Nguyễn Hiền


Vài nét về sinh hoạt văn hóa của người Việt tị nạn ở Hòa Lan

.

I. Đại cương về cộng đồng người Việt ở Hòa Lan

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Trung Ương (Centraal Bureau voor de Statistiek), vào năm 2019 Hòa Lan có 23.488 người Việt hoặc người Hòa Lan gốc Việt chính thức sinh sống. Số người Việt tị nạn, theo ước lượng, khoảng 15 ngàn, không phân biệt họ từ miền nam hoặc miền bắc tới. Một cộng đồng có tầm vóc khiêm nhường so với nhiều cộng đồng người Việt tị nạn khác trên thế giới.

Những người Việt đầu tiên tới Hòa Lan tị nạn (thuyền nhân) vào năm 1976. Năm 1979, hội đoàn đầu tiên của người Việt tị nạn ra đời, và năm sau đó hội đoàn thứ 2 được thành lập. Với mục đích tạo một sinh hoạt đoàn kết và hòa hợp, 2 hội đoàn vào năm 1982 đã quyết định hợp chung thành 1, với tên Cộng đồng Việt Nam Tị Nạn Cộng sản tại Hòa Lan (tên tắt AVVN), hội đoàn này duy trì sinh hoạt đều đặn cho tới ngày hôm nay.

Thuở ban đầu, cộng đồng người Việt, qua AVVN, nhận tài trợ của chính phủ Hòa Lan để lo giúp việc hội nhập của người Việt. Trong khi đó, các địa phương có nhiều người Việt cư ngụ cũng thành lập các ban đại diện hoặc hội đoàn tại địa phương, những cộng đồng này được tài trợ của thị xã trong chính sách tản quyền về địa phương của Hòa Lan.

Song song với những hội đoàn trên, còn có một số tổ chức, hội đoàn lập ra để phục vụ những đối tượng đặc biệt như các hội sinh viên, Gia đình Quân Cán Chính VNCH, các cơ sở tôn giáo (chùa, giáo xứ…), chi bộ các đảng phái v.v..

II. Vai trò của các hội đoàn trong sinh hoạt văn hóa tại Hòa Lan

1. Cộng đồng Việt Nam Tị nạn Cộng sản tại Hòa Lan (AVVN) trong 2 thập niên ‘80 - ‘90 được người Việt ở Hòa Lan mặc nhiên công nhận là cộng đồng trung ương, giữ nhiệm vụ điều hợp các tổ chức của địa phương và lo việc tổ chức các sinh hoạt có tầm vóc quốc gia, như các ngày lễ hội và nhất là các ngày biểu tình trong dịp 30/04 hàng năm hoặc các cuộc biểu tình phản đối các phái đoàn từ Việt Nam đến. Ngày hội Tết do AVVN tổ chức có những năm quy tụ đến 2000 người tham dự, tức hơn 10% số người Việt tị nạn ở Hòa Lan. AVVN cũng tổ chức nhiều trại hè cho toàn thể người Việt hoặc cho các em thiếu nhi; tổ chức những cuộc hội thảo, các giải thể thao; xuất bản một số sách hướng dẫn người Việt trong bước đầu và một số tác phẩm, thơ truyện v.v.. Việt Nam Nguyệt San, cơ quan ngôn luận của AVVN cũng đã có thời đạt đến mức phát hành trên dưới 2000 số, hiện vẫn còn ra đều đặn 8 số mỗi năm. Website của AVVN là http://www.congdonghoalan.com

2. Song song với AVVN, những hội đoàn và ban đại diện địa phương được thành lập để đáp ứng những nhu cầu thiết thực của cư dân trong vùng, tạo mối dây liên lạc chòm xóm, trong đó việc tổ chức tết Nguyên Đán, tết Trung Thu và những buổi du ngoạn được che đậy dưới danh nghĩa “giới thiệu văn hóa Hòa Lan” là những hoạt động chính, nhờ vào sự tài trợ của chính quyền địa phương. Một số hội đoàn và ban đại diện của vài địa phương có đông người Việt cư ngụ như Hoorn, Helmond, Alphen aan de Rijn v.v. cũng có những tờ nội san địa phương hoặc bản tin, ra định kỳ hoặc không thường xuyên, được phát không cho người Việt trong vùng. Vào thời cực thịnh, đã có gần 40 hội đoàn và ban đại diện địa phương cùng hoạt động song hành. Một đặc điểm của Hòa Lan là tất cả các hội đoàn địa phương đều sinh hoạt sát cánh với nhau, chưa từng xảy ra đụng chạm, tranh chấp, vì mỗi hội đoàn có một lãnh vực hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau.

3. Để đáp ứng nhu cầu của một số bạn trẻ yêu thích văn thơ nhạc họa, muốn thỉnh thoảng có dịp gặp nhau trao đổi sáng tác, nhóm Cái Đình đã được khởi xướng vào năm 1982, sinh hoạt trong vòng thân hữu. Đến năm 1993, một số bạn đã đưa Cái Đình thành một hội đoàn chính thức, sinh hoạt trong lãnh vực văn hóa, văn học, xã hội. Nhóm đã xuất bản một số tác phẩm, tổ chức những buổi hội thảo về văn hóa văn học với những diễn giả đến từ khắp nơi trên thế giới, giới thiệu sách, tổ chức những buổi trình diễn âm nhạc. Cái Đình có thể được coi là một địa chỉ liên lạc tại Hòa Lan về các vấn đề văn hóa văn học. Ông Nguyễn Hiền, trưởng nhóm Cái Đình, có một bộ sưu tập hầu hết các tác phẩm của người Việt đã xuất bản tại Hòa Lan và các sách về người Việt do người Hòa Lan viết. Website của Nhóm Cái Đình là http://www.caidinh.com

III. Một số nét văn hóa đặc thù khác tại Hòa Lan

1. Các lớp Việt ngữ:

Năm 1984 Hòa Lan ban hành luật OETC (tạm dịch: Giáo dục bằng Ngôn ngữ và Văn hóa riêng). Luật này cho phép các em trong bậc tiểu học (cấp 1) có gốc ngoại quốc được phép học một số giờ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ về văn hóa gốc của các em. Mục đích của đạo luật là để giảm thiểu hố ngăn cách giữa thế hệ 1 và thế hệ 2. Những lớp tiếng Việt đã được thành lập với thành phần giáo viên phần lớn là những người trước kia đã từng dậy các trường cấp 1, 2 ở Việt Nam. Năm 1988 luật này được đổi tên thành OALT (tạm dịch: Sinh Ngữ của Những Người Nhập Cư). Rất tiếc, sau khi bị nhiều chỉ trích (do xáo trộn giờ học trong học trình chính thức, không đạt kết quả như ý…), kế hoạch đã chấm dứt vào năm 2004. Sau ngày này, vài tổ chức tư nhân và tôn giáo vẫn còn cố gắng duy trì các lớp Việt ngữ cho các em ở một mức rất giới hạn, vì chỉ còn có thể mở lớp vào cuối tuần. Những người có công trong việc soạn tài liệu giảng dạy là bà Nguyễn Thị Hoàng với bộ “Em Học Việt Ngữ” và sau đó, năm 1998, là bộ “Học Kĩ Đọc Đúng” do bà Phạm Thị Tú Minh (Hòa Lan), ông Nguyễn Văn Thế (Hòa Lan) và ông Đoàn Xuân Kiên (Anh Quốc) soạn theo phương pháp giáo dục mới của Hòa Lan.

Người Hòa Lan muốn học tiếng Việt có thể theo học các khóa tiếng Việt của ông Ngô Thụy Trúc Lâm trong trường đại học Den Haag. Bà Bùi Tố Nga phụ trách môn Việt ngữ và Văn hóa Việt Nam tại trường cao đẳng ở Rotterdam.

2. Tự điển:

Đầu thập niên ’80 hai ông Trương Văn Bình và Trương Quang đã soạn được cuốn tự điển Việt Nam-Hòa Lan/Hòa Lan-Việt Nam tạm đủ cho nhu cầu cấp bách. 10 năm sau, ông Trương Văn Bình cùng một nhóm soạn giả Việt Nam và Hòa Lan đã biên soạn được cuốn tự điển cùng tên, nhưng đầy đủ hơn (600 trang).

3. Chùa Vạn Hạnh:

Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan sau gần 10 năm tích cực vận động, đã mua một trang trại ở làng Nederhorst den Berg và tu sửa lại thành ngôi chùa đầu tiên của người Việt ở Hòa Lan. Chùa Vạn Hạnh bắt đầu sinh hoạt từ 1993. Với đà phát triển trong sinh hoạt của chùa, vài năm sau đó Hội PGVN/HL đã phát động thêm một phong trào gây quỹ xây một ngôi chùa mới khang trang hơn. Gần 20 năm sau (2012), ngôi chùa mới đã được khởi công tại thành phố Almere. Chùa nằm sát ga xe lửa và có bãi đậu xe công cộng. Năm 2015 chùa Vạn Hạnh đã chuyển mọi sinh hoạt về địa điểm này. Trụ trì chùa Vạn Hạnh là Hòa Thượng Thích Minh Giác. Hòa Lan là một trong rất ít nơi những người Việt đã tự tay 2 lần xây chùa để giảm thiểu tốn phí đến mức tối đa. Chùa Vạn Hạnh đã thành công ở chỗ những buổi lễ tôn giáo hiện nay có thể coi là những ngày lễ hội mang nét văn hóa Việt. Website của Hội PGVN/HL: http://www.vanhanhpagode.nl

4. Tượng đài thuyền nhân:

Sau 3 năm vận động tích cực qua những chiến dịch kêu gọi, văn nghệ gây quỹ v.v., Ủy Ban Vận Động Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân do bà Nguyễn Thị Như Tuyết cùng một nhóm tình nguyện viên lập ra, vào năm 2016 đã hoàn thành công trình xây dựng tượng đài thuyền nhân trong một khoảnh đất do chùa Vạn Hạnh hiến tặng. Tượng đài sau đó đã được Ủy Ban Vận Động trao lại cho AVVN. Tạm thời mỗi năm vào tháng 9 có một buổi lễ tưởng niệm thuyền nhân tại nơi đặt tượng.

5. Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng Hòa Lan và những cuộc đi bộ vinh danh cờ vàng:

Mỗi năm vào ngày thứ ba của tuần thứ 3 trong tháng 7, Hòa Lan tổ chức cuộc đi bộ 4 ngày tại Nijmegen (cuộc đi bộ quốc tế nhiều ngày lớn nhất thế giới) với sự tham dự lên đến 50.000 người (mức tối đa theo quy định). Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng Hòa Lan đã tham dự cuộc đi bộ này kể từ năm 2005, mang theo cờ Việt Nam Cộng Hòa suốt chặng đường 160km. Những người kiên trì nhất trong nhóm là các ông Lưu Phát Tấn và Trần Hữu Sơn. Nhóm đã mời được một số người Hòa Lan cùng chung tham dự và giương cao cờ vàng suốt chặng đường. Ông Lưu Phát Tấn cũng nhiều lần tham dự cuộc đi bộ Kennedymars dài 80km, cũng với cờ vàng. Website của nhóm: https://vinhdanhcovang.wordpress.com

6. Chả giò Việt Nam (Vietnamese loempia) và bánh mì thịt xâm nhập văn hóa ẩm thực Hòa Lan:

Vào khoảng năm 1983, một số người Việt đã nẩy ra sáng kiến làm chả giò Việt Nam và bán trong những sạp lộ thiên trong chợ như một món ăn chơi. Do nhiều lý do, món chả giò này được mang tên Vietnamese loempia, lớn như chiếc hotdog, nhân có độn nhiều rau và chấm nước sốt ớt. Sạp chợ dần dần được cải tiến thành xe lưu động. Những người đi tiên phong trong việc giới thiệu loempia đến người Hòa Lan có thể kể gia đình các ông Nguyễn Văn Xứng, Bùi Công Hải, Phạm Đức Súy v.v. và dĩ nhiên Trịnh Vĩnh Bình với danh hiệu “vua chả giò”. Du khách thăm Hòa Lan có thể thấy những xe bán Vietnamese loempia ở khắp các khu phố lớn nhỏ. Vietnamese loempia dần dà cạnh tranh được với khoai tây chiên, pizza…, chúng có mặt trong rất nhiều siêu thị, và hiện tại là một món snack phổ thông trong các dịp tiếp tân của mọi giới. Sau Vietnamese loempia, người Việt ở Hòa Lan đang cố gắng giới thiệu món bánh mì kẹp thịt với nhiều thành công đáng kể. Trong khi đó, món Phở, sau nhiều thập kỷ, vẫn chưa tạo được một chỗ đứng xứng đáng trong ẩm thực Hòa Lan.

IV. Các đóng góp của cá nhân riêng lẻ cho sinh hoạt văn hóa văn học ở Hòa Lan

Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng, một con chim đầu đàn trong phong trào Du Ca, sau khi tị nạn ở Hòa Lan, vẫn tiếp tục sáng tác nhạc và sinh hoạt với Du Ca trên toàn thế giới.

Ông Cao Xuân Tứ đã dịch khoảng 10 tác phẩm văn học Hòa Lan ra Việt ngữ. Ông Nguyễn Thanh Hùng và vợ (Bùi Tố Nga) đã dịch một số sách thiếu nhi của Hòa Lan ra Việt ngữ.

Họa sĩ Thái Tăng An đã thực hiện nhiều bìa sách cho các tác phẩm của người Việt tại Hòa Lan và Hoa Kỳ.

Ông Bùi Năng Phán trong thập niên ’80 đã cùng các ban đại diện địa phương vận động với thư viện tại một số thành phố có đông người Việt để họ đưa sách báo Việt ngữ vào tủ sách của thư viện.

Một số bạn trẻ đã tạo được ít nhiều tên tuổi trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở Hòa Lan như Minh Vũ (entertainment, chuyến vượt biên của anh đã được dựng thành nhạc kịch), Nhung Đàm (diễn viên, kịch nghệ, nhà văn nữ được giải văn học của Hòa Lan)…

Trên đây chỉ là một ít thí dụ những điểm nổi bật mà người Việt tị nạn đã đóng góp cho văn hóa xứ hoa tulip. Ngoài ra, còn nhiều cây bút thường xuyên góp mặt trong sinh hoạt sách báo trong và ngoài Hòa Lan. Về Văn, có thể kể Nguyễn Lê Hồng Hưng, Topa, Nguyễn Thị Vành Khuyên, Cao Xuân Tứ, Nguyễn Hoàn Nguyên, Nguyễn Hiền, Nguyễn Thanh Hùng, Đào Quốc Bảo, Võ Đức Tiến, Nguyên Ngôn, Đỗ Văn Bùi, Thế Truyền, Trúc Hà, Nhược Trần v.v.. Thơ có Biển Bắc, Cao Xuân Tứ, Miên Thụy, Nguyễn Hoàn Nguyên, Nguyễn Khảng, Phạm Kim Luân, Lâm Việt Tùng v.v.. Cũng nên kể thêm ông Lê Quý An, người đã khởi xướng phong trào karaoke nhạc Việt, với danh hiệu “vua karaoke”, vốn là một thuyền nhân cư ngụ ở Hòa Lan.

V. Kết luận

Hòa Lan là một nước nhỏ, số người Việt định cư không nhiều nhưng thế hệ người Việt tị nạn đã tạo nên được một số nét đặc thù trong xã hội Hòa Lan. Hội Tết, tượng đài thuyền nhân, chả giò v.v… là những thí dụ. Cố gắng lớn nhất của người Việt tại Hòa Lan trong những thập niên đầu là những nỗ lực làm cho người Hòa Lan thay đổi (phần nào) cái nhìn về Việt Nam Cộng Hòa. Rất tiếc, tuyệt đại đa số các hội đoàn người Việt tại Hòa Lan đang rơi vào tình trạng ngủ đông, lý do chính là nguồn tài trợ của chính phủ cho các hội đoàn đã chấm dứt từ năm 2000. Cộng thêm vào đó là những sinh hoạt suốt 40 năm không có sự cải tiến đã đưa đến nhàm chán nơi nhiều người. Ngoài ra, người Việt cũng không thấy có nhu cầu cần nương tựa vào nhau nữa, khi họ đã hội nhập vào xã hội, và mạng internet cùng du lịch Việt Nam đã giải quyết được phần lớn nhu cầu tình cảm của họ.

.

Nguyễn Hiền

(Trích từ "Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại", Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris xuất bản - 2022)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/vainetvesinhhoat.html


Cái Đình - 2022