Trần Doãn Nho


Abdulrazak Gurnah, nhà văn Phi Châu đoạt giải Nobel Văn Chương 2021

.

 

Nhà văn Abdulrazak Gurnah. (Hình: Tolga Akmen/AFP via Getty Images)

KENNEDALE, Texas (NV) – Bất ngờ về giải Nobel Văn Chương gần như là “truyền thống” của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Chính bản thân nhà văn đoạt giải năm 2021 cũng tỏ ra sửng sốt.

Nobel 1974 được trao cho hai tác giả Thụy Điển không mấy tiếng tăm là Eyvind Johnson và Harry Martinson thay vì là một trong các tác giả nổi tiếng hồi đó là Vladimir Nobokov (Mỹ gốc Nga), Graham Greenne (Anh) hay Saul Bellow (Canada).

Nobel 1997 được trao cho Dario Fo (Ý), một tác giả nhẹ ký thay vì cho một trong hai nhà văn nổi tiếng là Salman Rushdie (Anh gốc Ấn) và Arthur Miller (Mỹ).

Tréo cẳng ngỗng nhất là: Nobel 2015 được trao cho Svetlana Alexievich (Belarus), một nhà báo và Nobel 2016 được trao cho Bob Dylan (Mỹ), một nhạc sĩ và ca sĩ.

Trong Bản Thông Cáo Báo Chí ngày 7 Tháng Mười, 2021, Hàn Lâm Viện Thụy Điển loan báo trao tặng giải Nobel Văn Chương năm 2021 cho nhà văn Abdulrazak Gurnah, “vì sự thấu suốt không khoan nhượng và đầy lòng trắc ẩn về những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của người tỵ nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và các lục địa.”

Thế là thêm một lần nữa, văn giới chưng hửng!

Trong danh sách 42 nhà văn hàng đầu trên thế giới do công ty chuyên về cá cược giải Nobel Văn Chương hằng năm Ladbrokes (Anh) lập ra, không hề có tên của Abdulrazak Gurnah.

Đứng đầu danh sách này là những nhà văn rất xứng đáng đoạt giải Nobel do sự nghiệp văn chương phong phú của họ như Annie Ernaux (Pháp), Ngũgĩ wa Thiong’o (Kenya), Haruki Murakami (Nhật), Margaret Atwood (Canada), Anne Carson (Canada), Jamaica Kincaid (Antigua and Barbuda), Lyudmila Ulitskaya (Nga), Maryse Condé (Guadeloupe, thuộc Pháp), Peter Nadas (Hungary), Jon Fosse (Na Uy).

Chính bản thân nhà văn Abdulrazak Gurnah cũng tỏ ra sửng sốt khi nhận điện thoại từ Hàn Lâm Viện báo tin ông đoạt giải trong khi ông đang làm bếp.

Trả lời với thông tín viên hãng Reuters trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông nói: “Tôi cho đây là một trò chơi khăm. Loại tin ai sẽ đoạt giải như thế này vẫn thường nghe bàn tán đã vài tuần, có khi là vài tháng trước, cho nên tôi chẳng quan tâm. Tôi chỉ tự hỏi ai là người sẽ đoạt giải, thế thôi.”

Khi biết chắc chắn là mình đã đoạt giải, ông khiêm tốn phát biểu: “Tôi rất vinh dự nhận được giải này và gia nhập vào hàng ngũ những nhà văn trước tôi trong danh sách này. Thực là vui hết biết và tôi rất hãnh diện.”

Và qua mạng Twitter, ông viết: “Tôi xin dành tặng giải Nobel này cho Phi Châu và người Phi Châu và tất cả độc giả của tôi.”

Nhà văn Wole Soyinka, Nigeria (Nobel Văn Chương 1986), ca ngợi việc trao giải Nobel Văn Chương cho nhà văn Abdulrazak Gurnah. Theo ông, điều đó cho thấy văn chương Phi Châu đang lên ngôi và là “một ngọn cờ vững vàng tung bay trên những hiện thực phiền muộn của một lục địa thường trực sống trong gian khó.”

Ông Peter Morey, một học giả tại đại học University of Birmingham, Anh, cho rằng nhà văn Gurnah diễn tả ký ức lưu vong như là một “nhà kho tối tăm, bẩn thỉu đầy những đồ đạc hư hỏng, han gỉ mà ta phải dành thời gian lục lọi tìm kiếm xuyên qua những thứ đã bị phế thải” (1).

Tác phẩm mới nhất, “Afterlives” (Những Mảnh Đời Lưu Lạc), xuất bản năm 2020,
kể về Ilyas, một người bị quân đội Đức bắt đi khi còn là một cậu bé và trở về làng của mình
sau nhiều năm tham chiến chống lại chính người dân của mình.
(Hình: Tolga Akmen/AFP via Getty Images)

Nhưng được đón nhận một cách sôi nổi nhất tin này là Zanzibar, quê hương của ông, nơi nhiều người còn nhớ đến ông và gia đình ông, mặc dầu chẳng mấy người có dịp đọc được sách của ông và nơi mà một người cùng quê, bà Samia Suluhi Hassan, hiện là nữ tổng thống đầu tiên của nước Tanzania.

Ông Simai Mohammed Said, bộ trưởng Giáo Dục Tanzania, cho biết: “Sách của ông không buộc phải đọc ở nhà trường và rất khó kiếm, tuy nhiên một đứa con của Zanzibar, Gurnah, đã mang lại rất nhiều hãnh diện cho xứ sở này.”

Ông Farid Himid, một sử gia mà cha ông đã từng dạy ông Gurman học hồi còn nhỏ, phát biểu: “Các phản ứng thật đáng kinh ngạc. Ai cũng vui vẻ nhưng chẳng ai biết ông, kể cả tôi, mặc dầu giới trẻ rất hãnh diện vì ông là một người đồng hương.”

Nhà văn Gurnah hiếm khi về thăm lại Zanzibar, nhưng bây giờ ông trở thành đề tài bàn tán giữa công chúng ở đó.

***

Abdulrazak Gurnah là nhà văn Phi Châu đầu tiên đoạt giải Nobel, 35 năm sau khi nhà văn Wole Soyinka (Nigeria) nhận giải này vào năm  1986 và là nhà văn Phi Châu thứ sáu được trao giải này kể từ khi giải được thành lập vào năm 1901.

Ông sinh ngày 20 Tháng Mười Hai, 1948, tại Zanzibar, một quần đảo tự trị thuộc Ấn Độ Dương, về sau, khi chính quyền Anh trao trả độc lập vào năm 1963, thì sáp nhập với lục địa để trở thành nước Tanzania.

Ông Abeid Karume, tổng thống Tanzania hồi đó, tiến hành một cuộc đàn áp và khủng bố những công dân Tanzania gốc Ả Rập. Nhà văn Gurnah thuộc nhóm chủng tộc này, buộc phải bỏ học, trốn đi đến định cư ở Anh như một người tị nạn vào cuối thập niên 1960, lúc mới 18 tuổi.

Ông theo học Christ Church College ở Canterbury, sau chuyển về học ở University of Kent, nơi đây, ông lấy bằng tiến sĩ với luận án “Criteria in the Criticism of West African Fiction” vào năm 1982. Từ 1980 đến 1983, ông giảng dạy ở Đại Học Kano ở Nigeria. Sau đó, ông trở về làm giáo sư tại University of Kent, Canterbury, dạy Anh Văn và Văn Chương Hậu-Thuộc-Địa (Postcolonial Literatures) cho đến khi về hưu.

Nhà văn Gurnah thuộc nhóm những cây bút được gọi là những nhà văn Anh gốc Da Đen, gồm những người di cư sang Anh từ những vùng đất thuộc địa Anh trước đó.

Nội dung truyện của ông Gurnah tập trung hoàn toàn vào chuyện di dân và tị nạn cùng với những khắc khoải và sự lạc lõng của những người tha phương lưu lạc. Ông cho rằng: “Sự cô đơn, xa lạ trở thành mảnh đất phì nhiêu cho những suy gẫm và dẫn tôi đến chuyện sáng tác.”

Ngày nay, không thiếu gì những nhà văn Phi Châu như Leila Aboulela (Sudan), Chimamanda Ngozi Adichie và Teju Cole (Nigeria), và NoViolet Bulawayo (Zimbabwe) đều nổi tiếng về những tác phẩm viết về di dân. Nhưng theo ông Burnah Shringarpure, giáo sư tại University of Connecticut, nhà văn Gurnah sẽ được xem là một trong những nhà văn đầu tiên kết hợp được những kinh nghiệm của cuộc du hành từ Phi Châu sang các nước phương Tây (2).

Ông Gurnah viết tiểu thuyết đầu tay lúc ông xấp xỉ 40 tuổi, “Memeory of Departure” (Ký Ức Ngày Ra Đi) và mặc dầu đã sống nhiều năm ở Anh và có bằng tiến sĩ, cuốn truyện này được viết ra y như thể ông vừa mới rời quê hương.

Một số tác phẩm của nhà văn Abdulrazak Gurnah.
(Hình: Jonathan Nackstrand/AFP via Getty Images)

Thế nhưng, truyện này không được “Heinemann African Writers series” (một cơ sở chuyên xuất bản các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ và chính trị gia Châu Phi do nhà xuất bản Heinemann phụ trách được thành lập vào năm 1962), nhận xuất bản vì tác phẩm của ông không dễ nhận ra nó thuộc loại nào: Phi Châu, Anh hay Do Thái.

Mãi cho đến khi truyện thứ 4 ra đời, “Paradise” (Thiên Đàng), và được lọt vào vòng sơ tuyển giải Booker, thì lúc bây giờ ông mới có độc giả và được giới phê bình chú ý.

Ủy Ban Nobel ca ngợi sự góp phần của nhà văn Gurnah vào văn chương hậu-thuộc-địa (postcolonial literature) và sự thăm dò những ảnh hưởng độc hại của chế độ thực dân. Các tác phẩm của ông tập trung vào một nơi chốn mà xuyên qua đó, nhiều dòng lịch sử, nhiều mối quan hệ, nhiều chủng tộc phức tạp được mang ra ánh sáng.

Cả một vùng đất rộng lớn chưa hề được khám phá của bờ biển Swahili là nơi cư trú của một cộng đồng hỗn chủng Phi Châu, Á Châu và Ả Rập với một di sản giàu có là những thế giới mà nhà văn Gurnah vẽ ra trong các tác phẩm của ông. Lịch sử của vùng đất này, theo ông, là “lịch sử của bạo động, của sự bóc lột, lịch sử của những người đến từ khắp nơi, đặc biệt là từ vùng bờ biển Đông Phi.” Đặc biệt hơn nữa, các tác phẩm của ông Gurnah còn diễn tả cái thế giới bên trong phức tạp và sống động của những người Hồi Giáo.

Gặp gỡ với báo chí trong cuộc họp báo tại Stockholm, Thụy Điển, sau khi loan báo giải, ông Anders Olsson, chủ tịch Ủy Ban Nobel Văn Chương, nhấn mạnh, trước sau như một và với lòng trắc ẩn, nhà văn Gurnah “thấu suốt những tác động của chủ nghĩa thực dân ở Phi Châu và ảnh hưởng của nó trên đời sống của những con người bị bứt khỏi cội nguồn và đi lưu lạc khắp nơi.”

Được hỏi có phải sự chọn lựa trao giải cho nhà văn Gurnah vào thời điểm này là để đáp ứng với những căng thẳng toàn cầu đối với vấn đề di dân, khi hàng triệu người chạy trốn bạo động và nghèo đói ở Afghanistan, Syrya, Trung Mỹ hoặc là bị di dời bởi nạn thay đổi khí hậu hay không, ông Olsson cho biết việc trao giải cho nhà văn Gurnah không phải để trả lời cho những vấn nạn này, mà thật ra, Ủy Ban Nobel đã theo dõi các tác phẩm của ông từ nhiều thập niên trước.

Nhà văn Abdulrazak Gurnah sáng tác 10 tiểu thuyết, trong đó, nổi bật nhất là “Admiring Silence” (Giữ Im Lặng), By the Sea (Bên Bờ Biển), Desertion (Ruồng Bỏ), Gravel Heart (Trái Tim Sỏi Đá) và mới nhất là “Afterlives” (Những Mảnh Đời Lưu Lạc) xuất bản năm 2020. Ngoài ra, ông còn một số tập truyện ngắn và nhiều tiểu luận văn chương. 

.

Trần Doãn Nho

_______________

Tham khảo:

(1) Tanzanian novelist Gurnah wins 2021 Nobel for depicting impact of colonialism, migration | Reuters

(2) Trang mạng Madamasr, “Why Tanzanian writer Abdulrazak Gurnah’s Nobel Prize for Literature is important,” www.madamasr.com/en/2021/10/12/opinion/u/why-tanzanian-writer-abdulrazak-gurnahs-nobel-prize-for-literature-is-important/

-Các bản tin của các hãng thông tấn Reuters, AP, Al Jazeera.

-Các trang mạng CNN, The Guardian, Washingtonpost, The New Public, BBC, New York Times,  Madamasr,…

-The Swedish Academy.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/abdulrazakgurnahnhavan.htm


Cái Đình - 2021