Duy Lam


Gia đình tôi

Gia đình tôi là một truyện dài điểm hài hước của nhà văn Duy Lam đăng trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay vào khoảng cuối thập niên 1950.
Sau đây là phần đầu của truyện này trích từ tập I VHNN.

.

<===== Trang mở đầu của truyện Gia Đình Tôi được đăng trên Văn Hóa Ngày Nay tập 1

.

Gia đình tôi chia làm hai phe: phe ba tôi và phe mẹ tôi với chúng tôi. Dĩ nhiên ngày xưa, khi chúng tôi còn nhỏ, ba me tôi đã ở cùng một phe để dạy dỗ và đe nẹt chúng tôi. Nhưng thời đó xa lắm rồi. Thỉnh thoảng sau những trận bàn cãi trong gia đỉnh mà kết quả là, ba tôi đuối lý, ba tôi lại nhắc tới những kỷ niệm cũ, hồi mà chúng tôi chưa lớn và bướng bỉnh như bây giờ.

Chẳng hạn:

– Tao có ngờ đâu chúng mày lại có thể biến đổi đến thế! Hồi bé chúng mày cũng đều bình thường như những đứa trẻ khác cả. Thế mà con với cái! Tao đọc bao nhiêu sách ngoại quốc mà chưa hề thấy một bầy con kỳ quái đến như chúng mày. Lúc nào cũng như ở trên cung trăng. Rồi mà xem! Sẽ đến lúc chúng mày mở mắt ra!

Em Lan tôi mở to đôi mắt xếch và nheo mũi lại khiến chúng tôi ai cũng phải mỉm cười. Lan nói thầm qua làn tóc dài của Liên, tuy gọi là nói thầm, nhưng cũng đủ để me tôi ngồi ở giường cạnh đó và cả nhà nghe thấy:

– Ba lại sắp kể đến truyện lần đầu tiên ba “mở mắt ra”.

Cũng may vì câu nói của Lan nên ba tôi thôi không bắt tội chúng tôi nghe thêm một lần nữa câu truyện “mở mắt ra” của ba tôi.

Ba tôi im lặng một chút, đoạn đánh trống lảng khen một câu không ăn nhập gì đến câu truyện đang nói:

– Hôm nay món rau ngon quá nhỉ?... Ăn rau bổ lắm đấy!

Thường hai phe đối lập trong gia đình tôi hay đối chọi nhau nhất vào lúc ăn cơm, vì lúc đó là lúc gia đình hội họp đông đủ.

Tôi không nhớ rõ từ thời kỳ nào gia đình tôi tách làm hai phe. Có lẽ từ khá lâu, nhưng sự phân chia bắt đầu thành hình rõ rệt nhất là khi tôi mới lớn lên và biết suy nghĩ một chút. Dĩ nhiên tội của tôi nặng nhất đối với ba tôi. Những đứa con khác thì tội cũng đều nặng cả, tuy nhiên độ nặng nhẹ thay đổi tùy theo mỗi cá nhân. Còn me tôi thì khác. Ba tôi sẽ mãi mãi ngạc nhiên không hiểu tại sao me tôi lại có thể đứng cùng một phía với các con để chống lại chồng. Ba tôi chỉ biết càu nhàu:

– Đàn bà chỉ chiều con! Chiều chúng lắm, cái gì xin cũng cho rồi vào tù cả một lượt vì nợ.

Ba tôi nói đúng một phần nào, gia đình tôi nợ rất nhiều, tuy vì me tôi mà nợ tăng hoài, nhưng chúng tôi vẫn thấy việc me tôi vay mượn là rất phải và hợp lý (nhất là vay để chúng tôi tiêu).

Vậy thì gia đình tôi gồm có hai phe. Phe thứ nhất như tôi đã nói gồm... ba tôi và dưới đây những chi tiết về phe thứ hai:

Phe này gồm: me tôi, Du cậu con trai thứ nhì, Liên cô con gái thứ ba, Lan con gái thứ tư, Sơn cậu năm, Tuyết, Liễu hai cô cuối và tùy theo trường hợp số người của phe này tăng thêm, Vân người làm của gia đình, Hằng người em họ của chúng tôi và... tôi.

(Còn con mèo Nina, thuộc loài gia súc và không biết nói, không thể tuyên bố thuộc phe nào, nhưng cũng đã chứng tỏ rõ rệt trong cách “cư xử” là chống lại với ba tôi).

Tôi thiết tưởng cũng cần phải nói rõ hơn về từng nhân vật một trong gia đình tôi.

Me tôi ngày xưa đẹp lắm. Sắc đẹp đó một phần vì thời gian qua, một phần vì số cân nặng tăng rất nhiều, nên đã giảm bớt đi. Qua những lời me tôi kể lại và những kỷ niệm lúc tôi còn nhỏ, me tôi là một trong những người đàn bà đầu tiên vấn tóc rẽ lệch, mặc áo màu và mang dù Nhật bản. Chúng tôi còn giữ được vài chiếc ảnh cũ chụp ba me tôi và hai, ba đứa trong bọn chúng tôi. Mỗi khi xem lại ảnh cũ là một dịp để chúng tôi phê bình ba me. Những lời phê bình khôi hài nhất dĩ nhiên là do những người không có ở trong ảnh. Lan chẳng hạn.

– Có phải bây giờ me mới béo đâu. Ngày xưa me đã có “khuynh hướng béo” rồi cơ mà.

– Láo nào! trước me béo đẹp.

– Trông đôi mắt me đẹp quá! Có ông nào bị me thôi miên mê đi không?

– Suỵt... Ba nghe thấy đấy! Ba có hay ghen không hở me?

Me chúng tôi cười. Đôi mắt sâu to và hàng lông mi cong dưới đôi lông mày dậm cũng như cười theo.

Me không được nói dối đấy! Ba ngày xưa hay ghen lắm phải không?

– Còn phải nói! Anh còn nhớ mỗi khi đi hội chợ hay xem phòng triển lãm nào nếu có ai nhìn me là ba có vẻ bực tức lắm.

Lan giơ lên một tấm ảnh chụp ba tôi ở Chapa cầm một cái ba-toong:

– Các ông sợ ba là phải. Ba cầm ba-toong cơ mà.

Riêng tôi, tôi biết ba tôi hay ghen. Những trận cãi nhau giữa ba và me tôi hồi chúng tôi còn nhỏ tuy có làm chúng tôi sợ hãi đôi chút nhưng chúng tôi lại được lợi. Sau mỗi trận cãi nhau to, sau khi ba tôi gọi me tôi bằng “cô” và me tôi gọi ba tôi bằng “ông” thì mẹ tôi cả quyết xếp quần áo vào va-ly và lôi cả chúng tôi về quê bà ngoại. Chúng tôi “bắt buộc” phải nghỉ học và sống những ngày đầy thích thú ở trại cho đến khi ba tôi mò xuống xin lỗi me tôi và làm lành. Ông bảo:

– Lâu không có chúng nó để mắng cũng thấy nhớ.

Me tôi cao hơn mực trung bình đối với một người đàn bà Việt, trên một thước sáu mươi. Bà chỉ thấp hơn ba tôi một chút xíu. Lấy hình học để tượng trưng các nhân vật thì nếu ba tôi là một đường thẳng thì me tôi là một đường cong. Đôi vai tròn, khuôn mặt nét đều và đầy đặn của bà trái ngược hẳn với khuôn mặt sương sương toàn những nét gẫy của ba tôi.

Me tôi có nhiều anh em trai nên có lẽ vì thế đã quen thuộc với cách sống bừa bãi nhiều khi kỳ quái của các anh em. Nhờ những kinh nghiệm đó, bà rất rộng lượng với các con trai không lấy gì làm kiểu mẫu lắm như chúng tôi. Đấy cũng là một tính xấu của bà, chiều con và rất dễ tha thứ.

Những bạn trai của tôi, của riêng Liên, của Liên nhưng do tôi giới thiệu đến thăm gia đình tôi nhiều lúc phải ngạc nhiên và bỡ ngỡ vì thấy me tôi trong khi nói chuyên tỏ ra rất thông thạo và hiểu biết về những vấn đề mà các bà mẹ cùng một thế hệ với bà không dám đả động tới: tình yêu hoặc quan niệm sống của phái nữ và của chính bà.

Bà có thể xen vào câu truyện:

– Các cô các cậu bây giờ bàn đến yêu đương có vẻ quan trọng lắm. Yêu rồi mới lấy! Thời me ấy à...

Liên chớp chớp mắt, đó là một lối “điệu” đặc biệt của nàng mà Lan gọi là “chớp mắt ngượng ngùng” và kêu lên nho nhỏ:

– Me!...

Làm như câu truyện me tôi sắp kể không nghiêm trang và hợp với một bà mẹ. Lan thì cười có vẻ vui thích và lại còn xúi thêm:

– Yên nào! Chị tưởng chỉ chị mới biết thể nào là mơ mộng à? Em cam đoan thời trẻ ba cũng tán me mất công lắm. Phải không me?

Me tôi cười rất tươi. Me tôi không những cười bằng miệng mà còn cười bằng cả người. Khi bà cười cũng như khi bà ăn, ai cũng thích ngắm.

– Me nhớ dạo me đi xem mặt bác Ba gái hộ bác Ba trai.

Lan và Liên kêu lên:

– Đi xem mặt hộ! Thế bác trai không đi à?

– Không! Khi me về bác thản nhiên hỏi: “Thế nào trông cô ta có được không?”

Me trả lời: “Em cũng chưa biết. Cũng đường được... Cô ấy ngoan”. Bác Ba bảo: “Cô bằng lòng, tôi cũng bằng lòng”.

– Thế me có bằng lòng không?

Lan dốt quá, nếu me không bằng lòng tại sao bây giờ lại có bác gái.

Nói đến chuyện dựng vợ gả chồng cho các con, bà có một ý kiến khá đặc biệt.

– Lan Liên ưng ai me gả liền. Miễn là cưới đừng tốn (me tôi lúc nào cũng sợ tốn), còn con trai thì bao giờ cưới vợ cũng được. Càng chậm càng tốt.

Me tôi là thủ quỹ của gia đình. Không may cho chúng tôi, me tôi rất thích tiêu tiền, thích ăn ngon và thích làm cho người khác ăn ngon. Bọn chúng tôi dĩ nhiên chỉ biết ăn cho khoái miệng. “Sao chúng nó ăn sành thế! Con nhà lính tính nhà quan”. -- Khả năng thưởng thức món ăn của chúng tôi đã cao đến độ ba tôi phải thốt lên câu đó thì đủ hiểu.

Gia đình tôi trong mấy ngày đầu tháng bao giờ cũng tưng bừng rộn rịp. Tiếng gà vịt kêu xen lẫn tiếng thớt dao nghe thật êm tai. Trong bếp lúc nào cũng lúc nhúc những người là người. Cả nhà tận lực nặn óc ra để nghĩ xem có món gì ngon cần phải ăn. Điều gì chứ điều đó ai cũng giầu óc tưởng tượng cả. Mặc dầu ba tôi ngăn cản và đe:

– Trời ơi! Sao chúng mày không bảo me mời cả tỉnh đến ăn một thể. Có bao nhiêu tiền tiêu cho thật hết. Rồi thì ăn muối.

Nhưng sự đe nẹt của ông không vì thể ngăn ông thưởng thức cùng với mọi người những món ăn ngon và rồi ông vẫn phải khen:

– Món tiết canh vịt thì chỉ có me làm ba mới vừa ý. Ngày xưa chú Sáu chỉ ăn những món “chị Năm” làm mới thấy ngon miệng.

Chú Sáu (một nhà văn nổi tiếng), gọi chú như vậy vì chú đứng thứ sáu trong gia đình, là một người sành ăn có tiếng.

Nhưng những âm thanh vui vẻ như tiếng dao thớt và gà vịt đó càng xa ngày đầu tháng càng thưa đi và đến khoảng ngày mười tám, hai mươi là im bặt. Chúng tôi bắt đầu chuyển sang một “rê-dim tu tiên”.

Đã quen rồi nên mỗi khi đi học về, sau khi quẳng cặp xuống bàn, Lan và Liên lạnh lùng giở báo ra đọc như chưa bao giờ nghe thấy nói đến chữ “bếp” hoặc biết “làm bếp” là gì cả.

Sơn vì đến tuổi lớn nên ồn ào hơn, hắn kêu lên:

– Lại tu tiên rồi. Sáng rau muống với cà, chiều thì ăn gì?

Lan không cười tiếp luôn: — Cà với rau muống.

Thật giản tiện!

Và đến bữa cơm, chúng tôi biết trước thể nào cũng được nghe những lời trách móc của ba tôi.

Tuy me tôi tiêu không tính toán nhưng từ bao nhiêu năm nay bà vẫn giữ chức thủ quỹ như thường. Có vài lần ba tôi bực mình, tranh cho bằng được việc giữ chi tiêu trong gia đình nhưng chỉ được ít lâu là ông cũng đành phải trao trả nhiệm vụ phức tạp và phiền toái đó lại cho me tôi.

Nói rằng me tôi tiêu không tính toán cũng không hoàn toàn đúng, vì trong lúc bỏ tiền ra mua một món gì hoặc làm một bữa ăn ngon, me tôi không nghĩ đến ngày mai có còn đủ tiền để đi chợ hay không. Nhưng lúc tiêu rồi mẹ tôi ghi vào sổ cẩn thận lắm.

Me tôi chỉ tính sổ khi nào quỹ gần cạn, cho nên mỗi khi me tôi trịnh trọng mang quyển sổ màu đen, bìa da rất dày ra ngồi ở giường giữa nhà và gọi Liễu: “Liễu! mang bút ra đây me tính sổ” thì chúng tôi đã dục dịch sửa soạn “tu tiên” và quên hương vị các món ăn trần tục trong ít lâu.

Nhiều khi Lan vì Liên cũng ngồi quây lấy me tôi và giúp me tôi tính sổ.

Trí nhớ của me tôi không lấy gì làm dai lắm và nhất là Lan vì ghét quyển sổ đó nên cứ tìm cách nhắc me tôi biên vào những món tiêu tưởng tượng.

– Me này! me có nhớ hôm đi chợ về me mua ba con gà hay không?

– Đâu có, hai con thôi đấy chứ!

– Me nhầm rồi, về sau me mua thêm một con gà mái béo lắm cơ mà.

– Ừ nhỉ.

Kết quả là đến cuối tháng tiền chi tính ra quá nhiều hơn tiền thu. Me tôi rất ngạc nhiên và băn khoăn mãi.

- Quái! Hay me biên nhầm cả tiền nợ vào đây. Nhất định không phải thế, vì tiền nợ me biên riêng.

Ba tôi lại được thể nói:

– Me chúng mày thì sổ sách làm gì cho mệt. Tiền có bao giờ để nóng túi đâu. Chả sợ nó biến thành rắn thành rết nên vội phải tiêu ngay.

Từ đó trở đi Lan và Liên gọi tiền là “rắn rết”.

Khi me tôi nhiều tiền các con muốn xin rất dễ, nhưng khi tiền trở nên hiếm hoi me tôi khó lắm. Biết tâm lý me tôi, Lan, Liên rất khôn ngoan và lựa đúng lúc để xin. Khi me tôi đang ngồi mơ màng nghĩ đến chuyện gì chẳng hạn thì lúc đó hỏi gì me tôi cũng ừ. Lan vờ hỏi:

– Me! Chốc me mạng lại cho con cái áo này nhé!

– Ừ!

– Me mạng nhanh để mai con đi học đấy. Me cho con hai chục nhé.

– Ừ!

Đó là một phương pháp xin rất chính đáng, vì khi me tôi nhớ ra thì cũng nhớ luôn là đã “ừ” với con rồi. Lan đã có đủ lý do để bào chữa:

– Thì chính me đã nói ừ cho con tiền, me còn mắng gì.

Me tôi rất ít khi mắng con cái nhưng thế không có nghĩa là không bao giờ me tôi mắng ai. Mỗi tháng độ một hai lần vì câu truyện bực mình nào đó me tôi mắng luôn một thể một hai trận. Bất cứ lỗi tại ai, không cần biết, me tôi sẽ lấy người đó làm điểm khởi hành và mắng lây sang tất cả mọi người trong gia đình. Me tôi lôi hết những lỗi lầm từ những thủa nào ra nói. Những lúc đó me tôi không thích ngồi một chỗ, vừa dọn dẹp đồ đạc trong nhà, vừa đi hết nhà trên xuống nhà dưới và mắng không ngừng, hàng một hai tiếng đồng hồ.

Trong những trường hợp đó tốt hơn hết là chúng tôi làm ra vẻ không nghe thấy gì, hoặc coi như me tôi nói đến những chuyện không liên lạc gì đến chúng tôi cả. Vì thế nên xảy ra nhiều chuyện rất buồn cười. Chẳng hạn khi me tôi đương mắng:

...Lũ chúng bay, trời ơi! Lười ơi là lười. Đi học về là quẳng sách quẳng vở mỗi đứa vớ lấy một tờ báo...

Sơn đùng đùng ở đâu chạy đến hỏi:

– Me! Cái quần tím dài của con me để đâu?

Ở trong tủ ngăn dưới cùng ấy...

Đoạn me tôi lại tiếp:

... Mỗi đứa vớ lấy một quyển truyện. Nhớn rồi phải học ăn học làm...

Liên ở dưới bếp chạy lên: – Me! Đậu rán hay kho?

– Kho! Mà cho tương chứ đừng cho nước mắm... Con gái gì…

Và cứ như thế me tôi tiếp tục.

.

Duy Lam

________

Duy Lam tên thật là Nguyễn Kim Tuấn. Ông sinh năm 1932 tại Hà Nội, là con ông Nguyễn Kim Hòa (mất năm 1963, Sàigòn) và bà Nguyễn thị Thế. Mẹ ông là em gái của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long và là chị Thạch Lam Nguyễn Tường Lân. Duy Lam là thành viên trẻ tuổi nhất, năm 19 tuổi ông đã gia nhập Tự Lực Văn Đoàn (năm 1958) và sau đó trở thành một cây bút chủ lực của Văn Hóa Ngày Nay. Tác phẩm của ông gồm Truyện ngắn: Chồng Con Tôi, Ngày Nào Còn Đàn Bà, Nỗi Chết Không Rời, Em Phải Sống... Hồi ký: Gia Đình Tôi. Truyện dài Cái Lưới, Lột Xác…

Ngoài viết văn, Duy Lam còn là một họa sĩ có tài năng. Ông đến Hoa Kỳ theo diện HO và định cư ở tiểu bang Virginia, nơi ông qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2021, hưởng thọ 89 tuổi.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/giadinhtoi.htm


Cái Đình - 2021