Trần Ngọc
Pele Nguyen: “Hãy theo tiếng gọi của trái tim kèm theo sự sáng suốt của bạn”
Võ sĩ người Hà Lan gốc Việt Pele Nguyễn (47 tuổi) đã đi một con đường đặc biệt đến đỉnh cao của giới chuyên nghiệp trong môn võ Nhu thuật Brasil (Brasilian Jiu Jitsu). Là nhà vô địch thế giới và là huấn luyện viên của một trong những môn võ thuật có mức đòi hỏi khắt khe nhất thế giới, anh nói chuyện với tạp chí Men’sHealth về chặng đường trong cuộc đời của mình và những hiểu biết sâu sắc mà anh đã đạt được trong suốt chặng đường đó.
*
Pele, bạn có khỏe không?
Tốt, bận rộn, tôi đang chuẩn bị cho các buổi tập luyện của mình và cho cuộc tranh tài ở Orlando sáng ngày mốt.
Bạn là vô địch thế giới, thêm hai lần vô địch Âu châu và vô địch Pan Ams về Nhu thuật Brasil. Trong năm nay, cho tới giờ, bạn cũng đã thắng tất cả các trận đấu lớn. Đúng là thành công. Bạn đã khởi đầu như thế nào?
Vào thập niên ’80 tôi cùng với ba má và cô em trốn khỏi Việt Nam. Ba tôi hồi trước chiến đấu trong quân đội miền Nam Việt Nam chống lại cộng sản Bắc Việt. Tới khi miền Nam Việt Nam cũng thành cộng sản, ba má tôi rơi vào một hoàn cảnh ngặt nghèo. Chúng tôi vượt biển và trôi nổi ba ngày trên biển cả trong một chiếc ghe nhỏ cùng với bảy mươi người. Cuối cùng ông thuyền trưởng của chiếc tàu Hà Lan Nedlloyd đã cứu vớt chúng tôi. Chúng tôi có cơ hội làm cuộc đời thứ hai. Cũng chính vì chuyện đó mà ba má tôi muốn là tôi phải làm hết sức mình để thành công. Ông bà đã từng muốn tôi trở thành nha sĩ hoặc bác sĩ, nhưng trong tôi có ngọn lửa khác đang cháy: tôi muốn làm chuyện gì đó về thể lực. Từ khi còn nhỏ tôi đã mê thích võ thuật. Cuối cùng tôi chọn cách trở thành huấn luyện viên Nhu thuật Brasil và sinh sống bằng võ thuật.
Bạn có nghĩ mỗi ngày về những gì bạn đã trải qua không? Và như bạn nói, có phải bạn đã được ban cho cuộc đời thứ hai không?
Tôi thấy may mắn vì ông thuyền trưởng người Hà Lan đã cứu chúng tôi và mang lại cho chúng tôi một cuộc sống mới. Bây giờ ba má tôi đều đã lớn tuổi nên tôi suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩa cuộc đời. Trước khi tôi quyết định theo học trường Nhu thuật Brazil và trở thành một võ sĩ Jiu Jitsu chuyên nghiệp, tôi đã tốt nghiệp ngành Công Nghệ Thông Tin. Tôi đã đi thực tập và nhận lãnh các dự án, nhưng niềm đam mê võ thuật của tôi vẫn còn. Là một huấn luyện viên, tôi giúp mọi người sống cuộc sống ngay thẳng hơn. Tôi thấy họ trở nên kiên cường hơn về thể chất lẫn tinh thần. Điều đó mang lại cho tôi sự hài lòng lớn lao. Đó là cách tôi cống hiến điều gì đó trở lại, cho xã hội Hà Lan.
Ba má bạn phản ứng ra sao với quyết định của bạn là không muốn thành nha sĩ hoặc bác sĩ?
Ông bà gần như phát khùng khi tôi nói là tôi muốn thành võ sư. Ông bà sợ là nếu theo đường đó tôi không thể xây dựng tương lai được. Ở Hà Lan ba má tôi phải bắt đầu từ dưới cùng và đi lên. Ở Việt Nam má tôi khi trước là giáo sư Pháp văn, ba tôi là kỹ sư trong quân đội. Ở Hà Lan ông bà không thông thạo ngôn ngữ mặc dù có học vấn cao. Ông bà không muốn con cái mình sẽ phải chịu giống như vậy. Khi tới Hà Lan, tôi được ba tuổi, do đó tôi không biết gì khác ngoài nước này. Vậy mà tôi vẫn cứ đứng một chân ở Việt Nam và một chân trên văn hóa phong tục Hà Lan; tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng ba má tôi nuôi dưỡng tôi theo cách Việt Nam. Trong nhà, tôi sống trong khung cảnh Việt Nam, ra ngoài tôi sống theo văn hóa Hà Lan. Cả hai nếp sống đã tạo nên con người như tôi hiện giờ.
Bằng cách nào bạn đã đi theo Nhu thuật Brasil?
Trước tiên tôi theo cả Jiu Jitsu Brasil lẫn môn công phu của phái Vịnh Xuân. Tôi thấy cả hai đều hay, nhưng bên Nhu thuật Brasil bạn có thi đấu mà tôi thì có nhu cầu này. Tới một lúc nào đó tôi phải chọn lựa: bên nào tôi muốn tiến bộ thêm và nơi đâu sẽ cho tôi nhiều thích thú nhất.
Vì sao bạn có nhu cầu thi đấu?
Những cuộc thi đấu, với tôi, là một lối thoát mà qua đó tôi cố gắng đưa mọi thứ trong cuộc sống của mình vào đúng chỗ. Tôi luôn cảm thấy thoải mái về mặt thể chất hơn là qua lời nói. Có thể nói là, khi tôi hoạt động thể chất, tôi có thể trút gánh nặng của mình tốt hơn. Với người Hà Lan bạn có thể vô tư nói những gì chất chứa trong lòng, nhưng trong văn hóa Việt bạn khó bày tỏ những gì bạn đang mang trong lòng hoặc những khó khăn bạn gặp phải. Cũng có thể những chấn thương trong cuộc trốn thoát của tôi khỏi Việt Nam có dự phần trong đó. Vì điều này, tôi cũng thích đánh giá bản thân mình với người khác thông qua yếu tố tranh đua.
Bạn nghĩ thể lực đóng vai trò gì trong việc tìm ra một chỗ trên thế giới cho bạn?
Nó chủ yếu cho thấy những điểm tích cực và tiêu cực mà bạn thể hiện, bởi vì bạn không còn có thể giả bộ trên sàn đấu nữa. Bạn nhận được phản hồi về con người thực sự của bạn. Bạn có biết đập tay chịu thua một ván hay là bạn cứ tiếp tục chịu đựng cho đến khi ngất xỉu? Bạn phản ứng thế nào về mặt tinh thần khi bị căng thẳng về thể chất? Nếu bạn biết mình phản ứng thế nào khi biết điều gì đang đến trên thảm đấu, bạn có thể áp dụng điều đó vào cuộc sống hàng ngày của mình. Biết khi nào nên buông bỏ là điều cần thiết, cả trên thảm tranh tài và trong cuộc sống. Trong quá trình tập đấu, bạn thường thấy các võ sinh bám chặt vào bộ đồ của đối thủ một cách tuyệt vọng, ngay cả khi điều đó làm suy yếu vị trí của họ. Điều tương tự cũng xảy ra trong các mối quan hệ hoặc các dự án kinh doanh: vì sợ mất mát, chúng ta muốn giữ chặt những thứ chúng ta đã đầu tư vào. Cách giải quyết của Nhu thuật Brasil là biết chủ động chấp nhận những giới hạn và sự thua kém, một bài học quý giá cho cuộc sống.
Năm 2019 bạn tuyên bố là bạn muốn thành vô địch thế giới. Bây giờ mọi chuyện ra sao rồi?
Yếu tố thi đấu cho tôi một mục đích cụ thể: tôi ghi tên dự một cuộc tranh tài và làm việc với sự chú tâm vào đó. Đó là cây gậy thúc vô đít và nó cho tôi hướng đi. Trong Nhu thuật Brasil có hai loại: bạn đấu sức trong bộ kimono hoặc không mặc kimono, tiếng trong nghề là ‘Gi’ hoặc ‘No-Gi’. Nếu bạn thượng đài với bộ kimono, bạn có thể túm chặt nó và dùng nó làm phương tiện để hạ đối thủ. Còn trong No-Gi, bạn chỉ mặc quần cụt và áo thun bó sát người (rash guard), bạn không được phép dùng y phục như một chiến lược. Đó là một phương cách hoàn toàn khác với so tài trong bộ kimono. Lúc đó tôi muốn là trong vòng mười năm sẽ là vô địch thế giới về Nhu thuật Brasil, bộ môn Gi. Mục đích này tôi chưa đạt được. Trên con đường tới mục đích cuối cùng này tôi đã chiếm được nhiều giải, và trong bộ môn No-Gi hiện giờ tôi đã là vô địch thế giới, cho dù đó không nằm trong kế hoạch của tôi.
Chuyện này nghe có vẻ gần như ngẫu nhiên.
Đúng mà cũng không đúng. Trong mắt tôi đó là một phần của mục đích cuối cùng. Trên đường tới đó bạn đề ra những mục đích phụ, chúng cần thiết để đạt được mục đích tối hậu bạn nhắm tới. Thêm vào đó: bạn không thể từ số không vọt lên hàng đầu, chuyện đó bạn phải làm từng bước một. Những bước của tôi bao gồm trước hết tôi phải trở thành thật giỏi ở Hà Lan, sau đó là ở Benelux, sau nữa là Âu châu và tiếp theo là mức thế giới. Cùng lúc, đó cũng là một cuộc du hành tự khám phá mình. Vào năm 28 tuổi, tôi bắt đầu với Nhu thuật và từ khi mang đai trắng cho tới bây giờ, đai đen, tôi tham dự những cuộc tranh tài. Cho tới giờ tôi đã trải qua hơn 400 trận đấu. Mặc dù tôi chỉ mới bắt đầu các cuộc thi đấu chuyên nghiệp khi đã lớn tuổi, nhưng bây giờ tôi biết làm sao để đạt được kết quả rất tốt. Tôi hy vọng, qua đây, tôi truyền cảm hứng được cho mọi người.
Bạn đối phó với những trở ngại trên con đường dẫn tới mục đích vô địch thế giới ra sao, cả về mặt tinh thần lẫn thể chất?
Qua những thử thách đã gặp, tôi hiểu biết về chính mình mỗi ngày mỗi rõ hơn. Trong thời gian chuẩn bị một cuộc thi đấu, tôi vẫn thường gặp phải những cơn tăng adrenaline đột biến, nó có thể làm cho tôi tái nhợt cả người; hoặc ý tưởng muốn bỏ chạy thật nhanh ngay lúc phải chạm trán. Tôi đã học được cách chế ngự chúng. Những chuyện này xảy ra ở giai đoạn trước khi vào cuộc, nó không có ảnh hưởng xấu nào trong những thành quả gặt hái được suốt trong trận so tài. Những trải nghiệm như thế cho tôi biết định hướng và giúp tôi nuôi dưỡng tinh thần và thể lực lớn mạnh thêm.
Làm thế nào để bạn luôn có động lực, ngay cả sau nhiều cố gắng?
Giản dị thôi. Mục đích tối hậu của tôi là vô địch thế giới bộ môn GI và tôi không bỏ cuộc. Thực ra tôi đã ba lần thử sức nhưng chưa được. Trong quãng thời gian khởi nghiệp võ, tôi đã có khi phát bệnh cả tuần khi bại trận. Giờ thì tối đa chỉ năm phút, sau đó tôi lại tiếp tục và xem xét lại trận đấu của mình. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội khi nào? Lần tới tôi có thể làm gì để được hơn thế? Tôi cần phải phát triển hoặc mài giũa những kỹ năng nào? Cuối tháng 8 này tôi lại tham dự cuộc tranh tài Quốc tế Nhu thuật Brasil cho World Master (bậc Thượng Thừa Thế Giới) ở Las Vegas. Tôi ước lượng cơ hội của mình ngày một lớn hơn vì tôi đã thắng những cuộc thi tài hàng đầu khác trong năm nay, như giải Pan Ams và giải Âu châu.
Pele Nguyen vô địch giải Pan Ams 2023
Bạn có xem xét thành quả của bạn bằng cách phân tích kỹ lưỡng không?
Tôi thích những môn khoa học chính xác, như tính toán – với tôi phải là hoặc 0 hoặc 1, trắng hay đen. Như vậy câu trả lời là: đúng như thế.
Bạn đối phó thế nào trong những trường hợp không rõ ràng trắng đen?
Sự trưởng thành của tôi bắt đầu từ năm 1997, khi tôi là huấn luyện viên, là cả một kho báu vô giá. Qua hàng trăm võ sinh mỗi người mỗi khác, tôi xem mỗi cá nhân như một cuộc cờ phức tạp đang diễn ra. Mục đích vẫn là như thế này: cố gắng làm sao chiếu bí đối thủ. Có vô vàn cách, trong khoảng xám giữa trắng và đen. Nhu thuật Brasil như đánh cờ bằng tay chân, trong đó bạn phải suy nghĩ dùng chiến thuật và áp dụng sức mạnh tùy theo mức độ, từ phi bạo lực một cách có kiểm soát, cho tới những thế khóa tay hay chẹt cổ. Học cách chịu thua, đó là một khía cạnh thiết yếu của môn võ này, vì nó dạy cho bạn chơi cờ ở những mức khác nhau của bạo lực, từ mức tinh tế cho đến mức vũ bão, tùy theo tình thế và mục đích.
Ý của bạn là bạn có thể học cách lựa chọn tùy theo tình thế mà phản ứng?
Chắc chắn là như vậy. Trong Nhu thuật Brasil, mọi mặt nạ đều rơi rụng. Nếu bạn lần nào cũng bị khóa cứng, bạn có thể chọn thôi không đấu nữa, hoặc bạn cũng có thể tự hỏi vì sao lần nào mình cũng bị chế ngự và làm sao để có thể tiến bộ được. Tiếp theo đó bạn có thể mang những kiến thức này vào những khía cạnh khác trong cuộc đời của bạn.
Bài học nào những võ sinh của bạn thường gặp nhất trong những buổi tập luyện với bạn?
Đó là Nhu thuật làm cho bạn thành khiêm tốn. Lần này bạn thắng, thì lần khác bạn thua. Chuyện này chẳng có dính dáng gì đến số lượng cơ bắp bạn có, tài khoản ngân hàng của bạn nhiều hay ít hoặc bạn đang đeo đồng hồ hiệu gì. Cho dù bạn có luyện tập thể lực mười năm và thật lực lưỡng, nhưng một tên chỉ nặng bằng phân nửa bạn thôi, cũng có thể chẹt cổ bạn bằng Nhu thuật.
Chẹt cổ nghe ra không hứng thú bao nhiêu.
Nhu thuật Brasil là làm sao đè đối phương xuống đất, dùng sức chế ngự hắn để cuối cùng tới mức phải đầu hàng qua các thế khóa chân khóa tay hoặc chẹt cổ. Vì thế, bóp cổ đối thủ là điều bạn muốn đạt được. Không cần phải để chuyện đi xa tới mức này, đó là tùy bạn thôi. Bạn có thể chọn cách đập tay chịu thua, hoặc cứng đầu cố gắng chịu để rồi bất tỉnh? Vào những lúc như thế, mặt nạ rơi ra hết. Bạn sẽ tìm thấy những gì còn lại trên tấm thảm đấu: cho dù bạn có tài giỏi tới đâu đi nữa, cũng sẽ có kẻ làm bạn phải đầu hàng. Nó giúp cho mọi người thành khiêm tốn.
Có phải đó cũng là điều bạn muốn truyền đạt đến các võ sinh của bạn?
Cái đó tự Nhu thuật Brasil mang tới. Tôi thấy mình chỉ như một bậc thang trong cuộc đời của người khác; tôi chỉ là một giai đoạn tạm thời. Người nào tới tôi để theo học đều có một động lực riêng: một khía cạnh xã hội, muốn được tự tin hơn, thành một người giỏi võ nghệ hơn. Khi nào một người còn theo học tôi, tôi muốn truyền năng lực cho họ để họ có thể tiến bộ trong lãnh vực họ muốn tiến thân. Sau đó họ phải đi tìm kiếm cái gì mới, vì mỗi người đi trên hành trình riêng của họ. Thời mới khởi đầu, tôi gặp khó khăn trong chuyện đó, nó làm tôi đau buồn khi thả cho môn sinh của mình theo con đường của họ. Giờ thì tôi nghĩ: thời gian ở với tôi đã chấm dứt, hãy đi tìm một bậc thang tiếp theo.
Nghe câu này thấy gần như triết lý về tâm linh.
Chắc chắn là thế rồi. Đó cũng là một dòng tư tưởng. Ai nấy đếu có một câu chuyện và mỗi người đều tìm kiếm một cái gì đó, có những người sẽ không bao giờ tìm thấy nó, người khác thì thấy được một chút. Đó là ý nghĩa của cuộc sống. Và nó bắt đầu bằng sự có một mục đích, một hướng đi và sự thực hiện. Tiếp theo là bạn sẽ tự hỏi: phải chăng đây là điều mà tôi thực sự muốn làm, thế rồi bạn có thể lại sửa đổi mục đích một chút. Phương châm của tôi là: hãy theo tiếng gọi của trái tim, kèm theo sự sáng suốt của bạn.
Ba má bạn đã từng nói: làm sao đạt cho bằng được mức cao nhất con có thể làm và hãy học thành nha sĩ hoặc bác sĩ. Còn bạn thì nói: theo tiếng gọi của trái tim. Có nhiều khác nhau ở đây không?
Ba má tôi bây giờ hoàn toàn ủng hộ tôi. Giờ đây tôi cũng hiểu ra là ông bà lo khi thấy tôi muốn thành huấn luyện viên võ thuật, vì làm sao tôi có thể nuôi nổi gia đình bằng nghề đó? Tôi bước vào sự nghiệp võ thuật năm 28 tuổi. Bây giờ thì mọi chuyện tốt đẹp, nhưng tôi cũng có những tháng ngày rất khó khăn. Vợ tôi gọi điện nói tôi đi mua trứng, nhưng khi đó tôi không có đủ tiền. Quãng đời đó đã dạy tôi rất nhiều. Đã có nhiều người lớn tiếng hỏi tôi đang làm cái trò gì thế. Nhưng điều quan trọng là đi theo tiếng gọi của con tim bạn thay vì theo đám người bu chung quanh. Nơi đâu có lửa thì rất thường có nhiều người muốn đổ cát lên. Chỉ khi nào ngọn lửa đủ lớn thì nó mới có thể bùng lên được.
Bạn cũng cần sự giúp đỡ để đạt được mục đích chứ.
Đúng vậy. Tôi cũng không nghĩ là tôi có thể một mình làm mọi chuyện được. Bạn cần sự giúp đỡ về mặt tinh thần, những tấm gương sáng quanh bạn cho thấy là có thể làm được. Nếu những người chung quanh bạn không tin bạn thì bạn cần phải thật vững mạnh nữa để có thể đứng vững. Không có sự nâng đỡ của vợ tôi thì tôi sẽ gặp khó khăn nhiều hơn thế. Cho dù mọi chuyện có thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn luôn thấy ngọn lửa đó. Tôi rất cám ơn vợ tôi về điều đó.
Có khi nào, trong cuộc đời, bạn gặp phải một bước ngoặt nhờ có Nhu thuật Brasil?
Chắc chắn là có. Phần lớn nó nằm trong lãnh vực mục đích và ý nghĩa cùng sự nhận thức được là tôi phải đi từng chặng để đạt được mục đích tối hậu. Tất cả những gì tôi làm đều phải hướng về đó. Mục đích không rõ ràng sẽ dẫn tới kết quả mù mờ. Chỉ nói là bạn muốn trở thành vô địch thế giới, đó là quá lơ mơ. Khi nào bạn muốn đạt điều đó? Chính xác là trong bộ môn nào? Bằng chuyện thấy nó thật rõ ràng như ở trước mắt, tôi thấy những gì nên làm và những gì vô ích trên con đường đi tới mục đích.
Khi nào thì sự tự luyện tập của bạn được coi như thành công?
Khi tôi đã chú tâm tiếp thu những kỹ năng mới và sau đó có thể thể hiện chúng trong một cuộc thi đấu thì tôi thấy đó là điều rất tốt đẹp. Cũng như sau mỗi một cuộc chơi game ta phải lên thêm một nấc cao hơn, thì tôi muốn phát triển thêm những đòn mới. Nếu không thì đối thủ sẽ biết chính xác tôi sẽ làm gì. Trong một trận đấu là việc tính toán từng ly, từng giây để có được sự quyết định. Nếu mọi chuyện thành công thì… thật quá đã.
Bài học quan trọng nhất mà bạn đã tự thu thập được và muốn truyền đạt lại cho các độc giả bài phỏng vấn này là gì?
Làm cật lực, tận hưởng cuộc hành trình, đón nhận tất cả mọi điều cả tốt lẫn xấu. Chẳng có gì phải bận tâm.
Nguyên tác: Pele Nguyen: ‘Volg je hart met je verstand erbij’. Nathalie van Meurs. Men’sHealth, số 7/2024 (ấn bản tiếng Hà Lan)
Người dịch: Trần Ngọc
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/pelenguyenhaytheotienggoi.html