Trần Ngọc


Chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng đã trở về Việt Nam

Cuối cùng, qua trung gian của một nhà sưu tập tư nhân –
ông Nguyễn Thế Hồng, chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng đã được mua
từ nhà bán đấu giá Millon và chuyển về Việt Nam.

.

Chiếc ấn vàng được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1823 và là bảo vật truyền quốc của vương triều Nguyễn. Chiếc ấn đúc bằng vàng ròng, cân nặng khoảng 10,7kg. Mặt trên có khắc 2 hàng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng ròng, nặng 280 lạng, 9 đồng, 2 phân). Mặt dưới (mặt in) có khắc chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).

Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ thì cho biết: Năm thứ 9 vua dụ rằng: “Ấn báu của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn. Khi xưa triều ta mới bình định thiên hạ, đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta định chế độ lập pháp luật, trăm việc đều mới, nhiều lần ban sắc lấy vàng đúc ra các quả ấn tín. […] Từ trước đến nay đã kính thi hành, song là lúc mới làm chưa được mười phần chu đáo”.

“Ta vâng nối ngôi báu, may gặp thái bình, những mong làm cho quy mô trước thêm rực rỡ, để tỏ rõ cho đời sau, cũng dùng vàng tốt đúc thêm ấn Hoàng đế chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Tư lịnh minh thời chi bảo. […] Vậy ra sau có gặp việc tôn thân huy hiệu, thì đóng ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo, gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân, đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc, thì dùng ấn Hoàng đế chi bảo”.

Hành trình lưu lạc của chiếc ấn khá ly kỳ. Ấn được truyền đến vua Bảo Đại. Sau cuộc cướp chính quyền tháng 8/1945, ngày 22/08 Việt Minh gởi công điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Sau đó nhà vua, trong buổi lễ ngày 22/08, đã tuyên bố thoái vị và trao ấn kiếm cho Chính phủ Lâm thời của Hồ Chí Minh. Nhận ấn kiếm do Bảo Đại trao lại, Việt Minh đã chôn giấu ở Hà Nội, nhưng khi Pháp trở lại Việt Nam, họ đã tìm thấy chiếc ấn năm 1946 và năm 1952 họ giao chiếc ấn cho bà Từ Cung Thái hậu. Năm 1953, chiếc ấn được mang sang Paris, giao cho Nam Phương Hoàng hậu giữ (bà Nam Phương đã ở Pháp từ 1947). Năm 1963, Nam Phương Hoàng hậu qua đời, và sau đó xảy ra vụ tranh chấp giữa Bảo Đại và các con ông, kể cả Hoàng thái tử Bảo Long về các vật thừa kế mang tính cách quốc gia. Phán quyết của tòa đã cho vua Bảo Đại được sở hữu chiếc ấn. Vua Bảo Đại mất năm 1997, theo di chúc của nhà vua, chiếc ấn về tay người vợ cuối cùng của ông, bà Monique Marie Eugénie Baudot. Bà Monique mất năm 2021. Năm 2022, khi những người thừa kế của bà giao chiếc ấn cho nhà đấu giá Millon rao bán, đã làm dấy lên sự phản đối từ Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước Tộc Việt Nam đã gởi thơ cho Millon phản đối việc mang bán đấu giá một bảo vật quốc gia của Việt Nam. Millon phản đối lại, với lý do không có văn bản chính thức nào cho chiếc ấn được vào danh sách bảo vật quốc gia. Cũng vì thế, không có gì bất hợp pháp hoặc sai nguyên tắc khi Bảo Đại giao cho bà Monique quyền thừa kế chiếc ấn như một tài sản cá nhân. Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy nguy cơ chiếc ấn sẽ vào tay người khác, cũng qua Bộ Ngoại Giao cố gắng dàn xếp để Millon hoãn phiên đấu giá (dự trù vào ngày 31/10/2022), đồng thời tìm giải pháp mua trực tiếp ngoài sàn đấu với giá thấp hơn giá khởi đầu do Millon đưa ra là 2-3 triệu euro, dĩ nhiên Millon không khi nào chịu. Cục Di Sản Văn Hóa Việt Nam cũng tìm cách kêu gọi các tổ chức hoặc tư nhân đứng ra đấu giá để mua, với quyết tâm phải lấy được bảo vật quốc gia về cho Việt Nam.

Tình hình trở nên gay cấn vì Millon và các nhà sưu tầm cổ vật quốc tế trong tình trạng này chắc chắn sẽ tạo áp lực đẩy giá đến mức quá độ. Cuối cùng ông Nguyễn Thế Hồng đã ‘mua’ chiếc ấn ‘Hoàng Đế Chi Bảo’ này với giá 6,1 triệu euro qua một thỏa thuận chung giữa Millon và nhà nước Việt Nam, với ông Hồng là đại diện.

Ông Hồng (ngoài cùng bên phải) ký hợp đồng mua bán với đại diện nhà đấu giá Millon.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Ông Nguyễn Thế Hồng sau đó cũng cho biết sẽ đài thọ kinh phí đấu giá và chở cổ vật về Việt Nam,  số tiền này một phần được chính phủ bảo trợ.

Sau khi về tới Việt Nam (dự định vào cuối tháng 4/2023), có lẽ chiếc ấn sẽ được bảo tồn tại tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thuộc sở hữu của ông Hồng ở tỉnh Bắc Ninh. Nó sẽ trở thành vô giá.

.

Trần Ngọc

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/chiecanvangcuavua.html


Cái Đình - 2023