủ trương hợp tác với các tổ chức chống Cộng khác, trong các tổ chức đó có tổ chức kết hợp 6 đảng của GS Nguyễn Ngọc Huy. Một lần GS Huy ra Đà Nẵng, trong cuộc gặp gỡ giữa những người có trách nhiệm tại nhà anh Duy Lam, GS Huy đã gây ấn tượng với tôi khi ông có lối nói chuyện thu hút tất cả người nghe với những câu chuyện đủ mọi loại, một khả năng tôi ít thấy người có được. Khi được chúng tôi tổ chức cho ông nói chuyện với đoàn viên nghiệp đoàn lao động Đà Nẵng, ông chọn đề tài nói về lý thuyết dân chủ rất hàn lâm khiến lúc đầu tôi hơi e-ngại cuộc nói chuyện sẽ khó thành công với thính giả là đoàn viên lao động. Nhưng thật bất ngờ, cuộc nói chuyện của GS Huy thu hút tất cả người tham dự vì họ đã được nghe một đề tài phức tạp qua sự trình bày giản dị mà hấp dẫn. Trong cuộc nói chuyện thân mật tại nhà anh Duy Lam, tôi có hỏi GS Huy hai câu. Trước nhất là con đường học vấn của ông, làm sao vừa tranh đấu bí mật từ thời Pháp thuộc mà ông còn lấy được bằng tiến sĩ? Ông cười nhỏ nhẹ cho biết, “Nhờ ông Diệm đuổi đi năm 1955 nên ông mới có thời giờ sang Pháp tiếp tục học và lấy Tiến sĩ.” Thời điểm đó đang có tin đồn GS Huy có thể được đề cử làm Thủ Tướng cho nên tôi hỏi “Nếu GS được mời làm Thủ Tướng thì GS có nhận lời không?” Ông từ tốn trả lời, “Với một điều kiện, vị Tổng Tham Mưu Trưởng phải là người của tôi.” Thời gian đó cũng từ lâu có tin đồn là Đại tướng Cao Văn Viên đã không muốn làm Tổng Tham Mưu Trưởng, ông muốn về hưu. Chuyện này không ít người trong giới quân đội không nghe nói và cũng biết rõ là với chức Tổng Tham Mưu Trưởng trong lúc chiến tranh sôi động mà ông còn có thời giờ và đầu óc thảnh thơi đi học tại Đại học Văn Khoa Saigon để lấy bằng Cử nhân, trong khi Tổng thống Thiệu lại trực tiếp chỉ huy các Tướng lãnh Tư lệnh Quân đoàn. Anh Duy Lam cho tôi biết chuyến đi đó ra miền Trung của GS Huy chủ yếu gặp Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Cuộc gặp đó có hay không, ở đâu, lúc nào và bàn về chuyện gì thì sau đó tôi không nghe nói và cũng không hỏi lại.
Trên lãnh vực văn nghệ, ngoài việc tiếp tục viết văn, anh còn quan tâm tới việc phát triển sinh hoạt Văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Anh là người đã phát hiện ra tài năng của hai họa sĩ Cao Bá Minh và Hoàng Đăng Nhuận. Thời đó Cao Bá Minh rất thân thiết với anh Duy Lam và tôi đã gặp Cao Bá Minh nhiều lần ở nhà anh Duy Lam. Theo lời anh Duy Lam, một hôm Chuẩn Tướng Khánh, Tư lệnh Sư đoàn 1 không quân ở Đà Nẵng điện thoại mời anh Duy Lam sang xem một bức tranh của một quân nhân không quân. Khi sang xem, anh nhận xét với Tướng Khánh là họa sĩ này có tài và anh muốn gặp. Thế là Tướng Khánh cho gọi Cao Bá Minh tới. Sau cuộc gặp đó, anh Duy Lam tổ chức một cuộc triển lãm cho Cao Bá Minh và cuộc triển lãm thành công. Từ sau cuộc triển lãm đó, Cao Bá Minh chính thức trở thành họa sĩ trong giới hội họa. Theo lời Cao Bá Minh, nhờ đó anh cũng được một người bạn của anh Duy Lam là Trung tá Trí, Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn truyền tin ưu đãi hậu hĩnh quá mức so với cấp bực của Cao Bá Minh. Họa sĩ thứ hai là Hoàng Đăng Nhuận. Tôi quen Hoàng Đăng Nhuận, không nhớ do đâu. Nhuận là con ông bà chủ tiệm vàng Kim Chi trên con phố chính của Đà Nẵng, gần nhà anh Duy Lam. Một hôm Nhuận nhờ tôi giới thiệu với anh Duy Lam. Tôi mang cho anh Duy Lam xem một bức tranh của Nhuận, họa phẩm gồm toàn các chấm tròn, một lối sáng tác mà lúc đó lần đầu tiên tôi thấy. Xem xong anh Duy Lam cũng đồng ý làm một triển lãm cho Hoàng Đăng Nhuận. Năm 1986, gặp Hoàng Đăng Nhuận ở một quán café bên sông Hương, Nhuận khoe tôi anh là họa sĩ duy nhất của Huế là hội viên hội họa sĩ Việt Nam. Mới đây tra trên google, được biết Hoàng Đăng Nhuận đã từng có tranh tham dự triển lãm tại Mỹ, Pháp, Hồng Kông, và Singapore. Có tranh tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Singapore. Năm 2010 trong phần giới thiệu cuộc Triển lãm của Ba Họa Sĩ tại Gallery Chiêu Ê, 89 Minh Mạng, Tp Huế, ban tổ chức viết trịnh trọng “Thứ Bảy này, nếu ai yêu mỹ thuật mà lại đang ở Huế thì nên ghé gallery Chiêu Ê. Triển lãm tranh của ba nghệ sỹ Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận và Phan Ngọc Minh sẽ diễn ra tại đây, kéo dài khoảng một tuần. Hoàng Đăng Nhuận (sinh năm 1942) và Đinh Cường (sinh năm 1939) đều là những họa sĩ hàng đầu của Huế. (http://soi.today/?p=8527).
Sau đó anh Duy Lam thành lập Ủy Ban Phát Huy Văn Hóa Đà Nẵng gồm một số nhân sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức như luật sư Lê Văn Kiềm, luật sư Hồ Công Lộ v…v và người đứng đầu là Bác sĩ Thái Can, để tổ chức một Tuần Lễ Văn Hóa với những diễn giả địa phương như GS Nguyễn Văn Xuân v…v và những diễn giả từ Saigon ra như Phạm Duy v.v.. Một tuần lễ sinh hoạt văn hóa 7 ngày, mỗi ngày có 2 sinh hoạt trong đó có một cuộc triển lãm hội họa, tất cả đều được đông đảo người tham dự miễn phí được coi là một thành công ngoài dự đoán. Để tổ chức được một tuần lễ văn hóa như vậy rất là khó khăn: Trước tiên là tài chánh chi phí di chuyển, ăn ở cho các diễn giả từ Saigon, thuê mượn và trang trí cơ sở. Tất cả số tiền đó chỉ do một mình anh Duy Lam quyên góp từ các bạn bè của anh. Lại phải là người có uy tín trong giới văn hóa, văn nghệ mới mời được các diễn giả tên tuổi, chuyên nghiệp, cũng lại chính anh Duy Lam mời các văn nghệ sĩ tham dự. Đặc biệt, trong cuộc triển lãm hội họa có nhiều họa sĩ tham dự, có bức tranh Cung Kiếm Mỏi của Hạ Quốc Huy đã từng được giải thưởng khuyến khích của Tổng thống, được một viên chức ngoại giao Hoa Kỳ mua với giá 400.000 đồng (tiền Việt Nam). Bức tranh đó tôi cũng thích. Lúc đó lương một thiếu úy độc thân chưa tới 20 ngàn. Họa sĩ Hạ Quốc Huy không muốn bán. Thấy vậy Duy Lam bàn, “Bán đi chứ! Đâu có họa sĩ nào bán được một bức tranh với giá như thế đâu!” Tưởng cũng nên biết, tại Việt Nam cho tới năm 1975 chỉ mới có hai Tuần lễ sinh hoạt văn hóa do tư nhân tổ chức. Một là Tuần lễ hội chợ có rất nhiều các sinh hoạt do ông Nhất Linh và TLVĐ mời hầu hết giới tinh hoa, trí thức bậc nhất Hà Thành tham gia ban tổ chức tại Hà Nội vào thập niên 1930s. Tuần lễ Văn hóa thứ nhì là tuần lễ này do cá nhân anh Duy Lam, với sự cộng tác của các thân hữu đứng ra tổ chức.
Sau sự thành công vượt dự đoán của Tuần lễ Văn hóa, trong buổi họp tổng kết tại tư gia anh Duy Lam, một lần nữa anh lại đề nghị một đề án mới: Thành lập Viện đại học Quảng Đà. Những buổi họp kế tiếp luân phiên giữa ba tư gia, Duy Lam, BS Thái Can, và LS Hồ Công Lộ đã hình thành Ủy Ban Vận Động Thành Lập Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà (UBVĐTLVĐHCĐQĐ) do BS kiêm nhà thơ Thái Can làm Chủ tịch, Tổng thư ký là Duy Lam. Ủy ban nhận định, nhiều địa phương khác có Viện đại học nhưng đó là Viện đại học công hoặc do các tôn giáo tổ chức, Ủy ban muốn lần đầu tiên Quảng Đà có một Viện đại học do người dân địa phương đứng lên yêu cầu. Với hoàn cảnh hạn chế nhân sự tại địa phương, Ủy ban chỉ thỉnh cầu chính quyền mở Viện đại học cộng đồng với chương trình hai năm và liên kết với Viện đại học Huế để sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Viện đại học Quảng Đà có thể tiếp tục ra Viện đại học Huế hoàn tất văn bằng kỹ sư hay cử nhân 4 năm. Bây giờ sang Mỹ, những ai từng theo học đại học cộng đồng (community college) đều hiểu vai trò và mục tiêu của Đại học Cộng đồng, chứ nhớ lại, hồi đó tất cả Ủy ban không ai hiểu khác biệt giữa Đại học Cộng đồng 2 năm và đại học thông thường 4 năm. Họ chỉ nghĩ rằng, thiếu nhân sự nên chỉ dậy chương trình 2 năm rồi sau đó sinh viên sẽ ra Huế hay vào Saigon học tiếp. Dù sao thì với sự vận động của Ủy Ban mà chủ yếu là anh Duy Lam, chính phủ trung ương đã cử Quốc Vụ Khanh Phan Quang Đán ra tiếp xúc với dân chúng. Buổi tiếp xúc do UBVĐTLVĐHCĐQĐ tổ chức được đông đảo đồng bào tham dự đã khiến chính phủ trung ương thấy cần đáp ứng nguyện vọng của dân chúng địa phương. Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà được khai giảng mùa thu 1974 với Tiến sĩ Ngô Đồng tốt nghiệp ở Mỹ, thuộc Viện đại học Huế, được mời làm Viện trưởng. Tôi không biết niên khóa đầu tiên Viện có mấy lớp và các giáo sư phụ trách là những ai nhưng tôi có tham dự một buổi với tính cách dự thính lớp Dự bị Văn chương Pháp. Hôm đó giáo sư tên là Lam, một giáo sư trẻ của trường trung học Đà Nẵng giảng về cuốn tiểu thuyết L’Etranger của Albert Camus.
Tháng ba 1975 trong tình hình chiến sự sôi động, Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn I tuyên bố tử thủ Huế, anh Duy Lam nói với tôi, Tướng Trưởng tuyên bố tử thủ thì anh, tôi và vợ Tướng Trưởng phải ở lại. Chứ trong ba chúng tôi mà có ai bỏ chạy trước thì dân chúng ai mà tin lời tuyên bố Tử thủ của Tướng Trưởng. Tôi không biết sau đó anh Duy Lam có bàn như vậy với vợ Tướng Trưởng không (anh Duy Lam là anh cô cậu ruột với bà vợ Tướng Trưởng) nhưng hàng ngày tôi gặp bà vợ Tướng Trưởng tôi thấy bà và mấy cháu vẫn sinh hoạt bình thường, không tỏ ý gì là muốn bỏ về Saigon trước. Cả ba chúng tôi đều để gia đình ở lại Đà Nẵng trong lúc có nhiều cấp lớn đã mua vé máy bay đưa gia đình chạy vào Saigon. Dĩ nhiên tất cả bạn bè của anh Duy Lam hay của tôi đều hỏi chúng tôi về chuyện “Liệu Huế có tử thủ không?” Họ nhìn vào hai chúng tôi để biết Tướng Trưởng, một người rể trong gia đình có thực sự tử thủ Huế hay không. Trong thời gian đó trưa nào tôi cũng tới ăn cơm với bà Trưởng. Các cháu ăn trước rồi, chỉ có hai chị em chúng tôi ngồi nói chuyện và ăn cơm trưa với nhau ở cái bàn nhỏ ở khu nhà bếp. Hai chị em chúng tôi không nói chuyện thời sự. Cũng như hiện nay, tại Mỹ, chúng tôi gọi nhau qua phone nhiều lần trong tuần và lần nào cũng nói lâu cả tiếng về những chuyện mà nếu có ai hỏi chúng tôi nói chuyện gì thì cũng không thể nói rõ chuyện gì ra chuyện gì, toàn những “chuyện ngày xưa” chuyện bà nội chúng tôi v.v., tóm lại là những chuyện gia đình. Thực ra trước đó tôi chỉ ghé bà Trưởng ăn cơm và nói chuyện một tuần một lần, nhưng vào thời điểm gay cấn, trưa nào tôi cũng ghé cốt để xem khi nào thì Tổng thống Thiệu ra lệnh Tướng Trưởng bỏ Huế… Rồi ngày đó cũng đến! Một buổi trưa, khi tôi vừa tới, bà Trưởng cho tôi biết Tổng thống Thiệu ra lệnh Tướng Trưởng bỏ Huế. Nghe xong, tôi suýt bật khóc. Từ lâu tôi vẫn nghĩ, Đà Nẵng là trung tâm quân sự, hành chánh và kinh tế nhưng Huế là “thủ phủ tinh thần” của miền Trung. Mất Huế sẽ là mất tất cả miền Trung. Tướng Trưởng là một vị Tư lệnh mà tôi rất quí trọng qua sự liêm khiết, dũng cảm, tận tâm với đơn vị, và thuộc cấp; nhất là đối với những quân nhân ở đơn vị tác chiến; và tôi từng là quân nhân tác chiến trong Sư đoàn 1 của ông trong hai năm. Tôi nghĩ ngay, sau lệnh bỏ Huế thì Tướng Trưởng sẽ trở thành bại tướng và ông sẽ chẳng còn gì. Tôi thương cảm cho ông! Sau vài phút dằn lòng, tôi từ tốn nói với bà Trưởng, “Chiều nay anh về, nhờ chị nói với anh là trong 7 năm qua em chưa bao giờ làm điều gì gây phiền cho anh, nhưng hôm nay em đào ngũ!” Nghe vậy, bà Trưởng chỉ biết từ tốn nói, “Bây giờ thì mạnh ai nấy quyết định!” Vì tôi là sĩ quan trực trung tâm hành quân Bộ chỉ huy cảnh sát Khu I nên tôi không thể lẳng lặng bỏ đi, sẽ gây phiền cho hai sĩ quan trực phiên kế tiếp, tôi lên gặp Đại tá Lộc Chỉ Huy Trưởng để xin nghỉ phép một tuần về Saigon tìm bà mẹ ở Ban Mê Thuột di tản chưa có tin tức. Đại tá Lộc người cao lớn, uy nghiêm nhưng hiền từ, ngồi oai vệ ở chiếc ghế xoay, an ủi tôi “Ừ anh cứ về đi, tôi còn ngồi đây thì tình hình chưa có gì đâu.” Sau đó ông gọi Trưởng ban nhân huấn lên ra lệnh làm giấy phép cho tôi. Tôi chính thức rời nhiệm sở luôn mà không cần đợi lấy giấy phép. Tôi chưa tiết lộ tin đó với ai, chỉ lẳng lặng thu xếp đồ đạc để chuẩn bị rời Đà Nẵng mà chưa biết bao giờ và bằng cách nào.
Mấy ngày sau tôi vẫn tới nhà bà Trưởng để nói chuyện và ăn cơm trưa để xem bao giờ thì bà ấy đi. Một buổi trưa, khi tôi tới thì thấy có một người Mỹ ngồi lẳng lặng ngoài thềm bên cạnh có chiếc máy truyền tin. Khoảng 2 tiếng sau tôi thấy người Mỹ đó nghe máy rồi bảo bà Trưởng cùng mấy con lên xe đi. Tôi lái xe jeep chạy theo ra chổ bãi đáp trực thăng ở ngay cuối đường Độc Lập, cũng rất gần tư dinh. Khi bà Trưởng lên trực thăng, tôi chào bà “Vĩnh biệt chị!” Bà bảo tôi, “Tâm làm gì mà ghê thế, anh còn ở đây mà!”
Thế là mọi chuyện có thể công khai được. Trở về tôi điện thoại dục anh Duy Lam ra đi nhưng anh từ chối. Tôi bảo nếu anh không đi thì để vợ con đi với tôi, anh bảo nếu tôi thuyết phục được vợ anh. Khi tôi gọi dục chị Duy Lam mang mấy cháu đi thì giọng chị vẫn bình thản, “Tôi không đi đâu. Tôi ngồi đây chờ Tuấn.” Từ lúc đó tôi không gặp lại anh Duy Lam ở Đà Nẵng nữa. Tôi biết rằng anh đang vận động thành lập một lực lượng quần chúng bảo vệ Đà Nẵng và anh xin Thị Trưởng Đà Nẵng cấp cho lực lượng đó 2000 ngàn khẩu súng. Tôi không biết việc vận động như vậy của anh diễn tiến ra sao nên tôi không định kể lại sự kiện này. Nhưng cách nay mấy hôm, tình cờ tôi đọc được mẩu đối thoại của 2 facebookers thế này:
Tôi quen anh Daniel Hoàng tức Hoàng Văn Thắng, cựu chánh văn phòng Ty Giáo Dục Đà Nẵng và hiện là giáo viên văn chương Anh trong trường Trung học Mỹ tại thành phố tôi đang ở, San Jose. Qua giới thiệu của Hoàng Văn Thắng tôi biết facebooker “Mongthu Lenhu” là anh Lê Quang Thông, một cựu giáo sư trung học Đà Nẵng, sau này vượt biên sang Pháp tốt nghiệp Thạc sĩ Toán tại Đại học Sorbonne và hiện đang dậy Đại học ở Đức. Trong hai messages trên anh Thông viết “Thắng còn nhớ những ngày cuối cùng ở Đà Nẵng, họp ở hội VM với anh DL bàn chuyện tử thủ? ở phần message cuối, anh Thông viết “Mình những ngày cuối tháng 3 loanh quanh ở hội VM sau lưng Tòa Thị Chính, lúc đó có anh DL ngồi với anh em.” (Ghi chú của Tường Tâm: hội VM là hội Việt Mỹ)
Thật may mắn, sau chuyến bỏ chạy gian khổ, cuối cùng tôi và anh Duy Lam gặp nhau ở Saigon. Tôi thấy chưa bao giờ anh Duy Lam có ý nghĩ sẽ mất miền Nam. Anh và tôi tới nhà GS Nguyễn Ngọc Huy, căn nhà khiên tốn vẫn có người cảnh sát gác bên ngoài. Trong cuộc nói chuyện tôi bày tỏ nhận định là dựa theo những gì tôi quan sát hành động của người Mỹ tại Đà Nẵng trước lúc Đà Nẵng bị bỏ lại, nhất là sau này hành động của người Mỹ được lập lại tại Phan Rang, nơi tôi tá túc trước khi đi ghe vô Saigon, thì Mỹ sẽ bỏ rơi miền Nam. Tôi phát biểu “Theo tôi hiện nay Saigon vẫn yên tĩnh, nhưng khi người Mỹ bỏ đi thì Saigon sẽ rối loạn!” Nhưng vẫn với sự lạc quan, GS Huy từ tốn nhận định “Người Mỹ đã đổ vào đây bao nhiêu tiền của và hy sinh mấy chục vạn người, bây giờ lại đã tìm thấy dầu hỏa, cho nên người Mỹ sẽ không thể bỏ miền Nam. Cùng lắm chúng ta sẽ rút xuống miền Tây sau đó người Mỹ sẽ giúp chúng ta phản công lại, như Nam Hàn trong chiến tranh 1950-53.” Khi ra về anh Duy Lam không nhận định gì, nhưng tôi nói, tôi không hiểu GS Huy có tin tức từ cấp cao của Mỹ ra sao mà tin như vậy, tôi thì vẫn không tin.
Sáng ngày 30-4-1975, khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đang ở Đường Kỳ Đồng, gần trường Đại học Vạn Hạnh. Tôi đi bộ tới thăm gia đình anh Duy Lam lúc đó đang tạm trú tại nhà người em rể. Chỉ có chị Duy Lam ở nhà. Khi trở ra ngoài đường tôi gặp một đoàn quân nhân nhẩy dù trên đường Trương Minh Giảng đang từ phía Tân Sơn Nhất lui dần về trung tâm Saigon. Trong đoàn quân đó có anh Duy Lam đang mặc đồ trận mầu xanh. Tôi hỏi anh định đi đâu thì anh cho biết định theo đoàn quân nhẩy dù chiến đấu… cuối cùng đoàn quân thiện chiến tan hàng gần cầu Trương Minh Giảng.
Từ ngày đó hai chúng tôi chia tay. Hai mươi năm sau, chúng tôi mới gặp lại nhau ở miền nam tiểu bang California. Duy Lam là trưởng nam của bà Nguyễn thị Thế, em gái của 2 ông Nhất Linh và Hoàng Đạo và chị của Thạch Lam. Truyện Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam chính là câu truyện Thạch Lam viết về chính mình và bà chị này.
Theo nhà thơ Luân Hoán Duy Lam là thành viên ban sáng lập và chấp hành hội Bút Việt, sau đổi tên là Văn Bút Quốc Tế Việt Nam (Nhất Linh, Ðỗ Ðức Thu, Vũ Hoàng Chương, Ðái Ðức Tuấn, Hiếu Chân, Nguyễn Thị Vinh…)
Trên một trang báo Người Việt tại Nam California, nhà văn Lâm Túy Mĩ đã viết, “Quyển tiểu thuyết đầu đời tôi được đọc là quyển “Gia Đình Tôi” của nhà văn Duy Lam, ông là hậu duệ của gia đình Nguyễn Tường …Mùa Hè 1960, ba tôi lấy quyển tiểu thuyết “Gia Đình Tôi” của Duy Lam, một loại tuyển tập truyện ngắn, ông bắt tôi đọc, và nói rằng ba nghĩ con sẽ thích…”
Duy Lam chụp chung với các thành viên Văn Bút Việt Nam
mà anh cùng ông Nhất Linh và một số nhà văn, thơ khác đồng sáng lập thập niên 1960 tại Saigon.
Duy Lam động viên khóa 3 Thủ Đức, cấp bậc cuối cùng, Trung tá Quân đoàn I, tù cải tạo gần 13 năm. Những năm tháng mới sang Hoa Kỳ theo diện HO vợ chồng anh sống tại Orange County, Nam California, sinh hoạt văn nghệ với nhiều thân hữu địa phương. Sau đó 3 người con gái của anh đã đón vợ chồng anh về sống tại Virginia, miền Đông Hoa Kỳ. Tại đây, anh chuyên về hội họa. Căn phòng riêng của anh trưng bày la liệt các họa phẩm của anh. Dần dần trí nhớ của anh có giảm sút… cuối cùng anh bị ngã. Được các con đưa vào nhà thương không lâu sau anh qua đời vì các căn bệnh khác của tuổi già.
Một số bạn tù cho biết trong tù anh Duy Lam vẫn giữ được khí tiết nên bị biệt giam với cùm sắt tới nỗi cổ chân bị thối. May nhờ có trụ sinh của gia đình gửi vào, nếu không thì chân anh đã bị cưa. Ngoài ra trong tù anh có 1 bài thơ cảm động mà nhạc sĩ Xuân Điềm đã phổ nhạc,
Xuân Điềm & Duy Lam: Chiếc Kẹo Nhỏ
Anh Xuân Điềm kể về bài tù khúc “Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết”:
“Nhà văn Duy Lam từ Bắc chuyển trại về Nam có tặng bài thơ nội dung nói về cái chết tức tưởi của đại tá Nguyễn Khoa Doánh là bào đệ của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.
Nhà văn Duy Lam là người tù canh giữ trạm xá nơi đại tá Nguyễn Khoa Doánh kiệt sức đang nằm chờ chết. Hôm ấy, đại tá Doánh thều thào với nhà văn Duy Lam rằng ông thèm ngậm một viên kẹo trước khi lìa đời. Sau khi tìm được kẹo về thì đại tá Doánh cầm chặt viên kẹo trong tay tỏ vẻ vui mừng nhưng không ngậm được nữa vì giờ chết gần kề. Khi nhà văn Duy Lam vuốt mặt lần cuối cho người bạn tù thì viên kẹo rơi ra khỏi tay và nằm trên ngực áo. Ôi! Thương thay, đến chết mà ước mơ thật nhỏ bé cũng không thành sự thật”. (Xuân Điềm)
Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Nắm không buông như níu kéo cuộc đời
Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Người bạn tôi vừa từ bỏ cuộc đời
Mới vừa đây trong tiếng rên hấp hối
Anh đã xin “hãy tìm hộ cho anh
Một chiếc kẹo” . . . vì đã thèm chất ngọt
Nhiều tháng năm chỉ chờ đợi phút này
Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Phút chia ly tôi vuốt mắt bạn hiền
Chiếc kẹo nhỏ rơi nằm trên ngực áo
Kẹo còn đây mà người đã lìa đời ...
Thế là thôi trong nỗi vui phút cuối
Anh chết đi chiếc kẹo còn trong tay
Đầy cẩn trọng trong nỗi niềm vô vọng
Nhiều tháng năm chỉ chờ đợi phút này
CODA: Tiễn đưa anh những bạn tù đói rách
Chiếc áo thô tẩm liệm cuối đời tù
Khóc cho anh và cho cả chúng ta
Rồi ngày nao… cũng sẽ đến lượt… mình
Sáng nay, mùng 5 tết âm lịch, tức 15-2-2021, trong khi viết những dòng này tôi đang ngồi ở miền Tây Hoa Kỳ tiễn đưa thân xác anh Duy Lam trở về với cát bụi qua đám tang trực tuyến ở miền Đông với nhiều xúc cảm. Một đời người 90 năm như bóng câu qua cửa sổ, nhưng anh Duy Lam đã luôn sống hữu ích với tinh thần lạc quan, năng nổ của kẻ sĩ nhập thế. Trong giây phút gian nguy của đất nước, anh vẫn lạc quan quên bản thân và gia đình để tập họp dân chúng bàn chuyện tử thủ, anh đã bày tỏ khí tiết anh hùng của một chiến sĩ vô danh.
Vĩnh biệt Duy Lam!
.
Nguyễn Tường Tâm
______
Nguyễn Tường Tâm là con ông Nguyễn Tường Cẩm (anh của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam)
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/motcanhhacvuabayxa.htm