Cái Đình


Lễ tưởng niệm Quốc hận 30/04 lần thứ 48 (2023)

.

Vào chiều chủ nhật 30/04/2023, buổi lễ tưởng niệm Ngày Quốc hận (30/04) đã được Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan cùng một số hội đoàn (trong đó Cơ sở Việt Tân Hòa Lan và Gia đình Quân Cán Chính VNCH tại Hòa Lan giữ vai trò chính) tổ chức tại khu vực đặt tượng đài thuyền nhân trong khuôn viên chùa Vạn Hạnh ở Almere.

Sau phần chào cờ/mặc niệm là những phút trang nghiêm trong nghi thức dâng hương nơi bàn thờ tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, phó chủ tịch ngoại vụ CĐVNTNCS/HL nhắc lại những giây phút cuối cùng của 5 vị tướng đã tuẫn tiết chứ không chịu buông súng đầu hàng trong ngày mất nước.

Lễ dâng hương (trái) và ông Lưu Phát Tấn, Phó CT Nội vụ CĐ đọc diễn văn khai mạc (phải)

Hòa Thượng Thích Minh Giác sau đó đã cùng sư chú Hạnh Đức và nhóm Phật tử cử hành nghi thức cầu nguyện, đọc kinh và chú đại bi, cầu cho hòa bình đến được trên toàn thế giới và không còn những cảnh bức hại, bóc lột.

Trong phần nói về ý nghĩa của ngày 30/04, ông Nguyễn Hữu Phước, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan đã trình bày những lý do vì sao chúng ta phải luôn cố gắng gìn giữ và tưởng nhớ ngày 30/04. Trong phần phát biểu, ông nhắc lại những gì ông đã trả lời cho một vài đồng hương có thắc mắc vì sao CĐVNTNCS/HL vẫn hằng năm tổ chức tưởng niệm ngày 30/04, nhắc lại biến cố đau buồn của quá khứ, bằng giải thích như sau:

Chúng ta tổ chức lễ tưởng niệm biến cố 30-04 hằng năm là để, thứ nhất, nhắc nhớ cho tất cả con dân Việt tộc (không riêng gì cho người Quốc Gia mà kể cả người Cộng Sản) về một giai đoạn lịch sử đen tối, đau đớn, tang thương nhất trong lịch sử nước ta từ trước tới nay. Vì rằng, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Dân tộc ta sống trên dải giang sơn gấm vóc từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, chúng ta có cùng chung một ngôn ngữ và chia sẻ gánh vác với nhau cùng một lịch sử oai hùng. Thế mà, chúng ta lại rơi vào cảnh “huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt”. Cuộc chiến tranh đẫm máu 20 năm đã là một mất mát lớn lao cho dân tộc, nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Cho đến khi tiếng súng chấm dứt, chiến tranh không còn nữa, thì kẻ chiến thắng đã đối xử với người chiến bại một cách tàn tệ, khiến cho hằng triệu người phải lìa bỏ quê hương. Ra đi trên chiếc thuyền mong manh, 10 phần chỉ có một phần sống, 9 phần còn lại giao cho số phận, cho đói khát bệnh tật, cho những cơn sóng dữ và hải tặc trên biển cả mênh mông. Vết xe đổ đau đớn này phải được nhắc nhớ, rồi truyền cho các thế hệ đời sau và nó phải mãi mãi KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC PHÉP TÁI DIỄN TRÊN QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA LẦN NÀO NỮA.

Lý do thứ hai mà chúng ta tổ chức tưởng niệm biến cố 30-04 hằng năm là để góp phần mang lại công bằng và sự thật lịch sử. Bởi lẽ, những đứa bé sinh ra vào cuối tháng tư 1975 thì nay đã ở vào tuổi trung niên. Trong suốt 48 qua các em đã bị nhồi nhét, tuyên truyền về những hình ảnh tươi đẹp của tháng tư mà chế độ đã áp đặt lên cho cả nước, buộc mọi người phải nghỉ một ngày làm việc, gọi là “nghỉ lễ ăn mừng chiến thắng” hầu che lấp đi những tội ác tày đình, những việc làm đại nghịch vô đạo của họ đã gây ra biết bao tang tóc, đau khổ cho không biết bao nhiêu gia đình Việt Nam. Những hình ảnh sinh hoạt của ngày lễ tưởng niệm 30-04 hằng năm cần phải được lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội để các em tận mắt nhìn thấy và từ đó tìm hiểu để biết những gì thật sự đã xảy ra trên quê hương chúng ta trong biến cố 30-04-1975.

Ông Trần Văn Thắng (trái) và ông Đinh Ngọc Hiển (phải) trong phần phát biểu

Ông Trần Bình Trường, đại diện Hội Phật giáo VN tại Hòa Lan; ông Trần Văn Thắng, đại diện Gia đình Quân Cán Chính QLVNCH và ông Đinh Ngọc Hiển, đại diện cơ sở Việt Tân đã lần lượt phát biểu nhận định về hiện tình đất nước, tình trạng nhân quyền, xã hội v.v… tại Việt Nam. Đặc biệt, một nữ đồng hương đến từ Nantes (Pháp) cũng đã nhắc lại thảm cảnh tù đày trong trại cải tạo, trên đường vượt biển và hiện nay là những tệ nạn đưa nhân công đi lao động nước ngoài để kiếm tiền trong các dịch vụ lo giấy tờ…

Sau phần chính thức của lễ tưởng niệm, nhiều người đã lên thắp nhang nơi bàn thờ tổ quốc. Một tiệc trà nhỏ đã được chùa Vạn Hạnh khoản đãi cho các người đến tham dự, khoảng hơn 50 người. Ban tổ chức đã phát những sticker với hàng chữ “30-4 / 1975-2023 / 48 năm Quốc Hận” để mọi người có thể dán lên bất kỳ những gì gây chú ý và sự tò mò của dân chúng.

Vì nhận thấy cuộc biểu tình trước Tòa đại sứ VN tại Den Haag không còn mang lại tiếng vang như mong muốn, CĐVNTNCS/HL năm nay đã quyết định tổ chức theo phương cách khác, là tại nơi đặt tượng đài thuyền nhân trong khuôn viên chùa Vạn Hạnh. Trong buổi lễ tưởng niệm, cũng như trong bài phát biểu, vài vị cũng mong muốn sẽ có ngày gây lại hình thức tổ chức như 45 năm qua, tuy biết rằng điều đó khó có thể thực hiện.

.

Cái Đình

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/letuongniemquochan2023.html


Cái Đình - 2023