Nguyễn Hiền
Hồng Lâu Mộng đã được dịch sang tiếng Hòa Lan
.
Sau 12 năm miệt mài làm việc, nhóm 3 dịch giả (Mark Leenhouts, Anne-Sytske và Silvia Marijnissen) đã hoàn thành ấn bản tiếng Hòa Lan của Hồng Lâu Mộng, đại tác phẩm văn học Trung Hoa.
Đây là bản dịch trọn bộ đầu tiên tiếng Hòa Lan, ra mắt chậm hơn các bản dịch Pháp, Anh và Đức ngữ nhiều thập kỷ.
Dịch phẩm mang tên “De Droom van de Rode Kamer”. Cả ba dịch giả là những người chuyên nghiên cứu về văn học Trung Quốc và đã dịch nhiều thơ văn kim cổ từ tiếng Hoa sang tiếng Hòa Lan.
Hồng Lâu Mộng là tiểu thuyết tình cảm cổ đại nổi tiếng nhất của Trung Hoa, và là một trong tứ đại danh tác (Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, xếp theo thứ tự thời gian). Tác phẩm này do nhà văn sử học Tào Tuyết Cần (Cao Xueqin) sáng tác vào thời nhà Thanh. Ông qua đời sau khi hoàn thành 80 hồi, và sau đó, vào cuối đời Càn Long, Cao Ngạc (Gao E) đã viết (hoặc biên tập lại di cảo của Tào Tuyết Cần) thêm 40 hồi nữa.
Câu chuyện được viết trong thời nhà Thanh, khi nền kinh tế đạt đỉnh cao thịnh vượng. Lúc này, người dân mới chú trọng đến đời sống tinh thần hơn, dám bộc lộ những quan điểm, chính kiến của mình và khao khát tự do mãnh liệt.
Tào Tuyết Cần sinh ra trong một gia đình đại quý tộc nhưng dần suy vong, tan vỡ khi ông lớn lên. Hồng Lâu Mộng, do đó có thể xem là phản quang những hồi ức của Tào Tuyết Cần về cuộc sống quý tộc đã tan vỡ đó. Mặt khác, có thể nói Hồng Lâu Mộng là xã hội Trung Hoa thu nhỏ thời Mạt Thanh và cuộc gặp gỡ của những tư tưởng thời đại.
Cao Ngạc sống vào cuối thế kỷ 18 - đầu tk. 19. Ông giỏi về kinh sử, thi văn, tiểu thuyết, hát tuồng, hội họa. Ông và Trình Vĩ Nguyên là những người đầu tiên xuất bản bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng với 120 hồi (các bản trước với 80 hồi của Tào Tuyết Cần mang những tên khác – một trong những tên này là Thạch Đầu Ký, là tên do họ Tào ghi trong chương đầu, khi giới thiệu về câu chuyện).
Bản tiếng Hòa Lan là bản dịch toàn tập 120 hồi, tổng cộng 2160 trang, gồm 4 cuốn. Riêng cái tựa cũng là chuyện nhức đầu. “Mộng” trong tiếng Hán có nhiều nghĩa khác nhau. Trong các ngôn ngữ tây phương không có từ nào có thể diễn đạt được đủ những nghĩa này. Các bản dịch Anh, Pháp, Đức ngữ… đều dùng từ với những nghĩa đơn giản nhất (Dream, Rêve, Traum…). Vì thế bản tiếng Hòa Lan cũng phải dùng từ “Droom”.
Chuyện nhức đầu thứ hai là các nhân vật. Trong tác phẩm có tất cả 448 nhân vật, mang 561 tên khác nhau (do thay họ đổi tên hoặc mang tên thường gọi). Câu chuyện xoay quanh những gì xảy ra với nhân vật chính Bảo Ngọc (Baoyou), một công tử quyền quý vốn là hòn đá giáng xuống trần, sống trong Giả Phủ (cơ ngơi của gia đình họ Giả). Cũng vì thế, trong số 561 nhân vật này có 55 người mang họ Giả (Jia). Tào Tuyết Cần chọn họ Giả vì từ này cũng mang nghĩa “không thực”, như muốn nói là câu chuyện được dựng ra cũng là thực hư khó đoán. Do những liên hệ tình cảm phức tạp suốt dọc tác phẩm, cách xưng hô theo nghi thức Đông phương cổ của Trung Hoa, việc chuyển Hoa ngữ sang một ngôn ngữ Tây phương không phải chuyện dễ dàng. Các dịch giả đã chọn phong cách đối thoại tương đối hiện đại, vì nếu diễn tả với phong cách cổ xưa Tây phương sẽ làm người đọc rối trí thêm.
Bản gốc tiếng Hoa, chưa kể những sách tóm lược, sách hình v.v. tới nay đã bán được hơn 100 triệu bản. Bản tiếng Hòa Lan, theo như nhà xuất bản, ra lần đầu 3000 bản, không hiểu sẽ được tiêu thụ ra sao. 12 năm công sức của 3 vị học giả, tính ra tiền chỉ là chuyện làm cho vui, mặc dù báo De Volkskrant tháng 12/2021 đã đánh giá tác phẩm này là một trong 3 tác phẩm giá trị nhất trong năm.
.
Nguyễn Hiền
__________
De Droom van de Rode Kamer
Tác giả: Tào Tuyết Cần (Cao Xueqin), được dịch bởi Mark Leenhouts, Anne Sytske Keijser en Silvia Marijnissen.
Bộ 4 cuốn. Tổng cộng 2.160 trang
Bìa: Evelien Doornebal
Nhà xuất bản: Athenaeum – Polak & Van Gennip (2021)
ISBN: 978 90 253 0088 3
Giá: € 99,-
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/honglaumongdaduocdich.htm