Nguyễn Hiền


Triển lãm tranh Johannes Vermeer có một không hai

Phòng triển lãm trước ngày khai mạc. Hình: Henk Wildschut/Viện Bảo tàng Rijksmuseum

Sau 8 năm điều đình, Viện Bảo tàng Quốc gia (Rijksmuseum) tại thủ đô Amsterdam (Hòa Lan) đã thành công trong việc tổ chức một cuộc triển lãm tranh của nhà danh họa Johannes Vermeer với nhiều tác phẩm nhất của ông – 28 trong số 37 bức tranh hiện còn được giữ từ khắp nơi trên thế giới.

Johannes Vermeer (1632 - 1675) là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của thời Hoàng kim Hòa Lan, vào thế kỷ 17, khi quốc gia này phát triển rực rỡ trong các ngành khoa học, mậu dịch, quân sự và nghệ thuật. Ông chuyên vẽ những bức tranh sơn dầu tả đời sống hiện thực, những sinh hoạt thường ngày của dân chúng, thường là những sinh hoạt giữa bốn bức tường hoặc sau màn cửa. Một số y phục và bàn ghế, vật dụng trong nhà được ông lập lại trong một số bức tranh, có lẽ ông muốn vẽ một nhân vật có liên hệ nào đó với ông, và lấy những vật dụng thân quen có sẵn trong nhà làm hậu cảnh. Ông vẽ rất tỉ mỉ từng chi tiết rất nhỏ, và cũng vì thế rất lâu mới có được một tác phẩm mới. Tính ra mỗi năm ông chỉ cho ra đời 2 hoặc 3 bức tranh. Những năm cuối đời, do ảnh hưởng của thời cuộc (chiến tranh) làm thị trường tranh sụp đổ, ông sống trong thiếu thốn vì đông con và tiền bán tranh không đủ nuôi sống cả gia đình. Hoàn cảnh khổ cực đã làm ông suy sụp và qua đời, để lại gần 40 bức tranh, mà cho tới cuối thế kỷ 19 người ta mới khám phá ra tài năng của ông qua những bức họa còn tìm thấy được.

Ông là bậc thầy trong nghệ thuật làm đông cứng một khoảnh khắc, qua cách diễn tả ánh sáng hắt xuống và bóng nắng của vật thể trong tranh, cho người xem cảm giác như thấy nhân vật đang ‘sống’, và cũng thấy được thêm chiều sâu của bức tranh. Được như vậy là vì ông có con mắt quan sát rất kỹ từng chi tiết nhỏ của những vật ông vẽ (người ta nghĩ ông có thể đã dùng những phương tiện chụp ảnh thời xưa giúp đỡ). Để thêm sống động, ông thường dùng những chấm nhỏ thay cho đường cọ. Ông còn chịu khó dùng nhiều màu cực kỳ đắt tiền trong thời ấy, như màu lam thẫm của ngọc lưu ly (lazurite) từ Afghanistan, hoặc màu vàng chói – là một muối chì. Những màu này không bị phai theo thời gian. Có thể đó là những quà tặng của bạn bè mến tài ông. Màu xanh trong tranh của Rembrandt bị phai màu cũng vì họa sĩ đã dùng những màu rẻ tiền hơn.

Hai bức tranh nổi tiếng nhất của ông là ‘Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai’ (Het meisje met de parel – vẽ khoảng năm 1665) và ‘Cô gái rót sữa’ (Het melkmeisje – vẽ khoảng năm 1657-1661). Những bức tranh của ông hiện nay nằm rải rác trong các bộ sưu tập của viện bảo tàng hoặc của tư nhân ở Hòa Lan, Anh, Pháp, Đức, Áo, Ái Nhĩ Lan, Nhật và Hoa Kỳ. Để có được sự chấp thuận của chủ nhân những bức tranh này cho phép được triển lãm – dù chỉ trong vòng 4 tháng, là một kỳ công, chưa kể những xếp đặt cho việc chuyên chở và tiền bảo hiểm.

Một số tranh khác đã không thể góp phần trong cuộc triển lãm, hoặc vì chúng có thể bị hư hại khi vận chuyển, hoặc do điều kiện của chủ nhân đưa ra khi tặng cho viện bảo tàng là không bao giờ được mang ra khỏi viện bảo tàng, và bức tranh De Concert đã bị mất trộm năm 1990 mà chưa tìm lại được.

Những bức tranh của Vermeer có kích thước không lớn. Để ngăn ngừa sự phá hoại, chúng được đặt phía sau khung kính đặc biệt. Người xem, ngoài những giới thiệu tại chỗ, khi về nhà còn có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời của họa sĩ, cùng những chi tiết trong các bức họa, được phóng lớn với lời giải thích qua link: https://www.rijksmuseum.nl/nl/johannes-vermeer (muốn xem chi tiết các họa phẩm, bấm vào ‘Ontdek zelf’, ‘Uitleg sluiten’, sau đó bấm vào bức tranh nào muốn xem phóng đại).

Phóng đại hình viên ngọc trai trong bức tranh ‘Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai’.
Hình của Viện Bảo tàng Rijksmuseum

Cuộc triển lãm được thực hiện tại Viện Bảo tàng Quốc gia (Rijksmuseum) tại Amsterdam, từ 10/02/2023 tới 04/06/2023. Tuy nhiên, tất cả 450.000 vé vào cửa đã bán hết trước ngày khai mạc. Riêng bức tranh ‘Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai’ chỉ được trưng bày trong cuộc triển lãm này đến hết ngày 30/03, vì sau đó phải hoàn trả cho chủ nhân, là Phòng tranh Hoàng gia Mauritshuis ở Den Haag.

 

Nguyễn Hiền

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/trienlamtranhjohannesvermeer.html


Cái Đình - 2023