Thiện Lê


Captien Forum thảo luận về chiến tranh Ukraine và ‘The Sympathizer’

.

WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều người có mặt tại Trung Tâm Cộng Đồng Westminster hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, để dự buổi hội thảo của tổ chức Captien Forum, nói về chiến tranh Ukraine và phim “The Sympathizer” có chủ đề về chiến tranh Việt Nam.

Ông Frank Snepp nói về “The Sympathizer.” (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Buổi hội thảo có hai diễn giả chính là ông David Satter, ký giả và sử gia người Mỹ, từng viết nhiều sách về Nga và Liên Xô, và ông Frank Snepp, ký giả và cựu giám đốc phân tích tình báo của CIA ở Sài Gòn trong thời chiến tranh Việt Nam.

Trước khi hai diễn giả trình bày, Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, chủ tịch Captien Forum, cho biết ông rất vinh dự khi thấy nhiều người trong cộng đồng dành thời gian đến dự buổi hội thảo, và nói những hoạt động này sẽ được tổ chức trong khả năng hạn hẹp của một tổ chức bất vụ lợi.

Bà Jackie Bong-Wright, cố vấn danh dự của Captien Forum, cho biết tên của tổ chức này lấy từ phong trào Quốc Gia Cấp Tiến do hai cố giáo sư Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy, và được thành lập năm 2017, có mục đích xây dựng quốc gia vững mạnh, so sánh Việt Nam với các được Đông Nam Á khác, mang dân chủ đến cho quê nhà sau khi không còn chính quyền cộng sản.

Diễn giả đầu tiên là ông David Satter, nói về cuộc chiến ở Ukraine và hậu quả đối với thế giới.

Quang cảnh buổi hội thảo. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Ông nói cuộc chiến ở Ukraine xảy ra vì Hoa Kỳ và đồng minh không ngăn chặn, và hoàn toàn có thể chặn được, nhưng vì không rút kinh nghiệm từ những sai lầm trước nên tái phạm.

Về lý do Nga xâm lăng Ukraine, ông cho hay việc nhiều người cho rằng lý do là NATO muốn đặt biên giới gần Nga hơn là không đúng. Nga lúc nào cũng muốn tấn công Ukraine vì quốc gia này không thuộc NATO, nhất là sau năm 2014 khi người dân Ukraine biểu tình và lật đổ được Tổng Thống Viktor Yanukovych, người được Nga ủng hộ.

Từ khi chiến tranh xảy ra vào năm 2022, Nga không ngờ Ukraine chống cự mãnh liệt như vậy, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng thủ đô Kiev sẽ thất thủ trong vòng 72 giờ.

Ông Satter cho hay Nga sẽ chịu được cuộc chiến kéo dài này, và nếu chiếm được Ukraine thì sẽ không dừng lại ở đó, rồi sẽ trở thành một “cỗ máy chiến tranh” để tấn công các nước đồng minh của Mỹ yếu thế như Estonia và Latvia, khiến Hoa Kỳ và NATO phải tham chiến.

Kết quả của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine còn ảnh hưởng đến tình hình giữa Trung Quốc và Đài Loan, nhất là khi Trung Quốc suy nghĩ về cách mà Hoa Kỳ bảo vệ đồng minh.

Cuối cùng, ông Satter cho biết cách duy nhất để ngăn chặn Nga bành trướng là Ukraine phải thắng cuộc chiến này.

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, chủ tịch Captien Forum. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Sau đó là phần trình bày của ông Frank Snepp về phim “The Sympathizer” (Cảm Tình Viên). Ông là một người có nhiều hiểu biết về chiến tranh Việt Nam, từng bị CIA đưa ra trước Tối Cao Pháp Viện vì phản đối cơ quan đó. Vì vậy, ai cũng cho rằng ông là người có thẩm quyền phê bình phim truyền hình dài bảy tập của HBO.

Ông cho biết lúc nào ông cũng so sánh mọi tin tức mình thấy với Việt Nam vì ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam không bao giờ biến mất.

Ông nói sau khi chính quyền Hà Nội luôn tìm cách viết lại lịch sử bằng cách tuyên truyền, người Việt Nam ở hải ngoại không thể quên được sự thật về chiến tranh và bảo đảm cuộc chiến được kể lại chính xác.

Về phim “The Sympathizer,” ông cho biết đây là tác phẩm dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, người từng đoạt giải Pulitzer, và đang được đánh giá rất cao.

Ông khen ngợi tài năng của nhà văn gốc Việt đó, nhưng cho biết ông Việt quá trẻ để thật sự hiểu biết về chiến tranh Việt Nam, nên viết tiểu thuyết dựa theo dựa theo kiến thức, theo lời kể của cha mẹ, theo phim ảnh và sách báo, nên không chính xác.

Ông David Satter nói về chiến tranh Ukraine. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Theo ông Snepp, tiểu thuyết “The Sympathizer” có mục đích làm mất đi nhiều suy nghĩ quy chụp về người Việt Nam trong phim ảnh hay văn học, thường là những thi thể, gái mại dâm hay là người giúp việc trong nhà, nhưng nhà văn Nguyễn Thanh Việt vô tình tạo ra một suy nghĩ quy chụp khác.

Nội dung của tiểu thuyết và phim nói về một gián điệp của Cộng Sản Việt Nam được đưa đến Nam California sau chiến tranh để trà trộn vào cộng đồng gốc Việt ở đây, theo dõi để biết họ có ý định lật đổ chính quyền Hà Nội hay không. Tuy nhiên, nhân vật đó gặp nhiều vấn đề trong nhiệm vụ, và lòng trung thành của anh lung lay.

Ông Snepp cho rằng đó là một nhân vật hay, nhưng ông không hài lòng vì tạo ra hình ảnh quy chụp về người Việt Nam mà ông gọi là “người ngồi trên hàng rào,” có nghĩa là những người không trung thành, đợi phe nào thắng thì đi theo phe đó.

Tuy nghĩ rằng nhà văn Nguyễn Thanh Việt không có suy nghĩ đó khi tạo ra nhân vật chính, nhưng ông Snepp nói đó là sự sỉ nhục với người Việt Nam trong cả hai phe mà ông từng gặp trong cuộc chiến.

Sau khi thảo luận với nhà văn Nguyễn Thanh Việt, ông Snepp được biết nhân vật chính được dựa theo Nguyễn Văn Tài, một gián điệp của Bắc Việt và người có liên quan đến vụ ám sát Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, và từng bị ông Snepp thẩm vấn. Tuy vậy, tác giả không hiểu được sự nguy hiểm của con người đó nên tạo ra một nhân vật không đúng sự thật.

Cuối cùng, ông đề nghị cộng đồng Little Saigon hay người Việt ở hải ngoại nên nhớ sự thật để truyền lại cho thế hệ sau để họ thật sự hiểu biết về chiến tranh, “chứ không hiểu như người viết ‘The Sympathizer.’”

Bà Jackie Bong-Wright, cố vấn danh dự của Captien Forum.
(Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Trong lúc chờ đợi chiếu ra mắt phim “The Sympathizer” hồi đầu Tháng Tư, nhà văn Nguyễn Thanh Việt, giáo sư đại học USC, chia sẻ lý do ông tác phẩm này.

“Đây là một cuốn tiểu thuyết gián điệp tôi viết với một sự say mê mãnh liệt,” nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer nói.

“Tất nhiên, câu chuyện giả tưởng này có nhiều yếu tố chính trị rất quen thuộc với người Việt Nam trong thế kỷ 20. Tiểu thuyết này không chỉ về chính trị thế giới mà còn về chiến tranh Việt Nam, về người tị nạn, về lịch sử. Tuy nhiên, trong loạt phim này, đạo diễn chú trọng nhiều về nhân vật làm gián điệp nhị trùng trong một thời điểm lịch sử của Việt Nam và của người tị nạn Việt Nam.”

Ông cho biết ông viết theo cách nhìn của ông về cuộc chiến, về những gì xảy ra, qua một lăng kính khác.

“Tôi không có ý định thay đổi quan điểm của mọi người về cuộc chiến,” nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói. “Tôi chỉ muốn nói lên sự thật, và sự thật thường làm người ta khó chịu. Và có thể, sau khi xem phim hoặc đọc truyện ‘The Sympathizer’ một số người có thay đổi cái nhìn về cuộc chiến.”

Về yếu tố người tị nạn Việt Nam trong tác phẩm cũng như trong phim, ông Việt cho biết: “Tôi tôn trọng những gì cha mẹ tôi đã trải qua, nhưng tôi cũng muốn trình bày quan điểm của mình. ‘The Sympathizer’ là câu chuyện của tôi, không phải của tất cả mọi người.”

Ông giải thích tiếp: “Tôi quan tâm đến lịch sử và sự cân bằng. Tôi biết lịch sử có ảnh hưởng cha mẹ tôi. Tôi cảm nhận được lịch sử của người tị nạn Việt Nam.”

Về các nhân vật của mình trong truyện, nhà văn Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Tôi đọc càng nhiều càng tốt về sự sụp đổ của Sài Gòn, tử thủ, giới nghiêm, những gì xảy ra trong các căn cứ, ai đã ở trong đó… Từ đó, tôi ‘xây dựng’ các nhân vật của mình dựa theo những gì tôi đọc. Khi xem phim, khán giả sẽ nhận thấy nhiều sự quen thuộc trong đó.”

   

Thiện Lê
Trích từ: nguoi-viet.com, 20/05/2024

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/captienforumthaoluan.html


Cái Đình - 2024