Đoan Trang


Hành trình nghiên cứu lịch sử VN của sử gia trẻ người Mỹ gốc Việt

Tiến sĩ Võ Đình Alex-Thái. (ảnh: Đoan Trang)

Võ Đình Alex-Thái là giáo sư, tiến sĩ người Mỹ gốc Việt, mới ngoài 40 tuổi nhưng đã và đang có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam.

Gia đình Alex-Thái sang Hoa Kỳ năm 1990 theo diện HO. Khi người cha bị ở tù Cộng Sản, mẹ của Alex-Thái một mình nuôi bảy người con ở làng quê Quảng Ngãi, cuộc sống nghèo khó, lại không ổn định, phải dọn hết nơi này tới nơi nọ. Ra đời năm 1981, nhưng nhà nghèo, Thái không được đến trường đầy đủ, nên trước khi rời Việt Nam định cư tại Mỹ, cậu con trai út trong nhà chỉ biết vỏn vẹn vài chữ tiếng Việt.

Lý do nghiên cứu lịch sử Việt

“Khi qua Mỹ, bố mẹ mình nói học Anh ngữ thì dễ rồi, chỉ sợ mất tiếng mẹ đẻ thôi, nên bố dạy Việt ngữ cho mình, mỗi ngày một tiếng đồng hồ,” Alex-Thái kể. “Bố mua mấy quyển tập giấy trắng, rồi lúc ông ngồi may ở nhà, kêu mình chép lại những quyển sách cũ ông đem qua, như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm,… Nhờ chép qua chép lại hoài, nên mình học được tiếng Việt nhiều hơn.”

Alex-Thái tốt nghiệp đại học University of California, Berkeley, ngành chính trị học (Political Science). Sau khi ra trường đi làm được vài năm, anh sang New York, học lấy bằng thạc sĩ về Asian Studies (Á châu học), và lấy tiếp bằng tiến sĩ về Lịch sử Á châu, đặc biệt về lịch sử chiến tranh Việt Nam, đều tại đại học danh tiếng Cornell University.

Alex-Thái tâm sự: “Trong khi nhiều người ngại nói về chính trị, đặc biệt là chính trị Việt Nam, thì mình lại rất thích. Hình như có một cái khung, hay ràng buộc gì đó khiến nhiều người sợ nói về chính trị chăng? Nhưng sống ở một đất nước tự do như Hoa Kỳ, hiểu được chính trị ảnh hưởng nhiều mặt, về tài chánh, kinh tế, xã hội, tất cả! Nếu không nói, không bàn về chính trị thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội có tiếng nói của mình.”

Thật ra từ đầu, Alex-Thái chọn chính trị học, với suy nghĩ sau này sẽ trở thành luật sư, nhưng công việc nghiên cứu quá hấp dẫn, khiến anh chuyển sang làm nhà sử học.

Nhưng tại sao lại nghiên cứu chuyên về lịch sử Việt Nam? Alex-Thái giải thích: “Từ tiểu học, trung học, lên tới đại học, mình đều được thầy cô giáo Mỹ dạy về lịch sử Việt Nam mà chủ yếu là cuộc chiến tranh Việt Nam, những chuyện chỉ liên quan đến Mỹ và cuộc chiến. Cũng phải thôi, vì nếu không có cuộc chiến, thì cớ gì mà người Mỹ lại viết về lịch sử Việt Nam.

Vấn đề là người Mỹ kết luận Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và những người có mối quan hệ với VNCH (như bố mẹ mình) là không có chính kiến, là những người lính bất tài nên thua trận. Nhưng có phải người Việt nào cũng như thế đâu! Nếu muốn biết và nói về lịch sử của cộng đồng, cha mẹ mình, và của chính mình, thì mình phải là người viết ra những dòng lịch sử đó. Không viết, không để lại, thì khó trách tại sao người Mỹ lại viết có phần sai lệch. Đó là lý do tại sao mình chọn học và nghiên cứu về lịch sử Việt.”

Võ Đình Alex-Thái là nhà sử học về Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á, chuyên về chính trị thời Chiến Tranh Lạnh và Chiến Tranh Việt Nam. Trước đây, anh từng là nhà nghiên cứu tại Sở POW/MIA thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và là học giả nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Việt – Mỹ tại Đại học Oregon. Cuốn sách vừa xuất bản của anh, đồng chủ biên cùng với Tiến sĩ Peche Hồ Linda và Tiến sĩ Vũ Tường, tựa đề “Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory”, nghiên cứu về lịch sử của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

  

<== Bìa sách “Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory”,
nghiên cứu về lịch sử của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

  
      

Hành trình nghiên cứu lịch sử không ngưng nghỉ

Để trở thành một sử gia có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt, Võ Đình Alex-Thái mất một khoảng thời gian khá dài. Với mỗi công trình nghiên cứu, theo Alex-Thái, không đơn giản là vào thư viện tìm tư liệu, đọc vài cuốn sách rồi ngồi viết lại. Riêng anh, điều đầu tiên, anh chọn chủ đề quan tâm, đọc sách, và trực tiếp đi thu thập tư liệu từ những nhân chứng sống.

“Thí dụ khi chọn chủ đề cải cách ruộng đất miền Bắc Việt Nam thập niên 1950, mình phải lặn lội đến các miền quê Bắc Việt,” Alex-Thái kể. “Vẫn biết đây là một trong những chủ đề gây cấn nhất trong lịch sử Việt Nam, một chủ đề cấm kỵ, nhưng một khi mình chọn chủ đề đó vì sự thích thú, thì phải đi đến tận nơi, xin vào trung tâm lưu trữ thu thập tư liệu, đi phỏng vấn những người từng trải qua giai đoạn ấy.”

Trước đó, Alex-Thái nói anh mất ba năm để học lý thuyết, đọc rất nhiều sách để tạo hành trang nghiên cứu. Sau ba năm vượt qua kỳ thi trắc nghiệm, anh mới bắt tay vào nghiên cứu, đi thu thập tư liệu trong vòng hai năm, và mất thêm hai năm để gom lại hết các kiến thức, cộng với những gì thu thập được từ thực tế, để ngồi viết.

“Nhưng không phải đi tới đâu cũng được cung cấp hồ sơ, dữ liệu, vì có khi họ nói đó là vấn đề ‘nhạy cảm’ nên từ chối. Không phải cứ muốn là phỏng vấn nhân chứng được ngay. Chỗ này không được mình lại phải kiếm chỗ khác, chuyến này không xong phải đi chuyến khác, nên tốn thời gian nhiều lắm, mà thời gian cũng là tiền bạc. Để tạo ra một sản phẩm, viết được một cuốn sách, có khi phải mất cả chục năm,” Alex-Thái nói.

Ngoài nghiên cứu về cải cách ruộng đất, Alex-Thái còn nghiên cứu về Nhân Văn Giai Phẩm, phong trào giới trí thức miền Bắc đứng lên kêu gọi quyền tự do sáng tác, tự do ngôn luận. Đây cũng là đề tài khó. Chưa hết, hiện tại anh còn đang nghiên cứu về tù cải tạo, về lý lịch hộ khẩu, là những chính sách mang tính cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam, và nghiên cứu về cộng đồng người Việt tại Mỹ.

“Mình rất quan tâm, nhưng có cái nhìn khác về cộng đồng người Việt ở Mỹ,” Alex-Thái cho biết. “Các sử gia hay nhà nghiên cứu khác hay tách rời lịch sử Việt Nam nói chung, nhất là lịch sử VNCH là dừng lại ở năm 1975. Không phải thế, cộng đồng này là sự nối tiếp năm 1975. Vì vậy, để hiểu lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 và 21, không thể tách rời những cộng đồng ở ngoài Việt Nam. Mà để hiểu được lịch sử cộng đồng người Việt ở Mỹ, không thể tách rời quá khứ, không thể không nghiên cứu dưới thể chế VNCH có yếu tố gì mà bây giờ người sống ở ngoại quốc vẫn cố gắng duy trì.”

Hành trình nghiên cứu về cộng đồng Việt ở Mỹ, đối với Alex-Thái, cũng khá vất vả. “Mình bị từ chối nhiều lần, ngay cả khi phỏng vấn những phụ nữ bình thường,” anh kể.

“Các cô, các bác hay nói rằng câu chuyện của họ bình thường quá, sao không đi hỏi về ông Diệm, ông Thiệu, hay ông Kỳ. Thực ra chính những phụ nữ bình thường mới làm nên lịch sử. Thử hỏi, khi người chồng bị bỏ tù bảy, tám năm, có khi hàng chục năm trường, người vợ ở nhà làm gì? Nếu không có họ, ai chăm lo, nuôi một đàn con, có đứa con còn bé xíu, chờ đến ngày chồng về, rồi tìm đường đi vượt biên, để rồi những đứa con đó bây giờ ở tuổi 40, 50, 60 là những người đóng góp vào sự hình thành của cộng đồng hiện tại. Nhìn theo cách đó sẽ thấy sự liên kết với nhau, là cần phải hợp chung và hiểu tầm quan trọng của từng cá nhân.”

Sự ra đi của nhiều nhân chứng lịch sử trong thời gian gần đây ở Little Saigon, như ký giả kịch trường Ngọc Hoài Phương, hay luật sư Phùng Minh Tiến, đã khiến bao người tiếc nuối. Sử gia Alex-Thái cũng bày tỏ điều này. Anh cho biết:

“Mình rất tiếc khi muốn hiểu được lịch sử sáng tác thời VNCH, mà không phỏng vấn được nhạc sĩ Lam Phương. Đại dịch COVID-19 khiến mình mất cơ hội gặp nhạc sĩ, rồi ngẩn ngơ khi nghe tin ông qua đời. Nhạc sĩ Lam Phương viết rất nhiều, đằng sau mỗi bản nhạc đều mang ý nghĩa mà chỉ chính tác giả hiểu thôi, nhưng ông không để lại hồi ký, nên chúng ta chỉ có thể suy đoán.

Nếu được tác giả giải thích để vun đắp cho ý nghĩa của bản nhạc, thì việc nghiên cứu về văn hóa sẽ có tầm hiểu biết khác hơn. Mình đang cố gắng phỏng vấn càng nhiều người càng tốt, nhất là những người ở lứa tuổi ông bà, cha mẹ mình, vì những ‘nhân chứng lịch sử’ này, giờ trí nhớ không còn tốt, lại ‘gần đất, xa trời’”.

Tiến sĩ Võ Đặng Alex-Thái (trái) và Giáo sư Lê Văn Khoa tại
hội thảo và ra mắt sách ở Orange County, California hôm 11 Tháng Ba, 2023. (ảnh: Đoan Trang)

Ước vọng

Có một tin vui, theo tiến sĩ Alex-Thái, là những sử gia nghiên cứu về Việt Nam bây giờ không còn hiếm như cách đây vài chục năm, mà nhiều tới mức anh gọi đó là “phong trào”. Họ chỉ mới ngoài 20, 30, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng đã bắt đầu quan tâm đến lịch sử ông cha của mình, đi học tiếng Việt, đọc tiếng Việt, nghiên cứu và viết các chương sử mới cho lịch sử Việt. Alex-Thái kể:

“Bây giờ có lớp đàn em tiếp nối, và tương lai là con cháu nữa. Ví dụ một hôm, đứa con gái 8 tuổi của mình đi học về, hỏi: ‘Daddy, can you tell me about Vietnam war?’ Thật bất ngờ, vì xưa nay chưa bao giờ mình nói chuyện với con về cuộc chiến tranh. Điều này cho thấy, thế hệ hậu duệ sẽ rất quan tâm đến lịch sử Việt Nam.”

Nhà sử gia gốc Việt nói đối với nhiều người, lịch sử nhàm chán, khô khan, phức tạp, nên môn học này hay bị xem thường. Nhưng với anh, lịch sử, đặc biệt là lịch sử cuộc chiến Việt Nam, trong đó có VNCH và những ảnh hưởng tạo nên cộng đồng người Mỹ gốc Việt hiện nay, luôn là vấn đề quan trọng vì đặc tính của nó là ở sự bất diệt và bền vững.

Alex-Thái cho biết ước vọng tương lai của mình là thành lập một trung tâm lưu trữ tài liệu về Việt Nam ở Hoa Kỳ, nhằm thu thập, lưu trữ, khai thác, và phổ biến dữ liệu, ký ức, và suy nghĩ liên quan đến những kinh nghiệm trong lịch sử, đặc biệt là lịch sử chiến tranh tại Việt Nam cũng như lịch sử cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Mục đích của dự án này là để góp phần trong việc duy trì lịch sử của người Việt Nam.

Hiện nay Alex-Thái đang nghiên cứu tại Vietnam Center & Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University. Hai chương trình đang được anh thực hiện, một là nghiên cứu tìm hài cốt quân nhân Cộng Sản Bắc Việt và chương trình tìm hài cốt quân dân cán chính VNCH; hai là chương trình “Lịch Sử Truyền Khẩu về Cuộc Chiến Việt Nam.

“Ai ngã xuống cũng đều là con người Việt Nam, trong đó có những anh chị em đánh nhau trong cuộc chiến, nên việc mình cần làm là mang tính nhân đạo, chứ không phải công việc chính trị nữa. Con số mất tích không nhỏ, phía Cộng Sản còn 200.000 người, phía Hoa Kỳ còn 1.500 người và họ vẫn đang chi mỗi năm $100 triệu cho công việc tìm kiếm này. Số người mất tích phía VNCH không lớn, nhưng không nhỏ hơn con số 1.500 của Hoa Kỳ. Hiện tại Chính Phủ Hoa Kỳ và chính quyền Cộng Sản vẫn đang có chương trình đi tìm người mất tích, nhưng VNCH thì chưa có mấy tổ chức làm công việc này.”

“Với chương trình nghiên cứu tìm hài cốt, qua báo Saigon Nhỏ Online, mình rất mong được sự hỗ trợ của cộng đồng, những ai có người nhà hay bạn bè là quân nhân cán chính VNCH cũng như quân nhân Cộng Sản bị mất tích, hãy liên lạc với mình qua email: disanchientranhvietnam@gmail.com cung cấp tên tuổi, thời gian mất tích, để tạo cơ sở dữ liệu, từ đó mình vận động chính phủ Hoa Kỳ cũng như chính quyền Việt Nam hỗ trợ chúng ta tìm hài cốt, hòng mang lại niềm an ủi cho từng gia đình,” Alex-Thái nói.

.

Đoan Trang

Nguồn: saigonnhonews.com, 15.03.2023

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/hanhtrinhnghiencuulichsu.html


Cái Đình - 2023