Thanh Tâm


“Hội Việt Nam” ở Voerendaal

 

Đáp lời mời của một thành viên trong Ban Tổ chức, tôi đã bỏ hơn 2 giờ lái xe trong buổi chiều thứ sáu 15/05/2015, để tới một ngôi làng hẻo lánh vùng Limburg cực nam Hòa Lan, dự buổi gala “Show ca nhạc ăn tối” (Dinnershow Vietnam) mà chương trình xem ra có phần hấp dẫn. Mặt khác, cũng để thỏa tính tò mò, vì theo như tôi biết, trong vùng khỉ ho cò gáy này chẳng có bao nhiêu người Việt sinh sống.

Một sự ngạc nhiên khi vừa bước vào hội trường Trung tâm sinh hoạt De Borenburg trong khu Furenthela là sự tổ chức chu đáo, phong cách trang trí nhà nghề. Được biết, buổi hội này được thành hình bắt nguồn từ một chuyến “đi thăm và sống chung” tại Việt Nam của một số em học sinh trung học Sinter Meerten College (Heerlen) và các trường trong vùng, và họ đã cùng phụ huynh và các thầy cô làm một ngày “Hội Việt Nam”, thứ nhất để có dịp nói về đất nước Việt Nam mà họ rất có cảm tình, và thứ hai, là một dịp gây quỹ giúp cho những người đang trong hoàn cảnh thiếu thốn ở Việt Nam.

Điệu ngạc nhiên thứ hai, là trong số hơn 150 quan khách, chưa có được 10 người Việt Nam. Chắc hẳn có nhiều người, vì lý do quan điểm chính trị, đã không muốn đến tham dự, mặc dù trong những buổi như vầy ai cũng hiểu là chúng ta không thể bắt họ phải treo cờ vàng ba sọc đỏ, hay bắt những em học sinh phải bỏ chiếc áo thun màu đỏ với ngôi sao vàng bự chần dần trước ngực mà các em đã hãnh diện mang từ Việt Nam về như món quà kỷ niệm, nay có dịp mang ra khoe. Khi hỏi chuyện những khách Hòa Lan, tôi chợt giựt mình khi thấy nhiều người, nhất là các bạn trẻ, không hề biết là Việt Nam đã có một thời chia đôi, và sau đó là cuộc chiến tương tàn đẫm máu giữa anh em hai miền nam bắc, bị điều khiển bởi các dòng ý thức hệ. Ngoảnh đi ngoảnh lại, 40 năm qua như chớp mắt, đã 2 thế hệ sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến Quốc Cộng!

Trong bài diễn văn khai mạc, Thị trưởng Voerendaal, ông Wil Houben (đảng VVD) đã nhấn mạnh đến thực trạng của Việt Nam hiện nay. Là một quốc gia phát triển nhanh trong vùng, đời sống người dân có khá lên, nhưng bên cạnh đó, hố ngăn cách giàu nghèo ngày thêm sâu. Đó là lý do ông tán thành những kế hoạch như của các em học sinh thực hiện trong buổi tối này.

Sau đó, các em của những toán công tác Việt Nam đã lần lượt trình bày những nét chính về đất nước và xã hội Việt Nam, những cảm nghĩ đúc kết của toán sau chuyến đi. Chen vào giữa những tiết mục này là những màn trình diễn văn nghệ, hát múa, cover… do các mầm non đảm trách. Đặc biệt có màn trình tấu những bài nhạc cổ điển trên piano của anh Kasper Schonewille, một pianist nổi tiếng của Hòa Lan.

Trong phần đọc thơ văn, ông Dick Gebuys, một cựu giáo viên trường Sinter Meerten College, đã đọc một bài thơ của ông về Việt Nam, với bản dịch Việt ngữ của Di Li, một cây bút nữ trẻ ở Việt Nam. Ông cho biết tập thơ sẽ được phát hành tại Việt Nam vào mùa hè năm nay (2015).

Mục xổ số tombola được thực hiện dưới hình thức: một số phụ huynh hảo tâm và một số cơ sở sponsor tình nguyện làm những giải thưởng có giá trị đóng góp cho tổ chức, trong khi đó tiền bán vé được dùng cho những kế hoạch phúc lợi ở Việt Nam.

Là dinnergala (Đại Tiệc), những người tham dự cũng được thưởng thức một số món ăn Việt Nam, đặc biệt những món bánh ngọt do các phụ huynh học sinh Việt Nam làm tặng cho ngày hội. Điểm đáng buồn là, không riêng người Việt, mà cả nhiều người Hòa Lan phát hiện ra những món ăn không phải món Việt Nam mà là món Inđô, Thái, Ấn… Biết than cùng ai đây.

Đây không phải là lần đầu tiên Dinnershow Vietnam được Sinter Meerten College tổ chức. Năm 2012 họ cũng có một Dinnershow Vietnam tương tự, được mô tả là thành công.

Tôi giã từ những người Việt Nam hiếm hoi lúc quá 11 giờ, bụng rỗng, lại nghĩ đến chặng đường hơn 2 tiếng trở về mà phát ớn. Đi làm phóng sự chẳng phải lúc nào cũng hài lòng, rõ ràng là vậy.

Thanh Tâm
(05/2015)

___________

Xem hai bài thơ của Dick Gebuys đọc trong buổi gala:

The American War

Cuộc Chiến Với Người Mỹ (Di Li dịch)


Cái Đình - 2015